Friday, September 18, 2020

Câu chuyện về Charlie (Nam Tài Tử Charles Bronson)

Bất cứ ai trong chúng ta, nếu mê điện ảnh quốc tế, chắc chắn đều biết Charles Bronson. Nhưng về cuộc đời với lắm vết hằn của ông, kể cả khi ông đã nổi tiếng cả thế giới, chắc cũng cần phải lật lại chút ít…
... Ngày 3/11/1921, Charles “Charlie” Dennis Buchinsky chào đời trong một gia đình có tới 15 người con mà cậu là người thứ 11. Cả bố và mẹ cậu đều có gốc gác truyền đời từ Litva, một đất nước mà sau Cách mạng tháng 10 Nga, đã nằm trong Liên bang Xô viết. Bố cậu, Valteris Bucinskis, và mẹ, Mary Valinsky cùng gặp nhau trước đó nhiều năm và khi lấy nhau, họ đem cả gia đình mình tới khu mỏ than Allegheny tại Johnstown, Pennsylvania để gầy dựng mái nhà. Ông chủ gia đình sau đó đã xin chính quyền sửa tên mình thành Walter "Buchinsky" cho nghe có vẻ "Mỹ" hơn.
Tuổi thơ nhọc nhằn
Như bao trẻ khác ở khu đó, Charlie không nói nổi một chữ tiếng Anh nào khi đi học và chỉ biết nói tiếng Litva ở nhà. Theo năm tháng, khi nhập ngũ, anh cũng đã nói tiếng Anh được thành thục nhưng giọng vẫn nghe nặng tới mức bạn đồng đội cứ ngỡ rằng, anh đến từ một đất nước khác chứ không phải là công dân Mỹ đẻ ra tại Mỹ hẳn hoi. Thực tế, Charlie biết nói 4 ngôn ngữ thông thạo, ngoài tiếng Anh còn tiếng Litva, tiếng Nga và tiếng Hy Lạp.
Về bố mình, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của truyền hình Mỹ vào năm 1973, Charlie cho biết mình "không chắc là nên yêu hay nên ghét bố”, vì có quá ít thì giờ ở cùng ông già ruột mà chỉ chắc chắn là “mỗi khi ông ấy về nhà, tất cả lũ trẻ đều rủ nhau đi trốn”. Năm Charlie 10 tuổi, người bố ấy lìa đời và ngay từ thuở đó, cậu đã phải đi làm vất vả ở mỏ than. Charlie nhớ lại, vì còn quá bé, lương của cậu chỉ được tính là một đô-la cho mỗi tấn than khai thác được cùng cả đội và cậu đã tự nguyện làm ca đúp để mỗi tuần kiếm thêm một đô-la nữa, tất nhiên là với phần việc nguy hiểm nhất và nặng nhọc nhất mà một đứa bé có thể được phép làm.
Gia đình Charlie nghèo đến mức nhà không có gì để ăn và chính cậu cũng phải thường xuyên nhịn đói. Nhà không hề có sữa để nuôi em của cậu, nên mẹ cậu phải cho con uống trà nguội để thay. Bản thân Charlie nhiều hôm phải mặc váy của chị cậu để đi học vì thiếu áo quần nhưng cậu chính là đứa con đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp trung học.
Trưởng thành trong mồ hôi
Năm 1943, 22 tuổi, từ giã hầm mỏ sau 12 năm quần quật ở đó, Charles Buchinsky ghi danh vào lực lượng Không quân Mỹ và phục vụ đất nước trong Đệ nhị Thế chiến. Anh được biên chế vào Phi đội súng máy 760 và tới 1945 thì thành xạ thủ trên siêu pháo đài bay Boeing B-29, thuộc đơn vị Phi cơ ném bom thứ 61 đóng ở Guam, với nhiệm vụ đặc biệt là tấn công vào các hòn đảo của Nhật Bản. Anh được tặng thưởng huy chương Tử Tâm (Purple Heart) do đã bị thương trong một chuyến bay. Đó là lý do, về sau này khi trở thành Charles Bronson, anh chính là người có nhiều kinh nghiệm nhất về chiến trường thực tế trong các phim chiến tranh mà anh tham gia.
