Tuesday, June 29, 2021

Ở ĐỜI, CHIẾN THẮNG KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ, GIÚP NGƯỜI KHÁC CHIẾN THẮNG MỚI LÀ THÀNH CÔNG LỚN NHẤT - Lý Minh

Tại một cuộc thi Thế Vận hội đặc biệt tổ chức tại Seattle dành cho những người khuyết tật, có 9 vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần tham gia. Họ cùng tập trung trước vạch xuất phát để tranh tài trong cuộc thi chạy cự ly 100 mét.

Mặc dù là những người không lành lặn nhưng ai cũng mang trong mình sự lạc quan và tinh thần thi đấu hết mình. Khi tiếng súng nổ báo hiệu cuộc thi bắt đầu, cả 9 vận động viên hăng hái và nỗ lực chạy về phía trước.

Trong khi 8 người khác đã đặt những bước chân đầu tiên trên đường đua với quyết tâm chiến thắng, một cậu bé vẫn còn loay hoay ở khu vực gần vạch xuất phát, bởi vì cậu liên tục bị vấp ngã và sau đó ngã khụy xuống.

Đầu gối của cậu đập mạnh xuống đường, da của cậu bị trầy xước và rớm máu. Cuối cùng cậu bé bật khóc.

Ngay khi nghe tiếng khóc, cả 8 người cùng giảm tốc độ chạy và nhìn lại phía sau. Nhìn thấy người bạn của mình đang chịu đau đớn phía cuối đường, không ai nói với ai, họ đồng loạt quay trở lại phía vạch xuất phát.

Một cô gái bị bệnh Down ngồi xuống cạnh cậu bé, đặt tay lên chỗ vết thương của cậu rồi từ từ thổi vào chỗ da bị trầy xước để làm dịu đi sự đau rát. Những người khác ngồi xung quanh, ánh mắt họ tỏ rõ sự lo lắng và tất cả sự tập trung của họ dồn cả vào cậu bé.
Sau một lúc, cô gái mỉm cười và dịu dàng hỏi: “Em đã thấy đỡ hơn chưa?”. 

Đến lúc này, cậu bé đưa tay lau những dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt và gật đầu nhìn tất cả mọi người. Rồi cả 9 người khoác vai nhau, dìu dắt nhau cùng bước về đích.

Chứng kiến khung cảnh ấy, tất cả khán giả đều đứng lên và đồng loạt vỗ tay. Đó là một cuộc thi chưa từng xảy ra, vì đó là cuộc thi không có đối thủ.

Cuộc đua ấy chỉ có đồng đội, có ý chí sẵn sàng thi đấu và tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau hết mình. Cuộc thi đó có 9 vận động viên tham gia, và cả 9 người đều trở thành những nhà vô địch.

Điều họ vượt qua không phải là quãng đường 100 mét, điều họ chiến thắng không phải là những đối thủ trong cuộc thi, điều họ đạt được cũng không phải tấm huy chương vàng.

Thành công ngày hôm đó của họ chính là giúp mọi người nhận ra: Điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là thắng cuộc mà là giúp người khác cùng vươn lên. Cũng như vậy, chiến thắng không phải là tất cả, giúp đỡ người khác chiến thắng mới làm nên giá trị đích thực của mỗi người

Trong đám đông hôm đó, có những giọt nước mắt xúc động, có cả những nụ cười cảm phục. Câu chuyện ấy đã được mọi người lưu truyền lại mãi về sau, đồng thời coi đó là tấm gương để nhìn lại chính mình nếu một ngày nào đó họ lạc bước trong sự bon chen, tranh đấu của xã hội.

Có thể giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh ấy, có thể cùng người khác tiến lên mà không vì cái danh lợi của bản thân ràng buộc, có thể bỏ qua những được mất tạm bợ mà đưa bàn tay giúp đỡ người khác, cưu mang người khác khi họ gặp khó khăn, đó quả là những người có lòng vị tha cao cả.

Victor Hugo, nhà văn nổi tiếng của nước Pháp đã từng nói: “Trên thế giới, thứ rộng lớn nhất là đại dương, nhưng thứ rộng lớn hơn đại dương lại là bầu trời. Mà thứ rộng lớn hơn cả bầu trời lại chính là lòng người”.

Điều đó có nghĩa rằng lòng người là thứ rộng lớn và bao la nhất trên thế gian. Bởi vì bản chất nguyên sơ của con người chính là Thiện, là bao dung, độ lượng, từ bi. Cái Thiện trong bản chất của con người cũng chính là cái Thiện bắt nguồn từ đặc tính tối cao của vũ trụ: “Chân – Thiện – Nhẫn”.

Lòng người là thứ rộng lớn và bao la nhất trên thế gian 

Chính vì thế, người khoan dung, lương thiện là người hạnh phúc và có cuộc sống vô cùng thư thái. Bởi vì lương thiện nên trái tim luôn rộng mở, có thể dùng sự chân thành để đối xử với tất cả mọi người, kể cả những người xa lạ

Họ đối với giàu và nghèo, được và mất, danh tiếng và quyền lực đều không một chút bận tâm, lo lắng. Bởi điều quan trọng nhất trong cuộc sống của họ là giúp đỡ người khác, nghĩ cho người khác trước khi nghĩ tới bản thân mình.

Những người khoan dung luôn dựa vào cái tâm chân chính của mình mà sống. Vì không chú trọng tới lợi ích cá nhân nên cũng không có tranh giành, ganh đua.

Họ hiểu rằng có thể giúp đỡ người khác cũng là đang giúp đỡ chính mình, mang đến cho người sự bình an và nụ cười hạnh phúc cũng chính là mang đến cho cuộc đời mình hạnh phúc và bình an vĩnh hằng. Họ hiểu rằng cho đi tức là còn mãi.

Monday, June 21, 2021

MỘT CÂU CHUYỆN THẬT CẢM ĐỘNG…

      Sáng nào cũng thấy thằng nhỏ cầm cái lon đứng chầu chực trước quán ăn. Tôi để mắt theo dõi thì hễ thấy thực khách vừa kêu tính tiền thì thằng bé chạy vào nhìn vào những cái tô, nếu còn thức ăn dư mứa thì nó vội vã trút vào cái lon rồi chạy ra ngoài đứng ngóng tiếp. 

Khi cái lon gần đầy thì nó biến mất, chập sau thấy nó lại có mặt thập thò trước quán tiếp tục. Bàn tôi ngồi thì đứa bé không bao giờ quan tâm tới, vì mỗi sáng tôi chỉ đủ tiền uống 1 ly xây chừng vì tôi cũng nghèo cải tạo mới về sáng nhịn đói ngồi uống cà phê đen như một cái thú hay một cái tật không bỏ được. 

Cứ thế, mà hơn một năm tôi mới quen được và tìm hiểu chút ít về hoàn cảnh gia đình của đứa bé. Tôi cố tình làm quen với thằng bé nhờ hôm ấy trời mưa, thằng bé đứng nép vào trong quán. Thằng bé đứng nép vào ngày càng sâu hơn trong quán vì mưa ngày càng lớn chỉ cách tôi chừng độ nửa thước. Tôi vói tay kéo nó ngồi xuống bàn và hỏi nó có thích uống cà phê không? 

