Thursday, November 26, 2015

Giao Chỉ, San Jose mở lại hồ sơ Kháng Chiến


Trách chi người đem thân giúp nước...
Giao Chỉ, San Jose mở lại hồ sơ Kháng Chiến

Thế giới đang chuyển động vì cuộc chiến chống khủng bố từ Trung Đông qua Âu Châu đến Mỹ châu. Thế giới Người Việt hải ngoại cũng đang bàn tán về vụ nghi án các nhà báo bị thanh toán 35 năm về trước. Là người lên tiếng đầu tiên về cuốn phim phóng sự Terror in Little Saigon, chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi tiếp theo. Căn cứ vào sự hiểu biết và nhận định riêng, chúng tôi sẽ lần lượt trả lời. Nhưng trước hết, xin gửi đến quý vị độc giả thân hữu một tài liệu hơn 10 năm trước. Tôi viết về cuốn sách của tác giả Phạm Hoàng Tùng do Đỗ Thông Minh xuất bản. Bài báo này viết để giới thiệu thiên hồi ký của một kháng chiến quân đã đi theo thầy Minh cho đến những giờ phút cuối, bị bắt, bị tù, được trả tự do, đã vượt biên hiện ở bên Cam Bốt. Sách của anh không được Kháng Chiến và Việt Tân sau này nhìn nhận, nhưng tôi vẫn đọc và tổ chức ra mắt tại San JoseNgày xưa khi cô gái hậu phương trách anh trai tiền tuyến, có nhạc sĩ đã khuyên rằng: Trách chi người đem thân giúp nước...Tôi muốn dùng câu này để gửi đến thân hữu trong niềm thông cảm. Từ vị tướng quân cho đến đoàn viên vô danh. Họ đã cùng đi vào cõi chết. Chúng ta còn sống đến giờ này. Nhân danh điều gì mà phê phán. Và sau đây là câu chuyện viết cho thiên bút ký để quý vị hiểu rõ phần nào những gì đã xảy ra ở miền 3 biên giới vào thập niên 80. Bài viết này đã có phần bổ túc và sửa chữa tài liệu, nhưng nội dung và tình cảm không thay đổi.
 
 
  •  
     
    Nhân mùa lễ Tạ Ơn 2015 viết lại chuyện cũ.                                               
    Giới Thiệu Hồi Ký Kháng Chiến
    Cuốn sách đặc biệt ra đời mang tên ‘Hành Trình Người Đi Cứu Nước,’ hồi ký của một kháng chiến quân viết về cuộc chiến phục quốc do tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo. Xin giới thiệu cùng bạn đọc sau đây lời bạt viết về cuốn hồi ký kháng chiến nói trên 
    Ghi chú của nhà xuất bản:
    Giao Chỉ là bút hiệu của cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc, hiện là Giám Đốc Trung Tâm Định Cư IRCC, Inc. tại San Jose, USA.
    Bài này đã được phổ biến rộng rãi trước khi phát hành sách, chúng tôi xin phép tác giả in vào đây như ghi nhận từ một độc giả 
     
    Lời Bạt của Giao Chỉ, San Jose.
    Bài viết về cuốn hồi ký của một kháng chiến quân.
    “Này em, anh sẽ về bên kia biên giới.
    Đèn nhà ai hay đốm lửa quê người...”
    Tháng 3/1975, tôi gặp tướng Hoàng Cơ Minh lần đầu tiên tại Cam Ranh, một vị Phó Đề Đốc Hải Quân nóng nảy, bồn chồn vừa nhận toàn bộ trách nhiệm tư lệnh cuộc triệt thoái từ duyên hải. 
    Trong số rất nhiều tướng lãnh của 2 quân khu, ông Thiệu chỉ còn đặt hy vọng vào vị phó đề đốc trẻ tuổi của hải quân thuộc dòng họ Hoàng Cơ. Sau lễ chào cờ lần cuối, hạm đội chở phần còn lại của cả 2 quân đoàn suôi Nam. “Trùng khơi vạn lý, như chưa vừa ý, lắc lư con tàu đi,” bài ca vui tươi ngày nào bây giờ chuyên chở biết bao nhiêu cay đắng. Tôi có mặt trên một chiến hạm của đoàn tầu đau thương đó. Hai tháng sau, tháng 5/1975, tôi gặp lại ông Hoàng Cơ Minh trong trại Barrigada trên đảo Guam. Gần 30 vị tướng tá của một đạo quân tan hàng nằm chờ phi vụ vào Mỹ. Ông Nguyễn Cao Kỳ được đem đi trước, rồi đến ông Ngô Quang Trưởng. Tôi nằm bên trung tướng Đồng Văn Khuyên, mặt dài như chiều đông.
    Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III xuống sân đánh bóng chuyền cho quên ngày tháng. Tướng Không Quân Phan Phụng Tiên lâu lâu lại buông lời cay đắng.
