Tuesday, March 23, 2021

NGỖNG CANADA - Phạm Hiền

Ngày đó mới về
nông trại ở, thấy cái gì hay con gì cũng ngắm.
Hãng cho làm ở nhà, giờ giấc không cần thiết phải theo giờ hành chính nhưng phải hoàn tất project đúng kỳ hạn. Mình "tranh thủ" làm nên có nhiều thời giờ rảnh để ngắm.
Buổi chiều nọ đi lại một gốc bụi cây thì thấy con ngỗng Canada đang nằm trong tổ. Mình lại gần nên nó bay đi. Nhìn vào tổ thấy có ba trứng ngỗng to nên cầm ra ngoài khoe. 
Sau đó bỏ trứng lại nhưng con ngỗng không bay về tổ nữa. Sau này mình mới biết ngỗng mẹ ngửi mùi tay người là nó bỏ. Buộc mình phải đem trứng bỏ trong lò ấp. 
Khi nở ra thì chỉ có hai con. Còn một trứng thì bị hư.
 Ngỗng Canada tại Nam California 3/23/2021
Từ đó mình làm mẹ ngỗng Canada. Lúc nào cũng để nó theo mình. Cặp ngong lớn như thổi lúc nào cũng quanh quẩn bên mình. Lớn xác nhưng chưa biết bay dù mình thấy hai đứa nó cũng có thân xác to bằng những con ngoài trời.
Rồi tháng ngày qua đi, con mình nó cũng biết bay. Mỗi lần thấy ngỗng trời bay đậu gần nhà thì mình bò theo để con mình nó ra gặp bà con cùng giống của nó. Biết đâu nó sẽ theo bầy. Mình quan niệm của thiên nhiên trả về thiên nhiên nếu hợp với hoàn cảnh ưa thích của nó. Cặp con mình cũng bay lại làm quen với bầy. 
Rồi một ngày cặp con của mình nó vỗ cánh theo bầy. Con nó lượn một vòng nhìn mình lần cuối rồi mất dần về hướng Bắc.
Nuôi hơn một năm trời, bắt từng con trùng, hái từng ngọn cỏ đút nó ăn nên tình cảm cũng dính liền với nó. Nhớ và thương nó nhiều.
Rồi tháng ngày bận rộn nên mình cũng quên, thì hai đứa con mình nó bay về. Hơi ngờ ngợ vì nó dẫn thêm năm con khác nữa (con của nó). Lúc đó mình mới biết hai con của mình là đực cái.
Hai đứa nó lại gần và để mình ôm nó vuốt ve nó. Tuyệt nhiên năm đứa con của nó đứng xa xa nhìn. Mình đem bắp cho hai đứa ăn nhưng con nó không ăn từ tay mình, ngay cả lúc mình giục bắp gần tụi nó, nhưng tụi nhỏ không ăn. Nó lòng vòng bay đi và về trong một tuần rồi bay mất.
Hàng năm vào cuối tháng 11 thì hai đứa nó về và dẫn theo một bầy ngỗng mỗi năm mỗi nhiều hơn. Cứ thế hai đứa ở nhà một tuần rồi mất dạng.
Mỗi năm mỗi về và năm thứ 14 thì về chỉ một con, nguyên đàn của nó chỉ bay lạng về ngày đầu rồi bay mất. Lính cảm cho mình biết là một đứa bị chết.
Mình bắt đầu đọc sách về loại ngỗng Canada. Loài này chỉ một vợ, một chồng. Nếu một trong hai con chết thì con kia sẽ không bao giờ tìm bạn tình. Trước khi chết bao giờ nó cũng về nơi nguyên thủy của nó.
Nó ở với mình một năm. Nó bay đi bay về và tối ngủ lại nhà. Rồi bỗng nhiên nó chỉ nằm trong tổ không bay đi đâu, mình đem cỏ tươi và nước nhưng nó không ăn. Được ba ngày như vậy thì mình tính đưa đi bác sĩ thú y. Mình nghĩ nó bệnh.... nhưng tối đó mình lại, nó chúi đầu vào lòng mình. Mình ôm nó thật lâu rồi mới vào nhà. Đêm đó nó qua đời , thọ 15 năm.... không ngờ nó nhịn đói, khát để chết.
Buồn mấy tháng trời. Giờ mỗi lần thấy ngỗng Canada là nhớ nó.
Tuổi thọ của ngỗng Canada là 25 năm.
Nhớ con quá!

Phạm Hiền 
(Nguồn: Hien Pham Facebook. Tác giả ghi chi tiết trên Facebook là đã về hưu ở Arlington, Texas, từng làm kỹ sư tại hãng Fujitsu Americas, dạy toán ở đại học DeVry University.)

