Kỳ cuối: ‘Chùa có yên thì Phật tử mới tới’
SANTA ANA, California (NV) – Sáng Thứ Ba, 26 Tháng Mười Một, đại diện Hội Đồng Quản Trị (HĐQT – Board of Directors) của chùa Bảo Quang, Santa Ana, đến chùa với mục đích “kiểm kê tài sản của chùa như thông cáo báo chí đã đưa ra vào ngày 21 Tháng Mười Một.” Tuy nhiên, một nhóm Phật tử đã có mặt ngăn cản và lớn tiếng phản đối.
Khi phóng viên Người Việt tỏ ý muốn phỏng vấn thì người phụ nữ này từ chối và chỉ sang ông Tony Bùi, cũng một Phật tử của chùa. Ông Tony, trong lần trả lời phóng vấn trước đây với báo Người Việt, cho biết đã theo giúp cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh từ tám năm qua, và có góp sức trong việc xây dựng chùa, cũng như chăm sóc cố hòa thượng trong thời gian hòa thượng phải nằm bệnh viện trước khi mất.
Cũng ngay lúc đó, ông Lộc Hoàng Bạch, hiện giữ vai trò chủ tịch HĐQT chùa Bảo Quang, và ông Luyến Phạm, một Phật tử cũng là người phát ngôn, thông dịch của HĐQT, có mặt trước ngôi nhà bát giác cũng chính là nơi được xem là “bảo tàng” của chùa.
Sau khi hỏi ông Lộc đến chùa với mục đích gì, và được ông Lộc trả lời rằng: “Chúng tôi là HĐQT của chùa đến để nhờ thầy Phước Hậu mở cửa để kiểm tra tài sản của chùa,” ông Tony yêu cầu ông Lộc phải trưng ra bằng chứng rằng họ là có tên trong danh sách 20 người của HĐQT theo đúng “By Law” (Điều Lệ) của chùa thì mới có đủ tư cách pháp lý.Trên thực tế, theo sự tìm hiểu của phóng viên Người Việt, từ khi thành lập chùa Bảo Quang theo thể thức một công hội bất vụ lợi (nonprofit corporation) vào năm 1990 thì chùa Bảo Quang chưa bao giờ có một HĐQT 20 người, mà chỉ có ba người.
Từ năm 2001 cho đến lúc Hòa Thượng Thích Quảng Thanh mất vào Tháng Sáu, 2019, thì HĐQT của chùa chỉ có ba thành viên, bao gồm Hòa Thượng Thích Quảng Thanh là trụ trì kiêm chủ tịch HĐQT, ông Bạch Hoàng Lộc là thư ký và bà Christie Hoàng Bạch là thủ quỹ tài chánh.
Trong khi ông Tony nói về “Điều Lệ” chùa, cũng như cho rằng HĐQT hiện tại không có quyền hành, thì số Phật tử xung quanh cũng lớn tiếng lo ó phản đối sự có mặt của ông Lộc và ông Luyến.
Tiếp đó, trước rất đông các báo đài địa phương, ông Tony lấy chìa khóa từ trong túi ra và đưa cho một người kêu “vào mở cửa mang con ó ra.”
Con ó này là một phần nguyên nhân để HĐQT đưa ra quyết định phải kiểm tra tài sản của chùa. Vì như ông Lộc nói với phóng viên Người Việt trước đó, rằng, “Con ó bằng đồng này là của một Phật tử cúng chùa và đã được thầy Quảng Thanh đặt phía trước trong nhiều năm, nhưng khi thầy Quảng Thanh mất thì Phật tử không thấy con ó đâu nữa.”
Khi phóng viên Người Việt đặt câu hỏi, “Tại sao ông lại có chìa khóa để giữ tài sản của chùa?” thì ông Tony trả lời, “Không cần biết. Trước tiên tôi chỉ muốn nói chuyện về con ó.”
Theo ông Tony, “Con ó đã ở chùa được hai năm. Con ó này thực ra là một con chim đại bàng quặm một con cá, nhìn rất hung dữ, dưới cặp mắt của người trong chùa thì con ó này mang tính sát sanh nên các Phật tử đề nghị dời nó đi. Sau đó con ó đó được mang cho chùa Khánh Hỷ của thầy Pháp Tánh…”
Khi phóng viên Người Việt hỏi, “Tại sao khi thầy Quảng Thanh còn sống không ai nêu ý kiến đó để dời con ó đi?” Ông Tony trả lời, “Tất cả những việc gì ở chùa từ xưa đến nay chỉ một mình thầy Quảng Thanh quyết định, ngay cả Ban Quản Trị, thầy cũng quyết định chọn hai người này, là ông Lộc và bà Christie. Tại sao thầy làm vậy? Bởi vì thầy chưa tìm đủ 20 người tin cẩn để lập một ‘board of directors’ cho nên thầy đã phạm luật.”
“Chúng tôi nói trước mặt tất cả ống kính này là thầy Quảng Thanh đã phạm luật căn bản là đã không tạo ra một ‘board of directors’ đúng nghĩa như thầy đã nộp ‘By Law’ cho chính quyền tiểu bang và liên bang (tức là đủ 20 người),” ông Tony nhấn mạnh.
“Thế thì tại sao trong suốt thời gian qua không ai nói lên điều này?” phóng viên Người Việt hỏi tiếp.
“Tại vì thầy Quảng Thanh là người chính yếu đã xây dựng chùa này, thầy Quảng Thanh rất trực tính và rất nóng nảy, tất cả những gì quý vị nêu lên không đúng, thầy có thể la rầy…,” ông Tony cho biết.
