Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời ngày 20/3/2021 tại Hà Nội,
Việt Nam. Sáng Tạo đăng lại truyện ngắn Tướng về hưu của ông để chúng ta
cùng đọc và tưởng tiếc một văn tài.
I.
Khi viết những dòng này, tôi đã thức tỉnh trong vài người quen những cảm
xúc mà thời gian đã xóa nhòa, và tôi đã xâm phạm đến cõi yên tĩnh nấm
mồ của chính cha tôi. Tôi buộc lòng làm vậy, và xin người đọc nể nang
những tình cảm đã thúc đẩy tôi viết mà lượng thứ cho ngòi bút kém cỏi
của tôi. Tình cảm này, tôi xin nói trước, là sự bênh vực của tôi đối với
cha mình.
Cha tôi tên là Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là
họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia
học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi
ít ngày thì mất, vì vậy ông tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm
vải, tôi không tường mặt, chỉ nghe nói là một người đàn bà cay nghiệt vô
cùng. Sống với dì ghẻ, cha tôi trong tuổi niên thiếu đã phải chịu đựng
nhiều điều cay đắng. Năm mười hai tuổi, cha tôi trốn nhà ra đi. Ông vào
bộ đội, ít khi về nhà.
Khoảng năm… cha tôi về làng lấy vợ. Chắc chắn cuộc hôn nhân này không do
tình yêu. Mười ngày nghỉ phép bề bộn công việc. Tình yêu đòi hỏi điều
kiện, trong đó thời gian cũng cần.
Khi lớn lên, tôi chăng biết gì về cha mình cả. Tôi chắc mẹ tôi hiểu
về cha tôi cũng ít. Cả đời cha tôi gắn với súng đạn, chiến tranh.
Tôi đi làm, lấy vợ, sinh con. Mẹ tôi già đi. Cha tôi vẫn đi biền
biệt. Thỉnh thoảng cha tôi cũng ghé về nhà, nhưng những lần về đều ngắn.
Cả những bức thư cha tôi gửi về cũng ngắn, dầu rằng dưới những dòng
chữ, tôi biết ở đấy ẩn chứa nhiều tình thương cùng với âu lo.
Tôi là con một, tôi đã chịu ơn cha tôi về đủ mọi mặt. Tôi được học
hành, được du ngoại. Cả những cơ sở vật chất gia đình cũng do cha tôi lo
liệu. Ngôi nhà tôi ở ven nội, xây dựng trước khi cha tôi về hưu tám
năm. Đấy là một biệt thự đẹp nhưng khá bất tiện, tôi đã xây cất dựa theo
thiết kế của một chuyên gia kiến trúc trứ danh, bạn của cha tôi, ông
này đại tá, chỉ thạo việc xây doanh trại.
Năm bẩy mươi tuổi, cha tôi về hưu với hàm thiếu tướng.
Mặc dầu biết trước, tôi vẫn ngỡ ngàng khi cha tôi về. Mẹ tôi đã lẫn
(bà hơn cha tôi sáu tuổi), vì vậy thực ra ở nhà chỉ có mình tôi có những
tình cảm đặc biệt với sự kiện này. Mấy đứa con tôi còn bé. Vợ tôi biết
ít về ông, vì hai chúng tôi lấy nhau khi mà cha tôi đang bặt tin tức.
Bấy giờ đang có chiến tranh. Tuy thế, ở trong gia đình, cha tôi bao giờ
cũng là hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng,
tên tuổi cha tôi cũng được mọi người ngưỡng vọng.
Cha tôi về nhà, đồ đạc đơn sơ. Cha tôi khỏe. Ông bảo: “Việc lớn trong
đời cha làm xong rồi!” Tôi bảo: “Vâng”. Cha tôi cười. Tâm trạng xúc
động lây sang cả nhà, mọi người chuếnh choáng đến nửa tháng trời, sinh
hoạt tùy tiện, có hôm mười hai giờ đêm mới ăn cơm chiều. Khách khứa đến
chơi nườm nượp. Vợ tôi bảo: “Không để thế được”. Tôi cho mổ lợn, đi mời
họ hàng làng nước đến để chia vui. Làng tôi tuy gần thành phố nhưng mà
tập tục nông thôn còn giữ. Đúng một tháng sau, tôi mới có dịp ngồi với
cha tôi bàn chuyện gia đình.
II.
Trước khi kể tiếp, xin nói về gia đình tôi. Tôi ba mươi bẩy tuổi, là kỹ
sư, làm việc ở Viện Vật lý. Thủy, vợ tôi, là bác sĩ, làm việc ở bệnh
viện sản. Chúng tôi có hai con gái, đứa mười bốn, đứa mười hai. Mẹ tôi
lẫn lộn, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ.
Ngoài những người trên, gia đình tôi còn có ông Cơ và cô con gái gàn
dở của ông. Ông Cơ sáu mươi tuổi, quê Thanh Hóa. Vợ tôi gặp cha con ông
khi nhà của họ bị cháy, cơ nghiệp mất sạch. Thấy cha con ông tốt bụng,
đáng thương, vợ tôi sắp xếp cho họ ở với chúng tôi. Cha con ông ở dưới
nhà ngang, sinh hoạt riêng rẽ nhưng mọi chế độ thì do vợ tôi chu cấp.
Không có hộ khẩu, họ không có những tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm như
những người dân khác trong thành phố. Ông Cơ hiền lành, chịu khó.
