Wednesday, September 5, 2012

Ông tổng thống, Phim tài liệu và Cuộc bầu cử.

Dù Cộng Hòa hay Dân Chủ chúng ta cũng cần dọc, những nhận xét rất trung thực
Đặng đình Tuân
Tôi được giảm bớt 50 xu vì là “người già” (senior) từ 8 Mỹ kim mua vé xem phim tài liệu “2016 Obama’s America”. Từ khi thấy quảng cáo cho biết ngày phim được trình chiếu tôi đã muốn xem rồi. Nhưng phải hơn tuần lễ sau phim đó mới được tung ra khắp mọi nơi chứ không còn giới hạn tại những nơi chỉ đặc biệt chiếu riêng phim tài liệu như trước nữa. Những rạp này, là cơ sở riêng của những công ty phim ảnh chỉ phổ biến sản phẩm riêng của họ, bây giờ đột nhiên lại chịu cho chiếu một phim tài liệu có vẻ đả kích một tổng thống đương nhiệm càng làm cho tôi tò mò, kích thích hơn.
Cần phải xác định trước tôi không phải người của đảng Dân chủ hay của Cộng hoà. Từ ngày đặt chân lên nước Mỹ năm 1975 đến giờ, thú thật không bao giờ tôi có ý định gia nhập bất cứ đảng phái nào vì nghĩ đảng phái sẽ làm cho nhận định và hành động cá nhân bị thiên lệch... Khi ra đến cửa phòng tuyên thệ nhập tịch Mỹ, có người hỏi tôi muốn ghi tên gia nhập đảng nào không. Tôi hỏi lại: “Tôi chỉ muốn bỏ phiếu cho bất cứ ai tôi thích hay thấy hợp lý thì phải nhập đảng nào?” Người ấy lẳng lặng nhìn tôi rồi tự động đánh dấu cho tôi vào đảng “Non Partisan” trong tờ giấy mẫu ghi tên đi bầu. Và đúng như vậy... Qua bao nhiêu lần bầu bán đủ mọi loại, mọi tầng lớp, tôi đã không bị gò bó, bị bắt buộc và rất thoải mái bỏ phiếu cho bất cứ đạo luật nào, người nào tôi nhận thấy có đường lối hợp lý nhất, kể cả người Dân chủ lẫn Cộng hòa. Bất cứ ai trở thành thị trưởng thành phố, đại diện dân biểu quốc hội, thống đốc tiểu bang,... hay là gì chăng nữa cũng không làm tôi bận tâm. Chưa bao giờ tôi nhận lãnh bất cứ một trợ cấp nào của chính phủ nên không lo lắng ngân quỹ chính phủ có nhiều hay thâm thủng. Những công việc làm mưu sinh bận rộn, những lo lắng cho gia đình con cái cũng đủ làm đầy đời sống của tôi rồi.
Đơn giản vậy thôi.
Năm 2008, con trai thứ hai của tôi đang học năm cuối cùng đại học không ngại ngùng, gạt bỏ mọi cuộc thảo luận, mọi ý kiến bàn cãi học hỏi thông thường với bố, nhất định đi theo với phe Dân chủ và muốn tôi bỏ phiếu cho Obama... Với gần nửa thế kỷ cách biệt về tuổi tác và với những kinh nghiệm sống đã có, tuy biết rõ trường đại học nào trên nước Mỹ cũng nhồi dậy cho sinh viên ý thức hệ của đảng Dân chủ nhưng thực sự tôi vẫn không thể hiểu tại sao con tôi lại trở thành độc đoán trong vấn đề này ngay cả với bố như vậy. Cho nên tôi bỏ thêm thì giờ theo dõi Obama hơn.
