Tôi vào lớp đệ tam B5 CVA năm 1965 trong giai đoạn nhiễu nhương của chính trị thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Lớp B5 của tôi có đặc điểm là tuyển học sinh từ khắp các trường công tư Sài Gòn với điều kiện có bằng Trung học đệ nhất cấp từ hạng Bình thứ trở lên. Cho nên Lớp tôi khoảng 40 đứa đều từ khá đến giỏi. Tôi từ Đệ ngũ Hồ ngọc Cẩn thi nhảy Trung học đệ I cấp, còn các bạn khác từ Hưng Đạo, Nguyễn bá Tòng …
Ngỡ ngàng trong năm đầu, tôi chỉ nhớ tên ông Hiệu Trưởng là thầy Dương minh Kính. Đệ tam nhớ nhất là thầy Dư dạy Anh Văn chỉ vì bài hát “ Silent Night” được thầy dạy trong mùa Giáng sinh 1965. Bài hát tiếng Anh duy nhất đầu tiên và cũng là cuối cùng mà tôi thuộc lòng từ chữ đầu đến chữ cuối, và hát rất nhuyễn. 1965 cũng là thời kỳ học đường Việt Nam chuyển sang lối giáo dục kiểu Mỹ với bộ sách English for Today, với cuộc tranh cử Ban Đại Diện Học Sinh mà tôi nhớ cũng rất hào hứng với nhiều liên danh, các poster vẽ tay treo dán khắp tường. Nếu tôi nhớ không lầm thì liên danh Minh râu thắng cử năm ấy. Thời kỳ này, xe gắn máy Nhật hiệu Suzuki, Yamaha, Honda bắt đầu được nhập vào nên sân trường đã tràn ngập loại xe này, chen lẫn với xe đạp, vélo, mobylette, Puch …
Năm đệ Nhị 1966-1967 lo học túi bụi, cắm đầu cắm cổ vì nếu rớt Tú Tài thì anh đi Trung Sĩ !!! nên tôi không có một ký ức nào đặc biệt ngoại trừ ký ức là sao mà một trường Trung học nổi tiếng nhất nước lại có lối kiến trúc xấu quá, chẳng thể so sánh với Pétrus Ký trên đường Cộng Hòa hay trường Gia Long trên đường Phan thanh Giản. Bên hông đường Ngô Quyền là Nhà Thương, trước mặt đường Minh Mạng là Nhà Thờ, đằng sau trường là khu Gia Binh mà đứng trên lớp tôi có thể nhìn thấy họ nấu ăn … , đi thêm tí nữa thì toàn gặp các ông Ba Tàu Chợ lớn. CVA chẳng được thơ mộng diễm phúc như Võ trường Toản, bên hông là Trưng Vương, trước mặt là Thảo cầm Viên …
Năm đệ Nhất 1967-1968 thì thật đáng nhớ . Đáng nhớ vì chiến sự mỗi ngày một sôi động. Đêm hỏa châu không còn ở những vùng xa xôi hẻo lánh mà đã ngay sát cạnh Sài Gòn. Một đêm tôi đang nằm trên gác học thì hoả tiễn 122 ly của Việt cộng đã rớt xuống chỉ cách nhà tôi trong khu cư xá Chu mạnh Trinh, ngã tư Phú nhuận vài trăm thước, ngay khu xóm chùa rất gần nhà Nhạc sĩ Phạm Duy. Những cậu thư sinh chân yếu tay mềm bắt đầu phải đi Quân sự Học đường, tập tháo ráp súng Garant nặng chình chịch trong sân Vận động lớn nhất nước, sân Cộng Hòa trên đường Nguyễn Kim, quận 10.
