Wednesday, November 13, 2013

Chả giò và Người Việt ở Hoà Lan .


                  Châu Âu du ký 
 
   Cám ơn hai bạn Việt & Nga , đã giúp cho QN có phần tư liệu quí giá này .

Chúng ta đã có từng nghe qua , chả giò VN là một món ăn rất thịnh hành  ở Hoà Lan , được người bản xứ  yêu thích .Thế nhưng không thể hình dung được kỹ nghệ  chả giò  ở đó lớn mạnh tới cỡ nào cho đến khi tận mắt chứng kiến một bức họa vô cùng ấn tượng.
 
Đến Hòa Lan vào giữa tháng tư , thời tiết  vẫn còn ẩm ướt ... mưa phùn và gió lạnh . Chúng tôi được vợ chồng Việt & Nga , vừa là bạn, vừa là đồng hương Quy nhơn ưu ái đón tiếp đưa về nhà . 
Căn nhà bạn nhỏ xíu , dễ thương như cái chuồng chim bồ câu , sân trước sân sau đều có hoa nở đủ màu xinh xắn.
 
Trong lúc  để chúng tôi  nghỉ ngơi ăn uống sau chuyến bay dài mười mấy tiếng đồng hồ , hai bạn ra cửa hàng buôn bán nốt ngày hôm đó cho xong , rồi đóng cửa nghỉ việc cả tuần để đưa chúng tôi thăm thú cảnh đẹp Hoà Lan .
 
Bạn thật chu đáo , biết tôi có ý tìm hiểu nên dặn bà hàng xóm cạnh nhà đúng hai giờ trưa , qua chở dùm chúng tôi ra chỗ bạn buôn bán gần nhà để coi qua cho biết dù đi bộ cũng được nhưng sợ bị lạc. Thị trấn nhỏ này cách Amsterdam khoảng 50 cây số , hiền hoà xinh đẹp , đường sá sạch sẽ . Những con phố nho nhỏ ,  có kiến trúc cổ xưa , nơi mà phương tiện giao thông phần lớn là dùng xe đạp . 
 
Xe bán chả giò của chị Nga .
 
QN11

Tới nơi thấy Bạn có một xe bán chả giò , kiểu xe thùng , đậu ngay trước lối ra vào một khu thị tứ có nhiều cửa hàng nhỏ  , bên trong xe chủ yếu là một thùng lạnh đựng chả giò và một nồi dầu để chiên , phía trước xe đang có nhiều  khách  sắp hàng mua đứng ăn tại chỗ .. 
Thời tiết càng lạnh , càng nhiều khách qua đường dừng chân ghé mua . Thử  hình dung cảnh này : người thở ra khói , chả giò nóng hổi cũng bốc khói : dòn , béo , chấm vào chút sauce chua chua , ngot ngọt , cay cay ... thì "đã " biết chừng nào? ..
Bởi vậy , dân bản xứ đâm ghiền món chả giò này , mỗi lần dừng chân "quất"  một hơi dăm ba cuốn là chuyện dĩ nhiên .
Việc buôn bán thấy vô cùng đơn giản như đang giỡn .. Sáng kéo xe đi , chiều kéo xe về ... vậy mà lại kiếm được khối tiền mới là chuyện lạ ... Ai không thấy , chỉ nghe nói chắc không tin !
 
Một cuốn chả giò  bán giá 1 Euro ( 1.30 usd ) , Ông đi qua , bà đi lại , mỗi ngày xỉu xỉu cũng bán được trên dưới 500 cuốn , tiền vật liệu chẳng bao nhiêu,
( nhân bánh phần lớn là rau và bún tàu ), tiền mướn chỗ công cộng của chính phủ được biết cũng rẻ rề ... 

Tính sơ mỗi ngày kiếm sương sương cũng 200-300 Euro là giá chót .
Lại nữa người Việt bản tính chịu thương, chịu khó , vợ chồng mỗi người một xe khác địa điểm đứng bán là chuyện thường ngày ở huyện ..  Đơn giản tính nhẩm thôi , cũng thấy tiền là tiền ...
 
Một trong nhiều xe bán chả giò của Chị Dung ở Amsterdam..
 
QN11

Vậy mà vợ chồng Anh bạn tôi những năm trước còn trẻ còn sức  , có tới 4-5 xe , mướn người cuốn bánh và đứng bán ... Nghĩ tới có phần ghen tị vì thấy Anh kiếm được nhiều tiền quá . Giờ thì chắc kiếm dư rồi nên Anh dẹp bớt chỉ còn một xe rưởi , nghĩa là  riêng Anh một xe bán đầy đủ 6 ngày một tuần , còn xe cô vợ là  chị Nga chỉ bán 2 ngày cuối tuần ( thứ sáu , thứ bảy )  mà thôi . Những ngày còn lại Nga ở nhà nghỉ ngơi và dành ra hai ngày để cuốn vài ngàn cuốn chả giò bán cho tuần tới . 

