Saturday, April 29, 2023

Một sự tình cờ…


 Một sự tình cờ…

Giờ này Bố Mẹ đang ở đâu…?


 

Giờ này Bố Mẹ đang ở đâu…?

Một đêm thật dài…! Nam Lộc

 


Một đêm thật dài…!

Wednesday, April 26, 2023

NAM LỘC SẼ GẶP GỠ CÁC CỰU THUYỀN NHÂN TỊ NẠN TẠI THÁI LAN

 
NAM LỘC SẼ GẶP GỠ CÁC CỰU
THUYỀN NHÂN TỊ NẠN TẠI THÁI LAN
(Xin phổ biến trên Mach Song Media)
Nam Lộc 

Thưa anh Nguyễn Đình Thắng,

Tôi rất tiếc, đây là lần thứ hai, anh đã tránh né cuộc đối thoại công khai cùng với tôi trên đài phát thanh Sài Gòn Radio Houston mà anh đã nhận lời với ký giả Dương Phục. Để chúng ta tìm ra một giải pháp tốt đẹp và xây dựng, hầu cùng nhau phục vụ người tị nạn. Thay vào đó anh lại phổ biến một bài viết trên Mach Song với chủ đề “Nhắc lại trách nhiệm và giải pháp với Ông Nam Lộc”. Nội dung có tính cách khích bác, và đưa ra những thông tin bất lợi cho sự đoàn kết của những người cùng phục vụ chung một mục đích, “cứu người vượt biển”! Thái độ của anh làm tôi lại nhớ đến trường hợp của một người thường xuyên lên truyền thông của CSVN là ông Nguyễn Thanh Tú. Vu cáo, bịa đặt, nhưng khi chúng tôi mời đối chất công khai trước cộng đồng và truyền thông, báo chí thì ông ta trốn tránh, cũng cả 2 lần. Một tại Orange County, một tại Toronto, Canada. Ông Tú thì dùng truyền thông CSVN, ông Thắng thì dùng truyền thông của mình, cả hai đều vu oan người khác mà không dám mặt đối mặt, face to face!

Qua những né tránh đó tôi cảm thấy không còn lý do gì để cần phải trao đổi với anh nữa, tuy nhiên cũng xin nêu ra những điểm chính như sau:

1. Đây là lần thứ 4 anh hết nhờ tôi “nhắc nhở VOICE Canada”, rồi lại “đốc thúc Liên Hội Người Việt Canada”, và hôm nay lại hỏi về công việc điều hành của tổ chức VOICE. Như đã đề cập trong các lá thư trước, vai trò thành viên HĐQT của tôi giúp cho VOICE đã chấm dứt từ năm 2019 sau khi tiếp tay họ gây quỹ định cư 50 hồ sơ tị nạn do các luật sư tình nguyện của VOICE hoàn tất, mà hiện nay đã có 34 người được đến Canada, trong số đó có 11 người do anh giới thiệu. Anh có địa chỉ email của ông Đoàn Việt Trung, đại diện HĐQT của VOICE, và của những người lãnh đạo các tổ chức kia. Nhiều người thắc mắc, sao anh không tự mình “nhắc nhở VOICE Canada” và “đốc thúc Liên Hội Người Việt Canada”, cũng như để trao bằng chứng về “tị nạn giả” cho họ? Hy vọng, khi họ mời anh đối mặt, anh sẽ không né tránh.

2. Chuyến đi Thái Lan của tôi lần này hoàn toàn tập trung vào chương trình Welcome Corps của chính phủ Hoa Kỳ, tôi có lịch trình làm việc riêng của mình. Ngoài các buổi tiếp xúc và gặp gỡ các viên chức chính quyền Hoa Kỳ cũng như UNHCR, cùng một số tổ chức về nhân quyền và tị nạn. Tôi cũng đã hẹn trước với các nhóm đồng bào, những người muốn được hiểu rõ điều kiện và thủ tục định cư qua chương trình “Bảo Lãnh Tư Nhân” (Private Sponsorship) mà Bộ Ngoại Giao Mỹ vừa loan báo. Đồng thời tiếp tay các cộng đồng và hội đoàn mà tôi kêu gọi, có cơ hội liên lạc cũng như kết nối với đồng bào tị nạn của mình ở Thái Lan để họ chuẩn bị bảo trợ ngay sau khi Welcome Corps chấp thuận đơn bảo lãnh “Group of Five” của họ.

3. Tuy nhiên, theo lời yêu cầu của một số cựu thuyền nhân đã email trực tiếp đến cho tôi, (và anh cũng đã phổ biến trên Mach Song Media). Tôi sẽ dành thì giờ, không những để tiếp chuyện với quý vị mà anh cho rằng “họ đã bị gạt ra khỏi chương trình định cư” do Liên Hội Người Việt Canada và VOICE phụ trách, mà với TẤT CẢ CỰU THUYỀN NHÂN ĐANG CÒN KẸT LẠI TẠI THÁI LAN HIỆN NAY. Tôi sẽ cố gắng thu thập toàn bộ tin tức, và khi trở về Hoa Kỳ, tôi sẽ chuyển lại cho quý vị phụ trách các chương trình định cư mà anh đề cập tới.

Tôi mong giữa họ và anh sẽ phối hợp tổ chức một cuộc họp “mặt đối mặt” (face to face), để hai bên giải quyết những mâu thuẫn hoặc hiểu lầm nếu có. Còn nếu anh cứ tiếp tục “ăn không, ngồi rồi”, viết bài “kết tội” họ trên Mach Song như suốt cả mấy tháng nay, tôi cảm thấy sẽ không giải quyết được vấn đề gì, trong khi ông Đoàn Việt Trung, đại diện cho VOICE muốn đối thoại với anh thì anh lại tìm cớ đặt điều kiện này, điều kiện nọ, để rồi cuộc họp đã không được xẩy ra. Với tình trạng này không khéo cả hai bên lại đưa nhau ra tòa, như các trường hợp mà anh đã, cũng như đang phải đối diện, theo như các tin tức phổ biến đầy trên mạng mà tôi xin mạn phép đính kèm bên dưới.

