Thursday, March 24, 2022

Chiếc áo len và cha tôi - Trần Yên Hòa -

Hồi tôi đi lính, sau 9 tuần làm tân binh ở trung tâm huấn luyện Quang Trung, tôi được chuyển lên Ðà Lạt. Ðà Lạt với tôi chỉ là trong mơ, trong mộng, trong trí tưởng. Tôi không nhớ những năm tháng ấy (1968), tân nhạc Việt Nam đã có những bản nhạc ca tụng Ðà Lạt chưa? Như “Ai Lên Xứ Hoa Ðào, Ðà Lạt Hoàng Hôn, Thương Về Miền Ðất Lạnh?” Nhưng trong tâm tưởng, tôi đã yêu Ðà Lạt lắm rồi. Tôi cứ tưởng tượng một Ðà Lạt đẹp như truyện thần tiên, một nơi khí hậu ấm áp, cây cỏ muôn hoa đua nở, đầy tiếng chim ca. Tôi nghĩ, mình sẽ là một sinh viên sĩ quan, sẽ học ở đó hai năm… rồi sẽ hết chiến tranh…Cho nên lúc tôi và cả đại đội 94 tân khóa sinh của Tiểu đoàn Nguyễn Huệ, chuẩn bị di chuyển về Ðà Lạt, tôi vui lắm…Sẽ có những ngày mới chào đón tôi, ở xứ sở thần tiên này

Dĩ nhiên, dù gì tôi cũng đã qua 9 tuần lăn lộn ở các bãi tập của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tôi cũng đã thấm đòn “lính tráng”. Những sáng sớm thức dậy lúc 4, 5 giờ, ra giao thông hào chà láng, rồi đi tập bắn ở các bãi tập dành cho tân binh…Cho nên, khi máy bay quân sự đáp xuống phi trường Cam Ly, được đưa về trường để bắt đầu 9 tuần huấn nhục, dù mệt mỏi bao nhiêu, tôi nghĩ mình cũng vượt qua được.

Một điều nên nói ra đây, là tôi lên Ðà Lạt vào dịp cuối năm, nên trời mùa đông rất lạnh. Chúng tôi, mỗi người được phát cho hai bộ đồ “nhái” để thay đổi. Bộ đồ “nhái” là bộ áo quần bằng nỉ thun, bận vào bó sát người, rất ấm…Nhưng chỉ có hai bộ, thay ra, đổi vô không đủ cho cả những ngày tháng dài lạnh buốt, bị huấn nhục. Lạnh quá, nhất là những đêm về khuya, chúng tôi bị phạt hành xác, nhiều khi đến 9, 10 giờ đêm mới được đi ngủ…Lúc đó thì quần áo tả tơi, xốc xếch…Và cái lạnh Ðà Lạt về đêm, nhất là mùa đông thì càng quá lạnh. Tôi nhiều khi nằm trên giường, co quắp người lại, mà hàm răng run lên cầm cập…Nằm ngủ với cái lạnh như thế nên đâu có ngủ được, hình như chỉ thiếp đi từng chặp. Thức, tỉnh, tỉnh, thức…

Tôi nhớ lại, ngày còn ở dân sự, tôi có mua một chiếc áo len màu xám nhạt. Chiếc áo len dày, nên bận vào rất ấm…Ðến ngày vào lính, tôi để chiếc áo len đó lại cho cha tôi. Lúc đó, sao tôi chưa thấy cha tôi có một chiếc áo len nào. Về mùa đông, có lạnh lắm thì cha bận 2 cái áo bà ba, và chiếc quần dài…Cho nên, đi lính, tôi để chiếc áo len này lại cho cha, và nói với cha, con đi lính có quân đội lo hết rồi, không cần gì cả. Con để lại cho cha chiếc áo len này, cha mặc khi mùa đông tới nghe cha. Cha tôi cười nhỏ nhẹ, không nói lời nào, nhưng chắc ông cảm động lắm. Ðó là tôi nghĩ thế thôi, bởi tôi lúc đó đâu có lường được cái lạnh của Ðà Lạt thế nào, và nỗi cam khổ của người lính ra sao.

Cha tôi và tôi ít nói chuyện với nhau. Lúc còn nhỏ lắm, hai, ba tuổi hay bốn, năm tuổi gì đó, cha tôi thường hay cộ công kênh tôi trên hai vai, đi từ nhà tôi lên xóm An Phú, rồi trở xuống xóm An Lương, đi loanh quanh như vậy đến mấy vòng. Tôi được ngồi trên vai cha tôi, hai chân nhỏ bé của tôi thõng ra phía trước, hai tay ôm lấy đầu cha. Mỗi khi có người hàng xóm quen gặp, thì họ chào ngay, chào cậu Khiêm, hai cha con đi chơi vui quá hỉ. Dù những người này không bà con thân thuộc gì với gia đình tôi, họ gặp cha mẹ tôi vẫn thường chào là cậu, mợ.

Lúc này, thời điểm tôi đi lính, là thời điểm gia đình tôi đang đi tản cư. Quê tôi không còn yên ổn nữa. Sáng quân quốc gia lên, chiều mấy ông trên núi xuống, nên đêm nào cũng nghe tiếng súng nổ đì đoàng. Cảnh quê không còn bình yên nữa, với lại cha tôi lúc này có chân trong Ban hội đồng xã, nên ông sợ, phải đưa cả gia đình xuống quận lỵ tản cư. Cha mẹ tôi mua cái nhà tranh nhỏ tại thị xã để ở. Ban ngày, có lúc bình an, thì cha mẹ tôi trở về quê, có hái được mớ rau, buồng chuối, thì đem về nấu canh hay luộc chuối ăn…Còn thường thì mẹ tôi buôn bán lẻ ngoài chợ, kiếm ăn rất vất vả.

Hoàn cảnh tản cư như thế. Cha mẹ tôi lúc ấy cũng đã già, ông bà cũng đã trên sáu mươi, nên nghèo là cái chắc…Tôi thì đang huấn luyện trong quân trường, với số lương của một sinh viên sĩ quan, cũng bèo bọt lắm, nên tôi không gởi tiền về cho cha mẹ tôi được đồng nào.

Lúc này những đêm Ðà Lạt lạnh tê da, tôi phải cùng các bạn đi gác những ca 1, 2 giờ sáng…Lúc này mới thấy cái lạnh nó hãi hùng như thế nào, nhiều lúc lạnh quá, chịu không nổi, phải lấy tấm poncho (tấm choàng bằng vải nhựa dày), dành cho lính đi hành quân. Ðắp tấm poncho lên người mới đỡ lạnh một chút. Tuy vậy, cái lạnh giữa khuya Ðà Lạt vẫn là một hãi hùng với tôi từng đêm.

Tôi chợt nhớ đến cái áo len tôi đã để lại cho cha tôi, tôi biết miền Trung, mùa đông cũng lạnh kinh khủng. Nhưng lúc này, cái lạnh như xé từng mảnh da tôi ra, nên tôi đã viết một thư gởi về cho cha tôi, nói cha tôi gởi lên cho tôi cái áo len đó. Và khoảng 10 ngày sau, cái áo len được bỏ vào trong một bọc nhựa đàng hoàng, cha tôi gởi cho tôi chiếc áo len theo đường bưu điện.

Dĩ nhiên lúc đó tôi cũng chẳng băn khoăn gì, vì cái áo len của tôi cho cha, mà quá lạnh, nên tôi xin lại cũng là chuyện thường. Nhưng sau này, nghĩ lại, tôi mới thấy tôi thật vô tình, trong lúc tôi còn tuổi trẻ, lúc đó chỉ khoảng hai mốt, hai hai, sức trai ngồn ngộn, thế mà không chịu lạnh được, phải “giành” chiếc áo của một ông già trên sáu mươi. Mà người đó là cha tôi nữa chứ.

oOo

Tôi sống lơ ngơ với tuổi trẻ của mình. Hình như những năm ở quân trường tôi viết thư về “em” nhiều hơn viết thư về cho cha mẹ. Viết về cha mẹ chỉ có mấy dòng, cha mẹ khỏe không? Ở quê mình có bình yên không? Rồi tôi bí tịt. Trong lúc viết cho em thì hoa lá cành đủ mọi thứ, trời trăng mây nước thế nào cũng kể ra. Trong hơn hai năm, tôi đã viết cho em bao nhiêu bức thư tình. Ðể thấy rằng, cha mẹ đối với tôi như một tình yêu lặn sâu trong tâm thức mà thôi, chứ không lộ ra ngoài.

Tôi về phép lần thứ nhất của năm đầu, tôi lại gặp cha. Cha tôi đã già hơn xưa, vẫn bộ đồ bà ba trắng, chiếc xe đạp sườn cao, ghi đông chữ U, đi về trên đoạn đường Quán Rường – Tam Kỳ, ngày ngày lên xuống. Về quê để thăm nom khu vườn cũ, rồi sẵn tìm buồng chuối, trái mít hay mớ rau, đem về nhà ăn, thêm vào số tiền lời mẹ tôi đi bán thuốc “rê” ngoài chợ. Thời chiến tranh, cha mẹ tôi “hủ hỉ” bên nhau như vậy, trong lúc tôi và anh tôi “đi lính miền xa”.

Tôi về phép năm đó, về ở với cha mẹ thì ít mà đi chơi với em thì nhiều. Cha tôi buổi tối thường đọc sách hay nghe đài với chiếc radio ấp chiến lược. Trong lần về phép này, buổi tối, tôi thường ngủ chung với cha trên chiếc chõng tre rộng. Nằm ôm cha tôi mà ngủ, tôi thấy bình yên quá. Coi như quên hết những hệ lụy. Tôi mơ một ngày hòa bình, được làm một nghề nào đó như đi dạy học, bình yên sống gần cha mẹ thì vui biết bao. Nhưng thời đại chiến tranh làm sao mình sống cho mình được.

