Saturday, July 31, 2021

Hành trình của cô gái Hmong tới chiếc huy chương vàng Olympic

Trong cuộc thi thể dục dụng cụ tại Olympic 2021, một tài năng mới của Mỹ đã xuất hiện từ cái bóng vĩ đại của Simone Biles.
Sunisa Lee, 18 tuổi đã gây sự chú ý từ khi cô trở thành người Mỹ gốc Hmong đầu tiên thi đấu cho đội tuyển Mỹ tại Olympic 2021. Và sau đó cô gái này gây sốc một lần nữa, trong một màn trình diễn căng thẳng ở cuộc thi đồng đội tối Thứ Ba, 27 Tháng Bảy, sau khi Biles rút lui vì lo lắng, Lee đã có một màn trình diễn bùng nổ với năng lượng, sự táo bạo và mạnh mẽ tuyệt vời, đủ để đánh bại Rebeca Andrade, vận động viên người Brazil, người cũng đã hoàn thành xuất sắc phần thi đấu của mình sau khi phẫu thuật tái tạo đầu gối. Do hai lỗi muộn trên sàn, Rebeca đã mất điểm vàng với chỉ 0.135 điểm.
Vận động viên người Nga, Angelina Melnikova đoạt Huy Chương Đồng.
 
Sunisa Lee tạo nên một câu chuyện đáng chú ý đến nỗi người ta cho rằng nó có thể được Hollywood viết thành kịch bản. Một câu chuyện bắt đầu từ rất lâu trước khi Lee được sinh ra, khi CIA tuyển mộ những người Hmong để ngăn chặn cộng sản Bắc Việt Nam xâm nhập Lào nhằm giúp cộng sản Lào lật đổ Chính Phủ Hoàng Gia. Nhưng rồi sau đó nước Lào tự do đã thuộc về tay cộng sản vào năm 1975.
 
Cha mẹ của Lee, John Lee và Yeev Thoj, là một trong số hàng nghìn người tị nạn Hmong đã thực hiện hành trình vượt thoát đến Thái Lan và sau đó là đến Mỹ. Tuy vậy, phần lớn trong số họ không tìm thấy thành công trên miền đất hứa: 60% người Mỹ gốc Hmong có thu nhập thấp và hơn một phần tư sống trong cảnh nghèo đói.
Hôm kia, nhiều người trong số họ đã tập trung vào một trung tâm cộng đồng ở Oakdale, Minnesota, để xem cô gái vàng của họ giành huy chương Olympic. “Cộng đồng chúng tôi thật tuyệt vời”, Lee giải thích. “Những người đồng hương ấy đã thấy tôi giành huy chương vàng và tôi ước họ có thể ở đây. Thực sự nhà của tôi quá nhỏ để có thể đón tiếp họ, vì vậy họ đã đến một trung tâm cộng đồng và cùng nhau xem tôi thi đấu”.
 Cú tiếp đất của Sunisa Lee – Chụp màn hình nbcolympics.com

Nhưng những lời nói của Lee nhuốm màu buồn bã, vì cô thừa nhận mọi thứ không hề dễ dàng đối với nhiều bạn bè và gia đình của cô. “Cộng đồng người Hmong là những người ủng hộ tôi nhiều nhất từ trước đến nay. Tôi cảm thấy buồn cùng họ vì nhiều người đã không đạt được mục tiêu trong cuộc sống”, cô nói thêm, “Nhưng tôi muốn mọi người biết rằng không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra cuối cùng. Vì vậy, đừng từ bỏ ước mơ của mình”.
Lee chắc chắn không từ bỏ ước mơ của cô, dù đã phải trải qua rất nhiều cuộc chia tay tồi tệ cùng những nỗi đau tinh thần. Chẳng hạn, năm 2019 cha của cô bị liệt từ ngực trở xuống sau cú ngã từ một bậc thang và năm ngoái, cô đã mất người dì và chú ruột của mình vì Covid.
Lee cho biết, những nỗi buồn vô hạn mà cô phải gánh chịu đã khiến cô trở nên mạnh mẽ hơn, cô luôn chiến đấu chống tại những suy nghĩ tiêu cực. Cô không thể quên lời cha cô viết cho cô trước trận chung kết Olympic bằng một tin nhắn đơn giản. “Bố tôi chỉ nói với tôi rằng hãy làm những gì tôi thường làm, và làm hết sức mình. Ông không đòi hỏi gì hơn, vì trong trái tim ông, tôi đã là một người chiến thắng”, Lee thổ lộ.
Chính người cha đã vô tình dẫn dắt con gái mình vào con đường đưa đến chiếc huy chương vàng Olympic hôm nay. Khi mới sáu tuổi, Lee luôn thích nhảy nhót lên giường và hay nhờ bố giúp khi cô làm các động tác lộn ngược. Cuối cùng, mẹ cô đã nhượng bộ và chấp nhận cho đứa con gái nhỏ tham gia một câu lạc bộ thể dục dụng cụ tại địa phương. Hành trình đam mê của Lee bắt đầu từ đó.
Mặc dù vậy, một năm trước, cô đã có ý nghĩ bỏ nghề sau khi bị tai nạn gãy xương bàn chân trong thời gian đại dịch. “Nó thật tệ, tôi tưởng như mình sẽ không bao giờ có thể tham dự Thế Vận Hội nữa”. Nhưng chấn thương của cô đã lành lại đúng lúc để Lee có thể lấy một tấm vé lên đường sang Tokyo.
 
Sẽ rất dễ dàng cho Biles- cái tên nổi bật trong làng thể dục dụng cụ thế giới- nếu cô không có mặt ở trận chung kết toàn năng. Không ai có thể không để tâm sau khi cô ấy thổ lộ như vậy về cuộc chiến đấu với tình trạng sức khỏe tâm thần của mình. Thay vì thì đấu, cô đã quyết định ngồi ở hàng ghế đầu trên khán đài. Và chỉ trong một đêm, cô đã trở thành một khán giả hâm mộ đỉnh nhất với sàn đấu thể dục dụng cụ thế giới.
 Vận động viên thể dục dụng cụ Sunisa Lee – 2020 – Chụp màn hình NBC   News

Biles có một thói quen không thay đổi. Bất cứ khi nào một vận động viên thực hiện một động tác nguy hiểm trên xà  kép, Biles sẽ đưa hai tay lên mặt và lo lắng nhìn qua kẽ các ngón tay. Cô không cần biết họ đến từ quốc gia nào. Phản ứng của Biles là giống nhau đối với các vận động viên thể dục dụng cụ của Nga, Brazil và Mỹ. Luôn luôn, Biles là người có giọng nói lớn nhất trong Trung tâm Thể dục Ariake khi cô ấy hét lên lời động viên và vỗ tay không ngớt sau mỗi lần vận động viên đáp xuống an toàn.
 
Lee sau đó chia sẻ: “Biles có rất nhiều ý nghĩa đối với tôi khi cô ấy ở đây cổ vũ cho tôi. Chỉ cần có mặt cô ấy ở đấu trường, vì cô ấy là nguồn cảm hứng bất tận cho tôi, và là người tôi mong đợi”.
Angelina Melnikova vận động viên đoạt huy chương đồng cũng bày tỏ tình cảm tương tự, “Vâng, tất nhiên là tôi đã nghe thấy tiếng cổ vũ của cô ấy, thật tuyệt vời”.
Vào Thứ Năm, Biles đã gửi một thông điệp cảm ơn trên mạng xã hội vì những tình cảm đó. Cô nói: “Tình yêu và sự hỗ trợ mà tôi nhận được đã khiến tôi nhận ra mình còn có ích hơn cả những thành tích thể dục dụng cụ, điều mà trước đây tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ tới.” Vẫn có khả năng Biles sẽ trở lại cuộc đấu khi mà Biles đã đủ điều kiện cho trận chung kết diễn ra vào tuần tới.
 
Nhưng đêm này đã thuộc về Lee, một ngôi sao mới của Hoa Kỳ đã giành Huy Chương Vàng trong cuộc thi cá nhân toàn năng – mặc dù đây không phải là cuộc thi mà tất cả người xem mong đợi nhất khi Thế Vận Hội này bắt đầu.
Lee có thể sẽ trở thành gương mặt đại diện cho môn thể dục dụng cụ nữ ở Mỹ. Cô có kế hoạch theo học đại học vào mùa Thu, sau quyết định của NCAA vào Tháng Bảy, cho phép các vận động viên hưởng lợi từ tên tuổi, hình ảnh và sự quý mến của mọi người dành cho họ. Lee sẽ không phải đưa ra lựa chọn khó khăn mà những người tiền nhiệm của cô đã trải qua: Bỏ học đại học để tận dụng cơ hội luyện tập và thi đấu.
Sau Olympic, Lee sẽ về quê nhà, ăn mừng cùng gia đình và dọn hành lý đến Auburn, trường đại học mà cô lựa chọn.

“Tôi có lẽ sẽ nghỉ tập thể dục vài tuần, và sau đó vào đại học,” cô nói với các phóng viên hôm 30 Tháng Bảy tại Tokyo. “Vào đại học, đó là cách ăn mừng của tôi”. 
(Nguồn: theguardian.com)

 

Friday, July 30, 2021

AI ĐÃ BÁN TRUNG TÂM ASIA CHO VIỆT CỘNG? (Bài viết của Nam Lộc)

Tuần qua, sau khi phổ biến bức thư phản đối Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam (VCPMC) ở trong nước, là tổ chức đã tự nhận tác quyền nhạc phẩm Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt do tôi sáng tác. Thì ngay sau đó tin đồn thất thiệt, nói rằng: “Trung tâm Asia đã bán cho Việt Cộng” lại được phát tán trên Internet. Là một MC cộng tác với trung tâm ca nhạc này từ gần 30 năm qua, tôi nghĩ rằng mình có bổn phận phải lên tiếng để bảo vệ danh dự cho chính mình cùng các ca nhạc sĩ và chuyên viên cộng tác hầu quý vị khán thính giả cùng đồng hương được hiểu rõ vấn đề. Bởi vì chúng tôi quan niệm, đây là một điều sỉ nhục, khi mà một trung tâm đã "bán cho VC" mà mình vẫn cúi đầu phục vụ!

Nhưng sự thật không phải như thế. Kể từ khi chính thức làm việc với TTAsia cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn chỉ tiếp xúc và hoạt động với một người chủ (owner) duy nhất, đồng thời cũng là giám đốc điều hành TTAsia là cô Thy Vân, con gái của nhạc sĩ Anh Bằng. Tôi chưa bao giờ gặp mặt hay tiếp xúc với bất cứ một nhân vật nào gọi là “chủ nhân mới” của TTAsia. Chúng tôi cũng chưa hề nhìn thấy ai xuất hiện tại TTAsia và tự nhận là “chủ nhân mới” của công ty này. Tất cả hợp đồng làm việc, trả tiền thù lao, lương bổng hay tác quyền vẫn do cô Thy Vân trách nhiệm và điều hành. Tất cả mọi quyết định liên quan đến chủ đề hay nội dung chương trình, cá nhân tôi vẫn chỉ làm việc với một người duy nhất là cô Thy Vân mà thôi. Các tác phẩm ca nhạc của TTAsia cùng những sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng vẫn do cô Thy Vân cùng gia đình kiểm soát và chủ động. Bất cứ ai cần đến các nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Anh Bằng đều có thể liên lạc với cô Thy Vân cùng gia đình để xin phép được sử dụng.