Năm này thi Tú Tài 2 rồi, không còn sợ đi Trung sĩ nữa, nhưng phải cố lâý hạng Bình thứ trở lên để đi du học. Cứ hàng đêm nghe tiếng Đại bác dội về Saigon thì lũ học trò chúng tôi chỉ muốn cao bay du học. Năm đệ Nhất, tôi nhớ nhiều là thầy Bạch văn Ngà dạy Toán. Thầy chẳng bao giờ nhìn xuống đám học trò, cứ cắm cúi giải Toán trên bảng đen. Nhưng tôi nhớ nhất vẫn là thầy Huynh dạy môn Triết. Khi còn học đệ Tam đệ Nhị, tôi cứ thắc mắc môn Triết là cái gì trong đầu. Thực là khó hình dung. Toán, Lý Hóa,Vạn vật, Sử Địa thì đã rõ mồn một, nên tôi rất háo hức chờ đợi giờ Triết đầu tiên. Tôi còn nhớ mãi câu đầu thầy Huynh nói vừa bằng tiếng Pháp và tiếng Việt: “ Khoa học thực nghiệm chỉ giải thích định luật vạn vật diễn ra như thế nào, không trả lời được tại sao lại như thế “.(La science non répond aux pourquois mais aux comments). Pháp văn chỉ là sinh ngữ 2 nên tôi dốt lắm. Đại ý thâỳ nói là cuộc chiến đang xảy ra chung quanh chỉ vì Ý thức hệ Triết học. Tôi là học sinh ban B với Toán hệ số 3, Triết hệ số 1 thì chỉ hiểu đến thế. Tuy nhiên tôi vẫn rất thích môn Luận Lý Học với quy trình Phân tích rồi Tổng hợp hay Tổng hợp rồi Phân tích gì đó.
Cái Tết đang huy hoàng của đầu năm 1968 với pháo nổ vang trong đêm Giao thừa, xác pháo đỏ tràn ngập đường phố Saigon (Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là Tết cuối cùng dân Saigon được đốt pháo), đã bất ngờ bị xáo trộn lật ngược khi Cộng sản tổng tấn công. Sáng mùng 2 Tết, khu vực Minh Mạng, Bà Hạt gần trường Chu Văn An là điểm bị Du kích VC tấn công. Việc Cộng quân đánh vào Saigon đã khiến lũ học trò chúng tôi phải nghỉ học, không nhớ rõ là bao lâu, có lẽ cả tháng trời. Tôi nằm nhà xem cảnh truy kích VC trong vùng Chợ lớn trên màn ảnh Truyền hình đen trắng băng tần số 9. Khi tình hình tạm yên ổn, trở lại đi học thì trường đã được dùng làm trại tạm trú cho đồng bào khu vực Minh Mạng, Bà Hạt bị VC đốt cháy nhà cửa. Tôi còn nhớ mãi những lớp học ngắn ngày trên bãi cỏ của ngôi Thánh đường trước mặt trường vì còn lớp đâu mà ngồi !!! Lũ học trò bất hạnh chúng tôi phần lớn phải đi học tư hay tự học ở nhà cho kỳ thi Tú Tài 2 vào tháng 7/68. Năm cuối cùng CVA là năm chúng tôi ít gặp nhau nhất.
Kết quả kỳ thi Tú Tài 2 được niêm yết. Đệ Nhất B5 của tôi có kết quả khá tốt. Không có Ưu hạng, nhưng đậu hạng Bình cũng trên 10 đứa, hạng Bình Thứ trên 50% số còn lại. Chiến tranh đã đưa vài đứa vào trường Võ Bị Sĩ Quan Đà lạt, vào Sĩ quan Hải Quân. Hai thằng vào Kỹ sư Công Chánh, một đứa vào Dược Khoa, một đứa vào Y, một vào Quốc Gia Hành Chánh, hơn 10 đứa đi Du Học, còn lại thì Đại học Khoa học, Luật Khoa ….
40 năm sau, 40 học trò B5 CHU VĂN AN 1965-1968 không biết đang ở đâu nhỉ ? Tôi chỉ gặp được 3 đứa ở Nam California, số còn lại thì ở Đức quốc, Việt Nam hay đâu đó trên trái địa cầu này ???
Một ngày mùa Đông cuối năm 2011 .
Ngô thụy Vũ
Chu văn An 65-68