Saturday, March 13, 2021

Đà Lạt ngàn thông - Finding The Dragon Lady - Monique Brinson Demery

Lệ Thủy chào đời vào đầu năm 1946 giữa cuộc náo loạn thời kỳ hậu chiến. Cảnh hỗn độn ấy đã bùng nổ thành cuộc chiến tranh khốc liệt vào thời điểm bà Nhu sinh hai con trai tiếp theo, Ngô Đình Trác năm 1949 và Ngô Đình Quỳnh năm 1952. Bà Nhu đã trở thành mẹ ngay khi thế giới bà biết đã bị lật nhào và xáo trộn dữ dội. Nhưng ít ra thì bà Nhu và chồng đã được tái hợp. Trong khi vợ, con gái, mẹ, và em gái đang bị lùa ra khỏi Huế bằng những chiếc lưỡi lê, ông Nhu đang hoạt động trong bóng tối, thiết lập một mạng lưới những nhân vật chính trị phi Cộng sản khác. Mặc dù thận trọng, ông cuối cùng đã khơi dậy sự nghi ngờ của Việt Minh ở Hà Nội, và ông Nhu đã ẩn thân ở Phát Diệm, một thị trấn Thiên Chúa giáo thuộc tỉnh Ninh Bình.
Ông Nhu đã tình cờ gặp lại cha mẹ vợ ở Phát Diệm. Ông bà Chương đã tìm kiếm nơi trú thân ở đó - một cuộc trốn chạy kịch tính điển hình khi họ vừa kịp ném mình lên những bậc tam cấp nhà thờ Công giáo với những binh lính Việt Minh chỉ ở sau lưng cách mấy bước chân. Vị linh mục nhà thờ Phát Diệm đã chấp nhận cho cha mẹ bà Nhu nương náu trong nhà thờ của ông, bất chấp việc họ là những Phật tử. Từ Phát Diệm, một mạng lưới những tín đồ Công giáo đã tạo cho ông Nhu, và cuối cùng là ông Chương, một hành lang an toàn đến Sài Gòn - khi ông Chương ngụy trang thành một nhà sư và vợ ông ăn mặc như một phụ nữ nhà quê.
Bà Nhu đã ở nhà chị gái mình tại Sài Gòn khi nhận được một bức điện khẩn từ linh mục Dòng Chúa Cứu thế kêu mau chóng đến nhà ngài linh mục. Thay vì nhận được tin dữ - bà vẫn sợ rằng ông Nhu có thể đã chết - bà được đưa đến một căn phòng nơi có một vị khách đang đợi bà: chồng bà. Sự sum họp với cha mẹ sẽ đến sau đó; bây giờ, ông bà Nhu phải tìm đường ra khỏi Sài Gòn. Người Pháp đã ngờ vực những hành động của ông Nhu, và sự cộng tác với người Nhật vào thời chiến của ông Chương đã phủ một màn mây đen lên cả gia đình.
Ông bà Nhu đã dọn lên Đà Lạt, một biệt thự đẹp như tranh náu mình giữa ngàn thông và những ngọn núi vùng cao nguyên trung phần Việt Nam. Và mặc kệ chiến tranh, bà Nhu đã gọi những năm tháng đó là "quãng thời gian hạnh phúc nhất" đời bà. Đà Lạt đã được dựng lên từ hư không đặc biệt cho mục đích hưởng lạc. Người Pháp đã quyết định từ đầu thế kỷ hai mươi là xây một thành phố nghỉ mát trên vùng núi như một nơi trốn tránh cái nóng và sự dơ bẩn của những thành phố. Nó được xây dựng một cách rất cô lập, điều mà các nhà sáng lập tin là sẽ làm cho trải nghiệm ở Đà Lạt càng thêm thích thú. Người Pháp đã tạo ra một địa điểm để giúp họ quên hoàn toàn họ đang ở Đông Dương - một "hòn đảo da trắng" ở vùng nhiệt đới. Họ xây dựng những ngôi nhà như những biệt thự nghỉ trượt tuyết, và ga tàu lửa trông như một sân ga ở Deauville, một thành phố ven biển Normandie. Họ trồng những cây cho các loại thực phẩm mà họ thiếu. Đến hôm nay những ngôi chợ Đà Lạt có đầy đủ các thành phần để nấu món xúp đúng kiểu Pháp: tỏi tây, cần tây, cà rốt, hành, rau xanh, và khoai tây.
Gia đình bà Nhu đã đến với Đà Lạt "mãi mãi". Họ yêu nó vì cùng những lý do mà người Pháp yêu. Nó nâng họ lên trên sự hỗn tạp bẩn tưởi của loài người trong những thành phố quá đông đúc và nóng bức. Ở đó có những khách sạn đẹp kỳ lạ, những sân gôn, và những nhà hàng Pháp và Trung Hoa. Ở đó cũng có những hộp đêm, nhà hát và nhạc jazz. Anh họ của bà Nhu, hoàng đế Bảo Đại, có một cung điện ở Đà Lạt, giống như của quan toàn quyền Pháp. Đà Lạt vẫn nổi danh về sự thư nhàn và xa hoa; giờ đây nó là điểm đến trăng mật cho những cặp vợ chồng Việt mới cưới. Đà Lạt gợi tôi nhớ đến Thác Niagara với hơi ít ánh đèn nê-ông và thật nhiều quán karaoke.
Những trái tim hồng và hoa hồng đỏ in trên giấy nến được dán khắp nơi - cả trong những câu khẩu hiệu đảng phái in trên băng rôn vàng chóe treo khắp các ngả đường chính. Những ngọn đèn Noël thắp sáng quanh năm lung linh trên những cành cây. Những chiếc thuyền đạp nước hình thiên nga cho thuê dọc bờ hồ. Chúng khuấy tung mặt hồ nhân tạo phẳng lặng giữa trung tâm thành phố, làm cho nước ngầu đục và sóng sánh. Nổi danh với ngàn hoa, cảm giác thành phố này giống như một gian hàng Valentine tại cửa hàng CVS vào giữa tháng Hai. Sự vội vã quy hoạch và quản lý ngành công nghiệp du lịch lãng mạn đầy lợi nhuận này của nhà nước đã giáng đòn nặng nề vào vẻ đẹp tự nhiên của Đà Lạt.
Khi ông bà Nhu đến vào mùa xuân năm 1947, Đà Lạt đã không còn giống như trong kỷ ức thời trẻ của bà Nhu. Những lùm rừng nhiệt đới đã chiếm chỗ những trảng cỏ lớn của thành phố. Cuộc suy thoái toàn thế giới lan đến Việt Nam vào đầu những năm 1930 đã cắt xén đáng kể ngân sách du lịch. Đến thời điểm chiến cuộc nổ ra ở Âu châu năm 1939, Đà Lạt đã bị bỏ mặc không ai ngó ngàng tới. Những sân tennis xác xơ và phủ đầy cỏ dại. Những sòng bạc ngừng hoạt động. Những hộp đêm và rạp xi nê bị đóng cửa, và những lối đi dọc bờ hồ vắng lặng đìu hiu. Trong suốt chiến tranh, người Nhật đã bố ráp và giam cầm bất kỳ ai cố ở lại. Khách sạn Palace không một bóng du khách - cầu thang gác hoành tráng ngày nào đã đổ sập, và không có ai ở đó để sửa sang. Lợn lòi và mèo rừng xâm lấn vào ranh giới thành phố.
Ồng bà Nhu ở trong một ngôi nhà mượn tại số 10 đường Hoa Hồng (rue des Roses). Nó thuộc về một bác sĩ bạn của cha bà Nhu, và mặc dù không phải một biệt thự lớn, cha mẹ bà Nhu đã đến ở, và cả anh trai ông Nhu, Ngô Đình Diệm. Nhà văn Pháp viết về vùng Viễn Đông Lucien Bodard nói đây là một nơi "phô trương lòe loẹt"; bà Nhu chỉ nói rằng "Bạn sẽ không muốn băng qua vườn để vào bếp sau khi trời tối vì bạn sẽ không muốn đâm sầm vào một con cọp". Nhưng những sự hy sinh là điều duy nhất để mà chờ đợi - một cuộc chiến đang tới gần. Một cuộc chiến mới sẽ được mệnh danh là Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, nhưng hồi trước khi người ta biết sẽ có cuộc chiến thứ hai, nó mang những cái tên khác.
Với người Việt Nam, đó là Kháng chiến chống Pháp; với người Pháp đó là Guerre d' Indochine - Chiến tranh Đông Dương; dù là gì đi nữa, nó bắt đầu ngay khi Thế chiến thứ hai chính thức trôi qua. Cuộc chiến ở Âu châu đã để lại một nước Pháp tan hoang - nền kinh tế sụp đổ, cũng như cơ sở hạ tầng - và những nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam trở nên lấp lánh như ánh vàng. Chúng đã từng bị người Pháp chiếm; một lần nữa cớ sao không được? Việc tái thuộc địa hóa Việt Nam sẽ xác nhận lại những ý niệm thực dân xưa cũ về sự ưu việt của Pháp quốc. Đó là một sự nghiệp mà cả quốc gia có thể tập hợp lại - không bao giờ đếm xỉa đến những gì bản thần người Việt mong muốn.
Người Pháp đã lao bổ trực diện vào Việt Minh. Pháp có một quân đội hiện đại và những vũ khí tối tân, cũng như sự tài trợ lớn hơn bao giờ hết của Mỹ. Việt Minh - dựa vào tài khéo léo của các tân binh, những chiến thuật du kích bất ngờ, và quyết tâm hoàn toàn của những người đến từ các làng mạc, ruộng nương, và thành phố - đã cảm thấy quá đủ với sự cai trị ngoại bang. Chiến cuộc diễn ra ác liệt trong tám năm. Các ước tính có khác nhau, nhưng những sử gia ước lượng số thương vong bên phía Việt Minh vào khoảng từ 250.000 đến 500.000 người. Phía Pháp thiệt hại hơn 75.000 người - hơn số thương vong của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tiếp theo trên đất Việt Nam. Trận đánh quyết định của cuộc chiến tranh diễn ra vào ngày 7 tháng Năm, 1954, trong một thung lũng xa về phía tây bắc của Việt Nam, gọi là Điện Biên Phủ. Quân Pháp đã bị áp đảo. Việt Minh đã bao vây được họ bằng trọng pháo và quân số. Người Pháp đã mất hết ý chí chiến đấu. Sau một trăm năm, họ cuối cùng đã khăn gói về nhà. Đó là bài học đầu tiên cho thấy một nỗ lực áp đặt sự cai trị ngoại bang lâu dài lên Việt Nam là vô ích thế nào. Giá mà người Mỹ đã biết chú ý hơn.
Tuyến đầu khốc liệt của cuộc chiến ở rất xa nơi ẩn cư trên núi của gia đình bà Nhu. Bà Nhu đã gọi nó là une guerre bizardouille, một cuộc chiến nhỏ kỳ lạ. Bà miêu tả cuộc sống của bà ở Đà Lạt là an toàn và đơn giản và hoàn toàn vắng bóng chính trị. Bà Nhu chăm nom một gia đình ngày càng mở rộng, sinh những em bé, quán xuyến những việc vặt vãnh trong nhà, và nấu ăn. Cũng người phụ nữ lớn lên với hai mươi người hầu đã đạp xe đạp đi chợ hàng ngày và đưa con gái đến trường. Ông Nhu chồng bà đang say sưa với thú nuôi phong lan. Nhưng không có gì ở Đà Lạt là hoàn toàn giống với cái dường như là nó. Ngay chính tiền đề về nơi này như một hòn đảo cho sự nghỉ ngơi và yên tĩnh lành mạnh của người da trắng là một điều đại dối trá.
Vì một điều, số phận của nó không bao giờ cách ly khỏi người Việt được. Nơi này được xây trên mồ hôi và xương máu của lao động khổ sai. Bất chấp nguồn vốn nhân lực vô tận và đặt nặng vào sự xa hoa, các nhà sáng lập thực dân đã cạn kiệt tiền bạc. Trớ trêu thay, khu nghỉ mát được xây dựng như một nơi trốn lánh có lợi cho sức khỏe của mọi người lại là một cái ổ phát sinh muỗi sốt rét do những cái hồ nhân tạo. Đà Lạt cũng không phải là nơi ẩn náu êm đềm khỏi chiến tranh. Nó đã trở thành đại bản doanh trên thực tế của những tham vọng chính trị và quân sự của Pháp ở Đông Dương. Hơn nữa, ông Nhu không hoàn toàn say sưa với hoa lan như ông tỏ ra. Ồng đang ấp ủ một cái gì đó nguy hiểm hơn nhiều.
