Wednesday, July 1, 2015

San Jose, chuyện kể từ đầu.


 
Ghi chú: 
Tháng 10 năm nay, tôi đựợc báo Việt Luận mời qua Úc châu. Bạn thâm niên ở NSW có con bên San Jose bèn hỏi rằng cái xứ Zôzê có gì lạ. 
Bác Phan Lạc Phúc định cư ở Úc đã từng ghé San Jose nhưng chẳng nhớ được nhiều và cũng không nghĩ rằng sẽ có ngày trở lại. 
Bác Thanh Thương Hoàng ở San Jose thì chỉ mong có ngày qua Úc thăm con trai. 
Bác Lê Trung Hiền nói rằng qua Úc cho tôi hỏi thăm ông Phúc đại đội trưởng đầu tiên của tôi ngoài Bắc thời kỳ 50. Nói là có thiếu úy Hiền ở San Jose vẫn có ý chờ. 
Vũ Thế Quang cũng muốn đi từ DC xuống San Jose rồi qua Úc mà chẳng biết bao giờ. 
Bác Văn Quang muốn đi từ Úc đến San Jose nhưng xem ra vô vọng. Các bạn già loanh quanh các tiểu bang Hoa Kỳ  không khó. 
Vượt thác Niagara qua Canada cũng có thể. 
Nhưng tuổi cao niên đi Úc xem chừng khá vất vả. 
Vậy mà chúng tôi có cơ hội cho chuyến đi cuối đời.  
Xin kể chuyện San Jose tặng báo Việt Luận và độc giả ở miền dưới địa cầu. 
Tôi đã viết nhiều về "My hometown San Jose" nay xin viết lại thật dài. Cũng xin gửi tặng các thân hữu đồng hương đã cùng sống với nhau “Những ngày xưa thân ái” tại thành phố này. Kỳ này tôi đem San Jose gửi đến Sydney.
 
 Cali, ngày trở lại. 
Cách đây 37 năm gia đình chúng tôi trở lại California vào tháng 8 năm 1976. 
Nói là trở lại Cali vì sau vụ di tản tháng 4-75 chúng tôi đã đến Hoa Kỳ vào tháng 6-75 tạm cư ở Camp Pendleton rồi ra phi trường Los Angeles bay về định cư ở miền Ðông. 
Ở Virginia được 1 tháng thấy không êm, lại tự túc lấy xe đò Greyhound mà về với nhà thờ bảo trợ ở thị trấn Springfield - thủ đô của Illinois. Sau một năm nếm mùi xứ lạnh cả nhà lại cùng bè bạn tổ chức chuyến viễn du Tây Tiến để về ăn trợ cấp ở Cali. 

Đưa người ta đi khai oenphe, sao nghe tiếng sóng ở trong lòng. 
Nắng vàng hiu hắt tên thành họ, chờ đến hoàng hôn lãnh phút tem.
 

Nếu hỏi rằng cái đất Cali huyền diệu và hấp dẫn kéo dài cả ngàn dặm từ Bắc xuống Nam bao nhiêu là thị trấn, tại sao chúng tôi lại cư ngụ tại San Jose. 
Câu trả lời chỉ là định mệnh. 
Thực sự đất Cali vào cuối năm 76 ở đâu cũng có một số bạn bè nhưng bước chân tha hương đã dừng lại đặt cọc tiền nhà ở cái Apartment đường số 7 thì San Jose chính là xóm làng mới của chúng tôi. 
Thấm thoát đã gần 40 năm tại Hoa Kỳ và trong đó có 37 năm đơn vị Giao Chỉ đóng quân quanh quẩn ở một thị trấn.
Chúng tôi đã có cơ hội chứng kiến thị xã San Jose thay đổi từ bộ mặt cũ kỹ của một thành phố nông nghiệp trải qua thời kỳ điện tử phát triển. 
Với tháng ngày trôi qua, vườn nho và cánh đồng hoa vàng nay trở thành xưởng máy.
