Friday, September 7, 2012

Vào nhà thương chữa bệnh không hỏi trước chi phí, có ngày vỡ nợ!

Những Ai Có Tài Sản Nên Lưu Ý. Nguoi nao o My nen doc.

Thông thường, khi muốn mua cái xe, sửa ngôi nhà, người ta luôn luôn dọ hỏi giá cả. Vậy mà khi phải vào nhà thương chữa bệnh, mấy ai chịu khó tìm hiểu chi phí sẽ phải trả cho dịch vụ y tế này, để rồi khi nhận được hóa đơn bệnh viện gửi mới “mất vía” vì số tiền nhiều quá mức tưởng tượng!
Bác Sĩ Phạm Ðặng Long Cơ, giám đốc Trung Tâm Y Tế Bolsa. (Hình: Ðinh Quát/Người Việt)
Ðiển hình là câu chuyện của ông Jeffrey Rice được nêu trên tạp chí Reader's Digest số phát hành giữa Tháng Tám, 2012.
Con trai ông Rice cần vào nhà thương để giải phẫu gót chân. Ông gọi cho một bác sĩ chỉnh hình nổi tiếng tại một bệnh viện ở St. Louis tiểu bang Missouri để xin hẹn và nêu một câu hỏi: chi phí bao nhiêu. Câu trả lời: 37 ngàn đô la. Choáng người vì số tiền quá nhiều, ông Rice - bác sĩ quang tuyến và cũng là giám đốc một công ty chuyên giúp khách hàng so sánh giá cả các dịch vụ y tế là Healthcare Blue Book - hỏi vặn lại: nếu là hội viên “network discount” thì có được giảm giá không? Yes, và chi phí giải phẫu tụt xuống còn khoảng từ 15 ngàn đến 25 ngàn đô la. Bác sĩ Rice hỏi vị bác sĩ chỉnh hình, rằng vị bác sĩ này có làm giải phẫu tại một “outpatient center” (trung tâm y tế ngoài bệnh viện) nào không? Câu trả lời là có và giá cả để giải phẫu chân cho cậu con trai của ông Rice chỉ còn $1,515 nếu làm tại “outpatient center” của vị bác sĩ chỉnh hình.
Bác Sĩ Jeffrey Rice nói với phóng viên tờ Reader's Digest “chỉ cần hai ba cú phone, thế là đang từ $37 ngàn, chi phí tụt xuống gần 90% chỉ còn $1,515 mà thôi.”
Giải thích về con số cách biệt lớn lao này, Bác Sĩ Phạm Ðặng Long Cơ, giám đốc Trung Tâm Y Tế Bolsa ở Quận Cam-California nói với Người Việt: “Lúc nào giải phẫu tại outpatient center cũng rẻ hơn tại bệnh viện. Lý do dễ hiểu là vì thành lập một outpatient center ít chi phí và ít phức tạp hơn là một phòng mổ tại bệnh viện, nên giá tính một ca giải phẫu phải rẻ hơn bệnh viện rất nhiều.” Riêng tại outpatient center thuộc Trung Tâm Y Tế Bolsa thì chỉ giới hạn trong một số ca giải phẫu như phụ nữ hiếm muộn, bướu ngực nhỏ, trĩ ngoại, nên chi phí không nặng như các trường hợp giải phẫu lớn ở bệnh viện, Bác Sĩ Cơ cho biết.
Phóng viên báo Reader's Digest tìm gặp ông Murray Askinazi, giám đốc Lawrence Hospital Center ở Bronxville-New York và được ông giải thích, “bệnh viện tính giá một ca giải phẫu dựa trên nhiều yếu tố, gồm tiền mua hoặc thuê máy móc, tiền trang phục cho bác sĩ và y tá phòng mổ, tiền trả cho nhân viên hành chánh, tiền điện, tiền máy lạnh, tiền lau chùi, v.v...”
Theo con số của tổ chức Archives of Internal Medicine công bố vào Tháng Tư vừa qua, một ca mổ cấp cứu đau ruột dư tại 289 trung tâm y tế và bệnh viện ở California là từ 1,529 đô la đến 183 ngàn đô la. Riêng tại Vùng Vịnh San Francisco, giá trung bình một ca mổ ruột dư là 172 ngàn đô la.