Hòa bình, Charlie làm đủ thứ nghề để kiếm sống trước khi tham gia một nhóm kịch tại Philadelphia. Rồi anh thuê một căn hộ tại New York cùng Jack Klugman, một người bạn cũng mê diễn xuất trên sân khấu như anh. Năm 1950, sau khi lập gia đình, Charlie dời chỗ ở đến Hollywood, theo học nghệ thuật đóng phim ở đó và bắt đầu nhận một số vai nhỏ. Anh xuất hiện cạnh Roy Rogers, Red Skelton và nhất là Lee Marvin trong một số chương trình về đấm bốc và phim truyền hình. Thời gian đó, nhờ đạo diễn Andre De Toth chú ý giao nhiều vai trong một số phim khác nhau, tên tuổi Charlie lớn dần theo các phim như Miss Sadie Thompson, House Of Wax, Riding Shotgun và nhất là Tennessee Champ cùng Crime Wave. Khi tài năng của Charlie được nhìn nhận, theo lời đề nghị từ người đại diện của mình, Charles Buchinsky quyết định đổi tên thành Charles Bronson vì như người ấy nhận xét, cái tên mang sặc mùi Đông Âu đó rất có thể sẽ làm hỏng cả sự nghiệp của anh, nếu không khéo. Chúng ta biết đến Charles Bronson kể từ năm 1954, như mãi mãi về sau.
Nhưng cũng phải mất 4 năm nữa, Charles Bronson mới tìm được vai chính đầu tiên, mà cũng chỉ trên phim truyền hình, là ở loạt phim Man With A Camera của đài ABC, trong vai thám tử Mike Kovac. Rồi điện ảnh mỉm cười với anh, khi một số phim kinh phí thấp đã mời anh, cho tới phim chiến tranh với kinh phí lớn Never So Few (1959) của John Sturges. Song song đó, anh vẫn giữ vai chính trong nhiều phim truyền hình là mảnh đất sở trường cho tới một ngày, chính John Sturges gọi điện cho Charlie: “Tôi chuẩn bị quay một phim cao bồi để đời mà vai chính cần tới 7 người. Cậu có quan tâm không?”. Phim đó làm vào năm 1960, nó gọi tới 7 nam diễn viên đình đám mà người giữ vai chính là Yul Brynner đã chính tay mình đi chọn 6 người còn lại: Steve MacQueen, James Coburn, Brad Dexter, Horst Buchholz, Robert Vaughn, Charles Bronson và tên nó là The Magnificent Seven. Sang năm 1963, khi John Sturges làm một trong những phim chiến tranh về Đệ nhị Thế chiến hay nhất mọi thời đại là The Great Escape, chỉ có 3 người từ phim trước được giao vai tiếp ở phim sau và Charles Bronson là một trong 3 tên tuổi đó, cùng Steve MacQueen và James Coburn.
Chính với vai Bernardo O’Reilly trong The Magnificent Seven, Charlie được trả thù lao là 50.000 đô-la nhưng quan trọng hơn cả, anh đã trở thành một nghệ sĩ Mỹ được nhiều nhà làm phim và diễn viên châu Âu, kể cả Xô viết, thời đó mê như điếu đổ. Nhưng tại Mỹ, bất chấp những thành công từ 2 phim đã kể của John Sturges, Charlie vẫn chỉ được giữ những vai chính quen tay trên phim truyền hình và mãi tới 1965, anh mới giữ vai chính đầu tiên trong Guns Of Diablo trên màn bạc và tới 1967, lại một phim chiến tranh nổi tiếng nữa là The Dirty Dozens, của Robert Aldrich, với Lee Marvin vai chính và dàn cast gồm Ernest Borgnine, Jim Brown, John Cassavetes, George Kennedy, Robert Ryan, Donald Sutherland, Robert Webber và Terry Savalas. Với phim để đời này, Charlie đứng thứ ba trên bảng casting. Con đường leo lên vai chính, với chính anh, tại Hollywood sau 14 năm theo đuổi điện ảnh là quá khắc nghiệt.
Con đường vòng
Sau khi tiếp tục đóng vai phụ cho Liz Taylor và Richard Burton trong The Sandpiper và cho Yul Brynner cùng Robert Mitchum trong Villa Rides, 2 phim thành công về doanh thu tại Mỹ, thời vận đã mở ra với Charles Bronson theo một hướng khác. Như đã nói, điện ảnh nơi Lục địa già và cả Đông Âu rất thích anh: Chuyện đó được minh chứng bằng phim Adieu L’ami (Tựa tiếng Anh là Honor Of Thieves) mà Charlie đóng vai chính cùng Alain Delon khi chính các nhà điện ảnh Pháp tìm đến anh. Người đại diện của Charles Bronson là Paul Kolner nhớ lại, năm 1968 đó khi ông thương lượng hợp đồng trên với phía bên Paris, lúc ông nói: “Tại Hollywood người ta có thói quen ném hết tiền cho những vai anh hùng và kép đẹp” thì nhà sản xuất phim Adieu L’ami đã ngắt lời: “Ở châu Âu chúng tôi, người ta quan tâm đến tính cách nhân vật hơn là gương mặt”. Bởi thế khi đã có một anh chàng khôi ngô như Delon, thì cần có một đối trọng là một bậc đàn anh gồ ghề như Bronson. Tham gia phim đó, Delon mới 34 tuổi ngoài đời thật, trong khi Bronson đã 47 tuổi.