Trong suốt những năm ở Đà Lạt, từ 1947 đến 1954, Ngô Đình Nhu đã gieo trồng những hạt mầm của một đảng phái chính trị, đảng mà ông gọi là Cần lao (Đảng Cần lao Nhân vị - Personalist Labor Party). Nó tuyển mộ những thành viên vào một mạng lưới những chi bộ trong đó mỗi người không biết nhiều hơn một vài đồng chí trong hội. Tất cả những vận động ngấm ngầm đó đã sinh hoa kết quả, tạo ra một bộ máy chính trị với mười ngàn thành viên. Nó sẽ ủng hộ và củng cố chiếc ghế Tổng thống của Ngô Đình Diệm trong chín năm, nhưng tổ chức này sẽ không bao giờ rũ sạch những bí mật của những năm tháng sáng lập nó. Nó đã chuốc lấy cho chính nó và người sáng lập, ông Nhu, một tiếng tăm bất chính.
Nguyên tắc cơ bản nhất của "Chủ nghĩa Nhân vị" nói rằng nhân cách là thuốc giải bách độc cho một cá thể. Đó là một khái niệm hoàn toàn gây bối rối. Ồng Nhu đã làm quen với triết thuyết Thiên Chúa giáo mơ hồ tăm tối hồi còn là một sinh viên năm 1930 ở Pháp. Những nỗ lực của ông để lý giải làm thế nào một triết thuyết Công giáo Pháp có thể áp dụng để xây dựng một Việt Nam độc lập luôn luôn dài dòng và khó hiểu. Niềm tin của ông, tuy nhiên, rất nhiệt thành. Ông Nhu đang xây dựng một phương án thay thế thật sự cho Pháp lẫn Việt Minh. Ông đang gây dựng một mạng lưới những người ủng hộ cho anh trai mình là ông Diệm. "Tôi cô đơn trong hầu hết thời gian", bà Nhu viết về cuộc hôn nhân của bà trong suốt giai đoạn đó. Trong khi ông Nhu đang xây dựng nền tảng chính trị của mình, vợ ông không hề biết ông ở đâu. "Chồng tôi đơn giản là biến mất mà không nói một lời". Bà Nhu có thể không biết chính xác chồng bà đang ở đâu, nhưng bà có một ý niệm đại thể về những gì ông đang làm. Địa điểm trăng mật không thể che đậy thực tế rằng cuộc hôn nhân của họ đã trở thành một cái gì đầy toan tính thực dụng và không có mấy thời gian còn lại dành cho tình yêu.
Bà Nhu không hoàn toàn cô độc khi chồng bà vắng bóng vì những sứ mạng bí mật của mình. Bà có người anh họ ở Đà Lạt, Hoàng đế Bảo Đại, một người bầu bạn dễ chịu. Về mặt ngữ nghĩa ông là em họ của mẹ bà và không còn là hoàng đế nữa. Dù sao đi nữa Bảo Đại chưa bao giờ thật sự cai trị. Dưới chế độ thực dân Pháp, quyền vị của ông hầu như luôn luôn chỉ là một biểu tượng. Bảo Đại đã lên ngôi năm 1925, khi ông mười hai tuổi. Từ trường học ở Pháp ông đã vội vã trở về nhà để dự đám tang cha, vua Khải Định, để rồi sau đó quay về Pháp. Chiếc ngai vàng đã để trống trong bảy năm tiếp theo, trong suốt thời gian đó quan khâm sứ Pháp nắm quyền hành hoàn toàn. Đến thời điểm Bảo Đại trở lại Việt Nam năm 1932, ông đã được sửa soạn thành một thanh niên Pháp hoàn hảo, hoàn toàn vui lòng làm những gì mà chính quyền thực dân sai bảo.
Bảo Đại đã sống cuộc đời của một kẻ vô tư lự được nuông chiều. Ông đã kết hôn, nhưng điều đó không ngăn cản ông theo đuổi cuộc sống ăn chơi. Săn bắn và đeo đuổi những phụ nữ trẻ là hai niềm đam mê của ông. Những hành động của ông trong Thế chiến thứ hai và hậu quả của chúng đã hủy hoại mọi danh tiếng mà Bảo Đại có thể đã bám víu vào như một lãnh tụ xuyên suốt những năm dưới chế độ thực dân. Trước tiên ông đã đầu hàng người Nhật; sau đó ông trao vương miện cho những người Cộng sản trước khi lập tức quay lại cộng tác với người Pháp trong sứ mạng thiết lập lại quyền kiểm soát Đông Dương của họ vào cuối những năm 1940. Bảo Đại lẽ ra đã trị vì ở Sài Gòn, nhưng ông đã không che giấu sự ưa thích cuộc sống ở Đà Lạt hơn. Ông đủ thực tế để biết rằng dù sao đi nữa ông chẳng thể làm nên trò trống gì. Bảo Đại đã hoàn toàn ý thức và cam chịu định mệnh thảm bại của ông. Khi nghe
một phụ nữ từng là bạn ông bị miệt thị vì đi làm điếm, nhà vua đã lên tiếng bênh vực. "Cô ấy chỉ làm công việc của mình", Bảo Đại nói: "Ta mới là kẻ điếm nhục thật sự".
Bảo Đại có lẽ cũng bối rối như bà Nhu bởi cái "guerre bizardouille", cuộc xung đột kỳ lạ mà họ không dự phần vào. Hai anh em họ, xa lạ với cả phần còn lại của đất nước trong thời chiến, đã chỉ vừa vặn hình dung được mức độ đảo điên của cuộc thế. Ở Đà Lạt, hai anh em hoàng gia được ở trong một môi trường Âu hóa quen thuộc. Bà Nhu đã tháp tùng người anh họ trong những chuyến đi câu cá và đánh cặp với ông trong các ván bài bridge. Khi chồng không có ở nhà, họ đi dã ngoại và bơi thác. Từ đằng sau những bức tường màu hoàng thổ của cung điện được trang trí nghệ thuật theo phong cách chiết trung (Art Deco), bà Nhu và anh họ bà có thể nhìn xuống thung lũng đang khi vẫn ngồi thu lu trong thế giới của mình. Bà nói chồng bà biết tất cả về "những buổi dạ hội ban đêm và du ngoạn ban ngày" đó. Ông có lẽ còn khuyến khích chúng nữa. Mặc dù tai tiếng, ngôi vị quốc vương của Bảo Đại vẫn có một ý nghĩa chính trị nào đó.
Nếu ông Nhu muốn xây dựng một phong trào chống Pháp và chống Cộng, ông cần mọi sự giúp đỡ ông có thể có được. Một cái gật đầu của nhà vua sẽ mang lại một tính cách hợp pháp chí ít ở vẻ ngoài. Nếu tình bạn giữa vợ ông và anh họ hoàng đế của bà là điều thuận tiện, nó cũng tỏ ra chỉ là nhất thời mà thôi. Bảo Đại là một trong những nạn nhân chính trị đầu tiên của chế độ họ Ngô. Ông đã trải qua phần đời còn lại trong một lâu đài xiêu vẹo ở miền Nam nước Pháp gần Cannes. Trong hồi ký của mình, bà Nhu đã nhắc đến ông anh họ của mình một cách cay đắng. Không còn lại chút hơi ấm nào của tình thân gia đình: Bảo Đại, "con bù nhìn của nước Pháp đó".
Cung điện của cựu hoàng đế giờ đây là một địa danh du lịch quan trọng thu hút nhiều khách đến Đà Lạt. Nhà nước đã bảo tồn nó, không vì bất kỳ nỗi hoài nhớ về Bảo Đại mà đúng ra như một chiếc tủ kính trưng bày những sự xa hoa phóng túng của một kẻ ăn chơi. Nó đã được xây cho vị hoàng đế Việt Nam vào năm 1933 theo cùng một phong cách như ngôi nhà của quan toàn quyền Pháp - thậm chí sử dụng cùng loại đá granite. Cả hai tòa nhà đều có những góc cạnh hình học, những sân thượng trên mái, và những ô cửa sổ tròn lồi ra ngoài. Có lẽ hai ngôi nhà được xây dựng hệt như nhau với dụng ý thể hiện một sự bình đẳng nào đó, nhưng điều mà chúng thật sự chứng tỏ là sự xa lạ của vị hoàng đế như một người Pháp chính cống.
Ngay cả khi bà Nhu đã trở thành Đệ nhất Phu nhân, bà và gia đình vẫn tiếp tục sử dụng nơi ẩn dật trên Đà Lạt như một chỗ sum họp đặc biệt. Đó là nơi bọn trẻ đến trường nội trú, và cả nhà quây quần trong những ngày nghỉ lễ và xa cách cuộc sống ở cung điện. Lúc bấy giờ, vợ chồng ông Nhu sử dụng nhà của toàn quyền Pháp làm nơi nghỉ cuối tuần. Năm 1962, bà Nhu mời nhiếp ảnh gia Larry Burrows của tạp chí TimeLife du ngoạn một chuyến cuối tuần ở Đà Lạt. Bà muốn anh xem và chụp ảnh về một nơi rất quan trọng với gia đình bà là như thế nào. Bà đã một mực muốn gia đình thể hiện trước mặt vị khách họ là những người bình dân rất mực. Bà đã trút bỏ bộ y phục thường mặc trong cung điện vào dịp cuối tuần, áo dài lụa may rất vừa vặn và tóc vấn cao đài các. Bà diện một chiếc áo len dài tay và quần lửng thoải mái với mái tóc nửa đuôi ngựa đung đưa. Phong cách khiến một Đệ nhất Phu nhân ba mươi tám tuổi trông rất giống thời trẻ trung, khi lần đầu bà đến sống ở Đà Lạt năm hai mươi ba tuổi.
Bà Nhu đan tay vào khuỷu tay chồng và dựa sát người ông. Nhìn bọn trẻ con chơi đùa trên bãi cỏ, người ta có thể ngỡ họ đang ở trong một vùng ngoại ô New Jersey nào đó - cho đến khi bà Nhu quỳ xuống và chỉ dạy cô con gái hai tuổi của mình cách nhắm khẩu súng lục và bắn vào mục tiêu. Ông bà Nhu thường nói rằng khi nghỉ hưu, họ sẽ dọn đến Đà Lạt ở trọn thời gian. Nhưng bà Nhu không có ý định ở mãi trong nhà của quan toàn quyền Pháp. Bà đã cho xây dựng một cụm nhà tại số 2 đường Yết Kiêu, nhìn xuống một thung lũng tuyệt đẹp. Bà xây một ngôi nhà cho mình, một cho cha bà, và một cho khách khứa. Những ngôi nhà sẽ quây xung quanh một khoảnh sân trong với một bể bơi nước nóng, một khu vườn kiểu Nhật, và một hồ sen. Khi hồ đầy, hình ảnh tấm bản đổ đất nước sẽ hiện ra. Biệt thự của bà được đặt tên là Lâm Ngọc, Porest Jewel, và được canh gác đàng hoàng. Một tháp canh khổng lổ màu xám dành cho lực lượng bảo vệ tư gia đứng sừng sững ở cổng vào.
Ngay cả trong lúc ngôi nhà đang xây dựng, người ta nói rằng nếu một con chim bay lạc vào vườn, nó sẽ bị bắn hạ ngay lập tức. Ngôi nhà có năm lò sưởi và được trang trí với những bộ da và đầu thú hoang mà chồng bà săn được. Nó có một phòng bếp bằng thép sáng loáng với những tiện nghi hiện đại và thậm chí là một lò nướng hồng ngoại. Tất cả các phòng chính đều được trang bị cửa sập bí mật, nó sẽ dẫn đến những đường hầm thoát thân chạy ngầm dưới bể bơi và dẫn vào một ngôi nhà an toàn kế bên. Một chiếc thang bí mật dưới giường sẽ đưa bà Nhu xuống một phòng ngầm dưới đất và một vòm khổng lổ được gia cố thép đủ chắc chắn để chống chịu hỏa lực.
Bà Nhu không nghĩ về "ngôi biệt thự nhỏ" mà bà đang xây ở Đà Lạt như là sự tiêu hoang, nhưng những ngôi nhà Việt Nam truyền thống ở vùng nông thôn vẫn còn dùng một nhà xí dựng trên những chiếc cọc, lỗ xí đặt bên trên một cái hồ lúc nhúc những con cá chép háu đói. Số tiền bà Nhu bỏ ra để xây cho mình một phòng tắm tráng sứ và sạch bong nhiều hơn con số mà phần lớn người ta kiếm được cả đời. Ngôi nhà mất năm năm để hoàn thành. Bà bắt dựng đi dựng lại cửa trước tám lần. Cửa sổ góc được làm đến lần thứ mười trước khi bà thấy hài lòng. Một trong năm mươi người làm vườn của bà, Phạm Văn Mỹ, kể rằng bà Nhu là "một phu nhân rất khó phục vụ". Ông nói rằng bà hay quát tháo khi ra lệnh và đe dọa người làm nhưng rất sợ sâu bọ. Người phụ nữ ông mô tả có những sở thích rất xa hoa và thất thường. Ngôi nhà thật là xứng đáng với tiếng tăm của người phụ nữ đã cho xây nó, nhưng bà Nhu nói với tôi rằng bà không bao giờ đặt chân vào nơi đó khi nó được xây xong. Đến thời điểm mà ngôi nhà mơ ước của bà Nhu cuối cùng đã hoàn tất, sự thích thú bà dành cho nó cũng không còn.
Nguyên tác: Finding The Dragon Lady (2013)
Tác giả: Monique Brinson Demery
Chuyển ngữ: Quyền Lực Bà Rồng (Mai Sơn)