Cộng đồng Việt Nam từ 3,500 người cuối năm 75 cho đến bây giờ vào năm 2013 trở thành trên100 ngàn dân, chiếm hơn10% của đô thị đông đảo thứ ba tại California sau Los Angeles, San Diego và qua mặt San Francisco.
Mới đây báo chí tỵ nạn có nhắc nhở đến một nhà văn Hà Nội tên là Trần Văn Thủy, đi phỏng vấn các nhân vật hải ngoại và góp thành một cuốn tiểu luận tựa đề là “Nếu đi hết biển”.
Trong đó có đoạn văn ẩn dụ rất sâu sắc kể rằng lúc còn thơ ấu tác giả hỏi bà thím là nếu đi hết làng ta rồi đến đâu. 
Lời trẻ thơ với các câu hỏi nối tiếp để bà thím trả lời rằng nếu đi hết làng ta sẽ đến làng bên, rồi lên huyện, lên tỉnh rồi ra đến biển. Khi cậu bé hỏi rằng nếu đi hết biển thì đến đâu, bà thím buồn rầu không trả lời được. 
Cậu bé Trần Văn Thủy lớn lên đi năm châu bốn bể đã tìm được câu trả lời là đi qua các quốc gia, các đại lục rồi sẽ trở về cố hương. Trong một bài tạp ghi tôi đã viết rằng tuy rất tâm đắc ý kiến của tác giả nhưng vẫn thấy cần phải đưa ra một phản đề bởi vì tôi cho rằng ông không hiểu hay là cố ý không muốn hiểu tâm tình của người tỵ nạn. 
Người du khách đi lang thang bốn phương trời chân không bén rễ thì sẽ về lại cố hương. Nhưng lưu dân di tản tỵ nạn như chúng tôi thì nơi nào an cư lạc nghiệp, nơi đó sẽ chính là quê hương. 
Thực vậy, những năm đầu dù đã lập nghiệp, mua nhà, dựng vợ gả chồng cho con cái, người lưu dân có khi vẫn tưởng mình ở cõi tạm dung. Rồi những năm tháng dần qua, đất tạm dung chẳng biết đã trở thành quê hương mới từ lúc nào không rõ. Vì vậy xin kể câu chuyện sau đây.
Chúng tôi có thằng cháu họ làm thợ máy ở Thủ Ðức.
Bà chị chúng tôi kiếm tiền cho nó vượt biên. 
Vài tháng sau có thơ từ Thái Lan gửi về báo tin là bây giờ cháu làm thợ chạy máy đèn cho trại. 
Ngày lãnh được hơn 10 Mỹ Kim, khá lắm. Cháu muốn ở lại, không đi đâu nữa. Ở quê nhà ra lệnh nó phải tiếp tục đi, cứ hướng ra biển mà đi. Thằng nhỏ rất tháo vát thi hành theo lệnh mẹ nhưng thấy chờ ở trại Thái Lan quá lâu, đã cùng bạn bè ăn cắp tàu vượt biên mới đến, đổ dầu chạy qua Indo. 
Thật may mắn cháu trải qua bao nhiêu gian khổ đã đến trại tỵ nạn Nam Dương. Chuyện này các báo có đăng tin. Rồi lệnh từ Thủ Ðức lại đưa ra là nhất quyết phải xin đi Mỹ. Phải đi cho hết biển Thái Bình Dương.
Trải qua 3 năm nằm lỳ cố thủ ở trại sau cùng cháu tôi cũng đến San Jose. Thằng nhỏ viết thơ về báo tin là đã đi hết biển thì bây giờ đi đâu.
Thơ nhà hỏa tốc gửi qua lời lẽ nửa vui mừng nửa giận dữ: “Tiên sư thằng ngu. Ðã đi hết biển mà đến được San Jose thì bây giờ làm giấy đoàn tụ cho mẹ mày và các em qua chứ còn đi đâu nữa".     "San Jose là nhất rồi.”
    image
  image
       Down Town San Jose 100 năm trước và ngày nay
Ðó là lý do mà gia đình tôi cũng như thằng cháu họ đã ở lại San Jose suốt bao nhiêu năm nay. Chúng tôi bao năm thao thức với “mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội”. Ðã nghe đi nghe lại lời ca tha thiết: “Về đây nghe anh, về đây nghe anh, về đây mặc áo the, đi guốc mộc” nhưng sao mãi chẳng quay về cố hương.