Thân chào tạm biệt và chúc anh thân tâm luôn được bình an..

Nam Lộc  

TB: Tôi đã email trực tiếp và hẹn gặp quý vị cựu thuyền nhân tại Thái Lan, Vì lý do an ninh liên quan đến ngày, giờ cùng địa điểm, xin anh ngưng phổ biến thư từ trao đổi giữa chúng tôi trên diễn đàn công cộng. 

- TS Nguyễn Đình Thắng & BPSOS thua kiện vụ ‘phỉ báng,’ phải bồi thường $170,000

- GS Lê Xuân Khoa khởi kiện TS Nguyễn Đình Thắng tội mạ lị!

Saturday, April 15, 2023

NAM LỘC TRẢ LỜI ĐỀ NGHỊ CỦA NGUYỄN ĐÌNH THẮNG

Thân gửi anh Nguyễn Đình Thắng,

Cám ơn anh đã hồi âm thư tôi viết cho anh ngày 4 tháng Tư, 2023 (đính kèm bên dưới). Rất tiếc là anh đã không phổ biến lá thư đó trên Mach Song Media như lời yêu cầu của tôi, điều đó sẽ làm cho độc giả hoang mang, vì họ không hiểu rõ nội dung câu chuyện. Thay vào đó, chỉ là tin tức một chiều từ phía anh loan ra mà thôi! Theo tôi biết thì nguyên tắc đòi hỏi một cơ quan truyền thông đứng đắn, là phải phổ biến trên cùng một diễn đàn lời phản hồi của người mà mình nhắc đến họ trong bài viết. Đây là phép lịch sự tối thiểu và cần phải có. Ước mong anh sẽ cho đăng tải bức thư “NAM LỘC TRẢ LỜI ĐỀ NGHỊ CỦA ÔNG NGUYỄN ĐÌNH THẮNG” này ngay dưới bài viết của anh trên Mach Song Media, cùng những địa chỉ emails mà anh đã BCC. 

Thư anh viết khá dài, bao gồm rất nhiều chi tiết không cần thiết, cho nên tôi chỉ xin tập trung vào những điểm chính anh nêu lên mà thôi.

1. Trước hết anh đề nghị rằng tôi “hãy đốc thúc VOICE Canada trình báo với Sở Di Trú (IRCC) những trường hợp có dấu hiệu gian lận đã lấy mất chỗ của những người xứng đáng”.

Đề nghị của anh nghe thật là vô lý, đến độ ngớ ngẩn! Vì khi VOICE nộp các hồ sơ xin tị nạn của đồng bào tại Thái Lan thì chắc chắn họ phải biết đây là những hồ sơ trung thực và hội đủ điều kiện. Vậy thì lý do gì mà họ lại “trình báo với Sở Di Trú đây là các trường hợp có dấu hiệu gian lận”? Nhất là các hồ sơ đó đã được các sĩ quan di trú Canada phỏng vấn, rồi điều tra lý lịch, và phải hội đủ các điều kiện xin tị nạn của chính phủ Canada, trước khi họ được chấp thuận cho định cư tại Canada.

Tuy nhiên nếu anh Thắng có đầy đủ dữ kiện và bằng chứng của các trường hợp mà anh mô tả là “tị nạn giả”, thì tôi đề nghị anh nên nộp ngay cho các cơ quan thẩm quyền để họ mở cuộc điều tra. Tôi sẽ đồng hành cùng anh, chúng ta sẽ tố cáo những kẻ gian lận và lừa đảo ra trước công lý.

Anh Thắng nên thực hiện điều này càng sớm, càng tốt để chấm dứt mọi nghi vấn, thay vì cứ lập đi, lập lại luận điệu có tính cách vu cáo và xuyên tạc theo kiểu Nguyễn Thanh Tú đưa ra suốt từ mấy năm nay. Tính từ đợt đồng bào tị nạn đầu tiên trong danh sách 108 người đến Canada năm 2014. Sau 9 năm, nhiều người trong số đó, nay đã trở thành công dân Canada. Tôi còn nhớ, vào tháng 10, 2019, chính anh đã từng tuyên bố với đài truyền hình CBC rằng: "Chính sách di trú Canada có lỗ hổng"! Các phóng viên của CBC cũng đã điều tra, rồi sau đó đệ trình cũng như phỏng vấn ông bộ trưởng di trú Canada thời bấy giờ. Ấy thế mà Sở Di Trú Canada (IRCC) vẫn tiếp tục phỏng vấn và gần đây, chính phủ Canada đã chấp thuận thêm 63 hồ sơ do VOICE Canada bảo lãnh từ Thái Lan cho đến Nam Dương, được định cư tại quốc gia này. Điều đó chứng tỏ, các hành vi vu khống của ông Nguyễn Thanh Tú là hoàn toàn bịa đặt và không có bằng cớ đứng đắn hay rõ ràng gì cả, ngoài mấy tấm ảnh mà những người tị nạn bị vu cáo cho biết là hoàn toàn photoshop! 

Cần nói thêm ở đây để đồng hương chúng ta được rõ là, theo luật di trú của Canada cũng như tại Hoa Kỳ, thì chỉ cần người chủ gia đình chứng minh và được chấp thuận là “người tị nạn”, còn vợ, chồng, con cái độc thân của họ đều được phép “ăn theo” tức “derivative status”, dẫu cho người đó nghèo khó, hoặc có tiền bạc, tài sản, có cơ sở làm ăn ở VN..., cũng không ảnh hưởng gì đối với các quyết định của sở di trú (miễn họ không phải là đảng viên CS). Trong tài liệu mới nhất của chương trình Welcome Corps mà chính phủ Hoa Kỳ vừa phổ biến, cũng đã nói rõ điều này.