Xong 15 ngày phép, tôi trở lại Ðà Lạt, tiếp tục làm một sinh viên sĩ quan hiện dịch. Chữ “hiện dịch”, sao lúc đó tôi thấy hay quá, và ngầm hãnh diện nữa. Tôi đã bỏ cha mẹ già sau lưng.

oOo

Ðến kỳ nghỉ phép lần thứ hai, tôi lại trở về cùng cha mẹ. Cha tôi tuy ốm người nhưng tôi thấy vẫn mạnh khỏe, vẫn vui vẻ đón tôi với nụ cười hiền hậu. Tôi không nhớ rõ là tôi có mua gì làm quà để tặng cha (mẹ) tôi không, tôi nhớ là không, hay nếu có cũng ít lắm…Chắc cũng chỉ mấy gói trà Blao là cùng. Cha mẹ tôi đón tôi về phép với bao mừng vui…

Tuần lễ đầu cha tôi còn rất khỏe. Mẹ tôi có làm một mâm cơm cúng ông bà, gia tiên. Có con gà luộc, đĩa xôi, cơm trắng, cá kho, canh…Cha mẹ có mời thêm chú Tiến, người em họ cha tôi, nhưng rất thân với cha tôi, đến dự. Ði tản cư, sống trong cảnh nghèo cực, cha tôi đã mất hết bạn bè quê kiểng, những chú bác bạn cùng quê cũng lo chạy gạo hằng bữa, nên ít gặp nhau.

Hôm đó, cha tôi và chú Tiến uống rượu với nhau. Hai người nói chuyện rất tâm đắc…Rồi tự nhiên cha tôi khóc. Ðây là lần đầu tiên tôi thấy nước mắt cha tôi chảy trên khóe mắt. Nhưng tôi quá vô tình, chỉ thấy và biết thế thôi, chứ không hỏi tại sao cha tôi khóc…Có một dự báo hay nỗi buồn gì đó khiến cha tôi buồn quá mà khóc…Tôi vô tư nên không chia sẻ được chút nào.

Thế mà mấy hôm sau cha tôi đổ bệnh, ông bị đau bụng nhói người, khiến gia đình phải đưa ông đi nhà thương. Vào bệnh viện, bác sĩ khám, xét nghiệm, xong tươi cười nói với mẹ, chị Hai và tôi:

– Bác chỉ đau bụng thường thôi. Chúng tôi sẽ cố gắng chữa khỏi cho bác để bác sớm về nhà ăn Tết.

Nghe vậy, tôi vui mừng xiết bao.

Nhưng sự vui mừng đó không được bao lâu, khoảng 7 ngày sau bệnh tình cha tôi trở nặng. Và một người bác sĩ khác đến thông báo với chúng tôi:

– Xin chia buồn cùng anh và gia đình. Chúng tôi đã cố gắng chữa trị, nhưng… Gia đình nên đem bác về nhà, nếu không muốn bác mất tại đây.

Ðêm đó, bệnh viện cho một chiếc xe đưa cha tôi về nhà. Tôi thức suốt đêm canh cha tôi trên giường bệnh. Cha tôi đã mê mệt lắm rồi. Ðến khoảng đâu 4 giờ sáng, cha tôi quờ quạng cầm tay tôi, nói lắp bắp câu gì đó không nghe rõ. Tôi kêu mẹ tôi và chị Hai tôi đến gần. Mẹ, chị Hai, và tôi đến bên cha, cầm tay cha, hỏi cha có nói gì không, như một lời trăn trối. Nhưng cha tôi không nói gì chỉ lắp bắp trong miệng, rồi cha tôi lịm đi. Tôi rờ ngực cha thấy tim không còn đập nữa. Hơi thở cũng không còn. Tôi, mẹ tôi và chị Hai tôi òa lên khóc. Tôi biết tôi mất cha từ đây, ngày hăm ba tháng chạp, một ngày cùng ngày đưa ông Táo về trời. Ngày này tôi không bao giờ quên.

Chiếc áo len màu xám tôi nhận được từ cha tôi gởi qua bưu điện lên Ðà Lạt cho tôi, tôi cũng đã bỏ từ lâu. Sau này nghĩ lại, tôi thấy tôi thật vô tư, vô tình quá. Sao lúc đó tôi không để chiếc áo len đó cho cha mặc, để tránh đi cái rét mùa đông miền Trung giá buốt. Ðiều này làm tôi ray rứt, ân hận mãi.

Thông thường, cái lẽ của đời sống là “nước mắt chảy xuôi”. Tôi cũng đành vịn vào câu “nước mắt chảy xuôi” để bào chữa cho cái vô tâm, vô tình của mình thuở đó.

Cha tôi mất đến nay là 51 năm.

Thời gian trôi qua lẹ thiệt.

TYH

Friday, March 18, 2022

Ai đã bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất ở Thái Lan? Cao Sơn

Nguyễn Thanh Tú tự khai, đã tiếp tay an ninh Việt Cộng bắt cóc Trương Duy Nhất!

Ông Trương Duy Nhất, cựu ký giả nhật báo Đại Đoàn Kết, và cũng là một nhà báo, một blogger bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền CSVN, người đã bị Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Hà Nội bác đơn kháng cáo và y án 10 năm tù vào ngày 14 tháng Tám, 2020 về tội “lợi dụng quyền hành trong khi thi hành công vụ”.

Biết trước nguy cơ sẽ bị cáo buộc và kết tội oan ức chỉ vì những tranh chấp quyền lợi giữa các nhóm lãnh đạo của nhà nước CSVN. Vào cuối tháng Giêng, 2019, ông Trương Duy Nhất đã tìm cách trốn sang Thái Lan để lánh nạn và tìm sự che chở từ Cao Ủy Tị Nạn LHQ cũng như từ các quốc gia tự do. Tại Bangkok, ông Nhất đã được tổ chức VOICE cùng nhà hoạt động bảo vệ môi trường Bạch Hồng Quyền và một Việt kiều sống lâu năm ở Bangkok giúp đỡ thuê nhà và hướng dẫn về thủ tục xin tị nạn chính trị. Tuy nhiên vụ việc đào tị của ông đã bị chính tên Việt kiều này làm nội gián, nên công an CSVN biết rõ đường đi, nước bước và theo dõi mọi hoạt động, đồng thời chuẩn bị kế hoạch bắt cóc ông Nhất để đưa về lại VN, hầu che dấu những tin tức liên quan đến tham nhũng, đang tạo ra sự tranh chấp nội bộ giữa các phe nhóm trong đảng CSVN. Họ sợ ông TDNhất sẽ phổ biến và tiết lộ khi được tự do ở nước ngoài. Xin nhớ rằng nhà báo, blogger TDNhất được xem là một người thường xuyên lên tiếng chỉ trích những bất công của xã hội tại VN. Ông cũng là chủ nhân của trang blog "Một Góc Nhìn Khác" và đã từng bị nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp và kết án tù 2 năm (2013-2015) về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân?". Ông đã được tổ chức quốc tế “Phóng Viên Không Biên Giới” (RFS) tuyên dương và ghi tên vào danh sách “100 Anh Hùng Thông Tin” vì lòng can đảm cùng tinh thần bất khuất của ông trong ngành truyền thông.


Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại nước Đức vào tháng Bẩy, 2017 đã để lại biết bao tai tiếng và hệ lụy trong lãnh vực ngoại giao khiến cho CSVN cẩn thận và kỹ lưỡng hơn trong âm mưu bắt cóc nhà báo TDNhất. Kịch bản mà họ sử dụng lần này là tố cáo và buộc tội ông TDNhất cùng những người giúp đỡ ông ta với chính quyền Thái Lan (nơi ông đang tạm trú) rằng, đây là một “tổ chức buôn người quốc tế” từ VN ra nước ngoài qua ngã Thái Lan. Cộng tác với công an CSVN lần này là Nguyễn Thanh Tú, CSVN sử dụng Tú bằng cách phát tán rộng rãi cũng như ngụy tạo ra những lời vu cáo VOICE là tổ chức “buôn người”.

Âm Mưu và Thủ Đoạn:

Vào cuối tháng Giêng, 2019, chỉ vài ngày sau khi đến Thái Lan, công an CSVN đã bủa vây bắt cóc nhà báo TDNhất và đưa về lại VN, đồng thời truy lùng ông Bạch Hồng Quyền theo lệnh truy nã đã ban hành từ tháng Năm, 2017. Cùng một lúc, bật đèn xanh cho NTTú tung ra một video ngụy tạo tin tức hết sức “giật gân” và phát tán rộng rãi ở trên mạng vào ngày 19, tháng 3, 2019 dưới tiêu đề: "VOICE buôn lậu Trương Duy Nhất, TDN mất tích, VOICE/VT 'tẩu' Thái Lan"! Mục đích của họ là để đánh lừa cảnh sát Thái Lan cùng dư luận quốc tế và cộng đồng người Việt rằng, ông TDNhất chỉ là “di dân nhập cảnh lậu” chứ không phải một nhà đối kháng hay một cựu tù nhân lương tâm! 


Hầu hết các YouTubers ở hải ngoại được Tú trao cho bản tin “nóng bỏng” kể trên đã nhanh chóng khai thác và phổ biến rộng rãi. Tất cả đã vô tình lọt vào cạm bẫy của Nguyễn Thanh Tú cùng CSVN. Rất may là sau khi những diễn biến này xẩy ra, VOICE đã tiếp xúc trực tiếp và kịp thời với nhà cầm quyền Thái Lan, giải thích toàn bộ kịch bản do CSVN và NTTú dựng lên để “bắt cóc hợp pháp” nhà báo TDNhất, một người bất đồng chính kiến ở VN, đồng thời nhờ vào sự can thiệp của ông Bộ Trưởng Di Trú Canada cũng như Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải tại Ottawa, thủ đô Canada, VOICE đã làm việc với các giới chức cao cấp của chính phủ Thái Lan cùng các tổ chức bảo vệ nhân quyền, Human Right Watch (HRW), cơ quan di dân quốc tế IOM, và văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ (UNHCR) tại Bangkok, để can thiệp và vận động cho sự an toàn của ông Bạch Hồng Quyền trong tiến trình định cư khẩn cấp để gia đình ông được đến Canada qua sự bảo trợ của VOICE. 
Nói một cách khác, thay vì bị cảnh sát Thái Lan “truy lùng” như lời Tú bịa đặt, ngược lại cảnh sát Thái đã che chở và bảo vệ để ông Bạch Hồng Quyền cùng gia đình được rời khỏi Thái Lan bình an.