Cũng như mọi người, chúng tôi cũng có người em Mùa Thu Hà Nội, “mà sao ở tuổi phong sương anh chưa gắng tìm về.”Cũng như anh em, chúng tôi có 20 năm Sài Gòn tràn đầy kỷ niệm mà sao suốt cuộc đời di tản chỉ nằm mơ với cơn ác mộng bị kẹt lại quê nhà.
Cũng như tất cả di dân tỵ nạn lưu vong, chúng tôi cũng có tấm lòng thương yêu đất nước quê hương, nhưng đôi khi phải hẹn rằng “Nghìn năm sau mới níu bóng quay về.”
Trong khi đó thì San Jose, đất tạm dung đã thực sự cho ta dân chủ, cơm áo, với đời sống đầy cơ hội và được phép mưu cầu hạnh phúc. 
Tuy rất cá nhân, rất vị kỷ, nhưng rất tự do.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc, chưa hề bước chân ra Hà Nội mà đã sáng tác bài “Có phải em là mùa Thu Hà Nội:. 
Tha thiết nghẹn ngào biết chừng nào. 
Và ông Nam Lộc, một “Social Worker” nổi tiếng của thế giới tỵ nạn cũng để lại bản nhạc Vĩnh biệt Sài Gòn hay đến nỗi ở Việt Nam khi nghe được trên BBC đã đồn rằng đây là bản mới của Phạm Duy.
Vậy mà chúng ta bao năm sống trong lòng quê hương San Jose mà không viết được một bài ca ngợi thành phố này. Như vậy có bạc bẽo quá hay không.
Do đó xin viết đôi dòng về San Jose, chuyện kể từ đầu.

MỘT CHÚT LỊCH SỬ
Vào thế kỷ thứ 16, San Jose là vùng đất hoang dã. 
Phải đến năm 1720 mới có dấu vết của con người. 
Ngày 21 tháng 5-1737 di dân định cư tuyên xưng ông thánh Saint Josept và danh hiệu San Jose đã trở thành lịch sử. Hơn 100 năm sau, vào năm 1849 thành phố San Francisco thành lập. 
Kế tiếp ngày 27 tháng 3-1850 tiểu bang California được công nhận và chọn San Jose là thủ đô đầu tiên của California.
Trong số 9 đô thị của Vùng Vịnh Cựu Kim Sơn thì San Jose đất rộng nhất nhưng người thưa nên suốt 200 năm vẫn phải đóng vai đàn em San Francisco vì đô thị này ra đời trước một năm. 
Các bạn có thể đã biết rằng đội ban 49er của Cựu Kim Sơn đã lấy con số 1849 kỷ niệm năm San-Fran thành lập và trở thành đô thị số một của miền Viễn Tây. 
Du khách đến San Francisco không ai biết đường đến San Jose cho đến khi nữ ca sĩ da đen Dionne Warwick đã làm rung động   giới giang hồ với bài ca tình tự POP culture.

- Do you know the way to San Jose, I've been away so long, I may go wrong and lose my way.

Anh có biết đường về San Jose hay không? Tôi đã đi xa từ lâu, nay có thể lạc lối về. 
I'm going back to find some peace of mind in San Jose...

Ðúng như vậy, gần 40 năm trước, những người Việt di tản đã đến San Jose để tìm một chút bình yên, bỏ lại sau lưng một nước Việt buồn.
Vào thời kỳ cuối thập niên 70, San Jose còn những cánh đồng đầy hoa vàng. Xa lộ 87 và 680 đang xây cất. Ngày nay hoa vàng chỉ còn trong kỷ niệm. Cả một khu down town tráng lệ mới mẻ đã dựng lên do tiền bạc thế giới đổ về như nước của một thời vàng son đã làm thành cái nôi của Thung Lũng Ðiện Tử.
