Monday, January 20, 2014

Cơn đói cá của Trung Cộng và thảm họa

Tàu đánh cá Trung Cộng xuất hành về biễn đông
 
Hôm 23.11.2013 khi Trung Cộng công bố quyết định lập vùng nhân diện phòng không (ADIZ) bao trùm lên vùng trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật, ông Minh Hiền, Giám đốc Sở nghiên cứu Chiến lược và sự vụ quốc tế thuộc Đại học Đạm Giang của Đài Loan đã nói với Thông tấn xã Đài Loan rằng việc Bắc Kinh tuyên bố ADIZ trên Hoa Đông chỉ là cái cớ Trung Quốc nghi binh, Biển Đông mới thực sự là chuyện phiền phức. Cách đó một năm, tờ Wall Street Journal ngày 27.12.2912 đã đăng một bài dưới đầu đề “China's Hunger for Fish Upsets Seas” (Trung Quốc đói cá làm biển rối tung) nói về những tai họa do cơn đói cá của Trung Quốc gây ra. Tiến sĩ Ian Storey, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, còn nói rõ hơn: năng lượng và nguồn cá là nguyên nhân chính của các cuộc tranh chấp. Như vậy Trung Cộng có ý đồ gì trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, các chuyên gia đều thấy trước. Nói một cách tổng quát, Trung Cộng đang đói cả thực phẩm lẫn nhiên liệu và đang biến Biển Đông thành nguồn cung cấp riêng cho họ.
Ngày 26.11.2013, Trung Cộng cho hàng không mẫu hạm hạng bét Liêu Ninh rời cảng Thanh Đảo ở Hoàng Hải đi qua biển Hoa Đông và xuống Biển Đông để thực hiện cái gọi là “sứ mệnh huấn luyện và nghiên cứu khoa học”. Khi tàu Liên Ninh vừa trở lại cảng Thanh Đảo vào ngày 1.1.2014, Trung Cộng bắt đầu công bố lệnh cấm đánh cá trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông.

LỆNH CẤM ĐÁNH CÁ CỦA TRUNG CỘNG
Theo các bài báo đăng trên một số trang web của tỉnh Hải Nam hôm 3/12/2013, lệnh ngư nghiệp Trung Cộng được chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành ngày 29/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, tàu cá nước ngoài phải xin phép trước khi đánh bắt hay dò tìm trong khu vực rộng tới 2 triệu cây số vuông, chiếm 2/3 diện tích Biển Đông. Lệnh này được coi là một phần của chính sách thực thi Luật Thủy sản của Trung Cộng.

Inline image 1
Vùng cấm đánh cá do Trung Cộng thiết lập

Như vậy Trung Quốc đã “địa phương hóa” Biển Đông, biến nó thành một vùng nước thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc (xem bản đồ sẽ thấy rõ).
Ngày 24.12.2013, Bộ Nông Nghiệp Trung Cộng còn ra thông báo về thời gian nghỉ đánh bắt cá bằng lưới tại một số khu vực, bao gồm cả khu vực quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Theo quy định của Trung Cộng, các tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước trên Biển Đông mà họ tuyên bố do tỉnh Hải Nam quản lý để thực hiện sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra tài nguyên nghề cá sẽ bị buộc phải rời khỏi khu vực, bị phạt 500.000 nhân dân tệ (tương đương 82.600 USD) và số cá đánh bắt sẽ bị tịch thu. Trong một số trường hợp, tàu đánh cá nước ngoài còn có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Cộng.
Dĩ nhiên, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Việt Nam và cả Đài Loan đã lên tiếng phản đối lệnh cấm của Trung Cộng vì nó không phù hợp với quốc tế công pháp. Nhưng Trung Cộng đã dựa vào căn bản nào để đưa ra quyết định nói trên?
Như chúng tôi đã nói nhiều lần, Trung Cộng đã dựa vào lý thuyết “vùng nước lịch sử” (historic waters) được học lý và án lệ về luật biển cũ công nhận, đó là vùng nước sinh tồn đã lâu đời của một quốc gia, để thiết lập đường 9 đoạn và coi đó là ao nhà của Trung Cộng. Nhưng vì lý thuyết “vùng nước lịch sử” quá phức tạp, nên Luật Biển 1982 không còn công nhận lý thuyết đó nữa mà thay bằng “vùng đặc quyền kinh tế” dành cho mỗi quốc gia là một vùng 200 dặm tính từ đường cơ sở. Nói cách khác, Trung Cộng đã dựa vào một lý thuyết không còn tồn tại trong Luật Biển 1982 để tuyên bố chủ quyền của mình. Trung Quốc biết rõ như thế là sai nhưng cứ cãi chày cãi cối rồi dùng sức mạnh để áp đặt. Trung Cộng lại biết Mỹ chỉ phản đối lấy lệ chứ không can thiệp nên làm tới.