Thursday, March 11, 2021

NGƯỜI NỮ TU TRONG CÔ NHI VIỆN PLEIKU... Phạm Tín An Ninh

Hơn sáu tháng sống chết với chiến trường và giữ vững được Kontum, đầu tháng 10 1972, đơn vị tôi được kéo về Pleiku dưỡng quân và bổ sung quân số. Đây là phần thưởng đặc biệt dành cho một đơn vị đã tạo nên kỳ tích trong trận chiến đẫm máu để có một “Kontum Kiêu Hùng”. Một tháng đóng trên Đồi Đức Mẹ lại là một tháng gió mưa lầy lội. Hình ảnh của bao nhiêu bạn bè đồng đội vừa hy sinh trên chiến trường Kontum lúc nào cũng hiện ra trước mặt, đau đớn tựa hồ như những vết chém đang còn rỉ máu trong lòng. Muốn tạm quên trong chốc lát đã là một điều không dễ. Bọn tôi thèm những cơn say. Rất may, tôi có một anh bạn, phải nói là ông anh mới đúng, là Liên Đoàn Trưởng của một Liên Đoàn Biệt Động Quân, có căn cứ tại Biển Hồ. Vợ và hai đứa con bị chết thảm tại Quảng Đức hơn một năm trước, khi xe bị VC giật mìn, nên bây giờ anh chỉ còn làm người tình với rượu. Những ngày không bận hành quân, anh đến đón tôi đi uống rượu trong một cái quán nằm trong Khu Chợ Mới, đã vậy mỗi khi trở về, anh còn dúi cho tôi một chai Hennessy. Trước kia anh từng là một cấp chỉ huy có tiếng trong binh chủng này, nhưng vì bản tính ngang bướng bất cần, nên nhân một lý do phe phái chính trị nào đó, anh bị ngồi tù một thời gian ngắn. Ra tù, anh bị thuyên chuyển về đơn vị tôi với cái lệnh “không được giữ bất cứ chức vụ chỉ huy nào”. Biết anh là một niên trưởng và từng dạn dày lửa đạn, tôi tận tình giúp đỡ, an ủi anh và kéo anh về ở chung nhà trong khu cư xá, vợ tôi lo chuyện cơm nước cho anh. Một thời gian sau, bỗng dưng anh được xét cho “vô tội”, trở lại binh chủng, thăng cấp và chỉ huy một liên đoàn Biệt Động Quân. Do cái ân tình đó mà anh quý mến tôi, kéo tôi theo các cuộc giải sầu này.
Dường như ngoài quán rượu ra, thỉnh thoảng anh chỉ ghé đến thăm một cô nhi viện. Nói là viện nhưng thực ra đây chỉ là một ngôi trường cũ, được chỉnh trang lại, tạm đáp ứng nhu cầu cần thiết cho một trại cô nhi. Có lẽ anh muốn tìm lại bóng dáng của hai đứa con đã phải chết oan một cách đau đớn qua hình ảnh các cháu cô nhi mà đa số là con của tử sĩ, có cả con của những người lính Biệt Động Quân của anh, mà cả người mẹ cũng chết, hay vì một lý do nào đó không có khả năng nuôi dưỡng, nên đành phải gởi lại nơi đây, nương nhờ vào bàn tay và tấm lòng nhân ái của những bà sœur. Anh bảo là từ sau trận chiến Tân Cảnh và Kontum, cô nhi viện này nhận thêm khá nhiều cô nhi. Hằng tháng, anh ghé lại đây thăm và tặng cho viện một số tiền, bởi bây giờ anh sống độc thân, không còn phải chu cấp cho ai. Biết điều này, tôi càng kính quí anh hơn. Một người ngang tàng không biết sợ ai, sống bất cần đời, nhưng bên trong là cả một tấm lòng vị tha nhân ái.
Một hôm theo anh đến đây, chúng tôi được một bà sœur ra tiếp và mời vào văn phòng uống trà. Anh bạn tôi thì đã là người quen biết từ lâu, trong cách giao tiếp, anh được các sœur xem như một ân nhân bảo trợ, chỉ có tôi là người lạ. Nhưng khi chào tôi, sœur bảo thấy tôi giống một người thân quen nào đó. Còn tôi, thì cũng mơ hồ như đã từng gặp người nữ tu này ở đâu rồi. Cũng có thể vì khuôn mặt khả ái, hiền thục của sœur phảng phất gương mặt của Đức Mẹ Maria mà tôi thường thấy trên các bức ảnh hay bức tượng trong các nhà thờ. Được giới thiệu là sœur Anna, tôi biết đây chỉ là tên thánh của bà. Khi tôi vừa ngồi xuống phía đối diện, sœur nhìn chăm chú vào cái bảng tên của tôi trên nắp tùi áo, bỗng mắt sœur như sáng lên:
– Có phải lúc trước đại úy ở Tiểu Đoàn 3/44?
Tôi khựng lại, ngạc nhiên:
– Dạ, đúng là trước kia có mấy năm tôi ở tiểu đoàn này. Nhưng cách nay đã 6, 7 năm rồi!
– Đại úy còn nhớ trận Quảng Nhiêu. Hình như đại úy suýt chết trong trận ấy?
Tôi càng ngạc nhiên hơn, không hiểu tại sao người nữ tu này biết rõ mình như thế. Tôi vừa trả lời vừa nghĩ ngợi, thăm dò:
– Dạ đúng, nhưng sao sœur biết. Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi mà. Sœur Anna không trả lời mà hỏi lại tôi: – Đại úy thoát chết, nhưng người nằm hố bên cạnh thì bị nguyên một quả đạn súng cối 60 hay 80 gì đó, phải không?
Tôi giật mình, từ ký ức hiện ra rất nhanh hình ảnh hãi hùng này, và ngay lúc ấy, trước mắt tôi sœur Anna cũng phảng phất bóng dáng của một người con gái khác. ***
Vào khoảng đầu mùa hè năm 1966, tôi đang làm đại đội phó Đại Đội 3 thuộc Tiểu Đoàn 3/44. Thời gian này hậu cứ tại Ban Mê Thuột, nhưng tiểu đoàn được chọn làm đơn vị trừ bị lưu động cho Sư đoàn và Khu 23 Chiến Thuật. Thời ấy chưa có các đại đội trinh sát. Đơn vị tôi có mặt gần như trên khắp lãnh thổ Khu 23 Chiến Thuật, kéo dài từ vùng cao nguyên có biên giới với Cam Bốt cho đến tận miền duyên hải. Có khi hôm trước còn hành quân ở Quảng Đức, Lâm Đồng, hôm sau lại có mặt ở Bình Tuy, Tuy Hòa, Phan Thiết…
Một hôm, sau cuộc hành quân dài hạn ở khu Cà Ná, thuộc tỉnh Ninh Thuận, tiểu đoàn được lệnh di chuyển về Cam Ranh, vừa nghỉ dưỡng quân vừa giữ an ninh các đảo ngoài khơi để lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu đổ quân xuống đây thiết lập căn cứ.
Trong một đợt bổ sung quân số, đại đội tiếp nhận ba hạ sĩ quan và gần hai mươi tân binh vừa rời khỏi quân trường. Tôi đến bộ chỉ huy tiểu đoàn nhận lãnh và đưa về trình diện anh đại đội trưởng. Trong ba trung sĩ, một anh có dáng dấp, nói năng hiền lành như một thầy tu. Xem qua lý lịch và nhất là sau khi nói chuyện, tôi biết anh là thầy giáo một trường dòng và cũng là trưởng ca đoàn của một nhà thờ ở ngoại ô thành phố Nha Trang, quê hương tôi. Tôi không phải là người Công giáo, nên không mấy am tường các sinh hoạt này, nhưng biết chắc một điều, trưởng ca đoàn phải là một người hát hay và giỏi về nhạc lý. Vốn có máu văn nghệ, lại là người đồng hương, nên tôi dễ thân tình và thường bắt anh hát cho cả đại đội nghe. Tôi đề nghị anh đại đội trưởng cho anh làm Hạ Sĩ Quan Tâm Lý Chiến của đại đội. Từ đó chúng tôi rất thân nhau, ăn cơm chung và treo võng ngủ gần nhau dưới một vòm cây dương liễu.
Thấy anh có cái tên hơi lạ, Nguyễn Phú Hùng Em, tôi đoán và hỏi anh có phải anh có người anh tên Nguyễn Phú Hùng Anh. Anh cười mà nét mặt không vui:
– Dạ, đúng là có một người là Nguyễn Phú Hùng Anh, nhưng không phải là anh ruột. Chúng tôi lớn lên trong viện mồ côi, vì trùng tên, và anh ấy lớn hơn tôi ba tuổi, nên các sœur đặt lại tên chúng tôi như thế. Bọn tôi cũng rất thân nhau và xem như anh em. Điều buồn, là anh ấy đi lính trước, vào Trường Sĩ QuanThủ Đức và tử trận cách nay hơn một năm rồi.
Thời gian này, đơn vị chúng tôi rất may mắn, chẳng khác nào được đi nghỉ mát. Hải đảo lại là nơi thực tập cho các toán Biệt kích của Trung Tâm Huấn Luyện Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Bà Thìn, nên khá an toàn. Suốt ngày bọn tôi chỉ tắm biển, câu cá, ban đêm nằm nghe sóng vỗ, đàn hát nghêu ngao. Có lẽ đây là thời gian đặc biệt thoải mái nhất trong cuộc đời làm lính của tôi. Nhân cơ hội hiếm hoi này, ông Tiểu đoàn trưởng cho phép binh sĩ được luân phiên đón vợ con ra thăm và được ở lại trong hai tuần lễ.
Một hôm anh Trung sĩ Hùng Em xin tôi cho được đón người yêu mà anh cho biết, nếu anh không bị động viên thì chắc hai người đã làm đám cưới. Tôi sắp xếp, dọn sang nằm với người lính ô-đô và nhường chiếc võng lại cho anh. Cả Nhà Thờ Núi Nha Trang bọn tôi khá bất ngờ khi anh đưa người yêu đến chào. Là một cô con gái đẹp, làn da trắng, khuôn mặt phúc hậu, đôi môi mọng đỏ với nụ cười hiền lành, lễ độ. So với anh, cô còn khá trẻ. Cô có cái tên cũng rất khả ái: Thụy Khanh. Đặc biệt còn có giọng hát rất hay. Mỗi lần cô hát, cả đám lính tráng bọn tôi ngồi nghe mê mẩn.
Sau đó, cô đến đảo thăm anh vài lần nữa. Những ngày có cô, núi rừng trên đảo dường như bỗng trở nên đẹp, thơ mộng và vui vẻ hơn, sóng biển thì êm ả hơn như để cùng hòa theo tiếng hát của cô. Ngoài ra cô còn có tài nấu ăn, thường đãi bọn tôi những bữa cơm rất ngon miệng. Tất cả đơn vị, từ quan tới lính ai cũng nghĩ anh Trung sĩ Hùng Em thật là tốt phước, ông trời đã cho anh một người tình, một người vợ lý tưởng sau này. Qua tâm tình, chúng tôi được biết, hai người quen biết nhau trong viện mồ côi từ khi còn rất nhỏ. Sau này anh vừa là thầy dạy học, dạy nhạc vừa là trưởng ca đoàn của cô trong cùng một nhà thờ. Hai người đều chơi dương cầm và hát hay nhất trong ca đoàn. Tình yêu bắt đầu nẩy nở từ môi trường cô nhi và âm nhạc. Và cuộc tình của hai người được các vị linh mục cùng các sœur đồng tình, khuyến khích, như là một sự kết hợp nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Hơn ba tháng thần tiên ở đảo Cam Ranh, khi các đơn vị tiền trạm của Hoa Kỳ được ào ạt đổ xuống thành lập “Cam Ranh Air Base”, tiểu đoàn tôi có lệnh rời khỏi đảo, di chuyển để tiếp tục lưu động khắp nơi. Lâm Đồng, Bình Thuận rồi Ninh Thuận, Sau những cuộc hành quân dài hạn trong rừng, mỗi lần đơn vị được về phố ít ngày hoặc đóng quân trong các làng mạc nằm khu ngoại ô, chúng tôi lại thấy người con gái xinh đẹp Thụy Khanh đến thăm và ở lại với người yêu. Đó là một đôi tình nhân gắn bó, đẹp và lãng mạn nhất mà bọn tôi chứng kiến, và có lẽ ai cũng thèm thuồng có được một hạnh phúc như thế.
Tháng bảy năm 1966, khi đơn vị nghỉ quân ở Tháp Chàm – Phan Rang, Trung sĩ Hùng Em xin một tuần phép đặc biệt để về Nha Trang làm đám hỏi. Anh bảo cả hai người đều không có cha mẹ anh em, nên lễ đính hôn đều do các vị linh mục và các sœur đỡ đầu tổ chức.
Đúng lúc anh vừa mãn phép trở lại, thì đơn vị có lệnh không vận khẩn cấp lên Ban Mê Thuột để tiếp viện cho một đơn vị Biệt Động Quân và Thiết Giáp bị thiệt hại khá nặng tại trận chiến Quảng Nhiêu, nằm phía Tây Bắc, cách thành phố Ban Mê Thuột khoảng hơn mười cây số. Trận chiến khá cam go, ác liệt. Một lực lượng địch cấp trung đoàn, sau khi tổ chức phục kích gây tổn thất cho chi đoàn Thiết Quân Vận và một đại đội Biệt Động Quân tùng thiết, bọn chúng đào nhiều giao thông hào và hầm hố cá nhân kiên cố trong các vườn cà phê, để chặn đánh các cánh quân của ta tiếp viện. Tiểu đoàn tôi cùng một chi đoàn Thiết Vận Xa khác được tăng phái cho Trung Đoàn 45, đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Võ Văn Cảnh, đảm trách cuộc hành quân phản công, bao vây tiêu diệt địch.