Thường ông đảm nhiệm việc chăm vườn tược, lợn gà và đàn chó giống. Nhà
tôi nuôi chó béc-giê. Tôi cũng không ngờ việc kinh doanh chó lại thu lợi
lớn. Khoản thu này trội nhất trong nhà. Cô Lài mặc dầu gàn dở nhưng lại
xốc vác và nội trợ giỏi. Vợ tôi dạy cô cách thức nấu bóng, nấu nấm, nấu
gà hầm. Cô bảo: ” Cháu chẳng ăn thế bao giờ”. Cô không ăn thật. Cả hai
vợ chồng và hai con tôi không phải lo toan công việc gia đình. Từ ăn
uống, giặt giũ, tất cả giao cho hai người giúp việc. Vợ tôi cầm chịch
các khoản chi tiêu. Tôi bận nhiều việc, hiện đang vùi đầu vào công trình
ứng dụng điện phân. Cũng cần nói thêm: quan hệ tình cảm của vợ chồng
tôi êm thấm. Thủy có học thức, sống theo lối mới. Chúng tôi suy nghĩ độc
lập, nhìn nhận vấn đề xã hội tương đối giản dị. Thủy am tường các việc
lo liệu kinh tế cũng như dạy dỗ con cái. Còn tôi, hình như tôi khá cổ
hủ, đầy bất trắc và thô vụng.
III.
Tôi quay lại đoạn kể cha con tôi bàn việc gia đình. Cha tôi bảo: “Nghỉ
rồi, cha làm gì?” Tôi bảo: “Viết hồi ký”. Cha tôi bảo: “Không!”. Vợ tôi
bảo: “Cha nuôi vẹt xem”. Trên phố dạo này nhiều người nuôi chim hoạ mi,
chim vẹt. Cha tôi bảo: “Kiếm tiền à?” Vợ tôi không trả lời. Cha tôi bảo:
“Để xem đã!” Cha tôi cho mỗi người trong nhà bốn mét vải lính. Ông Cơ
và cả cô Lài cũng thế. Tôi cười: “Cha bình quân! ” Cha tôi bảo: “Đấy là
lẽ sống”. Vợ tôi bảo: “Cả nhà đồng phục thì thành doanh trại”. Mọi người
cười ồ.
Cha tôi muốn ở một phòng dưới dãy nhà ngang giống như mẹ tôi. Vợ tôi
không chịu. Cha tôi buồn. Việc để mẹ tôi ăn riêng, ở riêng làm ông bứt
rứt. Vợ tôi bảo: ‘Tại mẹ lẫn”. Cha tôi đăm chiêu. Tôi cũng không hiểu
sao hai đứa con gái của tôi ít gần ông nội. Tôi cho chúng học ngoại ngữ,
học nhạc. Chúng lúc nào cũng bận. Cha tôi bảo: “Các cháu có sách gì
mang cho ông đọc”. Cái Mi cười. Còn cái Vi bảo: “Ông thích đọc gì?” Cha
tôi bảo: ” Cái gì dễ đọc”. Hai đứa bảo: “Thế thì không có”. Tôi đặt báo
hàng ngày cho ông. Cha tôi không thích văn học. Văn chương nghệ thuật
bây giờ đọc rất khó vào.
Một hôm tôi đi làm về, cha tôi đứng ở dãy nhà vợ tôi nuôi chó và gà
công nghiệp. Trông ông không vui. Tôi hỏi: ” Có chuyện gì thế?” Ông bảo:
“ông Cơ và cô Lài vất vả quá. Họ làm không hết việc, cha muốn giúp họ
được không?” Tôi bảo: “Để con hỏi Thủy”. Vợ tôi bảo: “Cha là tướng, về
hưu cha vẫn là tướng. Cha là chỉ huy. Cha mà làm lính thì dễ loạn cờ”.
Cha tôi không nói năng gì. Cha tôi nghỉ hưu nhưng khách khứa nhiều. Điều
đó làm tôi ngạc nhiên, thậm chí thích thú. Vợ tôi bảo: “Đừng mừng… họ
chỉ nhờ vả. Cha ạ, cha đừng làm gì quá sức”. Cha tôi cười: “Chẳng có gì
đâu… cha chỉ viết thư. Thí dụ: ‘Thân gửi N. tư lệnh quân khu… Tôi viết
thư này cho cậu… Hơn năm mươi năm, đây là lần đầu tôi ăn tết mồng ba
tháng ba dưới mái nhà mình. Hồi ở chiến trường, hai đứa chúng mình đã
từng mơ ước v. v… Cậu nhớ cái xóm ven đường, cô Huệ đã làm bánh trôi
bằng bột mì mốc. Bột mì bê bết trên lưng v.v… Nhân đây M. là người tôi
quen, muốn được công tác dưới quyền của cậ u v.v… “. Cha viết như thế
được không?” Tôi bảo: “Được”. Vợ tôi bảo: “Không được! ” Cha tôi gãi
cằm: “Người ta nhờ mình”.
Cha tôi thường bỏ thư viết vào phong bì đựng công văn bằng giấy cứng,
cỡ 20×30, trên có in chữ Bộ quốc phòng, rồi đưa cho người nhờ vả mang
đi. Sau ba tháng, hết sạch loại phong bì ấy. Ông làm phong bì bằng giấy
bìa học sinh cũng to bằng cỡ 20×30. Một năm sau, ông cho thư vào thứ
phong bì bình thường vẫn bán ở quầy bưu điện, giá năm đồng một chục cái.
Tháng bảy năm ấy, tức là ba tháng sau ngày cha tôi về nghỉ, chú họ tôi, ông Bổng, cưới vợ cho con.
IV.
