Sunday, September 24, 2017

Hoài niệm xe đò

 Xe đò lỡ Sài Gòn – Hốc Môn năm 1969 – Nguồn: Saigonoldphoto
Xe không chạy trên sông sao gọi xe đò? Có lần tôi hỏi nhà văn Sơn Nam khi gặp ông ở quán cà phê vỉa hè trước Nhà Văn hóa quận Gò Vấp cách nay hai mươi năm. Trong chiếc áo sơ mi cụt tay, khuôn mặt ốm nhăn nheo màu bánh ít, mắt đăm chiêu sau cặp kiếng dày, ông thủng thỉnh trả lời theo kiến giải của mình. Đồng bằng Nam bộ sông nước chằng chịt, ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe, cho đến thập niên ba mươi, người Pháp thành lập vài hãng xe chở khách đi miền Tây. Thời ấy đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện.
Nghe vậy thôi, sau này tôi tìm hiểu thêm chút ít, biết rằng người Bắc gọi xe đò là xe khách hoặc xe ca, còn người Trung lại gọi xe đò giống như người Nam. Một số người giải thích vì hầu hết các chủ nhà xe đi miền Trung là người Sài Gòn nên “xe đò” trở thành phương ngữ chung cho tiện. Và rồi câu chuyện sôi nổi hơn khi nhà văn nhắc tới kỷ niệm thời học sinh trung học từng đi xe đò từ Rạch Giá về Cần Thơ mà ông có nhắc lại trong tập “Hồi ký Sơn Nam”: “…Tiền xe từ Rạch Giá đến Cần Thơ là một đồng hai (120km) nhưng nhỏ tuổi như tôi chỉ tốn có 6 cắc. Tôi lên xe ngồi để người phụ xế sắp đặt chỗ ngồi cho gọn, khép nép, chung quanh xe là nhiều người rao hàng để hành khách ăn buổi sáng vì buổi trưa mới đến bến Cần Thơ. Tôi còn nhỏ, ba tôi cho riêng tôi 2 cắc, rất tủi thân vì trong khi ấy gia đình khá giả dám trả 1 đồng hai (hai chỗ dành cho trẻ con rộng rãi hơn) lại dành cho con một cái bánh bao to để ăn dọc đường. Xe khách bóp kèn inh ỏi, chạy vòng quanh để tìm kiếm khách…”.
Xe đò dài Thuận Hiệp đi Sài Gòn - Cà Mau - Ảnh: Douglas Pike
Xe đò dài Thuận Hiệp đi Sài Gòn – Cà Mau – Ảnh: Douglas Pike
Nhưng điều thú vị nhất là ông kể hồi thời kỳ đầu xe đò do người Pháp làm chủ toàn là loại xe nhỏ chở khách chừng hơn hai mươi người. Nhưng chỉ một thập niên sau, người Việt mình giàu có tham gia mở công ty lập hãng, nhập cảng máy, khung gầm từ châu Âu châu Mỹ, đóng thùng thành xe đò loại lớn chở hơn năm chục hành khách, cạnh tranh ác liệt trong giai đoạn đường bộ được mở rộng và phát triển ở các tỉnh miền Tây và Ðông Nam Bộ. Giao thông kết nối khắp nơi, nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều, tạo thành thời vàng son của xe đò. Chiến tranh Ðông Dương nổ ra, Nhật vào chiếm miền Nam, xăng dầu khan hiếm, bị giám sát chặt chẽ, ngành xe đò suy giảm, một số hãng xe hoạt động cầm chừng và phải thay đổi nhiên liệu cho xe hoạt động. Sơn Nam kể: “Xe ô tô chở khách phải dùng “ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau. Trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi “Autogène”, theo mô hình của Kỹ sư Thịnh Hưng Ngẫu chế tạo ở Sài Gòn”.
