Saturday, August 11, 2012

Mắt Lệ Cho Người



Khoảng từ vài năm đầu thập niên 1980, đời sống dân chúng Sàigòn còn vô cùng thiếu thốn, đói khổ. Có nhiều đợt tù nhân chính trị được thả về. Họ là những người sĩ quan trẻ nhưng bị bệnh tật vì thiếu thuốc men hay vì “lý lịch khá trong sáng ”, không có “nhiều nợ máu với nhân dân”. Những người tù binh trở về ấy đã được dân Sàigon rỉ tai loan tin nhau, ra bến xe, ra ga đón tiếp một cách âm thầm (như mang quà bánh, nước ngọt, trái cây, quần áo và tiền để tặng, những người phu xe xích lô chở về nhà không lấy tiền ..v…v….). Năm 1990, tôi được sang định cư tại Mỹ, một trong những tình cảm đẹp trong hành trang tôi mang theo là tình thương yêu ấy của đồng bào hai miền Nam Bắc dành cho những người trẻ tuổi anh hùng thất thế ấy- mà nhà cầm quyền CS gọi là “ngụy quân ngụy quyền”. Năm 1992, tôi được cộng tác với đài VOA, tiếng nói chính thức của chính phủ Hoa Kỳ phát thanh về Việt Nam. Tôi không bao giờ quên những người ở lại, khi đó vẫn còn đang trầm luân đói rách. Trong những bài tường thuật gửi qua làn sóng VOA, những sinh hoạt cộng đồng, những tấm lòng nhân ái tại nơi xứ người hướng về người ở lại. Những bản tin như thế, mang niềm hy vọng cho người miền Nam nhất là những người tù, người vợ, người mẹ, người con Tù nhân Chính trị.

Ngay cả đến chương trình Câu ChuyệnThơ Nhạc mỗi tối thứ sáu của đài VOA, tôi cũng vẫn có những bài dành cho những người bất hạnh nhất trong một đất nước đã hết chiến tranh. Vâng, cho dù chiến tranh đã tàn nhưng khói của nó vẫn làm cho ta cay mắt.


Tôi nhớ có một chương trình nói về một câu chuyện bắt nguồn từ một cảm xúc về bài thơ mà tôi đã giới thiệu trên đài. Bài thơ ấy như sau:

Một chiều qua bến đò ngang
tình cờ nghe bài hát cũ
người hành khất mù và cô gái nhỏ
cây guitar lạc phím tự bao giờ
Cô gái hát
nỗi đau mênh mông của người tình phụ
chiều bay mưa hiu hắt dòng sông
khách qua đò cuối năm lưa thưa
có người dừng lại
xót xa trong lòng nhưng túi rỗng không
Mấy mươi năm rồi người con gái qua sông
tôi viết lời ca sao buồn quá vậy?
những câu hát cho lòng tôi thuở ấy

ai biết bây giờ
người hành khất hát để ăn xin

Yêu bài thơ ấy của Đynh Trầm Ca, tôi đã biên soạn một ch/trình Thơ Nhạc “nhớ người thương binh” và sau bài thơ là ca khúc Mắt Lệ Cho Người của Từ Công Phụng. Thời gian sau đó, tôi nhận được một lá thư thính giả từ trong nước. (khi đó chưa có email nên phong thư giấy rất thô sơ, vàng úa vì loại giấy dùng rồi phải nấu lại vài ba lần, tem thư cước phí rất đắt do nhiều người chung góp).


Trong thư kể rằng, cũng từ cảm xúc của bài thơ ấy, những người tù xưa đã kể lại một câu chuyện tình ly biệt.


“Có hai người bạn ở trong tù, rất thân nhau. Họ là hai người bạn thời trung học. Lớn lên mỗi người một nơi, cho tới ngày gặp lại nhau thì buồn thay, lại ở trong một trại tù của người Cộng sản.

Sau năm năm trong nhà tù, họ lại chia tay nhau. Một người được thả về mang theo chiếc vòng của người bạn còn ở lại, nhờ trao đến tay một người con gái ở quê nhà. Chiếc vòng đeo tay làm bằng vỏ đạn có khắc bông hoa điên điển. Nhưng tiếc thay, khi tìm được đến nơi thì người con gái ấy đã không còn ở địa chỉ đó nữa…” Phần cuối câu chuyện không có kết thúc, cho nên nó đã để lại cho người đọc một niềm ray rứt thương cảm khôn nguôi.

Nhưng sau đó tôi lại nhận được thư vị thính giả khác. Ông cho biết về một người bạn cùng ở một tiểu bang , người đã nhận mang chiếc vòng của người bạn đồng tù. Người ấy có về lại tìm người bạn xưa. Còn nỗi đau nào bằng khi gặp lại người bạn học thân thiết thời thanh bình cũ, giờ đây trong một hoàn cảnh rất bất ngờ, đầy thương tâm. Người bạn xưa ấy sau khi ra tù bị mù đôi mắt, đang là một hành khất hát rong trên một bến đò… Hai người bạn cũ gặp lại nhau trong một buổi chiều cuối năm trời mưa bay rất nhẹ. Khung cảnh buồn hiu hắt cả lòng…


Được nghe kể rằng người yêu xưa có tìm gặp nhưng người hành khất đã chối từ: “Tôi không phải là người cô muốn tìm lại, chắc người giống người mà thôi”. Khi người đàn bà ấy buồn bã qua cầu, văng vẳng từ phía sau tiếng ghi ta và tiếng hát như đuổi theo…

“Mưa theo dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong trôi trên niềm đau
Đời em đã khép đi vội vàng
Tình ta cũng lấp lối thiên đàng

Như cánh chim khuất ngàn
Còn mong còn ngóng chi ngày yêu dấu
Mưa… soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong trôi trên niềm đau

Thời nào yêu hết trái tim buồn
Lời nào yêu hết trái tim buồn
Xin giữ trong mắt lệ
Nhòa theo từng gót chân người trông vời

Mưa âm thầm buổi chiều thổn thức,

Sẽ nhạt nhòa từ ngàn năm nữa như em khóc hồn nhiên
Nỗi muộn phiền ngày tàn hơi thở
Em thấy không cõi đời vô vọng…

Xin em hãy cho tôi tạ tình,
Khi em đã đi qua quãng đời tôi
Dù một khoảnh khắc sớm phai tàn,
Và lệ em rớt trên môi nhạtĐôi mắt em rất buồn,
Đôi chúng ta rất buồn,
Vàng câu tình cũ
Xin gửi cho đời…

Trong đời sống, chia ly là chuyện bình thường. Nhưng có lẽ không có cuộc chia ly nào mà không có nhiều nước mắt đớn đau kể từ năm 1975. Bao nhiêu gia đình tan nát. Hai vợ chồng đôi ngả chia xa, hai người yêu nhau muôn đời cách biệt. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng dù thời gian có xóa nhoà đi tất cả, dù không gian có cách xa, họ vẫn mãi nhớ nhau. Rồi có một phút giây nào đó gặp lại, họ nói với nhau lời tạ từ, nghẹn ngào trong hạnh phúc đắng cay, nhạt nhòa mắt lệ…

Tháng 6/2012
Bích Huyền

No comments:

Post a Comment