Lập trường quốc gia vững chắc từ trước đến nay của TTAsia vẫn không hề thay đổi. Điển hình là vào dịp 30 tháng Tư, 2021 vừa qua, Asia là trung tâm duy nhất tại hải ngoại đã thực hiện chương trình video ca nhạc tưởng niệm quốc hận, qua chủ đề “30 Tháng Tư, Dưới Lăng Kính của Thế Hệ Tiếp Nối” (xin xem link đính kèm), với sự tham dự cùng đóng góp ý kiến của các bạn trẻ ở trong và ngoài nước:  

Chính cô Thy Vân đã nhờ tôi liên lạc và tiếp xúc với các nhạc sĩ Phan Văn Hưng, Lê Tín Hương, một số quý vị nhạc sĩ khác, cùng thân nhân của cố nhạc sĩ Y Vân để sử dụng các sáng tác của họ trong bộ video này. Tôi cũng là người đại diện cho TTAsia để mời cô Amanda Nguyễn, cùng phó đề đốc Hải Quân HK, Nguyễn Từ Huấn tham dự cũng như chia sẻ các thông điệp ý nghĩa của họ với giới trẻ VN trong và ngoài nước. Và điểm đáng chú ý là nhà cầm quyền Cộng Sản VN đã ngăn chặn video này ngay từ lúc TTAsia chính thức phát hành và phổ biến trên YouTube. Cho đến ngày hôm nay, sau gần 3 tháng, chương trình ca nhạc video “30 Tháng Tư, Dưới Lăng Kính của Thế Hệ Tiếp Nối” vẫn tiếp tục bị cấm đoán ở VN.

Với tất cả những chi tiết được trình bầy ở trên, chúng tôi hy vọng quý vị khán thính giả cùng đồng hương đã tìm được câu trả lời cho đề tài của bài viết ngày hôm nay, tức là KHÔNG
CÓ AI BÁN TRUNG TÂM ASIA CHO VIỆT CỘNG như các tin tức thất thiệt cùng những lời đồn ác ý, với mục đích tạo sự tò mò của dư luận mà thôi.

Ngoài ra chúng ta cần phải hết sức thận trọng và đề cao cảnh giác về những bản “tin giả” (fake news) được tung ra hàng ngày trên mạng truyền thông xã hội để lôi cuốn người xem. Mỗi ngày có hàng triệu YouTube được phổ biến. Nếu có những YouTuber đứng đắn và nghiêm chỉnh, thì cũng không thiếu những kẻ làm YouTube nhảm nhí, lừa đảo để câu views kiếm tiền. Một trong những thí dụ điển hình là tin “MC Nam Lộc đã vĩnh viễn ra đi!” (xin xem hình ảnh ở bên dưới). Họ dựa vào tên tuổi của những người được biết đến trong xã hội ở bất cứ lãnh vực nào để làm mồi câu khách. Họ bịa ra đủ điều, đủ chuyện, rồi bàn luận một cách vô trách nhiệm, bất kể lương tâm, đạo đức hay nhân cách. Hy vọng sự lên tiếng của chúng tôi sẽ giúp quý vị tin tưởng cũng như tiếp tục ủng hộ TTAsia. Một trung tâm ca nhạc đứng đắn, đã được đông đảo khán thính giả thương mến từ nhiều năm qua.

Trân trọng cám ơn quý vị,
Nam Lộc

(Đính kèm một YouTube với chủ đề láo lếu để câu view)
 
Video Dưới Lăng Kính của Thế Hệ Tiếp Nối

Wednesday, July 28, 2021

Cố Thị Trưởng Margie Rice, người cả đời hăng say việc xã hội

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trước tin bà Margie Rice, cựu thị trưởng Westminster, California, vừa qua đời sáng Chủ Nhật, 25 Tháng Bảy, nhiều dân cử gốc Việt và bạn của bà tại Westminster tỏ lòng thương tiếc.

Để lại tiếc thương

Ông Trí Tạ, thị trưởng Westminster, nói với giọng trầm buồn: “Tôi rất lấy làm vinh dự được biết và làm việc với bà Rice. Bà là người cương trực, thẳng thắn.”

Ông thêm: “Có lẽ tôi là người làm việc với bà lâu nhất ở Westminster, tới 12 năm.”

Ông Trí quí bà đến nỗi ông đã hai lần vinh danh bà tại thành phố.

“Một lần, năm 2013, tôi đề xướng việc đặt tên cho đại sảnh bên trong Rose Center Theater thuộc Westminster là Margie Rice. Rồi năm 2015, tôi lại đặt tên cho một công viên ở góc đường Westminster và đường Edward là Margie Rice Park,” ông nói.

Năm 2012, khi vừa đắc cử thị trưởng Westminster, ông Trí bổ nhiệm bà Rice vào ghế nghị viên của ông. “Bà ngồi ghế đó hai năm.”

Ông Charlie Nguyễn Mạnh Chí, nghị viên Westminster kiêm chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Đặc Khu Vệ Sinh Midway City Sanitary District, nói: “Đây là một sự mất mát lớn lao cho Westminster và cho Midway City.”

“Trong những lần họp trước, chúng tôi, ai ai cũng cứ mong rằng bà sẽ sớm quay lại cùng họp với hội đồng,” ông Charlie chia sẻ. “Tôi cứ nghĩ rằng bà đã khỏe. Không ngờ hôm qua nhận được tin buồn.”

Ông tiếp: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sự đóng góp của bà tại Midway City trong suốt 30 năm qua.”

Bà Margie Rice với mái tóc và nụ cười cố hữu. 
(Hình: City of Westminster)

Ngay cả với những cựu đồng viện của bà như ông Tyler Diệp, ông Andy Quách và ông Tony Lâm cũng rất luyến tiếc con người và cá tánh của bà Rice.

Ông Tyler Diệp, cựu dân biểu tiểu bang California, cựu nghị viên Westminster, và hiện là thành viên Hội Đồng Quản Trị Đặc Khu Vệ Sinh Midway City Sanitary District, nói: “Sự ra đi của bà Margie Rice nhắc cho tôi nhớ đến cuộc sống này vô thường như thế nào.”

“Với tôi, bà Rice, cùng là đồng nghiệp, đồng minh và đối thủ chính trị,” ông nói. “Tôi xin được chia buồn với gia đình bà.”

Ông Andy Quách, cựu nghị viên Westminster, thở dài: “Hơn phân nửa cuộc đời bà dành cho việc xã hội. Việc làm của bà đã ảnh hưởng đến nhiều người, và do đó, sẽ có nhiều người nhớ đến bà.”

“Tôi biết là dù bệnh, bà vẫn xông xáo làm việc,” ông nói. “Rất tiếc là sau khi không còn là dân cử nữa, tôi không giữ liên lạc thường xuyên với bà.”

Là người gốc Việt làm việc với bà Rice sớm nhất, ông Tony Lâm, nghị viên gốc Việt đầu tiên tại Westminster và trên toàn quốc, hồi tưởng: “Bà là người hăng say công việc, rất năng nổ và không chịu đầu hàng ai.”

“Năm 1992, bà và tôi cùng tranh cử chức nghị viên Westminster. Bà thua tôi có 138 phiếu nhưng bà và tôi vẫn là bạn,” ông kể.

“Trong thời gian này, bà có giúp tôi thông qua những nghị quyết liên quan đến khu Little Saigon như có những thiết kế gần gũi với người gốc Việt trong các khu thương mại hay cột điện với thiết kế kiểu Pháp.”

“Những trạm xe buýt có mái cong kiểu mái ngói Việt Nam là do bà giúp tôi thông qua,” ông nói. “Nhưng bà không bao giờ vì tôi mà thiên vị cả. Bà rất công tâm.”

Bà Margie Rice trong một lần nói chuyện tại Westminster. 
(Hình: City of Westminster)

Một đời phục vụ

Bà Margie Rice, cựu thị trưởng Westminster, California, một chính trị gia trong hơn sáu thập niên, qua đời vào sáng sớm Chủ Nhật, 25 Tháng Bảy, vì ung thư xương và ruột, hưởng đại thọ 92 tuổi.

Bà Rice được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo này chỉ một tháng trước đây, theo nhật báo Orange County Register. Cho đến khi qua đời, cựu Thị Trưởng Rice vẫn phục vụ trong Hội Đồng Quản Trị Đặc Khu Vệ Sinh Midway City Sanitary District, vị trí mà bà giữ trong 30 năm qua.

Bà Rice giữ vai trò nghị viên Hội Đồng Thành Phố Westminster suốt 22 năm và trong đó có 12 năm trong vai trò thị trưởng.

Trước đó bà là ủy viên Học Khu Westminster trong 17 năm.

Tuesday, July 27, 2021

Việt Cộng và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam

  

 Sơ lược về MTGPMN xưa gọi là Việt cộng, nay còn được gọi thêm là Nam Cộng, tổ chức này do CSBV dựng lên nhằm hợp thức hóa cuộc xâm chiếm MNVN, hình thành cuối 1960 nhân lực chính thời kỳ 1960 - 1968 đa số là dân tập kết từ Nam ra Bắc năm 1954, dựa vào tâm lý những người gốc MN này muốn về Nam, khi bao năm sống ở MB họ đã nếm mùi thiên đường XHCN Miền Bắc ra sao, HCM cho mở ĐMHCM để lợi dụng những đám người bất mãn này đi trước mở đường, trong cuốn hồi ký " Đường Đi Không Đến " của Nhà Văn tập kết Xuân Vũ sau ra hồi Chánh nói rõ, đa số lớp đầu tiên là người gốc Nam bất mãn, muốn trở về để chết trên đất Nam, họ đã chết rất nhiều ở Trường Sơn vì đói khát (lúc đi CSBV chỉ cho 1 con dao nhỏ, 1 bọc đường và muối, đem nhiều đồ lúc đầu phải bỏ lần lần do đường xa mang thì nặng) vì sốt rét, thương hàn, biệt kích, chết vì trực thăng võ trang, B52 trải thảm, trong số những người tiên phong đó có rất nhiều văn nghệ sĩ MN bất mãn như Hoàng Việt, Sơn Nam, Trần Hữu Trang, Xuân Vũ ..vv.. Tết 1968 - cuối 1970 hầu như tất cả dân MN tập kết này đều bị CS đem ra nướng sạch trong 3 đợt đánh vào Sài Gòn, đợt 1 lớn nhất mà thất bại đến 2 đợt sau, những thành phần tập kết này sáng mắt, khi hiểu rằng mình chỉ là viên đá lót đường cho CSBV, hầu hết họ đều ra hồi Chánh sớm, còn những thành phần hồi Chánh trễ hơn sau khi bị đánh dạt về cục R trên đất cam, từ 1969 - 1970 sau chiến dịch tảo thanh của tướng Trí thì phần Nam Cộng trong MTGPMN này bị tiêu diệt và ra hồi Chánh hết. Chỉ có dân Liên khu 5 khúc Miền Trung của nhà Tây Sơn ngày xưa sau khi thất bại họ rút về vùng tam biên và phía tây Thành Phố Huế dạt qua Lào lánh nạn, thành phần này trung thành tuyệt đối ít khi ra Hồi Chánh, bởi vì họ dân Miền Trung và HCM cũng gốc Trung và rất tin tưởng dân Liên khu 5, đến 1972 các trận An Lộc, Kon Tum, Quảng Trị thì gần hết quân số bổ sung vào vùng 1 - 2 - 3 là dân Bắc và dân Miền Trung khu 5 này, họ là nhân lực chính trong các công trường 5,7,9 và công trường Bình Long ( VC gọi công trường thay cho sư đoàn), phía vùng 4 chỉ còn 1 số du kích sót lại nằm vùng, do địa phương quân vùng 4 hoạt động hiệu quả, và do vùng 4 đồng bằng, ít núi rừng gặp nhiều tôn giáo chống cộng nên VC khó xâm nhập vào vùng 4, khiến vùng này hầu như an toàn hơn 3 vùng khác (dù đây là vựa lúa vc rất thèm) trong những chiến lược lớn của VC. Chính là đám VC khúc Miền Trung này thúc BV mở chiến dịch xuân hè 1975, bởi ở trong này nắm rõ tình hình VNCH rau khi Mỹ rút, phía HN thì dự định 1977 mới mở trận tổng tiến công, điều này chính Trần Văn Trần và Lê Đức Anh có nhắc đến để kể công sau khi MTGPMN hết xài bị BV giải tán 1976. Tình hình 1975 thì 2/3 nước Việt được viện trợ tối đa của các nước CS đem quân đánh 1/3 nước Việt bị Mỹ bán đứng, trong trận chiến này thì CS Miền Trung và phần xót lại của CS MN bị BV đem ra thí quân tiếp như năm 1968, ai ngờ VNCH đầu hàng sớm nên họ còn sống rất nhiều, nhưng bị BV cho giải tán về vườn, tưởng đã thoát đến 1978 đánh Campuchia thì BV tổng động viên và phục chức cho đám CS Miền Trung và Nam này, phục chức cho tướng Trà làm tư lệnh chiến trường Campuchia, lại đem quân với lối đánh thí quân và chiến thuật Biển người, phần lớn đám vc Miền Trung và Nam chết ở chiến trường này rất nhiều. Có 1 số chi tiết cần phải nói thêm rằng thành tập kết khi đi B( về Nam) được gọi là cán " mùa thu", thành phần này về bị những thành phần VC ở MN không đi tập kết (gọi là cán Mùa Đông) rất ghét, bởi vì họ đang làm bí thư, thành ủy trong MN nay mấy ông mùa thu về phải nhường ghế lại và lại bị làm lính của cán Mùa thu,với lại mấy cô chưa chồng, chết chồng thích cán mùa thu hơn cán mùa đông, đa số mấy ông mùa thu về đều bị vợ bỏ từ lúc đi tập kết, nên mấy ông lại cưới thêm vợ sau khi về Nam và tìm cách móc con trai từ 15t - 17t vào chiến khu (vì sợ con lớn sẽ theo lính QG đối đầu với mình trên chiến trường), bởi vậy tù binh nhỏ tuổi bị VNCH bắt ngày 1 nhiều, nhiều đứa trẻ cha là cán mùa thu bị chết vì pháo, B52, trực thăng khi về Nam, nghe lời vc tuyên truyền cũng ra bưng cầm súng chống VNCH trả thù. Trong hồi ký của tướng Trần Văn Đôn thì cán mùa thu gốc MN rất bất mãn BV, họ Liên lạc với ông Đôn nói rằng muốn kéo lính ra hồi Chánh lâu rồi, nhưng bị BV kềm chặt quá, nay tình hình thay đổi nhanh quá, họ kêu ông Đôn khuyên TT Thiệu chấp nhận sớm chính phủ 3 thành phần ở MN, họ cam kết bỏ phiếu để ông Thiệu tiếp tục làm TT, bởi ông Thiệu và VNCH coi MTGPMN là con cờ của CSBV ông chỉ muốn đối thoại với CSBV chứ MTGPMN ko đủ tư cách, kéo dài đến khi quân CSBV và CS MT Liên khu 5 vào tới Sài Gòn, họ nói chỉ chấp nhận nói chuyện với chính phủ mà Dương Văn Minh làm tổng thống và đầu hàng bàn giao mà thôi. Tình hình sau 1975 cũng là CS nhưng trong đó rất nhiều phe ghét nhau, các phe là CSBV nằm vùng trong MN trước 1975, CSBV vào Sài Gòn trong chiến dịch năm 1975, cán mùa thu về nam trước 1975, cán mùa thu về sau 1975, cán mùa đông, CS liên khu 5 Miền Trung, trong đó CSBV với CS Miền Trung thường hợp nhau hơn, còn CS gốc MN thường bị lép vế hơn, sau này hầu hết CS MN cũng theo dân MN vượt biên đi nước ngoài, điển hình là Trương Như Tảng.





