Thursday, June 27, 2013

Bố vắng nhà - Đoàn Thị


“ Một đời làm chồng, làm cha, bố luôn vắng nhà, nhưng có phải bố muốn như thế đâu ...“


Tôi lớn lên với mẹ và bốn anh em chúng tôi, bố luôn vắng nhà, nhưng những ngày có bố thật tuyệt vời, những ngày phép ngắn ngủi bố tha chúng tôi đi khắp phố Sàigòn, ăn hàng suốt ngày đến chiều tối mới về nhà. Hàng xóm quen mắt với cảnh bố và đám tùy tùng chúng tôi đi về lúc nào cũng theo trật tự của bố, chúng tôi đi hàng ngang, bố cõng con bé Mật trên lưng, thằng cu Sóc đu đưa bàn tay trái của bố, tôi với anh hai chia nhau bàn tay phải, bốn đứa đu đeo bố như đám khỉ con.

Mẹ lẽo đẽo theo sau chiêm ngưỡng giang san của mẹ, nhìn chồng con níu tay nhau mẹ sướng như đang trên mây,. Một năm có vài lần được sống với chồng con, có người vợ lính nào có thể bỏ qua cơ hội ngàn vàng.

Sáng hôm sau thức giấc, anh em chúng tôi khóc như mưa, bố vác balô lên đường sáng sớm tinh mơ, như để chuộc lỗi với chúng tôi, bố để lại một bịch kẹo to với hàng chữ, Cu Rừng giữ túi kẹo, thỉnh thoảng chia cho các em, ăn nhiều sâu răng đấy, lần sau về bố sẽ có quà mới cho các con. Con nít đứa nào chả thích kẹo, chỉ có tôi khi ăn kẹo lại nhớ bố da diết, nên viên kẹo có vị hơi mặn vì những giọt nước mắt chầm chậm hòa vào viên kẹo chưa tan trong miệng, mẹ vuốt tóc tôi, hai mẹ con ôm nhau cùng khóc.

Anh hai lớn hơn tôi hai tuổi, thằng nhỏ lên chín không thể chia sẻ nỗi buồn của mẹ như tôi, con bé Suối lanh như cáo, bố xoa đầu tôi bảo như thế và tôi hiểu bố thương tôi nhất vì tôi là đứa mẹ có thể gửi gấm tâm sự những lúc nhớ bố.

Một lần đi thăm chiến sĩ dưỡng thương ở bệnh viện Cộng Hòa, mẹ đã phải lòng bố, trung úy Kỳ, ốm nhom, đen thui như mọi, chỉ có cặp mắt đa tình đủ hớp hồn cô giáo Kim. Sau khi bình phục bố trở về đơn vị trên pleiku, thư qua thư lại, dài mấy trang giấy học trò, cả năm trời hao tốn giấy mực, cũng chỉ có một câu thần chú kỳ diệu “ ANH YÊU EM” không bao giờ hết hạn sử dụng.

Ngày mẹ nói chuyện bố với ông ngoại, ông giận không thèm ăn cơm, mẹ cả gan từ chối con trai người bạn thân của ông, lại đi yêu anh lính mồ côi cả cha lẫn mẹ, mộng làm sui với ông bạn chí cốt giáo sư đại học và đón cậu rể kỹ sư tan theo mây khói, ông ngoại không tưởng tượng nổi con gái có thể cãi lệnh cha mẹ như cô giáo Kim.

Bà ngoại tự động đăng cai chức hòa giải, thủ thỉ với mẹ, cha thương con mới sắp xếp như thế, lấy chồng lính rầy đây mai đó, có khi bồ bịch lăng nhăng làm sao con biết được, phận gái có chồng là xong một đời, có gì khổ lắm con à. Giời ạ, bà nói một câu “phản tác dụng”, phận gái một đời chồng làm mẹ cuống lên, đời mẹ chỉ yêu bố không thể là người khác được, mẹ khóc với bà ngoại nài nỉ bà to nhỏ với ông ngoại, để ông đừng tuyệt thực, để ông suy nghĩ lại.

Suy nghĩ mấy tháng trời ông ngoại vẫn thấy ông đúng trăm phần trăm, chỉ có đàn bà là tình cảm vặt vãnh, lúc này mẹ đâm đơn xin chuyển công tác ra miệt Củ Chi và đang chờ phòng giáo dục trả lời.

