Thursday, October 8, 2015

Sự thật về những người Việt bị tước bỏ quy chế Tỵ nạn Chính trị tại Pháp quốc

Như quý độc giả đã biết qua về hai bài báo: Bài thứ nhất của của ký giả Xuân Mai trên báo Áp- phê Paris số 4 tại Paris như sau:
“Ông Nguyễn Văn Tuyền, 59 tuổi đến định cư tại Pháp năm 1980. Với lá đơn thống thiết như sau: “Nếu tôi ở lại, nhà cầm quyền CSVN sẽ bắt giam, đánh đập và bỏ tù không có ngày ra. Vì lý do nhân đạo, tôi trân trọng thỉnh cầu nước Pháp, vui lòng chấp thuận cho tôi được tỵ nạn chính trị, sống tạm dung trên mảnh đất tự do nầy, và tôi chỉ trở về quê cũ khi nào quê hương tôi không còn chế độ độc tài Cộng Sản.

Nhưng ông Tuyền đã phản bội tư cách tỵ nạn của ông đến 7 lần, từ năm 1995 đến năm 2000. (Theo tài liệu của OFPRA = Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride – Cơ quan Bảo vệ Người Tỵ nạn và Vô Tổ quốc)

Ngày 27-6-2000, ông Tuyền và 544 Việt kiều Pháp bị OFPRA gởi thơ thông báo rút lại thẻ tỵ nạn, với lý do trở về quê cũ khi còn chế độ độc tài Cộng Sản. “Chiếu theo điều 1, khoản 2A của Hiệp Định Genève ngày 28-7-1951, chúng tôi thu hồi thẻ tỵ nạn. Đồng thời cũng trình lên Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, kể từ nay, OFPRA không còn chịu trách nhiệm với ông, về tình trạng cư trú, xin việc làm, hưởng trợ cấp xã hội theo diện người tỵ nạn chính trị”.

Được biết, từ năm 1988 đến năm 2000, tổng số người Việt ở Pháp bị truất bỏ quyền tỵ nạn và quyền lợi, với con số là 22,417. Bài viết ghi như sau: “Chính phủ Việt Cộng qua các đại sứ từ Võ Văn Sung, Mai Văn Bộ, Trịnh Ngọc Thái đến Nguyễn Chiến Thắng đã coi người Việt Nam là thành phần cực kỳ phản động, cần phải triệt hạ, hoặc áp dụng chính sách gậy ông đập lưng ông. Đó là, dễ dãi trong việc cấp chiếu khán cho họ, để họ bị OFPRA cắt quyền tỵ nạn và trợ cấp xã hội.

Sau khi cấp chiếu khán, tòa đại sứ thông báo danh sách cho Bộ Nội vụ Pháp biết tên họ của những người vi phạm luật tỵ nạn. Một khi mất thẻ tỵ nạn, thì mất luôn thẻ thường trú (Carte de Séjour) nên không xin được việc làm.Trường hợp đó, muốn sống ở Pháp trên 3 năm, thì phải có Passport của chính phủ CSVN, để trở thành công dân Việt Cộng cho đến mãn kiếp.”
Cái thâm độc của VC là như thế!”.
Và bài thứ hai là của ông Phan Văn Song. Cả hai bài đã đưa lên Internet từ lâu. Xin trích lại từng đoạn như dưới đây:
“Chúng tôi xin phép quý độc giả trích nguyên văn bài viết của báo Ép-Phê Paris là tờ báo việt ngữ duy nhứt được phát không ở các thương hiệu và chợ Á đông ở Paris và nhở vậy được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt tại Paris và vùng lân cận. Dĩ nhiên với điện thoại, người Việt tỵ nạn phe ta sẽ thông báo cho bà con toàn xứ Pháp biết. Nhưng theo điều tra và hiểu biết của chúng tôi thì cho đến ngày hôm nay bản tin giựt gân nầy của báo Ép-phế hổng có Ép-phê tí nào. Người Việt tỵ nạn vẫn về Việt Nam đều đều, vì từ năm 2000 trở về nay, phe ta vào quốc tịch Pháp đông hơn.
3. Thẻ tạm trú, thẻ đi làm, thông hành