 

Sunday, July 25, 2021

VIỄN THÁM - LÂM CHƯƠNG -


 B
ảy thằng Viễn Thám chúng tôi được trực thăng vận vào vùng hành quân. Theo kế hoạch, giữa trưa sẽ nhảy xuống khu rừng giáp ranh đồn điền cao su Chup, thuộc lãnh thổ Kampuchia. Nhưng mấy thằng phi công ôn dịch cứ bay tít ở trên cao, lượn tới lượn lui mãi. Chắc nó muốn ăn đạn phòng không? Nó không biết phía dưới có hàng vạn quân Bắc Việt đang giương mắt ngó lên sao? Bay lượn cái kiểu trêu người này, chẳng khác nào báo cho địch biết rằng, tao sắp thả mấy thằng Viễn Thám xuống đây, hãy chuẩn bị bắt nó. Nhưng làm sao nói với thằng phi công? Lỗ tai nó đã bịt kín lại bằng cái máy nghe. Gió tạt mạnh và tiếng cánh quạt phần phật làm át đi mọi tiếng nói. Không những thế, nó còn làm sai bét cả nguyên tắc nghi binh của Viễn Thám. Một chiếc trực thăng đổ quân, hai chiếc Cobra yểm trợ có trang bị đại liên và rocket, sà xuống bắn xối xả, ít nhất là vài ba cái trảng trống trong rừng. Trong những lần sà xuống ấy, chúng tôi nhảy ở một nơi đã được chọn lựa trước để địch không biết chắc chúng tôi xuống điểm nào. Đằng này, sau khi quần cho đã, bỗng chiếc đổ quân hạ ngay xuống điểm chính. Hai chiếc Cobra kè hai bên, bắn qua loa vài phát. Xong, cất đầu bay về luôn.

Thằng Sử trợn mắt nhìn theo, chửi thề: “Đù má! Nó làm ăn cái kiểu gì kỳ vậy?”

Không ai có thì giờ ở đó mà chửi phụ hoạ theo thằng Sử. Chúng tôi lủi nhanh vào lùm rậm. Kiểm lại quân số. Tức tốc rời khu vực vừa đổ quân, càng xa càng tốt. Chậm trễ, địch kéo tới bao vây thì bỏ mạng.

Vào đất Kampuchia lần này, chúng tôi có nhiệm vụ theo dõi tình hình và ghi nhận những nơi tập trung quân của địch. Đây không phải lần đầu tôi nhảy toán. Nhưng chuyến đi này, tôi lo lắng rất nhiều, nếu không nói rằng sợ. Theo tin phòng nhì, Công Trường 7 và Công Trường 9 của Bắc Việt, hiện đang có mặt trong vùng rừng rậm Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt, trải quân chiếm cả hai đồn điền cao su Chup và Mimot. Mấy tháng trước, chiến đoàn phối hợp nhị thức Bộ Binh Thiết Giáp, vào Chup và đã bị đánh bật ra ngoài, gây tổn thất khá lớn về nhân mạng. Sau đó, người ta không muốn dùng lực lượng bộ binh để tấn công vào đồn điền nữa, vừa tốn kém nhiều, lại không nắm chắc được phần thắng. Vì thế, Không Quân và Pháo Binh được nghĩ đến. Và Viễn Thám được điều động vào vùng để đưa những mục tiêu lên “lưới”. “Lưới” là vùng do Viễn Thám chỉ điểm oanh kích.

Liên tiếp trong hai tuần lễ vừa qua, có hai toán Viễn Thám được thả vào đồn điền Chup. Nhưng tất cả đều mất tích một cách khó hiểu. Những chàng Kinh Kha thời đại, chẳng ai tiễn qua sông mà cũng một đi không trở lại. Toán chúng tôi là toán thứ ba. Kế hoạch có thay đổi chút ít. Xuống ở vùng rừng rậm, và từ đó, mò vào Chup. Lấy hướng Đông, xuyên qua đồn điền về điểm hẹn tại biên giới Việt Nam. Trên đường đi, sẽ chấm toạ độ đóng quân của địch, đưa lên “lưới viễn thám” cho phi pháo oanh kích. Nhiệm vụ đơn giản chỉ có thế, nhưng thi hành thì tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.

Từ nửa tháng nay, tinh thần chúng tôi hơi căng. Lúc những đơn vị lớn nằm án binh bất động là lúc bọn Viễn Thám lao vào vùng địch. Thời gian hạn định cho một chuyến công tác là ba ngày hai đêm. Đã hơn mười ngày rồi, hai toán trước vẫn biệt tăm. Máy siêu tần số của trung tâm vẫn trực 24/24. Không một tín hiệu gọi về. Đứt liên lạc. Tình hình địch ra sao, không nắm vững. Trong chiến tranh, mạng người như những đồng bạc lẻ, tiêu pha không tiếc. Mất mười bốn thằng Viễn Thám, chẳng nghĩa lý gì so với với những thiệt hại vừa qua ở Dambert, Soul, Mimot, Chup. Thí mạng thêm bảy thằng Viễn Thám nữa để thăm dò tình hình địch, không phải là một cái giá quá đắt.

Tôi được gọi lên phòng thuyết trình, nhận lệnh hành quân. Sáu thằng trong toán lảng vảng bên ngoài, lo lắng. Khi tôi bước ra, không thằng nào lên tiếng hỏi, nhưng những cặp mắt ái ngại nhìn tôi, chờ đợi một câu trả lời.

Tôi nói ngắn gọn: “Chuẩn bị.”

Có mấy tiếng lảm nhảm chửi thề. Đó là dấu hiệu của sự bất mãn. Trong cái đầu của những thằng lính trận, hình như luôn luôn có sự bất mãn. Miệng sẵn sàng tuôn ra những câu chửi thề vô tội vạ. Bất mãn, chửi thề là cái bệnh chung của anh em. Không cần chữa trị, căn bệnh này cũng biến mất lúc đứng trước thượng cấp. Vì thế mà kỷ luật được duy trì, mệnh lệnh được thi hành một cách triệt để.

Trong lúc anh em lo kiểm lại cấp số đạn dược và sơn mặt ngụy trang, tôi bảo trung sĩ Năng lên kho tiếp liệu, lãnh khẩu phần cho cả toán.

Khi vác khẩu phần về, Năng nói: “Kèo nài mãi, mới xin dư được một túi mưu sinh.”

Thằng Nhiêu hỏi: “Để làm gì?”

“Bán cho mấy thằng trực thăng cũng được chầu nhậu linh đình.”

“Chưa biết còn mạng trở về hay không. Nói chi đến chuyện nhậu.”

Năng sừng sộ: “Đù má! Sắp hành quân, miệng ăn mắm ăn muối, đừng nói bậy nhe.”

“Mày là thằng sợ chết nhất. Mới cưới con vợ ngon lành. Sáu tháng chưa về phép. Đêm ngủ mộng tinh. Bỏ vợ nhà lâu quá, hôi ê.”

Anh em cười rộ.

Năng nhìn tôi: “Xong chuyến đi này, trung úy đề nghị cho tôi về phép?”

Tôi trợn mắt: “Mày giỡn? Tình hình đang căng thẳng, cấm trại trăm phần trăm. Ai dám cấp giấy phép cho mày?”

“Lúc nào cũng nghe nói tình hình căng thẳng, và cấm trại. Đánh giặc lâu dài, chứ đâu phải đôi ba bữa là xong. Không thể trấn con người ta vô rừng mãi được. Phải liệu cách giải quyết chứ?”

“Mày có gan thì lên gặp Đại Bàng Già mà khiếu nại. Trên ổng còn có Mặt Trăng, Mặt Trời, Bắc Đẩu…, cứ theo hệ thống quân giai mà khiếu nại dài dài lên Tổng Thống. May ra trường hợp của mày được giải quyết.”

“Những thằng lính văn phòng, chẳng cần phép tắc mà vẫn tà tà ở thành phố, ôm đít vợ hằng đêm. Còn mình trông cái phép gần chảy máu mắt, không được. Bất công!” Năng càm ràm.

Tôi nói: “Bất công là lẽ thường. Trên cõi đời chó má này, làm gì có sự công bình?”

“Nghĩ tức. Nhiều khi muốn đào ngũ.”

“Cứ đào ngũ đi. Bọn Quân Cảnh ngồi ngáp gió, không có việc gì làm. Nó đang chờ mày đấy. Còn ở đây, không có mày thì có thằng khác thế vào.”

Thượng sĩ nhất Sử nói: “Năng ơi, trước khi hành quân, mày đừng lải nhải ba cái chuyện đó nữa, được không? Nhìn bộ mặt nhăn như cái bánh bao của mày, tao nản!”