“Vậy là quý vị làm việc theo kiểu sợ cá nhân chứ không phải vì tuân theo luật pháp?” Người Việt hỏi thêm.
Trong lúc có nhiều tiếng la ó gì đó của một vài người phụ nữ, thì ông Tony trả lời, “Không phải. Thầy Quảng Thanh bỏ công sức ra giúp cho chùa này cho nên không thể nói là mình sợ thầy, không ai sợ thầy cả, nhưng vấn đề là đúng lúc không mà thôi. Chúng ta kính tăng chứ không phải sợ.”
Khi phóng viên của đài SBTN hỏi “Con ó đó được cho đi khi nào?” ông Tony lại trả lời: “Không cần biết. Đã cho và đã mang trả lại đây.”
“Hôm qua, thầy Phước Hậu có yêu cầu người Phật tử cúng dường con ó nên mang nó về nhà, thì người Phật tử đó trả lời là bà không thể làm như vậy, phải có ý kiến của Ban Quản Trị. Vậy hôm nay tôi mang con ó đó ra đây cho lại Ban Quản Trị vì (ban quản trị) đã tung tin đồn thất thiệt là thầy Phước Hậu đã bán con ó,” ông nói tiếp.
Phóng viên Việt Báo đặt vấn đề với ông Tony, “Anh cho biết anh là ai và có tư cách, vai trò gì để nói là đại diện cho Phật tử ở đây? Có ai cử anh lên làm đại diện hay không? Bây giờ anh nói là thầy Quảng Thanh đã vi phạm luật pháp, trong khi thầy vừa viên tịch, sao trước đây anh không nói với thầy về những chuyện mà anh cho là sai đó?”
Trong khi ông Tony chưa kịp trả lời, thì người phụ nữ trung niên tóc ngắn mà phóng viên Người Việt đã đề cập ở phần đầu, lớn tiếng, “Bởi vì khi thầy Quảng Thanh làm sai thì những người kia (bà chỉ tay về phía ông Lộc) mới lợi dụng điều sai đó mà tính chuyện cướp chùa.”
“Chị có bằng chứng cho thấy rằng những thành viên này cướp chùa không?” phóng viên Người Việt hỏi.
Người phụ nữ liền chỉ về những người đứng gần, “Đây, các Phật tử ở đây có đồng ý là những người này cướp chùa không?” Một số người phụ nữ giơ tay la “Yay, họ muốn cướp chùa!”
“Đó, tất cả Phật tử đều trả lời, không phải một mình tôi, nhé!” người phụ nữ gằn giọng.
Có mặt tại buổi này, Hòa Thượng Thích Tâm Vân, viện chủ Liên Hải Tịnh Thất, nói với phóng viên Người Việt, “Đối với thầy, chùa là nơi thanh tịnh để tu hành, chùa không có vấn đề hơn thua, tăng ni và Phật tử như môi với răng vậy. Cho nên làm bát nháo như thế này là không tốt, và thiên hạ sẽ cười chê. Phật không có dạy như vậy. Người tu không làm như vậy. Nếu người tu cao thì không ai nói chi những lời xúc phạm nhau. Nhất là khi Hòa Thượng Quảng Thanh vừa viên tịch mà lại xúc phạm hòa thượng như vậy là xúc phạm giác linh hòa thượng. Chúng tôi là những anh em huynh đệ với Hòa Thượng Quảng Thanh thấy rất bất mãn.”
Phóng viên Người Việt hỏi ông Ngô Văn Thuận, pháp danh Bảo Hòa, rằng: “Anh nghĩ gì với những gì đang diễn ra như thế này, trong khi thầy Thích Tâm Vân cho rằng chùa phải là nơi thanh tịnh?”
“Tôi đã theo thầy Quảng Thanh hơn 30 năm nay, từ lúc thầy có chùa ở Magnolia cho đến giờ,” ông Thuận nói. “Theo tôi, các thầy khác với các Phật tử. Các thầy là người tu hành đắc đạo, còn Phật tử như tôi thì trước thái độ và hành động của những kẻ muốn đến đây phá chùa, làm những chuyện không đúng, thì Phật tử có quyền có thái độ, chuyện đó không có trật.”
“Họ chỉ có tên trong ‘board of directors’ thôi, hội từ thiện nào cũng có ‘board of directors,’ nhưng họ không tu hành thì họ không có quyền hạn trên chùa này đâu. Chúng tôi làm theo lời di huấn của hòa thượng để lại, là vì ngôi chùa này, vì ngôi tam bảo này, chứ không vì vật chất, không vì danh, vì lợi,” ông Thuận nói thêm.
Cũng có mặt tại buổi này, cô Anh Trần, pháp danh Đức Lợi, bày tỏ, “Tôi cảm thấy rất đau lòng vì hòa thượng mất chưa bao lâu mà chùa đã như vầy. Mình phải biết kính trọng giác linh của thầy vì thầy đã đổ bao công sức để tạo dựng ngôi chùa này cho mọi người lui tới.”
Khi được hỏi “HĐQT sẽ làm gì khi gặp phải sự chống đối này?,” ông Lộc cho biết, “Chúng tôi sẽ làm theo pháp luật, sẽ xin trát tòa để thực hiện việc này.”
Trong suốt buổi này, không thấy có sự xuất hiện của Thượng Tọa Thích Phước Hậu, vị trụ trì hiện tại của chùa Bảo Quang.
(Ngọc Lan)