Nghề nghiệp  mấy chục năm quen tay , có máy cắt rau ,vắt rau , máy trộn thịt  phù trợ nên cuốn vài ngàn cuốn chả giò với Nga là chuyện nhỏ , dể như ăn ớt ... chỉ thiên .

 ** Chỉ trong chốc lát , dưới đôi bàn tay vàng của chị Nga , hàng loạt chả giò được xuất xưởng ..

 
QN11
 
QN11
 
QN11

 
Cứ thế ngày đi , tiền đến ... túi nặng những tiền là tiền ...

Chúng tôi may mắn , có mặt nhằm lúc gần ngày sinh nhật Hoàng thái hậu ( Mẹ của Nữ hoàng Hoà Lan)  , ngày này sẽ là một ngày hội lớn , mọi thứ  được miễn thuế . Nghe nói hôm đó trường học , công sở đều sẽ đóng cửa , thành phố có tổ chức diễn hành , xe hoa , kèn trống nhạc ... xập xình .. Mọi người đều đổ ra đường ăn chơi theo truyền thống .
 Được biết , hôm đó Chả giò sẽ bán đắt hơn tôm tươi ,  ngày hội của người dân Hoà Lan này cũng là ngày " lễ vàng - lễ bạc" của giới làm chả giò ...nên khi ghé thăm nhà người Việt Nam nào chúng tôi cũng thấy mọi người lao đầu vào cuốn chả giò.  Trên bàn , dưới đất , trong bếp, ngoài vườn đâu cũng chả giò .. thật đúng với  khẩu hiệu "người người chả giò , nhà nhà chả giò ". Một hình ảnh thật khó tưởng tượng nếu không tận mắt chứng kiến .
Ai gặp nhau cũng hỏi : Cuốn được mấy ngàn cuốn rồi ?? câu trả lời nghe cũng long trời lở đất . Người này nói : tui cuốn được năm ngàn cuốn rồi , người khác bảo : tui cuốn được mười ngàn cuốn rồi ...
Lại hỏi thăm nhau, năm nay bán mấy xe? vì có nhiều người thấy ham, mướn thêm xe, huy động tất cả người trong nhà hôm đó sẽ dàn trải mọi ngõ ngách để bán ... 
Chả giò có mặt khắp nơi,  đến ngủ nằm mơ cũng thấy... bánh tráng, cà rốt, bún tàu ....
Những người không có xe hay địa điểm để bán thì sao ? Chỉ cần ở nhà , cuốn bỏ mối cho người ta , giá gốc tính cho mỗi một trăm cuốn là 35 euro . Ngay những người già rảnh rang , chỉ cần lột bánh tráng rời ra cho dể cuốn , nhanh tay gở ngày vài trăm xấp cũng kiếm được tiền . 
Tất cả cũng nhờ trời thương cho đám dân vong quốc, tha phương cầu thực. Giống như ở Mỹ, có nghề móng tay giúp bao nhiêu gia đình sung túc nuôi con ăn học nên người , thì người Việt ở Hoà Lan, lại sống hùng sống mạnh với nghề chả giò. 
Dù bây giờ đang giai đoạn kinh tế trì trệ, việc buôn bán bị ảnh hưởng, cũng đã chậm đi nhiều, vậy mà chúng tôi dân sống ở Mỹ lâu năm, nhìn thấy còn mê mẩn ... huống chi thời kinh tế còn thịnh vượng trước kia ...  thì tiền biết xài sao cho hết ?
Vợ chồng Việt & Nga. Một trong những sư phụ chả giò ở Hoà Lan