Dân số San Jose bây giờ lên đến trên 900 ngàn dân, đông hơn San Francisco và một thời đã được coi là thành phố lớn an toàn nhất nước.
Nhà cửa cũng đắt đỏ hàng đầu quốc gia với lợi tức chung của một gia đình là $80 ngàn Mỹ Kim một năm.
Sự phồn thịnh của San Jose chắc chắn đã có sự góp mặt của người Việt suốt 38 năm qua. 
Tuy nhiên, thực sự đợt di dân đông đảo của người Mỹ từ miền Ðông đến San Jose đã xẩy ra từ hơn 100 năm trước.
Ðúng vậy, hơn 100 năm trước có một gia đình di dân từ Kentucky về San Jose. 
Chồng là bác sĩ, vợ là nhà hoạt động xã hội. 
Họ là những nhà phiêu lưu đi tìm đất lành như chúng ta đến từ Thái Bình Dương. 
Chuyện về gia đình này lập nghiệp ở San Jose là câu chuyện đời thường nhưng rất tiêu biểu. 
Năm 1899, họ mua được một ngôi nhà ngon lành tại San Jose với giá 7,000 đồng. Ngôi nhà này bây giờ trị giá trên một triệu đồng. 
Ði nhổ răng phải trả tiền mặt cho nha sĩ là 5 đồng. 
Nhưng thực phẩm ở vùng này thời đó còn thiếu nên phải mua 3 đồng một con gà và 3 đồng một tá trứng gà. 
Giá trứng gà hiện nay vẫn còn đứng lại nhưng giá nhà thì tăng lên gấp 100 lần. Bà bác sĩ hoạt động thiện nguyện cho nhà thờ cho đến khi về già nên được gọi là Grandma của tất cả mọi người. 
Thành tích gây quỹ xã hội có lần thu đến 100 Mỹ kim. 
Tên của bà vẫn còn đến ngày nay và người Việt nào cũng nhắc đến mà không hề biết rõ. Ðó là gia đình Bascom. 
Trên con đường Bascom có nhà thương Bascom nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam. 
Từ thời của gia đình Bascom, dân số San Jose chỉ có 25,000 cho đến nay thành phố cả triệu dân, đã có biết bao nhiêu thay đổi. 
Trong 30 năm sau cùng của thời hiện tại chúng ta đã đóng góp vào thành phố này bằng sự hiện diện quan trọng nhất là dân số tăng dần vượt tất cả mọi chỉ tiêu về thống kê. 
Trong lúc đi tìm dữ kiện, chúng tôi ghi nhận những mẩu chuyện vụn vặt rất lý thú về người Việt đến Bắc Cali trước 75, trong thời kỳ 75 và sau này. 
Hai vợ chồng một gia đình Việt Mỹ bán đồ nhà binh tại chợ trời Capitol là người quen biết lo sưu tầm các di vật của Việt Nam Cộng Hòa cho chúng tôi. 
Ông chồng là cựu chiến binh ở Việt Nam. 
Ông nói rằng các cựu quân nhân có vợ Việt Nam về cư ngụ tại địa phương này trước năm 75 có quen biết nhau nên thường sinh hoạt chung thành nhóm vài chục người. 
Ông hãnh diện cho biết rằng chỉ còn lại rất ít như gia đình của ông bà vẫn ở với nhau đầy tình nghĩa chung thủy Việt Mỹ. 
Ðợt tỵ nạn từ 75 đã đem lại cho quý bà quý cô cả một chân trời quê hương bỏ lại. 
Các bà dẫn chồng Mỹ vào thăm trại Pendleton ở Nam Cali để làm công tác xã hội, tìm người thân, hoặc là chẳng làm gì cả, chỉ cốt đi xem người Việt tỵ nạn, đón về nhà, mời ăn uống, tìm Sponsor. 
