Friday, June 29, 2012

Văn Hóa Mác-Lê và Văn Hóa Dân Tộc, Huỳnh văn Lang.


1 - Động lực nào?
Câu chuyện nầy khời sự từ năm 1931-32, lúc Sinh chưa đến 10 tuổi tây. Sinh là con nhà giàu, có thầy dạy tại gia từ lúc lên sáu. Thầy của Sinh là một một frère des Écoles Chrétiennes (trường Taberd Saigon) có bằng thành chung, cũng là người anh em cô cậu với Sinh, vì tình trạng sức khỏe phải về nhà nghỉ dài hạn. Tên anh là Lê văn Tân, con cả của cậu Út, người họ đạo C.G. Bải xan, quê ngoại của Sinh. Anh lớn hơn Sinh 15 tuổi. Trong gẩn 4 năm, trừ ra những khi anh về Bải Xan thăm gia đình cha mẹ 3, 4 ngày và những ngày lễ lớn trong năm, kỳ dư anh dạy Sinh it ra là 3 giờ mỗi ngày và 6 ngày mỗi tuần, Đi chơi đây đó thì thầy trò cùng đi, có khi thầy theo trò đi đá cá đá gà tre với trẻ nhỏ trong làng. Tuy nhiên cờ tướng là môn sở trường thầy dạy trò để cùng nhau giải trí trong những giờ nghỉ ngày nghỉ, đến một lúc tài nghệ thầy trò tương đương nhau nửa ngựa.
Sau hơn 3 năm thầy trò cả hai cần mẫn người dạy kẻ học thì trình độ học thức của Sinh được thầy nhìn nhận là dư sức để đi thi bằng tiểu học theo chương trình Pháp. Lúc bấy giờ luật giáo dục Pháp bắt buộc con em nào muốn thi bằng nào cũng phải nộp đơn qua hệ thống trường công, nên trước khi đầy 10 tuổi Sinh đã phải ghi tên học lớp nhứt trường tiểu học làng Bình Phú, được gọi là trường tiểu học Láng Thé. Trường nầy ở bên liên tỉnh lộ Vĩnh long- Trà Vinh, cạnh bên Nhà Việc (tức là trụ sở nơi làm việc các hương chức làng), trường chỉ cách nhà ông nội và cha mẹ Sinh ở ấp Long Thuận làng Nhị Long khoảng 3 cây số ngàn. Và trong niên khóa 1931-32, hằng ngày Sinh phải đi học trường tiếu học Láng Thé. Điều đầu tiên phải nói ra đây là Sinh đi học bằng xe hơi, một chiếc xe Fiat nhỏ, có tài xế riêng (anh Ba Mau, người Kampuchea). Ăn mặc thì luôn luôn quần short Kaki, áo sơ-mi trắng ngắn tay, đi săn-đan da. Phương tiện chuyên chở và cách ăn mặc là 2 điều làm cho Sinh thẹn thùng nhứt khi đi đến trường trình diện thầy giáo Chữ.
Thời đó, ngày hoc 2 buồi, sáng từ 8 giờ đến 12 giờ trưa, học trò về nhà ăn cơm ngủ trưa, 2 giờ trở lại hoc tiếp đến 5 giờ. Vì thế mà cha mẹ phải gửi Sinh cho một gia đình, tên Trần Dình, có tiệm bán chạp phô và một thớt thit heo ngoài nhà lồng chợ. Sau buổi học sáng, Sinh về đó ăn cơm trưa và ngủ nghỉ, để 2 giờ phải trở lại trường học đến 5 giờ chiều thì đã có xe hơi nhà đến rước.
Nhà chú Dình có 2 cô con gái, tên con chị là Phụng, 14 tuổi ở nhà giúp mẹ trông nôm cửa tiệm; con em tên là Loan, khoảng trên 10 tuổi. cùng đi học một lớp với Sinh, nhưng đóng vai trò như một người chị, trong trường thì luôn luôn bảo vệ và binh vực Sinh, ở nhà thì lo cơm nước cho Sinh mỗi bữa trưa.
Lớp nhứt của Sinh có 37 đứa, 11 gái và kỳ dư là con trai, có những đứa cao hơn Sinh cả cái đầu. Điều phải nói ở đây là ở trường mấy đứa con gái ăn hiếp Sinh một cách tàn nhẩn, ví như trong lớp bắt Sinh phải ngồi bàn nầy, dời qua chỗ kia bất chấp thầy Chữ la rầy. Ở trong làng, tuy là con cháu đại điền chủ có anh ba Cừ người làm lo áo quần tắm rửa cho Sinh, dẫn Sinh đi chơi xóm dưới hay xóm ngoài, nhưng Sinh vẫn thích nhứt là đi chơi, đi câu, bắt chuột, gát chim, đuổi chim… với các con tá điền cùng lứa cùng tuổi. Nhưng ở trường thì hoàn toàn khác biệt, ở đây có cả một bọn, một tập đoàn khác biệt, có những thú chơi hoàn toàn mới lạ cho Sinh, như đá banh cao-su, thảy lỗ, đánh bi…mà rất buồn là lúc đầu không một đứa nào có chút cảm tình gì với Sinh mà Sinh lại hết sức thèm thuồng nhập bọn để học hỏi những trò chơi, những nghệ thuật mới lạ. Nhưng tất cả con trai nhứt là con gái đều tỏ ra kỳ thị và ghét Sinh, nên hở ra có dịp là ăn hiếp Sinh. Sinh xin đá banh, thảy lỗ hay bắn bi với bọn con trai, thì tụi nó không cho, vì sợ Sinh bị đá gảy giò, bị xô té gảy tay. Sinh lớ xớ xem con gái nhảy lò cò, đánh đũa thì bị tụi nó la ó đuổi đi: ‘’chỗ con gái người ta chơi, đi chỗ khác cho mau, mầy!"