Địch chiếm ưu thế về vị trí, chuẩn bị trận địa, bên ta có sức mạnh của thiết giáp và không yểm. Sau suốt năm ngày đêm không ngủ, lăn mình trong mịt mù lửa đạn quần thảo với địch, cuối cùng chúng tôi đã đạt được chiến thắng. Một số lớn địch quân bị tiêu diệt và bắt sống, nhưng bên ta cũng phải trả một cái giá không nhỏ. Đại đội tôi may mắn, chỉ có ba quân nhân tử trận và khoảng mười người bị thương, trong đó có anh đại đội trưởng. Tôi được chỉ định tạm thời chỉ huy đại đội.
Cuộc hành quân vẫn chưa kết thúc, một số đơn vị tiếp tục truy kích địch, riêng tiểu đoàn tôi được lệnh ở lại Quảng Nhiêu. Ban ngày tung các cuộc hành quân tảo thanh chung quanh, ban đêm phòng thủ bảo vệ khu vực dân cư, mà đa số là người Công giáo, đề phòng địch quay lại quấy rối, phục thù. Đại đội tôi được chỉ định bảo vệ một Pháo đội Pháo Binh 105 ly. Điều tồi tệ là vị trí Pháo đội này nằm trên một khu đất trống trải, trong phòng tuyến và cả phía bên ngoài cũng không có một cành cây, dưới đất chỉ toàn là bụi đỏ, dày cả một gang tay. Mỗi lần Pháo binh tác xạ, cả đất trời gần như chỉ toàn là bụi. Đám lính chúng tôi từ đầu tới chân cũng phủ đầy bụi đỏ. Đơn vị Pháo Binh thì đã có sẵn hầm hố kiên cố từ trước, còn đại đội tôi phải tự đào lấy những hố cá nhân, nhưng không thể đào sâu được, vì dưới đất chỉ toàn bụi và bụi, đào đến đâu bụi đỏ tràn theo tới đó, và mỗi lần Pháo Binh tác xạ, những cái hố này bị bụi lấp cạn thêm. Ban đêm, chúng tôi nằm trong những chiếc hố ấy, nhưng không che đủ nửa thân người. Cái hố của tôi dành cho hai người nằm, tôi và anh Hạ sĩ mang máy truyền tin. Hố kế bên trái là Trung sĩ Hùng Em và anh lính ô-đô của tôi.
Một hôm, khoảng hai giờ sáng, khi tôi đang ngủ chập chờn, bỗng một tiếng nổ chát chúa ngay bên cạnh, mảnh đạn và bụi phủ đầy người, tôi bật dậy chụp vội cây súng chạy ra hàng rào phòng thủ, nơi vọng gác có đặt khẩu đại liên. Rờ nắn vội qua khắp người xem có thương tích gì không, tôi thở phào vì không thấy dấu hiệu đau đớn nào, nhưng khi các trái sáng bắn lên, nhìn bụi đỏ phủ đầy người tôi giật mình cứ ngỡ là máu. Địch quân đã pháo kích chúng tôi hơn 10 quả bằng hai khẩu súng cối 61 ly từ hai địa điểm khác nhau. Pháo Binh đã phản pháo chính xác làm bọn chúng câm họng. Khi tình hình ổn định, trở về hố, tôi bàng hoàng nghe anh lính ô-đô báo là Trung sĩ Hùng Em đã chết. Anh đã lãnh nguyên một quả đạn 61 ly, rớt ngay sát bên cạnh, ruột đổ ra ngoài và thân thể nhuộm đầy máu. Điều kỳ lạ, là anh lính ô-đô của tôi nằm ngay một bên mà không hề hấn gì, chỉ có áo quần dính đầy máu và thịt của người đồng đội xấu số. Tôi theo hai người lính khiêng thi thể Trung sĩ Hùng Em, được gói tạm trong tấm poncho, vào hầm cứu thương của Pháo Đội. Anh chết thật thê thảm. Tôi đứng lặng người, sau khi vuốt đôi mắt cho anh. Từ khi ấy cho đến sáng, tôi không hề chợp mắt. Tôi nghĩ đến Thụy Khanh, cô con gái xinh đẹp hiền thục, có giọng hát khuấy động cả trái tim người, vừa trở thành vị hôn thê của anh chỉ mới hai tuần trước. Trưa hôm qua, khi rủ nhau vào thăm ông cha xứ trong xóm đạo và để xin được tắm giặt ở cái giếng sâu phía sau nhà thờ, anh đã khoe tôi tấm hình anh chị chụp chung trong lễ đính hôn, và bảo rằng cuối năm này hai người sẽ làm đám cưới. Anh còn nói nhỏ với tôi, ông cha xứ của anh hứa sẽ giới thiệu anh với vị Linh mục Tuyên Úy của Sư Đoàn để xin anh về làm ở Phòng Tuyên Úy, vì hai ngài là bạn tu với nhau và được thụ phong cùng một ngày.
Nhớ tới hai khuôn mặt hiền lành với nụ cười rạng rỡ trong tấm hình đính hôn, lòng tôi se lại. Chiến tranh tàn ác quá, đã chia ly biết bao nhiêu người, và làm dang dở biết bao mối tình đẹp đẽ như anh Hùng Em và cô gái Thụy Khanh. Tôi bỗng chạnh lòng, nhớ tới người yêu, cũng là vị hôn thê của chính mình, hằng đêm cầu nguyện cho tôi, từ một thị trấn nhỏ, mà giờ đây đang xa tít mịt mùng.
Một năm sau đó, tôi được nghỉ mười lăm ngày phép về Nha Trang làm đám cưới. Nhớ đến Hùng Em, tôi rủ vợ cùng tìm đến nhà thờ gần khu Đồng Đế để hỏi thăm tin tức về nơi chôn cất anh. Chúng tôi được một vị linh mục trẻ đón tiếp niềm nở và hướng dẫn đến thăm mộ Hùng Em, nằm trong một nghĩa trang nhỏ của giáo xứ, gần biển. Từ đó, tôi có thể nhìn thấy Hòn Chồng, nơi chôn giấu nhiều hang động của tuổi thơ tôi. Đọc trên tấm bia, tôi thấy tên người lập mộ được ghi vỏn vẹn hai chữ: Thụy Khanh.
Nhớ tới người con gái xinh đẹp, phúc hậu, có giọng hát rất hay ấy, tôi hỏi vị linh mục:
– Thưa cha, chị Thụy Khanh, vị hôn thê của anh Hùng Em có khỏe không, và bây giờ chị đang ở đâu?
Vị linh mục buồn bã:
– Chị ấy đã di chuyển đến một nơi khác, khoảng ba tháng sau khi anh Hùng Em qua đời, nhưng thi thoảng chị có ghé về đây ít hôm thăm giáo xứ và viếng mộ anh ấy.
Tôi không dám tò mò thêm nữa. Cám ơn cha và đưa ngài về lại nhà thờ rồi xin phép cáo từ.
Sau đó, cuộc chiến ngày càng khốc liệt, tôi theo đơn vị hành quân liên miên, bao nhiêu lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Người lính chiến, chuyện sống chết chỉ tùy vào số mệnh, không ai có thể tránh được lằn tên mũi đạn. Đồng đội tôi đã có biết bao người ngã xuống. Có những cái chết còn thê thảm hơn cả cái chết của anh Trung sĩ Hùng Em lúc trước. Tôi đã chứng kiến cảnh một người vợ trẻ ngất xỉu khi đến nhận xác chồng mà không tìm thầy cái đầu, một bà mẹ đã lăn đùng ra chết ngất khi thi thể đứa con hy sinh chỉ còn lại một phần và bà không thể nhận diện được con mình. Những khủng khiếp của chiến tranh sau này, cùng với thời gian, dần dà làm tôi tạm quên nhiều chuyện đau đớn cũ.
– Ông Trung úy Điệp, người Huế, làm đại đội trưởng lúc ở ngoài Cam Ranh, bây giờ ra sao rồi, đại úy?
Câu hỏi của sœur Anna làm tôi giật mình, trở về thực tại:
– Dạ, anh Điệp đã chết lâu rồi. Anh tử trận tại Thiện Giáo – Phan Thiết, chỉ sau hai tuần làm đám cưới với cô giáo Diệu, cũng người Huế, nhưng sống ở Ninh Hòa. Hai người quen nhau khi đơn vị tôi về thụ huấn bổ túc tại TTHL Lam Sơn. Không ngờ sœur vẫn còn nhớ tên anh ấy.
Sœur cúi xuống, trầm ngâm giây lát. Khi ngước lên, bà lấy khăn tay lau nước mắt.
– Tôi và anh Hùng Em cũng làm đám hỏi đúng hai tuần. Cô giáo Diệu nào đó không biết may mắn hay là bất hạnh hơn tôi khi đã được làm vợ, cũng chỉ mới hai tuần?
Vừa nói xong, sœur vội vàng nói lời xin lỗi, bảo đúng ra, một người đi tu, không nên suy nghĩ đến những điều như thế.
Bốn tháng sau lần gặp gỡ bất ngờ đó, tôi đến thăm cô nhi viện môt lần nữa, nhưng lần này, tôi cùng đi với cô trung úy Trưởng Ban Xã Hội, để giới thiệu với sœur Anna, nhờ cô nhi viện tạm chăm sóc hai đứa bé, con của một anh chuẩn úy. Cả hai vợ chồng bị chết bởi đạn pháo ở Kontum. Sœur Anna rất vui vẻ, ân cần, sẵn sàng nhận giúp và bảo tôi bất cứ khi nào có dịp về Pleiku, nhớ ghé lại thăm. Chúng tôi cám ơn, biếu cô nhi viện một ít tiền, và hứa nhất định sẽ trở lại thăm sœur và hai đứa bé.
Nhưng rồi tôi đã không giữ được lời hứa ấy. Từ đầu năm 1973, sau khi Mỹ ký hiệp định Paris trên xương máu của người bạn đồng minh, những người lính VNCH đã phải chống đỡ làn sóng xâm lăng của Cộng sản phương Bắc, ồ ạt đưa đại quân, xe pháo vào quyết chiếm miền Nam, tôi đã cùng đồng đội miệt mài với chiến trường, súng đạn, mà sự viện trợ ngày một cạn dần, nên xương máu anh em lại càng đổ ra nhiều hơn nữa.
Ngày 11.3.75, Ban Mê Thuột thất thủ. Đơn vị tôi đang hành quân ở khu vực Tây Nam Pleiku, có lệnh kéo về Hàm Rồng để được trực thăng vận xuống Phước An, quân lỵ cuối cùng còn lại của tỉnh Đắc Lắc, nhằm tái chiếm Ban Mê Thuột, nơi có bản doanh Sư Đoàn và hậu cứ của đơn vị chúng tôi. Khi BCH Trung Đoàn và một tiểu đoàn cùng đại đội Trinh Sát vừa được đổ xuống Phước An thì Pleiku có lệnh di tản. Hai tiểu đoàn còn lại của chúng tôi phải di chuyển theo đoàn quân di tản trên Tỉnh Lộ 7B. Một kế hoạch triệt thoái tồi tệ đã đưa đến thất bại nặng nề bi thảm. Cả hai tiểu đoàn khi về đến Tuy Hòa chỉ còn lại một phần tư quân số, hai anh tiểu đoàn trưởng đã phải tự sát để không lọt vào tay giặc.
Cuối cùng, miền Nam cũng mất. Tôi và cả cha tôi đều bị tù đày khốn khổ. Cha tôi, tuổi già sức yếu, không đủ sức để chịu đựng bao đòn thù tra tấn, hành hạ, nên đã chết trong trại tù Đá Bàn vào tháng 6 năm 1976, còn tôi bị đày ải qua nhiều trại tù, từ Nam ra Bắc. Sau gần tám năm tôi được thả về để chứng kiến một quê hương nghèo khổ điêu tàn, vợ con nheo nhóc. Tôi quyết định vượt biên, dù có phải chấp nhận bao hệ lụy khôn lường. Tôi rủ vài người bạn tù cùng tổ chức vượt biển, trong số này có một anh bạn nguyên là sĩ quan Hải quân có nhiều kinh nghiệm hải hành. Nơi bọn tôi hẹn gặp gỡ là một cái quán nhỏ của gia đình người bạn tù khác nằm gần khu Hòn Chồng. Một hôm, sau khi bàn công việc và ăn uống xong, tôi bỗng nghĩ tới anh Trung sĩ Hùng Em, khi nhớ ngôi mộ của anh cũng nằm gần nơi này. Tôi nhờ anh bạn chở tôi đến đó. Vì nghĩa trang nhỏ, nên tôi dễ dàng tìm ra ngôi mộ của anh Hùng Em. Điều làm tôi sửng sờ là ngôi mộ nằm bên cạnh có tấm bia ghi đậm tên người quá cố: Sœur Anna Phan Thụy Khanh, được Chúa gọi về ngày 15.3.1975. Tôi không biết vì sao cô chết, chỉ còn nhớ thời gian này đã từng xảy ra cuộc di tản kinh hoàng trên Tỉnh Lộ 7B. Chúng tôi tìm đến nhà thờ với ý định hỏi thăm cha xứ, nhưng rất tiếc ngài đi vắng, trong nhà thờ chỉ có hai thiếu niên rất trẻ, không hề biết sœur Anna là ai. Khi rời khỏi nơi này, trong cái man mác buồn tôi bất chợt thấy vui vui, và buột miệng như để nói với chính mình:
-Cuối cùng thì hai người cũng được ở bên nhau.
Tôi chưa (và có lẽ không) có cơ hội nào để trở lại Pleiku. Ngày xưa, tôi chỉ ghé lại thành phố bụi đỏ này một đôi lần ngắn ngủi, như chỉ một thoáng chợt đến chợt đi, chưa hề làm quen với một “em Pleiku má đỏ môi hồng”nào. Ngoài Đồi Đức Mẹ, nơi đơn vị đóng quân một tháng, cả một tháng “gió lạnh mưa mùa”, tôi chỉ còn nhớ cái quán rượu trong Khu Chợ Mới, nơi anh bạn Biệt Động Quân đưa tôi đến để tìm những cơn say, và một ngôi trường được dùng làm cô nhi viện, nơi có sœur Anna xinh đẹp, đã gợi lại trong tôi hình ảnh của những đồng đội đáng mến mà vắn số như Nguyễn Phú Hùng Em. Tôi da diết nhớ đơn vị xưa, thời chúng tôi còn trai trẻ, nhớ từng khuôn mặt bạn bè đã nằm lại trên các chiến trường xưa hay đang lưu lạc muôn phương, tiếc thương cho cuộc tình đẹp của những người lính trẻ, lãng mạn, thơ mộng, nồng nàn nhưng sớm chia lìa đớn đau bởi cuộc chiến tranh oan nghiệt. 
Phạm Tín An Ninh