     Tướng Trần Văn Minh im lặng, chửi thề không thành tiếng. Không một tướng tá nào còn được chút dũng khí của những ngày chinh chiến. Riêng ông Hoàng Cơ Minh là người duy nhất nói đến chuyện trở về. Những ý kiến rời rạc, mơ hồ dường như đã bắt đầu hình thành. Con đường trở về sẽ vô cùng khốc liệt và ý ông Hoàng Cơ Minh nói là phải dùng tất cả các phương pháp của cộng sản để đánh cộng sản. Chuyện đó sau này thành sự thật. Giấc mơ về đường mòn Hoàng Cơ Minh, áo bà ba đen, quấn khăn rằn Nam bộ đã được nghĩ đến. Nắm tay giơ cao, tiếng hô giải phóng hay là chết, đã hiện ra trong giấc ngủ trại Barrigada, giữa tiếng ồn ào của phi trường đảo Guam.
    Sau cùng, chuyến bay cuối tháng 5/1975 từ hải đảo đã đưa vào lục địa Hoa Kỳ một vị tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa duy nhất quyết tâm trở về với tấm lòng hết sức sắt đá. Đó là Phó Đề Đốc Hải Quân Hoàng Cơ Minh.
     Năm 1980 ông Minh và ông Liễu đến San Jose gặp riêng vài anh em để kết nạp đoàn viên. Tôi có mặt đêm hôm đó, tuy không chính thức gia nhập nhưng hứa chắc rằng sẽ ủng hộ. Đến nay vẫn giữ lời.
    Bẩy năm sau, vào ngày 28/8/1987, vị Phó Đề Đốc một thời Tư lệnh hành quân biển của Hải Quân VNCH đã nằm chết bên bờ suối, giữa rừng già miền Nam Lào. Hôm nay, khi ghi lại chuyện này năm 2015, chợt thấy các niên trưởng của tôi thời kỳ nằm chờ ở Guam, chẳng ông nào còn sống. Nhưng tôi vẫn còn phải nhắc lại chuyện xưa...
    Người lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, đảng 
    trưởng đảng Việt Tân với hơn100 kháng chiến quân vượt sông Mekong trong các chiến dịch Đông Tiến tìm đường về Việt Nam. Đến vùng Xalavang trên đất Lào, đạo quân kháng chiến bị săn đuổi bởi số địch quân đông đảo nên đã hoàn toàn tan rã. Các kháng chiến quân bị bắt đã kể lại với nhau trong tù về những cái chết đau thương và hào hùng. Vị Tư Lệnh và các cấp chỉ huy Kháng Chiến đều tử thương hay tự sát sau khi bị thương.
    Vào đầu thập niên 80, cộng sản Hà Nội và thế giới Mác Xít đang ở trên đỉnh cao của chiến thắng. Không thể có con đường nào khác gọi là đấu tranh chính trị. Chỉ còn giấc mơ trở về gây dựng cơ sở chiến đấu trong lòng địch. Cả một ước mơ dù đội đá vá trời nhưng vẫn có người cố thực hiện. 
    Từ Úc châu, Võ Đại Tôn lập Chí Nguyện Đoàn Phục Quốc và tìm đường về vào năm 1981. Ông đã bị bắt và xuất hiện trong cuộc họp báo 
    hết súc anh hùng tại Hà Nội ngày 13/7/1982. Trong chốn trần ai tri kỷ tôi hiểu rằng ông Tôn bỏ vợ con bên Úc lên đường qua Thái vào đất Lào chẳng hề ngây thơ nghĩ rằng đi về là lấy lại quê hương. Với dòng máu biệt động quen thuộc, ông chỉ muốn dò đường tìm đến chiến khu của nhà cách mạng quen biết trên đất Lào là tướng Van Pao. Từ đó sẽ tính bước kế tiếp. Nhưng mộng lớn không thành...
    Từ Paris, Pháp, Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam thuộc nhóm Lê Quốc Túy phát động, với Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch và hàng chục người… đã xâm nhập bằng đường biển Cà Mau, bị bắt và xử ngày 18/12/1984. Trong Chí Hòa, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch bị xử bắn ngày 8/1/1985, máu đỏ bức tường khám lớn. Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy là các cựu sĩ quan Không Quân VNCH.
     Sau này ông Hạnh được chính tổng thống Pháp can thiệp, Hà Nội trả tự do. Mấy năm trước ông qua Mỹ thăm bạn, không may bị tử vong. Đám tang ngưới anh hùng kháng chiến gốc không quân VN hết sức cô đơn giữa cộng đồng Việt Bolsa. Chỉ duy có bạn vàng Vũ Văn Ước lẽo đẽo đi sau quan tài. Bác Ước ngày nay cũng lại theo bạn Mai Văn Hạnh về miền vĩnh cửu.                                                                                                           Và sau cùng, từ Mỹ, Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh đã tìm đường về suốt 10 năm từ 1981 đến 1990 qua 4 giai đoạn. Tất cả đều lấy đất Thái Lan làm bàn đạp. Năm 1985, hai nhóm cán bộ chính trị Tiền Phương Kháng Chiến đã đi xuyên qua Cam Bốt để dò đường về nước nhưng đều bị bắt tại Nam Vang.