Nhưng may cho Sinh, vì hoàn cảnh bị nạt nộ, bị xua đuổi của bọn con gái cũng như bọn con trai chỉ kéo dài chưa tới một tháng. Sau đó thì tình trạng hoàn toàn trở ngược lại: cả trai lẫn gái đều giành nhau gần gũi với Sinh, làm bạn với Sinh. Lý do vì sao? Vốn Sinh nhỏ người nhỏ tuổi hơn nhưng về hai môn Toán và Pháp văn, Sinh học giỏi hơn tụi nó quá xa, học trong 3 năm rưởi, có thể bằng chúng nó  học trong 10 năm. Sinh đinh ninh mình giỏi hơn, nhưng không chắc gì mình thông minh hơn. Giỏi hơn chỉ vì học được nhiều giờ hơn, và nhứt là có thầy giáo giỏi dạy tại gia, đó là phần chắc. Thành thử  chưa quá một tháng, các bạn của con Loan đều nhìn nhận Loan giỏi hơn chúng nhiều, có hỏi thì Loan nhìn nhận là nhờ thằng Sinh chỉ cho. Thành ra lần lần thay vì nhờ Loan chỉ bài cho thì hay hơn là nhờ thẳng thằng Sinh cho mau, cho tiện. Đến lúc đó thì ai ai cũng muốn chia sẻ trò chơi với Sinh, có mấy đứa con gái còn muốn dạy Sinh đánh đũa, nhảy ô…Chính con Xuân là con nhỏ ăn hiếp làm khổ Sinh nhứt lại là đứa bắt đầu thương Sinh nhứt . (Hai mươi lăm năm sau, trời giong ruổi thế nào mà nó phải nhờ anh ba Đước, dượng hai của nó, dẫn đến xin việc với Sinh, vì lúc bấy giờ Sinh đã làm Tổng Giám đốc Viện Hối đoái Quôc gia V.N.. Trước sự ngở ngàng của con Xuân. Sinh vui vẻ trả lời là ‘’trước kia tao còn giúp tụi bây làm bài, lẽ nào bây giờ không giúp được mầy một việc làm để nuôi gia đình sao?’
Từ ngày được bọn con trai cũng như con gái chấp nhận cho nhập  bọn với chúng và nhứt là cảm thấy sung sướng khi chỉ bài cho chúng, một thứ trả thù trẻ con, chẳng bao lâu, hai tháng ba tháng sau đã có một sự biến chuyển tâm linh hay ý thức, dần dần Sinh cảm giác thấy mình như có bổn phận chia sẻ với chúng những gì mình hơn chúng, không phải vì mình tài ba thông minh hơn chúng, chẳng qua hơn chúng vì được gia đình, vì được xã hội đãi ngộ chu đáo hơn chúng quá nhiều. Một yếu tố khác không kèm phần quan trọng đã giúp vào sự biến chuyển tâm linh đó, tức là thầy giáo Chữ có thói hay véo đít học trò, con trai cũng như con gái. Luôn luôn thầy gọi từng đứa lên bàn thầy để thầy sửa bài trước mặt cả lớp, một lỗi là một cái véo đít. Nạn nhân tự do nhăn nhó, có khi nước mắt tha hồ chảy, nhưng tuyệt đối không được khóc thành tiếng. Sinh ngồi dưới lớp nhìn lên, nhiều khi cầm mình không đặng, cũng nhăn nhó, còn muốn khóc cho các bạn mình là khác. Nhưng trong một buổi học, một ngày học làm sao thầy có đủ thì giờ để sửa bài, để véo đít cho cả lớp. Đang khi đó thì Sinh có thầy dạy tại gia, học ở nhà, Mỗi ngày, 6 ngày trong tuần Sinh phải học ít ra là 3 giờ, như nói trên, thì làm sao mà không giỏi được và không bao giờ bị anh hai Tân đánh hay véo tai véo đít.
Dù mới 9, 10 tuổi Sinh cũng đã thấy rõ ràng có sự khác biệt, bất bình đẳng giữa hai giới cùng chung một xã hội. Một giới được xã hội đãi ngộ hơn quá nhiều. Hơn nữa Sinh cũng ý thức: càng được đãi ngộ hơn càng mắc nợ với xã hội hơn. Đó là cải lẽ đương nhiên cũng là lời răn dạy của một bà mẹ công giáo (CG) đạo dòng luôn luôn chăm nom giáo dục và nhứt là đức dục của đứa con thứ Tám, mà bà âm thầm muốn dâng cho Chúa để sau nầy trở thành linh mục cho xã hội, cho Giáo hội..
