Friday, October 23, 2015

Phim "Gạo đắng", số phận nông dân Việt Nam ở vùng Camargue

Năm 1941, trong khi chính phủ Vichy phải trông cậy vào nguồn nhân lực nhập cư từ các thuộc địa, hàng chục ngàn lính thợ Đông Dương được tuyển mộ để tới Pháp, không phải để chiến đấu trên những chiến tuyến máu lửa, mà để tham gia vào việc sản xuất và canh tác nhằm cứu sống đất nước khỏi thiếu thốn và đói nghèo.

“Gạo đắng” là câu chuyện kể lại quá trình người Việt Nam trồng lúa gạo tại Camargue, vùng Midi của Pháp, trong Đệ Nhị Thế Chiến. Bộ phim tài liệu được Alain Lewkowicz chuyển thể dựa trên một tác phẩm của Pierre Daum dưới tựa đề “Cưỡng ép nhập cư, những người lao động Đông Dương tại Pháp” (NXB Actes Sud). Trước khi được chiếu trên kênh truyền hình quốc gia France 3 vào tháng 06/2015, với đề xuất của nhóm hữu nghị Pháp-Việt của Nghị viện Pháp, bộ phim đã được chiếu tại Hạ viện ngày 05/05 dưới sự bảo trợ của chủ tịch Hạ viện Claude Bartelone với mục đích sửa chữa sự lãng quên và bất công mà những người lao động Đông Dương đã phải chịu đựng.
Đi tìm sự thật bị che giấu…
Câu chuyện bắt đầu vào cuối năm 2002, khi Lê Hữu Thọ, hiện đã qua đời, từng là một phiên dịch của một nhóm “Công binh” Đông Dương tại Camargue, tới thăm Bảo tàng Lúa gạo do ông Robert Bon quản lý tại Le Sembuc. Tại đây, ông ngạc nhiên nhận thấy bảo tàng không trưng bày bất kỳ một hình ảnh, hay một tư liệu nào liên quan tới những người đồng hương, từng cày cấy trong vòng 2 năm, 1941-1943, tại vùng Camargue.
Sau nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại với người quản lý bảo tàng, Lê Hữu Thọ viết : “Để tiếp nối cuộc nói chuyện điện thoại ngày 11/12/2002, tôi xin gửi tới ông một số tài liệu liên quan đến nguồn gốc lịch sử của ngành trồng lúa gạo tại Camargue cho phép ông sửa lại một lỗi lầm lịch sử trong bản tưởng niệm (la mémoire) tại bảo tàng của ông. Đáng tiếc là ông đã che giấu ký ức về những người nông dân chính của ngành sản xuất lúa gạo tại Camargue. Đây là công trình của những người lao động, thuộc quân đoàn 2 nhân lực Đông Dương vào năm 1941, khi đang bị phát xít Đức chiếm đóng.
Những người tự cho hiểu biết Lịch Sử sau Đệ Nhị Thế Chiến đều ngạc nhiên khi biết rằng có 20.000 người lao động và 15.000 lính Đông Dương (hay còn gọi là Việt Nam) bị trưng bắt trong những năm 1939-1940 để hỗ trợ cho cuộc chiến của nước Pháp trong Thế Chiến. Phần lớn trong số họ là những nông dân giỏi tại Việt Nam. Sau khi Đình Chiến vào tháng 06/1940, 20.000 người Việt Nam đã sống tám năm lưu vong trên đất Pháp (1940-1948).
Trong thời gian này, nhiều người trong số họ đã có đủ thời gian tháo cạn những bãi đầm lầy của vùng Camargue và trồng lúa tại đây. Từ đó, ngành trồng lúa trên mảnh đất vùng Provence đã được khai sinh...”. Kèm theo bức thư, ông gửi rất nhiều tài liệu liên quan, cùng với những bức hình chụp người nông dân Việt Nam đang làm việc ngoài ruộng hay đang nghỉ giải lao. Robert Bon hiểu rằng Lê Hữu Thọ hoàn toàn đúng.
