(GS Lịch sử tại Đại học San Diego, Mỹ)
* Tôi nghĩ hiệp định là một sự kiện cực kỳ quan trọng trong lịch sử Chiến tranh VN. Hệ quả chính của hiệp định là đưa lực lượng chiến đấu cuối cùng của Mỹ ra khỏi miền Nam VN và sau đó cũng dẫn đến việc chấm dứt các hành động thù địch của Mỹ chống lại Bắc VN. Vì vậy trên thực tế, Hiệp định Paris đặt dấu chấm hết cho cái gọi là cuộc chiến tranh của Mỹ ở VN. Và tôi nghĩ ở cấp độ đó, nó rất, rất quan trọng.
Nhưng đồng thời tôi không nghĩ chúng ta nên phóng đại tầm quan trọng của nó bởi vì đối với chính người VN, hiệp định này không thay đổi gì mấy theo nghĩa là mặc dù người Mỹ đã rời đi, cuộc nội chiến ở VN bắt đầu vào năm 1945 vẫn chưa kết thúc. Đó là một trong những lý do tại sao Hiệp định Paris chưa bao giờ thực sự có cơ hội mang lại một nền hòa bình lâu dài và sau này bị vi phạm và phá vỡ bởi cả miền Bắc lẫn miền Nam chỉ trong vài tuần sau khi được ký kết.
* Hiệp định Paris thực sự là sản phẩm của sự mệt mỏi vì chiến tranh ở cả phía Mỹ và Bắc VN. Và điều quan trọng cần hiểu là đây là một thỏa thuận về cơ bản gạt Việt Nam Cộng Hòa khỏi tiến trình đàm phán. Hiệp định Paris sau này được ký bởi miền Bắc, miền Nam và Mỹ. Nhưng điều chúng ta cần ghi nhớ là, chính xác là trong tiến trình đàm phán bí mật và riêng tư, VNCH đã bị Mỹ và Bắc VN gạt ra ngoài một cách có chủ đích. Vì vậy, về căn bản đây là một thỏa thuận giữa Washington và Hà Nội. Và điều thực sự đưa tới thỏa thuận này là sự mệt mỏi vì chiến tranh ở phía Mỹ và giới lãnh đạo Bắc VN sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân.
Vào đầu cuộc chiến, cả hai bên đều tự tin vào khả năng của mình chiến thắng kẻ thù. Nhưng rồi đến năm 1968-1969, cả Hà Nội và Washington đều nhận ra rằng kiểu thắng lợi mà họ hi vọng đạt được là rất khó xảy ra. Về phía Mỹ, Nixon cho rằng một thắng lợi như vậy là hoàn toàn không thực tế. Về phía Hà Nội, họ nhận ra sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân rằng việc giành được cái gọi là thắng lợi toàn diện có lẽ là bất khả dĩ. Và tôi nghĩ rằng những nhận thức này là yếu tố chính mà cuối cùng thúc đẩy Hà Nội và Washington bắt đầu nỗ lực hướng tới một sự dàn xếp thông qua thương thuyết.
Nhưng đối với tôi, đây không phải là một thỏa thuận cho thấy chiến thắng của bên này hay bên kia. Thỏa thuận này là sản phẩm của hoàn cảnh và cụ thể đó là sản phẩm của sự mệt mỏi vì chiến tranh của cả Washington và Hà Nội. Tôi nghĩ cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân là một bước ngoặt lớn. Nhưng một bước ngoặt thực sự quan trọng khác là cuộc tiến công mùa xuân năm 1972 (thường được biết tới với tên gọi ‘Mùa hè đỏ lửa’). Điều lạ là chúng ta luôn coi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân là sự kiện lớn nhưng theo nhiều cách, cuộc tiến công mùa xuân 1972 là một chiến dịch thậm chí còn lớn hơn. Và giống như Tết Mậu Thân, về mặt quân sự, đó là một thảm họa đối với Hà Nội.
Hà Nội thua to trong cuộc tiến công mùa xuân, nhưng Mỹ và VNCH cũng chịu nhiều tổn thất. Đối với phía Mỹ, nó rất tổn hại về mặt chính trị vì nó dẫn đến việc tái tục ném bom miền Bắc VN vốn luôn bị phản đối. Và việc tái tục ném bom làm cho phong trào phản chiến càng bùng lên thêm. Vì thế, dù Hà Nội liểng xiểng vì thất bại quân sự nặng nề này vào năm 1972, Mỹ và chính quyền Nixon nói riêng lại điêu đứng với hậu quả chính trị của việc leo thang chiến tranh vào năm 1972 vào thời điểm mà Mỹ lẽ ra phải đang kết thúc chiến tranh. Đến tháng 1-1973, hai bên Hà Nội và Washington về cơ bản vì những lý do khác nhau đều nóng lòng kết thúc chiến tranh và đạt được thỏa thuận cuối cùng thông qua thương lượng.