Ngoài ra Sinh đã thừa hưởng cái tánh hay bất bình trước những cái bất công, những cái áp bức…của một đứa con đại điền chủ miến Nam như nhiều nguời con khác. Đó cũng có thể gọi là một thứ bản tánh của những anh hùng rơm miền Nam V.N., một thứ bản tánh tự nhiên thứ hai.
Tâm lý học có dạy: một đứa trẻ 8, 9 tuổi đã có những xu hướng tốt cũng như xấu, tiềm tàng của những hành động cụ thể sau đó của một người trưởng thành ba bốn mươi tuổi. Đúng cho ai, Sinh không biết nhưng rất đúng cho Sinh, như sẽ thấy sau.
Có thể vì những dự bị tâm linh nói trên mà Sinh ưa thích và  chọn lựa cho mình một cái nghề, nếu không nói là một sự nghiệp, là nghề dạy học. Theo Sinh dạy ở đây không có nghĩa là dạy bảo mà chỉ có nghĩa là chia sẻ như khi ở trướng tiểu học Láng Thé. Và ý niệm đó luôn luôn theo Sinh qua các tuổi đời của mình. Mười chín tuổi, năm 1941 Sinh dạy một lớp chót trường tiếu học Nguyễn Trường Tộ ở Vĩnh Long. Hai mươi bốn tuổi, Sinh dạy trung học trường Philippe Minh của Đức Cha Ngô Đình Thục cũng ở Vĩnh long và ba mươi lăm tuổi, Sinh dạy Đai học Sư phạm Saigon, cùng một lúc dạy hai lớp kế toán trường Bách Khoa Bình Dân Saigon, từ 7,30 giờ đến 9,30 tối.
 Nói đến đây thì bạn đọc có thể nhận thấy động lực nào đã thúc đẩy Sinh, khi du học xứ người chưa xong, sau hiệp định  Genève chia đôi đất nước (20-07-54) đã vội vã về nước (24-08-54) và gần như cũng đã vội vã đứng ra thành lập các trường Bách Khoa Bình Dân (tháng 10, tháng 11-1954) và 5 tháng sau tụ tập một số trí thức miền Nam có thiện chí đã lập hội Văn hóa Bình Dân, mục đích là để nâng cao trình độ kiến thức cho giới bình dân, tức là góp công xây dựng miền Nam cho đến ngày CS miền Bắc đánh chiếm miền Nam (tháng 4, 1975).
Tóm lại, chính cái ý thức mắc nợ xã hội, được xã hội đãi ngộ quá nhiều, có trách nhiệm hay là bổn phận phải trả nợ, tức là phải chia sẻ với những người không được đãi ngộ bằng mình những cái mình hơn người, đó là mớ kiến thức hay chuyên môn mình thu nhận được. Những ai được đãi ngộ hơn nguời mà không trả lại ít nhiều tức là gian lận cũng gọi được là quịt nợ.
Trong 20 năm V.N. độc lập (1954-1975), Sinh đã chứng kiến bao nhiêu chuyện quịt nợ như thế. Đó là những ông bự nắm những chức vụ lớn trong xã hội miền Nam, vì họ có những bằng cấp cao Hautes Ếtudes Commerciales, Polytechnique, Centrale, MBA, Ph.D. v.v...nhưng họ là những người quịt nợ, đển khi phải tản cư ra hải ngoại, để rồi có người viết hồi ký tự khoe mình nào là học giỏi hơn người, nào là nhà ái quốc, chỉ biết ưu tư cho vận mạng quốc gia, cho quyền lợi dân tộc v.v...Nhưng thật ra họ là những nguời chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết vay nợ mà không lo trả. Kinh nghiệm của Sinh: Sinh đã kêu gọi tất cả giới Intelligentia (Trí thức) miền Nam tham gia công tác Giáo dục bình dân. Đã có nhiều thành phần hưởng ứng, nhưng cũng không thiếu những người thờ ơ, lãnh đạm. Đang khi anh em  hy sinh một hai giờ mỗi tối, người dạy nghề nguời dạy chữ, thì họ miệt mài trong các phòng trà, các hộp đêm, đi du hí du thực ở Vũng tàu Đalạt…Xã hội miền Nam không cần bạn phải làm gì thêm cho nó, chỉ trả nợ nó cho đủ thì chắc miền Nam V.N. đã có một phép lạ kinh tế chánh trị rồi. Chỉ lấy hai con số sau đây để hiểu điều Sinh nói. Năm 1957, là thành phần của ban Khảo Sát Vũ Quốc Thúc-Stanley, Sinh khám phá ra một hiện tượng quá trớ trêu như sau: cả miền nam V.N. chỉ có khoảng 160 bác sĩ, kế cả các Médecins indochinois, chăm lo sức khỏe cho 20 triệu dân, đang khi đó thì ờ Paris và ngoại ô thành phố có trên 350 bác sĩ V.N. hành nghề, phần nhiều là chuyên môn. Một hiện tượng không kém phần phủ phàng khác nữa: cuối năm 1949 chiếc tàu Champollion của hãng Messageries maritimes chở trên 240 sinh viên VN đi du học (trong đó có Sinh), nhưng 9, 10 năm sau thì thấy có mặt ở V.N. chỉ có 6 người, 4 người con trai là Hoàng anh Tuấn, Ngô trọng Anh, Nguyễn quang Lệ và Huỳnh văn Lang, cùng hai chị Kỳ Mỹ và Như Cầu. Trách chánh quyền không làm gì để lôi kéo họ về hay là phải trách chính người con dân V.N. chúng ta, mà trong đó có lắm người hay quịt nợ?