Ông Bổng với cha tôi là anh em cùng cha khác mẹ. Thằng Tuân con trai ông
làm nghề đánh xe bò. Hai cha con đều ghê gớm, to như hộ pháp, ăn nói
văng mạng. Thằng Tuân lấy vợ lần này là lần thứ hai. Vợ trước bị đánh
đau quá, bỏ đi. Ra tòa, nó khai là vợ theo trai, tòa phải chịu. Cô vợ
lần này tên là Kim Chi, làm nghề nuôi dạy trẻ, con nhà có học hẳn hoi,
xí xớn thế nào nghe nói có thai với nó. Kim Chi là cô gái đẹp, làm vợ
thằng Tuân đúng là “hoa nhài cắm bãi cứt trâu “. Thâm tâm chúng tôi
không ưa cha con ông Bổng, khốn nỗi “một giọt máu đào hơn ao nước lã”,
giỗ tết vẫn phải đi lại, nhưng mà ngày thường cũng nhạt. Ông Bổng hay
nói: “Quân trí thức khốn nạn! Rẻ dân lao động! Nể bố nó, không tôi cạch
cửa!” Nói thế thôi, ông Bổng vẫn sang vay tiền. Vợ tôi khe khắt, bao giờ
cũng bắt ông phải ký cược. Ông Bổng rất ức, ông nói: “Mình là chú nó,
trót vay nợ nó mà nó cư xử hệt như địa chủ”. Nhiều món nợ ông cứ lờ đi
không trả. Cưới vợ cho con, ông Bổng nói với cha tôi: “Anh phải đứng ra
chủ hôn, bố cháu Kim Chi vụ phó, anh là tướng, thế là “môn đăng hộ đối”.
Sau này các cháu nhờ phúc của ông, như tôi là thằng phu xe, báu gì.”
Cha tôi bằng lòng.
Đám cưới ngoại ô lố lăng và khá dung tục. Ba ô tô. Thuốc lá đầu lọc
nhưng gần cuối tiệc hết sạch, phải thay bằng thuốc lá cuốn. Năm mươi mâm
cỗ nhưng ế mười hai. Chàng rể mặc comlê đen, cravat đỏ. Tôi phải cho
mượn cái cravat đẹp nhất trong tủ áo. Nói là mượn, chắc gì đòi được. Phù
rể là sáu thanh niên ăn mặc hệt nhau, đều quần bò, râu ria rất hãi. Đầu
tiệc là dàn nhạc sống chơi bài Ave Maria. Một anh cùng hợp tác xã xe bò
thằng Tuân nhảy lên đơn ca một bài khủng khiếp:
Ừ… ê… cái con gà quay
Ta đi lang thang khắp miền giang hồ
Tìm nơi nào có tiền
Tiền ơi, mau vào túi ta
Ừ… ê… cái con gà rù…
Sau đó đến lượt cha tôi. Ông luống cuống, khổ sở. Bài văn chuẩn bị
công phu hóa thừa. Kèn clarinét đệm rất bậy bạ sau dấu chấm câu. Pháo ầm
ĩ. Trẻ con bình luận nhảm nhí. Cha tôi nhảy cóc từng đoạn. Ông cầm tờ
giấy mà run bắn người. Một sự ô hợp láo nháo thản nhiên rất đời, thô
thiển, thậm chí còn ô trọc nữa làm ông kinh hãi, đau đớn. Ông vụ phó
thông gia cũng đâm hoảng hốt, luống cuống, làm đổ cả rượu xuống váy cô
dâu. Chẳng nghe thấy gì. Dàn nhạc sống át đi bằng nhừng ca khúc vui vẻ
quen thuộc của các ban nhạc Beatles và Abba. Sau đó, rắc rối đầu tiên
đến với cha tôi là việc Kim Chi sinh cháu chỉ sau hôm cưới chục ngày.
Gia đình ông Bổng bê bối. Ông say rượu, tống cổ cô con dâu ra cửa. Thằng
Tuân cầm dao chém bố, may trượt.
Vô phương, cha tôi phải đón cháu dâu về nhà. Gia đình tôi thêm hai
khẩu. Vợ tôi không nói năng gì Cô Lài thêm một trách nhiệm. Được cái cô
Lài vô tâm, tính lại yêu trẻ.
V.
Một tối, tôi đang đọc Sputnhich, cha tôi lặng lẽ đi vào. Ông bảo: “Cha
muốn nói chuyện với con”. Tôi pha cà phê, cha tôi không uống. Ông hỏi:
“Con có để ý công việc của Thủy không con? Cha cứ rờn rợn”.
Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày
các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên
cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng
quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có
các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném
vào đàn chó béc giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”. Đàn chó
sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi di vào nói với ông Cơ: “Sao không cho
vào máy xát? Sao để ông biết?!” ông Cơ bảo: “Cháu quên, cháu xin lỗi
mợ”.
Tháng mười hai, vợ tôi gọi người bán sạch đàn chó béc giê. Vợ tôi
bảo: “Anh thôi hút thuốc Galăng đi. Năm nay nhà mình hụt thu hai mươi
bảy nghìn, chi lạm mười tám nghìn, cộng là bốn mươi lăm nghìn”. Kim Chi
hết thời gian nghỉ, đi làm. Nó bảo: “Cám ơn anh chị, em đưa con về nhà
đây”. Tôi hỏi: “Về đâu?” Thằng Tuân đã bị bắt giam vì tội côn đồ. Kim
Chi đưa con về nhà của bố mẹ đẻ. Cha tôi đưa về tận nơi bằng xe tắcxi
thuê riêng. Cha tôi ở chơi với ông vụ phó bố của Kim Chi một ngày. Ông
này vừa đi công tác ở Ấn Độ về, ông biếu cha tôi một mảnh lụa hoa và nửa
lạng cao tổng hợp. Cha tôi cho cô Lài mảnh lụa hoa, cho ông Cơ nửa lạng
cao.