Thằng bé lắc đầu lia lịa và nói không uống. Tôi hỏi nó làm gì ngày nào cũng ra đây? và hiện sống với ai? Thằng bé như đoán được rằng: tôi chỉ là người khách ghiền cà phê nặng nên hàng ngày đóng đô ở đây nên nó cũng trả lời nhanh nhẹn rằng:

– “Con sống với ba má con, Ba con đi làm xa còn Má con đi phụ buôn bán ở ngoài chợ…”

Tôi hỏi tiếp:

– “Còn con có đi học không ?”

Thằng bé nói:

– “Con không có đi học… con ở nhà phụ với má nuôi heo…”. 

Đó là lý do để nói lên sự hiện diện hằng ngày của nó nơi quán ăn nầy. Nghe thằng bé nói như thế, tôi nói với chị chủ quán ăn giúp cho nó lấy những cơm và thức ăn thừa, và cũng từ đó nó không còn đứng lúp ló ngoài cửa quán nửa. Và nhờ tánh tình hiền hậu thật thà chị chủ quán cho nó vô phụ dọn bàn đề lấy thức ăn dư mang về và cho nó ăn uống để phụ việc. Từ đó tôi và nó gần gũi nhau hơn và thân với nhau lắm. 

Có lần thằng bé hỏi tôi:

– “Chú làm nghề gì vậy hả chú?”

Tôi chỉ trả lời ngắn gọn là “Chú đang làm thinh”. 

Đúng vậy mới cải tạo về mà, vợ con thì đã theo bên ngoại vượt biển hết rồi, nghe đâu đã định cư bên Úc, nay về ở với mẹ già ngày 1 buổi cà phê hai bữa cơm độn qua ngày. Thời gian ngột ngạt chậm chạp trôi qua, may mắn vợ chồng tôi đã bắt liên lạc được với nhau. Thế là những bữa cơm không còn ăn độn khoai củ hay bo bo nữa nhưng vẫn quen cử sáng cà phê quán gần nhà. 

Không biết chị chủ quán có bỏ bùa mê hay tôi ghiền chổ ngồi mà không bữa nào vắng tôi. Một hôm, tôi đề nghị theo thằng bé về nhà nó chơi cho biết vì nó nói ở cũng gần không xa lắm. Thấy nó do dự và tỏ vẻ sợ sệt, tôi biết ngay nó đang dấu diếm điều gì. 

Thương nó lắm, tôi dúi tiền cho nó hoài. Mấy hôm sau tôi lẳng lặng đi theo nó khi nó mang cơm và thức ăn dư về nhà buổi trưa. Khi thấy nó lủi vô một cái chòi nhỏ xíu thì tôi thật sự không ngờ. Đứng dưới gốc cây Gòn cách nhà nó không xa tôi thầm nghĩ, nhà chút xíu như vậy gia đình 3 người ở thì chỗ đâu mà nuôi heo. Tôi đang đứng suy nghĩ đốt cũng hết mấy điếu thuốc thì thằng nhỏ lục tục xách lon xách nồi đi ra quán để thu dọn thức ăn buổi chiều. 

Đợi thằng bé đi khuất tôi lò mò đến nơi mà hồi nãy nó vào. Đến đó mới nhìn rõ thì thật ra đâu có phải là nhà, một lõm trống được che dựng lên bằng những phế liệu đủ loại muốn chui vào phải khom mọp xuống. Nghe thấy có tiếng chân dừng lại, có tiếng đàn bà vọng ra hỏi. Tôi trả lời là đi kiếm thằng Tuất, thì nghe giọng đàn ông cho biết nó vừa đi khỏi rồi, và hỏi tôi là ai, mời tôi vào…. Vừa khom người chui vào tôi mới thật sự không ngờ những gì hiển hiện trước mắt tôi. 

Người đàn ông hốc hác cụt hai giò tuổi cũng trạc tôi nhưng trông yếu đuối, lam lũ và khắc khổ lắm. Một người đàn bà bệnh hoạn xác xơ cả hai đang ăn những thức ăn thừa mà thằng bé vừa mới đem về. Vừa bàng hoàng, vừa cảm động vừa xót xa, nước mắt tôi bất chợt tuôn rơi mặc dù tôi cố nén… 

Từ đó, tôi hiểu rõ về người phế binh sức tàn lực kiệt sống bên người vợ thủy chung tần tảo nuôi chồng bao năm nay giờ mang bịnh ác tính nặng nề thật đau xót. Tôi móc hết tiền trong túi biếu tặng và cáo lui. Về đến nhà tôi vẫn mãi ám ảnh hoàn cảnh bi thương của gia đình thằng bé mà tôi bỏ cơm nguyên cả ngày luôn. 

Sáng hôm sau ra uống cà phê, thằng bé gặp tôi nó lấm lét không dám nhìn tôi vì nó đã biết trưa hôm qua tôi có tới nhà nó. Nó thì tỏ vẻ sợ tôi, nhưng tôi thực sự vừa thương vừa nể phục nó nhiều lắm. Tôi kêu nó lại và nói nhỏ với nó tại sao không cho tôi biết.

  Tội nghiệp nó cúi đầu im lặng làm lòng tôi thêm nỗi xót xa. Có khách kêu trả tiền, như có cơ hội né tránh tôi nó chạy đi dọn bàn và tiếp tục công việc thu dọn thức ăn. Hèn gì sau nầy nó để thức ăn dư phân loại đàng hoàng lắm. Tội nghiệp hoàn cảnh của thằng bé mới mấy tuổi đầu mà vất vả nuôi cha mẹ theo khả năng chỉ tới đó. Cha là một phế binh cũ trước 75 cụt hai chân, mẹ thì bị bệnh gan nặng bụng phình trướng to khủng khiếp và cặp chân sưng vù lên đi đứng thật khó khăn, nước da thì vàng mét như nghệ. Thằng bé là lao động chánh trong gia đình, nó có hiếu lắm. Từ đó tôi thường cho tiền đứa bé mua bánh mì cơm gạo về nuôi cha mẹ. 

Vợ tôi làm thủ tục bảo lãnh tôi sang Úc. Ngày tôi đi tôi đau xót phải để lại hai nỗi buồn đó là để mẹ và em gái lại quê nhà và không còn cơ hội giúp đỡ thằng bé nữa. Sang Úc định cư, tôi sống tại tiểu bang Victoria mấy năm đầu tôi hết sức cơ cực vì phải vật lộn với cuộc sống mới nơi đất mới và đối với tôi tất cả đều mới mẻ và xa lạ quá. Từ ngôn ngữ đến thời tiết đã làm tôi lao đao không ít. Thỉnh thoảng tôi gởi tiền về nuôi mẹ và em gái không quên dặn em gái tôi chuyển cho thằng bé chút ít gọi là chút tình phương xa.

Mấy năm sau tôi về thăm gia đình, tôi có ghé tìm thằng bé thì nó không còn lấy thức ăn trong quán đó nữa. Tôi mới kể rõ hoàn cảnh thằng bé cho chị chủ quán biết. Chị chủ quán đôi mắt đỏ hoe trách tôi sao không cho chị biết sớm để chị tìm cách giúp gia đình nó. Tôi chỉ bào chữa rằng tại thằng bé muốn giấu không cho ai biết! Tôi ghé vội qua nhà thằng bé thì mới hay mẹ nó đã qua đời vì căn bệnh ung thư gan. 