 
2 - Hội Văn hóa Bình dân (1955-1975)
Thủ tướng Ngô đình Diệm thành lập nội các đầu tháng 7, 1954, trước hiệp định Genève 2 tuần. Ngày 24 tháng 8, Sinh cùng 5 bạn khác là Đỗ vạng Lý, Dư phước Long, Nguyễn Thái, Đỗ trọng Chu, Bùi kiến Thành được thủ tướng gọi về giúp nước.
Sau khi trình diện Thủ tướng, HVL (Huỳnh văn Lang) được chỉ định tạm thời làm phụ tá cho Bí thư Võ văn Hải. Mấy hôm đầu, HVL ăn ngủ trong dinh Thủ tướng là dinh Gia long. Sau đó, HVL được đưa vào ở trong Nhà ngũ Kinh Hoa, gần đầu đường Trần hưng Đạo, Chợ lớn. Như tiền định, HVL phải chia phòng với Đỗ trọng Chu và Lê thành Cường, một kỹ sư canh nông trong nhóm của Ngô đình Luyện, Nguyễn văn Thoại…Trong những khi sống chung (tạm cùng), nhiều lần HVL chia sẻ cái tham vọng lập một trường Bách Khoa cho giới bình dân theo kiểu Đông kinh Nghĩa thục gì gì đó hay những lớp tối ở các trường đại học Pháp Mỹ và được hai anh bạn  hoàn toàn tán thành và bằng lòng hợp tác. Nhưng tất cả đều là nói miệng, vì muốn làm cái gì cũng phải có tiền, không tiền thì phải có quyền, mà cả ba thì lại chưa có gì hết.
Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Vốn trong tháng 10, 1954 tướng Nguyễn văn Hinh đã lôi kéo quân đội, mưu toan lật đổ Chánh phủ Ngô Đình Diệm. Có lúc chính thủ tướng Diệm định rút lui, nên gửi HVL qua bộ Tài chánh cho có công việc làm chánh thức, để chánh phủ có đổ, như ông nói, HVL còn có đường xoay trở, nếu muốn trở lại Mỹ tiếp tục chương trình cao học đang bị bỏ dỡ. Không dè về bộ Tài chánh, trong khi phụ trách việc giải tán các ngân sách ba phần để thống nhứt ngân sách quốc gia. HVL đã bắt gặp một ngân khoản 50,000 đồng không xử dụng (Exercice Clos)  của mục Đại Học Bình Dân, Ngân sách Nam phần. Và HVL đã xin Bộ Tài chánh số tiền đó để khởi sự  các lớp tối truờng Bách khoa Bình dân, mở ra tại trường  Tôn thọ Tường, đường Trần hưng Đạo, trước cửa rạp hát Đại Nam. Ngày khai giảng là ngày 15 tháng 11, năm 1954, tức là cách đây 54 năm.
Sau đảo chánh 01-11-63, ‘’Người lính cai trị’’ bắt HVL và giam giữ gần 3 năm. Chính lúc ngồi tù không bản án, ban quản trị Hội Văn hóa Bình dân đã tổ chức kỳ niệm 10 năm thành lập Hội VHBD (tháng 4, 1965), có cho in một bản phúc trình ghi lại thành quả của Hội. Năm 2005, tôi có viết bài kỷ niệm 50 năm của Hội và may thời anh Trần xuân Roanh nguyên hội trưởng chi nhánh Hội VHBD Biên Hòa còn cất giấu được một bản trong khi CS đánh văn hóa miền Nam và gửi tặng lại cho tôi. Khi viết bài về Hội VHBD tôi phải xử dụng tài liệu quí báu và xác tín nầy hơn là ký ức lẩm cẩm của tôi. Nếu các bạn đã đọc bài Kỷ niệm 50 hiện các bạn có trong tay, thì không còn gì phải nói thêm nữa, ngoài vài ba bức ảnh mà tôi đặc biệt muốn khoe với quí vị.
(Xem bài  ‘’Kỷ niệm 50 năm hội VHBD 1955-2005 Saigon’’)
 
3 - Kinh nghiệm hay thành tich của Hội VHBD có thể nào dùng được trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc V.N. cho cộng đồng người Việt hải ngoại, nhứt là cho các thế hệ mai sau. Đây là phần thứ ba của bài nói chuyện nầy.