Một bác sĩ gốc Việt chuyên khoa giải phẫu hiện đang hành nghề tại Quận Cam - không muốn nêu tên trên báo - nói với Người Việt, đừng quên là bệnh viện buộc phải nhận những bệnh nhân cần cấp cứu mà không có bảo hiểm, hoặc những người không chịu thanh toán chi phí sau khi xuất viện nên các nhà thương phải tính toán sao để “cân bằng những thất thoát đó.” Bác Sĩ Murray Askinazi thì nói thẳng, một phần số tiền thất thu đó, bệnh viện sẽ bù lỗ bằng cách “đổ lên vai những người có bảo hiểm.”
Trả lời phỏng vấn của tờ Reader's Digest, Bác Sĩ Epperly chuyên giải phẫu các bệnh đường ruột nói rằng đừng đổ lỗi cho bác sĩ về những chi phí bệnh viện; vì bác sĩ chỉ làm công việc chuyên môn. “Nhiệm vụ của tôi là luồn một ống soi vào quan sát ruột bệnh nhân và tôi không hề biết là bệnh nhân sẽ phải trả bao nhiêu tiền cho ca mổ,” Bác Sĩ Epperly nói.
Vấn đề là cách nào biết trước chi phí một ca mổ? Kinh nghiệm của Bác Sĩ Jeffrey Rice cho thấy, đừng ngần ngại gọi điện thoại hỏi thẳng bệnh viện về số tiền mà bệnh nhân phải thanh toán. “Nếu bệnh viện không trả lời thì đó là một dấu hiệu là chi phí của họ chắc cao; và sau một vài cú phone dọ giá vài bệnh viện khác nhau, chúng ta đã có thể có câu trả lời,” Bác Sĩ Rice nói.
Tổ chức Healthecare Blue Book cho biết rất nhiều người xem thường khi nhận một hóa đơn bệnh viện; và sau đây là vài lời khuyên của tổ chức này:
Chớ bao giờ quăng hóa đơn bệnh viện vào thùng rác vì thấy số tiền quá lớn; hoặc phớt lờ tránh né không muốn để mắt đến tờ hóa đơn. Coi chừng, Healthecare Bleu Book cảnh cáo, hành xử như vậy có thể bị bệnh viện nhờ “collection agency” đòi tiền và hậu quả là một “thảm họa” (disaster).
The U.S. Department of Health & Human Services có website chỉ dẫn về các tổ chức vô vụ lợi giúp tìm kiếm các cơ quan chính phủ phụ trách bảo hiểm sức khỏe của từng tiểu bang; giúp làm đơn phản bác với tòa án về các hóa đơn “over charge” của bệnh viện; và cung cấp những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền của bệnh nhân.
Các tổ chức khác cũng sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân: Medical Billing Advocates of America, Patient Advocate Foundation, Advocate for Patients with Chronic Illness.
Và cuối cùng, Readder's Digest cảnh báo “ai là những người bị vỡ nợ vì khánh kiện tài sản:
-62% những người vỡ nợ là vì phải bán tài sản để trả chi phí bệnh viện.
-Từ năm 2001 đến 2007, số người vỡ nợ vì phải trả chi phí bệnh viện tăng 50%.
-38% những gia đình bị vỡ nợ, vì trong nhà có người mất việc hoặc xin nghỉ làm nên không có bảo hiểm sức khỏe để trả cho các chi phí bệnh viện.
Vị bác sĩ gốc Việt ở Quận Cam không muốn nêu tên cũng nhắc nhở mọi người cần phải có bảo hiểm sức khỏe; vì có tài sản mà tại lý do nào đó không chịu bỏ tiền mua bảo hiểm sức khỏe thì đến lúc phải vào bệnh viện chữa trị, lúc đó mới thấy cái giá phải trả đắt vô cùng. Ông nhấn mạnh: “Tán gia bại sản, mất nhà, mất cửa như không.”

No comments:

Post a Comment