Xe đò Sài Gòn đến Vĩnh Long năm 1970 đường sá còn trải đá - Ảnh: Frank Effenberger
Xe đò Sài Gòn đến Vĩnh Long năm 1970 đường sá còn trải đá – Ảnh: Frank Effenberger
Hình ảnh chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ năm 1975 đến 1985, chắc người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên đều biết rõ. Tôi từng đi loại xe sử dụng nhiên liệu này, mỗi lần chui vào cửa xe phía sau là đều phải cẩn thận với cái thùng than cháy nóng được treo dính ở đuôi xe. Thường thì người ta chỉ cải tiến xe đò lỡ – tức là loại xe Renault cũ xì từ giữa thập niên 50. Tuy giới lái xe gọi đó là xe đò hỏa tiễn nhưng nó chạy chậm hơn xe chạy xăng hoặc dầu. Có lúc xe chạy ì à ì ạch khi than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh sắt mở lò đốt cời than. Hoặc thỉnh thoảng gặp đường vồng xóc, than văng ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực. Vô phúc cho chiếc xe đạp nào chạy phía sau tránh không kịp, cán phải cháy lốp xe. Xe đò hỏa tiễn chạy những đường ngắn như Sài Gòn – Long Khánh, Chợ Lớn – Cần Giuộc – Gò Công, Sài Gòn – Long An, còn xe đò dài vẫn chạy bằng xăng dầu, nhưng không còn nhiều như trước. Trên mui phía đầu xe thường có thùng phuy nước dùng để làm nguội máy, kế tiếp là nơi chở hàng hóa, xe gắn máy, xe đạp cho khách buôn chuyến và khách đi tỉnh xa.
Xe đò Sài Gòn - Tây Ninh năm 1965 - Ảnh: John Hansen
Xe đò Sài Gòn – Tây Ninh năm 1965 – Ảnh: John Hansen
Tôi còn nhớ mãi lần đầu được đi xe lô về quê bên ngoại ở Càn Long, Trà Vinh. Năm đó tôi chín tuổi, đi cùng với người anh bà con. Xe lô có bãi xe ở Bến Bạch Ðằng và Bến Chương Dương. Bãi xe lô hay nhiều bãi bến xe đò khác khắp nơi trong thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đều nằm hai dãy dọc theo đường phố. Phòng vé là một cái quầy hay cái bàn gắn tấm biển to đề tên từng hãng xe, chạy lộ trình nào. Riêng xe lô không cần bán vé, khách đến bãi xe còn chỗ trống cứ lên, đủ người thì bác tài chạy. Loại xe này gọi đúng tên là “Location”, sơn màu đen, kiểu xe ô tô chở chừng bảy tám người nhưng bác tài cố nhét thêm hành khách. Xe lô chạy nhanh hơn xe đò vì không bắt khách dọc đường, không lên xuống hàng hóa cồng kềnh, lại có khi qua cầu tạm không cần bắt hành khách xuống cuốc bộ. Ðể gió lùa vào cho hỉ hả đám hành khách ngồi chật cứng như nêm, lại thêm giỏ xách túi bị, va li lỉnh kỉnh, bác tài mở cửa sau bung lên cột chặt lại, người ngồi phía sau ngó ra phố phường. Xe chạy ra khỏi Phú Lâm, nhìn cảnh đồng lúa xanh tươi hai bên đường, lòng cảm thấy phơi phới mặc dầu lâu lâu tôi phải nhấc mông trở cẳng vì bị ngồi bó gối.