Thẻ tạm trú (carte de séjour temporaire) hạn định một năm, gia hạn ba lần, sau ba lần được thẻ thường trú hạn định ba năm (carte de résident), sau hai lần có thể xin carte de résident permanente – thẻ cư ngụ vĩnh viễn, thẻ này 10 năm xin lại một lần. Có thẻ nầy rồi, với quy chế nầy rồi, khỏi phải vô dân Tây làm gì cho mệt ! Nếu không phải Việt kiều, vì Việt kiều có thông hành (hộ chiếu Việt Cộng) đi về Việt Nam, dân tỵ nạn có một cái nhức đầu là làm sao dzìa Việt Nam chơi đây…”
Xin bỏ qua những từ ngữ do hai tác giả trên đã viết về những trường hợp bị tước quy chế tỵ nạn chính trị tại Pháp. Người viết chỉ nói về những chuyện thật 100% đã xảy ra đối với những người Việt, mà một thời họ đã được hưởng quy chế Tỵ nạn Chính trị, được cơ quan OFPRA = Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride – (Cơ quan Bảo vệ Người Tỵ nạn)cấp những giấy tờ theo thứ tự thời gian, đúng như ông Phan văn Song đã viết:
“Thẻ tạm trú (carte de séjour temporaire) hạn định một năm, gia hạn ba lần, sau ba lần được thẻ thường trú hạn định ba năm (carte de résident), sau hai lần có thể xin carte de résident permanente – thẻ cư ngụ vĩnh viễn, thẻ này 10 năm xin lại một lần. Có thẻ nầy rồi, với quy chế nầy rồi, khỏi phải vô dân Tây làm gì cho mệt!”
Tuy nhiên, có một điều ông Phan Săn Song cũng như đa số người Việt tỵ nạn chính trị tại Pháp đã tưởng lầm rằng:
“carte de résident permanente – thẻ cư ngụ vĩnh viễn, thẻ này 10 năm xin lại một lần. Có thẻ nầy rồi, với quy chế nầy rồi, khỏi phải vô dân Tây làm gì cho mệt!”.
Sự thật không phải như vậy, vì “carte de résident permanente  đúng là cứ 10 năm xin lại một lần. Thế nhưng, carte de résident permanente, không phải là“vĩnh viễn”, vì có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, khi người có thể ấy, vi phạm Luật Tỵ nạn Chính trị của nước Pháp.
Một điều nữa, những người đã được cấp “carte de résident permanente “ đều hưởng tất cả những quyền lợi như những người có quốc tịch Pháp. Nếu không có việc làm, hoặc lợi tức thấp, họ đều dễ dàng thuê nhà ở, chính phủ trả hai phần ba tiền nhà, còn họ chỉ trả một phần ba mà thôi.
Về an sinh xã hội, họ được bảo hiểm y tế của chính phủ, khi bị bệnh, tai nạn, đi Bác sĩ, kể cả các phòng mạch tư và Bệnh viện tư, họ đều được chính phủ trả hết một trăm phần trăm, từ tiền ăn ở trong bệnh viện đến tiền thuốc cho nhà thuốc Tây. Họ không phải trả một đồng bạc nào cả.
Trẻ con được cấp tiền nuôi dưỡng kể từ tháng thứ tư, lúc còn nằm trong bụng mẹ, cho tới lúc ra trường, nếu có sức học, thì chính phủ vẫn trợ cấp, để các sinh viên muốn học tới đâu cũng được, từ Đại học, cho tới khi lấy bằng Tiến sĩ…
Người lớn tuổi, già yếu, bệnh tật, dù không hề đi làm một ngày ở nước Pháp, nhưng họ vẫn được cấp cho mỗi tháng là 800 Euros (tám trăm Âu kim) là tiền già, hoặc tiền dành cho người tàn phế. Ngoài ra,  nếu họ không tự lo cho bản thân, thì Văn Phòng Xã Hội cho người tới tận nhà, để dọn dẹp, lau nhà, bỏ áo quần vào máy giặt, đem phơi, tắm rửa, thay  áo quần, nấu ăn, rửa chén bát, và có thể đút thức ăn tận miệng nữa.