Cũng năm đó, hình ảnh Charlie chơi harmonica như là vai chính trong Once Upon In The West của Sergio Leone, một đạo diễn Ý, đã đi khắp thế giới và chính Sergio cứ khen nức nở: “Tôi đã có cơ hội làm việc với một trong vài tài năng điện ảnh lớn nhất mọi thời đại”. Một chi tiết rất ít người biết và những ai yêu Clint Eastwood có thể phản bác nhưng đó là sự thật: Khi chuẩn bị làm phim A Fistful Of Dollars, Sergio Leone đã dành luôn vai chính đó cho Charles Bronson nhưng vì một vài lý do, anh đã từ chối nó để sau đó, khi Clint Eastwood thay chân, nó đã trở thành một trong vài phim để đời trên cả thế giới của Leone.
Thành công liên tiếp đến với Charlie khi anh làm phim cùng điện ảnh châu Âu, lần lượt là xuất hiện cùng Anthony Quinn trong Guns For San Sebastian tại Pháp, Lola tại Anh, nhất là Rider In The Rain đóng cùng Marlène Jobert cũng của Pháp – Phim đó giật giải Quả cầu vàng dành cho Phim nước ngoài hay nhất năm 1970 tại Hollywood. Dứt khoát Charles Bronson đã được điện ảnh châu Âu trân trọng tài năng hơn chính tại Hollywood rất nhiều, mà một trong những minh chứng nữa là bộ 4 tác phẩm điện ảnh lừng danh do anh đều giữ vai chính của đạo diễn người Anh Terence Young, chính là người đã lăng-xê tên tuổi của Sean Connery trong các phim 007 đầu tiên. Bốn phim đó là Cold Sweat (1970), Someone Behind The Door (1971), The Valachi Paper (1972) và nhất là Red Sun (Hay Soleil Rouge, 1971). Trong một phim gồm toàn các minh tinh quốc tế này, như Alain Delon, Toshiro Mifune và Ursula Andress, Charles Bronson đã dẫn đầu. Chính năm đó, cùng Sean Connery, anh giật một giải Quả Cầu Vàng đặc biệt có tên là Henrietta Awards dành cho Nam diễn viên đóng vai chính được yêu thích nhất thế giới.
Trở về
1972 chắc chắn là năm mà Charles Bronson đã nhớ nhất vì người Mỹ khi thấy anh thành công quá tại châu Âu, họ “đã nghĩ lại”. Anh xuất hiện trong 3 phim liên tiếp của Michael Winner là Chato’s Land, The MechanicThe Stone Killer. Sang 1973, khi mình 52 tuổi, Charles Bronson được trả thù lao cao bậc nhất thế giới với 1 triệu đô-la cho mỗi phim. Anh bắt đầu bước vào loạt phim nổi tiếng Death Wish mà 2 phần đầu vẫn do Michael Winner đạo diễn. Phim này ăn khách: Nó đã xuất hiện trước sau 5 phần và vắt qua 2 thập niên. Tới 1974, Charles Bronson cùng Robert Redford, Barbra Streisand và Al Pacino là 4 minh tinh có sức hút khán giả tới rạp mạnh nhất nước Mỹ.
Sau đó là sự hợp tác dài lâu giữa Charles Bronson và đạo diễn J. Lee Thompson trong nhiều phim rải dài từ 1976 tới 1994 (Nổi tiếng nhất là Murphy’s Law, 10 To MidnightDeath Wish 4). Quãng thời gian đó, bất chấp tuổi già của mình, ông vẫn buộc các hãng phim nhỏ mới trồi lên lúc đó như Cannon phải trả ông từ 1,2 – 1,5 triệu đô-la cho mỗi phim. Rồi sự nghiệp của ông nhạt dần kể từ 1991 khi tham gia The Indian Runner của Sean Penn, một phim mà lâu lắm ông không đóng cảnh hành động nào trước khi ông đóng phim điện ảnh cuối cùng của đời mình là Death Wish 5: Face Of Death vào năm 1994, lúc mình đã 73 tuổi.
