Wednesday, December 16, 2020

MÙA XUÂN ĐEN: DÒNG ĐỜI CHO ĐẾN HÔM NAY - Hải Triều -

Thuở nhỏ dường như tôi không có học lớp mẫu giáo, hay có thể có mà tôi không biết. Tôi chỉ mang máng nhớ có học trong một ngôi trường gạch nhỏ gần Cây Trôm cách thành phố Phan Thiết khoảng 5, 6 cây số gì đó về hướng Ma Lâm, nhưng không biết đó là lúc học sổ hàng rào hay học đánh vần. Tôi chỉ nhớ trường nằm phía Tây liên tỉnh lộ 8 đi Ma Lâm.

Thời đó, tôi không biết Ma Lâm là gì, liên tỉnh lộ 8 là gì, chỉ biết trường nằm không xa cái bàu nước mà mỗi lần đi học, gặp ông thầy, đám trẻ tụi tôi đều trịnh trọng ôm sách cúi đầu chào.

Chiến tranh, chả nhớ năm nào, khoảng 1946, 1947 hay 1948 gì đó, thằng nhóc có biết mẹ gì đâu, chỉ biết chạy theo cha mẹ, chạy theo dòng đời loạn lạc, rày đây mai đó, cho đến một hôm, ông già liên lạc được một ông chú ruột đang ở thành phố, ông dắt tôi về Phan Thiết giao cho ông chú nhờ nuôi thằng nhóc, cho thằng nhóc đi học. Thế là tôi từ tên học trò nhà quê chuyên đá dế rơi tòm vào nhà thờ Tin Lành Phan Thiết trước Chùa Ông. Chú ông già tôi chính là cụ mục sư Lê Khắc Chấn.

Tôi ở trong nhà thờ, hàng ngày đi học chung với hai thằng em chú bác khác tên Lê Khắc Minh và Lê Khắc Quang (nay đã bò qua 6 bó, sống ở Cali). Ba thằng nhóc tôi đi học ở trường tiểu học Đức Nghĩa. Tại đây, ngoài hai nhóc con ông chú, tôi còn nhớ duy nhất thằng bạn thời tiểu học là Lê Giao, sau này cùng chui vô Phan Bội Châu với tôi. (nay dường như Lê Giao ở Hòa Lan).

Ngày đến trường xếp re dưới cây thước bảng gõ cọc cọc trên bảng, tên của ông thầy nay đố mà tôi nhớ, chiều về cả đám lại ngán cây chổi lông gà của ông tôi, tức cụ mục sư Lê Khắc Chấn. Cụ rất nghiêm, lười biếng, lạng quạng là ăn chổi… Cũng vì “ba đứa chúng mình” gây lộn vì chuyện gì đó mà tôi cóc nhớ, nên cả ba nhóc bị một trận chổi phạt “tưng bừng” của ông cụ…

Sau trận đòn này, nằm đêm tôi nhớ những con dế, những gốc rạ, những đêm trăng vằng vặc, những ngày câu cá bên bờ suối… và tôi xin phép ông tôi để về quê trở lại. Tôi rời trường Đức Nghĩa phóng về Trinh Tường ở với Bà Nội. Nhà bà Nội tôi cách trường Trinh Tường chừng vài đám ruộng. Tôi vô trường này bắt đầu từ lớp nhì.

Trường này được coi là “giao lộ” giữa thành phố và nông thôn, nửa quê, nửa tỉnh, thành phần học sinh từ thôn quê có, từ thành phó cũng có. Thằng bạn duy nhất mà tôi nhớ tên là Huỳnh Ngọc Phẩm, sau này cũng chui vô Phan Bội Châu cùng lớp tôi. Phẩm cũng là tên học rất ngầu, viết chữ đẹp, khi học ở Tứ 3, tôi làm báo tường, Phẩm là tên viết bản in.

Tôi và Huỳnh Ngọc Phẩm vô Phan Bội Châu một lượt. Tôi nhớ như in ngày thi vô đệ thất Phan Bội Châu, dù bà Nội tôi biết tôi học vào hạng “siêu nhất nhì trường làng“, bà cũng không tin thằng nhóc con nhà nghèo “không cha, không mẹ” như tôi lại có thể lọt vô cái nhà trường “lừng danh” như Phan Bội Châu. Bà nghĩ trên 2 ngàn thằng nhóc, đa số là con cái tinh hoa con nhà giàu, sẽ bít cửa tiến thân của thằng cháu nhà quê của bà. Bà mua một con gà trống tổ chảng, làm thịt, cúng vái. Bà vái cái gì đố tôi mà biết, lâm râm cái chi bố tôi mà hay…