Vào thời đại tân tiến hiện tại, chuyện lục lọi tìm tòi bất cứ cái gì không còn khó khăn, rắc rối hay giấu kín được nữa. Tôi đã tìm được những câu phê bình, những bài diễn văn tranh cử, tôi đã nhìn thấy hình ảnh trên “internet”, trên đài truyền hình, ngạc nhiên đến khâm phục khi thấy ông ta đánh bại được Hillary Clinton nổi tiếng, có quyền lực và hậu thuẫn mạnh, chứng kiến tận mắt nhiều người ngồi ngay bên cạnh tôi không giấu được cảm súc khi nghe Obama phát biểu ý kiến, đọc diễn văn chấp nhận sự để cử trong đại hội đảng Dân chủ. Những lời nói của ông ta rõng rạc rành mạch, những danh từ mạnh mẽ khích động quả thật đã đi vào tận tim phổi, tận mạch máu của người nghe. Tiếng nói, cách nói như của một người truyền giáo tài giỏi, mau chóng làm thay đổi tâm trí người khác. Tiếng cử tọa la gào cổ võ. Những bảng hiệu “Thay đổi” (Change) hình như mang những năng lực mới đến và lan truyền đi khắp nơi. Khẩu hiệu “Thay Đổi” có thể ám chỉ việc Obama đã có kế hoạch làm cho nền kinh tế Mỹ đang lụn bại, nợ nần gia tăng đổi chiều chăng? Lần đầu tiên một người lai đen dám đứng lên tranh giành chỗ đứng, tranh giành quyền hành mà hơn bốn chục lần trước chỉ có người da trắng. và trực tiếp đối chọi với một người có nhiều điều kiện ưu thế hơn: Thượng nghị sĩ John Mc Cain.
Tôi đã hiểu lý do của con trai tôi. Mới 22 tuổi, tràn đầy máu nóng và nhìn đời đầy mầu hồng. Tuy tôi đã thường xuyên gieo vào đầu nó cuộc đời này chỉ là một trò chơi, là vở kịch nhưng ý nghĩ của nó lúc nào cũng háo hức, nghiêm trọng và háo thắng. Có lẽ nó nhìn thấy người này là cánh cửa cơ hội, là người dẫn đường cho những thế hệ của người có mầu da không trắng như nó đi lên chăng?
Và John Mc Cain thảm bại.
Thú thật không ít thì nhiều tôi cũng thấy trong lòng hể hả.
- Hể hả vì tôi đang hãnh diện được sống tại một quốc gia hoàn toàn tôn trọng ý muốn của người dân...
- Hể hả vì người dân ở đây đang được hoàn toàn tự do, mọi quyền hạn cá nhân được tôn trọng triệt để và thực sự có hiệu quả. Không có bạo động phản đối. Không có thủ tiêu thanh toán, bỏ tù, giam cầm, thù ghét hay ngang nhiên chặt đầu những ai không cùng quan điểm chính trị hay giáo điều.
- Hể hả vì thấy chắc chắn cánh cửa cơ hội đang được mở tung mời mọc những người có đủ mầu da, có giòng máu khác giòng máu Caucasian hay Arian, cũng tài giỏi, khôn ngoan, có khả năng và có nhiệt huyết tham dự, góp phần vào vị trí lãnh đạo, vào việc quyết định, vạch một đường đi cho một quốc gia hùng cường nhất, cho cả thế giới mà trước đây họ chỉ là thụ động, chỉ thừa hưởng thừa thãi. Những đứa con của nhóm di dân da mầu sinh đẻ trên nước Mỹ là người Mỹ chính gốc. Hầu hết không nói sõi tiếng cha sanh mẹ đẻ nữa. Nhưng thông minh, chuyên cần, đầy nhiệt huyết và có học. Đã tự vươn cao lên, thành công trong nhiều lãnh vực giáo dục, khoa học, chuyên môn và đang rải rác dò dẫm đi vào giới lãnh đạo... Nhưng rồi khựng lại. Hình như chạm phải một hàng rào cản?
- Hể hả vì nghĩ dân chúng Mỹ đã nhận thức rõ ràng những sai lầm của những người lãnh đạo tiền nhiệm trong việc đối ngoại. Vì sao nước Mỹ đã giúp đỡ cho cả thế giới nhưng thế giới vẫn không thương yêu nước Mỹ. Vì sao nước Mỹ đã hy sinh bao nhiêu con cháu, mang Âu châu ra khỏi ách thống trị tàn bạo của phát xít Đức, cộng sản Nga, dẹp bỏ phát xít Nhật, cứu Phi luật Tân, Nam Hàn... rồi trả lại ngay chủ quyền, độc lập tự do và bỏ tiền giúp họ tái thiết kinh tế, để trở thành cường quốc kinh tế mà vẫn bị oán ghét.