Sơ lược về Văn hóa, có quá nhiều định nghĩa văn hóa khác nhau. Ở đây chỉ sơ lược nói văn hóa là cái gì? Văn hóa là cách sống, cách suy nghĩ, cách liên hệ người với người, người với trời đất, với vạn vật, với vũ trụ…, Văn hóa chia ra văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần hay thiêng liêng. Nếu nói về văn hóa dân tộc là nói về những cái vừa tinh hoa vừa khác biệt với những văn hóa dân tộc khác. Ví như cũng là bánh bột gạo, cũng là nước dùng giống nhau đó, nhưng cách nấu khác nhau để rồi hủ tiếu không phải là phở, cũng rau đó cá thịt đó gia vị me chua đó nhưng canh chua V.N không phải là canh chua Thái. Đó là văn hóa vật chất. Nhưng nếu nói văn hóa tinh thần, ví như văn hóa duy vật Mác-lêninít thì ta biết là hoàn toàn ngược với văn hóa duy tâm của Phật giáo hay văn hóa duy linh của Thiên chúa giáo chẳng hạn…Mà văn hóa dân tộc V.N. là văn hóa vừa duy tâm vừa duy linh thì rõ ràng ngược lại văn hóa duy vật Mác-lêninit. Đó là nói về lý thuyết, về thực hành trong đời sống của con người, của xã hội V.N. lại càng rõ ràng hơn nữa.
Từ ngày Hồ chi Minh và Đảng CS V.N. (1930) nhập cảng văn hóa Mác-lêninít vào xã hội V.N., mưu đồ chi phối toàn diện hay đúng hơn là thay thế văn hóa dân tộc V.N., đầu tiên là miền Bắc từ năm 1954 hay phân nửa dân tộc và sau tháng 4, 1975 tất cả nước, cũng là tất cả một dân tộc, để gây ra một cuộc chạy giặc, một cuộc di tản khổng lồ: một triệu, hai triệu hay ba triệu con dân V.N. phải bỏ xứ ra đi. Nói chung, họ mất hết tài sản, mất cả sự nghiệp của một đời người xây dựng, có nguời mất cả gia đình…
Cái may là một số lớn họ còn giữ lại được mạng sống của họ và họ còn mang theo được cái gia sản quí báu nhứt của họ là văn hóa dân tộc của họ: CS, hải tặc, trời cao biển cả với bảo tố, sấm sét của nó…không làm sao cướp mất được. Khi đến xứ tự do, dù con nguời của họ có tiều tụy, có gầy gò đau yếu, dù nhiều khi đầu óc của họ có bất thường đi nữa…nhưng cái gia sản văn hóa của họ vẫn còn nguyên vẹn. Đang khi đó thì văn hóa dân tộc còn kẹt lại bên nhà, sau khi bị cướp giựt, bị đánh đập, bị hãm hiếp đi hãm hiếp lại…văn hóa Mác-lêninit đã tiêm nhiểm vào bao nhiêu là vi trùng, vi khuẩn, Kock có, Syphilis có, AID có…(nghĩa bóng) chẳng bao lâu sau, 10 năm, hai chục năm sau những vi trùng vi khuẩn đó đã xuất hiện rõ ràng dưới hình thức nhiều chứng bệnh xã hội vì chính những phù thủy Mác-lêninít triệu  âm binh để rồi không điều khiển nổi âm binh nữa. hằng ngày báo trong nước cả báo Công an đã báo động những nguy cơ quá tầm tay quyền lực của Đảng, mà chung qui và tổng quát nạn nhân vẫn là văn hóa dân tộc V.N.
Nói như trên để xác nhận rằng những con dân V.N.phải di tản, kịp thời mang theo mình cái gia sản văn hóa dân tộc còn được lành mạnh, tức là đã được lịch sử giao phó một sứ mạng trọng đại là bằng mọi giá phải bảo tồn cho kỳ cùng, vì ở bên nhà cái văn hóa dân tộc đó đang bị đày đọa, hãm hiếp… đến đổi đánh mất cả linh hồn của nó, dù thể xác vẫn còn oằn oại sống dở chết dở hoặc được trang điểm lòe loẹt như một gái điếm để tuyên truyền hay gạt gẫm khách du lịch làng chơi.
Vậy câu hỏi phải đặt ra ở đây: những con nguời V.N. mang ID người chạy giặc CS, có nên ý thức là chúng ta phải hãnh diện về cái ID nầy vì kèm theo cái ID đó chúng ta có một sứ mạng cao cả là bảo tồn văn hóa dân tộc với những giá trị tốt đẹp, với những tinh hoa tuyệt vời của nó, mà các dân tộc khác không có hay không biết. Cho nên việc đầu tiên là chúng ta không thể nào đánh mất cái ID ‘’người chạy giặc CS’’ và không bao giờ để cho ai tước đoạt. Không ai lại muốn đánh mất linh hồn của mình, phải khong?
Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói về hai chữ GIẬC và CHAY. Giặc thì hoàn toàn đúng, không phải nguời CS miền Bắc đã đến, và đã cuớp của giết người, giết cả văn học văn hóa miền Nam là cái gì? Thế kỷ thứ 12, Thành Cảt Tư Hãn đi đến đâu là giết người, cướp bò lừa, cướp đàn bà con gái…và CS miền BẮC vào miền Nam, còn tệ hại, nếu không nói là dã man hơn, họ muốn đánh cướp cả linh hồn của dân miền Nam, cướp phá văn hóa văn học miền Nam cũng gọi được là văn hóa văn học dân tộc, vì văn hóa văn học miền Bắc là văn hóa văn học Mác-lêninít từ lâu.Tệ hại hơn Mông cổ, vì họ không có phá hũy các văn hóa khác: ở Trung đông họ thành lập đế quốc Mông cổ nhưng vẫn giữ văn hóa Hồi giáo, cũng như Hốt tất Liệt chẳng những tôn trọng văn hóa Hán mà còn giúp nó phát huy thêm, như cho nhập cảng Phật giáo chánh thống Tây tạng và khoa học kỹ thuật của Âu Tây (xem Marco Polo).
 Còn CHẠY thì thế nào? Thật là đau đớn nhưng không có gì phải hổ thẹn, vì chạy mà còn mang theo được gia sản quí báu của ông cha mình là văn hóa dân tộc và lịch sử đã giao cho mình sứ mạng thiêng liêng bảo tồn trong bản chất và hình thức tốt đẹp nhứt của nó. Để làm gì? Để truyền lại cho những thế hệ mai sau của dân tộc V.N. Cái sứ mạng đó càng trọng đại nếu không nói là cao cả, chính vì ở lại bên nhà nó đang băng hoại thê thảm.
Càng cao cả hơn nữa, vì trong môi trường mới có bao nhiêu là nguy nan và cạm bẩy. Nhưng cũng không thiếu phần thuận lợI, chẳng những là để bảo tồn mà còn có cơ phát huy là khác, khi phải đụng chạm với văn hóa xứ người, nhứt là khi văn hóa nầy lại kết sức đa dạng và phong phú, chỉ có vấn đề là phải biết chọn lựa.
Xin nói thêm về chuyện văn hóa ở lại nhà và sứ mạng của những người ra đi, đúng hơn là bị xua đuổi đi. Năm 2006 sau 3 tháng đi V.N. về, tôi có viết và xuất bản tập sách nhỏ có tựa đề là ‘’Đã hơn 30 năm rồi!’’ với cái bìa sách xem ra khó chịu làm cho nhiều người dị ứng, vì có phân nửa lá cờ Đỏ sao Vàng của CS. Thật sự bìa sách nầy muốn nói lên tình trạng hiện tại ở V.N., tức là tình trạng văn hóa Mác-lêninit đang lấn lướt, nếu không nói là đô hộ văn hóa dân tộc V.N., biểu hiệu một cách trung thực và trung thành nhứt là cờ Vàng sao Đỏ của Thanh niên Tiền phong, hoàn toàn ngược lại với cờ Đỏ sao Vàng, biểu hiệu của văn hóa Mác-lêninit. Đúng vậy, đang khi văn hóa dân tộc luôn luôn chủ trương họp nhứt trong nghĩa đồng bào (trăm trứng trăm con cùng một bào thai), thì Đảng CS theo chủ nghĩa Mác-lêninít đề xuớng giai cấp đấu tranh, đưa đến chỗ dâm chém nhau giữa người một mẹ một cha. Điều nầy quá rõ ràng từ tháng 8, 1945, không cần phải chứng minh nữa. Đang khi văn hóa dân tộc V.N. thấm nhuần NHÂN NGHĨA LỄ TRI TÍN, (một thứ đạo đức phổ thông) thì văn hóa của CS là văn hóa Bất nhân, Bất nghĩa, Vô lễ, Bất trí và Bất tín: con người của Đảng đào tạo ra là con người bất nhân, bất nghĩa, vô lễ, bất trí và bất tín. Bằng chứng thì quá nhiều và quá hiển nhiên, nhưng cũng nên nhắc lại một vài mà chúng ta không bao giờ quên, dù có muốn tha thứ (forgive but not forget) và lịch sử vẫn còn đó.