Sau khi biết được âm mưu thâm độc nói trên, chính phủ Thái Lan đã lên tiếng phản đối nhà cầm quyền CSVN trong vụ bắt cóc nhà báo TDNhất, đồng thời cho mở cuộc điều tra để biết rõ sự việc. Chính phủ Hoa Kỳ cũng được thông báo tin này, họ đã lên tiếng hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh quyết định đứng đắn nói trên của nhà nước Thái Lan.


Thật là đáng tiếc, một nhà báo, một blogger, một người bất đồng chính kiến đã bị cưỡng bức, bị bắt cóc về VN để lãnh án 10 năm tù tội, mất đi cơ hội đoàn tụ với con gái của ông tại Canada. Tuy phải trải qua nỗi oan khiên cùng với cách đối xử dã man của nhà cầm quyền CSVN, nhưng trước vành móng ngựa ông Trương Duy Nhất vẫn hiên ngang tuyên bố: “Đừng để cho các thế hệ cháu con sau này nhìn lại phải cúi đầu tủi hổ về những phán quyết sai lầm của cha ông chúng, của một thời nhóm lò loạn lạc, một thời đất nước tưởng có Phúc mà vô phúc, có Trọng mà không đáng trọng….”.


Video tự khai của Nguyễn Thanh Tú: 

https://youtu.be/zboc2TKmUJk


Cao Sơn
@Tài liệu tham khảo:
A. Ông Bạch Hồng Quyền

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-activist-hiding-in-thailand-fears-arrest-over-links-to-jailed-blogger-03212019101701.html