    Cũng năm 1985, Đông Tiến I, vượt sông Mekong, qua Nam Lào do Đại Tá Dương Văn Tư chỉ huy đến gần biên giới Việt Nam phía Bắc Kontum thì bị Pathet Lào và Việt Cộng đánh đuổi và tan rã, 20 kháng chiến quân hy sinh.
     Số còn lại trở về Thái Lan.
    Năm 1986, Đông tiến II lần 
    thứ nhất với 130 kháng chiến quân tiến về phía Đông-Nam nhưng vượt sông Mekong tại Pác Xế bất thành nên đành phải rút. Trước khi lên đường, Mặt Trận đã triệt tiêu toàn thể căn cứ trên đất Thái, nên khi rút về lại phải sống tạm ngoài trời trong rừng già gần 1 năm chờ tái xuất quân.
    Năm 1987, với 110 kháng chiến quân cuộc Đông Tiến II lần 
    thứ hai khởi sự, vượt sông Mekong và bị quân địch quá mạnh đánh tan. Toàn bộ chỉ huy và Tư Lệnh Hoàng Cơ Minh tự sát, một số lớn tử trận và bị bắt.
    Đặc biệt là sau khi Đông Tiến II lần 
    thứ hai hoàn toàn thất bại, thành phần còn lại tại hậu cứ Thái Lan và Tổng Vụ Hải Ngoại tại San Jose, Cali, Mỹ cũng không biết rõ tin tức. Nên chiến dịch Đông Tiến III vẫn tiếp diễn với người chỉ huy hậu cứ là một sĩ quan Dù, ông Đào Bá Kế đi vào đất chết muộn màng năm 1990 với số thành phần khỏe mạnh còn lại, những tân kháng chiến quân mới tuyển từ trại tị nạn... đều chấp nhận lên đường chuyến chót. Tất cả xóa xổ căn cứ tại Thái Lan tiếp tục đi theo con đường Đông Tiến I, vượt sông Mekong tìm về biên giới Lào-Việt ở phía Bắc Kontum.
    Trong giai đoạn này thật sự không còn sự hiện diện của Tướng Minh và vòng đai kỷ luật sắt đá. Nhưng lạ lùng thay, những phần tử còn lại của Kháng Chiến không tan hàng mà lại đồng lòng lên đường. Không ai thật sự biết rõ tâm tư của anh em, nhưng có thể họ đi tìm “ông thầy”.
    Thêm một lần sau cùng, toán quân này cũng bị chặn đánh, bị giết, bị bắt. Người chỉ huy Đông Tiến III là Đào Bá Kế bị án tù chung thân, 
    cho đến năm 2000 còn bị giam tại nhà tù miền Bắc. Sau đó ông Kế được trả tự do về Hậu Giang. Chúng tôi có liên lạc tìm cách lập hồ sơ đoàn tụ qua Mỹ nhưng còn nhiều khó khăn. Tin sau cùng, Đào Bá Kế đã qua Thái Lan nhưng đã mất liên lạc. (Rất mong biết tin.. )
    Tất cả các anh hùng kháng chiến suốt 10 năm (1981
    -1990), tuy hoàn cảnh mỗi người một khác và đôi khi việc tuyên truyền quá cường điệu phóng lên con số hàng ngàn tay súng nhưng riêng sự gian khổ và khốc liệt hoàn toàn có thật. Ông Đỗ Thông Minh tham dự từ những ngày đầu nói rằng khi họp với tướng lãnh Thái ông Minh phóng đại con số tổ chức và quân số để được yểm trợ và trang bị. Anh em lại nói rằng ông Minh trông cậy vào số người đông đảo trong trại tỵ nạn sẵn sàng ghi danh theo kháng chiến. Dù sao thì cũng là sự phóng đại sai lầm.
    Vào những năm 80, bài hát bất hủ được ban hợp ca Thùy Dương cất lên vừa hùng tráng vừa bi thảm: “Này em, anh sẽ về bên kia biên giới, đèn nhà ai hay đốm lửa quê người.”.
    Hơn 100 kháng chiến quân đã hy sinh trên đường tìm về bên kia biên giới. Vượt con sông Mekong, thấy ánh sáng leo lắt đêm khuya, tưởng là ánh đèn của thôn xóm trên đất nước thân yêu, ngờ đâu vẫn chỉ là đốm lửa quê người. Chiến hữu chung quanh Tướng Hoàng Cơ Minh chẳng còn được mấy người, sức cùng lực kiệt, trải qua bao nhiêu gian khổ và cô đơn, ông đã tự chọn cái chết, nằm lại bên bờ suối. 