Chỉ còn chèo queo một mình ba nó ở trần nằm một góc trông hết sức thương tâm. Hỏi thăm thì mới biết nó đã xin được việc làm đi phụ hồ kiếm tiền về nuôi cha. Chúa nhật tôi tới tìm thằng bé, chỉ mới có mấy năm mà nó đã cao lớn thành thanh niên rất đẹp trai duy chỉ đen đúa vì phơi nắng để kiếm đồng tiền. Tôi dẫn nó trở ra quán cà phê cũ, thấy nó hơi ái ngại, tôi trấn an là bà chủ quán tốt lắm tại không biết được hoàn cảnh gia đình nó. Ra đến quán ăn chị chủ quán năn nỉ nó về làm với chị, dọn dẹp và bưng thức ăn cho khách nhẹ nhàng hơn đi phụ hồ và chị sẽ trả lương như đang lãnh bên phụ hồ, tối về thức ăn thường bán không hết chị cho đem về nhà dùng khỏi phải mua hay đi chợ. Lần đầu tiên tôi thấy nó khóc, chị chủ quán cũng khóc theo làm tôi phải đứng dậy bỏ ra ngoài để khỏi phải rơi nước mắt vì chịu không nỗi. 

Thằng Tuất vừa khóc vừa nói: “Sao ai cũng tốt với gia đình con hết đó, nhưng vì con đang làm phụ hồ cho anh Năm, anh ấy cũng tốt lắm giúp đỡ gia đình con nhiều lắm, sáng nào cũng mua cho ba con gói xôi hay bánh mì trước khi tụi con đi làm. Con cũng mang ơn ảnh nhiều nên con không thể nghỉ được, con xin lổi”. Không biết thằng Tuất nó nói thật hay nó ái ngại khi quay về chỗ mà ngày nào cũng cầm cái lon chầu chực trút đồ ăn dư về nuôi cha mẹ. Phải thông cảm nó, phải hiểu cho nó, phải cho nó có cái hiện tại và tương lai tốt hơn, đẹp hơn ngày trước. Chị chủ quán vừa gạt nước mắt vừa nói “Bất cứ lúc nào con cần đến cô thì con đừng ngại, cho cô biết nhé”… 

Đời này cũng còn có những hoàn cảnh bi đát ít ai biết đến, và cũng có những đứa con xứng đáng như thằng Tuất. Ngày về lại Úc, tôi đến biếu hai cha con nó hai triệu đồng, thấy nó và ba nó mừng lắm tôi cũng vui lây. Không biết phải giúp gia đình nó như thế nào, tôi chụp hình ba nó, photo giấy tờ ba nó đem về Úc gởi cho Hội cứu trợ thương phế binh bị quên lãng trụ sở ở Sydney. Mấy tháng sau nhận được thư ba thằng Tuất viết qua, ông quá vui mừng khi được Hội bên Úc giúp đỡ gởi tiền về, ông cho biết suốt bao nhiêu năm qua lần đầu tiên ông thấy được niềm hạnh phúc khi cuộc đời phế binh của ông còn có người nhớ đến. Không biết ông ấy vui bao nhiêu mà chính tôi cũng hết sức vui mừng khi thực hiện một việc làm đem niềm vui đến cho những người phế binh sống hết sức đói nghèo bên quê mẹ. 

Tôi xin cảm ơn cả hai: người chiến sĩ vô danh sống trong hẩm hiu và Hội cứu trợ thương phế binh đã thể hiện tình người trong công việc hết sức cao cả này. 

Tác giả: Minh Tạo

Friday, June 18, 2021

Paul Anka- Papa / Ba Tôi - Mặc Lâm

Ba tôi
Mặc Lâm
Cứ mỗi lần nghe Paul Anka cất tiếng hát bài Papa là tim tôi lại đau thắt. Lời bài hát thật ra không giống chút nào với hoàn cảnh của cha con tôi nhưng giai điệu và bóng dáng người cha lom khom trong tiềm thức luôn làm tôi xao động tâm can khi nghĩ về những tháng ngày mà hai cha con vui vẻ lẫn buồn bã bên nhau.
Khi còn là một chú chim non trong mái trường trung học có lần tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy ba đứng nép một bên cửa sổ lớp nghe tôi thuyết trình bài văn “Tiêu sơn tráng sĩ” trong giờ kim văn. Hình ảnh của ba như chất xúc tác khiến tôi tự tin hơn khi miêu tả nhân vật của Khái Hưng một cách trọn vẹn và kết quả năm đó nhóm của tôi được phần thưởng hạng nhất. Tôi mang những cuốn sách được lãnh giải về nhà và ba là người cười nhiều nhất hôm ấy. Mặc dù giá trị của phần thưởng không lớn nhưng thái độ của ba là phần thưởng lớn nhất đầu đời của tôi khi nhận được ánh mắt sáng lên hạnh phúc từ ba.
Khi tôi lớn lên một chút thì cũng là lúc ba già đi một chút. Cả hai cha con không nhận ra điều ấy bởi sự khăng khít ngày một nhiều hơn. Ba thích uống rượu và nhâm nhi những món ăn dân dã, nhất là các món đặc sản như chuột đồng, rắn rít... Ban đầu tôi cũng ngại ngùng nhưng quen dần với hương vị đồng quê của món ăn tôi đã tự tay làm những món mà trước đó không hề nghĩ là nó ngon như vậy. Tôi nấu, ba ngồi chờ với ly rượu trắng trên tay, ba kể không biết bao nhiêu là chuyện ăn nhậu cũng như những nhân vật mà ba từng quen biết, hai ba con tôi trôi dần với thời gian và một lúc tôi nhận ra ba là người bạn nhậu đầu tiên trong cuộc đời của tôi mặc dù lúc ấy tôi chưa hề dám cụng ly với ba mà chỉ rón rén hớp những giọt rượu cay chát đầu đời với ba.
Sau 1975, cũng như mọi gia đình khác chúng tôi lâm vào bế tắc, ba đã già và mái ấm nhỏ bé của chúng tôi thỉnh thoảng được ba ghé thăm. Có một lúc ba sống với mấy anh chị trong rẩy và lâu lâu ra thị trấn thăm tôi và các cháu.
Tôi rất trông ngóng mỗi lần biết ba về. Thường hai cha con sẽ ghé một cái quán cóc nào đó để nghe ba kể chuyện trong rẩy cũng như ba nghe tôi kể chuyện làm ăn ngoài này. Hai ba con uống rất ít nhưng thời gian thường kéo dài cho tới khi bà chủ quán nhắc khéo mới rời quán về nhà. Tôi biết ba không muốn xa tôi khi vào ở với các anh chị bởi tôi là con út, cho tới một ngày ba xuất hiện trước sân nhà, tay cầm chiếc túi lát và nheo mắt cười với tôi: Ba về ở luôn với tụi con.
Tôi có lo lắng một chút vì chưa kịp chuẩn bị trong lúc cả nhà vẫn đang vật lộn với miếng ăn, nhưng sáng hôm sau tôi nhận ra rằng cái mà ba mang về cho tổ ấm nho nhỏ của chúng tôi nhiều hơn là những gì tôi lo lắng không mang lại được cho ba.
Ba mang về cái tổ bé con của gia đình chúng tôi những tiếng cười sảng khoái, những ánh mắt yêu thương và nhất là những che chở tuy vô hình nhưng bàng bạc khắp nhà. Ba tỉ mẩn từng chút khi bồng cháu, ba cõng đứa nhỏ, dắt đứa lớn đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật, ba nối liền tiếng “ông nội” từ những chiêc miệng tròn vo của cháu và ba đã mở rộng cánh cửa hạnh phúc trong gia đình chúng tôi.
Lúc ấy cả nhà sống bằng cách sơn xe đạp. Những chiếc sườn xe cũ mèm được cạo lớp sơn tơi tả và phủ lên một lớp sơn mới. Ba dành phần cạo sơn, tuy không nặng nhọc nhưng rất tốn công. Tôi nhìn ba cạo những lớp sơn một cách khó khăn nhưng bất lực không thể thay đổi ý định của ba muốn giúp chúng tôi trong những ngày ba sống chung.
Một buổi sáng nhiều mây xám, gió vần vũ trong cái chợ chồm hổm nghèo nàn nơi chúng tôi sống ba đã gục xuống trên chiếc sườn xe đạp sau khi uống cafe về. Tôi theo ba tới nhà thương và một ngày sau đưa ba về trên chiếc xe lam, bây giờ ba đã trở thành thi hài.
Dọc đường tôi không thể khóc, trí óc đông đặc và khô quánh. Tôi không tin ba mình ra đi nhẹ nhàng mà nhanh chóng như thế.
Hình ảnh và nụ cười của ba tiếp tục sống trong mái ấm nhỏ bé của chúng tôi. Mỗi lần con cái phạm lỗi tôi bắt chước ba xoa đầu và nheo mắt cười với chúng…Tôi nhớ ba và nhìn ba qua mỗi đứa con, bởi tôi biết chỉ có chúng mới làm cho hình ảnh ba lung linh trong trí nhớ của tôi.
Gia đình tôi hòa nhập vào một thói quen mới sau khi sang Mỹ. Ngày Father’s Day trở thành quen thuộc hàng năm. Tôi thường nhắc các con cái ngày này không phải dành cho mình sự kính trọng, biết ơn mà thâm tâm tôi muốn chúng nhớ tới ông nội, người chỉ nheo mắt cười mỗi khi cha chúng phạm lỗi.
Chúa Nhật này tôi lại gọi các con tụ tập để nhớ ba, qua chúng, tôi trở thành đứa con bé nhỏ và không bao giờ già…
Mặc Lâm

