Thursday, September 26, 2013

Hai Cha Con Người Rừng

Tin mới cha con 'người rừng' ở Quảng Ngãi

Thuộc chuyên đề:  'Người rừng' ở Việt Nam
Sau gần một tuần được các y, bác sỹ tích cực chăm sóc, sức khỏe của ông Hồ Văn Thanh đã dần được hồi phục, hiện sức khỏe anh Lang cũng rất tốt.

Sáng 12/8, UBND huyện Tây Trà chính thức có văn bản báo cáo cụ thể về việc hai cha con ông Hồ Văn Thanh ở xã Trà Phong (Tây Trà) sống biệt lập trong rừng suốt 40 năm qua, vừa được chính quyền địa phương và người thân đưa về với cộng đồng.
Từng vận động "người rừng" về cộng đồng


Theo báo cáo của UBND huyện Tây Trà, ông Hồ Văn Thanh (1932), nguyên quán tại thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh (Tây Trà), trong chiến tranh chống Mỹ, ông Thanh chuyển về sinh sống ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh (Tây Trà) và tham gia bộ đội Quân khu V. Khi đang đi làm nhiệm vụ trong quân đội thì gia đình ông bị  trúng bom của Mỹ khiến hai người con đầu của ông bị chết, sau đó vợ ông chuyền về sinh sống ở xã Trà Khê (Tây Trà).

Sau khi ông trở về gia đình ở xã Trà Khê sinh sống được một thời gian ngắn thì bị bệnh tâm thần. Đến năm 1974 ông dẫn đứa con nhỏ tên Hồ Văn Lang (1969)- lúc này Lang khoảng 5 tuổi, rời khỏi địa phương vào trong rừng sâu thuộc vùng núi Apon, thôn Trà Kem, xã Trà Xinh sinh sống và từ đó không ai biết thông tin gì của ông.

Sau năm 1975, khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, khoảng một thời gian dài về sau, người dân hai xã Trà Xinh và Trà Phong trong lúc đi làm rẫy thì phát hiện có người sống trong rừng. Qua tìm hiểu người dân xác định đó là hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang.

Đến năm 2004, sau khi huyện Tây Trà được thành lập, biết được vụ việc trên, huyện và xã có đến vận động hai người cháu của ông là Hồ Văn Phố, Hồ Văn Lâm và con trai út của ông là Hồ Văn Tri lên thăm, vận động ông trở về nhà sinh sống cùng người thân nhưng hai cha con ông Thanh liên tục chạy trốn vào rừng sâu, không chịu trở về.
Tin mới cha con 'người rừng' ở Quảng Ngãi
Hai cha con ông thanh tại trung tâm y tế huyện Tây Trà

Chủ tịch UBND xã Trà Phong- ông Trương Ngọc Đông cho biết: Sau khi biết thông tin hai cha con ông Thanh sống trong rừng sâu, chính quyền địa phương và người thân của ông đã nhiều lần vào vận động ông quay về nhưng bất thành.

Đến khoảng cuối năm 2012, đầu năm 2013, ông Hồ Văn Phố ốm nặng qua đời, kể từ đó về sau người thân không đến thăm hai cha con ông Hồ Văn Thanh nữa. Mãi đến ngày 2/8 trong lúc đi sản xuất, người dân phát hiện ông Hồ Văn Thanh ốm nặng và về báo cho người thân.

Sáng 3/8, ông Hồ Văn Lâm và Hồ Văn Tri vào rừng thăm thì phát hiện ông Hồ Văn Thanh bị ốm nặng nằm một chỗ, không ăn uống được và về báo cho chính quyền địa phương xã Trà Phong nhờ giúp đỡ đưa hai cha con ông Thanh về.

Ngày 7/8 xã Trà Phong đã cử lực lượng gồm dân quân, công an và thanh niên địa phương đến khu vực núi Apon,  thôn Trà Kem, xã Trà Xinh đưa hai cha con ông Hồ Văn Thanh về địa phương an toàn.

Vì sức khỏe ông Thanh rất yếu chỉ nằm một chỗ, không ăn uống được, nên sau đó chính quyền địa phương đã đưa ông đến Trung tâm y tế huyện để điều trị và người con là Hồ Văn Lang được đưa về gia đình nguời thân ở thôn Trà Nga xã Trà Phong.

Hai cha con ông Thanh dần hồi phục


Sau gần 1 tuần được các y, bác sỹ Trung tâm y tế huyện Tây Trà tích cực chăm sóc, sáng 12/8, sức khỏe của ông Hồ Văn Thanh đã dần được hồi phục và đã có thể ăn uống được.

Ông Hồ Văn Lâm- cháu ông Thanh cho biết: Mấy hôm trước ông không chịu ăn uống gì, nhưng từ hôm qua nay ông đã ăn được cháo loãng. Tuy ăn không nhiều nhưng mỗi bữa cũng được 2 chén. Hiện ông đã tươi tỉnh trở lại.

Còn người con là Hồ Văn Lang sáng nay cũng được đưa xuống Trung tâm y tế huyện để theo dõi kiểm tra sức khỏe, hiện sức khỏe ông Lang cũng rất tốt.
Tin mới cha con 'người rừng' ở Quảng Ngãi
ông hồ văn lang được các y, bác sĩ trung tâm y tế huyện tây trà chăm sóc sức khỏe 

Theo các y, bác sĩ Trung tâm y tế huyện Tây Trà thì, qua thăm khám, sức khỏe của hai cha con ông Thanh đang dần ổn định. Riêng ông Thanh do tuổi cao và sống kham khổ trong rừng đến 40 năm, nên ông bị suy kiệt nặng, chứ đến thời điểm này chưa phát hiện có bệnh gì nghiêm trọng.