Và sau cùng thì đa số quý bà Việt Nam đều lá rụng về cội. Ði theo tiếng nước tôi để lại cho các ông chồng Mỹ ngơ ngẩn với những chai nước mắm dở dang. 
Như vậy, nếu về chính trị và quân sự,  Mỹ bỏ Việt Nam thì qua lãnh vực tình yêu và gia đình, đa số Việt Nam đều bỏ Mỹ.    Ðó là thế giới của phụ nữ Việt trước 75. 
Ngoài ra còn có thế giới của sinh viên Việt Nam du học trước 75, hiện cũng trở thành nhóm ái hữu sinh hoạt với nhau trong phạm vi riêng tư.  
Còn người Việt đến Hoa Kỳ trong đợt 1975 thì ai là người đến đây đầu tiên. Ký giả Hoa Kỳ đã viết một bài trên San Jose Mercury News ngày 24 tháng 4-1975 đề cập đến nhóm gia đình 154 người đi máy bay World Airway trực tiếp từ Sài Gòn đến San Francisco. 
Ða số quý vị này hiện đã thành đạt và vẫn còn cư ngụ trong vùng. Nhóm gia đình sớm sủa đến Mỹ gồm có các ông cựu tổng trưởng kinh tế Nguyễn Kim Ngọc và ông dân biểu Ngô Trọng Hiếu. 
Từ 29 năm qua cho đến bây giờ. Cộng đồng người Việt sống và trải qua kinh nghiệm của hoàn cảnh song văn hóa. 
Chúng ta sử dụng song ngữ đã đành, chúng ta còn vui hưởng một lượt 2 đời sống rất phong phú. 
Từ sáng cho đến chiều, chợ Mỹ, chợ Việt, báo Mỹ, báo Việt, Radio TV Mỹ Việt đề huề. Thậm chí hóa đơn điện nước, điện thoại cũng đều song ngữ. 
Phiếu đi bầu cũng hai thứ tiếng. 
Ðiện thoại kêu gọi chào hàng làm phiền chúng ta cũng có cả Anh lẫn Việt ngữ. 
 Suốt 12 tháng một năm, chúng ta vui hưởng và tham dự cả Vu Lan lẫn Memorial Day và Mother's Day. 
Nếu là người con hiếu thảo quanh năm ta có thể lên nghĩa trang Việt Nam thăm mộ cha mẹ từ Tết Tây tháng Giêng, Tết Ta tháng Hai, Thanh Minh tháng Ba, Memorial và Mother' Day tháng 5, Father's Day tháng Sáu, Vu Lan tháng 8 và Thanksgiving tháng 11. 
Trẻ em chúng ta vui hưởng ngày Tết Trung Thu tháng 9 và Halloween tháng 10.   
Ðặc biệt quý vị cao niên, thì giờ rộng rãi yêu văn chương chữ nghĩa có cơ hội vào thư viện thành phố 9 tầng, 177 triệu Mỹ kim để tham khảo một triệu thứ tài liệu. Bấm máy điện toán có phần tiếng Việt. 
Quý vị có thể đem về 10 tape Thúy Nga Paris hay văn nghệ Asia và 100 cuốn sách một lần. 
Nhưng chắc chắn không ai có thể đọc được nhiều như thế vì còn phải dành thì giờ cho 6 chương trình TV, 6 đài Radio 24/24, hàng chục tờ tuần báo và nguyệt san cùng với 4 tờ nhật báo. 
Tất cả đều phát không và toàn bằng Việt ngữ.
Về văn hóa ẩm thực thì phải nói rằng các thức ăn căn bản của các sắc dân không đâu ngon hơn California, gồm cả thực đơn Việt Nam. Hamburger ở Cali ngon hơn ở Ðức, Pizza ngon hơn ở Ý, Vịt Bắc Kinh ngon hơn ở Bắc Kinh, Tacco ngon hơn ở Mễ. 
Bánh Tôm Cổ Ngư ngon hơn Cổ Ngư Hà Nội, Chả Cá ngon hơn ở Thăng Long. 