Tuesday, March 9, 2021

MỐI TÌNH CHUNG THỦY

Utsui Ken là một nam diễn viên nổi tiếng Nhật Bản. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Tokyo. Gia đình ông sở hữu một nhà hàng ẩm thực nhưng bản thân Utsui đam mê sân khấu từ nhỏ và muốn theo ngành diễn viên.
Thế nhưng ước mơ này bị người lớn trong nhà phản đối kịch liệt bởi ngành nghề ấy trong mắt những nhà quý tộc là thấp kém. Sau đó, Utsui được đưa đến Đại học Waseda học tập ngành Văn học.
Chán nản, ông thường xuyên đến Izakaya (quán rượu sake) gần trường để uống vài ly. Không phải vì nhà hàng này cao cấp mà ở đó có cô phục vụ xinh đẹp Fumie Kase.
Kase mới 17 tuổi, xinh xắn và ngọt ngào, vô cùng sôi nổi. Trong mắt Utsui, Kase đến từ vùng nông thôn và có khí chất đáng yêu, khác biệt với nhiều cô gái gò bó, già dặn ông biết.
Sau đó, Utsui đã tâm sự về câu chuyện của mình cho Kase nghe. Cô gái nhỏ thoải mái đáp lời: "Nếu anh hướng tới ước mơ của mình thì phải kiên trì. Nhất định nó sẽ thành hiện thực".
Sau đó Kase nâng chiếc túi nhỏ trên tay lên và nói: "Ước mơ của tôi là bắt đầu tiết kiệm tiền từ bây giờ để mở cho mình một cửa hàng riêng trong tương lai".
Lúc đó, Utsui bật cười rồi bỏ vào đó số tiền hơn 1500 Yên (khoảng 330 nghìn đồng) và nói: "Tôi sẽ là người đầu tiên giúp cô".
Vài ngày sau, Utsui quay lại quán nhưng không có Kase ở đó. Nhà hàng yên tĩnh trở nên ảm đạm hơn và trái tim ông trống rỗng.
Khi ông đang say sưa thì Kase đột nhiên xuất hiện, đưa một đống tài liệu cho ông rồi nói: "Tôi cũng muốn giúp anh trở thành người đầu tiên thực hiện ước mơ của mình".
Đó là tài liệu tuyển sinh của toàn bộ hội biểu diễn nghệ thuật khu vực Tokyo cũng như các khóa đào tạo. Bà đã tìm kiếm tài liệu khắp nơi ở Tokyo - nơi xa lạ với chính bà để thu thập tất cả.
Đêm đó, nhìn ánh mắt dịu dàng và thẹn thùng đó, Utsui không kiềm lòng được mà ôm bà vào lòng.
Bà nhìn thẳng với vẻ mơ màng rồi bất chợt thổ lộ: "Em vẫn còn một ước mơ khác đó là làm vợ anh".
Đột nhiên, gương mặt nghiêm khắc của bố mẹ hiện lên trong đầu Utsui, ông nhận ra rằng người phụ nữ này không bao giờ có thể làm vợ mình. Ông bất ngờ thả tay đang ôm lấy vai bà rồi xoay người bỏ đi.
Utsui sinh ra trong gia đình quý tộc, ông có trách nhiệm thừa kế gia tộc và hiểu rõ ai mới có thể sánh đôi cùng mình, được gia tộc ủng hộ. Nhiều ngày liền Utsui không đến quán rượu đó nữa. Ông nhớ lại nụ cười của bà biến mất khi mình đẩy ra. Ông đau đớn khi cảm nhận thấy mối tình đầu chớm nở đã tan vỡ. Sự đau đớn ấy khiến ông quyết tâm vùng lại và cho rằng khác biệt về địa vị không quan trọng.
Ông quay lại quán rượu nhưng Kase đã rời đi. Lúc đó, ông quyết tâm theo lời bà nói, làm những gì mình muốn làm.
Cuộc hôn nhân vào những ngày cuối cuộc đời
Ông bỏ học và được nhận vào khóa đào tạo của một công ty sân khấu. Sau khi tốt nghiệp, ông đóng hai bộ phim và bắt đầu có tên tuổi.
Năm 23 tuổi, nhờ sự sắp đặt của người khác, ông kết hôn với tiểu thư Abe Chieko và sinh được một người con trai.
Năm 1962, Utsui đến Nagoya để quay phim. Khi rảnh rỗi, đoàn làm phim đã đến một nhà hàng nổi tiếng nhất địa phương để tụ họp. Sau đó, Utsui thấy một bóng dáng quen thuộc.
Ông không gặp bà 10 năm nhưng nhận ra trong nháy mắt. Bà chủ nhà hàng trưởng thành, xinh đẹp và thanh lịch.
Hôm đó, ông say khướt. Kase đã đích thân chăm sóc, hỏi han nhiều điều. Bà cười nhẹ nói với ông: "Để xứng với anh, em có thể làm bất cứ điều gì".
Từ số tiền nhỏ ngày xưa ông tặng, bà đã tự mình cố gắng lao động rồi đứng lên làm chủ.
Cuối tuần sau, ông lại đến Nagoya.
Người vợ nhạy cảm và tinh tế đã cảm nhận thấy sự khác lạ của chồng. Bà ý tứ để bên cạnh Utsui một tờ báo. Nội dung trên đó là chuyện một ngôi sao nổi tiếng đã xin lỗi công khai do bê bối đời tư khiến danh tiếng của anh ta sụt giảm nghiêm trọng.
Điều này thức tỉnh Utsui. Ông là người đàn ông có trách nhiệm nên không thể làm gì có lỗi với gia đình.
Sau đó, vợ của Utsui mắc bệnh ung thư máu. Ông vừa chăm sóc vợ, chăm con, lo cho sự nghiệp và đành chôn chặt nỗi nhớ Kase vào lòng.
Kase thì càng thành công trong sự nghiệp. Bà có công việc kinh doanh lớn mạnh, có những tập tiểu luận xuất hiện ở báo chí và thậm chí sản xuất phim.
Người phụ nữ ấy chưa từng kết hôn. Bà muốn đợi, không biết có đợi được không nhưng vẫn kiên quyết đợi.
Lúc đó, bà bước vào tình yêu này đơn thuần nhưng ai ngờ, suốt hàng chục năm mối quan hệ ấy vẫn khiến bà không thể quay đầu.
2 năm sau ngày vợ đổ bệnh, Utsui mới có thời gian đến Nagoya. Lúc đó ông thúc giục Kase tìm đàn ông tốt để kết hôn. Bà lắc đầu cười rồi nói đùa: "Mấy ngày nữa phim mới ra mắt. Nếu ngày nào cũng được nhìn thấy anh trên Tivi thì hay đấy".
Câu nói này khiến cho Utsui sự nghiệp đang xuống dốc không phanh tỉnh ngộ. Sau năm 1965, ông chuyển hướng đóng phim truyền hình và đạt đến đỉnh cao khi bước vào tuổi trung niên. Ông và Kase vẫn giữ mối quan hệ tri kỷ, không đi quá giới hạn. Tình cảm ấy gia đình Utsui đều biết cả.
Năm 2006, người vợ hơn 40 năm kết hôn của Utsui qua đời. Ông đã ở bên vợ và chăm sóc cho bà suốt hàng chục năm bệnh nặng như thế.
Sau này, Utsui muốn tiến tới với Kase nhưng gia đình và bạn bè của ông phản đối. Biết được điều ấy, Kase quyết định ra nước ngoài nghỉ ngơi. Trong thời gian ấy, Utsui rơi vào cảnh cô đơn và sức khỏe trở nên tồi tệ.
Kase biết chuyện nên quyết định về nước, đến bên để chăm sóc ông bất chấp những ánh mắt của người khác. Bà đưa ông đến Hawaii với trời biển xanh ngắt và giúp ông quên đi những muộn phiền.
Bà không quan tâm tin đồn, gác lại công việc kinh doanh để đồng hành với ông trên phim trường. Nhờ sự chăm sóc của Kase mà Utsui đã đóng phim đến tận năm 80 tuổi.
Phải mất nửa thế kỷ, hai người mới đường hoàng xuất hiện cạnh nhau mà không lo sợ điều gì nữa. Tình trạng của Utsui ngày càng tồi tệ và thường xuyên phải nhập viện.
Bà chăm sóc ông cả năm trời ở viện, những điều tiếng hay lời phản đối đều tan biến tất cả trước tình cảm sâu đậm của cả hai.
Tháng 3/2014, Utsui cảm nhận thời gian không còn bao nhiêu nên cầu hôn Kase: "Em lấy anh nhé".
 