20.000 lao động Việt Nam sang giúp Mẫu Quốc khó khăn
20.000 lao động Đông Dương bị tuyển mộ cưỡng bức theo một sắc luật ngày 29/08/1939. Họ làm nghề nông, xuất thân chủ yếu từ các vùng nông thôn nghèo ở Bắc và Trung Kỳ. Bị chụp ảnh rồi đánh số, 20.000 lính thợ Đông Dương phải tuân thủ kỷ luật quân đội.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, nhân chứng còn sống cuối cùng, nhớ lại : “Trước năm 1939, người ta nhìn thấy những tấm áp phích ghi rằng : “Mẫu Quốc đang gặp nguy. Nghĩa vụ của bạn là giúp đỡ Mẫu Quốc”. Điều này khiến mọi người xúc động. Vì tôi học trường Pháp, nên tôi chấp nhận ra đi. Hơn nữa, với chúng tôi, đó là cơ hội để nhìn thấy nước Pháp. Tôi gia nhập với tư cách là giám thị-phiên dịch.
Chúng tôi, những người phiên dịch, cùng với các quan chức địa phương, tới nhiều ngôi làng khác nhau để mộ phu. Ví dụ một làng có 20 hộ gia đình, thì phải tuyển đủ 20 người. Đúng kiểu bắt buộc. Nhiều gia đình có 3, 4 con. Trong trường hợp, ví dụ, người con trai cả, 35 tuổi, đã có gia đình và có 3, 4 người con, thì người con thứ hai hoặc thứ ba phải đi thay. Nếu gia đình không có con trai thứ nào để thay thế, thì người con cả, dù đã có gia đình và con cái, vẫn bị bắt buộc đi. Chính vì thế, trong thời kỳ đó, trong đoàn của chúng tôi, có nhiều người đã khoảng 30-35 tuổi”.
Được đưa lên trên 14 con tàu giống nhau, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/1939 tới tháng 05/1940, 20.000 người thợ Đông Dương rời cảng Hải Phòng lênh đênh trên biển và cập cảng Marseille, miền Nam nước Pháp. Mỗi chuyến đi kéo dài tới 48 ngày, khiến nhiều người ốm và say sóng vì lần đầu tiên đi biển.
Tất cả lính thợ trên con tàu của ông Lê Hữu Thọ được chuyển tới tạm trú tại nhà tù cũ Baumette ở Marseille, nơi duy nhất có đủ chỗ chứa mọi người. Ông Nguyễn Ngọc Châu nhớ lại, mọi người đều không biết trước đó là nhà tù, mãi sau này họ mới được biết. Vì bên trong nhà tù đã được tu sửa sạch sẽ để mọi người có thể ở tạm trong thời gian ngắn. 20.000 lính thợ từ Viễn Đông tới được gọi là “nguồn nhân lực Đông Dương”, M.O.I. (main d’oeuvre indochinoise) được chia thành nhiều nhóm để gửi tới 73 công ty phục vụ cho ngành quốc phòng, trong đó có các nhà máy sản xuất vũ khí trên khắp nước Pháp (Bayonne, Toulouse, Saint Chams, Bourges, Tours, Rennes, Oissel, Bergerac ...). Từ đây, những người thợ Đông Dương bắt đầu khám phá thế giới công nghiệp với cường độ làm việc nặng nhọc.
Ngày 02/06/1940, nước Pháp thất bại trước phát xít Đức. Những người thợ Đông Dương phải tập trung hết trong Vùng Tự do (Zone libre). Ngày lịch sử này cũng đánh dấu chính quyền thuộc địa Pháp mất Đông Dương. Các chuyến tàu thuỷ tới vùng đất xa xôi có rất nhiều nguy cơ bị tàu ngầm Đức quốc xã bắn hạ. Pháp không nhận được gạo từ Đông Dương nữa. Nước Pháp đói ! Nước Pháp đầy người thất nghiệp !
Bất công cho những người nông dân “bất đắc dĩ”...
Chính lúc này, chính quyền Vichy đã đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng : Sử dụng nguồn nhân lực Đông Dương đang có tại chỗ để thích nghi giống lúa nước tại Pháp. Ý tưởng bắt nguồn từ Henri Maux, một kĩ sư cầu đường và là công chức vừa mới từ Đông Dương trở về sau 10 năm sống và làm việc tại đây. Sáng kiến của ông hoàn toàn đúng thời điểm và làm thay đổi hoàn toàn vùng Camargue.