Mà linh thiệt! Thi xong, tôi về nhà hồi hộp! Vô đệ thất Phan Bội Châu thuở ấy như ngày nay ngồi trong phi thuyền chờ đếm 10 xuống đến zero! Hôm sau xuống trường Nữ Phan Thiết xem dán bảng kết quả, tai tôi lùng bùng thấy tên mình đứng thứ 17 trong số 50 tên nhóc chằng chịt những Đinh, Lê Lý, Trần, Đặng, Nguyễn… chút nữa quên, Mai, Lại…. Bố khỉ! Viết thiếu hai tên Mai Thiết, Lại Thế Thiết sợ nó nói tôi kỳ thị họ hàng…

(Tôi sau này là dân Bộ Binh, hai thằng này, một thằng là dân Pháo binh Dù, một thằng là mũ nâu BĐQ thứ hét ra khói, ra lửa…)

Trở lại chuyện xưa. Khi thấy tên mình trên bảng đậu, tôi xem lại năm sinh, sợ lộn tên thằng phải gió nào mà mừng hụt thì quê, thấy đúng là chàng, tôi phóng xe đạp cùn, chạy một mạch về nhà…

– Nội! Nội đâu rồi! Có cái này hay lắm Nội!

Nội tôi bỏ nồi cơm sau bếp bước vội ra:

– Cái gì mà mày la làng la xóm vậy?

– Con đậu vô đệ thất Phan Bội Châu rồi!

– Thiệt không con?

Nội tôi mừng rỡ, song hỏi lại lần nữa .

– Thiệt không con? Thiệt không con?

– Thiệt mà Nội! Con coi đúng tên con, đúng họ con, đúng ngày sinh con mà!

Nội tôi ôm tôi vào lòng. Bà mừng, bà hãnh diện và cảm động lắm. Bà nhớ những đêm tôi học bài bằng đèn dầu, nhà không có bàn học, lấy bộ ván làm bàn, chân quỳ dưới đất viết bài, hay nằm sắp trên ván làm bài. Chuyện tôi vô đệ thất Phan Bội Châu là điều ngoài sự mơ ước trong đầu bà. Rồi bà chợt buột miệng:

– Chắc nhờ Nội cúng con gà trống van vái Trời Phật phò hộ đó con!

– Con đâu biết Nội! Nhưng Nội có biết không? Trong trường con học ngầu lắm, bộ Nội tưởng con bết hả! Con và thằng Phẩm là hai đứa nhứt nhì trong lớp đó Nội! Con mà ngu thì con gà trống làm gì nổi để đậu được Nội!

– Thôi đừng cãi nữa! Thằng cứng đầu! Đi ăn cơm đi! Mai Nội cho tiền mua sách vở và quần áo để vô trường!

Ngày đầu tiên nhập học, lớp đệ thất mới toanh của tôi là một tập hợp “loạn xà ngầu” của những thằng nhóc quê có, tỉnh có, tuổi tác, vóc dáng khá cách biệt. Già nhất lại là hai tên nhà quê lên tỉnh học, tên nhỏ con nói tiếng trọ trẹ giọng Huế làm tụi tôi chú ý tên Hoàng Công Bình, đến từ đầu cầu Phú Long.

Tên cao thủ nhà quê, to, cao nhưng đạo mạo đáng nể tên là Huỳnh Ngọc Ghênh, đến từ Mũi Kê Gà gần Bình Tuy. Ông thầy hướng dẫn đầu tiên tên gì, tôi đố mà biết, “ra lệnh” bọn tôi bầu chọn trưởng lớp và phó lớp. Tụi tôi ngó nhau, “nhất trí” đồng loạt chỉ tên to con, đạo mạo đáng nể:

– Anh Huỳnh Ngọc Ghênh làm trưởng lớp thầy!

Ông thầy ghi vào sổ Thất 3: Trưởng lớp Huỳnh Ngọc Ghênh.

– Còn phó lớp, các em chọn ai?

Cặp mắt mấy thằng nhóc rà qua lại như “radar rà mìn“, rồi chả biết sao, cả đám đồng loạt:

– Anh Hoàng Công Bình thầy!

Ông thầy lại lui cui ghi Hoàng Công bình làm phó trưởng lớp dưới tên Huỳnh Ngọc Ghênh. Xong rồi, thầy giao lớp lại cho hai ông Trưởng, Phó mới toanh rồi ra khỏi lớp, đi về phòng ông hiệu trưởng, tôi quên mất, dường như là thầy Lê Tá thì phải.