 Xe đò nhỏ chạy bằng than sau năm 1975 - Nguồn: Anhxuavn
Xe đò nhỏ chạy bằng than sau năm 1975 – Nguồn: Anhxuavn
Nói là đi xe lô thì hành khách không cần xuống bộ qua cầu tạm, chứ lần đó tôi vẫn phải xuống cuốc bộ như bao chuyến xe đò khác. Tôi mới ca cẩm, xe lô cái nỗi gì, có mà “lô ca chân” theo lời hát của một tuồng cải lương trên truyền hình. Sau năm 1968, cuộc chiến ngày càng ác liệt, cầu đường nhiều nơi bị “mấy ổng” gài mìn phá hủy, có nơi phải dựng cầu tạm, đầu cầu có đặt trạm kiểm soát của quân cảnh hay cảnh sát. Ðường về Trà Vinh chỉ hơn 160 cây số mà qua mấy chục cây cầu, lại phải chờ phà Mỹ Thuận. Ði xe lô cho được nhanh mà về đến nơi phải mất năm sáu tiếng đồng hồ, huống hồ chi hành khách đi miệt Hậu Giang, Cà Mau xuống ở bến xe còn phải đón đò về nhà ở vùng U Minh, Miệt Thứ mất cả ngày đường. Chỉ có xe thư tức là xe đò làm nhiệm vụ giao nhận thư từ bưu phẩm chuyển cho bưu điện tỉnh mới được ưu tiên, không phải lụy phà hay bị cảnh sát xét hỏi. Bây giờ xe đò tiến bộ hơn nhiều, xe có máy lạnh, ghế nằm thoải mái cho khách đường xa, duy chỉ không có phòng vệ sinh trong xe, lại còn tặng thêm nước uống, khăn ướt lau mặt. Xe chạy nhanh nhờ có cầu qua hai con sông Tiền và sông Hậu, tôi ngồi xe Mai Linh chạy một lèo về tới chợ Cà Mau chỉ mất sáu tiếng đồng hồ. Nếu không kể đến loại xe dù bắt khách dọc đường, thì xe đò là phương tiện đi đường xa tương đối rẻ tiền.
Bến xe đò Petrus Ký năm 1950 - Nguồn: AnhxuaVN
 Bến xe đò Petrus Ký năm 1950 – Nguồn: AnhxuaVN
Trước năm 1975, Xa cảng miền Tây là bến tập trung các xe đò về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó lại có bến xe Chợ Lớn đi về Cần Giuộc, Gò Công, Lý Nhơn, về sau bến xe này gộp lại với Xa cảng miền Tây mở rộng thành Bến xe miền Tây nằm trên đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân. Còn bến Miền Ðông dành cho xe đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc trên đường Petrus Ký trước kia thì gộp lại với hai bến xe nhỏ là Nguyễn Cư Trinh đi lộ trình cao nguyên và Nguyễn Thái Học đi Long Hải – Vũng Tàu – Phan Thiết, rồi sau đó vài năm chuyển về bến xe Văn Thánh, và cuối cùng yên vị tại Bến xe miền Ðông trên đường Ðinh Bộ Lĩnh hiện nay. Nhưng nghe đâu hai bến xe này sẽ phải dời ra xã Tân Túc huyện Bình Chánh và Suối Tiên Q. 9 để có diện tích rộng hơn, đáp ứng được cho nhu cầu ngày càng tăng. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Bến xe An Sương, bến này đúng ra có xe đi Tây Ninh – Bình Phước – Bù Ðăng, Bù Ðốp vùng Tây Trường Sơn, nhưng cũng có xe đi vài tỉnh thành của cả ba miền, do hai bến xe miền Ðông và miền Tây nhỏ hẹp.
Bến xe đò trên đường Nguyễn Cư Trinh trước 1975- Nguồn: Anhxuavn Bến xe đò trên đường Nguyễn Cư Trinh trước 1975- Nguồn: Anhxuavn