Sở dĩ hôm nay tôi muốn đưa vấn đề nói trên ra ánh sáng, bởi vì cả anh lẫn ông NTT đều dùng các hình ảnh và tình trạng của những “người ăn theo” để tung hỏa mù rằng VOICE đã đưa các “đại gia”, cùng những kẻ không phải là thành phần tị nạn đi định cư!

2. Đề nghị thứ hai, anh nói tôi “hãy yêu cầu Liên Hội Người Việt Canada (LHNV-Canada) vận động chính phủ mở lại chương trình định cư cho những người xứng đáng nhưng bị bỏ rơi”.

Thưa anh Thắng, tôi không có tư cách pháp nhân nào để yêu cầu LHNV-Canada làm bất cứ điều gì cả. Anh viết là anh muốn tôi "đốc thúc" tổ chức này, "yêu cầu" tổ chức kia, "căn dặn" tổ chức nọ. Và trong các bài viết khác của anh về tị nạn, anh viết "Tôi kêu gọi", rồi "Tôi cũng kêu gọi", rồi lại "Tôi lần nữa kêu gọi". Hình như anh cho rằng mình là một một kẻ “đứng phía trên”, vừa ra lệnh, vừa viết bài chỉ trích, vừa chỉ tay 5 ngón đốc thúc. Tôi thì làm việc khiêm nhường, thưa anh. Tôi tự mình lo việc mình, khi cần nhờ ai thì cầm điện thoại lên xin nói chuyện với họ.

3. Đối với tôi, thì bất cứ người tị nạn VN nào đang sống vất vưởng ở Thái Lan hiện nay, họ đều là những người bị bỏ rơi, bị thế giới lãng quên, và thiếu sự quan tâm của cộng đồng hải ngoại. Tất cả những người đó đều xứng đáng để được chúng ta tranh đấu và vận động cho họ đến bến bờ tự do. Là một công dân Mỹ, tôi xả thân vận động quốc gia tôi đang sống phải thực hiện điều này. Và ánh sáng đang ló dạng ở cuối đường hầm. 

Thời gian của tôi hiện nay hoàn toàn tập trung vào việc thành lập các Nhóm Bảo Trợ “Private Sponsorship Group” trên toàn nước Mỹ để bảo lãnh đồng bào bất hạnh của chúng ta càng sớm, càng tốt để sẵn sàng khi Bộ Ngoại Giao chính thức nhận đơn bảo trợ của các nhà hảo tâm ở Hoa Kỳ trong những ngày tháng sắp tới. Chuyến đi Thái Lan của tôi, nằm trong mục đích nói trên.

Trong phần sau của lá thư dài anh viết, chỉ có 2 phần quan trọng:

- Phần một, anh làm tôi vô cùng ngạc nhiên và thất vọng khi anh nói rằng: “tại sao lúc ấy anh đã không giới thiệu các thuyền nhân bị bỏ rơi với tôi để VOICE giải quyết. Vì lúc bấy giờ (anh nói), anh chỉ biết lờ mờ về họ qua lời kể của LM Namwong...”   

Thưa anh Thắng, đối với tôi, mặc dù người tị nạn nào cũng xứng đáng để được giúp đỡ như nhau, tuy nhiên, là một cơ quan có tên là “Cứu Người Vượt Biển”, thì có lẽ anh nên luôn luôn để ý tới và đặt quyền lợi của “thuyền nhân” trên ưu tiên của các trường hợp khác, nhưng rất tiếc lúc đó là năm 2017, mà anh cũng “chỉ biết lờ mờ về họ”, thì trách chi các cô luật sư trẻ, sang tình nguyện làm việc không lương, thì không thể nào họ biết hết được trường hợp nào “đáng” hay “không đáng” phải cứu giúp? Cơ hội thì rất ít, mà người tị nạn thì đông? Làm sao tránh khỏi nỗi buồn phiền của những người không được chọn?

- Phần hai, anh yêu cầu tôi “cung cấp tên và địa chỉ email của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị và Giám Đốc Điều Hành của VOICE...”. Vâng, tôi đã thực hiện điều này, và ông Đoàn Việt Trung, đại diện cho Hội Đồng Quản Trị của tổ chức VOICE cho biết sẽ liên lạc với anh trong một ngày gần đây và đề nghị một cuộc họp mặt chính thức, để nghe anh trình bầy những thắc mắc cùng các chi tiết liên quan đến những lời cáo buộc mà anh đã và đang phổ biến qua các bài viết đăng tải trên Mach Song Media.

Riêng tôi, ngay sau khi về hưu, tôi có tình nguyện làm việc trong HĐQT của VOICE trong 3 năm, từ 2017-2019, với mục đích hỗ trợ việc định cư 50 người tị nạn. Trong số 50 hồ sơ đó, có 11 người do anh giới thiệu đến cho tôi, đó là gia đình ông Nguyễn Văn Thuyết (5 người), từ Hải Phòng đến trại tị nạn Hong Kong trước đây. Chị Nguyễn Thị Luyến, 6 người, là công nhân lao động tại Jordan. Ngoài ra còn có các gia đình thuyền nhân trại Sikiew hơn 30 năm lưu lạc ở Thái Lan. Các gia đình cựu tù nhân lương tâm, các nhà hoạt động và tranh đấu môi trường v..v... Tổng cộng là 36 người đã đến bến bờ tự do. Còn 14 hồ sơ đang chờ được phỏng vấn (xin mời anh xem video đính kèm bên dưới để biết thêm chi tiết). 