Lớp mới còn ồn ào. Ghênh đứng dậy, lên bục nhìn xuống như một ông tướng cồ lô, ra lệnh:

– Các anh về lại chỗ ngồi! Và giữ trật tự!

Chả hiểu tại sao cái đám nhóc vô trật tự mới gặp nhau buổi đầu lại tuân lệnh Ghênh răm rắp. Khi Ghênh vừa về lại bàn đầu thì thầy hướng dẫn lớp trở lại. Như một cái máy mới ra lò, Ghênh đứng dậy và hô lớn:

– Cả lớp đứng dậy!

Như mấy ông nhà binh, cả lớp đứng dậy cái ào để chào thầy. Khi thầy vào ghế ngồi, Ghênh hô: “Ngồi xuống!” Cả lớp ngồi xuống êm ru. Buổi học đầu tiên bắt đầu, nề nếp, trật tự, nghiêm trang. Và bọn nhóc Thất 3 tụi tôi dường như đứa nào cũng thấy mình đổi đời, lớn hơn thêm. Tui bây giờ là một học sinh trung học trường Phan Bội Châu số một rồi nha! Từ Tiểu học vô Trung học là một nấc mới vươn lên từ chuỗi đời thơ ấu.

Thời gian bào mòn đời người trong cõi tử sinh phù du bèo bọt. Thời gian bào mòn lại không khốc liệt bằng chiến tranh, bom đạn. Chiến tranh đã tàn phá và cướp đi không biết bao nhiêu tuổi xuân của lớp tuổi chúng tôi, người ngã xuống giữa chiến trường, người vùi thân trong tù ngục, người chết giữa biển đông, người ra đi vì bệnh tật…

Lớp chúng tôi đã đi chung với nhau từ đệ nhất cấp lên đệ nhị cấp, và sau đó chia tay trước sân trường Phan Bội Châu. Chiến tranh cuốn hút mỗi đứa vào một lộ trình sinh tử khác nhau. Đặng Hùng đã chết rất sớm khi chưa rời ghế Phan Bội Châu trong một trận đá banh, đạp đinh và bị “tetanus” trong năm đệ tứ, Trần Thành Bang chết trận, Đỗ Hữu Vịnh chết bệnh sau 75 tại Việt Nam, Nguyễn Văn Chúc ngồi xe lăn năm 71 khi dắt đại đội hành quân vướng mìn VC; Huỳnh Ngọc Ghênh, trưởng lớp, ra khỏi Đại Học Huế, chui vào Thủ Đức, ra trường làm nghề thẩm vấn tù binh tại Trung Tâm Thẩm vấn tù binh Biên Hòa, sau 75 bị đưa ra Bắc và chết trong tù. Tin anh em tù Bắc cho hay Ghênh bị VC hành quyết trong một vụ trốn trại, giờ không biết mồ mả anh ở phương nào.

Hiện nay tôi không biết chính xác lớp tôi ai còn, ai mất. Người trưởng lớp Huỳnh Ngọc Ghênh đã ra đi, ông phó lớp Hoàng Công Bình, sau thời gian dài làm hiệu trưởng dưới chế độ đen thui… nay đã về hưu. Tôi không biết làm sao có thể đếm được anh em ai còn ai mất. Đại gia đình Phan Bội Châu có cái truyền thống rất là hay, là cứ hai năm tổ chức hội ngộ một lần, và trong các cuộc hội ngộ đó, mình gặp bạn cũ, người xưa, mò tin anh em, bè bạn… Vui có, buồn có, nước mắt có, hạnh phúc có… Cái gì cũng có, nhưng người muôn năm cũ thì chắc không còn gì “để nhớ để thương“!

Hè năm 2006, Lại Thế Thiết và phu nhân không biết đi đâu lại lạc đến chốn Vancouver và ghé nhà thăm tôi. Trong bữa cơm trưa tại nhà, hai đứa tôi có “điểm danh” những anh em trong lớp, và Thiết không ngờ lớp mất quá nhiều. Thôi thì còn được đứa nào mừng đứa đó. Nếu Hội Ngộ PBC 2008 tại DC mà “hàng thần lơ láo” lớp tôi chỉ có mình tôi giữa hàng bánh căn mì Quảng… thì làm sao tôi nuốt cho vô. “Hỡi cô ngồi đổ bánh căn! Cô ngồi múc bột biết chăng tôi buồn!

Mùa Xuân tóc trắng mắt cay
Nghìn xưa còn đó những ngày liệt oanh.

haitrieu_sign

No comments:

Post a Comment