Friday, November 20, 2015

'Terror in Little Saigon,' sự thật ở đâu?


Bài liên quan


Người ‘trong cuộc’ nói gì?

Xem báo Người Việt ngày Thứ Bảy, 7 Tháng Mười Một, nguyên văn các cuộc phỏng vấn:

Phóng viên A.C. Thompson, người thực hiện phim “Terror in Little Saigon.”

Ông Hoàng Cơ Ðịnh, cựu thành viên cao cấp của Mặt Trận.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, từng là thành viên cao cấp của Mặt Trận.


7 Tháng Mười Một: Ðăng tải phỏng vấn A.C. Thompson, Hoàng Cơ Ðịnh, Nguyễn Xuân Nghĩa
WESTMINSTER, California (NV) - Phim tài liệu “Terror in Little Saigon” do phóng viên điều tra A.C. Thompson thực hiện, trình chiếu trên chương trình Frontline của hệ thống truyền hình PBS, và phổ biến trên trang mạng ProPublica, tối ngày Thứ Ba, 3 Tháng Mười Một, gây xôn xao dư luận.

Phóng viên A.C. Thompson (trái) nói chuyện với con trai lớn của nhà báo Nguyễn Ðạm Phong, một cảnh trong phim “Terror in Little Saigon.” (Hình chụp lại từ phim)
Cái tựa rất lớn, “Terror in Little Saigon” (“Khủng Bố ở Little Saigon”) gây sự tò mò nơi công chúng, nhất là người gốc Việt. Lại càng gây tò mò hơn khi chương trình này quảng cáo rầm rộ, hứa hẹn phơi trần bí ẩn trong việc hàng loạt vụ nhà báo người Mỹ gốc Việt bị ám sát trên đất Mỹ, mà FBI, cơ quan điều tra bậc nhất Hoa Kỳ, phải đầu hàng, “đóng hồ sơ” sau hơn 15 năm điều tra, vì không tìm đủ chứng cứ.
Mọi người háo hức chờ xem là vì “Terror in Little Saigon” đánh thẳng vào nhu cầu tìm sự thật giữa những lời phỏng đoán, đồn đại, kéo dài hơn 30 năm. Những phỏng đoán này liên quan đến nghi vấn gắn liền với Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, tức Mặt Trận, mà công chúng quen gọi là “Mặt Trận Hoàng Cơ Minh,” tổ chức bị cho là đã giết một số nhà báo vì viết bài bất lợi cho Mặt Trận, hoặc vì thân Cộng, hoặc làm lợi cho Cộng Sản.
Năm nhà báo bị thủ tiêu gồm:
-Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút tờ Cái Ðình Làng, bị bắn chết Tháng Bảy, 1981, tại San Francisco, California.
-Nguyễn Ðạm Phong, 45 tuổi, chủ nhiệm tờ Tự Do, bị ám sát Tháng Tám, 1982, tại Houston, Texas.
-Phạm Văn Tập (tức Hoài Ðiệp Tử), 45 tuổi, chủ nhiệm tạp chí Mai, chết ngộp khi văn phòng của ông bị đốt Tháng Tám, 1987, tại Garden Grove, California.
-Ðỗ Trọng Nhân, 56 tuổi, người dàn trang cho tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, bị bắn chết trong xe, tại Fairfax, Virginia, Tháng Mười Một, 1989.
-Lê Triết (Tú Rua), 61 tuổi, tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, cùng vợ, bị bắn chết trong xe đang đậu trước tư gia ở Virginia.
Người xem mong “Terror in Little Saigon” sẽ mở tung cánh cửa bí mật của quá khứ, tìm ra thủ phạm, mang công lý đến cho gia đình những nhà báo xấu số, làm sáng tỏ mọi nghi vấn.
Thế nhưng, kết quả sau buổi trình chiếu của cuốn phim được nhiều kỳ vọng này là sự bắt đầu của những tranh cãi.
Phim kết thúc với cảnh phóng viên A.C. Thompson cả quyết với con trai của nhà báo Nguyễn Ðạm Phong: “Mặt Trận có một đội sát thủ. Tên gọi là K-9. Các thành viên của Mặt Trận nói với chúng tôi rằng K-9 đã sát hại cha của em.”
Câu kết làm cho người con của nhà báo Nguyễn Ðạm Phong nhìn ông với cặp mắt long lanh biết ơn. Nhưng khán giả có thể hụt hẫng. Và một số nhân vật trong phim bắt đầu bất bình.
Có người cho rằng thông tin trong phim không có gì mới. Có người cho rằng các nguồn tin giấu tên thì không đáng tin cậy. Có người đặt câu hỏi tại sao cuốn phim lại ra đời vào lúc này, khi chuyện đã xảy ra hơn 30 năm. Ðặc biệt hơn, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, từng là thành viên cao cấp của Mặt Trận, người được phỏng vấn và xuất hiện trong phim, nói rằng “lời dẫn giải của phim cố tình tạo hiểu lầm.”
Hiển nhiên, người làm phim, phóng viên A.C. Thompson, bảo vệ tác phẩm của mình, rằng “chính ông Nghĩa đã nói như thế...”
Ðối tượng chính của phim là Mặt Trận, cũng đã từ khước trả lời phỏng vấn của A.C. Thompson.
Ông Hoàng Cơ Ðịnh, từng là vụ trưởng Tài Chánh của Mặt Trận hồi thập niên 1980, khi những vụ ám sát xảy ra, nói với nhật báo Người Việt: “Nếu tham dự vào cuốn phim, tôi không nghĩ là sẽ làm cho nó tốt thêm hay xấu đi. Tôi chưa hình dung được là nếu tôi tham gia vào cuốn phim của ông ta, AC Thompson sẽ nhào nặn tôi ra sao, nhưng chắc chắn tôi sẽ nhận được bài học kinh nghiệm 'Thế nào là trao trứng cho ác.'”
Và có vẻ như chính A.C. Thompson, sau khi cả quyết với người con trai của nhà báo Ðạm Phong, cũng không xác quyết điều mình tin tưởng.
Ông nói với nhật báo Người Việt: “Ðúng, tôi không thể nói một cách xác quyết rằng ai là thủ phạm. Tôi chỉ có thể nói là những chứng cớ tôi có đều chỉ vào một hướng, không trỏ đến một hướng khác.”
Vậy, toàn bộ cuốn phim này là gì? Những người thực hiện, đối tượng của phim, nhân vật trong phim, nói gì? Xin theo dõi toàn bộ ba cuộc phỏng vấn được đăng tải trong cùng một số báo ngày Thứ Bảy, 7 Tháng Mười Một, của ba nhân vật:
-Phóng viên A.C. Thompson, người thực hiện “Terror in Little Saigon.”
-Ông Hoàng Cơ Ðịnh, cựu thành viên cao cấp của Mặt Trận.
-Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cựu thành viên cao cấp của Mặt Trận.
Tất cả các cuộc phỏng vấn do phóng viên Hà Giang thực hiện. (Ð.B.)

No comments:

Post a Comment