Chắc anh Thắng cũng biết, từ nay cho đến năm 2025, chính phủ Canada sẽ cứu xét cho nhập cư khoảng 1.5 triệu người di dân. Vậy tại sao anh không cộng tác với các hội đoàn ở Canada để bảo lãnh những người xứng đáng theo ý anh? Như anh đã viết, anh có đủ nhân sự, luật sư cùng phương tiện tài chính, thay vì cứ tiếp tục vu khống đồng bào tị nạn đã được chính phủ Canada chấp thuận cho định cư. Chụp mũ họ là gian lận, giả mạo v..v.., điều đó chỉ tạo hình ảnh xấu về “người tị nạn VN” khiến cho nhiều vị ân nhân có lòng, bỏ cuộc, không giúp cho đồng hương khốn khổ của mình nữa, mà lại cũng chẳng giải quyết được điều gì. Làm như thế tổ chức BPSOS không cứu người vượt biển, mà thực ra hại người vượt biển. Tôi xin dùng lại chữ của anh: “Đó là vô nhân đạo, đó là nhẫn tâm”!

Riêng cá nhân tôi, dù không làm gì được ở Canada, nhưng tôi hứa sẽ tìm người bảo trợ cho bất cứ cựu thuyền nhân nào đang còn kẹt lại ở Thái Lan nếu họ hội đủ điều kiện qua chương trình “bảo lãnh tư nhân” mà chính phủ Hoa Kỳ vừa mở ra, và khi họ chính thức áp dụng.  

Anh Nguyễn Đình Thắng và BPSOS không làm việc định cư, nên không thể nào biết được những khổ nhọc trong công tác này, tôi đã trải qua 41 năm trong nghề. Từ việc tìm nơi ăn, chốn ở cho người tị nạn lúc ban đầu. Đưa họ đi làm thủ tục giấy tờ, xin các loại trợ cấp y tế và xã hội. Rồi tìm kiếm công việc làm cho người lớn, việc học hành của các trẻ em. Săn sóc sức khỏe khi họ đau yếu. Những xáo trộn trong gia đình. Người tự lực, cánh sinh được thì không nói làm chi, còn đối với các gia đình không có khả năng tự túc thì phải cung cấp phương tiện tài chính để giúp họ v..v... Theo tôi biết thì VOICE Canada cùng người bảo trợ đã phải tài trợ cho một số gia đình suốt cả một năm vì họ không thể đi làm (anh Thắng có thể hỏi ông T, là người mà anh giới thiệu cho VOICE thì biết rõ điều này). Thêm vào đó nữa là luật lái xe của Canada rất khó, làm cho nhiều người tị nạn, cả năm trời cũng không có bằng lái xe, dù có khả năng mua xe, khiến cho các tình nguyện viên phải đưa đón họ. Thật là vất vả, nhất là trong các mùa Đông khắc nghiệt ở Canada.

Việc gì cũng vậy, ai không làm, chỉ đứng ngoài chất vấn hoặc thắc mắc rồi chỉ trích thì thật là dễ. Kẻ có lòng, người có tâm và nhập cuộc mới là điều đáng quý trọng. Tôi vô cùng ngưỡng mộ những tấm lòng vàng của quý vị đồng hương ở Canada, đã và đang tiếp tục đứng ra bảo trợ người tị nạn qua diện “bảo lãnh tư nhân” tại quốc gia này. Vô cùng cảm phục sự kiên nhẫn và chịu đựng của các thành viên thuộc tổ chức VOICE Canada. Dù bị bao oan khiên, vu cáo, đánh phá, nhưng họ vẫn một lòng, một dạ, vững tâm làm điều nhân ái. Và tôi nghĩ, chỉ có người tị nạn mới biết được sự hy sinh của những vị ân nhân đầy tình người, với tấm lòng rộng lượng đó đối với họ như thế nào. Nhưng có lẽ Thượng Đế mới chính là người ban cho họ niềm tin mạnh mẽ để tiếp tục con đường giúp đời, giúp người mà họ đã chọn. Có thể nhờ vậy nên những lời vu cáo của kẻ KHÔNG LÀM, MÀ CHỈ NÓI đều đi vào hư không! Họ chẳng bận tâm mà cứ âm thầm ngước mặt nhìn đời với niềm hãnh diện và hài lòng trong công việc mình làm.

Tôi cũng luôn trân trọng những việc anh Thắng đã và đang làm, điều gì lo cho người tị nạn cũng đáng quý cả. Tuy nhiên thực tế nhất vẫn là đưa được họ đến bến bờ tự do. Trong 6 năm qua, VOICE là tổ chức duy nhất đã đưa được 170 người tị nạn VN đi định cư tại Canada, đa số là thuyền nhân. Tôi không nghĩ đã có tổ chức nào ở trên thế giới làm hơn được như vậy?

Thân chào anh,
Nam Lộc


PS: Thứ Ba tuần qua, 11 tháng Tư, 2023, ký giả Dương Phục có mời tôi và anh đối thoại trên đài phát thanh Saigon Radio Houston, tôi đã đồng ý. Ông Dương Phục cho biết anh cũng đồng ý, nhưng hẹn lại thứ Ba tuần sau, 18 tháng Tư. Rất mong được hầu chuyện cùng anh.

Tuesday, April 4, 2023

Donald Trump bị truy tố : Những hệ quả đối với việc ông ra ứng cử tổng thống năm 2024

Ảnh tư liệu : Donald Trump lúc còn là tổng thống Mỹ họp báo tại tòa Bạch Ốc ở Washington, Hoa Kỳ ngày 26/06/2020. REUTERS - Carlos Barria

Phan Minh
Sau khi cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức bị công tố viên tiểu bang New York Alvin Bragg truy tố hình sự hôm 30/03/2023, câu hỏi đặt ra là điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc ứng cử tổng thống năm 2024 của ông ?! Trang mạng The Conversation ngày 31/03/2023 giải đáp một số câu hỏi. RFI xin giới thiệu.

Đại bồi thẩm đoàn của Manhattan vừa truy tố cựu tổng thống Donald Trump. Những cáo buộc cụ thể chưa được công khai, nhưng chúng liên quan đến cuộc điều tra của công tố viên Alvin Bragg, thuộc cơ quan công tố Manhattan về việc ông Trump đã trả một số tiền lớn cho một nữ diễn viên phim khiêu dâm ngay trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một tổng thống hoặc cựu tổng thống bị truy tố hình sự. 