Trong khi đó số di dân đến Mỹ càng ngày càng tăng. Người ta đến từ mọi quốc gia có mặt trên trái đất, từ những quốc gia không e ngại tuyên bố đả phá, khiêu khích, chửi bới Mỹ: Ấn độ, Nam Mỹ, Tầu, Việt, Phi, Đông Âu, Nga, Trung đông, Nam Mỹ... đủ mọi nơi nườm nượp kéo đến, chính thức hay không chính thức, được nước Mỹ chấp nhận, được tự ý chọn lựa chỗ trú ngụ rải rác khắp các thành phố khác nhau trên nước Mỹ. Không nhìn đâu xa, số người Việt đến Mỹ qua các chương trình HO, ODP, bảo lãnh cá nhân, du lịch và lén ở lại tăng lên rất nhiều... Thực sự nước Mỹ có phải làm như vậy không? Ai bắt họ? Tại sao những người dân đó lại muốn đến sống trong quốc gia họ ghét bỏ? Điều này gần như không ai có câu trả lời.
Mới nhận chức Obama đã được giải Nobel hòa bình thế giới... Ông đã làm được việc gì tiêu biểu cho hòa bình thế giới? Thế giới bên ngoài biết rõ hơn về Obama thật chăng? Nếu vậy có thể Obama sẽ giúp xóa bỏ được sự ghét bỏ của thế giới, chịu hợp tác với Mỹ cho hòa bình thế giới chăng?
Việc đầu tiên Obama làm để cứu kinh tế Mỹ là mượn trước số tiền khổng lồ 800 tỷ Mỹ kim tiền thuế (chưa thu vào được) lập chương trình “Khích Động Kinh Tế” (Stimulus). Tất cả các đại công ty, vật chất lẫn tài chánh trên nước Mỹ được phân phối cho một phần của số tiền đó, gọi là cho vay tạm để có thêm vốn dồi dào. Ông nghĩ có thêm vốn, công việc sản xuất có thể tiếp tục theo công xuất cao, ngân hàng dành điều kiện dễ dàng hơn cho dân chúng vay tiền làm ăn. Nhưng sản phẩm chế tạo, sản xuất ra không có người mua, tiền có sẵn, lãi xuất thấp nhưng không có người vay mượn. Một vài công ty vẫn phá sản vì sản phẩm họ làm ra quá đắt giá, không có giá trị thực tiễn và lỗ lã nặng nề hơn. Công xuất làm việc của nhiều công ty tài chánh đi xuống vì nhân viên thấy đã có chính phủ yểm trợ, không cần phải cố gắng làm nhiều nữa. Từ đó số người thất nghiệp gia tăng. Người thất nghiệp, hoặc được nghiệp đoàn yểm trợ vẫn còn việc làm nhưng chỉ ngồi chơi có lãnh lương, hay rời khỏi hãng và được lãnh lương trợ cấp thất nghiệp.
Một, hai rồi ba năm trôi qua.Tất cả mọi chuyện tiếp tục xẩy ra theo giây chuyền nên ngân quỹ càng thâm thủng, thiếu hụt nhanh chóng hơn. Obama không đưa ra, không thông báo rõ ràng thêm một sáng kiến, một kế hoạch, hay một phát triển nào khác ngoài chương trình “Khích Động” về kinh tế mà chỉ muợn thêm trưóc tiền thuế tiêu dùng và kêu gọi yên tâm chờ thời gian trả lời.
Theo lịch sử, nước Mỹ đã trải qua ít nhất ba lần khủng hoảng kinh tế tệ hại hơn giai đoạn này. Nhưng lần nào cũng thoát qua và vươn cao lên. Như đứa trẻ lớn trội thấy rõ sau mỗi cơn bệnh. Những vị tổng thống (Dân chủ lẫn Cộng hòa) trong những giai đoạn đó đã đưa ra những chương trình kiến thiết kinh tế, tuy mạo hiểm nhưng hợp lý và có kết quả vững chắc.