Ðó không phải là ý kiến của chúng tôi mà chính quý vị đi chơi khắp bốn phương trời về nói lại. Và đặc biệt là món phở. Dù cho đi bốn phương trời hay về cả ở ba miền Trung Nam Bắc Việt Nam, trở lại Hoa Kỳ ai cũng nói Phở Cali là nhất. 
Sau hết, chúng tôi đã tham khảo qua các tác phẩm của hơn 16 sắc dân đến Hoa Kỳ trong 100 năm qua viết về nước Mỹ. Có thể đi đến kết luận rằng đây là một xã hội tuy không toàn hảo như gần đạt được chỉ tiêu mà con người mong muốn. 
Một xã hội tự do, tôn trọng nhân phẩm, con người có cơ hội đồng đều. Chỉ cần làm việc một giờ đủ tiền cho thực phẩm một ngày. Hai giờ là đủ mua một bộ quần áo. Dù là lương tối thiểu, giàu hay nghèo ai cũng có xe hơi chạy trên xa lộ trị giá trên 100 tỷ đô la khắp nước Hoa Kỳ.
Cũng bắt đầu từ 38 năm về trước khi cộng đồng Việt Nam thành hình thì San Jose trở thành trái tim của miền Bắc California.
Toàn thể người Việt tại Bắc Cali hiện có 300 ngàn dân nhưng riêng thành phố San Jose có 100,000 vào kỳ kiểm kê dân số năm 2010. 
Hiện nay San Jose là thành phố đông dân Việt nhất trong số tất cả các đô thị trên thế giới.
Ngoài đặc điểm về dân số, San Jose còn có khá nhiều thành tích về những hoạt động tiên phong của người Việt tại Hải Ngoại. 
Về truyền thông miền Bắc có tờ nhật báo Việt Nam của Nguyễn Kim Bảng phát hành hàng ngày trước khi tờ Người Việt ở quận Cam ra đời. Nhật báo Việt Nam vẫn còn tiếp tục đến nay cùng với nhiều nhật báo khác như Thời Báo, Cali Today v.v...
Radio Ðông Thành cũng là chương trình phát thanh đầu tiên và tiếp theo Truyền hình Việt Nam Tự Do cũng là chương trình TV Việt ngữ hàng ngày đi tiên phong tại Hoa Kỳ trước cả miền Nam California.
Dân Việt Bắc Cali cũng tổ chức lễ tưởng niệm 30 tháng 4 lần đầu tại công viên St. Jame năm 1978 và tổ chức Hội Tết quy mô lần thứ nhất vào năm 1983.
Về phương diện văn hóa xã hội, cơ quan IRCC, Inc. do người Việt thành lập để cung cấp dịch vụ tỵ nạn từ năm 1976. Trong khi đó trung tâm Việt ngữ Văn Lang với 1,000 học sinh và gần 200 giáo chức nhân viên tình nguyện vừa tổ chức chào mừng 25 năm công tác. 
Các đoàn thể Hướng đạo, Không quân, Hải quân, Nhảy dù v.v. cũng đều có lịch sử sinh hoạt một phần tư thế kỷ.
San Jose cũng là nơi có Câu Lạc Bộ Việt Dã Việt Nam tham dự các kỳ chạy đua với Hoa Kỳ và chạy đuốc Tự Do từ SF về San Jose vào dịp Tết mỗi năm.
Ðặc biệt cũng tại miền Bắc California một nghĩa trang hoàn toàn Việt nam đã được thành lập từ năm 1978 tại Los Gatos với 500 phần mộ. 
Kỳ đài Việt Nam Cộng Hòa cũng đã được thiết dựng từ năm 1990 tại đường Capitol Expwy nhưng đến năm 2000 vừa qua đã được di chuyển về vườn Kelley, nơi sẽ hoàn tất công viên văn hóa đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ. 