* Có hai đợt đàm phán hòa bình diễn ra sau năm 1968. Đợt đầu tiên là cuộc đàm phán bán công khai. Ban đầu là giữa Mỹ và Bắc VN và sau đó là giữa Mỹ, Bắc VN, VNCH và Mặt trận DTGP miền Nam VN, tức Việt Cộng. Nhưng bởi vì những cuộc đàm phán đó công khai nên chúng chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền và không bao giờ thực sự đạt được bất cứ điều gì. Và đây là điều mà cả Hà Nội và Washington đều hiểu.
Vì vậy vào năm 1969, khi [Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Henry] Kissinger tiếp cận Hà Nội về việc mở một kênh bí mật để đôi bên dễ dàng trình bày thẳng thắn quan điểm của mình về triển vọng kết thúc chiến tranh thì lúc đó Hà Nội mới cởi mở hơn. Thực sự nhờ kênh liên lạc bí mật này, chỉ trở thành riêng tư vào năm 72, mà tất cả những phần cho phép thỏa thuận được hoàn tất mới được sắp xếp ổn thỏa. Kênh đàm phán bí mật và riêng tư góp phần chung quyết Hiệp định Paris. Vì không có ai khác ngoài Kissinger và [cố vấn cao cấp Đoàn đại biểu Bắc Việt Nam] Lê Đức Thọ nên không có lý do gì để tuyên truyền. Không có lý do gì để thị uy. Vì thế, các cuộc đàm phán đó mang tính xây dựng hơn nhiều so với các cuộc đàm phán bán công khai mà chủ yếu là để tuyên truyền.
Về câu hỏi tại sao họ gạt VNCH ra? Tôi nghĩ người Mỹ từ lâu hiểu rằng Sài Gòn sẽ không bao giờ chấp nhận một giải pháp ngoại giao trừ phi nó giải quyết được tương lai chính trị của miền Nam VN. Và Mỹ nhận ra rằng nếu họ đưa VNCH vào các cuộc đàm phán bí mật thì việc này có nhiều phần chắc sẽ làm chệch hướng các cuộc đàm phán đó hoặc làm cho nó kéo dài lê thê. Vì vậy Mỹ quyết định gạt Sài Gòn ra khỏi tiến trình này bởi vì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho Mỹ đưa ra những nhượng bộ thay mặt VNCH hơn là để chính VNCH đưa ra nhượng bộ.
Và tôi nghĩ việc này cho thấy rất nhiều điều về chính quyền Sài Gòn là một chính quyền như thế nào. Đối với tôi, việc loại bỏ Sài Gòn là bằng chứng rõ ràng nhất mà chúng ta có cho thấy rằng chế độ của TT [Nguyễn Văn] Thiệu không phải là một chế độ bù nhìn. Đó là một chế độ rất độc lập. Đó là một chế độ có tính chính danh. Nền cộng hòa ở miền Nam, mà Hà Nội vẫn luôn mô tả là một chế độ bù nhìn và nhiều người Mỹ cũng cho là vậy, luôn là một thực thể chính trị có tính chính danh. Và người Mỹ nhận ra rằng nếu họ cho phép Sài Gòn tham gia đàm phán hòa bình thì Sài Gòn sẽ khẳng định quyền tự chủ của mình. Họ sẽ khẳng định chủ quyền của mình và thậm chí từ chối đàm phán với miền Bắc.
Vì vậy, để đơn giản hóa, và phần lớn vì những lý do vị kỷ, Mỹ đã chọn loại Sài Gòn ra khỏi tiến trình này và sau đó chỉ chia sẻ với Sài Gòn nội dung của các cuộc đàm phán bí mật sau khi một thỏa thuận đã được chung quyết. Ông Thiệu vì những lý do rất chính đáng đã bác bỏ hoàn toàn thỏa thuận này.