Thử hỏi và tự trả lời: Nhân nghĩa chỗ nào trong vụ Cải cách ruộng đất ngoài Bắc trong những năm đấu thập niên 50? Nhân nghĩa chỗ nào với chế độ Tù cải tạo đối với cán bộ miền Nam. Nhân là người và họ đã mất tình người, mất cả tính người. Luôn luôn họ tự xưng là đĩnh cao trí tuệ loài người, thế mà cán bộ của họ đảng viên của họ là bà Dương thu Hương dám viết, dám khẳng định trước mặt quốc dân V.N., trước mặt thế giới là không ai ngu xuẩn bằng họ, họ ở đây bắt đầu từ Hồ chí Minh, Lê Duẫn, Phạm văn Đồng, Lê đức Thọ… chủ trương đánh Mỹ. Thật ra đúng là BẤT TRÍ, họ không thấy xa hơn lổ mũi, họ là những thằng trẻ con bị đàn anh xúi ăn cứt gà sáp. Bất trí đến nổi giờ đây phải quỳ lụy nguời Mỹ và nhứt là phải run sợ người Tàu, phải nhượng biển nhượng đất mà nào có yên cho. Còn nói đến chữ TÍN thì là quá lắm: Hiệp định Paris 1973 còn đó, Tết Mậu thân 1968 còn đó. Bất tín đưa đến dã man là khác: vụ thảm sát ở Huế đầu năm đó. Nói gì bây giờ, văn hóa của họ là thế! Và họ đã thành công, họ đã đào thải hay thay thế văn hóa dân tộc V.N. bằng thứ văn hóa hoàn toàn ngoại lai. Với 3,000 bản, cái bìa sách của tôi đã long trọng khẳng định điều đó. Và trong sách tôi cũng có khẳng định: chính Hồ chí Minh lãnh đạo một cách hết sức ý thức và kiên trì việc đô hộ hay thực dân văn hóa đó, không bao giờ nên đổ lổi cho ai khác. Một bằng chứng: Ông Hồ luôn luôn đóng cái áo 4 túi theo mẫu mực Mao-Staline hay của văn hóa Mác-lêninít. Ông không bao giờ mặc quốc phục dù trong trường hợp nào đi nữa, ông đã hoàn toàn ly khai với y phục của cha ông của ông, một triệu chứng ông đã ly khai với văn hóa dân tộc của ông, nhưng ông không bao giờ nói ra.
Năm 1956, trong bữa tiệc khoãn đãi thủ tuớng Nê-ru, tôi được hân hạnh ngồi gần thủ tướng Ấn độ (Tổng thống Diệm sấp xếp như vậy, không phải vì tôi là người quan trọng, chỉ vì có ý khi có vấn đề về ngôn ngữ, tôi có thể giúp ông một chút, cũng như tháng 7 năm trước (1955) trong cuộc đàm phán tay đôi giữa ông và tướng Kim, trùm CIA, đại diện cho Tổng thống Lý thừa Giản Đại Hàn, ông bắt buộc tôi phải làm thông ngôn cho ông, dù tôi từ chối, vịn lẽ tôi không giỏi Anh ngữ). Tôi có hỏi thủ tướng Ấn độ: có phải Thủ tướng luôn luôn mặc quốc phục? Thủ tướng Nê-ru trả lời là từ năm 1922, từ Phi-châu về nước lập đảng Quốc hội ông không bao giờ bỏ quốc phục để làm gương tôn trọng văn hóa Ấn Độ của minh. Tôi có pha vào: quôc vương Thái Lan cũng như Nhật hoàng là những vị tôn trọng văn hóa Anh thật nhiều, nên đã theo lễ giáo người Anh trong nhiều trường hợp và mặc y phục người Anh, nhưng vẫn giữ quốc phục trong những đại lễ truyền thống quốc gia. Một điều mà Hồ chi Minh không làm, vậy là nghĩa làm sao?
Hiện tượng văn hóa Mác-lêninit đang đô hộ, chi phối, nếu không nói là lần lần tiêu diệt văn hóa dân tộc V.N. là một sự thật, phũ phàng bao nhiêu vẫn là sự thật, nên không có gì phải dị ứng cả, ngược lại phải nhìn nhận để có ý thức, ý thức về sứ mạng của mình, về trọng trách của mình, là những người có ID ‘’NGƯỜI CHẠY GIẶC CS.’’.
Bảo tồn và nhứt là phát huy thì tùy thuộc quá nhiều vào hoàn cảnh, tùy theo môi trường mới lạ của con người hải ngoại phải dung thân. Biết rằng văn hóa phải thay đổi và chính đó là cái khó chúng ta phải đương dầu  luôn luôn và phải vượt qua. Chuyện bên nhà thì như đã nói ở trên. Chuyện hải ngoại là chuyện bảo tồn, khó thế nào? Có thuận lợi phần nào không? Đó là những câu hỏi.
Cái động lực thúc đẩy tôi đứng ra thành lập trường BKBD, hội VHBD chỉ là ý thức mắc nợ và có trách nhiệm hay bổn phận phải trả nợ, mà cách trả nợ tốt đẹp nhứt như tôi nghĩ là chia sẻ kiến thức hay chuyên môn của mình cho giới bình dân gồm những con người không được xã hội đãi ngộ bằng mình. Nếu phải so sánh thì trong chừng mực nào đó, nghĩa là ở một trình độ thấp kém hơn, cái ý thức mắc nợ và bổn phận phải trả nợ không bao giờ cao cả và trọng đại bằng cái sứ mạng mà lịch sử giao phó mà ‘’người chạy giặc CS’’ có ý thức hay không, có muốn hay không cũng phải nhận lãnh, không thể trốn chạy được, trừ phi từ bỏ cái ID ‘’người chạy giặc CS’’của minh. Nhưng rất may là hầu hết người Việt hải ngoại đều chấp nhận cái sứ mạng bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cách nầy hay cách nọ, tuy nhiên phần lớn đều không ý thức.