Cũng tại Vườn Kelley cạnh Senter Road một ngôi nhà cổ Victoria đã trở thành Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa đầu tiên trên thế giới do cơ quan IRCC thực hiện.
    image       image      
                Vitoria House 1880 và Viet Museum ngày nay 2013
Về lãnh vực kinh tế và thương mại Bắc California có khả năng tiềm ẩn rải rác từ Sacramento, San Francisco, Oakland, San Jose đến Milpitas. 
Ðã có nhiều khu thương mại Á Châu và Việt Nam và cũng trở thành một Little Saigon như tại Orange County. Khác hẳn tại các thành phố nhỏ như Westminster, Garden Grove miền Nam khi người Việt mới đến các nơi này chưa phải là vùng đông dân, do đó người Việt có cơ hội lập thành các khu vực với ranh giới riêng biệt. 
Tại Bắc Cali, dân tỵ nạn Việt Nam đến định cư đã hội nhập ngay vào các khu đông đảo người Mỹ, người Mễ nên phải nỗ lực tìm đường sinh tồn để dần dần vươn lên. 
Dù vậy, tại San Jose cũng có các khu thương mại Việt Nam ngay tại Down Town, khu Senter, khu Tully hoặc tương đối văn minh như khu Grand Century ở góc đường Story.
Hơn 20 năm trước, 2 bên đường phố tại San Jose toàn là đất trống với hoa vàng rực rỡ. Suốt 2 thập niên ngành điện tử nở hoa kỹ thuật. 
Ðất trống trở thành hãng xưởng. 
Hoa Kỳ gọi đây là Thung Lũng Ðiện Tử. 
Hầu hết 80% người Việt làm cho các hãng điện. 
Ða số chồng là Technician và vợ làm Assembly. 
Ca dao của Giao Chỉ có câu là:
 Ở đây chồng tếch vợ ly. Cùng làm một xíp còn gì sướng hơn.Rồi tiếp đến thế hệ kế tiếp, con cái tốt nghiệp đa số vào làm kỹ sư.
Cùng với ngành điện tử phát triển, Việt Nam nhẩy vào làm ăn trong lãnh vực xe lunch. Chồng lái xe, vợ nấu bếp. 
Hàng trăm xe lunch ngược xuôi bán bữa ăn trưa cho nhân công các hãng. Thoạt đầu thuê xe, sau lên làm chủ xe và có các nhà làm ăn lớn trở thành chủ bãi. 
Ðây là các cơ sở Parking và tiếp liệu cho hàng trăm xe lunch. 
Gia đình ông Lê từ quê hương miền Tây nổi danh tại San Jose trong kỹ nghệ xe lunch. 
Hiện nay trở thành công ty lớn với danh hiệu Lee's Brothers đưa bao bánh mì vĩ đại lên các nóc nhà để làm huy hiệu tiêu biểu cho ngành Fast Food Việt Nam chinh phục thị trường Mỹ.
Về một lãnh vực khác, ông Ngô Hứa, một công dân gốc Bạc Liêu, mở đầu sự nghiệp bằng xe bán cá lẻ ngược xuôi từ Monterey đến San Francisco, bây giờ trở thành nhà tư bản quan trọng trong thương vụ hải sản tại Hoa Kỳ, chủ nhân nhiều bến tàu, bến cá từ Ðại Tây Dương qua Thai Bình Dương. 
Cùng một lượt, trên các khu thị tứ toàn nước Mỹ hệ thống phở Hòa phát triển đưa hương vị độc đáo của tô phở đến các tiểu bang. 
Dù vậy ai cũng nhớ rằng tô phở Hòa đầu tiên bắt đầu ở San Jose. 
Chúng ta cũng không quên sự phát triển vượt bực của Việt Nam trong ngành nail. Ngồi ráp hàn trong xưởng, chạy xe lunch ngoài đường hay mở tiệm sơn móng tay, tất cả đều mở đường cho con cháu xây dựng thế hệ tương lai. 
Khi nói đến San Jose, không thể không nói đến rất nhiều chủ nhân của các hãng điện tử gốc Việt đã thành công và hiện vẫn còn giữ vững tay lái trong cơn sóng gió kinh tế hiện nay. 