VI.
Trước tết Nguyên đán, ông Cơ nói với hai vợ chồng tôi: “Cháu xin cậu mợ
một việc”. Vợ tôi hỏi: “Việc gì?” ông Cơ nói vòng vèo, chẳng đâu vào
đâu. Đại để ông muốn về thăm quê. ở với chúng tôi sáu năm, cũng có dành
dụm, ông Cơ muốn về bốc mộ bà vợ. Để lâu ngày chắc ván đã sụt. “Nghĩa tử
là nghĩa tận”. ở thành phố, cũng muốn về thăm họ hàng làng xóm cho nó
mát mặt. Bây giờ đã vậy, sau này “cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Vợ
tôi cắt lời: “Thế bao giờ đi?” ông Cơ gãi đầu: “Đi mười ngày, về Hà Nội
trước hăm ba tết”. Vợ tôi tính: “Được. Anh Thuần này (Thuần là tên tôi),
anh có nghỉ phép được không?” Tôi bảo: “Được”. Ông Cơ bảo: “Chúng cháu
muốn mời ông về quê chơi. Như đi du lịch”. Vợ tôi bảo: “Tôi không thích.
Thế ông bảo sao?” ông Cơ bảo: “Ông đồng ý rồi. Không có ông, cháu cũng
chẳng nhớ đến việc cải mộ nhà cháu”. Vợ tôi hỏi: “Thế hai cha con có bao
nhiêu tiền?” ông Cơ bảo: “Cháu có ba nghìn, ông cho hai nghìn là năm”.
Vợ tôi bảo: “Được, đừng lấy hai nghìn của ông, tôi bù cho hai nghìn ấy,
lại cho thêm năm nghìn. Thế là hai cha con có chục nghìn. Đi được”.
Trước hôm đi, vợ tôi làm cơm. Cả nhà ngồi ăn, có cả ông Cơ, cô Lài.
Cô Lài vui lắm, mặc bộ quần áo mới may bằng vải cha tôi cho hôm về. Cái
Mi và Cái Vi trêu: “Chị Lài xinh nhất”. Cô Lài cười thỏn thẻn: “Chả
phải. Mợ mới xinh nhất”. Vợ tôi bảo: “Em đi chú ý đỡ ông những khi tàu
xe”. Cha tôi bảo: “Hay thôi không đi?” ông Cơ giãy nảy: “Chết, cháu đã
điện rồi: Mang tiếng chết”. Cha tôi thở dài: “Tôi có tiếng gì mà mang?”
VII.
Cha tôi đi Thanh Hóa cùng ông Cơ và cô Lài vào sáng chủ nhật. Tối thứ
hai, tôi đang xem tivi thì nghe tiếng “huỵch”, vội chạy ra ngoài thấy mẹ
tôi ngã gục góc vườn. Mẹ tôi lẫn bốn năm nay, cho ăn biết ăn, cho uống
biết uống, phải giục đi ngoài. Mọi hôm có cô Lài săn sóc không sao. Hôm
nay, tôi sơ ý, cho ăn mà không giục đi ngoài. Tôi đỡ mẹ tôi vào, bà cụ
cứ gục mặt xuống. Không thấy có vết đau. Nửa đêm tôi dậy, thấy mẹ tôi
lạnh toát, mắt dại đi. Tôi sợ, gọi vợ tôi. Thủy bảo: “Mẹ già rồi”. Hôm
sau mẹ tôi không ăn, hôm sau nữa, cũng không ăn, không chủ động đi
ngoài. Tôi giặt giũ, thay chiếu. Có ngày mười hai lần. Tôi biết Thủy và
hai con tôi ưa sạch sẽ nên tôi thay giặt luôn, không giũ ở nhà mà mang
ra tận kênh đào. Thuốc đổ vào cứ trớ ra.
Hôm thứ bẩy, mẹ tôi bỗng ngồi dậy được. Đi lững thững một mình ra
vườn. ăn được cơm. Tôi bảo: ” Mừng rồi”. Vợ tôi không nói năng gì, chiều
hôm ấy thấy mang về chục mét vải trắng, lại gọi cả thợ mộc. Tôi hỏi:
“Chuẩn bị à?” Vợ tôi bảo: “Không”. Hai hôm sau, mẹ tôi nằm liệt, lại bỏ
ăn, lại đi ngoài như cũ. Người dốc nhanh, thải ra thứ nước nâu sền sệt
rất khắm. Tôi đổ sâm. Vợ tôi bảo: “Đừng đổ sâm, khổ cho mẹ”. Tôi òa
khóc. Rất lâu tôi mới òa khóc như thế. Vợ tôi nín lặng, rồi lại bảo:
“Tùy anh”. Ông Bổng sang thăm. Ông nói: “Bà ấy cứ xoay ngang, xoay dọc
trên giường như thế này là gay go lắm đấy!” Lại hỏi: “Chị ơi, chị có
nhận ra em không?”. Mẹ tôi bảo: “Có”. Lại hỏi: “Thế em là ai?” Mẹ tôi
bảo: “Là người”. Ông Bổng khóc òa lên: “Thế là chị thương em nhất. Cả
làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em
là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”. Lần đầu tiên, cái ông chú
đánh xe bò, lỗ mãng, táo tợn, làm đủ mọi điều phi nhân bất nghĩa hóa
thành đứa trẻ ngay trước mắt tôi.