Tới phiên bà ngoại cuống cuồng trách ông, gia trưởng, ai nỡ ép duyên, lỡ chọn nghề không hợp người ta còn đổi được, lấy chồng rồi, có khổ suốt đời cứ cắn răng mà chịu, tôi với ông sướng gì khi thấy con mình khổ. Mình sinh con chỉ muốn nó hạnh phúc, sao lại tước đi cái quyền định đoạt cuộc đời nó, tôi thấy thằng Kỳ có gì để ông chê, mồ côi cha mẹ đâu phải là một cái tội, ông làm quá con Kim nó đâm đơn xin xuống Củ Chi dạy học đó.

Ông thất kinh hồn viá, không ngờ mẹ mù quáng đến độ liều lĩnh lang bạt xuống “18 thôn vườn chông” . Thằng Kỳ dại dột dẫn xác xuống đó thăm con nhỏ là bị làm thịt ngay, nghĩ đến đây ông đâm bực, không ngờ con gái “chơi ép” mình.
Ông lên lớp mẹ một trận, con tự liệu lấy đời con, sướng khổ do con quyết định, cha sẽ xin lỗi bác Đức, cha không thích cách phản ứng của con, việc gì phải thí mạng mình để làm áp lực với cha, được lắm, con bảo thằng Kỳ đến đây gặp cha.

Mẹ mừng húm, nhưng cũng buồn vì phật ý ông ngoại, mẹ không muốn hạnh phúc của mẹ là cái gai trong mắt ông, bên hiếu bên tình, mẹ có muốn buông bỏ bên nào đâu, ôm cả hai vào lòng cũng không xong.

Mẹ viết thư cho bố báo, em đã “dời sông lắp biển” vì anh, bây giờ anh phải làm điều cần làm để vuốt giận ông ngoại. Bố trả lời, anh cảm ơn em cả suốt cuộc đời này cũng không hết, chuyện lấy lòng cha em, anh thề sẽ chấp hành điều kiện “huấn nhục” của ông, nếu phải quỳ lạy ông anh cũng không từ, Kỳ Rừng này đâu có ngán ai, ngoài em và cha em.

Ngày ra mắt ông ngoại, bố mặc quân phục, vì ngoài ba hoa mai đại úy với khuôn mặt “rất lính”, bố biết ông sẽ không vui vì tiền tài danh vọng bố không có như ai kia, chỉ có trái tim chân thành mà thôi. Ông cho phép bố cưới mẹ, với điều kiện phải chung thủy, thương yêu mẹ suốt đời, chưa đưa mẹ lên bàn thờ mà ông phán như linh mục làm phép hôn phối, và phải để mẹ sống chung với ông bà ngoại.

Bố nghẹn họng với điều kiện sau cùng của ông ngoại, đành chấp nhận điều kiện huấn nhục như bố đã hứa với mẹ, bà ngoại trách ông, đã thương thì thương cho trót, sao ông lại giữ rịt con Kim bên mình, ông lầm lì, bà muốn con gái bà dẫn xác ra chiến trường cho trúng đạn à. Mẹ tiễn bố ra về nhắn nhủ, cưới xong em xin chuyển công tác lên Pleiku, bố can, em đừng làm cha phật ý, cụ chấp nhận anh là đủ rồi, từ từ anh lấy lòng cụ rồi tha em lên đó với anh, bố chỉ xoa dịu mẹ thôi, vì bố không muốn mẹ làm buồn lòng ông ngoại.

Hôn lễ của bố mẹ diễn ra theo kiểu nhà binh, vợ chồng sếp Sư Đoàn của bố đại diện đàng trai, chiếu cố thân phận côi cút của bố, 24 giờ phép được tăng lên 48 giờ, cuối cùng ông ngoại chỉ khen bố có nước da sạm cứng cáp và cặp mắt tinh anh.

Anh hai có biệt danh cu Rừng vì da cũng sạm như bố, tôi có nước da trắng như mẹ và có cặp mắt đen nhánh của bố, tên trong nhà của chúng tôi đều do bố gợi ý, Kỳ Rừng bây giờ có cu Rừng làm chi nhánh tại Sàigòn, con bé Suối, thằng cu Sóc, con bé Mật. Biệt danh của anh em chúng tôi bố góp nhặt trong những chuyến hành quân, như thế lúc nào bố cũng thấy chúng tôi quanh quẩn bên bố, mẹ đương nhiên là nữ chúa rừng xanh của bố rồi.

