Friday, August 31, 2012

Bài Hát Sau Cùng

Tạp ghi Huy Phương
 
Vào ngày 26 Tháng Mười tới đây, cụ William Leo McDougall, 83 tuổi, cư dân Laguna Woods sẽ ra Tòa Thượng Thẩm Santa Ana, California vì tội giết người. Vào ngày 1 Tháng Mười, 2010, trong lúc dưỡng bệnh tại Palm Terrace Healthcare Center, Laguna Woods, sau khi ở bệnh viện về, ông McDougall đã nổi giận vì nghe người bạn chung phòng, ông Nguyễn Văn Mạnh, 94 tuổi, hát một bản nhạc bằng tiếng Việt. Ông McDougall đã dùng một cây gỗ, đánh vào đầu ông Mạnh nhiều lần. Ông Mạnh được xe cấp cứu chở đi bệnh viện, và sau đó tắt thở, vì bị xuất huyết não.
 
Trước đây trong nursing home, cũng có chuyện một bà cụ đánh một bà cụ khác chung phòng gây thương tích trầm trọng, nhưng trường hợp của cụ Nguyễn Văn Mạnh, mất đi đã để lại nỗi đau xót cho gia đình của cụ và gây nhiều xúc động cho cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ. Tuổi già, bệnh tật, buồn phiền gây ra sự cáu kỉnh đã khiến cho cụ Mc Dougall cầm gậy đánh chết người bạn cùng phòng. Khác văn hóa, ngôn ngữ, sở thích, tôi nghĩ nếu bạn ở chung phòng với một người Ấn Ðộ, bạn cũng không thích gì những bài hát của dân tộc này. Nhưng điều làm cho tôi buồn, nghĩ đến tuổi già quạnh quẽ trên đất khách, là ông cụ đồng bào của mình, chết chỉ vì đang hát một bài hát tiếng mẹ đẻ, một bài hát Việt Nam. Tôi không biết là ông cụ đang “nghêu ngao” hát bài gì, vì mỗi bài hát đều mang những kỷ niệm riêng tư cho một người, nó khơi dậy cả một quãng đời đã qua. Ðó là một bài dân ca mang âm hưởng quê hương khuất bóng, một bài hát tuổi trẻ khiến cụ nhớ đến thời hoa niên cắp sách đến trường hay một đoạn tình ca “gọi người yêu dấu,” một người đầu gối tay ấp hay một người thương yêu đã “nghìn trùng xa cách.”
Tôi dùng tiếng “nghêu ngao” để nói đến tâm trạng một người lúc buồn hay vui, ngồi hay đi, đứng hát một mình, một bài hát có thể sai vần lạc điệu, nhưng chắc chắn là một bài hát đầy kỷ niệm, đầy thương nhớ đã gây xúc động cho lòng người hát. Những bài hát này không thể dành cho đám đông hay hát cho ai nghe, mà là trong lúc cô đơn nhất, buồn nhất hay hạnh phúc nhất, con người đã hát lên nho nhỏ cho một mình mình nghe và người hát đã đắm mình trong những giấc mơ riêng tư của mình.
Một ông cụ đã 94 tuổi, là người Việt Nam, hẳn ông đã sống qua những nỗi thăng trầm của đất nước. Ông sinh ra và lớn lên dưới thời Pháp thuộc, cũng có thể là đã biết thế nào là chiến tranh, loạn lạc. Giờ này, về già, ông sinh sống tại Mỹ, có nghĩa là, ít nhất một lần, ông phải bỏ quê hương vì nạn cộng sản. Vận nước đã đưa ông đến đây, lúc về già, vì hoàn cảnh phải sống trong nhà dưỡng lão với một người xa lạ, khác biệt tuổi tác, văn hóa, ngôn ngữ. Nếu không lú lẫn, quên quên nhớ nhớ, hẳn lòng ông đã trĩu nặng một nỗi buồn xa quê hương, hiu quạnh trong nhà dưỡng lão, không một bóng người thân.