Ai cũng có kỷ niệm lần đầu đi xe đò. Mỗi chuyến xe chuyên chở nỗi niềm hoài niệm. Có người nhớ chuyện tiền vé như nhà văn Sơn Nam. Có người lòng phơi phới nhìn thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài bên quốc lộ như tôi. Cũng có người nhớ mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng gió miền Trung. Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa. Và cũng có người tuổi đời chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc xa lơ.
ST

Saturday, September 23, 2017

Hội Chứng “Ngồi Lê Đôi Mách” Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

 “Kinds words can be short and easy to speak, but their echoes are truly endless.”
Mother Teresa

Sách Thần Y Hoang Đường Cổ Bản có ghi vắn tắt về Hội chứng như sau:Đây là chứng bệnh của người ướt miệng, mỏng môi, lưỡi không xương. Khi hớt lẻo thì mắt la mày lét, ngó trước ngó sau với nhiều tà ý; xì xào to nhỏ vào tai người nghe. Khi dối trá tới cao độ thì tim đập nhanh, hơi thở rộn ràng, cặp mắt láo liên gian dối. Dối riết thành kinh niên, bất trị. Trưởng Lão Danh Y đề nghị phương thuốc “Á Khẩu Liệt Dương Hoàn” hoặc “Mặc y dối mãi thành điên cho rồi.”
Con người đang sống vào thời đại với kỹ thuật truyền thông nhanh và mạnh nhưng sự giao tế giữa người với người có vẻ ít phần tình cảm. Bi kịch xã hội dường như khuyến khích những lời nói làm tổn thương người khác. Trên diễn đàn công luận, những mẩu chuyện tào lao không có xuất xứ được nhiều người để ý. Đến nỗi một cựu Giám Đốc Báo chí Bạch Cung phải lên tiếng rằngKhông ai tin lời nói của phát ngôn viên chính thức nhưng mọi người đều tin nguồn tin đưa ra từ kẻ không tên”.

Có ý kiến cho rằng gossip không những đã trở thành một sinh hoạt của con người mà lại còn là một món hàng có giá. Truyền thanh, báo chí, truyền hình và ngay cả trên internet đã có biết bao nhiêu gossip đủ loại, thực giả về mọi người, từ những danh nhân tới người không tên tuổi. Và ai cùng tò mò muốn nghe, muốn đọc.Rồi tự do “mao tôn cương”. Với các cụ ta thì “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngày nay thì trước khi bàn chuyện doanh thương, quốc gia đại sự, thiên hạ có mươi phút mách lẻo chuyện người.

Giám Đốc Irvin Kassof của tổ chức Words Can Heal cho hay Mách Lẻo làm tổn thương cả triệu người Mỹ mỗi tuần lễ. Tổ chức này hiện đang quảng bá một chiến dịch để giảm lạm dụng ngôn từ, cải thiện dân chủ, tạo sự tương kính giữa người với người và mang lại uy tín cho đất nước.
Theo kết quả thăm dò ý kiến của Luntz/Lazlo cho tổ chức Words Can Heal ngày 17-21 tháng 8 năm 2001 thì: 117 triệu người Mỹ nghe hoặc chia sẻ gossip về người khác ít nhất một hoặc hai lần trong tuần; 51 triệu nhận là nói điều không hay sau lưng người khác một-hai /tuần; 63 triệu người cho hay người khác nói xấu về mình một-hai lần /tuần; 68% nói gossip là một vấn nạn tại trường học; 79% tại nơi làm việc; 80% trong chính trường; 84% trong tin tức truyền thông.