Trở lại, với những trường hợp bị tước bỏ quy chế Tỵ nạn Chính trị tại Pháp.
Đúng là khi được cấp “carte de résident permanente”, thì cứ 10 năm xin lại một lần; nếu không vi phạm luật của nước Pháp.
Thế nhưng, tiếc rằng, đã có không ít người sau khi đã được cấp “carte de résident permanente “,  ”thẻ 10 năm”, thì đã trở về Việt Nam, Những người này họ đã bị tước bỏ quy chế Tỵ nạn Chính trị. Cách đây hơn 10, chúng tôi đã biết những trường hợp này, khi họ nhờ người thân của chúng tôi đưa đến cơ quan OFPRA = Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride – (Cơ quan Bảo vệ Người Tỵ nạnđể làm thông dịch tiếng Pháp, để hỏi lý do bị thu hồi quy chế Tỵ nạn Chính trị, thì được cơ quan này trả lời:
“Vì ông/bà đã ký vào một lá thư xin từ chối quy chế Tỵ nạn Chính trị”.Khi hỏi lại người này, thì họ nói: “Tôi không biết tiếng Pháp, nên có ký nhưng không biết ký cái giấy gì”.
Và cơ quan OFPRA = Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride đã trả lời:
“Dù không biết tiếng Pháp, nhưng ông/bà đều biết, chính ông/bà đã tới Tòa Đại sứ Việt Nam để xin giấy tờ nhập cảnh vào Việt Nam, và đã du lịch Việt Nam, là ông/bà đã vi phạm Luật Tỵ nạn Chính trị của nước Pháp; bởi khi xin Tỵ nạn Chính trị, ông/bà đã tuyên thệ là nạn nhân của Cộng sản Việt Nam, và không trở về quê cũ khi chế độ Cộng sản vẫn còn, vì nếu về sẽ bị bắt bỏ tù. Ông/bà có thấy phía sau thẻ tỵ nạn có ghi là không được trở về quê cũ hay không?”
Rất nhiều những trường hợp bị tước bỏ quy chế Tỵ nạn Chính trị như trên, đã xảy ra từ lâu rồi, nhưng chính họ lại giấu diếm không cho người khác biết, mà theo người thông dịch là “họ muốn cho những người khác cũng bị như họ vậy”. (Đồng bệnh sẽ tương lân chăng?!)
Riêng tôi, khi biết những chuyện đã xảy ra, tôi đã khuyên những người Việt đừng trở về Việt Nam, nhưng chẳng ai tin, vì họ cứ nói: “mình đâu có đi thẳng từ Pháp về Việt Nam, mà đi qua nước khác, rồi mới vào Việt Nam, thì Pháp đâu có biết”, và mặc dù tôi đã giải thích, là đi bằng cách nào, qua bất cứ nước nào, thì họ cũng biết cả, nhưng bà con mình chẳng tin, nên họ cứ về Việt Nam, cho tới khi bị tước bỏ quy chế Tỵ nạn Chính trị, thì tất nhiên họ phải mất hết những quyền lợi mà họ đã được hưởng như trước kia. Họ phải xin giấy tạm trú từ một đến ba tháng, rồi cứ xin gia hạn như một người du lịch, nếu không, họ là người cứ trú bất hợp pháp, phải tự đi tìm việc làm đế sống, mà đi làm thì phải đóng thuế cho Pháp và cả cho Việt Nam Cộng sản nữa! Họ không được trợ cấp tiền bạc, chính phủ không trợ giúp tiền thuê nhà, nên chủ nhà phải đuổi họ, vì họ không trả nổi tiền nhà; họ trở thành người vô gia cư, phải trả tiền cho Bác sĩ và nhà thuốc Tây…
Trên đây, là rất nhiều những trường hợp đã xảy ra khoảng hơn mười năm về trước mà tôi được biết.