Wednesday, June 16, 2021

Mẹ Việt Nam Ơi Các Con Vẫn Còn Đây - Thơ Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn - Nguyễn Ánh 9 Phổ Nhạc - Ca Đoàn Melbourne Australia

 

Mẹ Việt Nam Ơi! Chúng Con Vẫn Còn Đây. 
Liên Ca-Đoàn công giáo Melbourne.
Captured by Y.N Pro


Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây...
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây...
Mang giòng họ của Lê Lý Nguyễn Trần
Mẹ dưỡng nuôi con giòng sữa Bắc Trung Nam
Con của Mẹ đều một giống da vàng
Quyết một lòng diệt hết lũ tham tàn

Trên đầu voi rạng ngời vung ánh thép
Gái Triệu Trưng bồ liễu chống xâm lăng
Hé môi cười nghe tiếng sóng Bạch Đằng
Con Hưng Đạo như Rồng Tiên vùng vẫy
Vượt Trường Sơn, Nguyễn Huệ, Bắc Bình Vương
Quyết một lòng đi giữ vững quê hương
Và còn nữa con của Mẹ toàn danh tướng
Lòng Mẹ vui hãnh diện với đàn con....

Nhưng Mẹ ơi giờ đây sao Mẹ khóc ?
Hai vai gầy run rẩy nát tâm can
Mẹ lòng đau thương xót cảnh lầm than
Áo nâu nghèo Mẹ rách để phơi thân
Một đàn con rồi quên ơn Mẹ nuôi dưỡng
Súng đạn cày tan nát luống quê hương
Mẹ lòng đau thương xót cảnh lầm than
Xót xa nhiều phương Bắc chiếm phương Nam

Nhưng Mẹ ơi Mẹ đừng than khóc nữa !
Vì chúng con tuổi trẻ vẫn còn đây
Chúng con nguyện cùng ra sức đắp xây
Quê hương mình trong TỰ DO ấm no
Xin Mẹ yêu Mẹ đừng than khóc nữa !
Vì chúng con mười bảy triệu vẫn còn đây
Chúng con nguyện cùng ra sức đắp xây
Chúng con nguyện đi dựng lại Quê hương

Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây...
Không phản bội giòng sữa thơm nuôi đưỡng
Chúng con nguyện đi dựng lại Quê hương
Mẹ Viet Nam ơi.. Mẹ Viet Nam ơi... Mẹ Viet Nam ơi...