Nhận xét về Charles Bronson, nhà phê bình phim Stephen Hunter đã viết: “Đó là một con người luôn tràn trề sinh lực đàn ông, cứng rắn tới mức khắc kỷ, đầy khả năng và sức mạnh. Từ anh ấy luôn thể hiện ra một sức hút mơ hồ: Đó là một người đàn ông khôi ngô xấu trai hay một người đàn ông xấu trai khôi ngô? Chúng ta không bao giờ biết chắc chắn về chuyện đó và bởi thế, việc tìm hiểu thêm về Charles Bronson luôn là cần thiết. Anh ấy chưa bao giờ trở thành một diễn viên thực sự vĩ đại, nhưng anh ấy biết chính xác cách mình cần chiếm lĩnh cảnh quay theo một phong thái rất riêng. Bronson là người đàn ông có tên kết thúc bằng một nguyên âm (Chữ A – JMS), cũng là người không bao giờ rời bỏ vị trí, không bao giờ phàn nàn, không bao giờ bỏ ngang việc, không bao giờ đi tắt. Anh cáu kỉnh, anh hờn dỗi, anh nổi cáu với đoàn phim, nhưng anh vẫn ở đó, hoàn thành công việc và không mong đợi một lời cảm ơn nào. Vẻ thanh lịch của anh càng dễ cảm nhận hơn vì không bao giờ có thể diễn tả nó bằng lời”.
Chính Charles Bronson đã nói với nhà phê bình Roger Ebert vào năm 1974: "Tôi chỉ là một sản phẩm giống như một chiếc bánh xà phòng, được bán chạy nhất có thể". Rồi anh kể về những bộ phim hành động mà anh tham gia lúc đó, đã không có nhiều thời gian cho việc diễn xuất. Anh nói: "Tôi cung cấp một sự hiện diện. Không bao giờ có bất kỳ cảnh đối thoại dài nào để có thể thiết lập nên tính cách một nhân vật. Người ấy phải hoàn toàn thể hiện mình ngay từ đầu phim và sẵn sàng làm mọi việc sau đó”. Đạo diễn Michael Winner thì nhận xét, Charles Bronson không cần phải "đi sâu vào bất kỳ điều gì lớn lao về những gì anh làm hoặc về cách mà anh sẽ làm" bởi vì anh có một "phẩm chất mà máy quay chỉ khi chuyển động mới có vẻ đáp ứng được”. Anh có một thế mạnh lớn về màn hình, ngay cả khi anh đứng yên hoặc ở một vai trò hoàn toàn bị động. Có một chiều sâu, một bí ẩn, luôn cho cảm giác rằng một điều gì đó bất ngờ sẽ xảy ra.
Thục ra, theo Ebert, tâm hồn Charles Bronson đã bị mang sẹo bởi sự thiếu thốn đủ thứ từ rất sớm trong đời mình và cả bởi cuộc tranh đấu ngay từ ngày đầu với tư cách một diễn viên. Một bài báo nào đó vào năm 1973 cho rằng, Charles Bronson rất nhút nhát và sống bằng nội tâm nên không dám xem các bộ phim của chính mình. Ông được mô tả là "vẫn còn luôn nghi ngờ, vẫn giữ mối hận thù, vẫn coi thường các cuộc phỏng vấn, vẫn ghét phải đưa ra bất cứ điều gì của bản thân, vẫn không thể tin rằng vận may đã thực sự xảy đến với mình". Ông thực tế từng buồn chán khi đã phải mất quá nhiều thời gian để được nhìn nhận ở Mỹ và sau khi có danh tiếng, chính ông đã từ chối làm việc với một đạo diễn lớn, người đã hắt hủi ông từ nhiều năm trước.
Cuộc hôn nhân đầu tiên của Charles Bronson là với Harriet Tendler, người mà ông gặp khi cả hai còn là diễn viên non trẻ ở Philadelphia. Họ có 2 con, Suzanne và Tony, trước khi ly hôn vào năm 1965. Harriet viết trong cuốn hồi ký của mình, bà "là một trinh nữ 18 tuổi khi gặp Charlie Buchinsky 26 tuổi tại một trường diễn xuất tại Philadelphia vào năm 1947". Hai năm sau, với đồng ý miễn cưỡng của cha bà, một người nông dân nuôi bò sữa gốc Do Thái rất thành công, Harriet lấy Charlie. Harriet nhớ lại, ngay buổi hẹn hò đầu tiên, Charlie chỉ có 4 xu trong túi.