Còn hôm nay, tôi muốn kể ra hai trường hợp mới nhất vừa xảy ra như sau:
Trường hợp thứ nhất:
Một cặp vợ chồng vượt biển tới Pháp cùng thời gian với tôi. Sau này,  bà vợ bị tai biến mạch máu não, bị liệt nhẹ một chân; chính phủ cho ông được chăm sóc cho vợ có lãnh lương tối thiểu, bà vợ được hưởng tiền trợ cấp dành cho một người bị tàn phế  là 800 Euros (tám trăm Âu kim). Như vậy, với số triền trợ cấp cho hai vợ chồng, thì hai người sống thảnh thơi, đâu có thiếu thốn, tiền nhà chỉ trả một phần ba, nhưng rồi vì thảnh thơi quá, nên hai người đã dành tiền lại, để về Việt Nam.
Thế là, mọi chuyện đã ập đến. Sau khi về Việt Nam trở lại Pháp, thì Vợ chồng của ông nhận được thư thông báo tước bỏ quy chế Tỵ nạn Chính trị, nhưng vì lớn tuổi, bà vợ bị liệt nhẹ một chân, nên không thể tìm việc làm, để xin thẻ tạm trú được. Cuối cùng hai vợ chồng phải trở về Việt Nam, nhiều đồng hương cũng thấy tiếc cho họ, vì nếu họ không về Việt Nam, thì dù họ không có quốc tịch Pháp, nhưng với tiền trợ cấp của hai người, thì họ vẫn sống một cuộc sống đầy đủ như những người có quốc tịch Pháp.
Trường hợp thứ hai:
Trường hợp của người này, có lẽ ông ta khổ hơn, vì bất ngờ. Cũng có thể vì hiện nay trong thời gian có dòng người quá đông đảo đang tìm cách nhập cư vào Âu Châu? Đó là trường hợp của Nguyễn Văn Bảy, ông ta cũng đến Pháp cùng thời gian với tôi, gần 30 năm rồi, nhưng không có quốc tịch Pháp giống như hai vợ chồng người kia. Cũng xin nói thêm, hai ông này không xin vào quốc tịch Pháp được, vì khi đi phỏng vấn để xin vào quốc tịch Pháp, họ không thể trả lời những câu hỏi của người phỏng vấn, vì ngoài những câu hỏi, người phỏng vấn còn bảo người Tỵ nạn phải viết theo những câu họ đọc, và đọc những câu họ viết bằng tiếng Pháp. Về điều này, rất khó khăn, nếu không có căn bản tiếng Việt, thì khó có thể đọc và viết tiếng Pháp, vì tiếng Pháp khó hơn tiếng Anh rất nhiều. Trừ những người, dù giỏi tiếng Pháp, nhưng  không muốn nhập tịch Pháp quốc.
Trở lại với trường họp mới nhất, đã xảy ra vào cuối tháng 8 năm 2015:
Ông Nguyễn Văn Bảy, khi đi về Việt Nam, mọi chuyện bình thường; nhưng khi trở về Pháp, thì chỉ mới xuống máy bay tại Phi trường Charles-de-Gaulle, Paris, ông ta liền bị Cảnh sát bắt giữ ngay; đồng thời thu hồi tất cả những giấy tờ do chính phủ Pháp đã cấp cho ông, trong đó, có “carte de résident permanente” (thẻ này có thời hạn 10 năm. Sau đó, được gia hạn cho tới chết) nếu không vi phạm Luật Tỵ nạn Chính trị.
Theo người thông dịch tiếng Pháp cho ông  Nguyễn Văn Bảy, kể với tôi, thì khi ông bị bắt và bị thu hồi tất cả giấy tờ, Cảnh sát Pháp đã nói với ông Bảy:
“Ông thấy đó, hiện nay, đang có rất nhiều người hàng ngày đang đổ về Âu Châu, để xin tỵ nạn, nhưng chính phủ Pháp không dễ dàng chấp nhận cho họ tỵ nạn; còn ông đã được cấp quy chế Tỵ nạn Chính trị rồi, mà ông còn đi về Việt Nam, nơi mà trước kia ông từng nói là ông không chấp nhận chế độ Cộng sản Việt Nam và không bao giờ trở về khi còn chế độ cộng sản, vì trở về ông sẽ bị bắt bỏ tù. Nhưng hôm nay, ông đã trở về Việt Nam, nên chúng tôi phải thu hồi tất cả giấy tờ của ông. Đó là Luật của nước Pháp, đối với những người vi phạm Luật Tỵ nạn Chính trị”