Thằng Sử là toán phó Viễn Thám. Nó ra trường Đồng Đế năm mười chín tuổi. Liều mạng và háu đá. Năm năm chiến trường, chưa một lần bị thương. Nó khoe, thầy của nó tu luyện ở Thất Sơn, chuyên môn uống máu dơi và ăn gan rắn hổ. Ngày vẽ bùa trấn ma. Đêm ngậm ngải mà ngủ. Cái nanh heo rừng đeo lủng lẳng trước ngực, thầy nó đã tươm bùa vào rồi. Nó coi cái nanh này là một thứ bùa hộ mạng, bom đạn không thể xâm phạm được nó. Từ tiểu đoàn Biệt Động Quân, nó xin qua Viễn Thám. Mới đầu, tôi không chịu nhận nó vào làm toán phó. Tôi chỉ cần thằng nào dè dặt và cẩn trọng, chứ không cần liều mạng và háu đá. Bởi nhiệm vụ của chúng tôi là theo dõi địch tình, né tránh tối đa những đụng độ. Nhưng nó nói, ông thầy yên tâm đi, thằng Sử này cũng biết tùy hoàn cảnh, không phải lúc nào cũng làm ẩu đâu. Tôi nhận, và đề nghị cho nó đi thụ huấn một khoá Viễn Thám ở Dục Mỹ. Học xong, nó về với tôi đã hơn năm. Sau những lần vào ra hang hùm, tôi thấy nó đã biết… sợ.

Từ lúc đổ quân cho đến chiều, chúng tôi luồn lách trong khu rừng rậm. Phát hiện nhiều dấu vết di chuyển của địch qua cây cỏ bị rạp. Phần lớn rạp xuôi về hướng đồn điền. Chiều gần chạng vạng, chúng tôi dừng lại bên ven rừng, giáp ranh đồn điền. Dự định “lót ổ” qua đêm. Tôi mở máy siêu tần số, báo về trung tâm hành quân những gì đã nhìn thấy, và ước đoán tình hình địch đang dồn quân về Chup.

Có tiếng của Đại Bàng Già: “Dấu vết mới hay cũ?”

Tôi nói: “Có mới, có cũ.”

Lệnh Đại Bàng Già: “Ngày mưa phùn. Chồn Đầu Bạc lần theo dấu mới. Hết.”

Trong đặc lệnh truyền tin, “ngày mưa phùn” là ngày mai. Ám danh của trưởng toán 3 Viễn Thám là Chồn Đầu Bạc. Chẳng biết tại sao, khi làm đặc lệnh truyền tin, người ta lại lấy tên của con vật đặt cho tôi? Đã là chồn, thì có chồn hôi, chồn mướp, chồn đèn. Làm gì có chồn đầu bạc?

Có lần, đang ngồi chơi trước Bộ Chỉ Huy, trông thấy vị sĩ quan truyền tin đi qua, tôi gọi: “Ê! Thuận Phong Nhĩ. Sao đặt tôi là Chồn Đầu Bạc?

Hắn cười: “Chồn già.”

Trai ba mươi tuổi còn son. Gái ba mươi tuổi đã toan về già. Tôi ba mươi, sao gọi rằng già?”

“Già mưu mô, như con chồn của La Fontaine dụ con gà trống gáy. Còn bạn, sao gọi tôi là Thuận Phong Nhĩ?”

“Trong Tây Du Ký, Thuận Phong Nhĩ là thằng truyền tin của Ngọc Hoàng, có cái lỗ tai nghe xa ngoài ngàn dặm.”

Hắn gục gật đầu: “À, ra thế.” Rồi bỏ đi.

Cái tướng hắn phục phịch như con gấu đực, nhưng vô cùng chung thủy. Không bao giờ hắn chơi đĩ. Hắn sợ mắc tiêm la, rồi sang mầm bệnh cho vợ. Nhiều thằng lén rỉ tai, hắn bị vợ khoá cu không cho chơi bậy.

Tôi chọn chỗ ngủ có nhiều gai góc, và lùm bụi che khuất. Ban đêm, nếu địch di chuyển qua đây, cũng phải né tránh những nơi vướng mắc khó đi. Thế là chúng tôi được an toàn. Bóng tối đổ xuống rừng già rất nhanh. Đêm mù. Khí ẩm hơi sương. Thỉnh thoảng, có những trận gió cuốn qua rào rào trên đọt cây. Tiếng hú của cú mèo như tiếng ma kêu. Tiếng “cốc cốc” của con chim gì không biết như tiếng gõ nhịp song lang. Chúng tôi nằm im, nhưng không thằng nào ngủ được. Nghĩ đến mai đây, lần theo dấu địch vào đồn điền cao su, ai cũng ớn xương sống. Địch đông như kiến cỏ. Chúng tôi chỉ bảy thằng. Nếu bị lộ tung tích, biết chạy đàng nào?

Thằng Năng nằm kế bên tôi, thì thầm: “Xong chuyến này, thế nào trung úy cũng ráng tìm cách cho tôi về thăm vợ vài ngày?”

Thì ra, thằng Năng không ngủ vì nhớ vợ. Chẳng phải như chúng tôi, không ngủ vì lo một ngày mai.

Tôi nói nhỏ: “Lúc này cầm giấy phép về phố, Quân Cảnh cũng nắm đầu. Tao sẽ năn nỉ, xin Đại Bàng Già cấp sự vụ lệnh cho mày đi công tác. Lợi dụng chuyến đi này, mày ghé về thăm vợ.”

“Trung úy hứa thì giữ lời nhe.”

“Tao giữ lời. Còn cấp trên chịu cho hay không là chuyện khác.”

“Tôi nghĩ, trung úy nói là ổng thông cảm liền.”

Tôi nằm xích lại gần Năng hơn: “Tao hỏi thiệt. Đêm động phòng, vợ mày còn nguyên không?”

“Làm sao biết còn hay không?”

“Rách màng trinh, chảy máu.”

“Tối quá. Không nhìn thấy.”

“Có tỏ vẻ đau đớn không.”

“Không biết. Chỉ nằm im như khúc gỗ. Có thể đau, nhưng mắc cở nên cắn răng chịu đựng.”

“Có “bót” không?”

“Bình thường.”

Tôi vặn: “Bình thường là sao?”

Năng lí nhí: “Hỏi khó nói quá.”

“Mày như con bò rừng. Chỉ biết hùng hục, chẳng nhận xét gì cả.”

Năng nói, nghe rất tội nghiệp như tự nói với chính mình: “Người ta thương mình. Chịu làm vợ mình, đủ rồi. Mất hay còn trinh, không quan trọng. Miễn sau này, đừng bậy bạ với thằng nào. Trước khi lấy người ta, mình cũng… tơi bời hoa lá, chứ tốt lành gì mà đòi hỏi người ta còn nguyên xi.”

Nằm một lúc lâu, Năng khều vai tôi: “Hồi còn bên Trinh Sát, nghe trung úy sắp cưới vợ?”

Tôi nói: “Xù rồi.”

“Ai xù?”

“Đàng gái.”

“Tại sao?”

“Ông bố của cô ta bảo, khi nào tao xin được về văn phòng, mới chịu cho đám cưới. Mà gia đình tao nghèo, không quen “gốc lớn”. Làm sao xin?”

“Thương thì lấy. Văn phòng hay tác chiến, đâu quan trọng?”

“Ổng sợ con ổng sớm thành goá phụ.”

Năng chửi thề: “Đù má! Đi tác chiến, đều là những thằng gia đình nghèo nàn, không thân thế. Sống hùng sống mạnh, nhưng không không sống lâu.”

“Thôi, ngủ đi Năng ơi. Khuya mày còn lên phiên gác.”

Tôi lan man nghĩ về cô sinh viên Sư Phạm. Tưởng mối tình sẽ tốt đẹp sau khi cô ra trường. Nào ngờ, bố cô như một bóng đen trùm xuống với một điều kiện mà tôi biết rằng tôi không đủ khả năng thực hiện. Thế là cô ta đi lấy chồng. Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó. Cô vẫn bình thường như chưa từng trải qua một lần thề sống chết với tôi. Khi tôi tình nguyện qua Viễn Thám, có thằng bảo tôi thất tình lao vào chỗ chết. Tôi chỉ cười. Thật ra, tôi có buồn buồn một thời gian. Nhưng không quằn quại đau thương bỏ ăn mất ngủ đến nỗi điên khùng muốn tự tử như mấy thằng bạn nói.

Rọ rạy một hồi, Năng lại hỏi: “Không cưới được vợ, có thất tình không?”

Tôi nói có. Năng bảo nhiều thằng vì thất tình mà trở thành thi sĩ. Và hỏi tôi có làm thơ thất tình không?

Tôi trả lời bằng cách đọc ẩu:

            Em như cục cứt trôi sông

            Anh như con chó đứng trông trên bờ

            Em như cục cứt dật dờ

            Anh như con chó trên bờ đứng trông.

Năng cười rúc trong cổ: “Thơ thất tình gì mà chỉ thấy chó với cứt. Con vợ tôi nghe bài thơ này, chắc cười chết bỏ.”

Tôi nhắc lại lần nữa: “Thôi, ngủ đi Năng ơi. Khuya mày còn lên phiên gác.”

Trời hừng sáng. Đủ loại chim rừng hót rộ trên cây. Chúng tôi nhìn nhau, thấy lạ. Màu chàm ngụy trang trên mặt cho tiệp với màu xanh cây lá, đã đã làm mặt người đổi khác. Tôi trải tấm bản đồ, chỉ cho cả toán biết điểm tập trung trong ngày, nếu chẳng may thất lạc.

Lại dặn dò hạ sĩ Nhiêu: “Mày đi đầu, không cần phải theo đúng phương giác địa bàn. Tùy theo địa thế mà đi. Phải hết sức cẩn thận.”

Theo đội hình hàng dọc, Nhiêu là khinh binh đi đầu, kế là tôi…, và thằng Sử toán phó đi sau cùng.

Đồn điền Chup. Những cây cao su ngay hàng thẳng lối. Thân cây già cỗi, to đến cả người ôm. Tàn lá rợp, che bóng mặt trời. Thời kỳ chiến tranh, đồn điền bị bỏ hoang nhiều năm. Gai mắc cở là đà ngang đầu gối. Cỏ dại gần lút đầu người. Những loài cây tạp cũng chen nhau, vươn lên cùng với cao su. Lợi dụng địa hình che khuất, quân Bắc Việt vào đây trú ẩn.

Gần đứng trưa. Thằng Nhiêu dừng lại, nép vào gốc cao su, ngoắc tay gọi tôi lên.

Nó nói nhỏ: “Lắng nghe.”

Trên trời có tiếng rì rì như tiếng của con ong bay qua.

Tôi nói: “Con đầm già L19 bay quan sát.”

Nó lắc đầu, chỉ tay về phía trước. Có tiếng nói văng vẳng, vọng lại từ xa. Thỉnh thoảng có tiếng động, hình như tiếng chặt cây.

Tôi ngó về phía sau, làm thủ hiệu cho anh em bố trí tại chỗ. Tôi và thằng Nhiêu len lỏi mò lên. Không dám tới quá gần vì sợ bị lộ, nhưng tôi cũng ghi nhận được những dữ kiện cần thiết để ước đoán tình hình. Khi quay lại chỗ cũ, tôi mở máy báo về trung tâm hành quân. Thuận Phong Nhĩ tức tốc gọi Đại Bàng Già đến ngay đầu máy.

Tiếng Đại Bàng Già: “Tao đưa mục tiêu lên “lưới”. Chồn Đầu Bạc xáp lại gần quan sát, điều khiển “thiên lôi” làm việc, và cho biết kết quả. Hết.”

Trời đất! Phi pháo dội xuống mục tiêu. Quân địch như ổ kiến lửa, bị động sẽ bung tràn lan ra ngoài. Đại Bàng Già bảo xáp lại gần. Ông tưởng bọn tôi có thể tàng hình trước con mắt địch quân hay sao?

Tôi bảo mấy thằng trong toán: “Lệnh là thế. Nhưng tụi mình phải “dọt” khỏi chỗ này cho xa.”

Chúng tôi đổi phương giác. Né tránh mục tiêu. Chừng mười lăm phút sau, pháo nổ ầm ầm dữ dội. Dứt đợt pháo, phản lực cơ bắt đầu gầm thét và thả bom Napalm, đốt cháy một khu vực đồn điền.

Đang di chuyển, tôi nghe tiếng Đại Bàng Già hỏi: “Tốt không? Có cần điều chỉnh gì không?”