    Bên kia bờ đại dương, cả một Tổng Vụ Hải Ngoại đang trầm kha xâu xé làm cho lòng tin tan vỡ! Khi lên như sóng trào dâng, khi xuống như nước vỡ bờ. Bên này tiền tuyến chỉ có trên dưới 200 tay súng bị săn đuổi suốt những năm tháng dài. Thái Lan bắt đầu đổi thái độ, không còn muốn cho đóng quân, Lào Cộng hợp lực với Việt Cộng truy kích. Kháng chiến quân bị thương phải tự sát hoặc đã bị các chiến hữu hạ sát để khỏi rơi vào tay địch. Không còn đường nào khác.
    Con đường giải phóng là con đường một chiều: “Giải phóng hay là chết”. Những người thân tín của ông Minh trong hàng ngũ lãnh đạo không còn nữa, Đại Tá Dương Văn Tư đã hy sinh, Trung tá Lê Hồng đã qua đời. Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh với một đời hành quân biển đã bỏ quân phục đại lễ mầu trắng và biển cả màu xanh, để tìm về bộ quần áo đen, khăn rằn Nam Bộ nằm chờ đợi giây phút cuối cùng ở giữa rừng núi Hạ Lào.
    Ông đã dùng chiêu thức của cộng sản để đánh cộng sản và đường lối này cũng đã tạo ra bao nhiêu sóng gió. Sau cùng, giải phóng hay là chết, khi không thành công thì chết là giải thoát. Và một phát súng cuối cùng đã nổ, Tướng Hoàng Cơ Minh đã chết. Nhưng tiếng súng của ông tự sát phải chờ đến 14 năm sau mới chính thức nghe được tại San Jose vào tháng 7/2001.
     Chờ đợi lâu như thế cũng lại là một sai lầm.
    Tất cả các câu chuyện kể trên và còn nhiều chi tiết hết sức đặc biệt, hầu hết đều được giãi bày trong cuốn Hồi Ký của Kháng Chiến Quân
     Phạm Hoàng Tùng trong tác phẩm 2 cuốn tựa đề “Hành Trình Người Đi Cứu Nước”.
    Tôi được học giả Đỗ Thông Minh từ Đông Kinh gửi riêng cho đọc bản in thử từ máy điện toán. Tập hồ sơ tổng cộng 900 trang là một tài liệu hết sức quan trọng để các nhà nghiên cứu và toàn thể thế hệ Việt Nam sau này hiểu rõ câu chuyện tìm đường về của những năm 80.
    Với bản danh sách khá đầy đủ các kháng chiến quân đã hy sinh, đã bị tù đày và cả những người hiện còn sống xót đều là nhân chứng của một giai đoạn anh hùng và cũng hết sức bi thảm.
    Riêng câu chuyện về cuộc đời của tác giả Phạm Hoàng Tùng năm nay trên dưới 
    60 tuổi đã trải qua 14 năm (1984 - 1997) đi kháng chiến và chịu rất nhiều hệ lụy. 
    Phạm Hoàng Tùng cũng như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác đã lên đường tìm tự do vào đầu năm 1982, từ Sài Gòn đi thuyền rồi qua đường bộ đến Nam Vang lần thứ 1.
    Năm 1983, lại vượt biển vào Thái, được đưa tới trại tị nạn Sikhiu. Anh trở thành 1 trong số 964.000 thuyền nhân mà thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ghi nhận tổng số 5 đợt trong 20 năm từ 1975 đến 1995. Phạm Hoàng Tùng đã không chết trên biển Đông, anh cũng không đi Mỹ định cư. Nếu Phạm Hoàng Tùng đi Mỹ vào khoảng 1984 - 85, thì bây giờ cũng đã thành người Mỹ trên 
    30 năm ở San Jose… trong số hơn 100.000 dân Việt tại Thung Lũng Điện Tử.
    Nhưng phần số con người đã thay đổi khi anh chấp nhận trả hết giấy tờ tị nạn để đi theo Kháng Chiến. Vào khu chiến năm 1984, làm việc trong đài phát thanh. Tháng 9/1986, tham dự Đông tiến II lần 1, tháng 7/1987, tham dự Đông tiến II lần 2, rồi bị bắt giải về Sài Gòn. Năm 1990, cải tạo lao động ở Phú Yên. Năm 1993, trốn trại về Sài Gòn rồi vượt biên đến Nam Vang lần thứ 2.
    Bây giờ Phạm Hoàng Tùng cô thế, ở lại làm người Việt lưu vong trên đất Cam Bốt, lập gia đình, có vợ và đã trải qua 
    30 năm (1982 - 1987 và từ 1993 tới nay) trên đất khách quê người. Lấy tin tức từ chiến hữu kháng chiến khi gặp lại nhau trong trại giam và từ kinh nghiệm bản thân, tác giả viết lại hành trình của một người đi cứu nước. 
    Anh đã dâng hiến tất cả tương lai, hy vọng và tuổi thanh niên cho lý tưởng. Anh tìm thấy ở Kháng Chiến cả mộng lẫn thực. Bình tĩnh và công bình, tác giả ghi lại những đau thương dằn vặt của từng chiến binh và người lãnh đạo không phải bằng lời nói mà bằng các hành động.