B. Ông Trương Duy Nhất

1. http://vanviet.info/tren-facebook/loi-ni-sau-cng-cua-truong-duy-nhat/ 

2. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47140347 

Wednesday, March 16, 2022

45 Năm Vong Quốc - Tuyết Phan

Tình Yêu Mặc-Bích

Từ ngày hôm ấy, nhà Hương có thêm một khuôn mặt mới. Đối với tất cả mọi người trong nhà, trừ Hương và cậu con trai lớn, khuôn mặt mới này cũng chỉ như một món đồ vừa được mua về ở tiệm, bầy đó, lấp một khoảng trống nào đó mà thôi. Ai vậy? Một chú két có màu xanh lá cây với những đường viền đỏ cam, vàng rực rỡ với đôi mắt sáng quắc tròn xoe, cái mỏ dài ngoằng hơi khoằm khoằm và một bên bàn chân bị khuyết tật!
-“Tại sao con lại mua một con két có tật như vậy hả Duy?”
Đứa con trai lớn của Hương nhún vai cười:
-“Có sao đâu mẹ? Nó vẫn đứng, vẫn bay bình thường như mọi con két khác trong khi nó đẹp nhất trong lồng mà lại rẻ và biết nói sẵn nữa, con khỏi phải “train” nó!”
Nàng vẫn cứ thắc mắc về một bên ngón chân bị cụt đến gần 2 đốt của con két tên Joshua mà Duy vừa mua về. Hương giao hẹn với con trai:
-“Con chơi, con phải ‘take care’ nó đó!”
-“Mẹ đừng lo! Con lo cho nó mà!”
-“Tại sao con biết là nó biết nói sẵn? Nó nói tiếng gì?”
-“Chủ nó là một bà Mỹ, vậy chắc nó chỉ biết tiếng Mỹ!”
Duy lại nhìn mẹ cười, nụ cười của cậu thanh niên mới lớn thật tươi và thật dễ mến.
-“Bà ta già phải vào nursing home nên mới gửi tiệm bán. Con mua rẻ lắm!”
Hương không nói gì mà chỉ lo con két làm bẩn nhà. Duy nhốt Joshua trong phòng ngủ và căn dặn mẹ cùng mọi người trong nhà đừng mở cửa phòng sợ Joshua bay mất. Nhốt nó vào lồng thì nó không chịu, nó sẽ chết! Hương than thầm trong bụng:
“Tại sao nó không chơi con gì khác cho sạch sẽ, dễ trông coi!” Nên ngay từ phút đầu Joshua có mang lại sự chú ý của Hương, nhưng thiện cảm thì không! Nhưng chiều con, nàng cũng không cằn nhằn thêm.
Bắt đầu từ ngày đó trở đi trong nhà nàng lại có một “tù nhân” là con két xanh tên Joshua. Cửa phòng Duy lúc nào cũng khép trừ lúc có ai trong phòng. Cả nhà cũng chẳng mấy khi thấy mặt con Joshua, nên nó có đó mà cũng như không có. Thỉnh thoảng Hương mới thấy nó kêu chứ chưa hề thấy Joshua nói! Nhiều lần nàng định hỏi con xem con két đã nói những gì rồi thương hại Duy lại thôi.
Một hôm, Hương mở cửa vào phòng Duy. Con Joshua đang đứng trên thanh gỗ ngang. Đó là một loại chuồng chim nhưng trống cả bốn phía và chỉ đơn sơ có một thanh ngang làm chỗ đứng suốt ngày đêm cho Joshua, hai đầu một bên là thức ăn, một bên là nước uống. Bên dưới có một khay tròn lớn đựng cát để hứng mọi thứ chất dơ do Joshua thải ra. Thấy nàng bỗng nhiên Joshua xòe rộng hai cánh, vươn người lên nhún nhẩy và huýt gió.
Duy la lên:
“Mẹ thấy không, nó huýt gió đấy! Hễ thấy đàn bà, con gái là nó huýt gió! Nó thích mẹ đấy!”
Hương phì cười, nghĩ bụng ” Nói thì không nói mà chỉ huýt gió!”
Nàng đến gần, ngắm nghía chú két. Một mối thiện cảm nào đó nẩy sinh. Nàng nghiêng đầu nhìn nó. Nó cũng ngoẹo đầu nhìn Hương như muốn nói một cái gì? Hương bắt đầu chú ý đến sự có mặt của Joshua trong nhà. Từ hôm ấy, mỗi tối, nàng đều vào phòng Duy, ngồi bệt xuống thảm, gần chỗ con Joshua, và thử dạy nó nói vài chữ tiếng .. Việt.
Vài tháng trôi đi, một chữ tiếng Anh Joshua cũng không nói chứ đừng hòng gì đến nửa chữ tiếng Việt! Nhưng cứ mỗi lần thấy Hương là nó huýt sáo và vươn cánh làm đẹp. Nàng cũng thấy vui vui và dần dà quên mất đến chuyện là con két này không biết nói và đành chấp nhận nó như thế!
Duy đi mua một lô sách về nghiên cứu và tuyên bố với mẹ:
-“Joshua chắc bị “shock” nặng nên nó không nói nữa!”
Và rồi câu chuyện của chú két xanh Joshua tưởng chỉ có vậy!
Cho đến một hôm, Hương đến tiệm Pet Shop, nơi mà Duy đã mua con két, để mua thức ăn cho Joshua. Bà chủ tiệm là người Việt, rất niềm nở khi thấy người đồng hương. Bà ta chỉ dẫn cặn kẽ loại thức ăn nào hợp cho két, nuôi dưỡng ra sao…
Trong câu chuyện trao đổi, Hương chợt hỏi:
-“Thường những con bà bán ra mà có giấy tờ khai sinh, bà có lưu lại bản nào không?”
– “Có chứ ạ! Chúng tôi còn giữ lại tên và địa chỉ người bán, người mua, đủ hết”
-“Cháu trai của tôi mua một con két ở đây tên Joshua, chân nó hơi có tật..”
Bà chủ tiệm nói ngay không đợi Hương nói thêm:
-“Joshua! Tôi nhớ chứ! Một bà già Mỹ đã nhờ tôi bán khi bà ta phải vào nursing home. À! Cậu đó là con bà đấy ư?”
-“Vâng, đúng đấy! Bà có trí nhớ tốt quá!”
-“Cậu con bà có thích con Joshua không?”
-“Chúng tôi quý nó lắm..có điều sao nó chẳng biết nói gì cả?”
-“Có trường hợp như vậy xảy ra khi con vật bị sống xa chủ nhân của nó. Nhưng nhiều khi chỉ một thời gian nó quen với môi trường mới lại nói như két ngay ấy mà!”
Hương chép miệng:
-“Cả hơn một năm rồi, đâu thấy nó nói gì đâu! Nó chỉ biết huýt sáo và kêu thôi!”
Bà chủ tiệm nhún vai, không biết phải trả lời thế nào trước sự than phiền của người khách.
Hương trả tiền đi ra, nhưng nghĩ sao nàng lại quay trở lại tìm người chủ tiệm:
-“Bà có địa chỉ của bà cụ già trong nursing home, chủ trước của Joshua không?”
-“Có chứ, để tôi lấy! Trừ phi bà ấy chết hay đổi chỗ thì chịu thua!”
Bà ta tìm một lúc rồi mặt tươi lên, hí hoáy viết vào tờ giấy đưa cho Hương:
-“Chúc bà may mắn!”
Cầm tờ giấy trong tay Hương không biết mình sẽ làm gì? Vào gặp và thăm bà lão, nói chuyện về con két tên Joshua hay đưa Joshua vào thăm chủ cũ? Để làm gì? Nàng cũng chẳng hiểu tại sao những ý nghĩ đó lại đến trong đầu và rồi cứ lẩn quẩn ngày này sang ngày khác.
Một ngày Chủ Nhật cuối tuần, Hương và Joshua tìm đường vào nursing home mang tên là Pine Haven. Chưa bao giờ đặt chân vào một nursing home nào cả nên Hương cũng hơi tò mò. Nơi đây dù không xa nhà thương Memorial bao nhiêu nhưng nằm khuất trong một con đường cụt yên tĩnh rộng rãi, nhiều cây cối bao bọc chung quanh, có cả vườn cảnh cho người đi dạo tạo một cảm giác thật an bình.
Hương nhìn xuống tờ giấy, lẩm nhẩm tên bà lão:
-“Alice Park! Alice ..Park!”
Joshua đậu trên vai Hương có vẻ thích thú khi được ra ngoài. Nó kêu những tiếng trong cổ họng nhịp theo với bước chân Hương tiến dần vào khuôn viên nursing home. Một vài người già ngồi trên xe lăn, phía sau có y tá đẩy. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt Hương là những khuôn mặt già nua bệnh hoạn, bạc thếch theo với thời gian! Những khuôn mặt trắng nhờ nhờ với làn da trắng xanh không còn sinh khí, hay những gương mặt da màu đã sạm lại và teo tóp!
Những đôi mắt u uẩn, hay những cái nhìn mông lung vào một cõi nào xa xăm! Như thể tất cả đang sống trong một thế giơi riêng biệt, mà những ngôn từ; động tác cử động cũng theo một cách thế khác. Nhịp sống nơi đây, chắc chắn không giống như nhịp sống bên ngoài kia!!!
Người nữ tiếp viên ngồi ngay cửa vào, ngửng lên nhìn Hương mỉm cười chào hỏi. Hương hỏi ngay:
-“Tôi muốn vào thăm bà Alice Park. Chẳng hay bà ấy ở phòng số bao nhiêu hả cô?”
Cô gái cắm cúi giở sổ tìm rồi nhoẻn miệng cười thật xinh:
-“Dẫy A. Phòng số 210. Bà đi thẳng vào trong, rồi quẹo trái; đến gần cuối hành lang là đúng chỗ đấy.”
-“Cám ơn cô nhé!”
Cô gái nở nụ cười thay cho lời nói. Joshua bỗng huýt gió vang dội, làm cả Hương lẫn cô gái phải bật cười.
-“Nó tên gì vậy bà?”
-“Joshua!”
-“Hi Hoshua! Hi!”
Joshua chỉ nhìn cô gái và tiếp tục huýt sáo một cách thích thú! Cô ta còn giơ tay vẫy vẫy nó. Hương lại nhớ đến lời Duy bảo:
-”Nó thích đàn bà, con gái Mẹ à!” Mà có lẽ thế thật!
Nàng và Joshua theo lời chỉ dẫn của cô gái. Bên trong cũng đẹp đẽ, sạch sẽ nhưng thoang thoảng mùi hôi, mùi khai quyện lấy mùi thuốc sát trùng! Dọc hành lang, bóng những cô y tá lên xuống nườm nượp. Đi ngang những căn phòng mở rộng cửa. Hương nhìn thấy những khổ ải của thân phận con người, mà bệnh hoạn là một trong những thứ làm biến đổi người ta nhanh nhất!!!
Không giống nhà thương, mỗi phòng được trang trí một cách khác, theo với ý thích của người bệnh hay người thân. Hương đi rất chậm để quan sát. Đầu giường những người bệnh hầu như đều có hình ảnh của một cuộc đời bên ngoài kia, mà đã có một lần họ đã sống qua! Chút kỷ niệm hay chỉ là một nhắc nhở về mối liên hệ sao đó, để người bệnh đỡ thấy lẻ loi, cô- độc chăng???
Rẽ sang mé trái, Hương thấy ít y tá hơn và mùi hôi cũng giảm đi nhiều, hầu như không thấy mấy. Hương lẩm nhẩm trong đầu tìm số 210. “À! Đây rồi!”, nàng nhủ thầm. Phòng số 210 cũng không khác những phòng kia bao nhiêu, và theo bảng tên ở ngoài thì bà Alice Park nằm bên mé trong, sau tấm màn kéo màu xanh nhạt. Giường bên ngoài không thấy người dù rất nhiều đồ đạc. Hương vào bên trong.
Đằng sau tấm màn, một bà lão tóc trắng phau, uốn quăn thưa thớt, đang ngồi dựa soải chân trên một xe lăn. Hai bàn tay bà trắng bệch, và trong suốt với nhiều đường gân xanh tím chằng chịt. Cả hai bàn tay bám lấy hai thành xe lăn. Nghe tiếng động bà ta nhìn lên. Đôi mắt nhỏ xíu bỗng mở to lộ hai tròng con ngươi màu xanh đá nhạt lờ mờ như được dấu sau một bức phim mỏng. Cái miệng mỏng dính không còn thấy rõ mầu môi bỗng hơi há ra. Mắt bà ta như dán chặt vào con két trên vai Hương. Đôi bàn tay bà lão đang bám lấy thành xe lăn bỗng buông ra và run rẩy, giật liên hồi!