Người con gái của Henri Maux thuật lại: “Một lần, ông tháp tùng một Bộ trưởng tham dự hội thảo về trình trạng thất nghiệp diễn ra tại Marseille. Lần đầu tiên trong đời, ông không đi tàu hoả, mà đi bằng máy bay. Từ trên cao, ông nhìn được khu vực vùng Camargue. Ông thắc mắc tại sao nơi này lại không được khai thác trên diện rộng ? So với Nam Kỳ ở Đông Dương, vùng này còn đi sau tới 50 năm. Từ đó, ý tưởng trồng lúa nước tại Camargue được hình thành”.
Henri Maux cùng với một số đồng nghiệp cũ tới các khu tập thể của người lao động, và đặc biệt chú ý tới những người thợ Đông Dương. Do thất nghiệp và vẫn không thích nghi được với điều kiện thời tiết tại Pháp, rất nhiều người bị ốm hay mắc bệnh ung thư và sống trong tình trạng nghèo khó. Henri Maux đưa những người này ra khỏi khu tập thể, hoặc để dạy nghề cho họ, hoặc để họ làm việc ngoài đồng ruộng. Trên tổng số 20.000 lính thợ Đông Dương, 500 người được đưa tới trồng lúa tại Camargue.
Do không phải nộp bất kỳ khoản đóng góp xã hội nào nên nguồn nhân lực này rất rẻ. Tiền công một ngày làm việc của người lao động Đông Dương chỉ tương tương khoảng 1/10 lương của một người lao động Pháp thời đó. Tiền lương hàng tháng được chia thành hai phần. Một phần được trả hàng tháng cho người lao động. Phần còn lại, theo yêu cầu của chính phủ, được giữ lại và chỉ trả cho người lao động khi họ trở về Đông Dương.
Hoàn toàn tin tưởng vào chính sách của nhà nước, Henri Maux hy vọng, ngoài kinh nghiệm tiếp thu được tại Pháp, người lao động Đông Dương sẽ có được một khoản tiền tiết kiệm khá lớn nhờ công sức lao động. Nhưng trên thực tế, không ai biết khoản tiền tiết kiệm này đi đâu, và không một người lao động Đông Dương nào được thanh toán khoản tiền này.
Được phỏng vấn trong bộ phim, ông Bernard Vinay, một cựu quan chức hành chính, từ chối cho biết tỷ lệ giữa khoản tiền lương và khoản tiền bị giữ lại, với lý do quá lâu nên không nhớ. Mất một khoản tiền mồ hôi nước mắt, giới chủ không thực hiện các nghĩa vụ đóng góp xã hội, nên người lao động Đông Dương không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Năm 1991, Bộ trưởng Bộ Ngân sách Michel Charasse, cũng đã khẳng định điều này, trong một bức thư trả lời bác sĩ Jean-Michel Krivine, phát ngôn viên của Uỷ ban Ủng hộ Cựu Lao động, như sau: “Vào thời kỳ tuyển mộ, người lao động Đông Dương không được đăng ký chế độ bảo hiểm xã hội, vì vậy, không được hưởng chế độ trợ cấp, tuổi già, hay các chế độ đền bù khác”. Sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc, rất nhiều người lao động Đông Dương trở về quê hương. Một số người ở lại, lập gia đình như trường hợp của Lê Hữu Thọ và Nguyễn Ngọc Châu.
Công dã tràng...
Lúa tiếp tục giúp những nhà sản xuất ở vùng Camargue trở nên giàu có. Chất lượng gạo vùng này nổi tiếng, thậm chí còn vượt trội gạo của Ý và Tây Ban Nha. Thế nhưng, công lao của người nông dân Đông Dương dần bị xoá mờ trong tâm trí của người dân địa phương và các hợp tác xã. Sau khi chiến tranh kết thúc, trên những cánh đồng lúa, thay thế người lao động Đông Dương là người Ý và Tây Ban Nha, được tuyển dụng có hợp đồng lao động và được trả lương một cách tử tế. Từ đó, không ai nghĩ tới những người nông dân Việt Nam đã viết lên những trang đầu tiên của ngành nông nghiệp trồng lúa tại Camargue. Để rồi đến một ngày hình ảnh những người nông dân Việt Nam, làm việc trong khoảng 10 năm trên đất Pháp, biến mất hoàn toàn.
