Nhiều chuyên gia y tế nổi tiếng và các tổ chức chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản ủng hộ ý tưởng rằng bệnh nhân tiểu đường hoặc béo phì nên ăn bắp cải trộn giấm trước mỗi bữa ăn vì hiệu quả giảm cân và giảm lượng đường trong máu của món ăn này.
Giáo sư Koichiro Fujita, chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực miễn dịch học đã áp dụng cách ăn một khẩu phần nhỏ bắp cải trộn giấm trước mỗi bữa ăn. Ông đã có cải thiện về trọng lượng cơ thể, bệnh gout và bệnh tiểu đường nặng.
Ông Fujita ban đầu làm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nhưng sau đó chuyển hướng sang lĩnh vực miễn dịch học, và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, dù có chuyên môn về miễn dịch học nhưng ông không ưu tiên chăm sóc sức khỏe bản thân. Trước khi bước sang tuổi năm mươi, ông không chú trọng vào cách ăn uống, ông ăn bất cứ thứ gì mình muốn và uống rượu bất cứ khi nào mình muốn. Hậu quả là ông đã bị bệnh tiểu đường, bệnh gout và thậm chí còn bị rụng tóc.
Ông Fujita đã hai lần phải nhập khoa cấp cứu vì bệnh tiểu đường. Lần đầu tiên là vào năm 2000 và bệnh tình của ông đã có dấu hiệu cải thiện sau khi được điều trị bằng insulin. Tuy nhiên, vào năm 2010, sức khỏe của ông lại một lần nữa suy giảm và lượng đường trong máu của ông tăng vọt lên 450mg/dl (giá trị bình thường <110 mg/dl). Ông cao 177cm và nặng 87kg.
Để phục hồi sức khỏe, ông Fujita quyết định giảm cân. Sau khi thử nhiều phương pháp và đọc rất nhiều tài liệu, ông đã chọn bắp cải cho bữa ăn hàng ngày nhằm mục đích hạn chế lượng đường nạp vào. Ông sẽ ăn một chén bắp cải nhỏ khoảng 100g (ăn sống hoặc trộn dầu giấm) trước các bữa ăn.
Sau hai tuần, lượng đường trong máu của ông giảm xuống còn 90mg/dL. Sau hai tháng, mức triglycerid giảm từ 300mg/dL xuống còn 150mg/dL (giá trị tiêu chuẩn là dưới 150mg/dL). Sau bốn tháng, mức HbA1c giảm từ gần 11 xuống còn 6%.
Trong quá trình này, cân nặng của ông cũng giảm đáng kể, giảm tới 14kg. Ngoài ra, một số bệnh kinh niên như bệnh gout và gan nhiễm mỡ cũng thuyên giảm, dẫn đến sự cải thiện rõ rệt về sức khỏe tổng quát.
Trong cuốn sách “Ericate Fat Bacteria, Lose Weight with Pre-Meal Vinegar Cabbage Diet” (Tạm dịch: Loại Bỏ Vi Khuẩn Tạo Béo, Giảm Cân bằng Cách Ăn Bắp Cải Giấm Trước Bữa Ăn), ông Fujita đã dẫn chứng trường hợp cô Karina Maruyama, cựu cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Nhật Bản, đã thử phương pháp giảm cân này và đã giảm được 2.5kg trong hai tuần và giảm được 8cm vòng eo.
Vi khuẩn tạo mỡ và vi khuẩn tạo nạc
Trong một chương trình truyền hình Nhật Bản, ông nói rằng một số người, dù đã nỗ lực nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc giảm cân, có thể là do sự hiện diện quá mức của “vi khuẩn tạo mỡ” trong ruột và sự giảm sút “vi khuẩn tạo nạc.”
