Ông
Ngô Đình Luyện là con út trong gia đình cụ Ngô Đình Khả, ông Luyện đã
tốt nghiệp văn bằng kỹ sư tại École Central de Paris, ông là người được
hấp thụ nền văn hóa Tây Phương nhiều nhất trong gia đình. Phu nhân ông
Luyện cũng thuộc gia đình giàu có, danh giá tại miền Nam Việt Nam.
Trong
số các anh em cụ Diệm, ông Luyện là người ít được nhắc đến nhất, nhưng
ông lại là người chiếm được nhiều tình cảm của những người xung quanh
nhiều nhất. Ngay cả khi ông làm việc ở ngoại quốc, ông cũng đã được
những người làm việc chung với ông yêu mến kính phục. Có lẽ vì tính tình
ông Luyện phóng khoáng, cởi mở, giản dị và thậm chí còn được coi là
người ... ham vui.
Ông
bà Luyện cùng các con sống ở ngoại ô thành phố Paris từ năm 1954 cho
đến khi qua đời. Và qua nhiều nhân chứng làm việc trong chính quyền thời
Tổng Thống Ngô Đình Diệm nói lại, thì trong số anh em cụ Diệm, ông Ngô
Đình Luyện là người có công lớn trong việc xây dựng nền móng nền Đệ Nhất
Cộng Hòa lúc ban sơ.
Ông
Luyện đã có thời gian cùng học chung với cựu hoàng Bảo Đại tại Pháp,
nên hai người rất thân với nhau. Khi ông Ngô Đình Diệm được vua Bảo Đại
chọn và đề cử về nước giữ chức vụ Thủ Tướng, lúc đó ông Ngô Đình Luyện
còn ở bên Tây làm Đặc Sứ, nhưng ông thường về Sài Gòn giúp ông anh tiếp
xúc với người nầy, giao thiệp với người kia, trao đổi với người nọ,
thuyết phục, lôi kéo họ thôi chống đối, về hợp tác với chế độ mới, vì
khi mới về cầm quyền ở Sai Gòn, ông Ngô Đình Diệm bị nhiều người, nhiều
phe phái chống đối, coi như tứ bề thọ địch, nên ông Diệm cần có ông
Luyện ở bên cạnh để cùng lo tìm cách đối phó với những khó khăn của thời
cuộc, đối phó với những cuộc chống đối của tướng Nguyễn Văn Hinh, của
Bình Xuyên, Hòa Hảo v.v …
Tổng
Thống Ngô Đình Diệm cũng muốn có một người tài giỏi, tín cẩn làm đại
diện cho Việt Nam ở Âu Châu, nên ông Luyện được cử giữ chức vụ Đại sứ
Việt Nam tại Anh Quốc. Vì thế trước khi lấy một quyết định ngoại giao
quan trọng, đối với bất kỳ một quốc gia nào ở Âu Châu và Bắc Phi, Tổng
Thống Ngô Đình Diệm thường tham khảo ý kiến trước với ông Luyện.
Sự
bất đồng chính kiến giữa ông Nhu và ông Luyện trở nên rõ rệt, qua vụ
truất phế Bảo Đại, vì chính ông Luyện đã đóng vai trò giao liên dàn xếp
với Bảo Đại qua vụ chống đối của Tướng Hinh và của Bình Xuyên. Còn ông
Nhu thì chủ trương phải truất phế Bảo Đại, để thành lập chế độ Cộng Hòa.
Trong thời gian ba tháng qua Pháp để dàn xếp với Bảo Đại vào đầu năm
1955, lúc ông Luyện trở về, thì quyền Cố Vấn đã hoàn toàn nằm trong tay
ông Nhu. Tổng Thống Diệm đã dặn riêng mấy người thân cận như Đại Uý Cao,
Thiếu Tá Vinh là “ở nhà có chuyện gì xảy ra đừng có kể lại cho ông
Luyện nghe". Ý Tổng Thống Diệm không muốn làm phật lòng ông em út, mà
Tổng Thống Diệm thương nhất trong nhà.