Cho tới ngày nay, ngay tại “Lễ hội Lúa Gạo” tổ chức vào tháng 9 hàng năm tại Arles, không ai nhắc tới những người nông dân Việt Nam. Đây là bằng chứng cho sự bất công đối với những người lao động vất vả. Trong bất kỳ buổi trình diễn hay hoạt động nào, người dân địa phương luôn thể hiện gạo là tài sản riêng, là bản sắc riêng của vùng Camargue do ảnh hưởng từ Tây Ban Nha. Tại một vùng luôn quan tâm quảng bá giá trị văn hoá địa phương như tại đây, hình ảnh người nông dân Việt Nam với tư cách là người sáng lập ra ngành trồng lúa, khó có thể có được một vị trí trong tâm trí người dân.
Cá biệt hơn, một số người cho rằng, những thông tin và bằng chứng được công bố là giả, như trường hợp của Pierre Guillot và Yves Smith, cả hai trước đây đều là nhà sản xuất lúa gạo. Ông Guillot khẳng định “những người lao động Đông Dương không biết tới gạo, không phải là nông dân. Họ ở lại ngắn ngày, Vì vậy, phải dạy họ mọi khâu đoạn. Điều này khá vất vả”. Ông cũng cho biết, năm 1940-1944, người ta không nghe nói tới gạo tại Camargue, hoặc không sẽ là gạo nhập khẩu, từ Tây Ban Nha hoặc các nơi khác.
Khi phóng viên cho họ xem một bộ phim tài liệu được chiếu vào năm 1943 ghi lại hình ảnh những người nông dân Việt Nam thu hoạch lúa với tại Camargue, ông Yves Smith cho rằng tài liệu này được quay tại Đông Dương thì đúng hơn. Thế nhưng, làm thế nào để thanh minh cho một nhà kho hiện trong đoạn phim năm xưa, nay vẫn còn tồn tại ở Camargue ? Hơn nữa, còn rất nhiều đoạn phim ghi lại hình ảnh thu hoạch vụ mùa của người nông dân Việt Nam trên mảnh đất này.
Chúng ta đang ở Camargue, chứ không phải ở Đông Dương. Vụ mùa đã vượt quá cả dự định. Trên 500 héc ta do người thợ Việt Nam cày cấy đã thu về được 1.600.000 kg lúa. Sau khi đã tuốt lúa, sản lượng giảm 39% và sau khi tách trấu thì còn lại 1/2. Nhờ Camargue mà nước Pháp đã được ăn cơm. Đất nước của chúng ta đã thành công giúp loại lúa khó trồng này thích nghi được với khí hậu”.
Sau 5 năm đấu tranh với chính quyền địa phương, với những người trồng lúa tại Camargue và hoàn thiện các thủ tục hành chính, hội Tưởng niệm những người lao động Đông Dương (association “Mémorial pour les Ouvriers Indochinois”, M.O.I) đã thành công buộc Lịch Sử ghi nhận sự cống hiến của những con người bị lãng quên. Chủ nhật ngày 05/10/2014, ước mơ của Lê Hữu Thọ trở thành hiện thực.
Trong sân một chi nhánh thị chính Arles tại Salin-de-Giraud, một bức tượng bằng sắt tưởng niệm một người nông dân Việt Nam đã được dựng lên. Bài phát biểu tại buổi lễ của Bertrand Mazel, Chủ tịch Hiệp hội người trồng lúa tại Camargue, thể hiện một cách đầy đủ và súc tích lòng biết ơn tới những đóng góp của những người nông dân Việt Nam tại vùng đất này : “Tới lượt chúng ta có trách nhiệm tưởng niệm những người lao động tới từ Đông Dương trong giai đoạn lịch sử đau thương của nước Pháp. Thực tế là phải công nhận sự mất mát, hy sinh, đau khổ mà họ đã phải trải qua, và phải ghi nhận sự đóng góp bị rơi vào quên lãng của họ. Đúng là ngành nông nghiệp trồng lúa nợ họ rất nhiều vì họ đã tham gia vào việc phát triển ngành này sau Đệ Nhị Thế Chiến. Họ đã truyền cho vùng Camargue kỹ thuật cấy lúa mới mà chúng ta sẽ không bao giờ quên”.

No comments:

Post a Comment