Monday, June 14, 2021

Eva Perón Đàn bà dễ có mấy tay. - EVITA Don't cry for me Argentina

15 tuổi chìm nổi chốn lầu xanh, 27 tuổi thành đệ nhất phu nhân, cô đã làm gì để cả dân tộc phải ngưỡng mộ?
Từ một cô gái đến bước đường cùng, chìm nổi trong chốn phong trần, về sau trở thành đệ nhất phu nhân Argentina, bà chỉ sống đến 33 tuổi nhưng lại viết nên một trang sử huyền thoại.
Tháng ngày chìm nổi
Bà chính là Eva Perón, còn được biết đến với cái tên Evita, có một xuất thân nghèo khổ. Toàn bộ tuổi thơ của bà bị bao phủ trong màn đêm đen kịt.
Mẹ của Evita là người phụ nữ Argentina truyền thống, sống bằng nghề may vá, lại yêu say đắm một chủ trang trại đã có gia đình, còn sinh cho ông ấy 5 người con. Bà những tưởng người đàn ông từng nói lên những lời thề son sắt này sẽ chăm lo cho mẹ con bà cả đời, không ngờ trong một lần cãi vã, người đàn ông nhẫn tâm này đã bỏ nhà ra đi ngay khi Evita còn trong tã lót, và từ đó không bao giờ quay lại nữa.
Vì để nuôi sống mấy đứa con, mẹ bà đã ngày đêm làm việc cật lực. “Trong hồi ức tuổi thơ của tôi, tiếng máy may hầu như chưa bao giờ dứt quãng”, Evita từng hồi tưởng lại.
Nghèo khổ, túng quẫn trong thời gian dài, 5 chị em Evita bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Evita gầy còm, yếu ớt, bị người ta đặt cho biệt danh là “cô bé còi”.
Không có được tình thương và sự che chở của người cha, bà cùng với anh chị em thường phải chịu sự chế giễu của những bạn bè cùng trang lứa, bị miệt thị là “đồ con hoang”… Dù vậy, mẹ của bà vẫn yêu say đắm người đàn ông đó, thậm chí khi hay tin ông ấy mất, còn dẫn theo các con đến viếng tang.
Không ngờ, khi đến nơi, mấy mẹ con bị người ta đuổi thẳng mặt, ngay đến nhìn mặt người quá cố lần cuối cũng không có tư cách. Ngay lúc đó, Evita đã thề rằng: “Tôi sẽ trở thành một người khiến tất cả phải nhìn bằng con mắt khác”.
Những người có mặt lúc đó, gồm cả mẹ bà đều cho rằng đây chỉ là lời nói bồng bột, ngây thơ nhất thời của một đứa trẻ, một đứa con riêng không có gia thế, làm sao nó có thể trở thành “nhân vật lớn” được đây?
Hiện thực dù sao cũng không giống như trong chuyện cổ tích, dù cho bạn có được dung mạo trời ban thì cũng không có ai bằng lòng giúp bạn vô điều kiện. Trong làng quê hẻo lánh cách biệt này, người duy nhất mà cô có thể dựa dẫm chỉ có bản thân mình mà thôi.
Năm Evita 15 tuổi, ca sĩ Agustín Magaldi đến quê bà biểu diễn. Gặp người đàn ông này, Evita dường như đã thấy được niềm hy vọng của cuộc đời mình. Suốt 15 năm qua, Evita đã chịu đủ mọi miệt thị khinh miệt, cô khao khát mong được nhìn thấy thế giới bên ngoài, càng muốn có được quyền bình đẳng: “Dù phải trả bất cứ giá nào, tôi cũng muốn rời khỏi nơi này”.
Người đàn ông đó cũng đồng ý dẫn cô đến thủ đô, nhưng ra điều kiện rằng Evita phải bằng lòng dâng hiến thân thể của mình.
Evita ngây thơ, hồn nhiên của tuổi 15 đã chấp thuận điều kiện đó để bản thân mình có được chỗ dựa dẫm từ người đàn ông đáng tuổi cha mình, mong sao từ đây có thể thay đổi vận mệnh. Nhưng chính điều này lại bắt đầu cơn ác mộng của cô. Chẳng bao lâu, Magaldi đã không còn hứng thú với cô nữa, ông ấy đã ruồng bỏ Evita để đi tìm kiếm thú vui khác.
Ở nơi đô thị phồn hoa đắt đỏ, không có lấy một người thân thích, bản thân bị lừa, trong lúc tuyệt vọng lại không có bất cứ kỹ năng sinh tồn nào.
Vì để sống sót, Evita đành phải bán nhan sắc và thân thể của mình để kiếm kế mưu sinh. Cô thường xuyên lui tới các nhà hát, quán bar. Những thương nhân, sĩ quan, đạo diễn… chỉ cần bỏ tiền là đều mua được nhan sắc thanh xuân của cô.
Bước ngoặt cuộc đời
Evita cứ như vậy đã chìm đắm trong vòng xoáy phồn hoa. Nếu không gặp được Juan Perón, có thể cô sẽ giống như biết bao kỹ nữ khác: “Một mai xuân tận hồng nhan già, hoa tàn người khuất chẳng ai hay“.
Cuộc gặp gỡ giữa hai người họ hệt như được vận mệnh an bài. Trong một buổi tiệc, Thượng tá Juan Perón đàm luận hùng hồn trong phòng khách, mạnh mẽ lên án môi trường chính trị hiện thời, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lan rộng, thái độ hờ hững của những người giàu mà bất nhân, phê phán mạnh mẽ thói tham lam vô độ của họ.
Những tân khách có mặt ở hội trường chỉ trả lời một cách khách sáo “vâng, vâng, vâng” để ứng phó. Mọi người đều không chút động lòng, chỉ có Evita ở đằng xa để tâm đến. Chỉ có bà, người đã sa ngã đắm chìm trong phóng túng, đồi trụy một cách không tự biết bỗng nhiên nước mắt chảy ướt cả khuôn mặt.
Bà tin rằng đây mới chính là người đàn ông thực sự của đời mình. Đó là người đó có thể cứu vớt dân nghèo khổ của Argentina. Lau khô nước mắt, đè nén tâm tình kích động, bà từng bước từng bước đi về phía Đại Tá, nở nụ cười chân thành.
Bà nói với Đại Tá Perón rằng: “Cảm ơn sự có mặt của ngài“. Hai người vốn là người của hai thế giới khác nhau, cứ như vậy bởi tâm ý tương đồng mà đến với nhau, bắt đầu tình yêu công khai.
Tin này vừa mới truyền ra, ngay lập tức đã dấy lên một làn sóng lớn trong xã hội thượng lưu ở Argentina. Một kỹ nữ, một người đàn bà phóng đãng không biết liêm sỉ, làm sao có thể bước chân vào xã hội thượng lưu được?
Dưới quan niệm bảo thủ thời bấy giờ, sự kết hợp của hai người họ, chẳng khác chi một đòn nặng của xã hội tầng thấp đánh vào tầng lớp quý tộc. Evita mới đầu cảm thấy e ngại, cô sợ Perón sẽ chê bai mình bởi những lỗi lầm mưu sinh ngày trước.
Những lúc ở một mình cùng Perón, bà thường chủ động kể hết cho ông nghe về toàn bộ những gì mà bà đã trải qua từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Nào ngờ Peron căn bản không chút quan tâm, nghe bà kể xong, ông đưa tay vuốt nhẹ mái tóc của bà, nói rằng: “Em lúc trẻ đã phải chịu nhiều đau khổ như vậy, đó vốn không phải là lỗi của em. Anh sẽ giúp em quên đi mọi đau khổ trước đây“.
Ông đã nắm tay đưa bà đến khắp các buổi tiệc tùng và gặp mặt. Tuy cũng là ăn mặc gọn gàng, hào nhoáng sang trọng, nhưng so với những phụ nữ quý tộc sống trong nhung lụa thì Evita quả là khác xa.
Bà thường tới thăm nơi ở của dân nghèo, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, thân thiết bắt tay trò chuyện với người nghèo và lắng nghe những câu chuyện cuộc đời họ.
Bởi đã thật sự trải qua đủ mọi bất hạnh trong đời, bà muốn thay đổi tất cả những điều này. Tất cả mọi người đều bị người phụ nữ dịu dàng này chinh phục. Thân ở địa vị cao sang nhưng cử chỉ của bà lại vô cùng nhã nhặn. Bà thật sự từ đáy lòng mình, quan tâm đến nỗi khổ của người dân nghèo.
Dân chúng Argentina, ai ai cũng biết đến danh tiếng của hai vợ chồng Perón. Nhưng thành công của đôi “nhân tình chính trị” ngọt ngào này lại chọc giận phe phản đối trong nước.
Tình hình trong nước vô cùng rối ren, bạo lực và cải cách không ngừng diễn ra. Perón bị nhà cầm quyền tống vào ngục giam. Evita trong lúc khẩn cấp ấy vẫn không hề hoang mang, bà đã dùng hết vốn liếng đi khắp nơi tranh cử, kêu gọi sự ủng hộ của người dân.
Bà nói: “Bởi tôi cũng đã từng giống như mọi người, vậy nên tôi hiểu được nỗi khổ của mọi người!“.
“Nỗi khổ của mọi người, bản thân tôi đã từng nếm trải qua. Nghèo khó của mọi người, bản thân tôi cũng đã từng trải qua. Perón đã từng cứu vớt tôi, và sẽ cứu vớt mọi người.
Perón sẽ ủng hộ những người nghèo, yêu thương những người nghèo, nếu không phải như vậy, sao ông ấy lại yêu thương tôi như vậy?“.
Lời diễn thuyết của bà đã cảm hóa được vô số người dân nghèo đang trong cảnh thất nghiệp và tràn đầy oán hận. Hơn 300 nghìn người dân xuống đường phố, lớn tiếng hô lên: “Hãy trả lại tự do cho Perón, hãy trả lại tự do cho Perón“. Trong khoảng thời gian 5 ngày, nhà cầm quyền không chịu đựng nổi áp lực to lớn ấy, đành phải thả Perón từ trong tù ra.
Việc làm đầu tiên sau khi Perón ra tù chính là ôm thật chặt người vợ của mình, và lập tức chính thức cầu hôn bà. Lúc đầu ông kinh ngạc và ấn tượng bởi vẻ đẹp và dũng khí của Evita, cuối cùng lại bị tấm lòng chân thành và cứng rắn của bà chinh phục.
Một di sản tinh thần đáng ngưỡng mộ
Thoáng chốc đã sang năm thứ hai, Perón đắc cử trở thành Tổng thống, Evita nghiễm nhiên đã trở thành đệ nhất phu nhân, khi đó bà chỉ mới 27 tuổi.
Từ một đứa con riêng của người đàn bà may vá chịu đủ mọi lời giễu cợt, đến vũ nữ lâm vào bước đường chìm nổi trong chốn phong trần, rồi trở thành đệ nhất phu nhân Argentina, sau 20 năm bà đã thực hiện được lời thề ngày trẻ mà mọi người cho là bồng bột nhảm nhí.
Sau khi kết hôn không bao lâu, Evita tự cảm thấy bản thân phải hoàn thành những trách nhiệm trọng đại của mình, không dám trễ nại phút nào. Bà vừa mưu cầu phúc lợi cho người dân nghèo, trẻ nhỏ cùng người già, vừa bôn ba theo đuổi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Bà còn thành lập hội ngân sách “đệ nhất phu nhân” và trung tâm cứu trợ những người nghèo khổ, đã giúp đỡ vô số những người dân nghèo khổ.
Có một lần, chỉ trong thời gian 48 giờ đồng hồ, bà đã liên tục lên bục diễn thuyết 7 lần. Bác sĩ cố gắng khuyên bà hãy chú ý nghỉ ngơi, bà lại tự hào trả lời rằng: “Tôi nguyện hiến dâng sinh mệnh của mình cho những người nghèo khổ“.
Tuy nhiên ông trời đã không có cho bà quá nhiều thời gian, ngày 9/1/1949, Evita đã ngất xỉu ngay trong lúc đang cắt băng khánh thành. Bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư cổ tử cung, cũng tương đương với việc bà đã bị tuyên án tử hình.
Trên giường bệnh, bà vẫn kiên trì làm việc. Dưới sự cố gắng của Evita, tất cả phụ nữ Argentina đều được quyền bỏ phiếu bầu cử. Bà ngày càng mệt mỏi đến cực điểm, chỉ có thể dựa vào cái giá làm từ khung kim loại giữ cho thân thể thăng bằng.
8h 25 phút tối ngày 26/7/1949, bà gọi Perón đến bên cạnh, nói khẽ với ông rằng: “Cả một đời này của em, chỉ những lúc ốm đau mới chảy nước mắt, ‘cô bé còi’ không gắng gượng thêm được nữa, em phải đi rồi!“. Năm đó, bà mới 33 tuổi.
Trong đêm đó, truyền hình Argentina nghẹn ngào tuyên bố với người dân cả nước: “Linh hồn của đất nước chúng ta, người lãnh đạo tinh thần của dân tộc chúng ta đã qua đời rồi“.
Hôm diễn ra tang lễ, hơn 700 nghìn người dân cả nước đã đến thủ đô đưa tiễn bông hồng vĩnh hằng của lòng họ, có người khóc ngất ngay nơi hiện trường, có người ra sức chen lên phía trước chỉ để trao nụ hôn lên quan tài của bà.
33 tuổi, cuộc đời của Evita đã kết thúc, nhưng huyền thoại về bà vẫn sẽ luôn sống mãi. Trước đêm kỷ niệm tròn 60 năm ngày mất của bà, tờ tiền giấy kỷ niệm mệnh giá 100 đồng của Argentina đã được phát hành, chân dung in trên mặt của tờ tiền chính là Evita. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên xuất hiện trên tờ tiền giấy của Argentina.
“Sở dĩ chúng ta lựa chọn phu nhân của Tổng thống Juan Perón, không phải bởi vì bà ấy là bậc thánh nhân, cũng không phải bởi bà ấy chưa từng phạm phải sai lầm, mà bởi bà ấy là một người khiêm nhường và bác ái.
Một người phụ nữ mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng tầng thấp, dù cho bà ấy đã từng sa ngã, nhưng bà ấy vẫn là một thiên thần“.
Hoa hồng dù có rực rỡ hơn nữa, cũng sẽ có ngày khô héo, nhưng điều khiến Evita sống mãi trong lòng người Argentina chính là những giá trị nhân văn sâu sắc mà một đời bà theo đuổi. Cho đến nay, “Evita” vẫn là cái tên được đông đảo người dân Argentina ưa chuộng nhất khi đặt tên cho con gái của mình.