Tất cả những biến chuyển đó chỉ xảy ra trong vòng vài giây ngắn ngủi của thời gian đang cô đọng trong căn phòng chật hẹp, mà Hương là người nhìn thấy rõ nhất. Nàng chưa kịp lên tiếng chào hay hỏi han xem bà lão có đúng là bà Alice Park hay không, nhưng Joshua đã nhanh hơn nàng. Nó bay sà đến đậu vào lòng bà ta và chợt kêu lên:
-“Love ya, Mama! Love ya, Mama!”
Từ tiếng kêu đột ngột. Không! Phải nói là tiếng nói đột ngột thoát ra từ Joshua chợt như một tiếng ngân, mà sự vang dội cũng như cái tha thiết kéo dài run rẩy trong cái sẽ sàng làm cho sự tĩnh lặng đọng trong căn phòng chợt vỡ tan! Những đường nét cứng nhắc mỏi mệt trên khuôn mặt già nua của bà lão, dường như hồi sinh theo với cái nhếch mép, há miệng mà những tiếng nói vẫn còn bị nhốt kín sâu thẳm trong tận cùng cổ họng, hay trong sâu thẳm của trái tim héo hon? Từng thớ thịt trên mặt bà lão giật nhẹ, đôi mắt cố mở to nhìn Joshua. Môi bà lão run run, mà vẫn không tạo nên được một âm thanh nào! Chỉ có đôi mắt chớp khẽ!!! Riềm mi dưới đã ngả sang màu xám bạc, chợt đậm màu hơn theo với giòng nước mắt đang tù từ lăn xuống!!!
Joshua hai chân bấu vào áo bà lão, vươn cổ, dùng mỏ ngoạm vào áo bà ta để trèo lên cho gần với khuôn mặt bà lão. Nó lại kêu lên, vẫn cái giọng đó:
“Love ya, Mama! Love ya, Mama! Joshua love ya!”.
Không hiểu trong tiếng kêu thống thiết kỳ lạ đó có gì mà Hương thấy lồng ngực mình thắt lại! Bởi vì nàng không chỉ nhìn thấy, chỉ nghe, mà còn cảm nhận được cái tình yêu giữa Joshua và chủ cũ của nó như phút chốc nàng biến thành bà lão ngồi trên xe lăn kia, cũng chẩy nước mắt đón nhận lời nói yêu thương và cũng thấy lòng rạt rào những cảm xúc kỳ dị! Làm như thế gian này, chỉ có một tình yêu và cả hai thực sự thuộc về nhau, như một nửa mảnh đời này tìm lại đúng nửa mảnh đời kia và ráp lại khít khao thành một khối duy nhất! Không có gì có thể chia lìa!!! Joshua ở trong bà lão và ngược lại. Bà lão nhìn trong Joshua và thấy tình yêu của mình. Bà ta lắp bắp đôi môi, nhưng không thành tiếng. Khuôn mặt bà lão bỗng tươi nhuận hẳn lên! Tình yêu, sự hiện diện của Joshua đã mang lại mạch sống cho bà! Và tình yêu đó tràn ngập căn phòng nhỏ. Joshua và bà Alice không còn biết đến sự có mặt của Hương.
Joshua vùi cái mỏ cứng nhắc của nó vào cổ bà lão, mắt nó lim dim như tận hưởng một sự trao gửi thiêng liêng nào đó mà chỉ có nó và người nhận hiểu được!!! Mãi, bà lão mới tìm lại được tiếng nói của mình. Giọng bà ta yếu ớt và thanh tao khi đưa hai tay vuốt ve Joshua:
-“I love you too. Joshua! Mama love you!”
Con Joshua kêu lên những tiếng nho nhỏ trong cổ họng, và cứ để yên cho bàn tay bà lão vuốt trên từng mảng lông của nó. Những ngón tay nhăn nheo, xương xẩu kia như một cây đũa thần làm Joshua biến đổi hẳn. Nó không còn là con két xanh đứng hai chân trên thanh ngang, suốt ngày cú rũ trong căn phòng đóng kín cửa. Nó không còn là tên tù bị giam lỏng trong bốn bức tường kín ở nhà Hương. Joshua lại nói với bà lão:
-“He hurt me!”
Bà ta sờ lần trên ngón chân khuyết tật của Joshua như thương cảm rồi ôm Joshua vào lòng:
-“My poor baby! He’s gone! He’ll not hurt you anymore! Not anymore baby! He’s gone, baby! Do you miss me, Joshua???”
Joshua lập lại y hệt như vậy:
-“Do you miss me, Joshua?”
Bà lão bật cười:
-“No! Do you miss me, Mama?”
Nó lại lập lại vẫn với giọng lảnh lót:
-“No! Do you miss me, Mama?”
Tự dưng Hương cũng cười theo. Lúc ấy bà lão mới để ý đến sự có mặt của nàng trong phòng. Tay vẫn ôm Joshua, bà ta nheo mắt nhìn Hương:
-“Cô mang Joshua đến đây?”
Câu hỏi này thay cho câu hỏi:
-“Cô là chủ mới của Joshua?”. Có lẽ bà Alice vẫn xem như chỉ có bà là chủ của Joshua. Và bất cứ ai đó đến sau bà, chỉ là người thay bà săn sóc nó mà thôi! Hương thấy ngay điều này, nên nàng chỉ mỉm cười và đáp gọn:
-“Vâng!”
Hương cũng chẳng tự giới thiệu mình là ai, mà bà lão cũng chẳng hỏi tại sao nàng lại biết tìm đến đây! Tự dưng nàng cảm thấy như sự có mặt của mình ở đây là thừa thãi, nên Hương lẳng lặng bước ra ngoài khi thấy bà Alice lại quay sang Joshua thầm thì những gì nàng nghe không rõ.
Nàng đi dọc theo hành lang ra ngoài đến sân sau. Chẳng ai hỏi gì, mà cũng chẳng ai để ý đến ai. Hương tìm một băng ghế dưới gốc cây. Bây giờ đã là tháng Mười. Trời đã dịu hơn. Nắng vẫn rực rỡ như những ngày hè, nhưng sao lại mát hơn? Có lẽ mùa Thu đã đến ở đâu đó, và đang bứt dần những chiếc lá ra khỏi cành! Một đành đoạn chia ly tất nhiên!!! Nàng dựa lưng vào băng ghế, nhìn những chiếc lá khô lao xao trên đỉnh đầu; rồi lìa cành! Có những chiếc lá còn tiếc nuối, bay lượn vài vòng trước khi rơi chạm mặt đất! Có chiếc rơi thật nhanh chúi đầu lao xuống! Có chiếc vẫn run rẩy, không chịu lìa cây. Và những chiếc lá còn lại trên cây, đang nhìn lên trời xanh trên kia hay nhìn xuống mặt đất, để tiếc thương thay cho những chiếc lá đã bỏ đi trước!!! Nhưng có một điều chắc chắn, những chiếc lá còn lại trên những tàng cây kia; nhìn thấy được nỗi ngậm ngùi trong nàng ở ánh mắt không còn trong nữa! Cuộc đời, con người, và những tương quan trong đời sống! Tình yêu! Nỗi chết! Rồi cũng chỉ như thế thôi!!!
Và rồi, Hương lại nghĩ đến hình ảnh trong căn phòng nhỏ sau lưng nàng: Joshua và bà Alice. Bà lão còn bao nhiêu thời gian để nói câu:-”I love you too! Joshua!”, còn bao nhiêu thời gian nữa để ngập chìm trong yêu thương ấy???
Joshua? Thời gian của con két xanh với những riềm vàng, đỏ, cam rực rỡ, là bao xa??? Nhưng có lẽ chắc chắn lúc này, cả bà lão và con Joshua đều chỉ biết đến cái hạnh phúc trân quý tìm lại được nhau! Có nhau! Cho dù thời gian đang trôi qua và ngày mai, ngày hôm sau nữa! Và những ngày kế tiếp, có còn đến nữa hay không!!!
Nàng ngồi giữa cảnh trời bao la trong vắt trên cao kia trong những suy tưởng miên man. Thời gian qua bao lâu rồi? Hương nhìn đồng hồ: -“2:30 chiều!” Nàng đã ở chỗ này lâu đến thế kia à? Đã đến lúc phải đưa Joshua trở về! Joshua phải trở về căn phòng của Duy, và trở lại làm tù nhân trong một nơi chốn với đầy đủ thức ăn, nước uống! Chỉ thiếu bàn tay của bà Alice!!!
Khi Hương trở lại căn phòng số 210, cảnh tượng âu yếm lúc trước không còn nữa! Joshua đang đậu trên thành giường! Còn bà Alice nằm trên giường với bao nhiêu dây nhợ gắn vào người! Nào là dây truyền thuốc, dây truyền thức ăn! Trông bà ta có vẻ mệt mỏi!!! Cô y tá da mầu có nụ cười xinh tươi, nhìn Hương rồi hỏi:
-“Cô quen thế nào với bà Alice?”
Hương chỉ con Joshua:
-“Qua con két này!”
-“Thật à?”
Câu hỏi tuy ngắn, gọn nhưng bao hàm nhiều câu hỏi khác nữa. Hương phải giải thích sơ sơ:
-“Bà ta là chủ trước của nó. Tôi đưa nó đến thăm chủ cũ. Vậy thôi!”
-“Cô tử tế quá!”
Lần đầu tiên, từ lúc gặp gỡ Hương thấy bà Alice nhìn nàng lâu hơn. Ánh mắt dịu xuống.
Hương đến gần Joshua và gọi, nàng làm như nó hiểu:
-“Joshua! Đến lúc phải đi về..”
Hình như nó biết nên cứ chần chờ. Mấy cái móng bấu chặt xuống thành giường, trừ ngón khuyết tật. Hương đến gần, nó càng nhích đi xa! Mấy cái móng vẫn quặp chặt như một câu trả lời rõ ràng. Hương không biết phải làm sao! Joshua không huýt sáo như mỗi lần Hương gọi nó nữa! Như đọc được tất cả những ý nghĩ trong đầu của cả Hương và con Joshua, bà Alice gọi nó:
-“Joshua!”
-“Mama!”
Cô y tá thích thú kêu lên:
-“Ồ nó nói được!”
-“Go home, Joshua! Go home!”
Nó lập lại lời bà Alice:
-“Go home! Go home!”
Nhưng vẫn không nhúc nhích, Joshua lại kêu lên:
-“Love ya, Mama! Go home!”
Bà lão nhấc khẽ cánh tay đầy dây nhợ và xòe lòng bàn tay trắng bệch. Joshua bay lại, đậu trong lòng bàn tay bà lão. Nó dụi cái mỏ vào lòng bàn tay bà. Hương thấy bà ta nhắm mắt lại, không phải để đón nhận tình yêu như trước đây, nhưng như một sự cam chịu hay một sự chống trả rất âm thầm nào đó. Bà lão lại nói với Joshua bằng một giọng thật nhỏ, như chỉ để cho mình nó nghe và hiểu:
-“Go home, baby! You can not stay here.. I have no home now! Go, baby!..Go..”
Hương chợt thấy mi mắt nàng nặng trĩu. Quay sang người y tá, Hương hỏi một câu hỏi mà trong thâm tâm nàng cho rằng đây chỉ là một câu hỏi cầu may:
-“Nó ở lại với bà cụ được không cô?” Cô y tá lắc đầu:
– “Ở đây toàn là người bệnh, luật không cho phép người bệnh nuôi thú vật trong này.”
Hương lặng im!!!
Và Joshua. Hình như hiểu được tất cả những gì bà Alice nói gọn trong vài chữ đó, hay chỉ là những cảm nhận thiêng liêng giữa Joshua và bà Alice! Chỉ giữa con két xanh và bà lão!!! Nó bay lên và đậu vào vai Hương, nhưng vẫn kêu lên:
– “Love ya Mama!”
-“I love you too, Joshua!”
Mở mắt ra, nhìn Hương, bà lão ngập ngừng nói:
-“Cám ơn cô.. đã mang Joshua đến đây! Thỉnh thoảng nếu được gặp nó thì… vui lắm!!!”.
Hương đến gần, nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà Alice, và nhẹ nhàng nói:
-“Mỗi tuần tôi sẽ mang Joshua vào thăm bà!”
Bà Alice chợt nhắm mắt lại. Bà ta ngập ngừng:
-“Cám ơn cô! Cám ơn cô nhiều lắm!!!” .
Nàng đi ra, và không nỡ quay lại nhìn căn phòng nhỏ có bà lão gầy gò với bao dây nhợ quanh người đang nằm đếm thời gian!!!
Có tiếng thổn thức mơ hồ không biết là của ai? Của bà lão? Của Joshua? Hay của chính Hương ???
Mặc Bích