Ngoái nhìn về phía mục tiêu, tôi nói: “Tốt rồi.” Tôi đâu biết phi pháo dội có chính xác hay không. Dù sao cũng phải lo cho mạng sống của bảy thằng chúng tôi trước.

Bỗng có tiếng súng AK nổ dòn bên trái đội hình. Tiếp theo, nhiều loạt súng khác nổ ran.

Trời ơi! Né tránh chỗ đóng quân, lại đâm đầu vào “chốt” tiền đồn của địch. Tôi la lên trong máy: “Đụng rồi.” Và bấm cái nút báo động đỏ. Máy siêu tần số trang bị đặc biệt cho Viễn Thám, khi bấm nút đỏ, sẽ tự động báo nguy về máy trung tâm bằng những tiếng “cạp… cạp… cạp…” liên tục như tiếng vịt kêu hoảng hốt.

Chúng tôi vừa bắn trả, vừa tạt về bên phải. Chạy! Tiếng súng đuổi theo sau lưng. Phi pháo vẫn hoành hành ngút khói tại mục tiêu chính.

Chạy trối chết ra khỏi đồn điền, chúng tôi lủi nhanh vào rừng rậm, nơi đã dặn dò điểm tập trung. Kiểm lại quân số. Không thấy thằng Nhiêu. Những cặp mắt mở lớn đầy nỗi kinh hoàng. Địch quân đang truy lùng khắp khu vực. Tôi liên lạc về trung tâm, báo tổn thất của ta, và ước đoán thiệt hại của địch.

Lệnh Đại Bàng Già: “Tung tích bị lộ. Lo dọn bãi đáp. Trực thăng bốc về.”

Trong khi ẩn trốn chờ thằng Nhiêu, tôi mệt mỏi nằm gối đầu trên chiếc ba lô. Đến chiều vẫn không thấy tăm hơi. Có thể nó đã gục ngã ngay đợt nổ súng đầu tiên. Nếu tính cái giá hơn thua bằng xác chết thì mất một thằng Nhiêu, đổi lại bao nhiêu sinh mạng địch quân trong trận oanh kích vừa qua. Nhưng tình cảm con người không đơn giản như đơn vị đo lường. Chúng tôi buồn thảm nhìn nhau. Tự dối lòng, biết đâu thằng Nhiêu vẫn còn thất lạc đâu đó?

Ngày thứ ba, kể từ khi vào đất Kampuchia. Không thể xuyên qua đồn điền về điểm hẹn tại biên giới Việt Nam. Chúng tôi đi ngược về phía rừng già, tìm bãi đáp trực thăng. Nhưng trực thăng không xuống được. Những con chuồn chuồn vừa lảng vảng vào khu vực, đã bị phòng không từ dưới đất bắn lên. Đành phải bay về. Địch quyết phong toả vùng trời để chận bắt chúng tôi. Liên tiếp hai ngày sau, vẫn thế.

Lương thực mang theo đã cạn. Chúng tôi bắt đầu mở túi mưu sinh. Túi này chỉ trang bị đặc biệt cho Viễn Thám. Những chàng phi công phải mang dù khi cất cánh, đề phòng bất trắc. Còn chúng tôi được trang bị túi mưu sinh, phòng khi gặp khó khăn không trở về đúng thời hạn. Trong túi chứa đủ thứ lỉnh kỉnh. Thuốc tăng sức, dùng khi có biến phải chạy thoát thân. Chẳng biết đây có phải là thứ thuốc chích cho ngựa chạy trường đua hay không. Dẫu sao điều này cũng không thực tế. Khi gấp rút chạy bán mạng, thì giờ đâu mà mở túi mưu sinh lấy thuốc? Thuốc chống buồn ngủ, dùng ban đêm, lúc cần phải tỉnh thức canh chừng. Thuốc muỗi thoa ngoài da. Thuốc lọc nước, có công hiệu sát trùng rất mạnh. Sáu cái bánh mặn, theo chỉ dẫn, mỗi ngày chỉ dùng hai cái. Những viên thịt bò khô màu nâu, mỗi viên làm ngọt nước một tô canh. Một chùm lưỡi câu lớn bé đủ loại. Một cuộn dây cước màu xanh nhạt làm dây câu cá. Và sau cùng là quyển sách nhỏ, in hình một số cây lá trong rừng, cùng những lời giải thích để phân biệt loại nào có thể, và không thể ăn.

Có túi mưu sinh, chúng tôi vẫn bị đói. Không tìm được cây, lá, củ, trái nào giống như trong sách chỉ dẫn. Có lần, moi được củ khoai như một loại khoai mỡ, ruột màu vàng nhạt. Thằng Năng bảo khoai nần. Phải xắt lát phơi thật khô, sau đó ngâm vào nước cho ra hết chất độc, rồi đem luộc chín mới ăn được. Tôi thất vọng vì muốn ăn phải qua nhiều giai đoạn mà chúng tôi không thể thực hiện trong lúc này. Tôi bảo bỏ đi, nhưng thằng Sử cắn một miếng nếm thử. Nó khẳng quyết đây là một trong những loại khoai mỡ, và muốn lên lửa để nấu.

Tôi nói: “Muốn chết hả? Nếu địch quân nhìn thấy khói, dù bọn mình có mọc cánh cũng bay không thoát.”

Sau chừng mười phút bàn ra tán vào về cái củ khoai lạ, môi miệng thằng Sử bị ngứa và sưng vều lên. Mọi người đều hoảng. Cũng may, nó chỉ nếm thử, chứ chưa nuốt.

Chúng tôi đuối sức vì đói. Đêm nằm trong vùng đất ẩm, lại bị vắt hút máu. Mặt người phờ phạc. Tinh thần khủng hoảng. Tôi thường xuyên kêu cứu về trung tâm. Nhưng mỗi lần trực thăng vào vùng lại bị phòng không. Địch biết chúng tôi chưa ra khỏi vùng, báo động khắp nơi. Chúng tôi lẩn vô rừng già. Đi về hướng Bắc, nơi có lữ đoàn Dù đang hoạt động ở Dambert. Hy vọng đi gần về phía quân bạn, sẽ bớt được áp lực của địch.

Tiết trời nóng nực mà rừng rú vẫn xanh um cây lá. Tiếng ve buồn râm ran mùa hạ. Như những con thú hốt hoảng, chúng tôi sợ hãi bất cứ tiếng động nào. Sợ nhất là những con chim “tắc cọ”. Loài chim quái ác! Mỗi khi thấy có người đi, nó sẽ lượn theo mãi ở trên đầu, và kêu “tắc cọ… tắc cọ…” vang cả rừng. Gặp trường hợp này, phải dừng lại ngồi im trong lùm, không dám động. Kêu một hồi không thấy ai, nó sẽ chán, và bay nơi khác. Ngược lại, cũng nhờ chim “tắc cọ” báo động mà chúng tôi biết địch đang di chuyển từ xa, kịp thời tránh né. Lính hành quân trong rừng, gọi loài chim này theo cái tên nhà binh: chim tiền sát.

Chúng tôi lại chạm địch lần thứ hai. Hoả lực địch rất hùng hậu. Tôi biết ngay đây là một đơn vị lớn, không phải “chốt” tiền đồn. Chúng tôi thối lui, đồng thời ném những trái mini lựu đạn về phía sau, nhưng không cản được bước địch. Súng nổ rát bên mang tai. Địch đuổi theo, truy bức. Tôi thấy thằng Năng chạy cà nhắc. Một chân nó đã bị đạn. Tôi lướt tới, kè thằng Năng bằng cách quàng cánh tay của nó qua vai mình, vừa chạy vừa lôi.

Năng lắc đầu tuyệt vọng: “Thôi, chạy đi.”

Tôi hét: “Ráng!”

Nó xô tôi ra: “Không được.” Và sà xuống bên một gốc cây, xả súng bắn ngược về phía sau cản địch cho những thằng còn lại thoát thân.

Từ hai ngày trước, tôi yếu sức vì đói. Nhưng bây giờ, bỗng dưng tôi chạy rất khoẻ. Đôi chân nhanh nhẹn lạ thường. Tuôn qua những gai góc, phóng qua những lùm bụi dễ dàng. Thân thể tôi dường nhẹ tênh, lướt như bay qua những chướng ngại. Những thằng kia cũng nhanh không kém. Nó chạy mà không cần biết anh em có theo kịp hay không. Nhờ thằng Năng cản địch, chúng tôi bỏ tiếng súng xa dần. Lúc dừng lại, tôi hấp tấp báo về trung tâm hành quân. Tiếng nói đứt quãng. Vừa nói vừa thở hổn hển như sắp đứt hơi. Bây giờ, tôi mới để ý đến tôi, và thấy mệt như chưa bao giờ mệt đến thế.

Bom và trọng pháo lại dội tan tành xuống mục tiêu. Đại Bàng già quyết định, bằng mọi cách phải mang chúng tôi về. Trong khi địch đang bị sấm sét, lợi dụng cơ hội này, trực thăng lao vào vùng thả dây cấp cứu. Năm thằng chúng tôi ôm nhau thành một khối, treo tòn ten phía dưới trực thăng. Gió ù ù rát mặt. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy một vùng khói mù. Oanh tạc cơ vẫn còn tiếp tục thả bom. Giữa ngàn xanh mênh mông u uất dưới kia, có thằng Nhiêu, thằng Năng vĩnh viễn nằm lại đất Kampuchia.

Tôi xin ra khỏi Viễn Thám từ dạo ấy. Đời lính vẫn thường chứng kiến nhiều thương đau mất mát. Thế nhưng, những đêm nằm rừng nghe tiếng súng xa xa, tôi lại nghĩ đến hai thằng em trong toán của tôi, nhất là thằng Năng. Tội nghiệp, sau cái đêm động phòng với vợ, nó đi luôn không bao giờ về nữa.

LÂM CHƯƠNG

Saturday, July 24, 2021

Kẻ vô ơn Tác Giả: Vũ Thư Hiên

Mời đọc để biết một loại người, cũng phải thở dài..."một khi đã thành quỷ rồi thì khó trở lại làm người lắm "

Tưởng cũng nên nhắc lại, tác giả bài viết là nhà văn Vũ Thư Hiên (sinh 1933) con trai ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng của ông Hồ Chí Minh. Trong vụ án "Xét lại chống đảng" ông từng bị tù 9 năm.

Năm 1993, ông qua Nga với tư cách phiên dịch cho công ty xuất nhập khẩu Vũng Tàu-Côn Đảo VIECO (hợp tác với tổ hợp Minh Phụng) rồi ở lại làm đại diện cho công ty ở Moskva. Tại đây ông bắt đầu viết cuốn hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày nói về chế độ Hà Nội và mối tình thâm cung bí sử tàn ác của HCM

Cuối năm 1995, sau một vụ tấn công mà ông cho là của mật vụ VN, ông thấy không thể ở Moskva lâu hơn nữa, nên tìm cách qua Balan. Ðến cuối năm 1966, sau một chuyến đi Paris , trở về Balan ông được mật báo về tình hình nguy hiểm có thể xảy ra cho ông nếu nấn ná ở lại nước này để hoàn thành cuốn hồi ký. Do đó ông quyết định qua tỵ nạn tại Pháp. Tại đây, ông đã hoàn thành tập hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày ( Theo tài liệu Wikipedia) . DgN


  1. Nghe tôi nói đến “Hiếu nhà băng”, thiếu tướng Thạc nhướng lông mày, ngạc nhiên:
    – “Hiếu nhà băng” ở Zurich? Ông quen hắn à?
    Tôi gật:
    – Quen. Chưa lâu lắm. Ông biết ông ấy à?
    – Biết. Từ hồi kháng chiến chống Pháp kìa. Lúc ấy chúng tôi đặt cho hắn biệt danh “Hiếu tồ”.
    – Trái đất tròn thật. Hoá ra hai ông quen nhau – tôi nói – Tôi gặp ông Hiếu trong chuyến du lịch Ai Cập. Lâu rồi, dễ đến ba hoặc bốn năm. Quen loáng thoáng thôi. Mãi đến năm ngoái gặp lại ở Genève mới có dịp tâm sự.
    – Ông thấy hắn ta thế nào?
    – Tính tình cởi mở, quả có hơi tồ một chút.
    – Nghe nói bây giờ hắn giàu. Giàu lắm ấy.
    Ông thiếu tướng liếm đôi môi khô. Trong giọng ông có một chút khó chịu, một chút ghen tị, hoặc cả hai.
    – Trông ông ấy bề ngoài thì cũng bình bình, vầy vậy, không có dáng giàu có – tôi nói nhận xét của mình – Ăn vận xuềnh xoàng, xe không sang – một cái BMW đời cũ. Đại khái là làng nhàng, không có gì nổi bật. Trước khi về hưu ông ấy làm việc ở một ngân hàng. Phó giám đốc hay là chuyên viên gì đấy.
    – Giám đốc đấy, ông ạ. Làm đến chức ấy thằng chó nào mà không giàu chứ?
    Tôi im.