Saturday, June 12, 2021

Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH lên tiếng về “trò đùa” xây Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị - Bài đăng và phản hồi


Hình ghép từ lá thư “Bản Lên Tiếng” với ảnh chụp tại buổi tiệc gây quỹ cho tượng đài tại San Jose ngày 25 tháng 4, 2021.


Dưới đây là nguyên văn “Bản Lên Tiếng Về Việc Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị” được Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Miền Nam California gởi đến Nhật Báo Viễn Đông sáng thứ Năm, ngày 10 tháng 6, 2021.

*

Kính gởi:

- Quý vị Lãnh Đạo tinh thần các Tôn Giáo,

- Quý Niên Trưởng, quý Chiến Hữu và gia đình

- Quý Đại Diện các Hội Đoàn, Đoàn Thể và các Hội Đồng Hương

- Cùng toàn thể Đồng Hương tỵ nạn tại Hải Ngoại và các Bạn Trẻ thuộc thế hệ Hậu Duệ.

Thưa quý vị,

Bao tháng qua, chúng tôi luôn được hỏi, cũng như bị hỏi, về việc Thành Phố Westminster chuẩn bị xây Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị trong khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.

Là những người cư ngụ trong vùng Nam California, lúc đầu, chúng tôi cứ nghĩ đây chỉ là trò đùa của trẻ nít chớ làm gì có việc xây cất mà mình không biết cũng như không được thông báo qua các hệ thống truyền thông, báo chí.

Nhưng đó là sự thật!

