Wednesday, February 10, 2016

Bùi ngùi nhìn lại cái Tết 30 năm trước của gia đình Việt


(VTC News) - Một thời của ít người nhiều, lo chuyện Tết trong từng nhà đều vất vả như nhau, đó là những cái Tết không thể nào quên đối với hàng triệu gia đình Việt cách đây 30 năm.

Tem phiếu được coi là phương cách duy nhất để bảo đảm sự công bằng về nhu yếu phẩm trong hoàn cảnh thiếu thốn. Nước nào sau chiến tranh cũng đều phải áp dụng một thời gian. Tuy nhiên, chế độ tem phiếu ở Việt Nam cách đây 30 năm cũng có những điều đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Cách đây 30 năm, hàng Tết được chuẩn bị trước Tết 1 tháng và chia cho từng nhân khẩu theo chế độ tem phiếu
Trước Tết một tháng, toàn ngành thương nghiệp đã công bố tiêu chuẩn Tết năm nay có những thứ gì. Ở của hàng lương thực, thực phẩm, những ngày giáp Tết thường đông nghịt những người xếp hàng lĩnh hàng Tết.


Ở Hà Nội thời đó, đi cửa hàng mậu dịch mua hàng Tết như đi "chiến đấu", cũng phải xếp hàng, chen lấn, xô đẩy, có khi cả ngày mới nhận được phần của nhà mình. Nhà nào cũng phải cử người đi xếp hàng từ 4 - 5h sáng. Dù cô mậu dịch viên khuôn mặt đầy vẻ ban ơn, người mua vẫn kiên nhẫn chịu đựng. Cô cắt tem phiếu, ghi sổ, thu tiền rồi trịch thượng ném hàng cho người mua.

Thế nhưng vì một cái Tết không bị đói, mọi người hàng mấy chục năm ròng đã quen chịu đựng, chẳng ai phản ứng gì. Ở Hà Nội và các thành phố lớn, người ta đóng tất cả các loại hàng Tết trong một cái túi nilông (trừ thịt, gạo nếp, đậu xanh) in cành hoa đào hoặc hoa mai và dòng chữ "Chúc mừng năm mới".

Túi hàng Tết đó có măng, miến, bóng bì, ít mộc nhĩ, nấm hương, gói mì chính nho nhỏ, một túi hạt tiêu, bánh đa nem, hộp mứt, gói chè Hồng Đào hoặc Thanh Hương, bao thuốc Điện Biên, Trường Sơn bao bạc, một chai rượu cam, rượu chanh. Còn thịt, gạo nếp, đậu xanh…thì đến cửa hàng xếp hàng mua trực tiếp. Ở các tỉnh thì người có tem phiếu trực tiếp ra cửa hàng mua, cũng đóng thành túi "Hàng Tết" như vậy, nhưng ít hàng hơn, cũng không có nhiều loại để lựa chọn.

Để có hàng cung cấp Tết, từ cuối quý 2 hàng năm, một bộ máy lớn cỡ vài nghìn cán bộ nhân viên ngành thương nghiệp, lương thực ở các tỉnh đã sốt vó vào cuộc. Mấy mặt hàng Tết không thể thiếu là: thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh, chè gói, thuốc lá, rượu, nước mắm, hạt dưa, bánh kẹo, mứt gừng…rồi mì chính, hạt tiêu, củi, lá dong gói bánh, chuối xanh để thờ cũng phân phối dịp Tết.

Nghĩa là nhu cầu Tết gồm những thứ gì đều tất tật được đưa vào kế hoạch cung cấp. Lãnh đạo địa phương đều sốt sắng về làm việc với Sở Thương mại, Công ty thực phẩm, lương thực để tính toán khả năng khai thác nguồn hàng, cung cấp Tết được những thứ gì, khả năng dự trữ, tổ chức phân phối sao cho đúng thời hạn, không được để hộ nào không mua được "tiêu chuẩn" trước Tết. Ví dụ mỗi khẩu phải có 0,5 kg thịt lợn, 0,3 kg gạo nếp, hai lạng đậu xanh, một cân bánh kẹo, năm lạng mứt....

Tất cả thứ đó tính chung thành những con số khổng lồ. Sau đó Sở Thương mại các tỉnh lại họp với các công ty, cửa hàng mậu dịch suốt nhiều ngày để bàn chuyện thu mua lợn, gạo nếp, đi mua đậu xanh, chuối thờ, lá dong, nước mắm.

Hồi đó, cán bộ thu mua nào cũng lăm lăm cuốn sổ tay, ghi chép cẩn thận hộ nào có lợn, mấy con, nuôi từ bao giờ, đã được bao nhiêu ký, khi nào xuất chuồng. Rồi họp thôn, họp xã công bố công khai các hộ có lợn, để họ không bán ra "thị trường tự do" mà phải bán cho nhà nước để có thịt chia Tết.

Thu mua lợn cho nhu cầu thịt cung cấp hàng tháng đã khó, thịt cung cấp cho Tết càng khó hơn, vì dịp Tết là dịp người dân nghĩ kế bán lợn ra ngoài để lo Tết cho gia đình mình trước đã, hơn nữa mậu dịch thì mua ép nên người nuôi lợn thường chịu thiệt thòi.

Thời bao cấp tem phiếu thực phẩm chia ra nhiều loại : A, B, C, D, E, N, Tr. Ở các tỉnh không có phiếu A là loại dành cho cán bộ cao cấp cỡ Bộ trưởng trở lên. Phiếu A chỉ có ở cửa hàng Tôn Đản, Hà Nội.

Cũng chỉ có một số ít người hưởng tem phiếu loại B như Bí thư, Chủ tịch tỉnh. Ở Thừa Thiên Huế thời đó chỉ có một người "dân" được hưởng phiếu thực phẩm loại B, đó là bà Từ Cung , mẹ vua Bảo Đại.

Phiếu E là phiếu cho cán bộ công nhân viên và hưu trí bình thường mỗi tháng được mua 0,5 kg thịt/tháng, phiếu C: 1 kg, phiếu N, Tr (N là thiếu niên, Tr là trẻ em) chỉ được 0,3 kg thịt/tháng.


Gay go nhất là lúc mổ thịt lợn ngày cận Tết, náo nức như ngày hội. Dạo đó ít gia đình có tủ lạnh, nên không thể cung cấp thịt sớm trước cả tuần được. Cho nên các cửa hàng thực phẩm phải mở thêm nhiều điểm bán hàng để chia ngay số thịt càng nhanh càng tốt. Việc chia thịt cũng là bài toán đau đầu của hệ thống thương mại hồi đó, đậm bi hài và nhiều suy ngẫm.

Đó là những cái Tết không thể quên đối với hàng triệu gia đình Việt cách đây chừng 30 năm. Đó là thời kỳ mà nhiều người lớp trung niên cho rằng dịp Tết thực sự mang ý nghĩa trọn vẹn của nó với những hình ảnh, mùi vị khó quên, để khi nghĩ tới, ai từng được sống qua giai đoạn ấy cũng đều cảm thấy nao lòng.




 


 Nguồn VTC News Blog

No comments:

Post a Comment