- Hoover rồi Franklin Roosevelt liên tiếp dùng kế hoạch gởi người thất nghiệp đi làm việc tu bổ, xây cất cơ sở của chính phủ tại khắp mọi tiểu bang và nhất là kế hoạch xây đập nước – cũng là nhà máy điện khổng lồ Hoover Dam / Nevada làm cho nước Mỹ đứng thẳng lên dẫn đầu thế giới ra khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1929 -1933.
- Eisenhower mạo hiểm đưa ra chương trình xây cất hệ thống xa lộ liên bang mang nước Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, cũng nặng nề không kém, lần thứ ba năm 1953. Hệ thống xa lộ liên bang này phát sinh ra những kỹ nghệ khác: kỹ nghệ chế tạo xe hơi đổi khác, ngành chế tạo xe vận tải thành hình, nhiều công ty chuyên chở được thành lập... kỹ nghệ du lịch... Hàng hoá chế tạo, sản phẩm nông nghiệp được di chuyển nhanh chóng đến nơi tiêu thụ với giá rẻ và sức tiêu thụ tăng thật nhanh. Dân chúng dể dàng có việc làm đúng ý muốn và sẵn sàng tiêu thụ. Căn bản của kinh tế thật rõ ràng. Chương trình xây cất xa lộ này đã được cả thế giới cổ võ và bắt chước. Không cần kể thêm ai cũng có thể đoán được bao nhiêu ngành kỹ nghệ khác nữa, bao nhiêu loại công ăn việc làm đã thành hình. Cũng vì chương trình này Eisenhower đã được dân chúng yêu mến và ông được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai không có đối thủ. Hai nhiệm kỳ của ông được xếp hạng là thời gian thịnh vượng, hòa bình nhất của lịch sử Mỹ .
Không phải nước Mỹ đã cạn hết tài nguyên, sáng kiến, nhân tài, đất đai hay chương trình phát triển. Tôi may mắn được đi rong chơi nhiều nơi khác nhau, tiếp chuyện với nhiều người đủ tầng lớp nên có thể nêu lên vài chuyện điển hình có thể làm được. Một hệ thống “Metro” ở Canada rông lớn hơn, hệ thống “speed train” như ở Nhật hay Âu châu... Hệ thống mang nước từ sông Missisipi sang bán cho các tiểu bang phía tây... Và tôi cũng không nghĩ là nước Mỹ không cần thay thế hệ thống xe “bus” lỗi thời, đắt đó, mất thì giờ và lỗ lã nặng ở khắp nơi bằng hệ thống chuyên chở công cộng hữu hiệu khác.
Nếu đổ 800 tỷ Mỹ kim đó vào ngay những kế hoạch phát triển như vậy chắc chắn sẽ hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống ngay. Thuế lợi tức thâu được từ những việc làm đó giúp trả bớt nợ. Kèm theo, nhiều dịch vụ, nhiều nhu cầu liên hệ lâu dài khác sẽ nẩy nở. Như vậy kế hoạch “Khích động Kinh Tế” của Obama thực sự có mục đích gì?
Đấy chỉ là nhận sét nhỏ nhoi riêng tư của tôi thôi. Tôi tin những người cầm quyền học rộng tài cao hơn tôi rất nhiều, chắc chắn phải có những ý kiến khác cao siêu, lâu dài, hữu hiệu hơn.
Tôi vào trong rạp hát 10 phút trước giờ bắt đầu chiếu, nghĩ bụng chắc chỉ lèo tèo có được vài người. Nhưng may mắn còn tìm được chỗ ngồi.
Phim dài một tiếng rưỡi, nhưng rất mạch lạc, rõ ràng dễ hiểu. Tất cả những dẫn chứng, những chi tiết Dinesh D’Souza nêu ra trong phim vẫn làm tôi nghi ngờ, chưa sáng tỏ. Về nhà lục lọi tìm tòi nhiều hơn. Càng tìm tòi tôi càng hiểu vỡ thêm ra.
- Theo nguyên tắc đầu tư, người có vốn 51 phần trăm hay nhiều hơn là người trực tiếp hay gián tiếp nắm quyền điều khiển công ty. Có quyền vạch ra đường lối hoạt động mới. Những đại công ty tham gia quỹ “Khích động” (Stimulus) đã nhận được vừa tiền vừa người chỉ huy mới. Như vậy có khác gì những công ty đó đã bị chuyển sang cho chính phủ kiểm soát không? Đây là “Quốc Hữu Hóa” công ty tư nhân, không hơn không kém.