THẢM HỌA CHO NHÂN LOẠI
Trong bài “China's Hunger for Fish Upsets Seas” nói trên, hai chuyên gia là Chuin-Wei Yap và Sameer Mohindru đã mở đầu bài nhận định của mình như sau: Cơn đói cá ngày càng trầm trọng của Trung Cộng đang thử thách quan hệ với nhiều nước khác nhau, đồng thời làm cho các viên chức và các khoa học gia ngoại quốc lo lắng về tiềm năng thiệt hại mà đội tàu cá khổng lồ của nước này có thể gây ra cho khối lượng cá tồn trữ trên toàn cầu”
Tài liệu chính thức của Trung Cộng, một nước có số lượng tiêu thụ cá cao nhất thế giới, cho biết đến năm 2015 Trung Quốc sẽ sản xuất 60 triệu tấn hải sản, so với 57,3 triệu tấn của hai năm trước. Tuy nhiên nhu cầu hải sản của Trung Cộng rất lớn và ngày càng tăng. Theo ước tính của ngân hàng Rabobank của Đức, vào cuối thập nhiên này trị giá khối lượng hải sản nhập cảng của Trung Quốc sẽ lên đến 20 tỷ USD thay vì 8 tỷ USD như hiện nay. Peru là nước bán nhiều hải sản cho Trung Cộng, nhưng nguồn hải sản của Peru ngày càng cạn kiệt.
Để có đủ cá cung cấp cho nhu cầu trong nước, Trung Cộng đã tung ra 2300 tàu đánh cá xa bờ, tới tận Nam Mỹ và Tây Phi, trong khi Mỹ chỉ có 200 chiếc. Tài liệu của Trung Cộng cho biết trong 2 năm 2010 và 2011 các tàu đánh cá xa bờ của họ chỉ bắt được có 368.000 tấn hải sản, nhưng các chuyên gia nói rằng con số đó lên tới 4,6 triệu tấn.
Riêng trong Vịnh Bắc Việt, một cuộc nghiên cứu cho thấy kể từ thập niên 1960, các loài cá trong vùng này đã giảm từ 487 loại xuống 238 loại. Khối lượng dự trữ chạm đến mức thấp nhất năm 1998, chỉ bằng 16,7% so với năm 1962!
Trước đây Trung Cộng có trên 200.000 tàu đánh cá, nhưng năm 2004 đã loại đi trên 8.000 tàu nên hiện nay còn khoảng 192.000 tàu. Đây là một khối lượng tàu đánh cá khổng lồ.

THẢM HỌA CHO VIỆT NAM
Với vùng cấm đánh cá mà Trung Cộng vừa vạch ra, vùng đặc khu kinh tế 200 hải lý của Việt Nam không còn. Muốn đánh cá xa bờ trong Biển Đông, Việt Nam phải xin phép Trung Cộng.
Lực lượng Hải Giám của Trung Quốc đang kiểm soát các tàu thuyền đánh cá trên Biển Đông. Lực lượng này là một bộ phận của Cục Quản Lý Biên Phòng thuộc Bộ Công An, được tổ chức theo mô hình của Liên Xô cũ. Hiện nay lực lượng này có khoảng 40.000 quân nhân với 304 thuyền nhỏ trên 100 tấn, 149 tàu tuần tra nhỏ trên 500 tấn, 19 tàu tuần tra vừa trên 1500 tấn và 8 tàu tuần tra lớn trên 3.500 tấn. Tàu tuần tra cao tốc của Trung Quốc có tên là Hải cẩu HP1500-2 với thủy thủ đoàn từ 6 đến 8 người, có thể đạt tốc độ lên đến 52 hải lý và tầm hoạt động trong khoảng 250 km. Chúng ta chưa nói đến lực lượng của Hải Quân Trung Quốc.
So với Mỹ hay Nhật, lực lượng hải giám của Trung Quốc chẳng có nghĩa lý gì, nhưng với các nước trong khối ASEAN, khó có lực lượng nào có thể địch nổi. Học giả Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu biển Đông của Việt Nam, nói với phóng viên đài RFA  rằng với lực lượng tàu hải giám hùng mạnh, Trung Cộng hoàn toàn có khả năng thực thi quy định mới của mình. Trong thời gian qua chúng ta nhìn diễn biến trên biển Đông thì chúng ta thấy rõ là Trung Cộng đưa nhiều tàu hải giảm để ức hiếp ngư dân, phạt tiền… mà phản ứng của các nước như thế nào chỉ là phản ứng cho có, mà chủ yếu là không làm gì được với Trung Cộng. Sự đoàn kết của các nước ASEAN trước tham vọng bá quyền của Trung Cộng là không có.
Ngày 25.12.2000, Việt Nam và Trung Cộng đã ký kết một hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Việt với tổng diện tích là 33.500 km², chiếm khoảng 27,9% diện tích vùng Vịnh. Một vùng đệm cho các tàu đánh cá nhỏ qua lại ở ngoài cửa sông Bắc Luân đã được thiết lập. Nếu phát hiện tàu cá loại nhỏ của bên kia vào hoạt động nghề cá trong vùng đệm, có thể cảnh cáo và áp dụng các biện pháp cần thiết để buộc tàu đó rời khỏi vùng nước đó, nhưng nên kiềm chế: không bắt bớ, giam giữ, xử phạt hoặc dùng vũ lực. Thế nhưng tàu đánh cá Trung Cộng vẫn đánh cá trên vùng nước của Việt Nam. Ngày 3.11.2013, tỉnh Thanh Hóa còn khám phá ra 276 dân Việt Nam đang làm việc cho các tàu đánh cá bất hợp pháp đó.
Chuyện Trung Cộng cho tàu họ húc tàu đánh đá Việt Nam đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện.”  Việc Việt Nam mua tàu ngầm của Nga cũng chỉ để bảo vệ vùng đặc khi kinh tế 200 hải lý của Việt Nam chứ không phải để khai chiến với Trung Quốc. Với việc Trung Quốc quy định vùng đánh cá mới, Lê Thanh Nghị, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hà Nội chỉ nói: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.”
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đang xúi Hà Nội đi kiện Trung Cộng trước các tòa án quốc tế. Đây là vấn đế chúng tôi sẽ nói sau.
Ngày 16.1.2014
Lữ Giang

No comments:

Post a Comment