Tuesday, April 21, 2015

Đi tìm "bà sơ" đã đổi đời cho tôi.

Julie Davis, hay Nguyễn Thị Thanh Trúc, và cậu con trai.
CREDIT COURTESY OF JULIE DAVIS

Vào những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn rơi vào tay người cộng sản, chính phủ Mỹ đã tổ chức những chuyến không vận đưa các trẻ em mồ côi ra khỏi Việt Nam. 

Các chuyến không vận trong Chiến Dịch Babylift (trong đó có một chuyến gặp tai nạn ngày 4 tháng 4 năm 75, làm chết 138 người, trong đó có 78 trẻ) đã đưa trên 3.300 trẻ đến các các nước phương Tây, đa số đã đến Mỹ.

Trang mạng của đài phát thanh KUOW, thành phố Seattle, tiểu bang Washington có mục để cho độc giả kể lại câu chuyện độc đáo của đời mình.

Hôm thứ Ba, mục này có bài nói về bà Julie Davis, một trong những trẻ  mồ côi thuộc Chiến Dịch Babylift, kể lại chuyến bà về thăm lại Việt Nam cách nay 10 năm.


Trẻ tại Trại mồ côi Ghềnh Ráng ờ Quy Nhơn trước khi có Chiến Dịch Babylift. Bà Julie Davis tin rằng bà là đứa trẻ đang nhìn vào ống kính.
COURTESY OF JULIE DAVIS

Khi chiếc Boeing 747 chở tôi và cả trăm bạn khác cất cánh khỏi Sài Gòn, tôi mới một tuổi. (Có thể là máy bay C-5 của Không quân Mỹ. ND) Chúng tôi được đưa đến Seattle, Houston, và Minneapolis.

30 năm sau, tôi trở lại tìm trại mồ côi, nơi mà mẹ tôi đã bỏ tôi lại sau khi tôi chào đời.

Trại nằm ở thành phố Quy Nhơn. Bề ngoài, trại này hầu như không thay đổi, nhưng bây giờ không nuôi trẻ mồ côi nữa. Tôi nghĩ thầm, thôi rồi, chuyến đi của tôi coi như chấm dứt.

Nhưng trên đoạn đường trở ra, chiếc xe tôi thuê đi chậm chạp trên mấy con đường lồi lõm. Người dẫn đường của tôi nhất định dừng lại ở vài căn nhà, xuống xe để hỏi trong xóm xem có ai biết chỗ ở của người nữ tu Công giáo tên là Sơ Emilienne không.

Sở dĩ tôi biết được Sơ Emilienne là nhờ nhận được các tài liệu mà cơ quan cho nhận con nuôi cung cấp. Nếu không có xơ, chẳng bao giờ tôi có dịp được không vận ra khỏi Sài Gòn. Có điều lạ lùng là trước khi về Việt Nam, tôi chẳng hề có ý tưởng tìm sơ. Tôi đoán hoặc là sơ đã qua đời, hoặc là đã rời Quy Nhơn từ nhiều năm trước.

Cuối cùng, chiếc xe tắp vào một con hẻm nhỏ và dừng lại trước một cánh cửa sắt lớn. Người hướng dẫn nói với tôi đây là nhà dòng mà sơ Emilienne đã từng tu.

Và chúng tôi đã gặp sơ.

Một phụ nữ dáng người nhỏ nhắn xuất hiện. Người hướng dẫn cho bà biết tên Việt Nam của tôi, Nguyễn Thị Thanh Trúc.

Vừa nghe đến tên này, bà biết ngay tôi la ai. Quá xúc động, bà ôm lấy tôi như thể con bà.
Julie Davis và Sơ Emilienne trong cuộc trung phùng năm 2003.
CREDIT COURTESY OF JULIE DAVIS

Bà luồn cánh tay bà vào cánh tay tôi, nhất định không buông. Những ký ức của năm 1975 trở về với bà như mới ngày hôm qua.

Sơ cho biết tôi đã được đưa thẳng từ nhà hộ sinh đến trại mồ côi, khi đó tôi vẫn còn dây rốn và mẹ tôi đã kiệt sức. Chính sơ đã cắt dây rốn cho tôi và lấy họ Nguyễn của sơ đặt họ cho tôi.

Sơ còn cho biết từ năm 1975 tới giờ, đã có bốn hoặc năm trẻ xuất thân từ Trại mồ côi Ghềnh Ráng trở về tìm sơ và từ nhiều năm qua, sơ thắc mắc tại sao tôi không về, sơ còn lo có lẽ tôi cũng chẳng bao giờ về.

“Sơ không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho con, con bây giờ ra sao, có ổn không, có gia đình chưa?”

Sơ còn mong có ngày tôi trở về sống với sơ tại nhà dòng. Sơ sẽ tìm việc cho tôi. Sơ sẽ ấm lòng biết bao nếu tôi ở cùng sơ.

Sơ Emilienne có nhiều cảm xúc hơn tôi, có lẽ vì sơ có quá nhiều kỷ niệm để nhớ. Vào năm đó, sơ đã là một người lớn, và miền Nam đã trải qua một giai đoạn đau thương. Phải chia tay những trẻ mình đã nuôi và đã trải nghiệm những đau khổ vật chất và tinh thần của chiến tranh quả là thảm thương.

Trước ngày Sài Gòn thất thủ, sơ Emilienne quả thực có xin được di tản cùng với các đứa bé. Ngày sơ chia tay với chúng tôi, sơ khóc và nói sơ không thể nào theo chúng tôi được.

Sơ nói vẫn còn nhiều trẻ đau yếu bị bỏ lại, vì không đủ sức khỏe để chịu đựng suốt chuyến bay. Sơ không muốn bỏ chúng.

Tôi biết ơn sơ vô cùng. Sơ đã năn nỉ hết nơi này đến nơi khác để chúng tôi có cơ hội ra đi. Sơ đã hy sinh cơ hội dành cho sơ.

Sơ và tôi trao đổi địa chỉ email và hứa sẽ viết cho nhau, sơ dặn nhớ gửi hình của tôi lúc còn nhỏ cho sơ xem.

Lúc xe rời chỗ ở của sơ, tôi thật buồn vì tôi biết là còn lâu lắm tôi mới trở lại nơi này, nếu không muốn nói sẽ chẳng bao giờ.

Chuyến đi Việt Nam cho tôi dịp để nghĩ về cách dạy dỗ con tôi, cách sống của tôi trong quãng đời còn lại? Có điều tôi biết chắc, tôi đã thay đổi cách suy nghĩ về tôi và quá khứ của tôi.

Từ nhiều năm qua, tôi có quá nhiều xấu hổ. Tôi xấu hổ vì mình là người Việt Nam. Tôi xấu hổ vì mình là đứa con nuôi.

Nhưng trở lại Việt Nam và gặp được sơ Emilienne đã thay đổi nhận thức của tôi về con nuôi, về nguồn gốc Việt Nam.

Lúc đầu, tôi cứ tưởng chuyến đi Việt Nam giúp tôi khép lại một chương trong cuộc đời, không bao giờ nghĩ rằng nó đã mở cho tôi một chương mới. Tôi không rõ trong tương lai, giữa tôi và Việt Nam sẽ tiếp tục ra sao, nhưng tôi biết chắc một điều, sau chuyến đi đó, tôi đã chấp nhận đồng thời mình vừa là một người Mỹ, vừa là một con nuôi, và quan trọng nhất, vừa là một người Việt Nam

No comments:

Post a Comment