Tuesday, June 23, 2015

POMPEII - ĐÔ THỊ LA MÃ CỔ ĐẠI BỊ CHÔN VÙI 15 THẾ KỶ



Hôm nay tôi lại đi về miền nam của nước Ý, băng qua thành phố Naples, một thành phố rất sầm uất, hiện đại, ăn chơi khét tiếng qua những câu chuyện về các băng đảng Mafia chuyên bảo kê sòng bài, buôn lậu, vận chuyển ma túy, bắn giết, mãi dâm...Tuy nhiên, chúng tôi đã bỏ qua nơi này, không ghé vào. Chương trình của chúng tôi là hướng đến thị trấn Pompeii, nơi từng có một xã hội ổn định, một nền văn minh rực rỡ của người La Mã cổ đại phát triển tại đây. Theo các tài liệu của địa phương, núi lửa Vesuvius đã phun trào nham thạch vào năm 0079 sau Công Nguyên, cả thị trấn Pompeii đã bị chôn vùi sâu bên dưới lòng đất sâu từ 4 đến 6 mét (13 đến 20 ft). Nham thạch và tro bụi từ ngọn núi lửa đã phun rất cao lên trời và rơi xuống một khối lượng khổng lồ, chôn vùi tất cả sự sống quanh đó, nâng mặt đất xung quanh chân núi cao lên hơn vài mét. Kể từ ấy, lòng đất nơi này đã lưu giữ một câu chuyện cổ với nhiều bí mật và huyền thoại về một đô thị sầm uất từng hiện hữu bên vùng biển Tyrrhenian, rồi bỗng dưng biến đi không để lại một dấu vết nào...
Pompeii nằm im sâu trong lòng đất thật nguyên vẹn đến 1520 năm sau, tức là năm 1599, thành phố của văn minh La Mã cổ đại này mới được người hậu sinh tìm thấy, nhưng chỉ thật sự được khai quật vào năm 1748 do một kỹ sư người Tây Ban Nha, ông Rocque Joaquin de Alcubierre, chịu trách nhiệm.



NGƯỢC GIÒNG LỊCH SỬ
Theo các nhà sử học và khảo cổ, Pompeii từng là một thành phố vô cùng văn minh và giàu có của người La Mã cổ đại. Họ đến và xây dựng thị trấn này từ khoảng 600 đến 700 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Những dấu tích khi khai quật đã cho thấy một nền văn minh thật rực rỡ từng hiện hữu ở đây. Các nhà khảo cổ cùng kết hợp các thí nghiệm khoa học, đã xác định chính xác ngày giờ núi lửa phun trào là 10 giờ sáng, ngày 24 tháng 8, năm 0079. Miệng núi Vesuvius nức ra, sức nóng từ bên trong lòng đất làm chảy khối đá bên trên của ngọn núi, theo sức nóng, nham thạch đã được phun lên cao 33km (20.5 miles) và kết tụ thành những viên bi đá rơi xuống. Hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ những viên bi đá ấy đã từ từ rơi xuống thị trấn Pompeii trong trong nhiều ngày đêm liên tiếp. Một số người dân đã bỏ chạy, nhưng cũng rất nhiều người vẫn ở lại vì không lường được sự nguy hiểm khủng khiếp. Họ không ngờ rằng những viên đá nhỏ ấy cứ mãi tiếp tục rơi không ngừng nghỉ. Rồi vào một buổi sáng, tiếp theo những cơn mưa đá là một luồng không khí cực nóng từ miệng núi lửa đã phun ra bao trùm cả thị trấn, những người dân còn bám trụ lại với nhà cửa tại Pompeii đều chết ngay lập tức. Phổi của họ chứa đầy bụi nóng, da thịt và nội tạng khô đi thật nhanh, những thân xác của các nạn nhân liền được phủ kín, chôn vùi bởi bụi và đá. Cả một thành phố đã được “bảo quản” hàng nhiều thế kỷ bên dưới lòng đất. Một xã hội văn minh, một thương cảng từng hình thành và sinh sống ở đây trên dưới bảy, tám thế kỷ, chỉ trong một thời điểm thật ngắn ngủi vài hôm với thiên tai, đã bị chôn vùi hoàn toàn với những nhà cửa, dinh thự, con người và gia súc... Một số người chạy thoát qua một thị trấn khác, đã bàng hoàng kể lại nỗi thiên tai tại đây, nhưng có ai hiểu cho. Sau đó trời đã lại quang mây tạnh, miệng núi Vesuvius khép lại như chưa từng có gì xảy ra, chiều cao của ngọn núi bỗng thấp hơn (vì một khối lượng đá khổng lồ bị chảy ra, phun lên trời), mặt đất khu vực xung quanh bỗng cao hơn trước khác thường... nhưng chẳng có dấu hiệu gì cho thấy nơi đây từng hiện hữu một xã hội con người. Câu chuyện được các nạn nhân sống sót, mất nhà cửa, mất người thương yêu gào khóc kể lại, nhưng người ta nghe cứ như chuyện hoang đường... Và từ những hoài nghi, cái “hoang đường” ấy trở thành truyện cổ tích. Vài thế hệ sau, không còn ai xác định được chính xác đô thị cổ Pompeii từng hiện hữu ở vị trí nào. Tất cả như chìm vào quên lãng cùng dòng đời bể dâu...thương cảng không còn dấu vết, đất bồi đẩy bãi biển ra xa hơn mấy cây số.... Cho đến cuối thế kỷ XVI, chính quyền địa phương mới xác định có một thị trấn bị chôn vùi bên dưới lòng đất. Và rồi, nền văn minh rực rỡ ấy cuối cùng đã trở về với ánh sáng mặt trời và thế giới loài người vào giữa thế kỷ XVIII. Cả thế giới đã thảng thốt ngạc nhiên vì sự phân bố, quy hoạch trong xây cất cách đây trên 2000 năm đã đạt đến mức độ hoàn chỉnh không khác gì những đô thị hiện đại ngày nay, hoặc nói theo cách khác, quy hoạch đô thị của chúng ta đang sống hiện nay cũng chỉ là những thừa kế từ kiến thức của tiền nhân cổ đại mà thôi.