Tuy nhiên, ông Trump có thể sẽ không từ bỏ chiến dịch tranh cử tổng thống, với hy vọng vào năm 2024 sẽ lấy lại vị trí mà ông đã mất hồi năm 2020 vào tay ông Joe Biden. 

Việc truy tố và phiên tòa đi kèm sẽ mang lại những hậu quả gì đối với chiến dịch tranh cử của Donald Trump và nếu ông đắc cử, thì sẽ tác động ra sao đối với nhiệm kỳ tổng thống 2024-2028 ? 

Hiến pháp Mỹ quy định như thế nào ? 
Điều II của Hiến pháp Hoa Kỳ đặt ra những yêu cầu rất rõ ràng đối với việc thực thi chức vụ tổng thống : tổng thống phải ít nhất 35 tuổi, đã cư trú tại Hoa Kỳ ít nhất 14 năm và là công dân Mỹ từ lúc sinh. 

Trước đây, trong các vụ án tương tự liên quan đến các thành viên Quốc Hội, Tối cao Pháp viện đã quyết định rằng các điều kiện được quy định trong Hiến pháp để tiếp cận chức vụ dân cử là những « điều kiện hiến định cao nhất » và không áp dụng thêm bất kỳ điều kiện nào trong mọi trường hợp. 

Do Hiến pháp không quy định là tổng thống phải không bị truy tố, kết án hoặc bỏ tù, nên một người bị truy tố hoặc bỏ tù vẫn có thể ra tranh cử và thậm chí có thể giữ chức vụ tổng thống. 

Đây là quy định pháp lý được áp dụng với Donald Trump : theo Hiến pháp, bản cáo trạng và khả năng ông bị xét xử sẽ không ngăn cản đương sự ra tranh cử và thậm chí là thực thi chức vụ tối cao. 

Mặc dù vậy, một bản cáo trạng hay việc bị tuyên án, chưa kể đến án tù, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện các chức năng của một tổng thống. Và Hiến pháp không đưa ra câu trả lời rõ ràng cho việc thực thi quyền lực đối với một lãnh đạo bị suy yếu như thế. 

Bộ Tư pháp Mỹ quy định ra sao ? 
Một ứng cử viên tổng thống có thể bị buộc tội, truy tố và kết án bởi chính quyền ở bất kỳ bang nào trong số 50 bang của đất nước hoặc bởi chính quyền liên bang. Bản cáo trạng đối với một tội nhẹ cấp tiểu bang (vụ Trump/Daniels, thuộc thẩm quyền quận Manhattan, tiểu bang New York) ít nghiêm trọng hơn các cáo buộc ở cấp liên bang do bộ Tư Pháp đưa ra. Nhưng suy cho cùng, cảnh tượng một phiên tòa hình sự, dù được tổ chức tại tòa án tiểu bang hay liên bang, chắc chắn sẽ có tác động lớn đến chiến dịch tranh cử tổng thống của một ứng cử viên và sự tín nhiệm của ứng viên đó với tư cách là tổng thống nếu người đó được bầu. 

Tất cả các bị cáo được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Nhưng nếu bị kết án, việc giam giữ — dù ở nhà tù tiểu bang hay nhà tù liên bang — rõ ràng sẽ dẫn đến những hạn chế về quyền tự do – làm suy yếu đáng kể khả năng lãnh đạo đất nước của tổng thống. 

Việc tổng thống sẽ khó có thể thực hiện nhiệm vụ của mình nếu ông bị truy tố hoặc kết án đã được nhấn mạnh trong một bản ghi nhớ do bộ Tư Pháp viết vào năm 2000. Bản ghi nhớ này dựa theo tinh thần một bản ghi nhớ trước đó, vào năm 1973, có tiêu đề « Khả năng tổng thống, phó tổng thống và các quan chức khác có thể bị truy tố hình sự liên bang khi đương chức ». Bản ghi nhớ năm 1973, liên quan đến vụ Watergate, lúc tổng thống Richard Nixon bị điều tra vì vai trò của ông trong vụ bê bối nghe trộm, trong khi phó tổng thống Spiro Agnew bị đại bồi thẩm đoàn điều tra vì tội trốn thuế. 

Cả hai bản ghi nhớ này đều đề cập đến câu hỏi liệu theo Hiến pháp, một tổng thống đương nhiệm có thể bị buộc tội khi đang tại vị hay không. Cả hai văn bản đều kết luận rằng tổng thống không thể bị buộc tội. 

Nhưng một tổng thống bị buộc tội, bị kết án hoặc bị cả hai, trước khi nhậm chức, như Donald Trump thì sao ? 

Bản ghi nhớ năm 1973 và 2000 nhấn mạnh đến hậu quả của một bản cáo trạng đối với việc thực hiện nhiệm vụ của tổng thống, bản ghi nhớ năm 1973 sử dụng ngôn từ đặc biệt mạnh mẽ : «Cảnh tượng một tổng thống bị truy tố vẫn tìm cách thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là lãnh đạo đất nước thực sự vượt ra ngoài sức tưởng tượng. » 

Cụ thể, hai bản ghi nhớ nhận xét rằng một tổng thống đương nhiệm bị truy tố hình sự có thể dẫn đến «sự cản trở trực tiếp đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính thức của tổng thống», và một phiên tòa hình sự sẽ làm giảm đáng kể thời gian mà tổng thống sử dụng để giải quyết công việc nặng nề của mình, và một phiên tòa như vậy có thể dẫn đến việc nguyên thủ quốc gia bị bỏ tù. 

Một tổng thống bị cầm tù có thể thực hiện các nhiệm vụ thiết yếu của mình không? 

Theo bản ghi nhớ năm 1973, «tổng thống có một vai trò mà không một ai có ai trò tương tự trong việc thực thi luật pháp, điều hành các mối quan hệ đối ngoại và bảo vệ quốc gia». 