- Chương trình cung cấp dịch vụ bảo vệ sức khoẻ, chữa trị bệnh hoạn cho dân chúng thành luật chính thức đồng nhất cho cả nước. Luật “Obamacare” này cũng là một hình thức “Quốc Hữu Hóa” như trên. Vì cần phải có thêm rất nhiều nhân viên của chính phủ liên bang để kiểm soát, áp chế và chế tài. Chính phủ liên bang phát tướng mập mạp hẳn ra.
Hai việc này hợp lại đủ mang đến tính cách và nguyên tắc căn bản của “Trung Ương Tập Quyền”.
Obama là người thông minh, khôn khéo và cao vọng. Năm 2008 ông đã may mắn nắm được yếu tố “Thiên thời - Địa lợi – Nhân hòa”. Từ một thượng nghị sĩ mới (junior) nhẩy lên làm tổng thống trong thời gian ngắn ngủi. Lý lịch và thành tích còn mù mờ. Và ông muốn dùng quyền hành tổng thống làm thay đổi thể chế chính trị của nước Mỹ. Ông muốn tập trung quyền hành và tài chánh vào cho chính phủ liên bang nhiều hơn.
Ngày khai thiên lập địa, nước Mỹ chỉ có 13 khu vực rộng lớn dọc bờ biển phía đông. Những buổi họp kín về việc thành lập nước Mỹ lúc bấy giờ chắc chắn đã có những người chủ trương gom cả 13 khu vực đó vào một mối, nhưng đã không thành công... Những người di dân mới từ Anh quốc, từ Ái nhĩ lan, từ Đức, từ Âu châu đã chiếm giữ và khai thác được từng khu vực riêng biệt không bao giờ chịu buông bỏ tài sản, buông bỏ công lao mồ hôi nước mắt, buông bỏ sự tự do mới có của họ để chịu sự chỉ huy của người khác. Cho nên bản hiến pháp đã phải được soạn thảo cho phù hợp, đáp ứng với sự kiện riêng rẽ đó.
Hình thức cấu tạo liên bang và tiểu bang hoàn toàn mới lạ và khác hẳn các thể chế đã có từ trước trên thế giới. Mỗi tiểu bang được coi như một quốc gia nhỏ riêng biệt. Có luật lệ riêng rẽ, có cơ cấu hành chánh và ngân quỹ độc lập. Lãnh thổ riêng và dĩ nhiên có lãnh chúa riêng... Và liên bang chỉ là chiếc dù che chở cho tiểu bang. Chính phủ liên bang trách nhiệm về quân đội, độc quyền về ngoại giao và tuyên chiến với nước ngoài... Ngoài ra tiểu bang lại cử đại diện (dân biểu và thượng nghị sĩ) lên làm cố vấn và cũng là kiểm soát chính phủ liên bang. Thậm chí hội đồng các thống đốc (các lãnh chúa) cũng có thể đòi hỏi, ra yêu sách cho chính phủ liên bang được nữa. Có người đại biểu nào bỏ phiếu đồng ý cho đạo luật nào mang bất cứ sự thua thiệt nào đến cho tiểu bang họ đại diện chưa?
Tổng thống Obama muốn sửa đổi hệ thống này bằng cách quốc hữu hóa, gồm thâu tất cả mọi phương tiện về cho chính phủ liên bang. Những đại công ty đang nằm rải rác khắp nơi, trên những tiểu bang khác nhau... Nhiều tiểu bang vì muốn bảo vệ công ăn việc làm cho người dân trong tiểu bang của họ đã áp dụng luật lệ riêng biệt. Lỏng lẻo, dễ dàng với công ty gốc địa phương nhưng chặt chẽ với công ty khách. Như không cho phép lẫn lộn nhiều dịch vụ với tiểu bang bạn, ngân hàng, mua bán bảo hiểm sức khoẻ, thi cử lại vào các đoàn thể chuyên môn rồi mới được phép hành nghề... mở chi nhánh thương mại...