Câu nói mà bà mong đợi cả đời cũng đã được thốt ra. Nhưng đối mặt với nó là thời gian của Utsui đang ít dần đi. Kase đã bật khóc nức nở.
Ngày 14/3, trong ngày Valentine trắng, Utsui khoác bộ vest đen mới tinh, hoàn thành lễ cưới với Kase dưới sự chứng kiến và ủng hộ nhiệt liệt từ người thân, bạn bè.
Khi nghe tin Kase đã chính thức được nhập khẩu vào gia đình Utsui, trở thành một người trong dòng tộc nhà mình, ông thốt lên với giọng yếu ớt: "Tuyệt vời quá". Sau đó, ông qua đời trong vòng tay của Kase.
Ba ngày sau, Kase tổ chức tang lễ cho chồng. Sau này, bà chia sẻ trong cuộc phỏng vấn: "Đó là ngày Valentine trắng tuyệt vời nhất mà tôi từng trải qua. Cuối cùng tôi cũng có một gia đình tuyệt vời".
Tình yêu mãnh liệt này đi từ tuổi trẻ đến khi đầu bạc trắng. Nó có đủ sự cẩn trọng, tự giác, sâu sắc, dịu dàng và hi sinh. Vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, cuối cùng họ đã có câu trả lời cho tình cảm thanh xuân bị bỏ lỡ.
ST

Monday, March 8, 2021

Las Vegas Họp Mặt Alexis Park All Suite Resort Friday 5/14/2021 to Monday 5/17/2021

Alexis Park All Suite Resort for our upcoming Las Vegas Reunion from Friday 5/14/21 to Monday 5/17/21 with the discounted room rate & reduced resort fee as follows:

Friday 5/14/21: 
$75.00 room + $15.00 resort fee (reduced from $33.00) + tax = $102.04 total
Saturday 5/15/21:
$75.00 room + $15.00 resort fee + tax = $102.04 total
Sunday 5/16/21:
$50.00 room + $15.00 resort fee + tax = $73.70 total

The above rates are offered for the Deluxe Monarch Suite (King Bed or 2 Double Beds) or Deluxe Studio Suite (Queen Bed).

*  Free parking & WiFi for registered guests.
*  Free luggage storage for early arrivals (check in time is 4:00 p.m.) 
        & late departures (check out time is 11:00 a.m.)

- Call (800) 582-2228 or (702) 796-3322 for reservation. YOU MUST MENTION "JIMMY TONG NGUYEN REUNION" OR GROUP CODE: HOPM021 to get these special rates. 
 
Optional:
For guests who choose to arrive 2 days prior to or remain 2 days after the event dates, a discounted rate of $50.00 room + $15.00 resort fee + tax = $73.70 total for each night for the Monarch or Parlor Suites is also offered based on hotel's availability.

Deadline for Reservation:   April 30, 2021!
Stay tuned for additional updates/agenda!  Hope to see you soon!  Please stay well & stay safe!

Sunday, March 7, 2021

NGƯỜI KHỎE TẠI SAO LẠI ĐỘT TỬ

“Đột tử” thường xảy ra vào đêm khuya hoặc sáng sớm. Khi gặp gió lạnh mùa Đông tràn về chúng ta phải thay đổi thói quen sinh hoạt, đừng nghĩ rằng mình còn trẻ mà không phòng bệnh.
Bài viết của Tác giả: Hoàng Tuyên (bác sĩ chuyên về nội khoa  lồng ngực và  bệnh hiểm nghèo, bệnh viện Từ Tế Đài Trung) ngày 01 tháng 02 năm 2020. Người dịch Tô Duy Tiệp 
***
Hôm qua rất lạnh, toàn Đài Loan có khoảng 50 người bị đột tử, nếu cứ tiếp tục lạnh nữa e rằng sẽ có hàng trăm người bị đột tử.

Mọi người chắc sẽ rất hiếu kỳ muốn biết rằng với những người đang khỏe mạnh, tại sao lại đột nhiên qua đời? 
Đặc biệt với những người không có tiền sử bệnh về máu, lại luôn uống thuốc đúng giờ, cũng không hút thuốc, không thức đêm, không uống rượu, trước khi đột tử đều không có hiện tượng bất thường?

Trong điều trị lâm sàng thì những vấn đề này thường được đề cập tới, thì đúng rõ ràng là đã mặc áo ấm rồi, vậy tại sao vẫn bị đột tử? 

Tôi điều trị những bệnh nhân này trong phòng chẩn bệnh lý hiểm nghèo, phát hiện ra rằng thực tế thì nguy cơ này xuất phát từ trong những thói quen hàng ngày, chứ không phải là mặc bao nhiêu quần áo ấm: 

Khi tỉnh giấc là bật ngay dậy: 
Vào mùa Đông khi tỉnh dậy, ta nên nằm nán lại trên giường một lát rồi từ từ nhỏm dậy chứ không phải chui luôn khỏi tấm chăn ấm, chẳng ai đọ tốc độ xuống giường với bạn nhé! 
Bạn cần biết rằng độ ấm trong chăn là để cứu mạng, đừng có đột nhiên kéo tuột đi cách giữ ấm này. Khi làn da không có phương pháp bảo vệ nào mà tiếp xúc ngay với không khí lạnh thì phản ứng là co lại khiến mạch máu trong cơ thể đương nhiên cũng sẽ co lại.
Hãy xác nhận rằng trước khi ra khỏi chăn ta đã mặc sẵn một cái áo khoác ấm để cơ thể và chân tay được ấm áp.

Lúc đánh răng rửa mặt: 
Sau khi thức dậy, mọi người sẽ vào nhà vệ sinh, hãy hòa nước nóng và lạnh để có nước ấm, rồi mới đánh răng rửa mặt tránh toàn bộ mặt và mạch máu bị cấp đông mà co lại.
Đừng nghĩ rằng khi đánh răng rửa mặt thì chỉ bị lạnh một lát trên mặt, phòng tắm vừa ẩm vừa lạnh chính là nơi cần phải chú ý nhất.

Lúc cởi đồ: 
Ngâm hay tắm bằng nước nóng thì rất thoải mái, nhưng bạn đừng quên rời khỏi nguồn nước nóng lúc đó ta chưa mặc đồ, khi những giọt nước ấm trên da đột nhiên tiếp xúc với không khí lạnh khiến cơ thể sẽ run lên bần bật. Hãy để khăn tắm ở nơi tiện lấy nhất, lập tức lau khô nước trên người, và mặc quần áo ngay, mùa Đông không nên cởi bỏ quần áo quá lâu!

Bỏ qua phần tai và cổ
Tôi chứng kiến rất nhiều bệnh nhân đột tử, trước khi chết cổ và tai đều không được bảo vệ, đừng nghĩ rằng mặc ấm cơ thể và chân tay là đã đủ ấm. Tai và cổ bị gió lạnh thổi qua, hai tai thiếu lớp mỡ để giữ ấm, cổ lại là nơi tập trung nhiều dây thần kinh giao cảm nhỏ và mạch máu của não và cơ thể, quàng khăn và bịt tai có thể bảo vệ bạn.

Mặc quần áo sai thứ tự: 
Có lần tôi cấp cứu cho một bệnh nhân đột tử do trụy tim, khi y tá cắt bỏ quần áo mới phát hiện ra, anh ta mặc 2 áo thun và áo khoác, tức là không mặc áo len ngoài áo thun. Hãy mặc áo đúng kiểu "sandwich" với lớp trong cùng là lớp áo lót có thể thấm mồ hôi, rồi đến áo len để giữ thân nhiệt, bên ngoài mới là áo khoác chắn gió chống nước. Khi mặc sai thứ tự thì không giữ ấm được cho cơ thể thì dễ đột tử do mạch máu co thắt.

Đột tử do tập thể dục: 
Tập thể dục là việc tốt, nhưng phải hiểu rõ sinh lý cơ thể của mình, nguyên nhân đột tử do tập thể dục thường thấy như :
- Không khởi động trước tập, dừng lại đột ngột khi tập thể dục với cường độ cao, thiếu oxy tại những vùng núi cao, hoặc khi tập động tác không quen.
- Thông thường khi chúng ta đang ở trạng thái không vận động, máu sẽ chảy ngược về tâm nhĩ và chỉ cần “co tĩnh mạch“ là đủ. Tuy nhiên khi tập thể dục, tim sẽ đập nhanh hơn 6 - 17 lần so với lúc không tập, và lưu lượng máu tới cơ cũng tăng lên 25 lần.
- Khi tiếp xúc với môi trường lạnh, mạch máu của bạn sẽ phản ứng tiếp tục co lại, lúc này lượng máu về tim không đủ nên rất nguy hiểm dẫn đến đột tử.
- Ta cho rằng những trường hợp mặc áo ấm nhưng dễ bị đột tử vào đêm khuya và sáng sớm thì ngoài những người tập thể dục vào sáng sớm, thì đại đa phần đột tử tại nhà.
- Khi cái lạnh bao trùm, chúng ta thay đổi thói quen vẫn chưa đủ, cũng đừng lợi dụng sức trẻ mà không chú ý đến các biện pháp phòng tránh.
- Tỷ lệ đột tử tăng mạnh theo từng năm, độ tuổi phát bệnh càng trẻ hóa, lại dễ phát sinh ở những người có tình trạng sức khỏe tốt, ở độ tuổi trung niên, khiến người thân tiếc thương vô hạn.