Sunday, March 13, 2022

SOS - Cầu Cứu : Gia đình chị Tiên, chị Khương tỵ nạn ở Thái Lan.

 

 Hình ảnh tiêu biểu Tỵ Nạn Thái Lan.
Kính chuyển đến quý anh chị và các bạn để tường, Nam Lộc
From: loc nguyen <namlocnguyen@yahoo.com>
To: Van-Thien Dinh <vanthien.dinh10@googlemail.com>
Cc: chia-se-tin-tuc@googlegroups.com <chia-se-tin-tuc@googlegroups.com>
Sent: Friday, March 11, 2022, 07:54:05 AM PST
Subject: Re: SOS - Cầu Cứu : Gia đình chị Tiên, chị Khương tỵ nạn ở Thái Lan.

Kính thưa anh Đinh Văn Thiệu,

Rất cảm động khi nhận được email "SOS" của anh gởi ra công chúng vào tuần qua, mà trong đó bao gồm cả quý vị lãnh đạo tinh thần, các cơ quan, đoàn thể cùng những cá nhân có lòng bác ái trong cộng đồng người Việt của chúng ta.

Đây chính là một thảm trạng đã bị lãng quên, hay nói rõ hơn là đã bị che khuất bởi thủ đoạn chính trị của những người thân Cộng tại hải ngoại hợp cùng nhà cầm quyền CSVN ở trong nước. Họ đã sử dụng các kênh truyền hình chính thức của nhà nước như VTV, hoặc tờ báo Nhân Dân của đảng CSVN, cùng những người làm Youtube vô trách nhiệm tại hải ngoại, để vu khống, mạ lị hầu làm mất đi ý nghĩa của những người tị nạn, nhất là các nhà đối kháng ở quê nhà cũng như các tù nhân lương tâm. CSVN rất sợ bị mang tiếng là đàn áp và ngược đãi, khiến cho người dân phải bỏ nước ra đi tị nạn ở nước ngoài. 