Việc quốc hữu hóa này tạo ra sự chống đối của tất cả tiểu bang liên hệ. Họ bị cướp mất quyền lợi, cướp mất quyền hành thì không thể im lặng được. Vài tiểu bang đã ngang nhiên bất chấp lệnh phải áp dụng, phải thi hành những luật lệ mới ra về “Obamacare” và “di dân” do Obama lập ra là những thí dụ điển hình về điểm này. Dù cho chính phủ Obama phản ứng lại bằng việc cắt bỏ ngay những ngân khoản trong số thuế thâu được, đáng lẽ ra phải phân chia cho họ, nhưng họ cũng không cần.
Một số sự kiện quan trọng khác xẩy ra cùng lúc mang cho người ta ý nghĩ Obama muốn giới thiệu xã hội chủ nghĩa cho nước Mỹ. Trong hơn ba năm cầm quyền, số người sống lệ thuộc vào tchính phủ tăng thêm 43%. Tiểu ban ngân sách thượng viện (senate budget comittee) báo cáo hiện tại có 107 triệu người (35% tổng số dân) hàng tháng nhận trợ cấp nghèo hay phiếu thực phẩm (food stamp). Nhân số đó với $100 thôi, mỗi tháng chính phủ đã vứt đi một số tiền khổng lồ và Obama không có một biện pháp nào làm giảm bớt đi mà còn làm cho tăng thêm lên. Lực lượng 107 triệu người chỉ biết tiêu thụ, không sản xuất... Tin tức cũng cho biết thêm nhiều người trong số 23 triệu người thất nghiệp đã thành lười biếng, thụ động. Họ được chính phủ cung cấp cho đầy đủ trợ cấp, tiện nghi đời sống chỉ thấp hơn trước chút ít thì tội gì phải cố gắng sông sáo đi tìm việc làm? Nhưng tìm ở đâu cho có việc làm ? Hai lực lượng này, vẫn tiếp tục gia tăng, cộng lại thành suýt soát 44% tổng số dân cư không sản xuất. Đây là chưa kể nhóm người già hưu trí như tôi... Sông bạc, núi vàng cũng phải cạn !!!
Trong 2 năm gần đây danh sách những thành phố, những tỉnh lỵ, những tiểu bang từ đông sang tây đã và đang áp dụng đường lối xã hội này đi dần đến tình trạng phá sản tăng lên nhanh chóng.
California từng đứng hạng thứ tư, thứ sáu trên thị trường kinh tế quốc tế, hiện tại ngân quỹ liên tục thiếu hụt lên tới hàng tỷ mỹ kim. Có ít nhất 4 thành phố trong tiểu bang California đã và đang khai phá sản. Thử hỏi khi ngân quỹ không có tiền, tiền trợ cấp, phiếu thực phẩm hàng tháng còn tiếp tục được phân phát ra không? Tiền vay nợ để tiêu dùng hôm nay cũng có hạn kỳ phải trả lại, cả vốn lẫn lời. Có ai muốn con, cháu hay chắt của mình phải trả nợ đậy đó không? Chủ nợ lớn nhất là Trung cộng... Cứ cái đà này, con cháu nước Mỹ, ngay thế hệ sắp tới chắc sẽ phải đi ở đợ cho Trung cộng để trừ nợ chăng?
Hai năm đầu nhiệm kỳ, Obama đã có tất cả hai viện quốc hội, và tự do tung hoành, nhưng cao vọng trở thành tham vọng làm cho mất khôn bỏ vuột mất cơ hội tốt. Dân chúng thành mất tín nhiệm, lo sợ nên phe đối lập mới có cơ hội lấy lại được hạ viện. Những người phụ tá lẳng lặng rút lui dần. Cựu thống đốc người Mỹ gốc Hoa, sau khi gặp riêng Obama, rút bỏ lời hứa hợp tác với Obama ở cấp bậc nội các nhưng nhận lời mời của Hillary đi làm một việc nhỏ bé hơn. ”Chief of staff” ngang hàng với chức vụ “thủ tướng” thay đổi ba lần. Người tâm đắc nhất đầu tiên tự ý rút lui và trở thành thị trưởng Chicago; một chức vụ thấp kém quá xa. Bộ trưởng quốc phòng nhiều kinh nghiệm từ thời Bush bỏ cuộc. Obama tự làm mất đi nhiều người phụ tá giá trị ở những vị trí quan trọng vì họ không đồng ý với chính sách và không muốn bị mang tiếng về sau. Ngoại trưởng Clinton đi khắp thế giới hứa hẹn, nhưng chỉ là hứa miệng vì Obama không làm một việc gì chứng tỏ cho thấy có sự yểm trợ thực tiễn sau những lời hứa đó. Cố lục lọi tìm tòi thêm cũng không thấy có gì tốt đẹp hơn.