Nhìn chung đời sống người Việt ở Hoà Lan nếu chịu khó sẽ rất sung túc . 
Mà ai không chịu khó cũng không sao , chính phủ sẽ giúp đở toàn diện từ nhà cửa, y tế, thức ăn, quần áo mùa hè, mùa đông ... thậm chí cho cả tiền đi du lịch, nghĩ hè, giúp tinh thần đở buồn chán. Chính phủ chu đáo lo cho dân từ vật chất tới tinh thần . 
Chuyện khó tin quá phải không ?
Nước người ta là xã hội tư bản sưu cao thuế nặng, mà sao người dân sung sướng thế ?  đến những người tỵ nạn, di dân ăn nhờ ở đậu như người Việt nam ta, mà cũng được hưởng sái, ấm no sung túc một đời .
Có một đều lạ, những ngày ở đó, Chúng tôi mỏi mắt cũng không thấy cái gọi là cảnh lẻ loi, cô độc ở xứ người. Cũng như nhìn quanh quất, tìm mãi cũng không thấy cái hình ảnh  người bóc lột người  thường bị gán cho xã hội tư bản ở đâu cả
Hoà Lan xứ người buổi chiều thường hay mưa , có người bảo xứ này một ngày có đủ bốn mùa , nhưng nhìn đâu chúng tôi cũng thấy không khí trong lành , hoa khoe sắc thắm , thấy phố , thấy nhà . .. Không như những câu thơ của thi sĩ Trần Dần ... khi bước đi trên chính quê hương mình đã không thấy gì cả ...  chỉ thấy có  một điều mà không tiện viết ra ở đây !

Vậy thì ... tốn bao nhiêu xương máu và nước mắt. Đốt cháy , đui chột cả một thế hệ tuổi trẻ , lót đường đi tới  " Xã hội  chủ nghĩa cộng sản " để làm gì nhỉ ??

           ------------------------------------------

Chả giò và người Việt ở Hoà Lan # 2

       Châu Âu du ký  from: Quinhơn11
 
   Cuộc sống truân chuyên              trên xứ người .
Hòa Lan có cảnh vật thật đẹp.  Trước hiên dù là nhà lớn hay nhỏ, đâu cũng có thảm cỏ xanh và vườn hoa đủ màu khoe sắc.  Tuy nổi tiếng trên thế giới về hoa Tulip, nhưng bên cạnh còn có vô số những kỳ hoa dị thảo khác, tạo thành một bức tranh muôn màu sống động, thanh nhã nhẹ nhàng.  Khách phương xa đến thăm một lần không khỏi có chút lưu luyến khi rời xa ...
Tuy nhiên vật giá ở Hoà Lan rất đắt đỏ so với Mỹ, mọi thứ có giá gấp đôi hay hơn.  Xăng gần $8 USD một gallon. (ở Mỹ giá 3.50 usd / gallon)  

( Bạn chở mình đi chơi , mỗi lần thấy bạn đổ một bình xăng gần 100 Euros thật tình mình cũng thấy ...  chóng mặt vì thương bạn tốn kém quá ...) 
quinhon11