NGƯỜI LA MÃ CỔ ĐẠI VĂN MINH NHƯ THẾ NÀO?
Đã có một thời, nhân loại từng ngộ nhận các lãnh vực văn minh chúng ta đang nhận hưởng từ tiền nhân ngày nay như toán, vật lý, hóa học, thiên văn, âm nhạc, chữ viết, xây dựng, hội hoạ, triết học... là do người La Mã cổ đại tìm tòi và phát hiện ra. Tuy nhiên, với thời gian, các tài liệu lịch sử cho biết người La Mã cổ đại đã học được, hầu như trọn vẹn từ sau khi họ thống trị đất nước Hy Lạp. Người La Mã đã phát triển xã hội của họ thật rực rỡ từ nền tảng của văn minh Hy Lạp. Ngày hôm nay chúng ta vẫn có thể thấy qua các di tích như đền thờ, cung điện, những tác phẩm điêu khắc, những công trình xây dựng vĩ đại, những bộ lịch được tính toán thật chính xác trong thiên văn, những định luật toán học... Thị trấn Pompeii là một trong những đô thị cổ của nền văn minh La Mã cổ đại. Theo tư liệu của bộ du lịch tại đây, đô thị cổ Pompeii cũng chưa được khai quật trọn vẹn mà chỉ mới 40% diện tích được đào xới và phô bày với nhân loại ngày nay. Khoảng 60% diện tích của đô thị cổ đại vẫn còn nằm sâu bên trong lòng đất, đang được các nham thạch đá rắn chắn và khô ráo bảo quản. Có thể rồi vài trăm năm, vài ngàn năm sau, các thế hệ con cháu sẽ có những phương pháp khảo cổ, khai quật tối tân, tinh vi và ít bị hư hại hơn, sẽ lại tiếp tục công việc tìm về quá khứ và lịch sử này.