Sau khi tìm hiểu cũng như tiếp nhận phản ứng từ các nơi gởi về, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ chúng tôi đã có phiên họp và đưa tới quyết định như sau:

1) Chúng tôi không chống đối việc xây dựng Tượng Đài này, vì nó là một biểu tượng lịch sử trong công cuộc bảo vệ miền Nam của Quân Dân Cán Chính VNCH.

2) Chúng tôi phản đối và không chấp nhận:

- Thành phần nhân sự trong Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài (UBXDTĐ) và Gây Quỹ. Với vai trò là Thị Trưởng của Thành Phố, nơi sẽ được xây Tượng Đài, mà chỉ là Thành viên của Ủy Ban, dưới sự “sai bảo” của những nhân vật, không mấy được ưa chuộng trong thời gian qua của Cộng Đồng Tỵ Nạn có địa danh là Little Sàigòn.

- Trong Website của UBXDTĐ có cho biết đã mời gọi các Hội Đoàn Quân Đội tham gia (?), nhưng sự thật, việc xây dựng này được quyết định từ tháng 8/2020, cho mãi đến tháng 12/2020 mới được phổ biến ở các nơi xa trong khi tại Little Sàigòn, không ai được hay biết gì.

- Cái không đúng đắn nhất, khi một thành viên trong Ủy Ban “được” đồng hương cho biết đã từng về Việt Nam, được bọn cộng sản tiếp đón (có hình ảnh) v.v., được ông Luật Sư trong Ủy Ban viết bài tường trình để biện hộ, thay vì cá nhân đó phải làm cho chính mình! Tại sao???

Việc xây dựng các Tượng Đài, không phải là đề tài mới lạ gì đối với đồng hương, không chỉ ở Nam California, mà ở khắp nơi có người Việt sinh sống. Nhưng lần này, chúng tôi cảm thấy có cái gì đó không được suôn sẻ, hay sạch sẽ, nên đành phải đứng ngoài.

Điều đáng buồn là thiên hạ lại lợi dụng xương máu của anh em mình, của đồng bào mình để trong tương lai, vài chục năm sau, họ lại được tuyên dương “chiến tích.”

Trân trọng.

Little SaiGon, ngày 09 tháng 6 năm 2021

TM. Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California

Chủ Tịch.

Tần Nam

Coalition Of The Republic Of Vietnam Veteran Associations In Southern California

Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Miền Nam California

14101 Roxanne Dr.  Westminster  CA  92683

Phone: (714) 878-5528  E.mail: dongde4311@yahoo.com

Nguồn Viễn Đông Daily 

Phản hồi của độc giả 

 

Văn Lê đã nói: Rất đồng ý và thông cảm với bản lên tiếng của Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH
Quang Việt đã nói: Buồn khi đọc bai Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH kên tiếng về Xây Dựng Cổ Thành Quảng Trị. Hậu Duệ xây dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị để vinh danh Chiến Sĩ VNCH mà Liên Hội mang danh xưng Cựu Chiến Sĩ tự nhận mình đứng ngoài không làm gi cả nay lại phê bình tiêu cực. Trong cuộc sống xây dựng thì khó mà đả phá thì dễ, mong Liên Hội nên rút lại Bản Lên Tiếng và gia nhập Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị để chứng tỏ mính bao dung và không phụ lòng chiền sĩ thật sự đã nằm xuống để chúng ta được sống đến ngày hôn nay. Trân trọng và đa tạ Quang Việt
Dân quân Cam đã nói: Đọc lá thư biết trình độ của tác giả ,vớ vẩn !
Little Saigon đã nói: Lá thư nhảm nhí !
Góp y đã nói: Cứ kêu gọi đoàn kết nhưng rồi vạch lá tìm sâu bắt bẻ ! Dẹp cái “TÔI “ đi
mike nguyen đã nói: Sao la the? Doc tin tren bao truoc day. Hom lam le dong tho co rat nhieu hoi doan va lanh tu, chu tich den tham du co ca ten ong Tan Nam nay ma ??? Gio lai len tieng to lung tung. Little Saigon tai Nam Ca co lam anh DỐT nhung thich lam chu tich, lanh tu ken cua tranh chap tung hoa mu lan nhau chang ra sao ca. Dung la cac ten "Bat Nhao". Nam 1975 giac chua toi cong thanh cung nhau xach quan ma chay luu vong ra hai ngoai tu xung anh hung, lanh tu, chu tich....lam tro he cho bon Cong San VN... mieng cu ho hao "Quang phuc que huong. Tam thi dam sau lung lan nhau" Dung la mot lu hen. Nhuc oi la nhuc. Lam cho cac the he nguoi Viet luu vong noi hai ngoai tu tu lanh xa cac hoat dong cua cha ong tai Little SG nay.!!!!

Ái Vân giữa Sài Gòn hoa lệ sau 30-4-1975 Do chính Ái Vân tự thuật

Tháng 4.1975, khi đang học năm thứ 2 Nhạc viện Hà Nội, tôi được thầy Nguyễn Văn Thương nhắn lên phòng giám hiệu: “Bên đài truyền hình cần bổ sung xướng ngôn viên để vào tiếp quản Sài Gòn vì bên ấy thiếu người quá. Ông Tố Hữu đề nghị chọn Ái Vân”. Sáng sớm 29.4.1975, chiếc xe “pa” chuyển bánh từ trụ sở Ban Tin tức Đài tiếng nói VN trực chỉ Sài Gòn.

Một Sài Gòn khác

Ở Hà Nội nhỏ bé xinh xinh, vào Sài Gòn thấy ngợp. Ra chợ Bến Thành thấy người dân khác hẳn. Lúc đó người Sài Gòn không dám ăn diện như trước, nhưng vẫn thấy sự khá giả trên những bộ đồ họ mặc. Họ đón nhận mình với thái độ vui mừng một cách gượng gạo, có phần nghi ngại.

Dân Sài Gòn thấy ai từ bắc vào đều gọi là bộ đội. “Bộ đội” truyền hình ca nhạc cô nào cũng coi được, mấy bà mấy cô cứ xúm lại mấy chị em xuýt xoa: “Bộ đội mà sao da trắng bóc hà?”. Nhiều người còn cầm tay tôi ngạc nhiên bảo: “Cô này bộ đội nè, sao móng tay và bàn tay trắng trẻo và nõn nà thế”.

Tôi mua vài thứ lặt vặt, đưa tiền ngoài bắc, cô bán hàng tính ra 1 đồng ăn 1.000 đồng tiền Sài Gòn, cả chợ ồ lên nói: “Trời, tiền ngoài bắc còn giá trị hơn tiền dollar à”. Cô bán hàng nói: “Em chờ chút để qua đổi tiền thối nha”. Tôi cãi: “Không, tiền em không “thối” đâu ạ”.

Trước đây cứ nghe nói đồng bào miền Nam “bị Mỹ ngụy kìm kẹp” khổ lắm, rất cần sự giúp đỡ từ miền Bắc, cứ hình dung dân Sài Gòn đói khổ lắm. Mới vào Sài Gòn tôi rất ngỡ ngàng. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc, trang điểm, đi lại, ăn nói nhẹ nhàng; chỉ cần ra chợ mua gì cũng có câu cảm ơn và túi ni lông đựng đồ đủ biết mình không cùng đẳng cấp văn minh với người ta rồi. Biết mình bị ngộ nhận với thông tin lệch lạc.