    Đặc biệt chỉ cần sơ lược về hoàn cảnh hết sức tuyệt vọng hàng ngày, hết sức khó khăn, căng thẳng mỗi ngày, ta có thể hình dung được tâm trạng của người lãnh tụ Kháng Chiến ra sao. Tướng Hoàng Cơ Minh dưới ngòi bút của tác giả hiện thân của sự quyết đoán, cao ngạo, không tin người và hết sức tàn nhẫn. Nhưng rõ ràng là không có đường lối nào khác, ít nhất là vào thời điểm của các cuộc Đông Tiến.
    “Một lần đi là một lần vĩnh biệt, một lần đi là hết lối quay về.”
    Tác giả đã kể lại những vụ xử tử kháng chiến quân muốn đào ngũ, những vụ thi hành kỷ luật sắt đá trong chiến khu. Toán cận vệ trung thành của lãnh đạo xuống tay hết sức lạnh lùng, tàn nhẫn và dứt khoát không tha thứ bất cứ ai. Ngay cả với ông Nguyễn Hữu Nhiều, vị bác sĩ duy nhất của khu chiến.
    Xem ra trước sau chỉ có trên dưới 200 tay súng, đủ mọi thành phần, có thể nói là một toán quân ô hợp. Với kỷ luật sắt đá, lãnh đạo đã tôi luyện thành các du kích quân bắt đắc dĩ, ngày đêm học tập. Người từ hải ngoại về rất ít, đa số từ trại tỵ nạn
    . Quân đội VNCH có, mà bộ đội đào ngũ cũng có. Người vì lý tưởng, người căm thù cộng sản và có cả những thành phần ảo tưởng, chỉ muốn thoát ra khỏi trại tỵ nạn vì chờ đợi mòn mỏi không thấy tương lai. Tất cả đều được đưa vào vòng cương tỏa chặt chẽ để dứt khoát không thể thoát ra được. Chỉ cần một người trốn về là tất cả huyền thoại vỡ lỡ và những câu chuyện khắc nghiệt đau thương ở khu chiến sẽ làm đổ vỡ tổ chức toàn thế giới.
    Tác giả kể lại nhưng không một chút oán hận, đôi khi còn có vẻ phân trần cho hoàn cảnh.
    Toàn thể tác phẩm là một bản liệt kê những cái chết. Bắt đầu là những vụ lên án và xử tử các âm mưu đào ngũ. Tiếp theo là những nhu cầu đôn đốc
     tạo thành áp lực bừng bừng lửa dậy tại hải ngoại đòi hỏi tiền tuyến phải làm một cái gì.
    Cuộc Đông Tiến bắt đầu mặc dù chỉ có vài trăm tay súng. Chỉ biết tìm cách vượt sông Mekong đi mãi về phía Đông, không có một lệnh hành quân rõ ràng. Lần đầu bị thất bại. Lần sau trước khi lên đường phá sạch trại để hết đường về, nhưng rồi chưa đi được, lại phải trở về sống bờ sống bụi chờ chuyến sau. 
    Mỗi lần Đông Tiến là một lần thương vong. Trận chiến hoàn toàn không cân xứng. Đi vào đất địch với quân số ít ỏi, không có phương tiện liên lạc. Địch không đánh quân ta cũng có thể chết đói, chết khát. Địch tấn công với quân số gấp 10 lần. Quân ta chết là may mắn, bị thương là không có phương tiện cứu chữa. Không thể để lọt vào tay địch, bị tra tấn lộ tin tức rồi cũng bị giết chết. 
    Vì vậy quân bạn ra tay trước, Kháng Chiến 
    tự giết hết thương binh của ta, hoặc là thương binh phải tự sát. Kháng chiến quân tài hoa là nhạc sĩ Trần Thiện Khải, người sáng tác bài Trăng Chiến Khu… đã tự sát sau khi bị thương trên đường Đông Tiến lần 2.
    Đoàn quân Đông Tiến như Hốt Tất Liệt ngày xưa dẫn quân Thát Đát tiến về phía mặt trời. Cứ phương Đông mà đi cho đến khi ngựa hết nước, người hết sức, nhưng rồi quân Mông Cổ còn có đường về. Kháng Chiến thì tan hàng ngay tại Hạ Lào. Đi như thế không bị địch đánh thì cũng chết. Dù về đến đất Kontum thì cũng không thể mở được đầu cầu. Cho dù mở được đầu cầu thì làm gì có đại binh theo sau.
    Những cuộc hành quân gian khổ, điên cuồng như thế mang ý nghĩa gì" Ông Minh rõ ràng chỉ muốn tìm về chết tại quê hương!