Đầu năm 75 sư đoàn của bố di tản về phiá nam, bố thất thểu vác balô về nhà ngoại, vậy mà anh em chúng tôi lại sướng mê tơi, lần đầu tiên bố không còn vắng nhà, cả tháng trời bố quanh quẩn với chúng tôi, người hạnh phúc nhất là mẹ, chỉ có ông ngoại là không vui vì tình hình chiến sự càng ngày càng xấu hơn. Tối đến anh em tôi bu quanh bố để nghe bố kể chuyện bố xáp lá cà với địch, đôi khi bố trầm ngâm khi nhắc đến một đồng đội tử trận, lúc đó anh hai cứ liền miệng, uổng quá, giá bố bắn nhanh một tí là cứu bạn được rồi, bố xoa đầu anh thở dài.

Chỉ vài tháng bên nhau, rồi bố lại vác balô đi tù cải tạo, anh em tôi lại nhớ bố, đôi khi cu Sóc bực bội hỏi mẹ, sao bố cứ hay vắng nhà vậy mẹ, mẹ buồn lắm an ủi chúng tôi, rồi bố sẽ về thôi. Vợ lính ngụy như mẹ tự động bị “mất dạy”, theo mấy bà bạn giáo viên bị sa thải, mẹ chuyển sang buôn bán chợ trời. Ông ngoại tiếc ngẩn ngơ chàng rể hụt đã di tản trước ngày 30 tháng tư, càng xót xa cho mẹ giờ này phải tảo tần thay chồng nuôi con, hình như mẹ cảm nhận lời trách thầm của ông ngoại, con cãi cha mẹ trăm đường con hư, nên lặng lẽ sống và không dám than thân trách phận.

Năm 78 ông ngoại đóng vàng cho mẹ và chúng tôi đi bán chính thức, mẹ khóc như mưa xin ở lại chờ bố, ông ngoại quát, con đã cãi cha một lần rồi, bây giờ con phải vì các con của con, đừng mù quáng nữa, khi nào nó về cha sẽ cho tiền nó đi qua với con.

Mấy năm sau bố ra tù cải tạo, trước đó bố biết chúng tôi đã đến Mỹ, bố ghé nhà ngoại tạ tội không đủ sức cưu mang vợ con để ông ngoại phải nhọc tâm chăm sóc chúng tôi trong lúc bố vắng nhà, và xin phép ông bà cho bố “ra riêng”. Bà ngoại mếu máo, tụi nó đi rồi, con ở lại cho mẹ đỡ nhớ chúng nó, mà con đi đâu lúc này, con có còn ai là gia đình, bố nắm tay bà cảm động, từ ngày cưới Kim con coi cha mẹ như đấng sinh thành ra con, nay vợ con của con đã đi Mỹ, con xin cha mẹ cho con tự lo liệu cuộc sống của con, con hứa sẽ đến thăm cha mẹ sau này.

Bố đi rồi, bà ngoại lại trách ông đã chia cách bố mẹ tôi, bây giờ định mệnh lại đưa đẩy gia đình tôi cách biệt cả một đại dương, lần này ông ngoại lại nhịn ăn đến mấy ngày, chả phải để làm áp lực với bà, mà vì ông ân hận đã bày trò để bố phải xa chúng tôi bao nhiêu năm qua.

Năm sau ông gọi bố đến và ra lệnh, anh ở đây vài tuần chờ ngày đi vượt biên, bà ngoại lại khóc vì mừng, bố gầy đét, đen hơn mọi, chỉ có cặp mắt là không thay đổi. Ông ngoại vẫn ít lời, đến giờ cơm ông rót rượu đế bảo bố uống với ông cho vơi nỗi buồn vận nước điêu linh, bà ngoại nói khẽ với bố, vậy là cha đã chấp nhận con rồi đó, tiếc là mẹ con nó không có ở đây để chúng kiến cảnh này.

Ngày ra đi bố quỳ lạy ông bà, xin ông bà tha cho tội đã quyến rũ con gái duy nhất của ông bà, đã thế còn để lại gánh nặng cho ông bà lo toan, giờ đến lượt bố để ông bà gánh thêm chuyến vượt biên này.

Lần đầu tiên ông cầm tay bố tiễn ra cửa, anh đi bình an và mau chóng đoàn tụ với vợ con, bà ngoại ràn rụa nước mắt đưa bố túi lương khô và quần áo, đến nơi con nhớ biên thư cho mẹ. Bố đi rồi, ông ít ăn cơm hơn, mỗi lần uống rượu ông lại nhắc đến bố, bà trách, hồi trước xua đuổi thằng nhỏ, nó đi rồi ông mới biết quý, ông buồn bã, không biết nó đi có trót lọt để gặp vợ con không, giá lúc trước tôi cho con Kim xách gói theo chồng.