Rất may, bên Châu Âu chính phủ cũng biết thế nên không tiếc  công tiếc của , đầu tư  hoàn thiện một hệ thống xe điện , với hàng ngàn tuyến đường chân rết vô cùng hoàn hảo tới mọi ngõ ngách thành phố ... nhờ vậy hầu hết dân chúng thoải mái dùng xe công cộng làm phương tiện di chuyển xa , và xe đạp cho di chuyển gần.  Vừa khỏi bị áp lực cho túi tiền, vừa có không khí trong lành, giảm bớt sự ô nhiễm do khói xăng, khói dầu, vừa tập thể dục cho đôi chân.  Đúng là nhất cử mà tới...  tam ..  tứ lợi !
Nếu nhìn thu nhập trung bình hằng tháng của người dân Hoà Lan , dưới mắt một người sống ở Mỹ như chúng tôi ít nhiều cũng có phần thắc mắc : Làm sao họ có thể trang trải cho cuộc sống với chỉ ngần ấy tiền trong khi mọi thứ quá đắt đỏ?  Đồ ăn VN rất đắt , một bó ngò nhỏ giá gần 2 euros, một trái mướp hương bé tí gần 4 euro ..., món nào cũng mắt thấu trời xanh ... Làm sao chịu nổi ??
Cuộc sống ở Hoà Lan nói riêng và Châu Âu nói chung, có  nhiều khác biệt so với cuộc sống ở Mỹ .
 Bên Mỹ thuế lợi tức trung bình khoảng 25% trên số lương, thuế tiêu dùng 8% , còn thực phẩm được miễn thuế. Chưa kể dân nghèo có lợi tức thấp được đãi ngộ cho đóng thuế thu nhập rất ít, ấy vậy mà cuối năm có nhiều trường hợp được trả thuế về hết và chính phủ còn ưu ái tặng thêm vài ba ngàn USD,  gọi là giúp đở thêm, để nuôi con thơ ..  vợ dại.
Do chính phủ Mỹ còn nhiều thu nhập khác, quá giàu nên tự bỏ thêm tiền lo cho dân, giờ gặp khó khăn, ngân khố hao hụt nên cắt giảm bớt phần phúc lợi có thể, do không thể lấy thêm thuế từ dân chúng được.
Vậy đó : cho đi thì dễ chứ lấy lại thì khó, đó là luật chơi, ai cũng biết .
Còn ở  Châu Âu nói chung hay Hòa Lan nói riêng, chính phủ đánh thuế rất cao trên thu nhập của người dân, nên số tiền lương mỗi người khi đem về đã bị hao hụt khá nhiều. 
Thuế thu nhập lên tới 50% , thuế tiêu dùng 20%, thuế thực phẩm khoảng 12%, chưa kể thuế nhà, thuế đất rất cao, (cao hơn ở Mỹ nhiều) nếu làm chủ.
Trước thuế, sau thuế .... nhìn đâu cũng thuế ...và thuế .... lại thêm vật giá quá đắt đỏ ...Vậy thì làm sao sống nổi ? 
Ấy vậy mà dân chúng vẫn sống bình yên, hạnh phúc.  Nhịp sống chậm rãi an bình. Đây đó những quán cà phê vỉa hè sạch sẽ im mát, người người thư thả nhẫn nha nhấm tí cà phê, ăn cái bánh ngọt, thoải mái đọc tờ báo buổi sáng, khi đứng dậy với chiếc xe đạp, không quên ghé sạp mua thêm bó hoa đem về chưng trong nhà. 
(Hay có khi dừng lại xe chả giò VN nào đó, vừa thổi vừa xơi vài cuốn chả giò dòn thơm với nước sauce chua ngọt) .., 
Đời sống yên ả làm sao!
Dân Hoà lan yêu hoa , dọc đường đâu cũng thấy những sạp bán hoa đủ loại , và người mua không bao giờ thiếu. Đây đó trên vỉa hè lũ chim bồ câu cả đàn hàng trăm con đậu xuống ăn bánh mì vụn, yên tâm không sợ bị ai bắt về rô ti, hầm thuốc Bắc hoặc chế biến thành món nhậu đặc sản .. thật là một nơi chốn bình yên cho cả người và vật .
Vì sao dân Hòa Lan có được cuộc sống tốt như thế ? Tất cả nhờ có một  chính phủ tốt .  Họ đánh thuế cao và dùng tiền đó lo cho dân, chu cấp từ nhà cửa, y tế, trường học ... Nói chung lo toàn diện ...
 ( chứ không có kiểu tham những, rút ruột công trình, vơ vét bỏ vào túi riêng để rồi đem tiền chuyển dấu vào những ngân hàng nước ngoài, hoặc trở thành  những đại gia ở đất nước nào đó. Nghe ... thấy .. rất quen tên, quen mặt ..)!
  
 Phần lớn dân chúng được chính phủ phân phối những căn chung cư vừa đủ ở với giá thấp theo % lợi tức kiếm được,    (khoảng 200-300 Euro mỗi tháng cho căn hộ 3 phòng nho nhỏ) nên vấn đề chỗ ở cho người có lợi tức thấp được giải quyết khá nhẹ nhàng, giảm bớt nhiều gánh nặng lo lắng trong cuộc sống. Vì thế tuy vật giá đắt đỏ, cũng như kinh tế đang đình trệ khó khăn, mà người dân vẫn sống ung dung. Vợ chồng con cái mỗi năm đều có tiền đi nghỉ hè, vẫn có chút tiền dành dụm, không bị áp lực nhiều. Trút hết mọi gánh lo cho chính phủ . 

Tuy không thể tích lũy tư sản nhiều, và không nhiều người giàu có như xứ Mỹ, nhưng  đời sống họ ấm no, tự do dân chủ, thanh bình, an nhàn. Trong mắt chúng tôi, Hòa Lan này đúng nghĩa là một xã hội chủ nghĩa :  Với chính phủ là đầy tớ của nhân dân, lo cho dân và vì dân .
Nhìn cách sống dân Châu Âu mới thấy dân Mỹ sống quá sức phung phí, không phải dân Châu Âu hà tiện hay không có khả năng, mà là họ có nếp sống căn cơ, chừng mực . 
Dù rằng cách sống, thói quen mỗi nơi mỗi khác, đâu cũng có cái hay riêng. " Bồng em thì khỏi xay lúa, 
   Xay lúa thì khỏi bồng em " .
Tuy vậy chúng tôi nhận thấy có rất nhiều điều hay, đáng cho mình suy ngẫm và học hỏi .  
 

No comments:

Post a Comment