Hiện nay ngoài Cao Ủy Tị Nạn LHQ (UNHCR), thì chỉ có VOICE Canada là tổ chức duy nhất của người Việt tại hải ngoại giúp định cư đồng bào tị nạn, vì thế VOICE đã trở thành cái đích của sự đánh phá nói trên. Đặc biệt là họ đã gán ghép và xảo trá bịa đặt rằng VOICE là một "cánh tay" của đảng Việt Tân, VOICE đưa người nhập cảnh "lậu" vào Thái Lan, vào Canada v..v.., với chủ đích để hủy diệt uy tín cùng hoạt động của tổ chức bất vụ lợi này hầu không những, phá vỡ chương trình định cư người tị nạn (đang tiến hành tốt đẹp), mà còn là cái cớ để triệt hạ những chương trình đào tạo cũng như huấn luyên thành viên cho các tổ chức Xã Hội Dân Sự, thậm chí điều tra và lùng bắt những người này tại VN. CSVN đã một phần nào thành công vì VOICE đã phải tạm ngưng đóng cửa văn phòng huấn luyện Xã Hội Dân Sự tại Phi Luật Tân vì sự an nguy của các thực tập viên, họ đã bị theo dõi, bắt bớ và bị cấm xuất ngoại.    

Tuy nhiên rất may mắn, là chính phủ Canada đã không bị lung lạc trước những luận điệu tuyên truyền, vu cáo và các tin tức bịa đặt. Sau khi điều tra và tìm hiểu kỹ càng, Bộ Di Trú Canada vẫn tiếp tục phỏng vấn và cứu xét tất cả các hồ sơ tị nạn do VOICE Canada bảo lãnh. Có người đã đến Canada định cư, có người đang chuẩn bị lên đường, có người đang chờ khám sức khỏe và làm chiếu khán nhập cảnh...

Cấn nhấn mạnh ở đây là, tất cả những người được đi định cư đều phải hội đủ điều kiện theo quy định của chính phủ Canada, và Bộ Di trú Canada là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định về tiến trình nhập cư, hoặc lịch trình phỏng vấn. Ngoài ra trong thời gian chờ khám sức khỏe, cơ quan an ninh Canada duyệt xét lý lịch để loại trừ những phần tử nguy hiểm cho xã hội trà trộn nhập cư vào Canada. Cho nên luận điệu vu khống, VOICE đưa người nhập cảnh “lậu” vào Canada là một luận cứ lố bịch, không cơ quan chính quyền nào của Canada quan tâm.

Hôm nay, qua lá thư "cầu cứu" của anh Thiệu, tôi xin mượn diễn đàn này để trước hết trả lời cùng anh, và nhân đó xin được chia sẻ tin tức cập nhật đến những vị có lòng và quan tâm đến số phận hẩm hiu của đồng bào ty nan VN chúng ta tại Thái Lan. 

Thưa anh, hiện nay tại Thái Lan thì có khoảng 1700 người tị nạn VN gồm nhiều thành phần khác nhau. Một số nhỏ là các thuyền nhân năm xưa vẫn còn kẹt lại vì nhiều lý do, nhưng hầu hết đều được linh mục Peter Namwong che chở và giúp đỡ. Một số khác là các nhà hoạt động chính trị và tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ đang bị CSVN lùng bắt nên tạm lánh nạn ở Thái Lan. Ngoài ra còn có các cựu tù nhân lương tâm, nạn nhân Formosa, công nhân bị cưỡng bức lao động, những người dân oan từng tổ chức biểu tình chống đối, vì bị nhà nước đuổi nhà, cướp đất v..v... Phần còn lại là một số lượng khá đông đồng bào thiểu số sống ở vùng Tây Nguyên VN, những người gốc Thượng hay H'mong đã bị CSVN đàn áp dã man vì lý do tôn giáo. 

Chúng tôi có biết gia đình chị Hồ Thị Bích Khương. Chị Bích Khương nằm trong số 50 người đã được VOICE Canada bảo trợ và đang chờ được phái đoàn của Bộ Di Trú Canada phỏng vấn. Còn gia đình chị Kim Tiên, chắc cũng giống như gần 1700 đồng bào tị nạn khác, cứ phải nằm chờ xem có một phép lạ nào để đưa họ đến bến bờ tự do? Dĩ nhiên và chắc chắn là tổ chức VOICE Canada vẫn tiếp tục cố gắng, và cộng đồng người Việt tại Canada sẽ không bỏ quên số phận hẩm hiu của những người tị nạn, mặc dù theo luật lệ đòi hỏi, nếu muốn bảo lãnh qua chương trình "Private Sponsorship" của chính phủ Canada, thì VOICE hay bất cứ tổ chức nào cũng đều sẽ phải đóng một khoản tiền thế chân khá lớn, đòi hỏi cho mỗi đầu người. Đồng thời phải hoàn toàn trách nhiệm cho cuộc sống cũng như nơi ăn, chốn ở và công việc làm cho người tị nạn mà họ bảo trợ.

Tuy nhiên, hậu quả của sự tuyên truyền, chống phá việc làm nhân đạo và ý nghĩa của VOICE, tổ chức duy nhất đã và đang bảo trợ đồng bào tị nạn, đã làm cho chương trình này không thể tiến triển xa hơn như sự mong đợi. Tôi e rằng, cố gắng lắm thì các nhà bảo trợ của VOICE Canada chỉ có đủ ngân quỹ để đem hết số 50 người đến được bến bờ tự do? Rồi sau đó, nếu không có sự tiếp sức hay hỗ trợ của cộng đồng người Việt ở khắp mọi nơi thì có thể xem như bị bế tắc, và người tị nạn của chúng ta đành phải sống vất vưởng trong một tương lai mù mịt.

Câu hỏi được đặt ra là có nhiều người quan tâm và thương cảm đến số phận của đồng bào tị nạn của chúng ta ở Thái Lan hiện nay, NHƯNG TẠI SAO KHÔNG CÓ TỔ CHỨC HAY CÁ NHÂN NÀO ĐỨNG RA TRANH ĐẤU, VẬN ĐỘNG VÀ BẢO TRỢ CHO HỌ ĐƯỢC ĐI ĐỊNH CƯ???

Tôi rất hy vọng anh Thiệu và quý vị đồng hương nhận được email này, giúp chúng tôi tìm được câu trả lời?

Vô cùng cảm ơn anh Thiệu, và mong nhận được cao kiến của quý vị.

Nam Lộc    

@ Tài liệu đính kèm (hình ảnh báo chí và truyền hình nhà nước CSVN tấn công tổ chức VOICE)

On Wednesday, March 2, 2022, 02:18:34 PM PST, 'Van-Thien Dinh' via Chia Se Tin Tuc <chia-se-tin-tuc@googlegroups.com> wrote:

Kính thưa Quý Cha, Quý Soeurs, Quý Mục Sư, Quý Sư Thầy, Quý Sư Cô, Quý Bác, Quý Anh Chị Em, Quý Hội Đoàn và Quý Tổ Chức.

Trong 30 năm con quan sát tình hình trong và ngoài nước người Việt chúng ta ở khắp nơi và đưa ra kết luận: Chúng ta hoàn toàn không biết sự tồn tại Đồng Bào đang sống vất vả, khổ cực, cô đơn, tủi nhục, không được tổ chức nào có quy mô giúp đỡ, họ mất niềm tin hy vọng trong tương lai. Mặc dù biết rằng có 5 triệu Đồng Bào đang ở bờ bến tự do.

Con khẩn cầu xin Quý Tu Sĩ, Quý Bác, Quý Anh Chị Em rộng lòng nhân ái, nhân hậu, từ bi thương yêu đùm bọc giúp trong thời dịch gia đình chị Bích Khương và gia đình chị Kim Tiên đã 20 năm tỵ nạn Cộng Sản ở Thái Lan được đến Miền Đất Hứa tự do như chúng ta. Con thiết tưởng với quan hệ mật thiết đến Hội Đồng Giám Mục, các Hội Từ Thiện, các chính khách đảng phái và sau cùng đến Ủy Ban Liên Hợp Quốc sẽ giúp được Đồng Bào còn kẹt lại tại Thái Lan.


Con xin được phép thay mặt hai gia đình chị Kim Tiên và chị Bích Khương cảm ơn trước Quý Tu Sĩ, Quý Bác, Quý Anh Chị Em đã quan tâm đọc đến đây.

Kính/Thân
Con Đinh Văn Thiệu , Đức Quốc (người đưa thư trong Cộng Đồng)
Email lien lac : vanthien.dinh10@googlemail.com