* Về việc Mỹ đã phản bội đồng minh, tôi nghĩ chúng ta phải cẩn thận ở đây. Tôi nghĩ khi nhìn lại, Chiến tranh VN rất bi thảm và tàn khốc. Nhưng tất cả các cuộc chiến đều bi thảm và tàn khốc. Vì vậy, tôi nghĩ Mỹ với tư cách là một cường quốc nước ngoài đã cố gắng đứng về phía đồng minh của mình lâu nhất có thể. Nhưng rồi sau một thời gian, một điều có thể đoán trước được và không thể nào tránh khỏi là Mỹ sẽ phải rút khỏi VN. Bởi vì chính trị đối nội sẽ luôn lấn át chính sách đối ngoại.
Nếu bạn là TT Mỹ, lo cho phần còn lại của thế giới là một chuyện, nhưng về cơ bản người dân của bạn mới chính là những người bạn phải chiều lòng. Nếu không thì uy tín của cá nhân bạn, của đảng chính trị của bạn sẽ tan tành. Vì vậy, tôi nghĩ khi bạn nhìn vào những gì Nixon đã làm chẳng hạn, và Lyndon Johnson trước đó nữa, dù bạn có cảm thấy thế nào về cuộc chiến thì thực tế là hai người họ đã đầu tư đáng kể vào việc cố gắng bảo vệ VNCH và rồi cho VNCH một cơ hội công bằng. Và tất nhiên điều đó không thể tiếp tục mãi mãi. Và vì vậy về phía Mỹ, việc Nixon đi sau lưng Sài Gòn và thương lượng thỏa thuận này mà không tham vấn VNCH, có thể nói đó là một sự phản bội ở một mức độ nào đó.
Điều rất thú vị là ở chỗ này. Mặc dù Mỹ bí mật tổ chức các cuộc đàm phán này với Bắc VN, Sài Gòn biết chuyện gì đang diễn ra. Sài Gòn, thông qua nhiều đầu mối liên lạc và những bằng hữu khác, có biết việc Mỹ đang đàm phán sau lưng mình. Ông Thiệu rõ ràng bất mãn về chuyện đó nhưng tôi nghĩ ông ấy đủ thông minh để hiểu rằng điều này là không thể tránh khỏi, vì Mỹ đã ở VN khá lâu, vì thái độ của người dân Mỹ, vì vụ thảm sát Mỹ Lai, vì vụ Hồ sơ Lầu Năm Góc, và vì việc Mỹ bí mật ném bom Campuchia.
Tôi nghĩ ông Thiệu hiểu hết tất cả những điều này. Nixon làm những gì ông ấy phải làm cho chính mình và cho đất nước của mình, giống như ông Thiệu làm những gì ông ấy phải làm cho chính mình và cho VNCH. Gọi đó là sự phản bội thì dễ đấy, nhưng đồng thời tôi nghĩ mọi người đều nhận ra rằng trong chiến tranh, hay trong những hoàn cảnh khác, các chính phủ sẽ hành động dựa trên lợi ích vị kỷ của chính họ.
* Tôi không biết hiệp định có định đoạt số phận VNCH hay không. Vào thời điểm hiệp định được ký kết, chỉ có 20.000 bộ binh Mỹ còn ở miền Nam VN. Vì thế việc này không tạo nên sự khác biệt lớn. Theo tôi, điều thực sự tạo ra sự khác biệt lớn là với việc ký kết hiệp định, VNCH không còn được hưởng lợi từ sức mạnh trên không của Mỹ nữa. Và điều này luôn là một lợi thế thực sự to lớn cho VNCH. Hà Nội rất lo ngại về lợi thế này.
Trong cuộc tiến công mùa xuân năm 1972, có hai điều khiến cho nó thất bại. Một mặt, không nghi ngờ gì là quân đội VNCH đã chiến đấu rất tốt. Lúc đầu có gặp khó khăn nhưng sau đó quân đội VNCH đã chiến đấu rất, rất tốt. Nhưng mặt khác là Mỹ ném bom miền Bắc VN, Lào và sau đó là miền Nam VN rất ác liệt. Tôi nghĩ rằng nếu bạn là một người lính VNCH, bất cứ khi nào bạn ra trận, biết rằng bạn được yểm trợ bởi máy bay B-52 và máy bay F-5, tôi nghĩ điều đó làm cho họ rất yên tâm. Nhưng khi bạn không còn máy bay ném bom nữa, bạn cảm thấy dễ bị tổn thương hơn rất nhiều. Tôi nghĩ một di sản lớn của hiệp định là nó loại bỏ sức mạnh trên không của Mỹ ra khỏi cuộc chiến. Nó làm cho VNCH dễ bị tổn thương hơn nhiều.