San Jose cũng là cái nôi của các tổ chức Kháng chiến, Phục hưng và là nơi các vị lãnh đạo VNCH lựa chọn để tái xuất giang hồ như Thiếu Tướng Kỳ, Tổng Thống Thiệu và Ðại Tướng Khánh.
Ðó là câu chuyện của xóm làng San Jose gần 40 năm về trước rồi từ đó đến nay biết bao nhiêu vật đổi sao dời. 
Ở Á Châu người ta thường nói đến chuyện dâu bể. Trải qua thời gian, biển cả được con sông bồi đắp phù sa trở thành ruộng dâu. 
Và những người dân Việt tiền phong đã đến đất này khai phá và xây nền móng cho cộng đồng và lớp người đến sau đã mở rộng chân trời để hình thành cả một quê hương của riêng ta trên đất mới.
Vào đầu năm 2005, khu bầu cử số 7 với 30% cử tri Việt Nam náo nức về tin có đến 5 ứng cử viên trẻ Việt sẽ ra ứng cử nghị viên thành phố. Ðây sẽ là một bài học mới hào hứng cho một vận hội mới. 
Khi niềm mơ ước một nghị viên gốc Việt thành sự thực lại tiếp theo với những khác biệt chia rẽ cả cộng đồng mà vết thương vẫn chưa hàn gắn.
Mặc dù miền Bắc của chúng ta không đông đảo bằng quận Cam, không có khu Little Saigon sầm uất nhưng chúng ta đã có nhiều khả năng tiềm ẩn. 
Chúng ta không quá tập trung để trở thành xa cách với dân địa phương. 
Chúng ta có cơ hội hội nhập nhiều hơn và đây là ưu điểm đáng lưu ý.
Khi chúng tôi có dịp xuống thăm khu thị tứ của cộng đồng Việt miền Nam, đã có những cảm tưởng vừa tự hào vừa quản ngại. 
Người Việt xây dựng được cả một thành phố Saigon nhỏ trên đất Mỹ quả thực là điều đáng hãnh diện. Tuy nhiên, toàn thể quê hương mới của dân ta không hề hấp dẫn người Hoa Kỳ và các sắc dân khác.  
Do đó, có thể coi là chúng ta nên bằng lòng với sự phát triển chừng mực của cộng đồng Việt tại San Jose vì đây chính là sự thăng bằng giữa vấn đề bảo toàn truyền thống và việc tham dự vào con đường hội nhập.
Sau cùng, như chúng tôi vẫn thường góp ý kiến, tất cả lớp người tỵ nạn của bao năm qua chỉ là đợt khai phá tiền phong. 
Chúng ta chỉ là những cây tràm, cây đước của miền Ðồng Tháp - Cà Mau. 
Sau này con cháu chúng ta mới thực sự là cam quít.
Nếu ta có bền gan vững chí, thành công hay thất bại thì cũng chỉ là những viên gạch lót đường cho các cộng đồng tương lai sẽ dựng lên và mãi mãi tốt đẹp về sau. 
Chuyện sau cùng là phải nói đến mối ràng buộc với quê hương. 
Dù ra đi trong hoàn cảnh nào thì mọi sắc dân định cư trên đất mới cũng trải qua những kinh nghiệm như nhau. 
Phần lớn nhận nơi này làm quê hương. 
300 năm trước người Anh đến Tân thế giới để trở thành người Mỹ. 
Đã hai lần đem quân về cứu quê hương. 
300 năm sau hiệp hội các quốc gia bị cộng sản thống trị họp tại San Francisco đã ghi nhận rằng, dù cố hương còn độc tài hay đã tự do dân chủ thì làm tân công dân trên đất mới vẫn giúp cho quê nhà nhiều hơn là quay về. 
Xem ra tưởng là vị kỷ nhưng chính là chân lý. 
Vấn đề là, anh còn nhớ hay anh đã quên?.

Giao Chỉ - San Jose 2013

No comments:

Post a Comment