Phim “2016 Obama’s America” cho thấy con đường Obama đang đi phản ảnh những lý thuyết (chưa bao giờ được thực hành) của những người thầy, người bạn ông đã gặp gỡ và học hỏi. Và những lý thuyết đó, có thể thành công tại các quốc gia khác, nhưng không thể thành công trên nước Mỹ được. Nhiệm kỳ thứ hai của Obama sẽ chỉ là bốn năm phí phạm. Sẽ chỉ làm cho vết thương nặng nề hơn nhưng không làm thay đổi con bệnh. Và bốn năm đó sẽ chỉ tạo thêm sự chia rẽ, nghi ngờ, đề phòng mạnh mẽ hơn, chối bỏ tài năng lãnh đạo của những người da mầu tương lai.
Hình ảnh hai bàn tay cùng mầu đen được đặt cạnh nhau trong phim: một của D’Souza và một của Obama là lời chào mừng, sự vui sướng, hy vọng của người có cùng mầu da, của nhóm thiểu số, nhưng cũng là lời phân trần, lời giải thích lý do tại sao tác giả đã quyết định thực hiện cuốn phim này. Ông không có dã tâm làm cho Obama thất bại. Chỉ vạch ra sự thật hiện tại và bài học cho tương lai. Tự Obama làm cho thất bại. Tự Obama làm cho phe đối lập có lý do mạnh thêm. Do một chủ trương không thể áp dụng được và cũng không hợp thời. Do sự hấp tấp vội vã, cố chấp, và do sự thiếu hậu thuẫn, đồng ý của phe đối lập và của ngay người thân cận.
Tất cả những lời nói của Obama trong hai năm sau cùng đã thành lời truyền giáo rẻ tiền, chỉ lập đi lập lại một điều cũ rích trong sách mọi người đã nghe, đã hiểu nhưng không kiểm chứng được kết quả. Lời kể công đã loại bỏ được Osama Bin Ladin chỉ là lời gỡ gạc. Những người hiểu chiến thuật, chiến lược quân đội sẽ cho biết đó không phải là một việc làm có thể một sớm một chiều hoàn tất được. Kết quả làm việc liên tục nhiều năm của quân đội, của những người chuyên môn đặc biệt, đã mang cơ hội tốt tới cho Obama. Và xém chút nếu ông không nghe lời Hillary thì cơ hội tốt đó cũng vuột đi. Điều trớ trêu là ông đã kiêu căng, tham lam, không hiểu biết nên tiết lộ cuốn phim tiến hành cuộc hành quân đó ra cho báo chí, đúng ra chỉ là báo cáo tối mật cho riêng ông thôi, làm cho ông bác sĩ người Pakistani, người đã góp phần giúp đỡ quan trọng cho cuộc hành quân khó khăn đó bị lộ diện và bị bắt. Có ai trên thế giới này còn muốn hợp tác làm việc với người sẵn sàng bán đứng bạn bè sau khi xong chuyện không ? Những người Việt hay Phi, hay thế giới tin tưởng Obama sẽ giúp chận đứng Trung cộng tại biển Đông có bằng chứng ông sẽ giữ lời hứa không ? Ông đã hứa hẹn quá nhiều chuyện và có bao nhiêu chuyện thành tựu?