Đọc lại Luân Lý Giáo Khoa Thư của Việt Nam xuất bản trên nửa thế kỷ trước, thấy câu chuyện đáng suy gẫm sau đây:
“Anh Nhị nghỉ học một ngày. Hôm sau đến trường nói dối thầy rằng: “Hôm qua con sốt, không đi học được”. Nghiêm ngồi ở cuối lớp, muốn làm cho Nhị phải phạt, đứng dậy mách rằng:” Thưa thầy, anh Nhị nói dối đấy ạ, hôm qua con trông thấy anh ấy đi câu với một người nữa ở ngoài bờ sông.” Thầy giáo ngoảnh lại mắng Nghiêm rằng:
“Tao có hỏi mày đâu, mà mày nói? Thằng Nhị nói dối, có tội đã đành, nhưng mày mách lẻo như thế thì mày là đứa vô hạnh”.
 Cả lớp nhìn Nghiêm ra dáng khinh bỉ lắm. Nghiêm thẹn đỏ mặt, cúi gầm đầu xuống”.
Tác giả kết luận: “Đứa trẻ hay mách lẻo làm cho anh em bạn phải phạt là đứa trẻ bụng dạ hèn mạt, làm điều đáng khinh bỉ. Ta không nên mách lẻo”.
Đó là bài học đời xưa, bên ta.
Mới đây, bên Mỹ, đọc trong tạp chí The Oprah Magazine, thấy người nghệ sĩ tài danh Oprah Winfrey có tâm sự rằng:
“Bản thân tôi đã biết những lời nói tiêu cực đó có hại như thế nào. Ngay từ khi mới vào nghề, các báo lá cải đã bắt đầu tung ra vô số điều không thực về tôi. Tôi choáng váng và cảm thấy bị ngộ nhận quá nhiều. Và tôi đã hoang phí nhiều sức lực để lo nghĩ rằng không hiểu mọi người có tin ở những điều mách lẻo đó không.
Tại sao họ lại có thể in những lời lẽ vu vơ như vậy nhỉ? Tôi phải tự chiến đấu lắm mới không kêu từng người để phân trần và bào chữa. Đó là trước khi tôi ý thức được điều mà bây giờ tôi hiểu. Khi kẻ nào đó tung tin thất thiệt về bạn, xin hãy quên nó đi, đừng sa vào cạm bẫy. Dù dưới hình thức một tin đồn lan truyền mọi nơi hoặc một bàn tán phàn nàn của bạn bè, lời thêu dệt đều phản ảnh sự bất an của người khởi sự loan tin. Khi nói xấu sau lưng một người nào đó là họ muốn tỏ rằng họ mạnh nhưng thực ra thì họ yếu kém, không giá trị, không có can đảm nói sự thực.
 Mách lẻo cũng nói lên cho bản thân đương sự và cho người khác biết họ là người không đáng tin cậy. Gossip có nghĩa là đã không có can đảm nói thẳng với người mà họ muốn thảo luận mà quay ra mách lẻo để hạ giá trị người ta, điều mà Jules Feiffer gọi là đã phạm một tội sát nhân nhẹ.
Nói rõ ra, mách lẻo là một vụ giết người do một kẻ hèn nhát thực hiện. Chúng ta sống trong một nếp sống đầy những điều thêu dệt. Hôm nay anh ta mặc quần áo mầu gì; cô đó hẹn hò với kép nào; ai mới đây được nhắc nhở vì quá lăng nhăng tình ái.
Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu ta tạo ra một gia đình, một quan hệ bạn bè, một đời sống không mách lẻo chen vào?! Chúng ta sẽ rất ngạc thấy rằng ta sẽ có biết bao nhiêu thì giờ để làm nhiều việc ích lợi, quan trọng khác thay vì làm hại người ta. Sẽ có tràn đầy gia đình ta với những chân tình mà bạn bè muốn tới và ở lại với ta mấy ngày. Và ta cũng nhớ rằng nếu lời nói có thể hủy hoại thì cũng có sức mạnh hàn gắn”.
Và Oprah đã làm theo lời khuyên của người bạn Maya Angelou:“Tôi tin là những lời nói xấu đều có một sức mạnh và nếu bạn để chúng xâm nhập vào gia đình bạn, trong tâm trí bạn, trong đời sống bạn, chúng sẽ thao túng bạn. Những lời nói tiêu cực đó sẽ ngấm vào đồ đạc bàn ghế nhà bạn rồi vào da thịt bạn. Chúng là những liều thuốc độc.”

Vậy mách lẻo là gì mà ác hại thế nhỉ?!