Theo địa chỉ ba cho từ ngoài bắc, tôi tìm đến nhà cô Hà Thị Tuyết, ở nhà gọi là cô Cả, là chị lớn của ba. Khi đến thăm cô Cả, cô sinh viên nghèo Ái Vân cũng mang biếu gia đình chút quà từ tiêu chuẩn ăn của mình. Con dâu trưởng của cô Cả hỏi: “Cô mang cho chúng tôi quà gì thế?”. Tôi trịnh trọng vừa mở bọc ni lông vừa nói: “Em biếu gia đình 2 cân gạo ạ, chắc nhà mình cũng đang cần”.

Ối giời, cả nhà cười nghiêng ngả: “Giời ạ. Lại mang gạo cứu trợ cho chúng tôi nữa cơ đấy. Khổ thân em”. Rồi chị dắt tôi tới mở thùng gạo to tướng bằng nhựa, bên trong đầy ắp gạo, thứ gạo trắng muốt và thơm phức, nõn nà.Bây giờ tôi mới để ý trong nhà ngoài ti vi, tủ lạnh, còn có máy giặt và nhiều thứ lạ lẫm khác cho thấy một cuộc sống rất tiện nghi, không thể có bất kỳ nhà nào ở miền Bắc tại thời điểm đấy, dù là nhà ông Thủ tướng.“

Thay lốt

Dần dần tôi gặp rất nhiều văn nghệ sĩ ngoài bắc vào. Gặp nhau ở Sài Gòn vui hơn tết. Mới biết Bộ Văn hóa phát lệnh “Tổng tiến công” bằng 7 đoàn văn hóa nghệ thuật tiến vào nam trên một chiếc tàu thủy. Những ngày đầu ở Sài Gòn tôi có dịp được gặp nghệ sĩ Kim Cương và ông xã. Ở chị Kim Cương toát lên vẻ duyên dáng, tự tin, sang trọng mà không kiêu kỳ, ngược lại rất ân cần và điềm đạm. Vợ chồng chị Kim Cương cũng cho tôi đi gặp vợ chồng anh chị Lý Quí Chung. Chị vợ anh Lý Quí Chung cứ nhìn tôi, cái nhìn là lạ. Về nhà chị Chi, con gái cô Cả, tôi vui chuyện kể lại. Chị Chi cười, nói: “Cô xem cô mặc bộ đồ kỳ vậy, cái quần chó táp 7 ngày không tới ai mà không lạ”.“

Để tui thay lốt cho cô”, chị Chi nói và kéo tôi ra chợ Bến Thành chọn vải rồi về tiệm, đo người xong, chị bảo sẽ may gấp, hẹn hai, ba ngày sau sẽ đến lấy. Thử quần áo, vừa in. Một bộ áo chẽn trắng sọc xanh da trời nhạt, quần ống loe vải gin xanh nội hóa, bộ kia cũng kiểu như vậy nhưng tone màu hồng sắc tím.

Nhìn trong gương như thấy một người nào khác, văn minh, cao ráo và “lên chân kính” hẳn. Tiện thể, chị Chi lấy chiếc kính râm to bản đang để trên bàn bảo tôi mang vào luôn. Chị Chi hãnh diện nhìn “tác phẩm” của chị, bảo: “Đẹp lắm, bây giờ thì đúng là con gái Sài Gòn rồi”. Nói xong chị gói luôn bộ quần áo ka ki tôi mặc bỏ vào chiếc túi.

Tôi mặc bộ đồ mới ra đường, rất khoái chí. Về đến nơi vừa đúng lúc đang họp đoàn, cô Bích Hường đang phát biểu cái gì vẻ căng lắm. Vừa thấy tôi hớn hở bước vào, cô nói: “Có những đồng chí vừa mới vào Sài Gòn được mấy bữa mà đã biến chất, thay đổi từ đầu đến chân, chưa gì đã áo chẽn, quần loe, mang kính râm to bản, thí dụ như đồng chí Ái Vân”.

Ối giời, con bé choáng váng rụng rời, ngay sau đó vội vàng giấu ngay “tang vật”. Buồn cười là những người phê phán “đồng chí Ái Vân” mấy tuần sau chính họ cũng kính râm to bản, một số quần loe, chân đi guốc “gộc”, một số thì áo dài thướt tha, phóng xe Honda chạy vù vù khắp Sài Gòn.

Còn “đồng chí biến chất” này suốt mấy tháng còn lại trong Sài Gòn đành diện bộ đồ “chó táp 7 ngày không tới”.

Ái Vân  

Câu chuyện Nhân Bản

Lời phi lộ :
Mời các ACE bốn trời hảy đọc bài này để Nhận ra mình và các nước mình từng sống , bài này rất ngắn 

- Vào bài : 
Kami-Shirataki là tên của nhà ga tàu hỏa nằm ở một vùng quê hẻo lánh thuộc phía Bắc Hokkaido, Nhật Bản. 

Năm 2013, Tổng Công ty Đường sắt Nhật Bản (Japan Railway) đã quyết định đóng cửa nhà ga này vì vị trí địa lý không thuận tiện cho hoạt động của các đoàn tàu chở hàng. 

Tuy nhiên việc thi hành đã được tạm hoãn sau khi người ta phát hiện ra có một nữ sinh vẫn đến nhà ga để đón tàu đi học mỗi ngày.

Trong suốt 3 năm qua, nhà ga Kami-Shirataki đã được duy trì hoạt động chỉ để phục vụ duy nhất nữ sinh đặc biệt ấy. 

Mỗi ngày chỉ có 2 đoàn tàu dừng lại ở ga theo đúng giờ đi học và về nhà của cô bé. 

Vào ngày 23/6/2016 vừa qua, vị hành khách này đã chính thức tốt nghiệp trường THPT và đó cũng là ngày ga Kami-Shirataki ngừng hoạt động vĩnh viễn.

Câu chuyện cảm động ga tàu duy trì hoạt động chỉ để chở duy nhất một nữ sinh đi học đã nhanh chóng lan tỏa một lần nữa khiến cả thế giới ngưỡng mộ, thán phục đất nước và con người Nhật Bản.

Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia luôn tuân theo những nguyên tắc, quy định vô cùng chặt chẽ và rất hiếm khi có ngoại lệ. 

Đối với họ, đó là chìa khóa để bảo đảm cho xã hội đi vào quy củ và hoạt động hiệu quả. 
Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng, nguyên tắc được sinh ra để phục vụ chứ không phải trói buộc con người. 
Vậy nên, người dân Nhật Bản luôn nguyện ý thực hiện và sống theo những quy định, chuẩn mực của xã hội, mà có thể với nhiều quốc gia khác chúng là những nguyên tắc “nghẹt thở”. 
Và chính phủ cũng sẵn sàng loại bỏ những nguyên tắc để phục vụ tốt nhất cho mỗi từng công dân của đất nước mình. 

Những điều đó đều xuất phát từ văn hóa “nghĩ cho người khác” đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi con người xứ sở hoa anh đào, để ngày nay chúng ta được nghe những câu chuyện nhân văn và giàu tình người như vậy.

( Sưu tầm )
Thân mến
TQĐ