VIII.
Cha tôi về đến nhà thì sáu tiếng sau mẹ tôi mất. Ông Cơ và cô Lài nói:
“Tại chúng cháu. Chúng cháu ở nhà thì bà không mất”. Vợ tôi bảo: “Nói
nhảm”. Cô Lài khóc: “Bà ơi, bà đánh lừa con bà đi! Sao bà không cho con
đi hầu bà?” ông Bổng cười: “Mày muốn đi hầu bà thì đi, tao cho đóng
ván”. Khi liệm mẹ tôi, cha tôi khóc. Ông hỏi ông Bổng: “Sao người bà ấy
rút nhanh thế? Người già ai cũng chết khổ như thế này à?” ông Bổng bảo:
“Anh lẩm cẩm. Hôm nào nước mình cũng có hàng nghìn người chết khổ nhục
vật vã đau đớn. Mỗi lính tráng các anh, “đòm” phát là sướng”.
Tôi cho bắc rạp, bảo thợ mộc đóng quan tài. Ông Cơ cứ loay hoay bên
đống ván vợ tôi cho xẻ hôm trước. Ông thợ mộc quát: “Sợ chúng ông ăn cắp
gỗ à?” ông Bổng hỏi: “Ván mấy phân?” Tôi bảo: “Bốn phân”. Ông Bổng bảo:
“Mất mẹ bộ xa lông Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ? Bao giờ
bốc mộ, cho chú bộ ván”. Cha tôi ngồi âm thầm, trông rất đau đớn. Ông
Bổng bảo: “Chị Thủy luộc cho tôi con gà, nấu hộ nồi xôi”. Vợ tôi hỏi:
“Mấy cân gạo hả chú?” Ông Bổng bảo: “Mẹ mày, sao hôm nay cứ ngọt xớt
thế? Ba cân!” Vợ tôi bảo tôi: “Họ hàng nhà anh kinh bỏ mẹ”.
Ông Bổng hỏi tôi: “Nhà này ai chủ trì kinh tế?” Tôi bảo: “Vợ cháu”.
Ông Bổng bảo: “Đấy là ngày thường. Tao hỏi đám ma này thì ai chủ trì
kinh tế.” Tôi bảo: “Vợ cháu”. Ông Bổng bảo: “Không được con ơi, khác máu
tanh lòng. Tao bảo bố mày nhé”. Tôi bảo: “Ông để con”. Ông Bổng bảo:
“Đưa tao bốn nghìn, mày định làm bao nhiêu mâm?” Tôi bảo: “Mười mâm”.
Ông Bổng bảo: “Không đủ cho đô tùy rửa ruột. Mày bàn với vợ mày đi. Bốn
mươi mâm”. Tôi đưa cho ông bốn nghìn rồi vào nhà. Vợ tôi bảo: “Em nghe
hết rồi, em tính ba chục mâm, tám trăm đồng một mâm, ba tám hai tư. Hai
tư nghìn, phụ phí sáu nghìn. Việc mua bán em lo. Cỗ giao cho cô Lài.
Đừng nghe ông Bổng, lão ấy đểu lắm”. Tôi bảo: “ông Bổng cầm bốn nghìn
rồi”. Vợ tôi bảo: “Buồn anh lắm”. Tôi bảo: “Anh đòi lại nhé”. Vợ tôi
bảo: “Thôi, coi như trả công. Lão ấy tốt nhưng nghèo”.
Phường bát âm đến bốn người. Cha tôi ra tiếp. Nhập quan lúc bốn giờ
chiều. Ông Bổng cạy miệng mẹ tôi cho vào chín đồng vừa tiền chinh Khải
Định, vừa tiền một hào nhôm. Ông bảo: “Để đi đò”. Lại cho vào cỗ bài tổ
tôm, có lẫn cả mấy quân tam cúc. Ông bảo: “Không sao, ngày xưa bà ấy vẫn
chơi tam cúc”.
Đêm ấy, tôi thức canh quan tài mẹ tôi, ngẫm nghĩ lan man đủ điều. Cái
chết sẽ đến với mỗi chúng ta, chẳng trừ ai cả. Ngoài sân, ông Bổng với
mấy bác đô tùy ngồi đánh tam cúc ăn tiền. Khi nào kết tốt đen, ông Bổng
lại chạy vào vái quan tài mẹ tôi: “Lạy chị, chị phù hộ cho em để em vét
thật nhẵn túi chúng nó”. Cái Mi, cái Vi cũng thức với tôi. Cái Mi hỏi:
“Sao chết đi qua đò cũng phẫi trả tiền? Sao lại cho tiền vào miệng bà?”
Cái Vi bảo: “Đấy có phải ngậm miệng ăn tiền không bố”” Tôi khóc: “Các
con không hiểu đâu. Bố cũng không hiểu, đấy là mê tín”. Cái Vi bảo: “Con
hiểu đấy. Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần”.
Tôi thấy cô đơn quá. Các con tôi cũng cô đơn. Cả đám đánh bạc, cả cha
tôi nữa.
IX.
Từ nhà tôi ra nghĩa dịa đi tắt chỉ năm trăm mét nhưng đi đường chính qua
cổng làng phải hai cây số. Đường bé, không đẩy xe đòn được mà phải
khiêng vai. Đô tùy thay nhau đến ba chục người, có nhiều người vợ chồng
tôi không biết tên gì. Họ khênh quan tài hồn nhiên như việc bình thường
vẫn làm, như khênh cột nhà. Vừa đi vừa nhai trầu, hút thuốc, tán chuyện.