Vi khuẩn tạo mỡ thuộc nhóm vi khuẩn đường ruột có tên Bacillota, được biết đến với vai trò lưu trữ chất béo và đường. Sự hiện diện quá mức loại vi khuẩn này sẽ hấp thụ một lượng năng lượng đáng kể, dẫn đến tăng cân. Vi khuẩn tạo mỡ phát triển mạnh khi ăn ít chất xơ, thực phẩm nhiều chất béo và nhiều đường.
Vi khuẩn tạo nạc thuộc nhóm Bacteroidota, có đặc tính đốt cháy chất béo. Vi khuẩn tạo nạc thích thực phẩm có nhiều chất xơ, ít chất béo và ít đường.
Theo ông Koichiro, vi khuẩn tạo mỡ và vi khuẩn tạo nạc có mối quan hệ cạnh tranh trong ruột. Khi quần thể vi khuẩn tạo mỡ tăng lên thì số lượng vi khuẩn tạo nạc giảm đi và ngược lại, số lượng vi khuẩn tạo nạc tăng lên dẫn đến vi khuẩn tạo mỡ giảm đi.
Để giảm cân, điều cần thiết là phải giảm số lượng vi khuẩn tạo mỡ trong ruột và thiết lập một môi trường thuận lợi để tăng số lượng vi khuẩn tạo nạc.
Ông Koichiro giải thích rằng bắp cải chứa nhiều chất xơ, có thể làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột. Bắp cải là một loại rau thuộc họ cải chứa nhiều chất dinh dưỡng được biết đến với khả năng hạ đường huyết và ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Hơn nữa, acid acetic trong giấm làm tăng độ acid trong ruột, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có lợi phát triển.
Cả bắp cải và giấm đều có hàm lượng chất béo và đường thấp, nên khi kết hợp lại thì rất lý tưởng để giảm vi khuẩn tạo mỡ và tăng vi khuẩn tạo nạc.
Ngoài ra, ông Koichiro còn cho biết giấm còn có thể ức chế sự gia tăng nhanh chóng lượng đường trong máu sau bữa ăn, làm mềm mạch máu và hạ huyết áp. Bắp cải còn có tính chống oxy hóa mạnh, có khả năng loại bỏ các gốc tự do vốn là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và lão hóa.
Giảm cân bằng bắp cải được các chuyên gia y tế Nhật Bản ưa chuộng
1_ Bác sĩ Yoshinori Terashi
Bác sĩ Yoshinori Terashi, chuyên gia nổi tiếng của Hiệp hội Dị ứng Nhật Bản và là giám đốc Phòng khám Terashi đã giảm 20kg sau khi ăn 1/6 cái bắp cải trước mỗi bữa ăn trong ba tháng.
Bác sĩ Terashi khẳng định ăn bắp cải là phương pháp giảm cân không cần nhịn ăn kham khổ và có hiệu quả tốt cho sức khỏe tổng quát.
Hơn một thập niên trước, ông Terashi bị thừa cân – cao 167cm và nặng 89kg, vòng eo 96cm, đường máu và mỡ máu ở mức cao. Ông cũng bị chứng ngưng thở khi ngủ.
Để giảm cân, ông đã áp dụng thói quen ăn 1/6 hoặc 1/4 bắp cải trước mỗi bữa ăn. Ông thường chần bắp cải hoặc chế biến món sal và nhai kỹ để có cảm giác no trước bữa ăn chính, do đó lượng thức ăn sau đó cũng giảm một cách tự nhiên.
Trong tháng đầu tiên, ông giảm được 10kg, tiếp theo là 6kg vào tháng thứ hai và 4kg vào tháng thứ ba, dẫn đến tổng số cân giảm được là 20kg. Vòng eo của anh cũng giảm 17cm. Tất cả các chỉ số xét nghiệm máu đều trở lại bình thường và các triệu chứng ngưng thở khi ngủ biến mất. Ông đã có thể tận hưởng giấc ngủ không bị gián đoạn suốt đêm.