Pompeii, cũng như các cổ thành ở khắp nơi trên thế giới, có tường thành kiên cố bằng đá tảng bao quanh bảo vệ với sáu cổng vào. Một dấu hiệu mà tôi cho là rõ nhất trong quy hoạch đô thị của nền văn minh Hy Lạp – La Mã là một rạp hát bằng đá gọi là Amphitheatre, một sân vận động có hồ bơi, một quảng trường thoáng rộng để dân chúng họp mặt luôn luôn hiện hữu như một điều kiện bắt buộc. Các rạp hát cổ xưa và rạp hát ngày nay không khác nhau mấy về hình thức và bố cục. Tất cả đều được xây theo hình vòng tròn hoặc vòng cung. Các dãy ghế được cưa, đẽo, khắc bằng đá, xếp từ thấp đến cao. Toàn cảnh những rạp hát này trông như một cái tô, sân khấu biểu diễn là đáy tô, còn ghế ngồi của khán giả được xếp từ thấp đến cao xung quanh như vành tô. Khi đến Madrid ở Tây Ban Nha, tôi còn thấy nhiều rạp hát cổ của người La Mã có đường hầm đi ra giữa khu vực biểu diễn, mục đích cho các nghệ sĩ, các lực sĩ tranh tài hay các con thú trình diễn có thể xuất hiện gây bất ngờ cho khán giả. Cổ nhân cách đây nhiều ngàn năm đã tính toán sao cho âm thanh vang vọng lồng lộng vào vách đá xung quanh để khán giả ngồi ở đâu cũng có thể nghe được những âm thanh rất trung thực. Khán giả có thể nghe được người biểu diễn nói, đàn, hát một cách rõ ràng. Người xưa không có loa và âm thanh điện tử mà vẫn có thể trình diễn cho hàng ngàn khán giả nghe rõ mồn một. Khi ở Hy Lạp, tôi cũng đã từng đến thăm một rạp hát cổ trên 3500 năm thật khổng lồ với hơn 13 000 chỗ ngồi. Khi ca sĩ đứng vào một vị trí nhất định trên sân khấu và cất tiếng hát không có loa điện tử hỗ trợ, âm thanh nghe thật sắc sảo đã vang dội thật bất ngờ lên tất cả các hàng ghế khán giả xung quanh, nhưng nếu ca sĩ bước ra khỏi cái ô đó thì không còn nghe rõ nữa. Tôi đã ôm đầu vì không biết người thời nay tân tiến hơn hay người cổ đại mới thật sự là những con người thông minh (?). Thành phố Pompeii, đã có một Grand Theatre thật quy mô 5000 chỗ ngồi, ước chừng đã được xây từ 200 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Hiện nay những hàng ghế bằng đá trên các nấc thang từ thấp tới cao vẫn còn nguyên, tuy nhiên các chi tiết trang trí mỹ thuật, chạm trổ đã không còn nữa.
Đi sâu hơn chút nữa là những con đường lát đá cẩm thạch vẫn còn nguyên vẹn và hệ thống dẫn nước thật hoàn hảo. Tôi cảm thấy chạnh lòng khi được biết người La Mã cổ đại ở đây đã từng có hai hệ thống nhận và thoát nước riêng biệt. Họ nhận nước sạch từ các mạch nước, dòng suối từ trên núi chảy xuống và họ thải nước bẩn theo một lối dẫn khác ra hồ chứa nhân tạo. Không có sự nhập nhằng giữa nước sạch và nước thải. Lúc ấy, tôi chỉ muốn đưa tay lên miệng, tự cắn mình một cái thật đau, cho khỏi cảm giác chua xót, vì ở quê hương Việt Nam của tôi hiện nay, người dân vẫn còn sử dụng nước dùng và nước thải trên cùng một nguồn nước, cùng một dòng sông; mà nên nhớ, đây là hai thời đại sống cách nhau 2000 năm.... Người hướng dẫn viên lại chỉ cho tôi xem những căn nhà còn sót lại ở một con đường từng là phố thị. Dấu vết của các bệ đá bày hàng, bếp lò của nhà hàng sát ngay cửa ra vào tại mặt tiền cũng giống như cách các nhà hàng thời thượng vừa nấu nướng vừa cho người qua lại đứng xem. Bảng hiệu được ghi bằng tiếng Latin với tên của cửa tiệm và tên của chủ nhân. Đi ngang qua một căn nhà hai tầng, tôi thấy rõ đường ống thoát nước thải cầu tiêu của một toilet xây trên tầng thứ hai của căn nhà, nhìn tựa như máng xối của chúng ta ngày nay và được nắn bằng đất nung. Vào khu vực dân cư, từng căn nhà được phân chia rõ với phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp. Bệ nấu ăn trong nhà bếp cũng cao vừa ngang tầm đứng của người nội trợ, nồi được làm từ đất sét nung, các muỗng, thìa được làm bằng kim loại, vì màu hen gỉ, tôi không biết kim loại đó được nung rèn bằng sắt hay bằng đồng...


CON NGƯỜI CỔ ĐẠI TỪNG BIẾT LÀM DU LỊCH VỚI KHÁCH SẠN VÀ CẢ THANH LÂU
Trong đô thị này có cả một nhà trọ với quầy tiếp tân được xây bằng đá vẫn còn nguyên vẹn giống như các quầy reception hiện nay ở các khách sạn, tiếp sau đó là dấu vết của những căn phòng nhỏ. Một điều thú vị mà tôi và những du khách tham quan đã bật cười khi bước vào một căn nhà được giới thiệu là “thanh lâu”, nằm đối diện “khách sạn”. Có lẽ nơi đây được xây lên và họ “ăn theo” cái “khách sạn” kia để buôn hương, bán phấn. Căn “thanh lâu” này có tám phòng rất nhỏ, mỗi phòng có một cửa sổ và một bệ đá. Trên tường vẫn còn rõ nét các bức họa vẽ cảnh những đôi trai gái đang hành lạc mây mưa. Cuối dãy của “thanh lâu” có một căn phòng dùng làm phòng tắm rửa và toilet, được che chắn bởi một bức tường đá. Đây là dãy nhà ít bị hư hao nhất trong toàn cổ thành Pompeii, cho nên chúng tôi không được phép mở đèn máy chụp hình vì ánh sáng có thể làm phai màu các bức tranh vẽ trên tường. Dấu tích của căn“thanh lâu” cổ này cho thấy mãi dâm là một nghề rất xưa, đã có từ thời cổ đại.