    Ba trăm 
    chín tư năm trước, con tàu Mayflower của Âu Châu nhổ neo đi về phương Tây với 102 người. Một nửa là di dân và một nửa là thủy thủ đoàn, cũng là một hành trình vô vọng. Con tàu tả tơi đến miền Đông Hoa Kỳ năm 1620, mùa Xuân đầu tiên chết 52 người vì đói khát và bệnh tật. Còn lại 50 người sống xót và các dòng họ hậu duệ của con tàu “Hoa Tháng Năm” ngày xưa trải qua 4 thế hệ bây giờ đã có đến 35 triệu người trong số trên 300 triệu dân Hiệp Chúng Quốc. Một cuốn sách biên khảo vừa xuất bản đã ghi lại vào ngày Lễ Độc Lập năm nay.
    Trên chuyến khởi hành đến Mỹ và sau khi sống những năm đầu đầy thử thách ở Tân Thế Giới, di dân đã có lúc hung bạo, tàn nhẫn với nhau. Sử sách đều có ghi lại. Tuy nhiên, Mayflower đã thành công, nhưng con tàu Đông Tiến của Hoàng Cơ Minh đã không nở hoa “Kháng Chiến”.
    Khi Tướng Minh tổ chức đại hội tại San Jose để khai trừ người phụ tá số một là Đại Tá Phạm Văn Liễu, thì tại Nam California cũng có đại hội của ông Trần Minh Công tổ chức để đặt vấn đề với ông Minh.
    Đó là vào ngày 29/12/1984.
    Cùng vào thời gian đó, tiền đồn Hải Vân của Kháng Chiến trên đất Thái bị địch vượt sông Mekong qua tấn công. Sau đó, đơn vị Kháng Chiến tiền tuyến phải triệt thoái.
    Sau khi Mặt Trận bể làm đôi, Tướng Hoàng Cơ Minh trở lại khu chiến chuẩn bị và đích thân tổ chức, chỉ huy Đông Tiến II lần 1, rồi lần 2. 
    Thời kỳ đó ông Minh được Thái Lan cho biết chỉ cấp Visa lần cuối. Yêu cẩu ông vào dọn dẹp để giải tán chiến khu rồi phải ra khỏi đất Thái. Tình hình chính trị Đông Nam Á gió đã đổi chiều. Thái và Việt Nam xuống thang căng thẳng. Kháng chiến cũng chẳng còn tiền thuê đất trả cho các tư lệnh Thái Lan. Chính lúc đó nếu ông Minh rút về Nhật sẽ bỏ rơi chiến hữu trên đất Thái. Ông chọn giải phàp tiếp tục lên đường qua Lào để tìm bằng được ngọn đèn đêm hiu hắt trong thôn xóm Việt Nam, nhưng khi nằm chết bên con suối Hạ Lào, ông chỉ thấy xa xa đốm lửa quê người.
    Khi xuất bản tác phẩm của Phạm Hoàng Tùng, ông Đỗ Thông Minh có lẽ chỉ muốn cho tác phẩm có cơ hội trình bày sự thật. Khi người Kháng Chiến viết về 14 năm oan nghiệt, tác giả cũng chỉ đơn giản kể lại những gì đã trải qua. 
    Độc giả đọc tác phẩm chắc có thể mang nhiều suy tư. Kẻ chống đối hận thù Kháng Chiến sẽ tìm thấy nhiều chứng cớ để buộc tội.
    Nhưng riêng phần tôi, với tình cảm dành cho người đi cứu nước, tôi hết sức đau thương và trân trọng cái chết của Tướng Hoàng Cơ Minh. Tấm lòng thương cảm của tôi không phải chỉ dành cho chủ tướng mà cho tất cả đoàn viên của ông. Những người ông tuyên án xử tử, những người theo ông đi vào chỗ chết, hay những người vì theo ông mà suốt một đời tù đày cho đến ngày nay vẫn còn 
    lưu vong. Xem ra, tác giả đi một vòng tròn trên 4 xứ Đông Nam Á khoảng thời gian vừa đúng một con giáp (1981 - 1993), Phạm Hoàng Tùng lại là người Kháng Chiến hưởng hạnh phúc sau cùng.
    Tướng Hoàng Cơ Minh với cái chết của chính ông, ông đã làm trọn lời thề nguyền từ khi xuống tàu bỏ nước ra đi. Ông đã giữ vẹn lời thề, khi đứng trên khán đài hô hào kháng chiến phục quốc ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, ở Orange County và ở San Jose…
    Cái chết của Tướng Hải Quân Hoàng Cơ Minh, của Đại Tá Bộ Binh Dương Văn Tư, của Trung Tá Nhảy Dù Lê Hồng… và ngay cả các kháng chiến quân đào ngũ bị xử tử hình đều góp phần cho Kháng Chiến và Việt Tân tồn tại. Đông Tiến là chuỗi dài của những thất bại nhưng học được bài học thất bại là lấy được chìa khóa của thành công.
    Trong công cuộc đấu tranh cho Việt Nam bây giờ và sau này, dù bằng chính trị hay bằng những phương thức khác, dù giải phóng rồi canh tân hay dù canh tân rồi giải phóng, dù đúng hướng chính thống hay chệch hướng hòa giải thì điều quan trọng là phải tồn tại. Bất cứ với giải pháp nào, ta không thể cứu nước nếu ta không tồn tại và tiếp tục hoạt động.