Ví dụ: Hỏi Asia, hỏi Paris by Night có ý thức sứ mạng văn hóa của minh không? Làm thì làm và làm hăng say là khác, nhưng có phải vì sứ mạng hay vì mục đich gì khác? Thử hỏi các nhà văn, các nhà báo xem các bạn trả lời thế nào? Tuy nhiên có làm là hơn không làm, nhưng làm với ý thức thì chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn vạn bội.
Bây giờ có mấy vấn đề nên thảo luận thêm là mục tiêu của sứ mạng văn hóa của chúng ta tất nhiên là các thế hệ của cộng đồng, nhưng phải quan nhứt tâm vào thế hệ trẻ, thế hệ thứ hai thứ ba, là thế hệ dễ đánh mất văn hóa dân tộc của mình nhứt, vì bị môi trường bao vây, bị hoàn cảnh lung lạc hay cám dỗ.
Văn hóa thì quá rộng lớn mà phương tiện của mọi nguời của mọi giới đều có hạn. Cho nên phải có sự chọn lựa ưu tiên. Ví như ngôn ngữ và lịch sử là hai môn phải có quyền ưu tiên số một. Gìn giữ các nghi lễ truyền thống của dân tộc như Lễ giỗ Hùng Vương, Lễ Hai bà Trưng bà Triệu, Lễ Đức Trần hưng Đạo…vì những lễ nầy thuộc về tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc V.N., một dân tộc duy nhứt có đạo thờ Ông Bà.
Ai là người có ID ‘’người chạy giặc CS’’ tất nhiên có trách nhiệm thi hành sứ mạng văn hóa dân tộc của mình, đầu tiên là cá nhân, cha mẹ, anh em…nhà văn nhà báo, các cơ quan truyền thông, kế là các tổ chức, các đoàn thể, các hiệp hội…Ờ đây nên nói đến các Hội đồng hương các tỉnh, các Hội ái hữu trường học, các Hội nghề nghiệp…Trong những khi hoạt động có tính cách hội hiệp, có tính cách ái hữu, có tính cách chuyên môn nghề nghiệp… xin chen vào một tiết mục văn hóa, không phải chỉ hát xướng nhảy nhót mà thôi, mà nên thêm một mục học tập lịch sử, vì không gì nghèo nàn cho một bác sĩ hay một dược sư, một kiến trúc sư …bằng dốt về sử Việt.
 
TẠM KẾT
Nếu giới hạn văn hóa dân tộc trong mỗi một đề tài đạo đức phổ thông là nhân nghĩa lễ trí tín, thì thấy trong khi đụng chạm với văn hóa khác, nhứt là ở xứ Mỹ đa hình đa dạng văn hóa nầy, thì có những cái thuận lợi cho sư phát huy cũng như có những cái quá nguy nan cho sự bảo tồn. Thử lấy một vài thí dụ. Nói về chữ nhân thì thấy không một nước nào trên thế giới biết lo cho người tàn tật, những phế nhân bằng Mỹ, vì xã hội của họ đòi hỏi và chấp nhận như vậy, bởi cái xã hội nầy là xã hội Thiên chúa giáo, một xã hội duy linh, tin rằng người tàn tật hay phế nhân vẫn có một linh hồn tốt đẹp cần phải được tôn trọng và thân thương. Cũng nói lên một nhân sinh quan khác là sự liên đới xã hội: một tín ngưỡng và một nhân sinh quan mà các văn hóa khác không có nhứt là văn hóa duy vật. Văn hóa dân tộc V.N. nên lấy đó mà phát huy thêm. Chữ thứ Hai là chữ TRÍ, chính nhờ môi trường tự do mà văn hóa dân tộc VN sẽ thông minh sáng suốt hơn, con người VN hải ngoại sẽ TRÍ hơn (Ngu mà biết mình ngu là trí, ngu mà cho mình trí thì chính đó mới thật là ngu). Nghĩ đến "đĩnh cao trí tuệ loài người" bên nhà, mà người dân, nhứt là ở thôn quê chỉ xem TV, báo chí hay nghe Radio của nhà nước, chỉ biết chỉ nghe cái gì của nhà nước CS muốn cho xem cho nghe, thì làm sao mở mang TRÍ được. Chuyện xử cha Lý, bịt miệng cha Lý…hấu hết cha cố CG không biết gi hết, huống chi là chuyện thủ tướng, chủ tịch nhà nước XHCN công du xứ Mỹ được người Việt hải ngoại tiếp đón làm sao…
Nhưng 3 chữ NGHĨA LỄ TÍN thì lại gặp rất nhiều thử thách, đó là những khó khăn mà sứ mạng bảo tồn chưa dám nói đến chuyện phát huy phải vất vả đương dầu, nhiều khi không sao khắc phục được.
Trên đây là những ý kiến, những nhận xét thô thiển và rời rạc, nếu có gì bất đồng xin thành thật đưa ra để cùng thảo luận nếu không nói là chỉ giáo. Nếu được như vậy thì quả thật là vạn hạnh! Xin cám ơn tất cả đã dành thời giờ nghe tôi nói chuyện trong lúc thời tiết nóng nực nầy!
Xin đa tạ!
 
Huỳnh văn Lang

No comments:

Post a Comment