Rồi Charles Bronson kết hôn với nữ diễn viên người Anh Jill Ireland vào ngày 5/10/1968 cho đến khi Jill qua đời vào năm 1990. Anh gặp Jill vào năm 1962, khi cô đã kết hôn với nam diễn viên người Tô Cách Lan David McCallum. Thời điểm đó, Charlie - Người chia sẻ màn ảnh với chính David trong The Great Escape - đã nói với David: "Tôi sẽ cưới vợ của anh". Rồi gia đình Bronson ấy sống trong một biệt thự lớn ở Los Angeles với 7 người con: 2 người trong cuộc hôn nhân trước của anh, 3 người của riêng Jill (Một trong số đó là con nuôi) và 2 người nữa là con chung, Zuleika và Katrina, cô bé cuối cùng này cũng được nhận nuôi. Sau khi kết hôn, Jill thường đóng vai nữ chính trong suốt 15 phim mà Charlie giữ vai chính. Để duy trì vòng tròn gia đình, vợ chồng nhà Bronson luôn đưa hết các con mình lên xe tải và đem tất cả đến bất cứ nơi nào mà họ đang quay phim để mọi người có thể ở bên nhau. Họ đã dành nhiều thời gian chăm sóc một trang trại rộng trên 260 mẫu Anh ở Tây Windsor, Vermont, nơi đó Jill đã nuôi ngựa và huấn luyện cho con gái Zuleika cưỡi ngựa biểu diễn - Trang trại được đặt tên là “Zuleika Farm”, theo tên đứa con ruột duy nhất giữa họ. Từ cuối những năm 1980 đến giữa những năm 1990, Charles Bronson thường xuyên dành những kỳ nghỉ Đông cùng gia đình ở Snowmass, Colorado. Thời kỳ đó anh rất vất vả, vừa chăm sóc vợ bệnh, vừa phải duy trì đóng phim.
Vào ngày 18/5/1990, ở tuổi 54, sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư vú, Jill Ireland qua đời trong vòng tay gia đình ở Malibu, California. Hơn 8 năm sau, tháng 12/1998, Charles Bronson kết hôn lần thứ ba với Kim Weeks, một cựu nhân viên của Dove Audio, người đã từng giúp Jill Ireland ghi âm trong quá trình sản xuất sách nói của bà. Họ đã sống cùng nhau 5 năm cho đến khi Charlie qua đời vào năm 2003.
Sức khỏe của Charlie ngày càng giảm sút vào những năm cuối đời, và ông đã từ giã nghiệp diễn sau khi trải qua cuộc phẫu thuật thay khớp háng vào tháng 8/1998. Ông thở hơi cuối cùng ở tuổi 82 vào ngày 30/8/2003, tại bệnh viện Cedars-Sinai ở Los Angeles. Trên giấy chứng tử của ông, người ta ghi "suy hô hấp", "ung thư phổi di căn", rồi "bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính" và "bệnh cơ tim sung huyết" là những nguyên nhân gây ra cái chết.
Charles Bronson được an táng tại nghĩa trang Brownsville ở Tây Windsor, Vermont.
Lời nói thêm: Charles Bronson chính là một trong vài tài tử điện ảnh yêu thích nhất của người viết. Toát ra từ ông ấy là một tinh thần luôn tranh đấu mạnh mẽ suốt cuộc đời mình để được nhìn nhận là một nghệ sĩ hàng đầu tại chính nơi ông sinh ra và từ rất sớm, là thoát khỏi cảnh nghèo. Ông chưa giật một giải thưởng cá nhân chính thức nào nhưng trong những phim lớn, ông luôn được nhắc tên dù chỉ giữ vai phụ. Ông đã phải đi rất xa, sang châu Âu vì ở đó người ta trân trọng ông hơn, để về gần trong lòng nước Mỹ. Thấm thoát, sắp đến ngày giỗ thứ 17 của Charles Bronson, người mà trong đời mình, đã từng xuất hiện cạnh các ngôi sao lớn nhất thế giới và người đã đứng thứ tư trong Danh sách đảm bảo thành công chắc chắn cho mỗi phim mình giữ vai chính. Trong ảnh là ông và Jill Ireland, họ đã không thể đi đến cùng đường với nhau.....

No comments:

Post a Comment