Theo tự điển Việt Nam, Mách là nói cho người khác biết điều gì; Lẻo có nghĩa nhanh mồm miệng nhưng không thật. Mách lẻo là nói hoặc bàn tán chuyện riêng tư của người khác với người này người nọ, gây nghi kị mất đoàn kết,
Ý kiến chung cho mách lẻo là nói bất cứ điều tiêu cực, đúng hoặc sai của một người cho người khác nghe. Nhiều người nghĩ khi nói tốt về người nào đó thì cũng tốt đi.. Nói như vậy thì hợp pháp và không sao nhưng vẫn là ngồi lê mách lẻo và không đúng quy tắc xử thế.
Theo Lisa Kirk, người mách lẻo chuyên môn đưa chuyện người khác; kẻ vô duyên chỉ nói về mình; người lịch duyệt thì nói nhiều về bạn.

Jack Canfield, tác giả loạt sách The Chicken Soup for the Soul góp ý: “ Bằng cách nghĩ và nói tốt về người khác, mỗi chúng ta sẽ là vật xúc tác cho các cảm nghĩ tốt về mình, tăng niềm vui cho người và khích lệ sự hài hòa xã hội. Nhưng buồn thay, những lời tiêu cực về người khác, trước mặt hoặc sau lưng đều đưa tới sự băng hoại, sự mất vui, làm đau lòng mọi người. Dù lời hớt lẻo có là sự thực chăng nữa thì khi đi rêu rao, ta đã hạ phẩm giá của ta, của người và của tập thể.”

Cách ngôn Tây Ban Nha có câu “Ai mách lẻo với bạn thì họ cũng mách lẻo về bạn.”

Trong Thánh kinh ta học được: “Nói sai sự thực có chủ ý làm hại thanh danh của người khác là kẻ mách lẻo- Thượng Đế rất buồn lòng đối với kẻ nói xấu sau lưng người khác.”- Psalms 101:5.
Và “Biết điều riêng tư dù đúng hay sai của một người mà vội vàng kể cho người khác nghe là kẻ ngồi lê đôi mách.”-Proverbs 11:13.
Ngũ Giới là cơ bản đạo đức của người Phật tử với điều Bốn:Không Nói Dối, nói trái với sự thật để hại người, mưu cầu lợi cho mình. Người nói như thế là mất cả lòng nhân, không xứng đáng là một Phật tử.

Sao lại Ngồi Lê

Ấy vậy mà tại sao người ta hay lăng ba vi bộ đưa chuyện nhỉ?
 Các nhà tâm lý, xã hội học và biết bao nhiêu sách báo đã tìm hiểu về chứng tật này, để coi tại sao hay lan truyền, tại sao có người thích nghe. Có người nói nó như là một thứ dầu bôi trơn các thành phần trong xã hội khi mọi người giao tế với nhau; hoặc vì thế nhân đều bận bịu không có thì giờ gặp nhau thì cũng tò mò muốn biết xem người kia ra sao, có gì mới lạ không.

Nói chung mục đích kẻ mách lẻo thường là:

Để chứng tỏ mình là người giao thiệp rộng, thành thạo mọi sự việc;
Để nâng cao vai trò của mình, hoặc lôi cuốn chú ý về mình;
Để mua ảnh hưởng tạo cảm tình gắn bó với người khác;
Để tỏ tài dí dỏm của mình về chuyện tào lao của người khác;
Để che đậy sự thiếu khả năng nói chuyện của mình;
Để biểu lộ sự tức giận và trả thù đối với một người;
Để gieo rắc nghi kỵ giữa mọi người, hy vọng mang phần lợi cho minh
Để lòe lại khi bị thất thế, uy hiếp;
Để giấu giếm sự mình ghét người đó; vì họ điên khùng -Proverbs 10:18; vì họ không có việc gì để làm-Timothy 5:13
Như một bệnh kinh niên, mách lẻo cũng đưa tới nhiều hậu quả xấu, cho nạn nhân. Và cho kẻ đưa tin.
Trong mách lẻo có sự bội ước, loan truyền ý tưởng có hại tới danh dự của người khác có thể đưa tới tan vỡ hạnh phúc gia đình, sự nghiệp, việc học của nạn nhân. Khi ta ngồi lê đôi mách là ta đã lấy đi cái quyền đáng lẽ được nói sự thực của người đó.