Ông cũng có một cuộc đời như những người khác, có một thời thơ ấu, trung niên, có cuộc sống hôn nhân, có một quãng đời yêu đương, sinh con đẻ cái, làm việc, hạnh phúc hay đau khổ. “Kỷ niệm là cái gối lúc ta về già,” nó có thật làm cho chúng ta cảm thấy êm ái đi vào giấc ngủ, hay đau khổ, dằn vặt suốt cuộc đời ta. Tuổi già chính là thời gian dừng chân đứng lại, để nhìn về quá khứ, với chút ngậm ngùi hay thương tiếc.
Nhu cầu của tuổi thơ chỉ là đời sống vật chất, một đứa trẻ khóc vì đói, khát, vì lạnh hay nóng, tuổi già ngoài những cảm xúc của một đứa trẻ, còn có niềm đau tinh thần, buồn bã, nhớ nhung, tủi thân vì cô đơn và hiu quạnh. Thủ phạm giết người, ông già McDougall chắc chắn đang mang tâm lý buồn bực, bẳn gắt, chán đời của một người già cô độc, chỉ có điều đáng tiếc là ông đã trút nỗi giận dữ đó lên một người bệnh cùng phòng vô tội để đến nỗi gây ra án mạng!
Ðôi khi chăm sóc cho tuổi già còn bận rộn hơn là có “con mọn.” Tuổi già quả đáng cho chúng ta quan tâm săn sóc hơn là trẻ thơ, không phải cho ăn, cho mặc, hay tắm rửa mỗi ngày là đủ, điều này nhà điều dưỡng nào cũng làm được. Trên đời này, mấy ai nghĩ đến cha mẹ già hơn là chăm lo cho con cái của mình, mấy ai đã có suy nghĩ: “Phụ mẫu tại đường, bất khả viễn du” (Còn cha mẹ ở nhà, không nên đi chơi xa.) Ðó là chưa nói đến chuyện có cha mẹ già, mà ca dao Việt Nam đã ví von như “...mít chín cây! Gió Ðông cũng sợ, gió Tây cũng buồn!”
Tòa án Santa Ana sẽ kết tội thủ phạm đã giết ông cụ Nguyễn Văn Mạnh, nhưng thật sự tôi không quan tâm về bản án này, nặng nhẹ như thế nào. Thủ phạm đã 83 tuổi, bản án nhẹ nhất cũng làm cho người này không hề có hy vọng sẽ ra khỏi nhà tù trước khi chết. Sống ở đây hay sống ở trong nhà tù thì có khác gì nhau, kẻ giết người sẽ không có hy vọng trở lại nhà trước khi xuôi tay, thì chết trong nhà tù hay trong nhà dưỡng lão cũng là cái chết.
Từ khi đọc được bản tin này, tôi cũng không hề thắc mắc về gia cảnh, bệnh tật hay đời sống của ông cụ xấu số. Ðiều duy nhất tôi nghĩ đến và muốn tìm hiểu là ông cụ đã hát bài hát gì trước khi ông qua đời. Thủ phạm là một người ngoại quốc không biết tiếng Việt, để cảnh sát lấy lời khai, mà điều này thì có gì là quan trọng đối với họ. Cũng như những nhân chứng, nếu là đồng bào của cụ thì cũng chỉ có mặt tại hiện trường khi cụ đã ngã xuống nên không ai nghe cụ hát bài gì.
Còn tôi, thực sự tôi muốn biết, vào lúc ấy, cụ đã “nghêu ngao” hát bài gì để biết nỗi buồn của cụ ra sao? Nỗi xa vắng người thân, thương nhớ quê hương, nỗi cô đơn buồn bã hay hoài niệm về một quãng đời đã mất! Tôi thương ông cụ, và nghĩ đến tuổi già mai sau của tất cả chúng ta.
Cụ ơi, bài hát đó là bài gì vậy cụ?

No comments:

Post a Comment