Trước tình trạng trên, Trung tâm đã đề nghị chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị và chăm sóc, nhưng người thân của ông Thanh bày tỏ muốn nằm điều trị tại đây. Sau khi báo cáo, được Sở Y tế đồng ý và hỗ trợ về chuyên môn, chúng tôi tiếp tục để ông Thanh ở lại điều trị.

Hiện, chính quyền địa phương huyện Tây Trà chỉ đạo Trung tâm y tế huyện  tiếp tục theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của hai cha  con ông Thanh, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để họ sớm bình phục và nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
» 'Người rừng' Quảng Ngãi sẽ được điều trị tâm lý

» Ảnh: Đồ dùng tự chế độc đáo của cha con 'người rừng'
» Có nên giải cứu cha con 'người rừng'?
» 'Người rừng' ở Quảng Ngãi từng là bộ đội chính quy

Ảnh: Đồ dùng tự chế độc đáo của cha con 'người rừng'

Thuộc chuyên đề:  'Người rừng' ở Việt Nam
Sống trong rừng sâu suốt hơn 40 năm, cha con “người rừng” đã khiến nhiều người dân trong làng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Cha con ông Hồ Văn Thanh đã “vận dụng” bản năng vốn có của con người để đối chọi lại với cuộc sống khắc nghiệt của thiên nhiên nơi “rừng thiêng nước độc”…

Biết làm áo mưa, đan áo

Trong số hàng chục món đồ vật được người dân mang từ căn lều trên thân cây của cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh về, có rất nhiều vật dụng do chính tay cha con “người rừng” làm để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Món “độc nhất” là cái áo mưa do cha con “người rừng” tự chế tác. Họ làm áo mưa bằng cách đan một khung tre dài gần 1m rồi lấy lá cây rừng lợp thành nhiều lớp dọc theo khung tre. Mỗi khi mưa xuống, cha con “người rừng” chỉ cần đội chiếc áo mưa ấy trên đầu đi kiếm cái ăn là chẳng hề ướt.

Ảnh: Đồ dùng tự chế độc đáo của cha con 'người rừng'
Chiếc áo mưa kỳ lạ do cha con người rừng tự tay “sản xuất”
Ảnh: Đồ dùng tự chế độc đáo của cha con 'người rừng'
Chiếc áo y hệt áo vải bình thường nhưng lại được làm ra từ vỏ cây và dây rừng 

Không chỉ tự thiết kế ra loại áo mưa “độc”, cha con “người rừng” còn tự tay đan áo. Không ít người ngạc nhiên khi chỉ bằng vỏ cây và dây rừng, cha con họ lại có thể đan thành những chiếc áo mặc trên người. Ngoài những chiếc khố, cha con “người rừng” còn đan 2 chiếc áo ấm, cũng bằng vỏ cây và dây rừng để chống rét trong mùa đông. Nhìn chiếc áo lạ, những người có mặt tại căn chòi của cha con “người rừng” đều phải gật gù thán phục.

Suốt bao năm qua, hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh còn đan những chiếc gùi, túi đựng làm từ cây và dây rừng. Họ biết chọn nơi ở gần bên con suối, rồi dùng những thân cây bắt dài từ con suối dẫn nước về nơi ở.

Ảnh: Đồ dùng tự chế độc đáo của cha con 'người rừng'
Làm búa, rìu, dao từ mảnh bom đạn 

Ảnh: Đồ dùng tự chế độc đáo của cha con 'người rừng'
Hàng chục dụng cụ tự chế kỳ lạ của cha con “người rừng” 

Ai cũng ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều dụng cụ lao động tự chế của cha con “người rừng”. Nào là dao, búa, rìu, rựa, xoong nồi… Những công cụ này phần lớn đều được làm từ những mảnh bom đạn vỡ. “Người rừng” đã nhặt những mảnh bom đạn còn sót lại trong rừng rồi mang về mài, đập gõ để chế ra những dụng cụ cần thiết cho cuộc sống.

Sống trong rừng, cha con ông Hồ Văn Thanh không thiếu một dụng cụ nào trong sản xuất nông nghiệp, dù những dụng cụ họ làm ra không đẹp, không tốt như những công cụ bình thường. Từ những dụng cụ thô sơ ấy, cha con “người rừng” đã phát rẫy trồng trọt, săn bắt thú rừng để sống.

Trong căn chòi làm trên thân cây, người ta đã phát hiện rất nhiều nguồn lương thực dự trữ do cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh trồng trọt mà có. Từ lúa gạo, mè, thuốc lá... Thậm chí họ còn dự trữ những miếng thịt động vật đã phơi khô.

Chi tiết về cuộc sống giữa rừng sâu của cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh như thế nào, còn phải chờ một thời gian sau nữa, khi cha con họ thật sự đã hòa nhập lại với cộng đồng và nói được bằng đúng tiếng của Cor của mình.

Ngày 12/8, ông Trần Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Anh Khoa đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho cha con “người rừng” 40 năm sống trên cây.

Ông Trần Trung cho biết, sau khi đọc thông tin về cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi, quê xã Trà Khê, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) 40 năm sống biệt lập trong rừng, ông rất xúc động.

Ông Trung tâm sự: “Tôi mong muốn số tiền này sẽ góp phần giúp cha con ông Thanh hòa nhập với cộng đồng sau những ngày tháng cơ cực sống biệt lập trong rừng sâu. Đây là tấm lòng của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty nhằm chia sẻ khó khăn cho những người không may mắn”.
Theo Khám phá/CATPHCM

No comments:

Post a Comment