Khi nghỉ, đứng ngồi ngổn ngang ngay bên quan tài. Có người nằm lăn ra
nói: “Mát thật, không bận cứ ngủ ở đây đến tối”. Ông Bổng bảo: “Các bố
ơi, đi đi còn về nhắm”. Thế là đi. Tôi chống gậy giật lùi trước quan tài
theo tục lệ, “cha đưa mẹ đón”. Ông Bổng bảo: “Bao giờ tôi chết, đô tùy
của tôi toàn dân cờ bạc, cỗ không thịt lợn mà thịt chó”. Cha tôi bảo:
“Chú ơi, lúc này mà chú đùa à?” Ông Bổng nín bặt, lại khóc: “Chị ơi, chị
đánh lừa em chị đi… Chị bỏ em chị đi… “. Tôi nghĩ: “Sao lại đánh lừa?
Chẳng lẽ người chết đều đã đánh lửa người sống cả sao? Bãi tha ma này
toàn quân lừa lọc?”
Chôn cất xong, mọi người về nhà. Bày ra một lúc hai mươi tám mâm.
Nhìn mâm cỗ, tôi thật kính trọng cô Lài. Mâm nào cũng gọi: “Lài đâu?” Cô
Lài miệng dạ tíu tít, chạy ra bê rượu, bê thịt. Đến tối, cô Lài tắm
giặt, mặc quần áo mới ra hương án khóc: “Bà ơi, cháu xin lỗi bà, cháu
không đưa bà ra đồng… Hôm trước bà thèm canh cua, cháu ngại làm, bà
chẳng được ăn… Bây giờ đi chợ, cháu biết mua quà cho ai?… ” Tôi thấy
đắng ngắt. Tôi nhớ đã chục năm nay tôi chưa lần nào mua được cho mẹ
chiếc bánh hay là gói kẹo. Cô Lài lại khóc: “Cháu ở nhà thì bà có chết
không bà?” Vợ tôi bảo: “Đừng khóc”. Tôi cáu: “Cứ để cho cô ấy khóc, đám
ma không có tiếng khóc buồn lắm. Nhà mình có ai biết khóc bà cụ thế
đâu?” Vợ tôi bảo: “Ba mươi hai mâm. Anh phục em tính sát không?” Tôi
bảo: “Sát”. Ông Bổng bảo: “Tôi đi xem giờ. Bà cụ được một cái nhập mộ,
hai cái trùng tang, một cái thiên di. Có yểm bùa không?” Cha tôi bảo:
“Bùa con khỉ. Trong đời mình, tôi chôn ba nghìn người chẳng có người nào
thế này”. Ông Bổng bảo: “Thế là sướng, “đòm” phát là xong”. Ông giơ một
ngón tay trỏ làm hiệu bóp cò.
X.
Tết năm đó, nhà tôi không mua hoa đào, không gói bánh chưng. Chiều mồng
hai, đơn vị cũ của cha tôi cho người về viếng mẹ tôi. Biếu năm trăm
đồng. Ông Chưởng, phó của cha tôi bây giờ lên tướng, ra mộ thắp hương.
Anh Thanh đại úy cần vụ đi theo rút súng bắn ba phát lên trời. Sau này,
trẻ con trong làng kháo bộ đội bắn hai mốt phát đại bác viếng bà Thuấn.
Ông Chưởng hỏi cha tôi: “Anh muốn về thăm đơn vị dối già không? Tháng
năm tập trận. Đơn vị cho xe về đón”. Cha tôi bảo: “Được”. Ông Chưởng đi
thăm cơ ngơi nhà tôi, có ông Cơ hướng dẫn. Ông Chưởng bảo cha tôi: “Cơ
ngơi của anh ác thật. Vườn cây, ao cá, chuồng lợn, chuồng gà, biệt thự.
Thế là vững tâm”. Cha tôi bảo: “Con tôi làm đấy”. Tôi bảo: “Đấy là vợ
cháu”. Vợ tôi bảo: “Cô Lài chứ! ” Cô Lài cười thỏn thẻn, dạo này đầu cứ
gật gật liên hồi như bị động kinh: “Chả phải”. Cha tôi đùa: “Thế thì do
mô hình V.A.C “. Sáng mồng ba, Kim Chi đi xích lô bế con về thăm. Vợ tôi
mừng tuổi một nghìn. Cha tôi hỏi: “Thằng Tuân có thư từ gì không?” Kim
Chi bảo: “Không”. Cha tôi bảo: “Lỗi ở bác đấy. Tao không biết mày có
chửa”. Vợ tôi bảo: “Chuyện ấy là thường. Bây giờ làm gì còn có trinh nữ.
Con làm ở bệnh viện sản, con biết”. Kim Chi ngượng. Tôi bảo: “Đừng nói
thế, nhưng mà làm trinh nữ thì mệt thật”. Kim Chi khóc: “Anh ơi, đàn bà
chúng em nhục lắm. Đẻ con gái ra em cứ nát ruột nát gan”. Vợ tôi bảo:
“Tôi còn hai con gái cơ”. Tôi bảo: “Thế các người tưởng làm đàn ông thì
không nhục à?” Cha tôi bảo: “Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục.. Tâm
càng lớn, càng nhục”. Vợ tôi bảo: “Nhà mình nói năng như điên khùng cả.
Thôi đi ăn. Hôm nay có cô Kim Chi, tôi đãi mỗi người một con gà hầm tâm
sen. Tâm đấy. Ăn là trên hết”.
XI.