Và rồi đối với Bắc VN, nếu bạn không phải lo lắng về chuyện ném bom nữa thì bạn thực sự không phải lo lắng về bất cứ điều gì khác nữa, bởi vì sẽ luôn có cách. Bất cứ khi nào Bắc VN làm điều gì đó gây hại là Mỹ đã đáp trả bằng cách ném bom, cho dù đó là các tuyến tiếp tế ở Lào hay các vị trí đóng quân ở miền Nam hay các thành phố ở miền Bắc. Hiệp định đã chấm dứt điều đó. Tôi nghĩ nó làm cho VNCH dễ bị tổn thương hơn và làm cho Bắc VN bạo dạn hơn. Và trong những tuần và tháng sau Hiệp định Paris, Bắc VN thử nhiều cách khác nhau để xem liệu người Mỹ có phản ứng hay không và khi họ thấy rõ là Mỹ sẽ không phản ứng, cụ thể là tiếp tục ném bom, thì họ dốc toàn lực chiếm Sài Gòn.
* Tôi đã viết một cuốn sách này về thỏa thuận mà tôi đặt tựa đề là “Hòa bình Cay đắng”. Tôi nêu luận điểm rằng về cơ bản hiệp định là một thỏa thuận vì sự thuận tiện. Sài Gòn ký, Washington ký và Hà Nội ký vì nó cho phép họ đạt được một số mục tiêu tức thời. Nhưng không bên nào ưa thỏa thuận này cả. Và tất nhiên, tất cả họ đều vi phạm. Một khi Nixon nhận lại được tù binh, ông ấy không quan tâm chuyện gì xảy ra với thỏa thuận nữa. Nixon lẽ ra phải đóng các căn cứ của Mỹ nhưng ông ấy lại giao lại cho VNCH. Trên nguyên tắc đó là vi phạm thỏa thuận. TT Thiệu ngay lập tức nói là, tôi ký thỏa thuận này nhưng tôi sẽ không bao giờ tuân thủ. Và quân đội của ông ấy về cơ bản tiếp tục tấn công các vị trí của cộng sản sau hiệp định.
Hà Nội tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận, nhưng chỉ cho đến khi người Mỹ rời đi. Và rồi họ lại bắt đầu vi phạm bằng cách tuồn các loại vũ khí mới vào miền Nam. Ai vi phạm nhiều nhất? Theo tôi, tất cả họ đều góp phần vi phạm thỏa thuận. Không thể quy trách bên nào vi phạm nhiều hơn bên nào. Và tôi chưa thấy bất cứ bằng chứng nào đưa đến kết luận một cách chắc chắn đó là CS hoặc là Sài Gòn hay là Mỹ. Đối với tôi, tất cả họ đều chịu trách nhiệm. Ông Thiệu không bao giờ muốn thỏa thuận này, ông ấy đã nói rõ ngay từ đầu. Hà Nội dù gì đi nữa cũng quyết thống nhất VN dưới nền cai trị CS.
Vì vậy, rõ ràng là họ sẽ không bao giờ chấp nhận hiện trạng. Nếu không vi phạm năm 73 thì sẽ vi phạm năm 74 và 75. Không có cách nào mà một tình huống kiểu bán đảo Triều Tiên sẽ tồn tại được ở VN trừ phi người Mỹ duy trì sự hiện diện của quân đội như họ đã làm ở Hàn Quốc.
* Hiệp định Genève là một thất bại lớn và điều đó đã không mang lại lợi ích gì cho những người CS. Vì thế đó là lý do tại sao họ không bao giờ muốn có một thỏa thuận ngay từ đầu trong cuộc chiến chống Mỹ. Khi họ ký thỏa thuận vào năm 73, đó chỉ là vì họ đang khốn đốn. Nhưng chẳng có gì trong những tài liệu lưu trữ cho thấy họ thực sự có ý định tuân thủ. Họ sẽ phá vỡ thỏa thuận bởi vì mục tiêu của họ vẫn không thay đổi. Họ sẽ thống nhất VN dưới nền cai trị của họ. Vì vậy, tôi cho rằng đó là yếu tố chính ở đây.
Và vì thế, việc khước từ Giải Nobel hòa bình theo tôi là một phần trong chiến lược ngoại giao lớn hơn nhằm làm cho những người CS trông như những người theo chủ nghĩa dân tộc, khiến họ trông như những người có chính nghĩa, trong khi thực tế họ chỉ là một đảng được dẫn dắt bởi ý thức hệ.
(Hoàng Long, VOA)