Các chức năng thiết yếu này đòi hỏi tổng thống phải tham dự các cuộc họp, giữ liên lạc hoặc tham vấn với quân đội, các nhà lãnh đạo nước ngoài và các quan chức chính phủ ở Hoa Kỳ và nước ngoài. Điều này rất khó hình dung đối với một tổng thống ở đằng sau song sắt. Đây là lý do tại sao học giả về luật Hiến pháp Alexander Bickel nhận xét vào năm 1973 rằng «rõ ràng không thể thi hành chức vụ tổng thống trong tù». 

Ngoài ra, các tổng thống ngày nay thường xuyên đi công du trong nước và trên thế giới để gặp gỡ các quan chức địa phương và quốc tế, điều tra hậu quả của thiên tai trên lãnh thổ quốc gia, kỷ niệm những thành công lịch sử của đất nước và các sự kiện có tầm quan trọng quốc gia hoặc trao đổi trực tiếp với người dân và các nhóm đại diện cho họ về nhiều vấn đề khác nhau. Rõ ràng tất cả những điều này không thể được thực hiện bởi một tổng thống ở trong tù. 

Ngoài ra, tổng thống phải có khả năng truy cập các thông tin mật và tham gia vào các cuộc họp trao đổi thông tin. Việc bị giam giữ sẽ khiến điều này trở nên đặc biệt khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, vì những thông tin như vậy được lưu trữ và thao khảo trong một căn phòng được bảo đảm an ninh, chống mọi hình thức gián điệp bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả chặn sóng vô tuyến – điều mà các nhà tù không làm được. 

Do các chức năng và nhiệm vụ khác nhau của tổng thống, các bản ghi nhớ năm 1973 và 2000 kết luận rằng « tổng thống bị giam giữ sau khi bị kết án chắc chắn sẽ ngăn cản ngành hành pháp thực hiện các chức năng được Hiến Pháp giao ». Tức là tổng thống sẽ không thể đảm nhiệm công việc của mình. 

Lãnh đạo đất nước từ nhà tù 
Điều gì sẽ xảy ra nếu bất chấp mọi chuyện, các công dân bầu ra một tổng thống bị buộc tội hoặc đang ở trong tù ? Đó không phải là điều trong trí tưởng tượng. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1920, ứng cử viên Eugene Debs lúc bị giam trong tù, đã giành được gần một triệu phiếu bầu trong tổng số 26,2 triệu phiếu. 

Một trong những giải pháp cho tình huống này được nêu trong Tu chính án thứ 25, cho phép nội các của tổng thống tuyên bố rằng tổng thống « không thể thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của của mình ». 

Tuy nhiên, hai bản ghi nhớ của bộ Tư pháp lưu ý rằng những người soạn thảo Tu chính án thứ 25 chưa bao giờ dự tính hoặc đề cập đến việc «bị giam giữ» như một lý do cản trở thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của tổng thống, và việc thay thế tổng thống theo Tu chính án thứ 25 «sẽ không đủ trọng lượng mang tính thuyết phục đối với sự lựa chọn được cân nhắc kỹ lưỡng của những cử tri đã bầu ra người họ chọn làm tổng thống». 

Tất cả những điều này gợi lại câu nói nổi tiếng của thẩm phán Oliver Wendell Holmes (1841-1935), là thành viên của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ từ năm 1902 đến 1932, về vai trò của Tòa án Tối cao : «Nếu đồng bào của tôi muốn xuống địa ngục, thì tôi sẽ giúp họ. Đó là công việc của tôi.» 

Phản ánh này xuất phát từ một bức thư trong đó Holmes bày tỏ ý kiến của mình về đạo luật chống độc quyền Sherman (Sherman Antitrust Act). Cá nhân ông nhấn mạnh rằng đây là đạo luật hoang đường, tuy nhiên, thẩm phán Holmes cho biết sẵn sàng làm những gì cần thiết để đạo luật được thực thi vì nó phản ánh ý chí chung được thể hiện một cách dân chủ, liên quan đến quyền tự quyết của người dân. Sẽ có những suy nghĩ tương tự trong bối cảnh hiện nay : nếu người dân bầu ra một tổng thống bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt hình sự, thì đó cũng là kết quả của quyền tự quyết của công dân Hoa Kỳ. Điều này sẽ tạo ra một tình huống nan giải mà Hiến pháp chưa đưa ra giải pháp xử lý thỏa đáng.

NAM LỘC TRẢ LỜI NGUYỄN ĐÌNH THẮNG (Xin vui lòng phổ biến thư hồi âm này trên Mach Song Media)

(Hình gia đình ông Thuyết đến Canada)

Thân gửi anh Thắng,

Tuần qua, vào ngày 30 tháng 3, 2023, trên một bài báo do chính anh viết, đăng trên Mach Song của BPSOS, có tựa đề là Từ Thái Lan, Linh Mục Namwong kêu cứu cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi”. Trong đó anh có nhắc đến tên tôi và cuộc hội ngộ của chúng ta với Cha Peter Namwong vào tháng 11, 2017. Mặc dù anh Thắng không hề buồn phiền hay trách cứ gì tôi cả, tuy nhiên có nhiều chi tiết trong các đoạn sau của bài viết rất thiếu sót và sai lạc, có thể tạo ra sự hiểu lầm, vì thế tôi xin phép được bổ túc, nhân tiện hỏi anh một số điều mà cá nhân tôi và nhiều người vô cùng thắc mắc.