AI LÀ NHỮNG NẠN NHÂN BỊ CHÔN VÙI?
Theo các chứng tích của khảo cổ, nham thạch từ núi lửa được phun cao lên trời, rơi xuống như một cơn mưa, từ từ chôn vùi cả thành phố. Khi những nhà khảo cổ đào sâu vào những căn nhà, họ bắt gặp nhiều xác đàn ông, đàn bà và gia súc đã hóa đá. Vì không ngờ cơn mưa đá cứ rơi mãi, nên nhiều người đã chọn ở lại, một số gia đình giàu có cũng cho các nô lệ ở lại giữ nhà. Dấu vết để biết được một nô lệ là vành đai bằng sắt đeo ngang bụng. Đây là một loại “cùm cố định” để nhận biết một người nô lệ, cái “cùm” đi theo họ suốt đời, nếu họ có trốn cũng sẽ dễ dàng bị nhận ra, sẽ bị bắt trở lại. Tôi thấy có một xác đàn bà đã hóa thạch trong tư thế ngồi, hai bàn tay che mặt và mũi, rồi những xác khác là nô lệ đàn ông té ngửa ra trong tư thế đau đớn, trên bụng vẫn còn nguyên vành đai sắt. Nghe nói khi đào khảo cổ, người ta còn phát hiện những lỗ bộng trong đá mang hình dáng con người và cả gia súc. Lý do vì những thân xác ấy đã bị tiêu hủy. Các nhà khoa học đã bơm thạch cao vào những khoảng rỗng trong đá ấy để cho ra những thân xác con người, thú vật, tất cả đều ở trong tư thế hoảng sợ cho thấy họ chết không bình an. 



TRỞ VỀ VỚI HIỆN TẠI
Vì câu chuyện xảy ra quá lâu, đã mấy ngàn năm trong lịch sử, nên tôi không bị hoảng sợ khi nhìn các xác chết hóa thạch, nhưng cảm giác khâm phục, ngạc nhiên khi chứng kiến cổ nhân đã từng có đời sống vô cùng văn minh hơn chúng ta tưởng. Ở thời kỳ này, nhiều nơi trên thế giới còn sống hoang sơ theo từng bộ lạc, chưa có quần áo mặc, ngủ trong hang hoặc trên cây, chỉ biết săn bắt và nướng thịt trên lửa...thì ở Pompeii đã có những quy hoạch như một khuôn mẫu của đô thị hiện đại ngày nay với tiệm rượu, quán ăn, cửa hàng, khách sạn, những biệt thự nguy nga bằng đá cẩm thạch, có mạch nước ngầm phun lên được sử dụng như vòi nước công cộng trong khu phố, tư gia có cả toilet xây trên lầu, có lò bánh mì trong bếp, có nồi và tô chén bằng đất nung, có muỗng thìa bằng kim loại vô cùng mỹ thuật... Được biết chỉ mới 40% của Pompeii được khai quật và tôi cũng phải mất gần bốn tiếng đồng hồ để đi được chỉ hơn một nửa của khu vực này.

Ngày xưa, khi chưa có dịp tận mắt ngắm nhìn những di tích khảo cổ cổ đại, tôi vẫn tưởng kiến trúc và xây dựng ngày nay là do con người hiện đại nghĩ ra. Tuy nhiên khi được tận mắt xem các di tích, các công trình nguy nga cổ đại, tôi mới biết tất cả những giá trị văn minh chúng ta đang sử dụng ngày hôm nay đều đến từ những ý tưởng và kiến thức của tiền nhân cổ xưa, bắt nguồn từ nền văn hóa khởi thủy Hy Lạp và La Mã. Trở ra khỏi cổ thành, nhìn những lều bạt thô sơ bày bán hàng lưu niệm bên ngoài, nhìn cảnh một bà du khách đang mua rất nhiều quà lưu niệm, bà này và người bán hàng phải cầm máy tính bấm đi bấm lại các bài toán cộng trừ đơn giản... tôi mỉm cười khi chợt nghĩ: cả một thành phố kiên cố, văn minh rực rỡ sau lưng tôi đã được người xưa dùng toán học rất phức tạp tính toán...còn con người chúng ta hôm nay, mấy ai trong chúng ta còn có thể giải được những bài toán cộng, trừ, nhân, chia nhiều số thập phân, hay các phương trình toán phức tạp mà hoàn toàn không dùng đến máy tính như người xưa nữa? 

Tôn Thất Hùng

No comments:

Post a Comment