Ngày đoàn tụ, Nữ Chúa Rừng Xanh dẫn đám Rừng, Suối, Sóc, Mật đón Kỳ Rừng từ trại tỵ nạn bên Thái Lan đến tiểu bang Ohio, đánh dấu gia đình Kỳ Kim Khôi Khanh Khoa Khuyên hết chia xa sau mười tám năm cưới nhau.

Bố làm ca đêm phụ trách phần điện lạnh cho một khách sạn, khi chúng tôi về đến nhà là bố lại khăn gói đến sở, gia đình chúng tôi lại ít có dịp ăn cơm chung, nhưng chắc chắn là bố hết vắng nhà.

Ngày nghỉ bố của bố, bố làm cơm cho chúng tôi, đi học về đứa nào cũng bám lấy bố hỏi chuyện hành quân trong rừng và chuyện rừng cải tạo, cu Sóc hỏi, bố thích rừng nào hơn, bố cười, rừng nào cũng dễ chết như chơi, nhưng chết cho tổ quốc mới đáng một đời người. Cu Sóc gãi đầu tỏ vẽ ưu tư, anh hai đùa, con biết rừng mà bố thích nhất là cu Rừng của bố đây, cả đám nhao nhao, có thật thế không bố, bố cười cười, bố thích “đám rừng” bốn đứa của bố không bỏ sót đứa nào, bé Mật nhanh nhẫu, còn nữ chúa của bố nữa chứ, bố nheo mắt với mẹ, đương nhiên rồi, bố mê mệt gần hai mươi năm rồi đấy.

Vào đúng năm thứ hai mươi, bố mẹ chưa kịp thổi nến kỷ niệm ngày cưới, bố đã ra đi vĩnh viễn một ngày tuyết rơi chắn lối đi trên đường đến sở, một xe tải đã tông nát đầu xe của bố.

Ông ngoại là người đau đớn nhất khi biết tin bố mất, ông lại biếng ăn, uống rượu bí tỉ và cứ gọi tên bố, mẹ gọi điện thoại an ủi ông, thôi cha đừng buồn khổ nữa, số mệnh đã an bài, mẹ nói như cho riêng mẹ.

Một đời làm chồng, làm cha, bố luôn vắng nhà, nhưng có phải bố muốn như thế đâu, một người côi cút như bố, có vợ hiền con ngoan, đâu phải ai cũng có diễm phúc đó, nhưng ông trời chả cho ai tất cả, có lẽ bố hiểu điều đó nên bố không hờn ông ngoại.

Năm nào đến ngày Lễ Bố, chúng tôi cũng ra nghĩa trang thăm bố, về nhà thế nào cũng có điện thoại của ông ngoại, năm đầu tiên bố mất, giọng ông nghẹn ngào, các con mới đi thăm thằng Kỳ về phải không, có nhớ nhắn với nó cha xin lỗi nó ngàn lần đấy, mẹ lại an ủi ông, anh ấy có giận cha bao giờ đâu mà cha xin lỗi.

Ông cố cãi, nhưng cha giận chính mình, ai đời lại chia cách thằng rể mồ côi với vợ con nó, giờ chúng mày góa bụa, các cháu mồ côi, cha càng thương thằng Kỳ hẫm hiu ngày trước, Kỳ ơi tha lỗi cho cha, giá cha chết trước con, mẹ chết lặng nghe ông ngoại trần tình.

Lúc sinh thời tuy bố thường vắng nhà, nhưng lúc ở bên bố chúng tôi đã cảm nhận bố sinh chỉ để yêu, bố chưa có dịp đét đít hoặc bắt phạt chúng tôi, anh em tôi nhắc đến bố với những câu chuyện lạ lẫm của bố, giai thoại chúng tôi thích nhất là vụ ông ngoại “làm khó” bố mẹ. Đã thế ông còn giận bố, để rồi ông tự thấy ông đã sai lầm dù bố mẹ chưa bao giờ lên tiếng ta thán, sự im lặng, sự tuân phục của bố là một bài học lớn, tình yêu rồi sẽ thắng tất cả.

Không đợi đến ngày Father's day, ngày nào chúng con cũng nhớ đến bố, tình yêu của bố đã ấp ủ chúng con, đưa dẫn chúng con vào đời với niềm tin vào tình yêu như bố.

Cu Sóc không còn bực bội hỏi, sao bố cứ hay vắng nhà, bố đã về trong trái tim mọi người, Đại úy Kỳ của đám Rừng Suối Sóc Mật, hãy ngủ yên vì mẹ và các con lúc nào cũng ở bên bố.

Đoàn Thị

No comments:

Post a Comment