Hãy yêu thương gia đình, yêu thương bản thân. Khi trời chuyển lạnh, mọi người chú ý giữ ấm, đừng lơ là.

Hội Hoa Lan: Cách ‘Thay Chậu, Tách Nhánh’

Garden Grove, California (NV) – Vào trưa Thứ Bảy, 21 Tháng Tư, Hội Hoa Lan Việt Nam lại có một buổi sinh hoạt về đề tài “Thay Chậu, Tách Nhánh” để các hội viên có dịp trao đổi những kinh nghiệm trồng lan, do hội nầy tổ chức tại First Presbyterian Church, Garden Grove.

Theo ban tổ chức, đây là một thú vui tao nhã và thắt chặt thêm tình thân hữu giữa các hội viên có cùng chung một niềm say mê ham thích “Thú chơi lan.”

Bà Đặng Hoàng Mai, hội trưởng cho biết: “Hàng tháng, cứ mỗi Thứ Bảy của tuần thứ ba, Hội có buổi họp mặt để các hội viên cùng trưng bày những loại lan của mình đã được chăm sóc tại nhà của họ, cũng như của các nhà vườn là hội viên đã tự ươm trồng. Trong buổi họp mặt cũng có phần chấm điểm xếp hạng về các chậu lan đã được các hội viên mang đến, cũng có cuộc vui nhẹ như xổ số để gây quỹ cho hội và buổi ăn nhẹ.”

“Để có đủ ngân quỹ thực hiện những công việc trên, các hội viên đóng tiền niên liễm chỉ có $30/năm và chỉ $15 tiền mỗi phần ăn cho trọn năm để hội chi phí trong những lần họp mặt. Ngoài ra, cũng có các vị hảo tâm tự nguyện đóng góp thêm về ẩm thực hay những chi phí khác trong những lần hội tổ chức,” hội trưởng cho biết thêm.

Ông Bùi Mạnh Hà, Hội phó nói về cách “Thay Chậu, Tách Nhánh” 
trong buổi tổ chức Sinh hoạt Hội Hoa Lan “Thay Chậu, Tách Nhánh” 
tại First Presbyterian Church, Garden Grove. 
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng theo bà hội trưởng, cứ mỗi lần tổ chức thì có một vài hội viên mới xin gia nhập hội.

Ông Bùi Xuân Đáng, sáng lập viên Hội Hoa Lan Việt Nam từ năm 2004, cho hay: “Mục đích của Hội Hoa Lan Việt Nam là: Tìm hiểu về hoa lan, nhất là những bông hoa hiếm quý mới phát hiện tại Việt Nam, quảng bá một thú vui tao nhã, thắt chặt tình thân ái giữa các hội viên và thân hữu bốn phương, kết giao giữa người Việt chúng ta và người nước ngoài. Vì thế, hội thường có những buổi hội thảo để trình bày việc nuôi trồng lan, đồng thời cung cấp những tài liệu về lan qua các bản tin trên mạng hay đặc san…”

Trong buổi tổ chức, có khoảng 50 chậu lan được trưng bày gồm nhiều loại khác nhau như Dendrobium (Lan Hoàng Thảo), Schomburkia, Cymbidium (Lan đất), Laelia (Cát Lan), Paphiopedilum (Lan Hài)…

Nói về những hội viên thắng giải về sưu tầm các loại lan quốc tế, ông Bùi Mạnh Hà, Hội phó kể: Khoảng bốn năm trước, ông có tìm ra một giống Hoa Lan Kiếm (Lan Đất, vì lá giống như lưỡi kiếm, nên mới gọi là Hoa Lan Kiếm).

“Tôi đã mang giống lan nầy đến triển lãm trong một Hội Chợ Hoa Lan Quốc Tế ở Santa Barbara, thì cây lan của tôi được chiếm giải nhất trên tất cả những loại Hoa Lan Kiếm trong cuộc triển lãm nầy. Đây cũng là điều vinh dự cho tôi, và cũng là niềm hãnh diện cho người Việt Nam chơi lan tại Hoa Kỳ,” ông Mạnh Hà kể.

Cũng theo ông Mạnh Hà, đối với những người Việt ở đây, phong trào chơi lan rất là ngộ nghĩnh, vì khi những người đã bắt đầu “ghiền” về lan, thì phần nhiều họ đã chơi rất nhiều loại lan trên thế giới, nhất là loại lan của Úc Châu, thường được triển lãm trong những buổi Hội Chợ Tết. Vì loại hoa lan nầy nhìn đồ sộ, nở rất nhiều hoa và có thêm mùi thơm nữa, nên rất nhiều người Việt Nam thích trồng loại lan nầy. Những loại lan này thì rất hiếm quý và khó trồng, nhưng thú chơi lan của người Việt mình thì thích sưu tầm những loại lan hiếm quý.

Bà Đỗ Huệ Lạc, hội viên mới, và những chậu lan được triển lãm 
trong buổi tổ chức Sinh hoạt Hội Hoa Lan “Thay Chậu, Tách Nhánh
” tại First Presbyterian Church, Garden Grove. 
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong Hội Hoa Lan Việt Nam thì có rất nhiều hội viên thích trồng những loại lan gốc từ Việt Nam. Nhưng theo thời tiết ở Hoa Kỳ, muốn trồng lan Việt Nam thì không dễ, vì hoa Lan Việt Nam từ gốc Á Châu, nên độ ẩm ở đó cao hơn ở Hoa Kỳ, mặc dù thời tiết nóng, nhưng độ ẩm Việt Nam lại có quanh năm. Còn ở Hoa Kỳ thì độ ẩm rất khô. Vì thế, muốn trồng Lan Việt Nam ở đây thì là điều không dễ từ mùa nóng cũng như mùa lạnh. Nhưng đối với các hội viên người Việt trong hội, khi cực khổ về trồng những giống lan đặc biệt như Lan Việt Nam thì mới thú vị.

Nói về cách thức tách nhánh hoặc thay chậu, ông Bùi Mạnh Hà cho biết, rất nhiều cây lan không ưa thay chậu như: Coelogyne citrina Cuitlauzina pendula Dendrobium Oerstedella schweinfurthianum Sobralia… Nhưng lại có nhiều cây ưa thay chậu tối thiểu một hay hai năm một lần như: Paphiopedilum (Nữ Hài) Phalaenopsis Miltonia,… Tuy nhiên, khi cây đã mọc ra ngoài thành chậu, rễ bị bó chặt sẽ không hút được nước hay lớp vỏ cây đã bị mục nát, thì chúng ta bắt buộc phải thay chậu nếu không sẽ bị thối rễ.

Trường hợp rễ dính chặt lấy chậu, dùng búa cao su gõ xuống miệng chậu hoặc cắt bỏ chậu cũ. Cắt bỏ rễ thối, lấy hết những vỏ cây mục nát ra, cắt bớt các củ, bẹ già không còn lá. Những củ bẹ này không sinh sản được, để lại chỉ chật chỗ. Nhưng cần phải để lại 5 nhánh hay củ tối thiểu là 3, cây mới có đủ sức mọc mạnh. Sau đó rắc bột diêm sinh (Sulfure Powder) hay vôi ăn trầu vào chỗ cắt để trị nấm làm cho thối củ, thối rễ. Lót đáy chậu khoảng 1 đá hay chất xốp (Peanut foam).

Các thành viên trong hội Hoa Lan Việt Nam trong buổi tổ chức 
Sinh hoạt Hội Hoa Lan “Thay Chậu, Tách Nhánh” tại First 
Presbyterian Church, Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Thời gian tốt nhất để thay chậu vào Mùa Xuân, khi cây vừa tàn hoa hay khi cây con mọc mầm và bắt đầu ra rễ mới. Nếu sang chậu không đúng lúc, cây sẽ bị khựng lại có khi bị thối rễ và chết cây.

Hai loại thông dụng nhất là chậu nhựa và chậu bằng đất nung. Chậu nhựa được người ta ưa dùng hơn cả vì rẻ tiền, bền nhưng hay bị đọng nước. Vì vậy, khi dùng chậu nhựa cần khoan thêm lỗ ở ngang hông và dưới đáy. Chậu đất thấm nước, mau khô và thoáng khí cho nên cần tưới nước thường xuyên hơn chậu nhựa. Chậu đất dễ vỡ, thường bị các chất cặn muối, phân bón đóng ở đáy chậu làm cho rễ cây bị cháy.

Nhiều hội viên mang lan của mình đến triển lãm, trong đó có bà bà Ngữ Nguyễn, cư dân Westminster. Theo bà kể, bà đã thích trồng lan hơn 15 năm. Lúc còn ở Việt Nam thì bà cũng có trồng lan, nhưng không có điều kiện thoải mái như bên nầy, vì lúc đó bà còn phải lo công việc để sinh sống.

“Khi sang Mỹ thì mình đã có tuổi và không đi làm việc, nên thời gian cũng cho phép tôi có thì giờ để vui với mấy cây lan. Nhưng trước kia, vì không kinh nghiệm, nên nuôi cây lan nào cũng không sống được lâu. Rồi sau đó tôi mới vào hội viên của hội. Một thời gian sau, nhờ sự hướng dẫn của các anh chị em trong hội nên tôi mới có thêm kinh nghiệm về lan. Và cũng từ khi là hội viên, vì sự ham thích săn sóc mấy cây lan thì sức khỏe của tôi rất tốt, ít khi bị bệnh hoạn, mặc dù tôi đã trên 70 rồi,” bà Ngữ chia sẻ.

Bà Trần Thị Bạch Mai, cư dân Santa Ana đã trồng lan trên 30 năm, cho biết: “Lan đến với tôi là giúp mình vừa khỏe, vừa trẻ và đẹp. Tôi không làm thương mại về lan, chỉ vì yêu thích ngắm nhìn và săn sóc lan hằng ngày. Vì thế, trên 30 năm nay tôi đã sưu tầm được 500 chậu lan của nhiều giống khác nhau. Khi có giống lan nào đặc biệt thì cũng nhờ các hội viên có thì mình sẽ trao đổi với họ về các giống lan đặc biệt này.”

Cần liên lạc với hội xin vào website: hoalanvietnam.org. (Lâm Hoài Thạch)