“Con người thường rất thích nghe chuyện thêu dệt, với cái vị ngọt và hậu quả cay đắng của nó. Những lời gossip giống như miếng trái cây ngon ngọt, nó đi lần vào nội tâm xâu nhất của con người.”- Proverbs 18.8.

Có người tự hỏi nếu đời không có gossip thì tẻ nhạt biết mấy, sẽ nói gì với nhau bây giờ. Có người coi chúng như một thứ giải trí, đưa đà câu chuyện làm ăn. Nhưng nhiều khi cũng gây khó khăn giao tế, vì nghe một người nói xấu về người khác thì mình lại tự hỏi bao giờ đến lượt mình bị thêu dệt đây?!. Thế là giao tế trở thành dè dặt hơn.
Câu chuyện một bà nọ truyền lan bịa đặt về một người đàn ông. Khi biết rằng mình đã làm hại thanh danh người đó, nữ nhân xin lỗi và hứa làm bất cứ điều gì để bù đắp. Ông ta đưa cho bà một túi lông gà, bảo ra góc phố tung lông trong gió. Làm xong, nữ nhân hỏi như vậy đã đủ để tạ tội chưa. Sẽ đủ nếu bà lượm lại được hết lông. Chúng bay tứ tán khắp nơi, làm sao lượm lại được. Thưa rằng: những lời bịa đặt của bà đã gây ra những thiệt hại không lấy lại được cho tôi. Chẳng khác gì những cái lông gà đã tung đi trong gió không sao nhặt lại được.

Muốn hóng chuyện người, hãy sẵn sàng khi ai đó mở đầu:
-Này bà có biết chuyện gì xẩy ra cho con Xuân không?!
-Mày có muốn nghe tin cuối cùng về vợ chồng con Bích không?
-Tao muốn hỏi ý kiến mày về vụ ông xếp lăng nhăng vơi cô Tình..
-Này, tớ chỉ nói cho cậu nghe thôi đấy nhé...

Mà không muốn nghe hoặc là nạn nhân thì cũng dễ thôi. Bản tính nhiều người là thích đưa chuyện. Nhưng nên nhớ rằng mọi sự việc đều có mặt trái mặt phải; rằng dù chỉ là một chi tiết nhỏ cũng đủ làm hại người khác; rằng mách lẻo thường bắt nguồn ở sự không cởi mở. Ai trong chúng ta chẳng có một số lỗi lầm lớn nhỏ nào đó. Nói cho nhau hay để thông cảm, rằng ta cũng chỉ là con người thì có thể giảm những soi mói, bâng quơ bóng gió về mình. Có người cho là cứ Gossip với God là thượng sách.
“Nếu thấy ai định nói lén về một người khác thì chẳng nên nghe.” -Timothy 5:19
Tác giả Words That Hurt, Words That Heal” Rabbi Joseph Teluskin: “Gossip là một hình thức khủng bố bằng lời nói. Mà“ Hủy hoại thanh danh của ai là phạm một tội sát nhân.”
Cách hữu hiệu nhất để chứng tỏ điều đó là dối trá là đối diện với sự việc bằng việc làm của mình; chạy trốn có thể bị hiểu nhầm là điều đó có thực.
Theo Mark Twain: “Cần hai người để làm tổn thương trái tim của ta: người lén lút nói xấu ta và người thuật lại hành động đó với ta”.
Nếu có người hỏi có biết X nói gì về mình không, thì hãy can đảm trả lời: không biết và cũng không muốn nghe kể lại. Làm được như vậy thì không những đời ta thanh thản hơn mà cũng cho kẻ đó hay ta không muốn nghe chuyện thị phi tào lao.
Cho đỡ bực mình.
Và chờ Thượng Đế phán xét.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC M.D.
Texas -Hoa Kỳ