Việc
kẹt nhứt của ông Luyện là ông đã đơn sơ nghĩ là do anh mình mới có vụ
truất phế Bảo Đại (*), mà ông Bảo Đại và ông Luyện lại là bạn học chung
với nhau ở Paris. Hai ông không những học chung một trường Tây, mà còn
học chung chữ Nho với nhau ở tại nhà, khi triều đình gởi qua Pháp một
"thầy đồ” để dạy chữ Nho, dạy tứ thư, ngũ kinh, v...v… cho ông Bảo Đại.
Vì thế hai người cùng "giồi mài kinh sử" ở trường cũng như ở nhà, coi
như "ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu.
Khi
ông Luyện có bằng kỹ sư, về nước làm việc cho một công ty Pháp. Ông Bảo
Đại cũng đã về nước lên ngồi trên ngai vàng. Hai người đi hai con đường
khác nhau. Biết rõ ông bạn học rất thân nay đã làm vua, nhưng ông Luyện
không tìm đến vua Bảo Đại để cầu cạnh nọ kia. Một hôm tình cờ, vua Bảo
Đại gặp ông Luyện ở Quảng Ngãi. Vua mừng lắm, ôm chầm lấy bạn cũ và
trách rằng sao đã về nước mà không cho vua hay. Ông Luyện cũng mừng lắm,
nhưng chỉ chừng đó, rồi không liên lạc gì với vua nữa.
Sau
khi "Trưng Cầu Dân Ý", ông Luyện có gặp lại cựu hoàng Bảo Đại và tưởng
rằng cựu hoàng sẽ trách cứ mình nhiều lắm, nên ông Luyện cũng hơi ngại
ngùng, nhưng ông Bảo Đại vẫn tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Khi
ông Luyện tỏ ý ân hận vì việc truất phế, thì ông Bảo Đại tự cho rằng
lỗi ở ông, và thời cuộc phải diễn tiến như thế, nên không trách cứ gì
ông Diệm cả. Thái độ cao thượng đó của cựu hoàng Bảo Đại đã khiến ông
Luyện cảm động lắm, ông thường đem chuyện đó kể lại cho nhiều người thân
cận nghe.
Đầu
năm 1963, khi tình hình miền Nam có nhiều bất ổn, có tin đồn đảo chánh
nói đi nói lại nhiều nơi, ông Luyện về Sài Gòn và cũng có ý lo cho anh
mình, nhưng không làm gì được. Trở lại Luân Đôn trong một buổi họp nhân
viên, ông Luyện hỏi chung chung: "Trong trường hợp hãn hữu mà có một
cuộc đảo chánh, thì ông Thính cũng như các anh em khác trong Sứ Quán sẽ
đứng đằng sau Tổng Thống chứ?”. Tiến Sĩ Phan Văn Thính đáp lại: “Thưa
Đại Sứ, cũng không hẳn là vậy. Chúng tôi ở đây là "công bộc" chứ không
phải là "người" của một ai cả. Bao lâu Tổng Thống còn được lòng dân, thì
chúng tôi đều đứng sau người. Nhưng khi nào Tổng Thống đi ngược lại ý
dân thì chúng tôi không còn phải theo Tổng Thống nữa".
Các
nhân viên Tòa Đại Sứ ở Anh lúc đó cho rằng việc làm của Tiến Sĩ Phan
Văn Thính là liều lĩnh và gan dạ, vì nói như thế có thể mang họa vào
thân. Tuy không đồng ý với T/S Phan Văn Thính, nhưng ông Ngô Đình Luyện
cũng không tỏ ra thái độ bất bình hay là sẽ tìm cách trừng phạt. Thật
đúng, ông Luyện là người có trình độ, rất hiểu biết, không hay thù vặt.
Nhân
dịp ông Ngô Đình Luyện từ Pháp qua Mỹ, anh Nguyễn Linh Tuyên có đón ông
đến dự lễ cầu hồn cho Cố Tổng Thống, và hướng dẫn Ông đi thăm mấy nơi ở
Orangge County (California), anh Tuyên có nói tôi sang gặp ông Luyện
nữa, và tôi đã sang thăm ông.