Gần nhà tôi ở có cậu Khổng, trẻ con gọi là Khổng Tử. Khổng làm ở xí
nghiệp nước mắm nhưng lại thích thơ, làm thơ gửi báo Văn nghệ. Khổng hay
sang chơi. Khổng bảo: “Thơ siêu nhất”. Cậu đọc cho tôi nghe Loócca,
Uýtxman v. v… Tôi không thích Khổng, ngờ ngợ cậu ta sang chơi vì một cái
gì phiêu lưu còn hơn cả thơ ca nữa. Một bận, thấy trong giường của vợ
tôi có một tập thơ chép tay. Vợ tôi bảo: “Thơ của cậu Khổng, anh có đọc
không?” Tôi lắc đầu. Vợ tôi bảo: “Anh già rồi”. Bất giác tôi thoáng rùng
mình. Một hôm bận trực cơ quan nên tôi về muộn. Cha tôi đón cổng, ông
bảo: “Thằng Khổng sang chơi từ chập tối. Nó với vợ mày cứ rúc rích với
nhau, bây giờ chưa về, chướng quá”. Tôi bảo: “Cha đi ngủ đi, để ý làm
gì?” Cha tôi lắc đầu, bỏ đi lên gác. Tôi dắt xe máy ra đường, phóng lang
thang khắp phố cho kỳ hết xăng. Tôi dắt xe đến ngồi ở một góc vườn hoa
như một tên du thủ du thực. Có một cô mặt đánh phấn đi ngang qua hỏi:
“Ông anh ơi, có đi chơi không?” Tôi lắc đầu. Khổng có ý tránh mặt tôi.
Ông Cơ ghét lắm, một hôm bảo tôi: “Cháu đánh nó nhé?” Suýt tôi gật đầu.
Lại nghĩ: “Thôi”. Tôi vào thư viện mượn thử ít sách. Đọc Loócca,
Uýtxman… tôi cứ mơ hồ thấy những nghệ sĩ trác tuyệt là những con người
cô đơn khủng khiếp. Bỗng thấy thằng Khổng có lý. Chỉ tức nó đểu. Sao nó
không đưa thơ nó cho người khác xem mà lại đưa cho vợ tôi? Cha tôi bảo:
“Anh nhu nhược. Duyên do là anh đếch sống được một mình”. Tôi bảo:
“Không phải, cuộc đời nhiều trò đùa lắm”. Cha tôi bảo: “Anh cho là trò
đùa à?” Tôi bảo: “Không phải trò đùa, nhưng cũng không phải nghiêm
trọng”. Cha tôi bảo: “Sao tôi cứ như lạc loài?” Cơ quan định cử tôi đi
công tác phía Nam. Tôi bảo vợ tôi: “Anh đi nhé?” Vợ tôi bảo: “Đừng đi.
Mai anh sửa cửa nhà tắm, cái cửa hỏng rồi. Hôm nọ cái Mi đang tắm, thằng
Khổng đi qua định giở trò đểu làm nó hết hồn. Thằng khốn nạn ấy em cấm
cửa rồi”. Vợ tôi òa khóc: “Em thật có lỗi với anh, với con”. Tôi khó
chịu quay đi. Nếu có cái Vi bây giờ thì nó sẽ hỏi tôi rằng: “Bố ơi, đấy
có phải nước mắt cá sấu không?”
XII.
Tháng Năm, đơn vị cũ cho xe về đón cha tôi. Anh Thanh đại úy cầm thư của
ông Chưởng về. Cha tôi cầm thư run run. Thư viết: “… Chúng tôi cần anh,
mong anh… nhưng anh đi được thì đi, không ép”. Tôi nghĩ cha tôi không
nên đi nữa nhưng nói ra bất tiện. Cha tôi già sụp hẳn đi từ khi về hưu.
Hôm nay cầm thư, thấy ông nhanh nhẹn và trẻ trung hẳn. Tôi cũng vui lây.
Vợ tôi chuẩn bị đồ đạc cho vào cái sắc du lịch. Cha tôi không nghe, ông
bảo: “Cho vào ba lô”. Cha tôi đi chào làng nước một lượt, ra cả ngoài
mộ mẹ tôi, lại bảo anh Thanh bắn ba phát súng lên trời. Buổi tối cha tôi
gọi ông Cơ đến cho hai nghìn, bảo khắc một cái bia đá gửi về Thanh Hóa
đánh dấu mộ vợ. Cha tôi lại gọi cô Lài đến bảo: “Cháu lấy chồng đi”. Cô
Lài òa khóc: “Cháu xấu xí lắm, chẳng ai lấy. Lại cả tin nữa”. Cha tôi
nghẹn ngào: “Con ơi, con không hiểu rằng cả tin chính là sức mạnh để
sống hả con?” Tôi cũng không ngờ những điều như thế lại là điềm báo
chuyến này cha tôi ra đi không về. Trước khi lên xe, cha tôi lấy trong
ba lô ra quyển vở học sinh. Ông đưa cho tôi. Ông bảo: “Trong này cha có
ghi chép ít điều, con đọc thử xem”. Cái Mi, cái Vi chào ông. Cái Mi hỏi:
“ông đi ra trận hả ông?” Cha tôi bảo: “ừ”. Cái Vi hỏi:
“Đường ra trận mùa này đẹp lắm có phải không ông?” Cha tôi chửi: “Mẹ mày! Láo!”
XIII.