Tiến sĩ Terashi cũng nhận thấy rằng, ngoài việc giảm cân đáng kể, làn da của ông trở nên rạng rỡ, không còn nếp nhăn và chảy xệ. Từ đó, ông thường đề nghị cách giảm cân bằng bắp cải cho các bệnh nhân. Đối với những người lớn tuổi và những người có vấn đề về răng miệng, ông khuyên họ nên chần hoặc ngâm nhanh bắp cải trong nước nóng để làm mềm.
Ông giải thích thêm rằng các chất phytochemical và chất xơ trong bắp cải có khả năng chịu nhiệt tự nhiên, nghĩa là không bị phân hủy ngay cả khi đun sôi. Do đó, không cần lo lắng về việc mất chất dinh dưỡng do nhiệt.
2_ Bác sĩ Kiyoshi Uchiba
Bác sĩ Kiyoshi Uchiba, giám đốc Bệnh viện Ooka ở Thành phố Nagano, cao 182cm, nặng 122kg. Ông đã giảm 14 kg trong hai tuần và 41.5 kg trong sáu tháng.
Ông cũng tin rằng việc ăn rau chậm trước bữa ăn sẽ kích thích trung tâm cảm giác no trong não, từ đó ngăn ngừa việc ăn quá nhiều. Ngoài ra, bác sĩ Uchiba cho biết, chất xơ trong bắp cải có thể bảo vệ niêm mạc ruột.
3_ Bác sĩ Nina Ishihara
Bác sĩ Nina Ishihara, phó giám đốc Phòng khám Ishihara, đã ăn khoảng 100g bắp cải trước mỗi bữa ăn và đã giảm thành công 5kg sau bốn tháng. Bà thay thế món chính bằng bắp cải và bổ sung các món ăn phụ thích hợp. Ngay cả khi cân nặng dao động nhẹ, bà vẫn kiểm soát được bằng cách điều chỉnh lượng bắp cải trong bữa ăn.
Bà tin rằng mối quan tâm sức khỏe hàng đầu của người trung niên và người lớn tuổi là bệnh cao huyết áp, trong đó nguyên nhân chính là do ăn quá nhiều muối. Còn bắp cải thì chứa nhiều potassium, giúp loại bỏ muối.
Bắp cải không chỉ mang lại lợi ích giảm cân mà còn góp phần làm đẹp và sức khỏe tổng thể. Tiến sĩ Ishihara gợi ý dùng bắp cải ngâm giấm, lưu ý rằng acid acetic trong giấm có thể giúp giảm mệt mỏi và đã được chứng minh là có tác dụng gia tăng chức năng gan một cách hiệu quả, giúp gan phân hủy rượu.
Cách làm bắp cải ngâm giấm của bác sĩ Ishihara
Thành phần:
· 1/2 bắp cải (500g)
· 500ml giấm (giấm ngũ cốc hoặc giấm gạo)
· 2 đến 3 trái ớt đỏ
Chuẩn bị:
· Khử trùng keo thủy tinh bằng cách tráng qua nước sôi và để khô.
· Cắt bắp cải thành dải mỏng hoặc hình dạng bạn thích, sau đó đặt vào trong lọ thủy tinh.
· Thêm ớt đỏ (tuỳ thích với ai không ăn cay được).
· Đổ giấm vào cho đến khi giấm ngập hết bắp cải.
· Đậy nắp lọ và để trong tủ lạnh.
· Bạn có thể dùng sau khoảng 12 đến 24 tiếng khi bắp cải đã mềm.
Ai không nên ăn nhiều bắp cải
Phương pháp giảm cân bằng bắp cải tuy đơn giản và có lợi cho sức khỏe nhưng có thể không phù hợp với tất cả mọi người.
Những người bị rối loạn tuyến giáp hoặc có xu hướng đầy hơi không nên ăn nhiều bắp cải.
Ngoài ra, những người có vấn đề về tiêu hóa nên hạn chế ăn bắp cải sống để tránh khó chịu ở dạ dày.
Ellen Wan _ Thu Anh