    Cái chết của một lãnh tụ chỉ có thể mang ý nghĩa để cho thế hệ đấu tranh tiếp nối tồn tại. Với ý nghĩa đó, một đóa “Hoa Tháng Năm”, một Mayflower mới của người Việt sẽ nở hoa trong cộng đồng của chúng ta.
    Đối với những dư luận về công cuộc kháng chiến phục quốc, chúng tôi xin có đôi lời hơn thiệt. 
    Hơn 
    30 năm trước, Giao Chỉ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Võ Đại Tôn, Trần Văn Bá và Hoàng Cơ Minh. Thân hữu nói rằng, ông quá cả tin nên dễ bị lừa. Đã xin thưa rằng, tôi muốn ngày nào cũng có người đến lừa tôi về chuyện xây dựng lại non sông.
    Ba mươi năm sau, thân hữu lại nói rằng, ông đã yêu lầm tướng cướp. Bèn trả lời rằng: Tình yêu vốn mù quáng. Bây giờ đã già rồi, không thể thay đổi được nữa. Đành xin chịu mù lòa để giữ lấy tình yêu.
    Đối với riêng tôi, mọi công cuộc kháng chiến phục quốc từ Lực Lượng Đặc Biệt Võ Đại Tôn, đến Không Quân Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh và của Hải Quân Hoàng Cơ Minh đều là những nỗ lực thần thánh, chúng tôi có tràn đầy đức tin tuyệt đối.
    Ngày xưa, cụ Nguyễn Bá Trác lưu lạc bên Tàu, mang nặng mối sầu phục quốc 
    không thành đã viết nên vần thơ bất hủ trong bài Hồ Trường:
    “Chí ta ta biết, lòng ta ta hay.”
    Bây giờ lòng dạ đó vẫn là tâm can của các đoàn viên cách mạng, chắc chắn rằng tôi hiểu tấm lòng các bạn. Khi thiên hạ sắp ném đá người đàn bà tội lỗi, Chúa nói rằng, ai không có tội thì ném trước, tất cả đều bỏ đi. Ngày nay, người lương thiện bỏ đi, người tội lỗi đứng lại lấy chuyện ném đá để mua vui đời luân lạc. Từ “Võ Đại Bịp” đến “Kháng Chiến Phở Bò”... còn chữ nghĩa nào tàn nhẫn hơn để làm đau đớn người đi cứu nước.
     Bây giờ là thời của người biết không nói, kẻ không biết nói càn. Nếu ta biết mà không nói, ai nói ?. Bây giờ không nói, bao giờ ?
    Tôi đã đọc và giới thiêu bộ Hồi Ký Một Đời Người của cụ Phạm Ngọc Lũy do nhà xuất bản Tân Văn ở Đông Kinh, Nhật Bản phát hành nói về cuộc công yểm trợ của hải ngoại. Tôi đã đọc và tổ chức ra mắt sách bộ Hành Trình Người Đi Cứu Nước cũng của nhà xuất bản này về khu chiến của kháng chiến quân Phạm Hoàng Tùng  
    Cả hai tác phẩm này xem ra anh em Việt Tân đều không nhìn nhận. Kháng chiến mở đường tôi viết bài Đường mòn Hoàng cơ Minh. Kháng chiến bể làm đôi và bị luật pháp Hoa Kỳ làm khó. Tôi than thở với bài: Tìm đường gai góc mà đi. Khi bác sĩ Trấn Xuân Ninh từ giã tôi viết bài an ủi: Chia tay hoàng hôn. Khi ông Liễu qua đời tôi gửi vòng hoa văn hóa.Tôi là người mãi mãi ủng hộ các phong trào kháng chiến phục quốc và không quên bao gồm cả tổ chức Phục Hưng Việt Nam. Dù là võ trang ngày xưa hay đấu tranh chính trị ngày nay, các anh đánh cách gỉ tôi cũng ủng hộ. Câu nói mãi mãi ghi trong lòng. Mình không làm thì để anh em làm. Làm đúng làm sai cũng là làm việc lớn. Tôn trọng và thông cảm.
    Terror in Little SaiGon
    Bây giờ đến lúc anh phóng viên tây ba lô làm phim đầu voi đuôi chuột, chẳng hề có ai yêu cầu, xem xong phim là tôi lên tiếng mắng cho cậu này mấy mắng. Thằng cha nầy dứt khoát là muốn nổi tiếng với cuộc đời truyền thông. Chẳng phải đi tìm công lý thương yêu gì các nạn nhân của 35 năm về trước. Đây là anh chàng không hề có lương tâm báo chí. Dứt khoát làm công tố viên buộc tội xong rồi mới đi tìm chứng cớ. Theo kiểu chuyên viên tra tấn cho ra tội. Anh chàng lại gạ gẫm để các nhân chứng Việt Nam bịt mắt mà khai, như vậy anh muốn mô tả cộng đồng Việt ngày nay vẫn còn sợ Mafia Kháng chiến nên dù uất ức muốn nói sự thực mà vẫn sợ bị thủ tiêu nên dấu mặt.
