Wednesday, November 25, 2015

Nữ chuyên gia gốc Việt đi cùng TT Obama sang châu Á

 
Hai phóng viên Christi Parsons và Micheal Memoli của báo Los Angeles Times trong bài viết ngày 20/11 cho biết trong đoàn chuyên gia và cố vấn tháp tùng Tổng thống B. Obama trong chuyến đi 10 ngày ở Đông Nam Á mới đây có một cô nữ chuyên gia cao cấp gốc Việt mới 39 tuổi. Dưới đây là tóm lược bài báo thú vị này.
Cô Elizabeth Phu có một quá trình đặc sắc cùng bố mẹ di tản năm 1978 sang Malaysia rồi sang Hoa Kỳ khi cô là em bé mới lên 3, lớn lên ở tiểu bang California, học trưòng trung học Meramonte ở thành phố Oakland, vào Đại học Berkeley, tốt nghiệp Đại học San Diego. Quá trình trưởng thành của cô xuất sắc đặc biệt, do cô có năng khiếu về quan hệ quốc tế, được chọn vào làm việc trong Ngủ Giác Đài tức Bộ Quốc phòng, đến năm 2012 được cử vào nhóm chuyên gia về An ninh quốc gia trong Tòa Bạch Ốc, trực tiếp giúp việc Tổng thống Hoa Kỳ hơn 3 năm nay. Hiện nay cô lãnh nhiệm vụ « cố vấn cao cấp của Tổng thống chuyên trách về Đông Nam Á và châu Đại dương » – gồm Úc, Tân Tây Lan và Tân Đảo.
Cô đã kể lại cảnh cùng khổ do sinh ra đúng vào lúc miền Nam bị thôn tính dưới danh nghĩa « giải phóng », cha cô – ông Frank Phu, do là công chức chế độ cũ bị cưỡng bức đi tù cải tạo mấy tháng, ra tự do liền tìm đường di tản, vào năm 1978.
Cuộc di tản cực đầy hiểm nguy vất vả còn in sâu trong trí nhớ cô, còn được bố kể lại rành rọt khi khôn lớn. Bố mẹ dành dụm tiền, ông bà nội hỗ trợ thêm, mua được mấy chỗ trên chiếc tàu nhỏ đã cũ, chở đến 253 người lênh đênh trên mặt biển sóng gió. Tàu có 2 máy, chỉ vài ngày sau khi ra khơi bị hỏng một máy, lênh đênh mất hướng, còn 2 lần bị hải tặc Thái lan ngăn chặn, tống tiền. Mọi người gom hết vàng bạc trang sức và nhẫn cưới để nộp cho bọn hải tặc hung bạo. Bố cô đã ngậm trong mồm một số nhẫn vàng bơi sang thuyền của bọn hải tặc nộp cho chúng đề tàu được đi tiếp, sau đó được tàu Malaysia kéo vào đảo Pulau Penang.
Vài tuần sau, cả gia đình được đón sang Hoa Kỳ, mẹ làm việc nuôi trẻ và bố làm công chức cho một công ty tài chính, cố gắng nuôi cô ăn học và thành đạt.
Cuộc đời đầy sóng gió của cả gia đình từ khi cô mới lên ba, – là một « thuyền nhân » tý hon, bé nhỏ nhất trong hàng triệu thuyền nhân VN bất hạnh, nay trở lại vùng biển cũ, đặt chân lại trên đất Malaysia, nơi có những kỷ niệm kinh hoàng khó quên, với một chức danh mới « cố vấn cao cấp » cho Tổng thống Hoa Kỳ, đi dự Hội nghị cấp cao ở Kuala Lampua, cô Elizabeth Pú có nhiều cảm súc độc đáo.
Vừa xúc động nghĩ về bản thân mình, khi từ tấm bé chưa biết đi đã phải theo bố mẹ bỏ nước ra đi, gia đình nghèo khổ, tương lai mờ mịt, nay hãnh diện thành một công dân Hoa Kỳ có học vấn cao, lại được tuyển lựa vào một chức danh cao quý đòi hỏi một trình độ khác thường về mọi mặt, là « cố vấn cho Tổng thống » chuyên trách về một vùng châu Á, trong đó có Việt Nam, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tuy đã là công dân Hoa Kỳ, cô vẫn học nói tiếng Việt, tiếng nói của quê hương gốc, nghiên cứu chuyên sâu về tình hình VN, về số phận các thuyền nhân, về cả khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, để góp ý với Tổng thống Hoa Kỳ những ý kiến thích hợp nhất, trên nghĩa vụ là một cố vấn cao cấp trong Nhà Trắng. Cô vẫn hãnh diện về quê hương gốc của mình và có mong muốn cháy bỏng là đồng bào V N, đất nước VN sẽ sớm có Dân chủ, Tự do, có đầy đủ Nhân quyền và hội nhập hoàn toàn vào thế giới dân chủ thế giới, do Hoa Kỳ hùng mạnh và văn minh, – Tổ quốc hiện nay của cô, dẫn đầu.
Cô còn xúc động sâu xa vì một chủ đề lớn trong chuyến đi này của Tổng thống Hoa Kỳ là duy trì tự do hàng hải trên vùng biển Đông của VN cho thông thương quốc tế, vấn đề chống khủng bố và vấn đề người di tản tỵ nạn đang nóng bỏng ở nhiều nơi.
Cô đã cùng Tổng thống Obama gặp gỡ một số dân tỵ nạn ở Malaysia, những người có chung cảnh ngộ với cô và gia đình cô cách đây hơn 34 năm, khi cô còn phải nằm trong tay mẹ để đi vào cuộc hành trình đầy sóng gió và bất trắc.
Cuộc đời mở đầu bất hạnh nhưng ngày càng có hậu và đi đến đỉnh cao thành đạt do môi trường xã hội dân chủ và do nỗ lực bản thân của cô Elizabeth Phú là tấm gương sáng về quá trình phấn đấu bền bỉ của một người dân tỵ nạn, sau khi thoát khỏi chế độ độc đoán toàn trị lạc hâu và độc ác.
Bùi Tín

No comments:

Post a Comment