Tuesday, May 5, 2015

Kiếp chồng chung

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Tục lệ lấy vợ lẽ của Việt Nam không biết chấm dứt vào thời điểm nào, nhưng cứ theo sách Việt Nam Phong Tục của học giả Phan Kế Bính chép hơn một trăm năm trước, thì việc cưới vợ lẽ là chuyện thường thấy trong xã hội, tuy trái với văn minh. Theo Phan Kế Bính thì đàn ông có hai lý do để cưới vợ lẽ: một là hiếm muộn con cái và hai là quá giàu có.
Còn người phụ nữ chịu làm vợ bé cho đại gia hiếm muộn thì có bốn lý do: "Một là vì nghèo hèn, hai là vì sa cơ thất thế, ba là vì tham giàu tham danh giá, bốn là vì tuổi trẻ góa chồng, chưa có con phải bước đi bước nữa thì mới chịu lấy, chớ con nhà tử tế không mấy người chịu." Xã hội thời nay chẳng còn mấy nơi cho phép người đàn ông cưới hai vợ…phải cưới từng người một, đừng chen lấn kẻo em có em không.
Xã hội bên Việt Nam lại có phong trào các đại gia thiếu thốn tình cảm, uất ức tâm tư tìm đến kết thân với các cô chân dài. Khi tình cảm hai bên đã khắng khít như chim liền cánh cây liền cành thì lại không được cưới các cô ấy làm vợ bé, vì bà cả ở nhà không cho phép. Khiến các đại gia muốn đi ngược thời gian để cưới được nhiều vợ cho vui cửa vui nhà mà không phạm gia pháp và luật hôn nhân.
Mời các bạn ôn lại phong tục lấy vợ bé được trích trong chương "Vợ lẽ" của sách Việt Nam Phong Tục:
"Lấy vợ lẽ không mấy người cưới xin như khi lấy vợ cả, chỉ dùng lễ cưới sơ sài, đưa ít tiền bạc và nộp cheo cho làng mà thôi. Người phú quý có khi lấy năm, lấy bảy vợ lẽ, mỗi người có riêng một dinh cơ, phận ai người nấy (giữ). Người bình thường vì hiếm hoi mà lấy, hoặc là vợ cả lấy cho, hoặc là tự mình lấy, nhưng cũng phải nói cho vợ cả bằng lòng mới được. Có khi vợ cả ghen tuông không cho lấy thì chồng lại lấy giấu mà để ở riêng một nơi.
Tục (lấy) vợ lẽ cũng là một tục trái với cách văn minh đời nay. Vì làm cho loài người mất tự do, mất bình đẳng, là trái với đạo công bằng của tạo hóa, tức là không hợp cách văn minh. Vả lại vợ cả vợ lẽ, ít người biết lấy cách hoà thuận ở với nhau, còn phần nhiều thường hay ghen tuông nhau.
Người chồng cũng ít người khéo khu xử, mà cũng rất khó khu xử cho vừa lòng cả đôi bên. Có câu rằng: "Cai trăm quân không khó bằng cai bốn vó đàn bà". Vì thế trong nhà hay sinh ra lục đục, chồng ở giữa thật là khó nghĩ, binh vợ cả thì vợ lẽ oán, bênh vực vợ lẽ thì vợ cả giận, thành ra gia đình giảm mất sự vui vẻ.
Mà lắm khi người vợ cả ác nghiệt, thì vại giấm chua cũng khá chê thay. Hoặc gặp phải người vợ lẽ tai ngược thì cũng khó chịu. Cầu lấy lớn ra phận lớn, nhỏ ra phận nhỏ, hồ dễ đã được mấy người. Song cứ suy cái tình thế trong phong tục ta thì chưa có thể bỏ được. Ta trọng nhất là việc thừa tự, nếu người vợ cả không có con mà không lấy vợ lẽ thì không nghĩ đến việc thừa tự, tục cho là bất hiếu.
Vả người nước ta đàn bà thì nhiều mà lại lắm người nghèo khó vất vả. Có cái tục lấy vợ lẽ cũng giúp được cho nhiều người có chỗ nương nhờ. Cứ như thế thì lấy vợ lẽ cũng là phải. Song thiết tưởng có người nên lấy, có người không nên lấy. Ai mà lượng cái sức mình có thể bao dung được vợ lẽ và đàn con của vợ lẽ hãy nên lấy, chớ lấy mà để cho người ta khổ sở và để cho đàn con nheo nhóc thì đừng.
Ai mà tin cái tài mình có thể giữ được hoà mục trong gia đình hãy lấy, chứ lấy mà nay tiếng này mai tiếng khác, sinh ra tan cửa nát nhà thì đừng. Mà lấy thì phải coi người ta là một người vợ khác của mình, chớ đừng coi là kẻ sai khiến của nhà mình, đừng để cho vợ lẽ đê tiện, mà cũng đừng để cho vợ cả mất lòng.
Sau nữa là cái đạo vợ lẽ ở với chồng, ở với vợ cả, cũng phải giữ hai chữ kính thuận mới được. Mình đã chẳng may sa cơ thất thế, phận hẩm duyên hôi, thân cát đằng đã phải nương đến bóng tùng quân thì đừng có nên cậy nhan sắc, cậy có con, cậy chồng yêu mà hoành hành với người vợ cả. Dẫu ở chung ở riêng mặc lòng, phải cho trên thuận dưới hoà thì mới vui vẻ. Người vợ cả ở với vợ lẽ, nên giữ lấy lượng bao dung chớ đừng giữ thói ghen tuông mà mang tiếng nhỏ nhen làm bia cho miệng cười."

No comments:

Post a Comment