Ông Thạc triết lý:
– Cái số con người ta thật lạ, lên voi xuống chó khôn lường. Tôi biết rõ Hiếu Tồ. Trước, hắn ở đơn vị tôi.
Đến lượt tôi trợn mắt:
– Tức là ông ấy từng ở bộ đội? Trông chả có dáng quân sự gì sất.
– Cấp dưới của tôi mà. Hồi ông đến nhận công tác ở chỗ tôi thì hắn không còn đấy nữa. Đào ngũ.
– Năm nào?
– Đầu 54.
– Ông Hiếu không nói với tôi chuyện ấy.
– Vinh gì cái đào ngũ mà kể.

Tôi với thiếu tướng Thạc quen nhau hồi ông làm trưởng phòng chính trị Bộ tư lệnh quân khu 3, tôi thì từ Việt Bắc về lấy tài liệu tổng kết. Sau đó là tiếp quản thủ đô, rồi mấy đợt rèn cán chỉnh quân, gặp nhau chan chát. Người khác ở tuổi ông, có thâm niên quân đội như ông, thì đã lên trung tướng hoặc thượng tướng từ lâu.

Quen nhau lâu. nhưng tình bạn giữa chúng tôi lỏng lẻo, có lẽ tại tính tình không hợp. Tuy nhiên, biết nhau hơn nửa thế kỷ mà vẫn giữ được quan hệ thì coi như không quá xa cách.
Thiếu tướng Thạc sang Đức ở với con gái. Không hiểu qua ai mà biết địa chỉ của tôi, ông biên thư hỏi thăm. Có việc qua nơi ông ở, tôi rẽ vào. Ông mừng lắm, ôm chặt, vỗ lưng tôi đồm độp, mắt nhòa đi. Ông đang trong cơn cô đơn, tôi đoán thế. Tâm trạng này có ở bất cứ người lớn tuổi nào trong cuộc sống xa quê. Hỏi thì ông bảo ông sống tạm ổn, không có gì đáng phàn nàn.

Anh con rể người Đức là chuyên viên một hãng lớn. Cô vợ có cửa hàng hoa tươi, có bề phát đạt. Ngoài ngôi nhà ở khang trang ở giữa thành phố, vợ chồng này còn có nhà vườn. Ở nước Đức, một cuộc sống như thế được coi thuộc loại trung bình khá.

Khi mới sang, ông Thạc ở chung với con cháu. Ít lâu sau ông dọn ra nhà vườn. Ông bảo ở nhà vườn cũng đủ tiện nghi, lại được ở một mình, dễ chịu hơn. Chưa kể sáng sáng còn có việc làm – với cái cuốc, cái kéo tỉa cây, ông chăm sóc mấy giàn hoa leo, mấy luống rau thơm. Thỉnh thoảng, vào cuối tuần, hai vợ chồng dẫn các cháu ra thăm ông.

Ông không biết một tiếng Đức nào, với ai ông cũng chỉ mỉm cười thay lời chào. Anh con rể gật đầu chào lại, nhưng không cười. Hai đứa cháu trai nghịch như quỷ sứ, vừa ra đến nhà vườn là chúng chúi vào các trò chơi điện tử.
– Cái giống Đức tính lạnh, không như người mình, ông ạ – ông Thạc nhận xét – Giao thiệp với dân Đức không dễ, chẳng biết trong bụng chúng nó nghĩ gì. Thằng rể tôi đươc cái lễ độ, bề ngoài nó cũng có vẻ kính trọng bố vợ.
Ông tiếp tôi ở nhà vườn, xăng xái đi nấu cơm thết bạn.
Tôi thấy ông đi đứng còn nhanh nhẹn, lưng không gù, giọng sang sảng, duy có nước da mai mái, dấu vết của bệnh sốt rét kinh niên làm ông hơi xấu mã. Hàm dưới đưa ra, má hóp lại. Ở tuổi bảy mươi tám còn được thế là tốt rồi. Trong phong thái, ông vẫn giữ được chút gì đó của một thời chinh chiến, khi ông còn là một cấp quen ra lệnh. Bây giờ không ra lệnh được cho ai thì ông ra lệnh cho con béc-giê lúc nào cũng quanh quẩn bên chủ. Nó to như con bê, nhưng hiền khô. Dưới sự dạy bảo của ông nó biết ăn cơm nguội rưới tí nước thịt, y như con vàng hoặc con vện Việt Nam.

Tôi muốn hỏi ông sang Đức sống lẻ loi làm gì cho khổ, trong khi ở Việt Nam, dù bà đã mất, ông còn bạn bè, họ hàng. Tuổi già sống cô độc ở xứ người nào có vui gì. Lương hưu cấp tướng bây giờ hơn trước nhiều lắm, thừa đủ cho một cuộc sống của người già không có nhiều đòi hỏi. Nhà nước chiều cán bộ hưu như chiều vong, không muốn họ gây chuyện nay kiến nghị mai phản đối hoặc tệ hơn, a dua với bọn hới mưng đòi dân chủ.
– Sang đây ông có gặp lại ông Hiếu không?
– Có. Mà không.
– Là nghĩa thế nào?
– Tôi có trông thấy hắn ta, nhưng không gọi.
– Sao vậy? – tôi trợn mắt – Ông giận ông ấy? Giận cái chuyện đào ngũ ấy à? Chuyện từ đời tám hoánh mà đến giờ còn để bụng thì ông quẫn rồi đấy. Bọn mình gần đất xa trời cả rồi, mọi chuyện xửa xưa ông nghe tôi, cứ quăng tuốt đi cho nhẹ mình. Ông chấp nê quá.

Ông Thạc nhún vai, môi dưới trề ra. Im lặng một lúc, ông thủng thẳng:

– Không phải tôi giận hắn chuyện đào ngũ, chuyện ấy tôi không tính … Hồi Cải cách ruộng đất lũ con cái địa chủ, phú nông, không trước thì sau, theo nhau chuồn bằng sạch. Không như chúng ta, đã đi với cách mạng là ta đi đến cùng. Chúng nó không thể kiên trì lập trường cách mạng là do bản chất giai cấp của chúng …

Tôi che miệng ngáp. Giời ạ, lại cái bài ca lập trường giai cấp cũ rích tưởng chừng không còn có thể nghe thấy ở bất cứ đâu, đùng một cái lại gặp nó giữa lòng nước Đức.

Từ lâu rồi, nhiều người thuộc thế hệ tôi đã hiểu ra, rằng cuộc cách mạng đầy chất lãng mạn, lẽ sống một thời trai trẻ của họ đã mất, thay vào đó là một xã hội mới, của riêng những kẻ đi sau về trước, chỉ giỏi kiếm chác. Nhưng hiểu thì hiểu, cái lập trường cách mạng không rời bỏ họ. Nó là cái còn sót lại của quá khứ mà họ phải bám lấy để mà sống. Với những kỷ niệm đã bạc màu, những giáo điều đã chết, và những hào quang không còn lấp lánh.
– Vậy thì vì cớ gì ông giận?
– Hắn là thằng vô ơn, ông ạ – ông thở dài. Tôi giận là giận cái sự vô ơn ấy thôi. Hắn chịu ơn tôi, nhưng khi gặp tôi, hắn lờ. Tôi chỉ muốn nhìn thấy hắn mừng rỡ khi gặp lại tôi thôi, là đủ, là được. Nhưng không, nhìn thấy tôi, hắn lảng.

2
– Tôi nhớ ông ấy chứ – ông Hiếu cười buồn nghe tôi kể chuyện gặp thiếu tướng Thạc – Tôi có nhìn thấy ông ấy. Và tôi đã không gọi, đúng thế. Chuyện ông ấy kể cho ông nghe không sai. Ông ấy có làm ơn cho tôi thật. Nhưng là một thứ ơn mà người mang ơn không muốn nhớ đến …
Chúng tôi ở trong một biệt thự nhỏ, xinh xắn, bên hồ Bodensee, còn có tên là hồ Konstanz. Con hồ này giáp giới ba nước Đức, Áo, Thụy Sĩ. Hồ rộng mênh mông, đứng thứ hai tính về diện tích so với các hồ thuộc vùng Alpes. Giá đất ở những nơi có địa thế đẹp ở ven hồ đắt khủng khiếp. Ở những địa điểm có thể xây khách sạn, nhà nghỉ phải nhiều tiền lắm lắm mới có được một biệt thự riêng.

Tôi ngạc nhiên khi vào bên trong ngôi biệt thự ấy – đắt tiền là thế mà chẳng có vật gì sang trọng. Giữa phòng khách chình ình một cái chõng tre ta thường gặp trong một quán nước ở đồng bằng những năm xưa, trên đó lỏng chỏng một cái ấm giỏ và mấy cái bát sành. Ghế ngồi là những thân gỗ mộc xù xì, nhưng có đệm, hẳn để dành cho khách không quen ngồi ghế gỗ. Tôi đã gặp cách bài trí theo lối cổ ở nhà người Việt ly hương giàu có, với những hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, những sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, cái nào cái nấy thuần bằng gỗ quý đặt làm từ trong nước chở sang. Cũng là nỗi nhớ quê hương, nhưng khác với nỗi nhớ của ông Hiếu, nó là nỗi nhớ trưởng giả hoặc bén hơi trưởng giả.
– Tại sao?
Ông Hiếu bắt đầu câu chuyện vào một đêm cả hai chúng tôi đều khó ngủ.

Ban đêm mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ. Nhấp nháy những đốm lửa nhỏ ở chân trời, rất xa, nơi có quần thể đông đúc khách sạn và nhà hàng.
– Ông Thạc chưa kể cho ông nghe?
– Chưa. Ông kể đi.

Ông Hiếu im lặng một lúc lâu. Hình như ông do dự, ông không muốn kể, có thể là ông không muốn gợi lại một quá khứ muốn quên. Ông chỉ kể khi tôi phải thúc giục vài lần. Sau đây là câu chuyện tôi được nghe trong đêm ấy.
“Ông Thạc lúc bấy giờ là bí thư chi bộ, tôi là quần chúng. Chúng tôi đều là học sinh xuất thân. Lý lịch của chúng tôi đơn giản, chúng tôi vào bộ đội như là lẽ đương nhiên – thanh niên thời chiến thì phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Tôi với ông Thạc vừa là bạn, vừa có quan hệ cấp trên cấp dưới. Cái sự tôi ở trong diện cảm tình đảng, đang trong thời kỳ thẩm tra lý lịch để kết nạp cũng là do ông Thạc quan tâm nâng đỡ. Chứ tôi, nói thật với ông, chẳng thuộc diện được đảng chú ý. Về phần tôi, nói thực, tôi chẳng mặn mà gì cái sự vào đảng.
– Vào thời ấy mà không biết quý cái sự vào đảng thì, nói thế nào cho đúng nhỉ – tôi nói – hoặc ông rất cấp tiến, hoặc ông hâm.

– Tôi không cấp tiến, cũng chẳng hâm. Tôi lười – ông Hiếu cười khe khẽ – Người ta phấn đấu để được vào đảng, để được đề bạt, tôi thì không. Còn chiến tranh thì mình làm lính, hết chiến tranh thì ra, chẳng lẽ ở bộ đội hết đời à? Trong đảng họ nghĩ gì về tôi, tôi không quan tâm. Mà họ nghĩ gì mới được chứ? Tôi ở đơn vị chiến đấu suốt từ đầu kháng chiến cho tới khi quân khu lấy về phòng chính trị, dưới quyền ông Thạc. Tôi không thích làm lính bàn giấy, nhưng quân lệnh như sơn, phải chấp hành.
– Ông có phạm kỷ luật gì trong thời gian ấy không?
– Không.
– Ông Thạc nói ông mang ơn ông ấy là ơn thế nào? – tôi rụt rè hỏi.