Thursday, March 10, 2022

Tục đa phu CÓ PHƯỚC MỚI ĐƯỢC LÀM ĐÀN BÀ TÂY TANG .. ❤❤❤

Đến thăm Tây Tạng nhiều lần, tôi từng nghe nói khá nhiều về tục đa-phu ở đất nước này, nhưng chỉ tận mắt nhìn thấy một lần, do may mắn. Đó là vào tháng 3 năm 2003 vừa qua, khi tôi đưa đoàn du-lịch “Tây Tạng mùa Xuân” đi thăm tỉnh tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc.
Hôm ấy, trên đường từ Gyantse đi Shigatze, thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng, và là “kinh phủ” của các vị Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama), chúng tôi ghé thăm một ngôi làng nhỏ. Nói là “một ngôi làng nhỏ” bởi vì nó là một tập hợp của khoảng một chục ngôi nhà xây dựng rời rạc hai bên con đường tráng nhựa chạy giữa một dải thung lũng rộng và khô cằn. Ngôi làng này trông có vẻ khá giả hơn nhiều so với những ngôi làng mà chúng tôi nhìn thấy trên con đường đi lên hướng đông-bắc của thủ phủ Lhasa. Chamba, anh hướng dẫn viên trẻ tuổi của chúng tôi, đề nghị chúng tôi vào thăm căn nhà nằm ngay bên kia đường, đối diện với nơi chúng tôi vừa bước ra khỏi xe. Trời tuy có nắng vào buổi trưa nhưng gió thángba thổi rất lạnh nên chúng tôi ai nấy vội vàng băng qua đường và lách mình qua chiếc cổng nhỏ chỉ mở hé một cánh để bước vào bên trong.
Ngôi nhà khá lớn, xây theo kiểu truyền thống nửa nhà nửa trang trại của vùng Tsang (phía tây Tây Tạng). Nhà có tầng lầu và tầng trệt, nhưng nhìn từ bên ngoài thì không biết là có hai tầng, bởi vì tầng trệt không có cửa sổ mà chỉ có một vài lỗ thông gió, và mặt tường bằng đá sơn trắng xây liền từ dưới lên trên. Chạy ra đón chúng tôi là một cô gái nhỏ trạc độ 14, 15 tuổi. Ngay trước cửa chính dẫn vào nhà, chúng tôi nhìn thấy một con trâu yack lớn và hai chú trâu nhỏ, chắc vừa mới sinh được vài tuần. Chamba trao đổi vài ba câu với cô gái, sau đó quay sang mời chúng tôi đi vào bên trong nhà. Bước qua ngưỡng cửa, mọi người ngạc nhiên một cách thích thú về cấu trúc của ngôi nhà. Tầng trệt được thiết kế như một gian phòng lớn và sử dụng làm chuồng cho trâu yack, dê và trừu, đồng thời cũng là nơi chứa rơm vào mùa đông. Tầng này do không có cửa sổ – ánh sáng duy nhất là từ chiếc cầu thang bằng gỗ ọp ẹp dẫn lên tầng trên – nên vào mùa đông chắc là ấm hơn nhiều so với bên ngoài. Mùi phân súc vật khiến vài người trong đoàn hơi khó chịu.
Chúng tôi leo lên tầng trên của ngôi nhà. Thiết kế của tầng này cũng khá đặc biệt: các gian phòng để ở và sinh hoạt được xây liền nhau tạo thành một hình vuông lớn khép kín, bao quanh một chiếc sân lộ thiên cũng vuông vức nằm ở giữa. Một người đàn bà trạc 40 tuổi hơn (thật ra rất khó đoán tuổi của người Tây Tạng, vì khí hậu cùng với cuộc sống khắc nghiệt thường làm họ già đi trước tuổi, nhất là phụ nữ) đang đứng ngoài sân cùng cậu con trai nhỏ khoảng 4, 5 tuổi. Bà tươi cười chào chúng tôi, nhìn chúng tôi một cách hiền lành nhưng có vẻ xăm xoi, và quay sang nói gì đó với Chamba. Chắc là bà ta hỏi về xuất xứ và mức độ lương thiện của chúng tôi. Chúng tôi cũng mỉm cười với bà để bày tỏ thiện cảm. Phía bên kia sân, đối diện với nơi chúng tôi đứng, có một người đàn ông gương mặt lam lũ nhưng khá trẻ đang ngồi trên một chiếc ghế thấp, lưng dựa vào tường. Anh ta nhìn chúng tôi như quan sát, miệng cắn một cọng rơm dài mà anh cầm trên tay. Khi bắt gặp tôi nhìn lại anh và có ý muốn chụp ảnh, anh ngượng nghịu khoát tay như bảo “đừng chụp!” tuy không tỏ vẻ gì là khó chịu. Tôi hỏi Chamba người đàn ông trẻ tuổi ấy là ai, có phải là chủ nhà không, nhưng cũng ngụ ý hỏi rằng anh ta là gì đối với người đàn bà đang tiếp chuyện chúng tôi.
Và đây là câu chuyện trao đổi giữa tôi (TC) và người phụ nữ nông dân Tây Tạng ở vùng Tsang (PN), qua nghệ thuật phiên dịch của anh hướng dẫn viên trẻ tuổi và thật thà (Chamba):
(TC) – xin phép được hỏi tên của bà?
(PN) – (cười) Tsering.
(Chamba) – Tsering có nghĩa là “sống lâu”.
(TC) – cô bé kia là con gái của bà?
(PN) – vâng (cười).
Cô bé có vẻ e thẹn, không dám nhìn chúng tôi.
(TC) – ngôi nhà này là của bà?
(PN) – vâng, của tôi... không, đúng ra là của gia đình chồng tôi.
(TC) – người đàn ông ngồi đằng kia là chồng bà?
(PN) – (quay nhìn người đàn ông trẻ) vâng, anh ấy là chồng thứ ba của tôi.
Mọi người trong đoàn nhìn nhau, ngạc nhiên một cách thích thú.
(TC) – tại sao lại là “chồng thứ ba”?
(Chamba) – bởi vì bà ấy lấy cả ba anh em ruột, trong cùng một nhà.
Mọi người lại nhìn nhau.
(TC) – cả ba anh em đều là chồng của bà ấy?
(Chamba) – vâng.
Mọi người bắt đầu xì xào; Những câu hỏi đủ loại bắt đầu bật ra từ những cái đầu hiếu kỳ và hay nghĩ bậy của một vài người trong chúng tôi (trong đó có tôi!).
(TC) – bà lập gia đình đã lâu chưa?
(PN) – (suy nghĩ)... tôi lấy ông anh cả cách đây 17 năm, lúc tôi 20 tuổi; Sau đó một năm tôi lấy người thứ nhì, em trai của anh ấy.
(TC) – còn người thứ ba?
(PN) – (quay nhìn người đàn ông trẻ ngồi đang ngồi phía bên kia sân và cười) anh ấy là em út, tôi lấy anh ấy cách đây 10 năm.
Người đàn ông mỉm cười, có vẻ lúng túng và xấu hổ; Anh ta đứng dậy và bỏ đi vào nhà.
(TC) – ông ấy nhiều tuổi hay ít tuổi hơn bà?
(PN) – anh ấy nhỏ hơn tôi 5 tuổi.
(TC) – còn hai người kia?
(PN) – ông anh cả lớn hơn tôi 3 tuổi, người em kế hơn tôi 1 tuổi.
(TC) – họ đâu cả rồi?
(PN) – cả hai đều đang làm việc ngoài đồng.
(Chamba) – những người ở vùng này phần lớn làm nghề nông và sống định canh định cư.
(TC) – khi nào họ mới về nhà?
(PN) – họ thường về nhà vào lúc chiều tối.
(TC) – tại sao ông chồng trẻ nhất của bà lại ở nhà?
Có tiếng ai đó nói đùa “tại vì anh ta được bà ấy cưng nhất cho nên không bắt phải làm lụng”, và mọi người ồ lên cười.
(PN) – hôm nay đến lượt anh ấy ở nhà. Ba anh em thay phiên nhau, mỗi người ở nhà một ngày để trông nom vợ con.
(TC) – bà có phải ra đồng để làm lụng không?
(PN) – có chứ, khi nào công việc nhiều và họ cần đến tôi thì cả bốn vợ chồng đều phải đi ra đồng làm việc. Nhưng bình thường thì tôi ở nhà vì tôi phải trông 2 đứa con còn nhỏ; Tôi cũng có rất nhiều việc nhà phải làm.
(TC) – bà có tất cả mấy đứa con?
(PN) – ba đứa. Con bé này lớn nhất, 14 tuổi (chỉ vào đứa con gái). Thằng nhỏ là em út của nó, mới 5 tuổi.
(TC) – còn một đứa nữa ở đâu?
(PN) – nó là đứa thứ hai, con trai, 8 tuổi, đi học chưa về.
[Ở Trung Quốc hiện nay, chính sách “một con” chỉ áp dụng đối với người Hán; Những dân tộc thiểu số, trong đó có người Tây Tạng, được quyền có nhiều con hơn]
(TC) – cô con gái lớn không đi học sao?
(PN) – hôm nay tôi bắt nó nghỉ học vì em nó bị bệnh, nó phải ở nhà trông em để tôi làm việc nhà.
(TC) – việc nhà của bà là gì?
(PN) – (cười) nhiều lắm; Nấu ăn, xay bột lúa mạch để làm bánh tsampa, vắt sữa trâu yack, đánh sữa làm bơ, đôi khi làm cả pho-mát.
(TC) – pho-mát làm bằng sữa trâu yack?
(Chamba) – pho-mát làm bằng sữa trâu yack là một món ăn đắt tiền, thường để dành ăn với trà-bơ.
(TC) – ngon không?
(Chamba) – ngon hay không còn tùy người; Riêng tôi thì rất thích.
Người đàn bà nói gì đó với Chamba và đứa con gái; Cô gái nhỏ đi vào nhà bếp ở gần đấy.
(Chamba) – lát nữa đây bà ta muốn mời quý vị dùng thử món pho-mát Tây Tạng làm từ sữa trâu yack.
(TC) – trong ba người chồng của bà, bà yêu người nào nhất?
(PN) – (cười, có vẻ e thẹn)... người nào cũng tốt và cũng đều làm lụng giỏi.
(TC) – họ có bao giờ ghen với nhau không?
(PN) – không, ba anh em rất quý nhau; Đôi khi họ cũng có chuyện qua lại, xích mích giữa đàn ông ấy mà... nhưng ghen thì không.
(TC) – trong ba người, bà yêu ai nhất?
(PN) – (cười)...
(TC) – bà không muốn trả lời cũng được.
(PN) – người nào cũng thương vợ con. (Nhìn về phía căn phòng nơi người đàn ông trẻ vừa đi vào) ông chồng thứ ba của tôi rất tốt với tôi; Anh ấy thường ở nhà với tôi nhiều hơn.
(TC) – chúng tôi có thể vào thăm bên trong nhà không ạ?
(PN) – (vồn vã) vâng, được chứ, xin mời vào, mời vào...
Chúng tôi và Chamba theo chân người đàn bà bước vào thăm các gian phòng trong ngôi nhà ở tầng trên. Cô gái nhỏ tay cầm một chiếc khay lớn bằng nhôm đang từ trong nhà bếp bước ra thì chúng tôi bước vào. Người mẹ đỡ lấy chiếc khay, chìa ra trước mặt từng người chúng tôi và ân cần mời mọc.
(Chamba) – bà ấy mời quý vị ăn thử món pho-mát Tây Tạng, làm từ sữa trâu yack, và làm tại nhà.
Chúng tôi nhìn vào chiếc khay rồi lại nhìn nhau. Trong khay chất đầy vun lên những khoanh pho-mát nhỏ quăn queo màu trắng ngà, có vẻ hơi cứng như loại pho-mát gruyère của Pháp, trông rất hấp dẫn. Nhưng do tôi đã đến thăm Tây Tạng nhiều lần và đã có khá nhiều kinh nghiệm về “hương vị” của những sản phẩm làm từ sữa và thịt của loài trâu yack, nên tôi đành lắc đầu từ chối khéo, lấy cớ là bụng yếu, ăn vào sợ có chuyện. Một số người trong đoàn đưa tay nhón một miếng pho-mát để ăn thử.
Nhà bếp chiếm cả một gian phòng khá rộng, tối mò mò và nồng nặc mùi mỡ trâu yack. Chúng tôi tìm hiểu cách nấu nướng hay chế biến một số món ăn chính của người Tây Tạng, xong kéo nhau đi qua “phòng ngủ chính”. Master bedroom đây rồi! Sở dĩ mọi người chú ý nhiều đến phòng ngủ là bởi vì chúng tôi đang đi thăm ngôi nhà của một người đàn bà lấy ba chồng!
Phòng ngủ chính là gian phòng lớn nhất trong ngôi nhà, hình chữ nhật. Bước vào, chúng tôi để ý ngay đến một chiếc tủ với hoa văn và màu sắc sặc sỡ dựng ở góc phòng dùng làm bàn thờ Phật. Ngay gần cửa ra vào đặt một máy phát điện loại gia-dụng, made in China. Phần lớn diện tích tường là cửa sổ kính, kể cả phần vách ngăn với những phòng bên cạnh. Hai chiếc giường với kích thước dài hơn là rộng được kê hai đầu đâu lại với nhau thành hình chữ L. Giường không có nệm mà được trải bằng những miếng thảm len rất dày. Trên giường có mấy tấm chăn bông kiểu Tàu cuộn tròn và nhiều chiếc gối vứt ngổn ngang. Dưới đất thì đồ đạc lỉnh kỉnh bày la liệt. Người ta đun trà ngay trong phòng ngủ để làm trà-bơ, đồng thời cũng để sưởi ấm.
(TC) – những ai ngủ trong phòng này?
(PN) – tôi và hai đứa con trai nhỏ.
(TC) – cô con gái của bà ngủ ở đâu?
(PN) – nó ngủ ở phòng bên cạnh.
(TC) – còn mấy ông chồng của bà?
(PN) – cũng vậy, họ ngủ ở phòng bên cạnh với con gái chúng tôi.
(TC) – cô bé ấy là con của ông nào?
(PN) – (cười)... tôi không biết nữa... nhưng chắc chắn nó không phải là con của người thứ ba.
(TC) – còn hai đứa con trai?
(PN) – (nói như phân trần) tôi cũng không biết... làm sao mà biết được?
Tôi quay sang Chamba: “hỏi những câu hỏi hơi tò mò vào đời tư của họ có sợ làm bà ấy phật lòng không?”, Chamba cười xuề xòa: “không sao đâu, quý vị cứ tự nhiên hỏi”.
(TC) – tôi nghĩ rằng bà ấy chắc phải biết đứa con nào là của ông chồng nào chứ?
Chamba và người đàn bà trao đổi qua lại với nhau, trong khi tôi nghe có một người trong đoàn cười khúc khích và bảo: “ăn chung ở lộn như vậy, nếu là tôi chắc tôi cũng chịu, làm thế nào mà biết đứa nào là con của ông nào!”
(Chamba) – bà ấy giải thích rằng bởi vì cả ba ông chồng đều sinh hoạt thân mật thường xuyên với bà nên khi có bầu bà không thể biết chắc người nào là cha của cái bầu ấy.
(TC) – ba đứa nhỏ xưng hô thế nào với ba ông chồng của bà?
(PN) – cả ba đứa con của tôi đều phải gọi ông thứ nhất là “cha”, bởi vì ông là anh cả trong ba anh em.
(TC) – thế hai ông em thì chúng gọi là gì?
(PN) – là “chú”, cho dù họ có là cha ruột của chúng đi nữa, bởi vì phong tục là như vậy; Nhưng thật ra chúng đều xem cả ba người là cha của chúng.
(Chamba) – và cả ba ông chồng đều xem chúng là con chung.
Chúng tôi đi sang phòng bên cạnh, cũng là phòng ngủ. Thực ra người Tây Tạng không có khái niệm “phòng ngủ”, mà đúng ra nơi họ ngủ, dù lớn hay nhỏ, cũng đồng thời là nơi họ ăn uống và sinh hoạt. Cách bài trí trong gian phòng này cũng gần giống như “phòng ngủ chính” mà chúng tôi vừa thăm; Cũng có hai chiếc giường dài kê đâu đầu lại với nhau, với đồ đạc lỉnh kỉnh vứt la liệt khắp nơi, chỉ khác là không có cái bàn thờ tô vẽ lòe loẹt.
Chúng tôi đi sang phòng kế tiếp, phòng này có vẻ sáng sủa hơn vì tường sơn màu vàng. Cũng lại là phòng vừa làm chỗ ngủ vừa làm chỗ sinh hoạt. Bước vào, chúng tôi nhìn thấy người đàn ông trẻ – ông chồng thứ ba của bà Tsering, bà “sống lâu để... hưởng!” – đang ngồi ở một mép giường. Anh ta đứng bật dậy, gãi đầu và mỉm cười với chúng tôi, vẻ lúng túng. Chamba nói gì đó với anh, hình như là chào hỏi. Anh trả lời Chamba, xong quay sang nói chuyện với người đàn bà.
(Chamba) – ông ấy hỏi quý vị từ đâu đến, và ngạc nhiên là tại sao người Mỹ mà lại không phải là người da trắng.
(TC) – chắc ông ấy không biết là có cả người Mỹ gốc Tây Tạng!
Có lẽ cảm thấy không được thoải mái khi bị chúng tôi đổ dồn hết những cái nhìn hiếu kỳ vào mình, ông chồng trẻ của người đàn bà bỏ đi ra ngoài. Thằng bé con trai bà cũng chạy theo “chú” nó.
(TC) – tại sao bà lại lấy cả ba anh em? Ai quyết định điều ấy?
(PN) – anh em họ quyết định.
(TC) – bà có bị ép buộc không?
(PN) – (đỏ mặt, cười) tôi cũng bằng lòng.
(Chamba) – phong tục không cưỡng bức người phụ nữ phải lấy nhiều chồng. Luật pháp của Trung Quốc cấm tình trạng đa thê hay đa phu, nhưng trên thực tế ở Tây Tạng không ai ngăn cản cả bốn người họ chung sống với nhau.
(TC) – tại sao cả ba anh em lại muốn lấy một mình bà?
(PN) – họ muốn bảo vệ điền sản và cả tài sản do cha mẹ để lại.
(Chamba) – họ không muốn phải chia nhỏ những thứ ấy ra. Giữ chung đất đai và tài sản thì dễ sinh lợi hơn.
(TC) – và cưới chung một bà vợ thì thú hơn! Tôi nói đùa, anh làm ơn đừng dịch lại. Nhưng ai làm chủ tài sản ấy?
(PN) – ông anh cả là người đứng tên đất đai và mọi thứ tài sản. Nhưng tất cả mọi thứ đều thuộc về tất cả mọi người.
(TC) – đất đai có thật sự thuộc về quý vị không?
(Chamba) – ruộng đất thừa kế từ ông bà cha mẹ thì người ta có quyền đứng tên, dù rằng trên nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu của Nhà Nước. Ở Tây Tạng người thì ít đất đai thì quá nhiều, cho nên sở hữu ruộng đất không quan trọng bằng khả năng khai thác chúng.
(TC) – tài sản của gia đình bà gồm có những gì?
(PN) – ngôi nhà này, những máy móc và vật dụng trong nhà và đàn gia súc.
(TC) – có tiền mặt không?
(PN) – (cười) có chứ.
(TC) – ai là người giữ tiền?
(PN) – ông chồng thứ nhất của tôi.
(TC) – bà có giữ tiền không?
(PN) – (cười)... cũng có... nhưng không nhiều.
(TC) – có bao giờ xẩy ra xích mích giữa ba anh em vì tài sản hay tiền bạc không?
(PN) – thỉnh thoảng cũng có xích mích, tôi không rõ là chuyện gì... nhưng nói chung ba ông chồng của tôi rất quý nhau, họ là anh em ruột thịt mà!
(TC) – bà có dành ưu tiên cho người nào được vào ngủ trong phòng của bà không?
(PN) – (đỏ mặt, cười) ai muốn vào với tôi cũng được, nhà của chung mà.
(TC) – họ có bao giờ xích mích vì dành nhau chuyện ấy không?
(PN) – không, lúc nào hai ông em cũng nhường nhịn ông anh cả.
(TC) – xin lỗi bà, có bao giờ mấy ông chồng dùng vũ lực với bà không?
(PN) – không, không bao giờ.
(TC) – bà yêu người nào nhất?
(PN) – (cười) người nào cũng đối xử tốt với tôi... ông thứ ba quý mến tôi nhiều nhất.
Câu chuyện trao đổi giữa tôi và người đàn bà nông dân Tây Tạng ở vùng Tsang hình như kết thúc ở đấy... Wow! Tôi thật cũng không ngờ rằng nội dung câu chuyện lại cởi mở và có thể đi sâu vào những vấn đề riêng tư một cách thoải mái như vậy.
Đoàn chúng tôi từ giã người đàn bà đa phu, ông chồng thứ ba, hai đứa con và ngôi nhà khang trang của họ để tiếp tục hành trình đi Shigatze. Và đó là một trong những kỷ niệm lý thú và khó quên trong chuyến du lịch thăm Tây Tạng của chúng tôi vào mùa xuân năm ấy. 
TRẦN CHÍNH.