Trước hết xin nói rõ thêm là, sau khi ban tổ chức buổi nhạc hội tại Houston vào tháng 10, 2017 (gây quỹ giúp cho BPSOS định cư đồng bào tị nạn VN, đang tạm trú ở Thái Lan), mời tôi làm MC, thì tôi nhận lời ngay, vì đối với tôi, bất cứ tổ chức nào tranh đấu hay hỗ trợ cho người tị nạn, thì chúng ta có bổn phận phải tiếp tay. Ngay sau đó, anh đã mời tôi đi Thái Lan để quan sát tình hình, đồng thời tiếp xúc và gặp gỡ người tị nạn đang chờ cơ hội được đi định cư. Nghe tin tôi sang Thái, vốn là chỗ quen biết và hoạt động gần gũi, cho nên một tuần trước khi lên đường, linh mục Namwong đã liên lạc với tôi và đề nghị là họp chung với anh Thắng, mục đích là để nhờ BPSOS tiếp tay giúp đỡ cho một số thuyền nhân được đi định cư. Ngài nói, vì những năm trước đã nhờ tổ chức VOICE giúp hơn 100 người rồi!

(Hình NL chụp với Cha Namwong năm 2016 tại phi trường Bangkok, khi ngài đưa một nhóm người tị nạn đi Canada)

Nội dung buổi họp đó, linh mục Namwong chỉ yêu cầu BPSOS giúp bảo trợ cho các gia đình thuyền nhân còn lại đi định cư, nhưng không hề đưa ra một danh sách hay tên tuổi của người nào cả! Sau khi ngài từ giã chúng ta thì anh Thắng có nhờ tôi chuyển lời yêu cầu đó đến cho VOICE. Tôi rất đỗi ngạc nhiên và hỏi tại sao, thì lúc đó anh Thắng mới “tâm sự” rằng, BPSOS không có khả năng và hoàn cảnh để định cư người tị nạn! Tôi hỏi vậy tiền BPSOS gây quỹ của người Việt hải ngoại thì dùng vào việc gì? Anh Thắng trả lời: Để thuê các luật sư làm nhiệm vụ “cố vấn pháp lý” mà thôi! Và cũng chính vì lẽ đó nên tôi đã không còn tham dự vào các cuộc gây quỹ của BPSOS sau này nữa.

Trở lại với bài viết Từ Thái Lan, Linh Mục Namwong kêu cứu cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi”, anh Thắng có đưa ra mối quan tâm sâu xa về các gia đình thuyền nhân, đặc biệt là một số người mà anh cho rằng họ đã bị “bỏ rơi”? Điều này đưa tôi đến những điểm thắc mắc sau đây:

1. Tại sao trong suốt thời gian công tác ở Thái Lan với BPSOS, anh Thắng KHÔNG GIỚI THIỆU TÔI VỚI BẤT CỨ MỘT GIA ĐÌNH THUYỀN NHÂN NÀO CẢ? Thay vào đó anh đã đích thân đưa tôi đi thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thuyết, một người tị nạn từ Hải Phòng, vượt biên qua Hong Kong, bị trục xuất về VN. Năm 1994. Sau đó tìm đường sang Thái Lan tị nạn. Gia đình thứ 2 anh Thắng giới thiệu với tôi là gia đình bà Nguyễn Thị Luyến, một công nhân cũng từ miền Bắc VN, đi lao động tại Jordan, nhưng đã trốn qua Thái Lan xin tị nạn. Tiếp đó anh đưa tôi đến gặp mục sư Sung Seo Hoa, là người gốc H’mong, cùng một số tín đồ của ông.

(Hình TS Thắng và tôi chụp tại nhà bà Luyến có mặt ông Thuyết và gia đình của họ trong một buổi cơm tối)

 (Hình TS Thắng và tôi chụp với các người tị nạn gốc H’mong)

Qua ngày hôm sau, có lẽ vì bận nên anh đã giao tôi cho cháu Jack, một cậu người Việt gốc Thượng tên thật là Y Phic Hđơk, Jack cho biết, ông Thắng bảo đưa đến thăm các gia đình người thiểu số gốc Tây Nguyên mà thôi. Tuy nhiên đối với tôi người tị nạn nào cũng đáng thương và đáng cần giúp đỡ. Tất cả đều là người VN, đặc biệt là các cựu tù nhân lương tâm hay những nhà đối kháng đang bị CSVN truy lùng khiến họ phải lánh nạn ở Thái Lan.

2. Trước khi từ giã Thái Lan để trở về Hoa Kỳ, anh Thắng có khẩn khoản nhờ tôi chuyển lời với tổ chức VOICE Canada để giúp bảo trợ cho gia đình ông Nguyễn Văn Thuyết và bà Nguyễn Thị Luyến. VOICE đã nhận lời yêu cầu này và đưa họ vào danh sách 50 người mà VOICE Canada nộp cho bộ di trú Canada để xin bảo lãnh. Vào ngày 18, tháng 8, 2021, gia đình ông Nguyễn Văn Thuyết gồm 5 người đã đến định cư tại Toronto và sau đó vào ngày 6, tháng 10, 2022, thì gia đình bà Nguyễn Thị Luyến gồm 6 người, cũng đã đặt chân đến bến bờ tự do qua sự bảo lãnh của tổ chức VOICE Canada và các nhà mạnh thường quân giàu lòng nhân đạo tại quốc gia này. TÔI NGHĨ ANH THẮNG NỢ VOICE CANADA MỘT LỜI CẢM ƠN! Thiết tưởng, nếu lúc đó anh Thắng đưa tên của các gia đình thuyền nhân mà anh hay nhắc đến sau này như ông Sơn Doành hoặc bà Thạch Thị Phay cho VOICE, thì không chừng họ cũng đã đến Canada. 