Ông Hiếu im lặng.
– Tôi đoán … ông phạm kỷ luật gì đó và ông ấy đã gỡ tội cho ông, phải không?
– Cái ơn còn lớn hơn. Tôi sẽ kể ông nghe.
Ông không kể ngay. Ông nhìn ra hồ. Khi có gió, mặt nước cũng lăn tăn một chút làm xao động những đốm lửa xa.
3

“Một hôm, ông Thạc gọi tôi ra chỗ vắng. Ông thì thào:
– Lâu nay cậu có tin tức gia đình không?
– Không. Cũng đến cả năm rồi, không có liên lạc. Chắc chẳng có chuyện gì, vùng tôi ít bị máy bay bắn phá – tôi nói – Ông cụ mình cũng bận. Làm chủ tịch xã, lại còn kiêm nhiều chức khác nữa. Mình tính sau đợt chỉnh quân sẽ xin đi phép thăm các cụ.

Ông Thạc có vẻ lúng túng. Có vẻ ông ấy phải chọn lời. Mãi sau mới nói:
– Tớ nói chuyện này, nhưng cậu phải tuyệt đối bí mật.
– Cậu biết tính mình, mình không phải loại bép xép.
Ông ấy chớp chớp mắt rồi ghé sát vào tai tôi, giọng trầm trọng:
– Ông cụ bà cụ cậu bị quy địa chủ phản động rồi …

Tôi chết điếng. Tôi không tin ở tai mình.
Lúc bấy giờ ở vùng chúng tôi đóng quân đã qua bước giảm tô giảm tức, đang đi vào cải cách ruộng đất, nhưng đơn vị chúng tôi chỉ học tập chủ trương chính sách để ủng hộ chứ không trực tiếp tham gia. Trong học tập tôi được biết cải cách ruộng đất do đảng lãnh đạo là một cuộc cách mạng long trời lở đất, là sự đổi đời ở nông thôn, giai cấp nông dân vùng lên đánh đổ bọn cường hào gian ác. Thế nhưng, tôi cũng như mọi người, cứ nghĩ rằng ở đây, hoặc ở đẩu ở đâu kia, mới có những tên địa chủ tàn bạo, ác độc, chứ những quân quỷ sứ ấy không thể có ở quê mình, đừng nói trong nhà mình.
– Nghe đâu lại còn Việt Quốc hay Việt Cách nữa…
Tôi choáng váng. Tôi không còn nghe thấy gì nữa.
– Chắc cậu cũng chẳng biết hết những việc làm của ông cụ đâu … – tiếng ông Thạc văng vẳng bên tai tôi – nhưng chẳng có gì giấu được quần chúng được phát động…
– Làm sao có thể có chuyện như thế được. Ông cụ bà cụ mình hiền như đất ấy mà. Chẳng đảng phái gì sất.
– Địa phương gửi công văn hỏi về cậu đấy.
– Hỏi về mình?
– Phải. Tớ đã viết trả lời sau khi hội ý toàn chi bộ, bảo đảm cậu là cán bộ tốt.
– Chuyện ấy xảy ra khi nào?
Ông Thạc thở dài:
– Ba tuần rồi.

Tôi nhớ lại: có một cái gì đó không bình thường trong ánh mắt của các đảng viên. Dường như họ tránh nhìn tôi. Trong sinh hoạt cơ quan, mọi chuyện chỉ có đảng viên biết, quần chúng chỉ có thể đoán có chuyện gì đó mà họ giấu.
– Sao cậu không cho mình biết?
– Nói sao được?! Nguyên tắc mà.
– Bây giờ cậu bảo mình phải làm gì?
Ông Thạc ra chiều suy nghĩ.
– Bây giờ cậu về nhà – lát sau, ông trầm giọng bảo – Đừng nói với ai cậu đi đâu, chuyện ấy tớ khắc lo. Đây, tớ đã chuẩn bị sẵn cho cậu: công lệnh, công văn đơn vị gửi chi bộ địa phương.Cứ cầm theo, có khi dùng đến. Về đến nhà rồi, gặp được ông cụ bà cụ rồi thì trở lại ngay đơn vị. Đấy là tất cả những gì tớ có thể làm cho cậu”.
Tôi nói:
– Ông Thạc đối với ông thật tốt.
– Tôi không nói ông ấy xấu – ông Hiếu đáp – Ông nghe nốt câu chuyện đã.
“Tôi lập tức lên đường. Đi suốt đêm. Suốt ngày hôm sau. Vừa đặt chân vào nhà, tôi lập tức bị bắt. Đám du kích ập đến, trói gô tôi lại. Chúng quát tháo, chúng chửi mắng, không cho tôi kịp mở miệng. Mà chúng nó là ai chứ? Toàn người quen kẻ thuộc cả, ông ạ, không hàng xóm láng giềng thì cũng người cùng thôn, cùng xã. Nghe họ nói với nhau tôi mới biết mẹ tôi không chịu được hành hạ đã thắt cổ tự vẫn từ tuần trước, còn cha tôi sẽ bị bắn vào hôm sau.

Tôi lặng đi. Tôi không khóc được. Mẹ tôi là một nửa cuộc sống của tôi. Ngay cả khi sống xa nhà tôi vẫn cảm thấy mẹ bên mình. Cha tôi khác, tôi yêu cha, kính trọng cha, nhưng không gần gụi cha như gần gụi mẹ.

Tôi không tưởng tượng được cái tai họa giáng xuống gia đình tôi lại lớn đến thế, lại kinh khủng đến thế. Đau đớn nhất tôi bất lực, là bộ đội mà chẳng giúp được gì cho các cụ. Ngày nay ai cũng biết những khẩu hiệu “Người cày có ruộng,” “Đánh đổ bọn cường hào ác bá, nông dân giành lấy chính quyền,” “Nông dân là quân chủ lực của cách mạng” … chỉ là những lời lừa mị. Nhưng lúc ấy khác, lúc ấy chúng có một sức mạnh ghê gớm.

Nông dân ào ào đi theo đội cải cách, hô vang những khẩu hiệu sắt máu đến khản tiếng, đến rạc người. Có thể họ chân thành tin ở cuộc đổi đời mà đảng hứa hẹn, rồi đây họ sẽ trở thành những ông chủ bà chủ ở trong làng, họ sẽ có những gì mà những người sang trọng trong làng có. Lại nữa, những con người khốn khổ kia rất hi vọng ở số quả thực sẽ được chia sau khi bọn nhà giàu trở thành kẻ có tội với cách mạng – một thúng thóc, cái mâm đồng, cái phản gỗ, có khi là cái tủ chè, cái sập gụ cũng nên …

Sáng hôm sau, tôi bị điệu ra trường đấu. Dân chúng cả mấy xã tề tựu ở sân trường học của xã. Tôi nghe tiếng loa thúc giục mọi người đi dự cuộc đấu “tên phản động đầu sỏ, tên cường hào gian ác, tên địa chủ có nợ máu với nhân dân” từ khi còn tối đất. Trường học này đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi. Những người bạn học của tôi giờ đây sát khí đằng đằng lăm lăm súng trường mã tấu đứng ở vòng ngoài.

Tôi nhìn thấy cha tôi bị trói giật cánh khuỷu, bị lôi đi xềnh xệch, bước chân lảo đảo, nhớt dãi chảy xuống ngực, giữa đám đông xỉa xói, gào thét, với những bộ mặt biến dạng, những đôi mắt đỏ ngầu, những cái miệng há to, giữa rừng cánh tay vung lên hạ xuống theo sau những khẩu hiệu đòi trả nợ máu …
– Kinh khủng! Hồi ấy tôi đang học ở Liên Xô. Những gì xảy ra ngày ấy tôi chỉ được nghe kể lại …
– May cho ông, ông gốc thành phố, chứ dân nông thôn chúng tôi hồi ấy chỉ cần hơi có máu mặt một tí là chết. Chẳng riêng gia đình tôi, người cùng cảnh ngộ nhiều vô số kể … Tôi nói hơi có máu mặt, tức là những người có của ăn của để, hoặc có dư chút ít ruộng đất. Ở nông thôn miền Bắc nước ta, ông biết đấy, đâu có nhiều địa chủ. Gọi là địa chủ, chẳng qua chỉ là những nông dân khá giả, do chăm chỉ làm ăn hoặc khéo thu vén mà hơn người. Hơn cũng chẳng nhiều nhặn gì, bất quá vài ba mẫu là cùng, mà lại là mẫu ta.

Ông Hiếu thở dài.
– Có cần kể cho ông nghe chi tiết cuộc đấu không?
Ông Hiếu đặt câu hỏi, rồi im lặng hồi lâu, như thể nhớ lại cảnh tượng hãi hùng mà ông không phải chỉ là người chứng kiến.
– Cuộc đấu kéo dài từ sáng tới trưa, tiếp theo là cuộc xử án chớp nhoáng. Tất cả diễn ra trong những tiếng hô khẩu hiệu không ngớt. Rồi cha tôi bị điệu ra trước bức tường của trường học, nơi vẫn còn cái khẩu hiệu do chính tay tôi viết năm 1945: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Minh vạn tuế!” Cha tôi bị bắn ở đó. Trước khi bị bắn, cụ chằm chằm nhìn tôi, nước mắt đầm đìa. Có vẻ cha tôi muốn nói điều gì đó với tôi nhưng không thể nói được – trong miệng cụ là một búi giẻ bẩn thỉu, từ đó nhểu xuống đất những giọt dãi …
– Cụ “đi” có nhanh không?
– Không – ông lắc đầu – Lúc đấu thì hùng hổ lắm, nhưng đến lúc phải cầm súng bắn người thì hình như không ai muốn, hoặc người nào cũng không muốn mình là người bắn viên đạn giết người, thành thử những người hành quyết đều bắn trượt trong loạt đạn đầu. Đám “ông đội” “bà đội” phải hò hét, quát tháo liên hồi, giật lấy súng chỉ cách cho họ bắn họ mới bắn được. Có vài viên trúng, máu loang trên ngực cha tôi. Một “ông đội” mắt long sòng sọc chạy xổ đến bên cọc, rút súng lục, bắn thêm một phát vào thái dương cụ mới “đi”.
4
Chúng tôi ngồi bên nhau, im lặng.
– Về sau này, khi nhớ lại những phút hãi hùng đó tôi mới hiểu ra vì sao trước khi đưa những người gọi là địa chủ phản động ra đấu chính thức người ta phải bắt nông dân đấu lưng trước đã …
– Đấu lưng?

– Vâng, đấu lưng. Tức là người bị đấu phải quỳ, nhưng không quay mặt lại đám đông, còn những khổ chủ, những người được “đội” bồi dưỡng, gọi là “bắt rễ, xâu chuỗi” thì xỉa xói vào lưng người bị đấu mà kể nỗi khổ bị bóc lột… Ông hiểu rồi chứ, đó là vì nếu những người nông dân hiền lành nọ mà nhìn vào mặt người hôm qua còn là họ hàng, cùng làng cùng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau thì họ không nỡ lòng nào bịa đặt ra những tội lỗi không có, không thốt nổi thành lời những điều vu oan giá họa bạc ác, bất nhân như đội dạy. Con người không phải dễ dàng trở thành quỷ. Phải dạy dỗ, phải huấn luyện, ông ạ. Và không phải bao giờ người ta cũng thành công. Có nhiều người thà chết chứ không chịu trở thành quỷ.

– Tôi tin có những người như thế.
– Nhưng một khi đã thành quỷ rồi thì khó trở lại làm người lắm.