D’Souza - chủ tịch trường đại học King College tại thành phố New York, cũng là người nghiên cứu cho Policy Review – đã vạch ra được ý nghĩ, hành động, những cá tính rõ ràng đó bằng những câu trả lời phỏng vấn của những người quen biết, những người đã có liên hệ với Obama. Tánh mạng của ông nhiều lần đã bị xua đuổi, đe dọa trên con đường thu thập những tài liệu đó. Là thầy dậy học nên ông ta trình bầy ra hết như lời giảng giải, dậy dỗ. Như làm những hình ảnh trắng đen còn lờ mờ sáng tỏ lên nhanh hơn. Như giúp phát triển một bài toán khó.
Tôi hiểu thêm đây cũng là tiếng thở dài nuối tiếc, là lời báo động về những nguy hại lớn lao hơn sẽ quay trở lại gây cản trở cho bước tiến của những người da mầu có nhiệt huyết có tài năng chỉ muốn góp phần làm cho thế giới này không còn thuộc quyền của một nhóm người riêng biệt nào nữa nếu Obama còn tại chức và tiếp tục tung hoành trong việc phá tung căn nhà đang yên vui có sẵn.
Obama phạm quá nhiều lỗi lầm lớn. Lỗi lầm lớn nhất là đã phá bỏ, hay ít nhất làm hư hỏng nặng cây cầu, cánh cửa cơ hội, con đường cho nhóm người đã ưa thích ông, giúp đỡ ông, của những người có cùng mầu da với ông đi tiếp lên. Ông đã tạo thêm ngờ vực, chia rẽ, làm mất lòng tin, làm sống lại ý nghĩ đề phòng, ngăn chận và kiểm soát như đối với những người phản loạn. Và đây đã là mối quan tâm của D’Souza.
Con trai tôi ra khỏi đại học đã hơn một năm phải quyết định trở lại học thêm, tuy không có tiền học. Những điện thư của tôi gởi cho con phân tách tình hình chính trị không bị con phản đối, chỉ trích hay độc đoán nữa. Có lẽ nó đã tự tìm hiểu ra sự thực.
Như đã nói ở trên, bất cứ ai trở thành tổng thống của nước Mỹ cũng không làm tôi bận tâm. Qua hơn 200 năm rồi, cơ cấu tổ chức chính trị của nước Mỹ đã tự chứng minh là cơ cấu rất chặt chẽ, hiệu nghiệm. Một hệ thống “chia để trị” hữu hiệu và được ưa thích. Những người tham dự ai cũng có phần quyền hành riêng và liên hệ giây chuyền với nhau. Hệ thống đó phải là căn bản nghiên cứu hiểu biết nằm lòng cho những ai muốn chen chân vào tầng lớp lãnh đạo tương lai. Obama muốn phá bỏ cơ cấu này và thất bại.
Obama có được tái cử nhiệm kỳ thứ hai cũng không là tai họa lớn. Đảng đối lập chỉ cần nắm hoàn toàn được cả hai viện quốc hội thì ông ta sẽ trở thành tổng thống “bù nhìn” không thể nhúc nhích được. Những thành quả ông vừa hấp tấp chiếm được sẽ bị hóa giải... Cơ cấu tổ chức hiến pháp đã tiên đoán và xếp đặt biện pháp sửa chữa từ lâu rồi. Hết nhiệm kỳ ông và gia đình sẽ trở thành giầu có, nhiều lần triệu phú hơn, sẽ sống cuộc đời xa hoa phú quý mới cho đến ngày chết. Và mọi chuyện sẽ trở lại như thường lệ... Nhưng nhóm da mầu chắc chắn sẽ phải mất thêm những thời gian dài dặc khác, mất thêm rất nhiều tiền bạc mới có thể chỉ được lấp ló ngoài khung cửa...
Việc bỏ phiếu bầu cử hôm nay không phải chỉ là hành động đơn giản, giúp thoả mãn những gì xẩy ra hiện tại mà sâu xa hơn, nếu biết suy nghĩ tính toán, thấu hiểu thực trạng thì có thể giúp hoạch định một chính sách, dọn một con đường đi cho nhiều năm sắp tới cho chính mình, cho con cháu và cho tương lai của quốc gia mình đang nương náu và con cháu mình gọi là quê hương.
Phải cám ơn D’Souza đã vạch ra sự thật và khai thị. Con đường đi là do mình định đoạt

No comments:

Post a Comment