Cần nhắc thêm ở đây là, cho đến ngày hôm nay trong tổng số 50 người mà VOICE Canada xin bảo lãnh, thì 34 người đã được bộ di trú Canada phỏng vấn và chấp thuận cho định cư tại Canada. Gồm có 14 cựu thuyền nhân, 9 người thuộc diện tù nhân lương tâm, 6 thuộc diện xuất cảnh lao động, và 5 là nạn nhân Formosa (trong đó có cả 11 người tị nạn do anh Thắng giới thiệu). Hiện còn 16 người nữa đang chờ thủ tục nhập cảnh. Những người này đã từng bị ông NTT, tung tin thất thiệt và bịa đặt trên các kênh YouTube mà ông ta một thời huyên hoang, cho đến khi bị cộng đồng người Việt khám phá ra bộ mặt thật, là tay sai CS, khi ông ấy xuất hiện trên các cơ quan truyền thông của nhà nước CSVN.
(Lời tuyên bố láo lếu của NTT về hồ sơ 50 đồng bào tị nạn VN được VOICE Canada bảo lãnh)  

3. Chúng ta cũng không nên quên công sức của VOICE Canada trong thời gian qua, ngoài số 50 hồ sơ tị nạn tại Thái Lan, họ cũng đã thành công trong việc tranh đấu và vận động cho 3 gia đình thuyền nhân gồm 27 người, đã bị nước Úc trục xuất về VN vào năm 2015. Sau khi ra tù họ lại tiếp tục vượt biển và cuối cùng tất cả đã được VOICE Canada phối hợp với cộng đồng người Việt tại Úc Châu giúp định cư tại Canada trong năm 2022. Là một cơ quan có tên là “Cứu Người Vượt Biển/Boat People SOS”TÔI NGHĨ MACH SONG MEDIA CỦA ANH NỢ NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI NHỮNG BẢN TIN ĐẦY TÌNH NGƯỜI VÀ LÒNG NHÂN ÁI NHƯ TRÊN! TÔI THẮC MẮC, TẠI SAO KHÔNG BAO GIỜ ANH PHỔ BIẾN CÁC BẢN TIN LIÊN QUAN ĐẾN THUYỀN NHÂN NHƯ THẾ?

(Video phỏng vấn các gia đình thuyền nhân VN từ Indonesia)

4. Thắc mắc thứ tư của tôi là BPSOS chỉ là một NGO (Non Governmental Organization) tức là một tổ chức Phi Chính Phủ, tương tự như Liên Hội Người Việt Canada hoặc như tổ chức VOICE, vậy thì anh Thắng lấy tư cách gì mà “nhắc nhở, trách cứ hay đôn đốc” họ? Tại sao anh không tự đứng ra làm? Tôi biết BPSOS có rất nhiều cơ sở kinh doanh về dịch vụ di trú ở nhiều nơi trên đất Mỹ, bảo lãnh hôn nhân, hoặc đưa du học sinh từ VN sang HK. Vậy tại sao anh không hợp tác với VOICE hoặc liên kết với các tổ chức cộng đồng ở Canada để “cứu người vượt biển” như chủ trương và đường lối của BPSOS? Anh thường cho biết là có nhiều mối liên hệ với các quan chức cao cấp trong cộng đồng người Việt tại quốc gia này, và nếu tôi không lầm thì chị nhà sau này của anh cũng là dân Canadian gốc Việt? Nhiều người vẫn thường nói đùa, “giám đốc”, chứ không “dám làm”. Tôi hy vọng là anh không nằm trong trường hợp đó!

5. Thắc mắc tiếp theo của tôi là, cũng trong bài viết, anh có nhắc đến một vài trường hợp mà anh cho là “không đủ điều kiện” để được định cư? Là một NGO, ăn lương và nhận funding của chính phủ cùng nhiều tổ chức tài trợ khác, tôi thiết nghĩ anh Thắng CÓ BỔN PHẬN PHẢI ĐƯA CÁC TRƯỜNG HỢP GIAN LẬN ĐỂ NHẬP CẢNH CANADA LÊN CHO CÁC GIỚI CHỨC TRÁCH NHIỆM CỦA QUỐC GIA NÀY để họ điều tra và truy tố những kẻ phạm pháp! Vậy tại sao anh không làm mà cứ lập đi, lập lại trên Mach Song Media những chi tiết mà trước đây NTT đã bịa đặt với mục đích bôi nhọ và vu cáo người khác? Họ đâu có phương tiện báo chí hoặc thì giờ ngồi viết mỗi ngày như anh?

6. Sau cùng, trong tình thân cùng mối giao hảo lâu năm, tôi đề nghị anh hãy tập trung vào kế hoạch “Bảo Lãnh Tư Nhân” mà chính phủ HK vừa phát động. Chúng ta có đến hơn 1000 người như ông Sơn Doành và bà Thạch Thị Phay đang chờ đợi để được giúp đỡ ở Thái Lan. BPSOS và các tổ chức hay cá nhân khác có lòng, hãy dồn sức vào nỗ lực vận động và chuẩn bị nộp đơn để bảo trợ cho họ. Còn quá nhiều việc quan trọng phải làm thay vì chỉ ngồi viết để chống đối hay chỉ trích người khác vì tham vọng cá nhân của mình. 

Thưa anh Thắng, tôi vừa nhận lời yêu cầu của Sở Di Trú Hoa Kỳ (USCIS) để đảm nhiệm chức vụ Đại Sứ Quốc Tịch thêm một nhiệm kỳ nữa. Vào trung tuần tháng Năm này, sau khi trở về từ Thái Lan, tôi sẽ bay lên Hoa Thịnh Đốn để tham dự một cuộc họp với Bộ Ngoại Giao và Bộ Nội An Hoa Kỳ. Nếu anh không đi đâu trong thời gian đó, tôi rất mong được gặp anh để trao đổi thêm tin tức. Và nếu BPSOS nhập cuộc, quyết định đứng ra BẢO LÃNH ĐỊNH CƯ NGƯỜI TỊ NẠN, thì tôi, không những chỉ MC các chương trình gây quỹ của BPSOS mà còn mang 41 năm kinh nghiệm trong lãnh vực định cư, sẵn sàng ủng hộ và tiếp tay anh như đã từng làm trước đây, nếu anh cần đến sức mọn của tôi.

Chúc anh luôn vui khỏe và bình an,

Nam Lộc