Ông Hiếu thở dài.
– Tôi có chú em họ, hồi cải cách ruộng đất còn nhỏ chạy lon ton theo đội học đấu tố, lớn lên vào đảng, rồi làm quan, ăn bẩn. Cho đến khi về hưu không bị sứt mẻ gì, gọi là hạ cánh an toàn. Giàu có lắm, nhưng bị người trong họ ngoài làng xa lánh. Cũng có người cực chẳng đã phải nhờ vả chú ấy việc này việc khác, nhưng trong thâm tâm họ đều khinh bỉ. Chú ấy phân trần với tôi: “Thời thế nó thế thì phải thế, ai cũng phải làm phải ăn, em cũng không thể khác, người ta không hiểu em, chứ em có lòng dạ nào làm hại bà con”. “Nhưng họ khinh chú là phải chứ?” tôi hỏi. “Thì họ có cách nào khác, yêu em à?”, chú ấy nói thế.
– Sau vụ ấy ông trốn vào thành?

Ông Hiếu tránh nhìn tôi.
– Vâng – ông nói khẽ – Tôi còn biết đi đâu?
– Tôi hiểu.
– Ngày ấy trong lòng tôi đầy mâu thuẫn. Tôi không muốn rời bỏ hàng ngũ kháng chiến. Nhưng tôi cũng không thể ở lại. Quên, chưa nói để ông biết, ông Thạc nhìn xa đã cấp cho tôi đủ giấy tờ cần thiết để tôi không bị lôi vào cuộc đấu tố cùng với gia đình. Vì tôi có đủ giấy tờ chứng minh, Đội cải cách cho phép tôi được trở lại đơn vị.
– Nhiều người ở trong hoàn cảnh ông đã không “dinh tê.”
– Vâng, có người rồi còn trở thành cán bộ cấp cao nữa, tôi biết. Họ phải trả giá đắt cho sự thăng tiến ấy, bằng sự dối trá thường xuyên, bằng sự hàng phục tuyệt đối. Tôi không có đủ dũng khí, không có đủ nhẫn nhục nữa để làm được như họ. Khi đã ở trong thành rồi, có nhiều lúc tôi lại muốn trở ra vùng kháng chiến. Có một sự giằng xé trong lòng như thế đấy, căng lắm”.

Sương xuống làm tôi rùng mình. Cả một vùng hồ Bodenzee lặng lẽ như không lúc nào nó lặng lẽ như thế.
– Ông có gia nhập quân đội Pháp không? Tôi muốn nói: ông rồi có bị bắt lính và phải cầm súng chiến đấu ở phía bên kia không?
– Không. Tôi trốn lính. Tôi không muốn cầm súng nữa, dù ở bên này hay ở bên kia. Nhưng cũng phải thú thực với ông: sau cái chết của cha tôi, cũng có lúc tôi có ý định đi với Pháp để đánh lại những kẻ đã mang lại thảm họa cho gia đình tôi. Tôi là người, tôi cũng biết căm thù chứ. Nhưng tôi đã không làm điều đó nhờ một lời khuyên. Chả là lúc mới về thành tôi ở nhờ trong một ngôi chùa. Khi biết ý định của tôi, sư cụ bảo: “Con tính sai rồi. Đi với cái Ác này để diệt cái Ác kia không được đâu. Chỉ có cái Thiện mới diệt được cái Ác thôi, con ạ.” Tôi nghe lời sư cụ, nhưng thú thực với ông, tôi không tìm thấy cái Thiện ở đâu cả.
– Tìm ra cái Thiện thật khó – tôi nói – Thực hành nó cách nào còn khó hơn.
– Vì không tìm ra nó, không biết thực hành nó cách nào như ông nói, tôi cố gắng làm một người dân bình thường.

Nhưng đến năm 75 thì tôi hiểu – cái Ác đang thắng, nếu không làm được gì để chống nó thì chỉ còn có cách tránh xa nó, tránh thật xa, xa chừng nào hay chừng ấy, có gọi là chạy trốn nó thì cũng đúng. Tuy chẳng có gì tốt trong sự chạy trốn ấy…
– Mà chạy trốn mãi sao được? – tôi đặt câu hỏi cho chính mình.
Chúng tôi đi ngủ. Đêm đã quá khuya.
Hôm sau, trong bữa điểm tâm, ông Hiếu đột ngột ra cho tôi một câu hỏi lạ tai:
– Ông có nghĩ rằng cải cách ruộng đất là một sai lầm như người ta thường nói không?
– Một sai lầm chứ. Chính đảng cộng sản vốn không bao giờ chịu nhận mình sai, cũng đã phải thừa nhận. Để phải sửa sai ngay sau đó.
– Ông tin người ta nhận ra sai lầm, và sửa sai?
Tôi có cảm giác ông Hiếu chỉ chờ tôi nói lời khẳng định để cười vào mũi tôi. Hẳn ông có cách nhìn khác tôi đối với việc ấy.
– Họ có sửa sai – tôi nói – Nhưng có sửa đến nơi đến chốn hay không là chuyện khác. Và còn phải sửa dài dài. Trang sử cải cách ruộng đất cho đến nay vẫn chưa khép lại được. Nghe nói mới đây thành phố Hà Nội vừa quyết định đền bù cho những gia đình có người bị giết trong cải cách ruộng đất.
– Đền bù thế nào?
– Một hay hai triệu đồng gì đó cho mỗi người bị chết oan.
Ông Hiếu cười khe khẽ:
– Tức là khoảng trên dưới một hay hai trăm đô la, theo tỷ hối hiện tại.
– Khoảng ấy.

Ông Hiếu trầm ngâm nhìn vào ly cà phê.
– Tôi thì không nghĩ đó là một sai lầm. Nói cho đúng, bây giờ tôi mới nghĩ được như thế. Trước kia thì không. Một sai lầm được tính trước rằng kết quả nó sẽ là như thế nào không thể gọi là một sai lầm. Người ta chỉ buộc lòng gọi nó là sai lầm khi mưu toan của họ bị đổ bể.
– Cái gì làm cho ông nghĩ như thế?
– Ông nhớ lại xem. Ông sẽ thấy điều này: ở bất cứ quốc gia nào, để tiến hành cải cách ruộng đất người ta phải điều tra tình hình ruộng đất trước đã. Nhưng ở miền Bắc trước cải cách ruộng đất, ông thấy không, đã không có một cuộc điều tra nào hết.

Tôi giật mình. Ý nghĩ ấy chưa từng đến với tôi.
– Ông có lý – tôi thừa nhận – Hồi ấy tôi không thấy có một báo cáo nào về tình hình ruộng đất ở nước ta.
– Người ta tính trước những cái mà chúng ta không nghĩ tới. Trường Chinh, đương kim đảng trưởng, là kẻ yêu thích tôn ti trật tự. Ông ta muốn thanh toán cho bằng hết những người đã ủng hộ cuộc kháng chiến trong thời kỳ cách mạng còn trứng nước, phần lớn là những người có chút ít chữ để có thể đọc được truyền đơn của Việt Minh, có chút ít của cải để có thể ủng hộ cách mạng. Họ nghĩ cách mạng thắng lợi sẽ đặt mọi công dân ngang hàng nhau trong tình đồng chí đồng bào. Mục đích của Trường Chinh tiến hành cải cách ruộng đất là tiêu diệt những người ấy để thay vào bằng những người hoàn toàn mới, trong thực tế chưa từng đóng góp gì cho kháng chiến. Những người này nhờ cải cách ruộng đất sau khi hất cẳng được những người có vị trí trong chính quyền kháng chiến sẽ là bề tôi trung thành của nhà cầm quyền. Để làm gì? Để những kẻ được chia quả thực cướp được kia, những kẻ bỗng dưng có được địa vị ăn trên ngồi trốc kia, sẽ hết mình trung thành với họ.

Tôi ngẫm nghĩ về điều vừa được nghe. Trước đó ý nghĩ như thế chưa từng đến với tôi.
– Tôi muốn hỏi thêm ông một câu.
– Ông hỏi đi.
Tôi cố gắng diễn đạt để ông Hiếu hiểu đúng tôi nghĩ gì.
– Tôi nghĩ ông Thạc muốn ông được gặp mặt cụ nhà lần cuối là một ý nghĩ tốt đấy chứ. Ông không nghĩ thế sao?
Ông Hiếu cười khe khẽ. Tiếng cười đầy cay đắng.
– Một ý nghĩ tốt, tôi thừa nhận. Còn hơn thế, ông ấy đã giúp tôi tỉnh ngộ. Tôi phải chịu ơn ông ấy. Nhưng tôi không cảm được cái ơn ấy trong lòng. Tôi tham lam chăng khi tôi cho rằng trong những ngày ấy tôi cần ở bạn mình một cái gì hơn thế?
– Tức là?
– Một cái gì đó chứng tỏ ông ấy đứng về phía tôi, nạn nhân của một bi kịch không đáng có. Một cái gì đó chứng tỏ ông ấy không đứng về phía những tên đao phủ. Cái gì đó ấy sẽ an ủi tôi nhiều hơn, sẽ cho tôi thêm một chút niềm tin đã mất vào con người… Nhưng ông ấy đã chọn chỗ đứng mà tôi không muốn thấy – chỗ của lũ đao phủ.

5
Ít lâu sau cuộc gặp gỡ với ông Hiếu, tôi lại gặp ông Thạc.
Ông vừa về Việt Nam tham dự cuộc họp mặt truyền thống của quân khu. Ông vui hẳn lên, khác với lần chúng tôi gặp nhau ở Stuttgart. Ông kể chuyện những đổi thay ở đất nước, chuyện Hà Nội khác trước đến không nhận ra, chuyện ông vừa được nhận thêm một huân chương vì những công trạng trong quá khứ …
– Ông đã gặp “Hiếu nhà băng” rồi hả? – ông hỏi, nôn nóng – Hắn nói sao?
Tôi lúng túng:
– Ông ấy vẫn nhớ ông. Nhưng ông ấy không muốn gặp lại … Vì cuộc gặp lại ấy sẽ làm ông ấy nhớ đến những ngày ông ấy không muốn nhớ đến nữa.

– Cái thằng … Bây giờ mà không biết quên đi quá khứ, hướng tới tương lai là ngu, là xuẩn ngốc. Nó y như mấy thằng đang đòi dân chủ ấy, trong tụi nó có cả những thằng cánh ta ngày trước, tức là đã từng trong quân ngũ, chúng nó mắt nhắm tịt, ương như cua, không biết rằng nước ta bây giờ dân chủ lắm rồi, hơn hẳn ngày xưa rồi.
Ông Thạc ngừng vài giây, bật lửa châm điếu Marlboro. Rồi tiếp tục:
– Ngày xưa không có nhiều dân chủ là do hoàn cảnh, là chuyện bất khả kháng, chứ bây giờ khác. Bây giờ đảng ta đã vững mạnh, có lực lượng quân đội, công an hùng hậu, thì đối với dân chúng cho hay chưa cho dân chủ, cho nhiều hay cho ít, là quyền của đảng. Đảng không keo xỉn trong chuyện ấy, vấn đề là phải có tính toán; cho cái gì trước cho cái gì sau, cho bao nhiêu thì vừa, cho vào lúc nào…

Tôi nhìn ông. Ông nói say sưa. Ông bốc. Trong ông, ấn tượng của chuyến đi dự cuộc họp mặt truyền thống đầy tràn.
– Ông Hiếu gửi lời thăm ông – tôi bịa.
– Thế hả? Nó chỉ gửi lời thăm thôi? Không nói thêm gì?
– Không.
Ông Thạc sa sầm mặt.
– Cái thằng vô ơn đến thế là cùng. Để lúc nào tôi kể ông nghe đầu đuôi chuyện tôi đã làm gì cho hắn … Bây giờ chúng mình kiếm cái gì chén đã. Chắc ông đi đường cũng đói bụng rồi.
Tôi vội vã chìa tay.
– Xin ông thứ lỗi, hôm nay tôi mắc một cái hẹn. Để bữa khác vậy.
Trong lòng bàn tay tôi là một vật mềm xèo, nhũn nhẽo.
– Ờ ờ … Tiếc quá! – ông thiếu tướng hồi hưu nói – Còn bao nhiêu chuyện muốn kể ông nghe.
– Tiếc quá!

Tôi nói, rồi hấp tấp bước ra cửa.