Wednesday, March 13, 2013

Phố Núi Pleiku


Quý nam phụ lão ấu, quý tài tử giai nhân, từ muôn phương quy tụ về Hội Ngộ Phố Núi Lần II, là về với Núi, về với Pleiku. Sự trở về là một thôi thúc sâu kín trong lòng, quý vị đã đáp ứng lời mời của BTC, đã biến giấc Mơ thành sự Thực.

Từ khi cắt đi núm ruột cha ông, từ bỏ Pleiku di tản qua tỉnh lộ 7B kinh hoàng rạng sáng ngày 16 tháng 3 năm 1975 đến nay đã 38 năm. 38 năm qua mà giấc mơ về Phố Núi vẫn âm ỉ trong lòng. Vậy, Pleiku là cái gì mà thôi thúc lòng người đến như vậy? Có phải Pleiku là địa đàng tráng lệ hay Pleiku là bùa ngãi hoặc ma túy cần sa?

Ngày nay, khi nói đến sự hấp dẫn của bất cứ một địa danh nào, người ta thường dùng mấy từ đi về, khó dễ, trai gái và vợ con để nói về sức hấp dẫn của địa danh ấy, Vị dụ như Pleiku đi dễ khó về/ Trai đi có vợ gái về có con. Ví von như vậy e chưa thuyết phục, vì chưa nói lên được cái quyến rũ đầy ma lực và huyền bí của Pleiku.

Sự thực, Pleiku là cao nguyên phía tây bắc của Việt Nam ở độ cao từ 600 đến 800 mét, bắc giáp Kontum, nam giáp Daklak, tây giáp Campuchia, đông giáp ba tỉnh Quãng ngãi, Bình Định và Phú Yên. Khí hậu nhiệt đới cao nguyên, chia hai mùa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình 21 đến 25 độ C, dân số 237.000 người (2008) bao gồm 28 dân tộc, trong đó người kinh chiếm 87%, các dân tộc khác như Gia Rai, Bàna... chiếm 13%.

Cao nguyên Trung phần (trong đó có Pleiku) hội đủ các yếu tố thuận lợi về quân sự và kinh tế. Nhiều nhà quân sự vẫn cho Pleiku là mái nhà của Đông Dương. Pleiku lại có ưu thế về thổ nhưỡng và thời tiết, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây lâm sản đa dạng.


Nghe vi vu tiếng gió khe rừng
Mọi thứ quanh ta đều thánh thiện
Và thánh thần bỗng hết thiêng liêng
(Dứt Cơn Mơ Ta Về Với Núi – Cao Thoại Châu)

Một đóa dã quỳ màu vàng chập chờn trên núi hay ngã nghiêng trên con lộ quê; một chút lửa hồng bếp cũ trong nhà sàn, ngoài nương rẫy, gợi nhớ cái lạnh thiên cổ của Phố Núi, có khi cũng là một thôi thúc quay về:
Nghe lòng mình cùng phố núi chao nghiêng/ Nai gõ móng trên thềm đá cũ
Nghe cả mừng vui buồn tủi/ Dã quỳ ơi, anh đã quay về...

(Dă Quỳ Rực Rỡ Dấu Chân Thơm – Cao Thoại Châu)
Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh/ Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao
Lạnh hàng cây, tửu quán, lạnh gần nhau/ Lạnh thiên cổ, lạnh vào tim máu cạn

(Hoa Quỳ Vàng Lạnh Pleiku – Nguyễn Bắc Sơn).

Sương mù, buốt lạnh và nắng bụi mưa sình cũng là những nét tiêu biểu khắc nghiệt của Pleiku mà khi đi xa, người dân Phố Núi thường hay nhớ về:


Bây giờ ta ở Pleiku
Thấy xanh đó núi thấy mù nầy sương
Núi xanh còn ngỡ phố phường

Mù sương ngan ngát dễ thường dễ khuây
(Ở Pleiku – Võ Ý)

Cũng có khi người Pleiku nhớ mông lung giọt cà phê Dinh Điền một sáng chủ nhật mưa bay, nhớ cái cay hít hà xé miệng của tô bún bò nhà xác, nhớ món hủ tiếu khô đậm đà chơn chất, nhớ những hột bắp dẻo mà thơm của em Pleiku má đỏ môi hồng...Nhưng trong các đặc sản của Phố Núi, quý bà nội trợ làm sao mà quên được món măng le đặc sản Pleiku đã đi vào ca dao:


Ai về nhắn với nẫu nguồn
Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên


Một điều hiển nhiên là khi yêu ai , người ta yêu cả đường đi lối về (1) của người ấy. Vì người yêu của tôi ở Pleiku, nên tôi yêu Phố Núi, yêu sân trường của nàng và cả nắng bụi mưa sình nơi thành phố nàng trú ngụ.

Bài hát Còn Chút Gì Để Nhớ của Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định bỗng dưng trở thành lời tỏ tình rất ý nhị (và hiệu quả) mà phái mày râu đã vô tình chiếm đoạt. Từ xa xưa, Pleiku đã đi vào văn học sử. Rất nhiều bài thơ bài văn nói về Pleiku, trước cũng như sau 1975.

Ngoài Phạm Duy với ca khúc để đời Còn Chút Gì Để Nhớ, cũng còn rất nhiều nhạc sĩ diễn đạt những rung cảm của mình về Pleiku như Nhật Ngân (Lên Núi Tỏ Tình), Phan Ni Tấn (Đứa Con Mê Núi, Pleiku Em Ở Núi Rừng), Hoàng Khai Nhan (Phố Xưa), Trần Duy Đúc (Khúc Mưa Sầu), Đăng Phương (Cao Nguyên Tình Khúc), Nguyễn Nam Thư (Về Rừng Núi), Nguyễn Đức Tri Tâm (Áo Trắng Ngày Xưa), Dương Thượng Trúc ( Pleiku, Thiên Thu Nỗi Nhớ), Tô Quốc Thắng (Nhớ Pleiku) v.v...



Phải chăng đó là ma lực của Phố Núi?
Thư Mời Tham Dự Hội Ngộ Phố Núi Pleiku Lần II

No comments:

Post a Comment