Cha tôi đi được vài ngày thì ở nhà xảy ra chuyện cười nôn ruột. Số là
ông Cơ cùng với ông Bổng vớt bùn dưới ao (vợ tôi trả ông Bổng hai trăm
đồng một ngày công, cơm nuôi), bỗng thấy một cái đít chum nổi lên. Hai
ông hì hục đào, lại thấy một đít chum nữa, ông Bổng đoán chắc các cụ
ngày xưa chôn của. Hai ông báo với vợ tôi. Thủy đến xem, cũng lội xuống
đào. Rồi cả cô Lài, cả cái Mi, cái Vi. Cả nhà bê bết bùn đất. Vợ tôi bắt
phải ngăn ao, lại đi thuê máy bơm Côle về tát nước. Không khí thật
nghiêm trang. Ông Bổng thích lắm: “Công tao thấy trước, cứ phải chia cho
tao rnột chum”. Hì hục một ngày đào được hai cái chum sứt trong chẳng
có gì. Ông Bổng bảo: ” Chắc còn nữa”. Lại đào. Được thêm một cái chum
nữa, cũng vỡ. Cả nhà mệt lả, bụng đói cồn cào. Vợ tôi sai mua bánh mì về
ăn lấy sức đào tiếp. Đào gần chục mét thì vớ được cái lọ sành. Cả nhà
mừng rỡ, ai cũng đoán vàng. Mở ra trong thấy toàn một chuỗi “Bảo Đại
thông báo” bằng đồng đã han rỉ cả. Lại thấy một cái mề đay mủn nát. Ông
Bổng bảo: “Thôi chết, tao nhớ ra rồi.”
Ngày xưa tạo với trùm Nhân ăn trộm ở nhà Hàn Tín, bị đuổi, trùm Nhân
vứt cái lọ này xuống ao”. Cả nhà được một mẻ cười nôn ruột. Trùm Nhân là
tên ăn trộm khét tiếng ở vùng ngoại ô. Hàn Tín trước kia là lính thuộc
địa cho Tây, tham gia phong trào “Rồng Nam phun bạc, đánh đuổi Đức tặc”.
Cả hai đã chết mục xác từ thuở nảo thuở nào. Ông Bổng bảo: “Không sao,
bây giờ cả làng này chết tao cũng đủ tiền đi đò nhét vào miệng họ”. Sáng
hôm sau, ngủ dậy thì tôi nghe thấy có tiếng gọi cổng. Tôi ra thấy Khổng
đứng ngoài. Tôi nghĩ: “Mẹ khỉ, cái thằng đểu này là điềm gở nhất của số
phận mình”. Khổng bảo: “Anh Thuần ơi, anh có điện. Ông cụ mất rồi!”
XIV.
Điện của ông Chưởng: “Thiếu tướng Nguyễn Thuấn, hy sinh khi làm nhiệm vụ
hồi… giờ… ngày mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ hồi… giờ… ngày” Tôi
lặng người. Vợ tôi xếp đặt mọi việc rất nhanh. Tôi ra thuê xe, về nhà đã
thấy gọn đâu vào đấy. Vợ tôi bảo: “Khóa cửa nhà trên. Ông Cơ ở lại”. Xe
đi Cao Bằng theo đường số Một. Đến nơi thì lễ an táng cha tôi cử hành
đã được hai tiếng đồng hồ. Ông Chưởng bảo: “Chúng tôi có lỗi đối với gia
đình”. Tôi bảo: “Không phải thế. Đời người có mệnh”. Ông Chưởng bảo:
“Cha anh là người đáng trọng”. Tôi hỏi: “Theo nghi lễ quân đội hả chú”.
Ông Chưởng bảo: “Cụ ra trận địa, đòi lên chốt”. Tôi bảo: ” Cháu hiểu
rồi, chú đừng kể nữa”. Tôi khóc, chưa bao giờ tôi khóc như thế. Bây giờ
tôi mới hiểu khóc như cha chết là khóc thế nào. Hình như đấy là cái khóc
lớn nhất đời một con người.
Mộ của cha tôi đặt trong nghĩa trang liệt sĩ. Vợ tôi mang theo máy
ảnh bảo chụp mấy kiểu. Hôm sau tôi xin về luôn, ông Chưởng giữ lại nhưng
tôi không nghe. Đường về vợ tôi bảo xe đi chậm. Ông Bổng lần đầu mới
được đi xa, thích lắm. Ông bảo: “Nước mình thật đẹp như tranh. Bây giờ
tôi mới hiểu vì sao phải yêu đất nước. Chứ ở quê ta, dù ngay Hà Nội có
văn minh thật, tôi chẳng thấy yêu gì cả”. Vợ tôi bảo: “Tại chú quen đấy.
ở nơi khác cũng thế, họ lại thấy yêu Hà Nội”. Ông Bổng bảo: “Thế là nơi
này yêu nơi kia, người này yêu người kia. Tất cả đều đất nước mình,
nhân dân mình cả. Vậy thì đất nước muôn năm, nhân dân muôn năm. Hoan hô
đèn cù! ”
XV.
Có lẽ câu chuyện của tôi kết thúc ở đây. Sau đó nếp sống của gia đình
tôi trở lại như là trước ngày cha tôi nghỉ hưu. Vợ tôi tiếp tục công
việc bình thường. Tôi đã hoàn thành công trình nghiên cứu điện phân. Ông
Cơ trở nên ít nói, một phần vì bệnh cô Lài nặng hơn. Lúc rỗi, tôi giở
đọc những điều cha tôi ghi chép. Tôi hiểu cha tôi hơn. Trên đây là những
sự việc lộn xộn của hơn một năm cha tôi nghỉ hưu mà tôi chép lại. Tôi
coi đấy như nén hương thắp nhớ người. Nếu có ai đã có lòng để mắt đọc
điều tôi viết, xin lượng thứ cho tôi.
Tôi xin cảm tạ.
Nguyễn Huy Thiệp