Trong
dịp này tôi được ông kể vài câu chuyện về thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Tôi có
hỏi tin tức về Bà Nhu bây giờ ra sao, thì ông cho hay Bà Nhu đang sống
trong căn Apartment tận lầu 11, ở Paris - Pháp Quốc, và bà vẫn khỏe
mạnh.
Ông
Ngô Đình Luyện kể: “Có lần tôi ở Pháp về, tôi gặp lại mấy người bạn
Pháp và Trung Hoa, họ rủ tôi vô Chợ Lớn ăn cơm, rồi họ mời tôi sang Hong
Kong du lịch. Tôi nhận lời và cùng đi với họ. Song lúc tôi trở lại
Saigon, về tới Tân Sơn Nhứt, thì có ông Phó Tổng Giám Đốc Quan Thuế và
thêm một nhân viên nữa ra đón tôi ở phi cảng. Ông Quan Thuế có vẻ băn
khoăn, lo lắng và nói với tôi:
-
Thưa Cụ Đại Sứ, xin cụ hiểu cho sự khó khăn của chúng tôi. Nhưng đây là
lệnh của Tổng Thống, xin Cụ cho chúng tôi được coi hành lý của Cụ.
Tôi
rất ngạc nhiên vì xưa nay tôi đi đâu, kể cả ra ngoại quốc, chưa ai khám
xét hành lý của tôi, vì mình đi bằng Thông Hành Ngoại Giao cao cấp, thế
mà mình về nước lại bị khám xét bởi lệnh của Tổng Thống. Nhưng tôi bình
tĩnh trả lời:
- Tôi đi chơi chứ không phải đi công vụ đâu, chả cần có lệnh của Tổng Thống, các ông cứ làm đúng phận sự của các ông đi.
Sau khi khám xét thấy chẳng có gì, ông Quan Thuế cứ xin lỗi tôi hoài và có vẻ lo lắng. Tôi cảm ơn ông và lên xe ra về.
Về tới Dinh Gia Long, tôi vô thẳng phòng Tổng Thống với vẻ mặt bực bội. Gặp tôi, Tổng Thống cười nói:
-
Sao chú? Chắc khó chịu lắm phải không? Tụi nó cứ nói ra nói vào và báo
cáo với tôi rằng chú đi Hong Kong gặp tụi Tàu, chuyển bạc về Việt Nam
(ngày đó Việt Cộng có nhiều tiền Việt Nam để ở Hong Kong lắm, mà không
mang vô Việt Nam được), nên tôi phải cho khám để tụi nó khỏi xuyên tạc
và sau này chúng nó không còn báo cáo bậy nữa. Hơn nữa cũng để Quan Thuế
biết là họ không phải nể nang một người nào, để cho họ dễ làm việc của
mình...”
Kể
xong, Ông Ngô Đình Luyện có vẻ thích thú và cười ra tiếng. Ông nói
nhiều chuyện về thời Đệ Nhất Cộng Hòa và về cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm,
và những chuyện vui, buồn trong gia đình. Ông cũng cho biết gia đình
ông đông con và sinh hoạt cũng khó khăn lắm, ông kể chuyện từ lúc ông ở
Pháp qua Mỹ và trên chuyến bay đến California, cái thắt lưng của ông bị
đứt, mà lưng quần của ông thì rộng quá, vì quần áo cũ may lúc còn mập,
và nay thì ốm đi nhiều. Biết ông cần có cái thắt lưng, nên một người
trên cùng chuyến bay đã lấy thắt lưng của họ đưa ông dùng tạm. Rất tiếc,
ông đã không nhớ tên người tặng ông cái thắt lưng đó.
London ngày 11 tháng 11 năm 1958 - Ông Ngô Đình Luyện đại sứ VN tại Luân Đôn có 10 cô con gái, nay có thêm một cậu con trai.
Thành
ra những lời đồn đãi và dư luận xấu nói về gia đình Tổng Thống Ngô Đình
Diệm, thật đúng là xuyên tạc quá đáng. Xem như vậy đều thấy rằng những
người trong gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ai cũng có tinh thần tự
trọng và trong sạch.
Được biết ông Ngô Đình Luyện đã từ trần tại Pháp ngày 23 tháng 4 năm 1988, hưởng thọ 75 tuổi.
Ngô Đình Châu