Vì vậy, hiện nay, ông ta phải đi ở nhờ nhiều người, để đi làm tại các vườn nho, hái trái cây, dọn vườn nhà… mà người Việt có quen biết với ông ta, thường hay nói: “cha đó bây giờ chả đang lang thang, nên ít khi mình thấy chả”.
Thật ra, những người Việt ở gần, có quen biết với ông, họ đều thấy tiếc cho ông, vì đang hưởng quy chế Tỵ nạn Chính trị, mà phải mất hết tất cả khi mới vừa đặt chân xuống Phi trường Charles-de-Gaulle. Giờ đây, sau gần 30 năm được hưởng tất cả những quyền lợi của quy chế Tỵ nạn chính trị. Như thế, mà chỉ vì thiếu sự hiểu biết, (mà cũng vì muốn du hí, thưởng thức những “chùm khế ngọt”), nên ông đã trở thành người cư trú bất hợp pháp, phải sống vô gia cư, lang thang trong mùa Đông sắp tới và nhiều năm kế tiếp nữa!
Tạm kết:
Tóm lại, tôi muốn nói rằng:
Những điều do ký giả Xuân Mai đã viết trên báo Áp- phê Paris số 4, là những điều có thật đã xảy ra, mà tôi đã biết cách đây hơn mười năm.
Những điều tác giả Phan Văn Song viết cũng có đúng, chỉ riêng chuyện “ carte de résident permanente – thẻ cư ngụ vĩnh viễn…” là chưa hoàn toàn đúng, vì khi vi phạm Luật, thì sẽ bị thu hồi, chứ không phải là “vĩnh viễn”.
Tác giả Phan Văn Song cũng viết những điều rất tai hại:
“…đến ngày hôm nay bản tin giựt gân nầy của báo Ép-phế hổng có Ép-phê tí nào. Người Việt tỵ nạn vẫn về Việt Nam đều đều…”
Tôi xin trả lời, ông Phan Văn Song viết đúng là “Người Việt tỵ nạn vẫn về Việt Nam đều đều…”. Chính vì vậy, nên họ đã bị tước bỏ quy chế Tỵ nạn Chính trị cũng “đều đều”, và có rất nhiều người, đã bị “đếu đều” như thế, nhưng họ “đều đều” giấu diếm, để cho những người khác cũng bị “đều đều” như họ hết.
Cuối cùng, tôi muốn nói với ông Phan Văn Song:
Ông đừng nên viết như vậy nữa, để cho những ai chưa về Việt Nam họ phải dừng lại ý nghĩ đó, hầu tránh được những chuyện đáng tiếc đã xảy ra như trường hợp mới nhất của ông Nguyễn Văn Bảy đã bị thu hồi tất cả giấy tờ ngay khi vừa đặt chân xuống phi trường Charles-de-Gaulle, Paris, vào cuối tháng 8 năm 2015 vừa qua. Vì thế, hiện giờ, ông ta là người cư trú bất hợp pháp, đang lang thang đâu đó trên những vườn nho, hay tìm những nơi để làm vườn, không nhà, không nơi nương thân; mà ông ta không lường trước được, vì chỉ mới trước tháng 8 năm 2015, ông còn có nhà cửa, có tất cả.
Người cầm bút, cần phải viết thật, nói thật, để cho đồng bào của mình, vì thiếu sự hiểu biết, họ không phải đi vào con đường vi phạm Luật, để rồi đánh mất cả tương lai của cả cuộc đời họ; Mặc dù, họ là những người đáng trách, vì đã trở về để “du lịch”, là để tô son điểm phấn cho chế độ Cộng sản Việt Nam!
Paris, ngày 06/10/2015
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

No comments:

Post a Comment