    Qua vụ này, các bạn hỏi tôi là phải chăng Hoa Kỳ đã nuôi dưỡng bao che cho các phong trào Kháng Chiến 35 năm trước và bây giờ lại muốn dẹp đi. Sao bạn lại đi tìm mặt trời buổi trưa như vậy. Suy nghĩ tào lao. Chính phủ Hoa kỳ chẳng hề có chủ trương như vậy. Nuôi dưỡng cũng không phải mà dẹp bỏ cũng không. Giữa buổi trưa, đi tìm đông tây nam bắc không thấy mặt trời. Các ông quên rằng mặt trời ngay trên đỉnh đầu. Đây chỉ đơn thuần là một anh phóng viên đói bài làm phóng sự chuyện ngày xưa đem cờ vàng và Sài Gòn nhỏ hôm nay để gây sóng gió. Các cơ quan truyền thống quốc gia và quốc tế Hoa Kỳ chẳng hề quan tâm. Toàn cầu còn đang theo đuổi chuyện chiến tranh với khủng bố Hồi Giáo, ai quan tâm đến đề tài của chúng ta. Các cơ sở chiếu phim cũng chẳng phải là những tiếng nói lớn lao của dư luận Mỹ. Chỉ là các cơ quan Media thuộc loại bất vụ lợi không có gì chứng tỏ là đề tài quan trọng của cơ sở truyền thông quan trọng.Thiên hạ lại đem những bài mắng chửi từ bao năm qua ra phổ biến. Bạn đọc hôm nay lâm trận hỏa mù chẳng rõ đầu đuôi? Thật là đáng tiếc.
    *  *  *
  • ·         Tuy nhiên, cuốn phim Terror giả hiệu này cũng là dịp chúng tôi muốn chân thành kể lại câu chuyện xưa để quý độc giả được rõ. Thời kỳ 1980 chúng tôi đã sống và đấu tranh ra sao. Dù chẳng phải là đoàn viên nhưng anh em hết lòng ủng hộ anh em. Mỗi độ Xuân Về, chúng tôi tổ chức hội Tết Fairgrounds tại San Jose. Hai bên cổng chính lối vào khu triển lãm là các gian hàng của Kháng Chiến và Phục hưng Việt Nam. Những hình ảnh, những lá cờ vàng. Anh em Phục Hưng lo gian hàng Việt Ngữ và phụ trách bãi gửi xe bên ngoài. Anh em Kháng Chiến đi treo cờ trên các khu thương mại. Anh em Người Việt Tự do dặn nhau rằng, mai nầy ta cùng về Việt Nam. Anh em Kháng chiến nói rằng Ăn bát phở Hoà rút ngắn đường về. Trên khắp nẻo đường đất khách quê người, chiến hữu mặc áo đen đứng dưới trời mưa phát báo. Trên sân khấu văn nghệ có cả Kiều Chinh Phạm Duy cùng các thanh niên thiếu nữ cất tiếng ca. Năm 1993 Giao Chỉ tôi cũng lần mò đi theo anh em Phục Hưng qua dự đại hội nhân quyền tại thủ đô Mạc tư Khoa lúc cờ đỏ đã không còn trên công trường đỏ. Những cán bộ của Phục Hưng, của chí nguyện đoàn, của kháng chiến 30 năm trước, ngày nay gặp lại, tóc xanh đã phai màu. Có ông tóc bác phơ. Nhiều ông tóc đã rụng hết. Ông cha ta có câu. Một cái tóc là một cái tội. Tóc đã rụng hết rồi mà sao ngày nay lại còn mang tội khủng bố làm cho Sài gòn nhỏ thân yêu phải mang hình ảnh kinh hoàng. Nghe nói có người chửi tôi rằng tên đại tá nghĩa địa. Tôi lại chịu đấy. Chắc tôi không phải là người cuối cùng thương các anh chị em tìm đường về quê hương. 
    Cảm ơn....
    Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
     
     Giao Chỉ - San Jose, 
     
    ·         Nhân mùa lễ hội cuối năm 2015 tôi viết lại chuyện này đề gửi cho quý vị; Bà Hoàng Cơ Minh và các cháu ở Cali. Anh chị Võ Đại Tôn bên Úc. Các con gái của anh Mai Văn Hạnh bên Pháp. Anh chị Đỗ Thông Minh bên Nhật. Anh Phạm Hoàng Tùng bên Cam Bốt. Anh Đào Bá Kế bên Thái Lan. và các bạn tôi khắp mọi nơi. Xin ông bà chuyển cho thân hữu và trả lời đã nhận
    ·         Từ Mayflower trên biển đến con tầu Kháng chiến trong rừng

No comments:

Post a Comment