Sunday, May 29, 2016

Lễ tôn tượng Đức Trần Hưng Đạo mới tại Little Saigon


Bài THANH PHONG
LITTLE SAIGON - Sau khi bức tượng Đức Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc đánh đuổi ngoại xâm, được dựng lên trên đại lộ Bolsa, trung tâm Little Saigon, vào đúng ngày húy nhật của Ngài hôm 14 tháng 9, 2014, hầu hết đồng hương tại Nam Cali cũng như từ khắp nơi có dịp về thăm thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn cộng sản đều ao ước có một bức tượng to lớn hơn, bề thế hơn, xứng với tầm vóc của Ngài. Niềm ao ước đó đã thúc đẩy Hội Đồng Quản Trị vận động quyên góp tài chánh để đúc tượng mới.

Little Saigon Radio và Hồn Việt TV là hai cơ quan truyền thông tại Nam Cali đã nhanh chóng hứa sẽ dùng phương tiện truyền thông quyên góp số tiền $100,000 Mỹ Kim để giúp ban tổ chức đúc tượng mới, và bức tượng cũ sẽ được đưa về an vị tại trụ sở Little Saigon Radio. Nhưng nay, theo lời xướng ngôn viên Ngọc Ân, pho tượng cũ sẽ an vị trong Đền Thờ Đức Thánh Trần.

Tượng Đức Thánh Trần mới, đúc bằng đồng do điêu khắc gia (ĐKG) Phạm Thông thực hiện tại Dallas, Texas. Ông Phạm Thông cũng là tác giả bức tượng Đức Trần Hưng Đạo, Thánh Tổ Hải Quân QL/VNCH dựng tại Bến Bạch Đằng Saigon. Ông Phạm Thông cho Viễn Đông biết, tượng cao 10 feet, nặng 1,200 pounds và lúc đầu dự trù chỉ làm trong ba tháng nhưng vì các thợ đúc đồng đã nhận nhiều việc trước nên kéo dài mất sáu tháng.
Tượng đang được đưa lên bệ ngày thứ Năm trong khu thương xá cạnh đường Bolsa. Sau khi an vị, tượng được bao phủ lại chờ đến sáng ngày 12 tháng 6 sẽ làm lễ khánh thành. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Viễn Đông hỏi, sau khi hoàn thành bức tượng này, ĐKG có hài lòng hay không?

Ông trả lời, “Thật ra, tất cả mọi chuyện không bao giờ mình thỏa mãn với chính mình hết, lúc đầu tôi cũng thấy hài lòng 100% nhưng khi đưa vào thợ đồng họ cũng làm mất đi những điều mình muốn khoảng 20%, và thường thường các tượng đúc bằng đồng đều xảy ra như thế cả.”

Nhân lễ đặt tượng Đức Trần Hưng Đạo, chúng tôi phỏng vấn một số vị lãnh đạo tôn giáo và đồng hương có mặt và ghi nhận những câu trả lời.

Cô Quế Anh, phu nhân Thị Trưởng Tạ Đức Trí, nói, “Cháu nghĩ tượng này cao lớn, đẹp hơn và quan trọng là giống tượng cũ bên Việt Nam hơn nên cháu rất hài lòng, và cháu nghĩ đồng hương mình cũng rất hài lòng về pho tượng mới này.”

Ông Nguyễn Văn Cừ, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát Cộng Đồng Người Việt Los Angeles, “Bức tượng mới này làm cho chúng ta rất hãnh diện, và bây giờ tất cả mọi người đi qua phố Bolsa này sẽ hài lòng, không còn than phiền như ngày xưa nữa.”

Ông Du Miên, Tổng Thư Ký Hội Đồng Quản Trị Đền Thờ Đức Trần Hưng Đạo, “Đương nhiên là chúng tôi hài lòng, vì chúng tôi đã làm việc với điêu khắc gia Phạm Thông ngay từ đầu, và đi qua lại Texas năm, sáu chuyến rồi để làm việc với ông, thì với con mắt người thường như chúng ta kết hợp với con mắt nghệ thuật của điêu khắc gia Phạm Thông đã từng làm bức tượng ở Saigon 50 năm về trước nên theo tôi, đây là tác phẩm tuyệt vời rồi, quá sức chúng tôi rồi.”

Ông Hứa Trung Lập (Thủ Quỹ Hội Đồng Quản Trị Đền Thánh Trần Hưng Đạo) cho biết, “Nếu nói về bức tượng không, thì theo contract tốn khoảng 67 ngàn, nhưng còn những chi tiết khác chẳng hạn như xây bệ tượng, nhiều thứ linh tinh khác, cộng chung lại thì cũng khá nhiều, nhưng nhờ đồng hương giúp đỡ, số tiền chi phí đã đủ không đến nỗi phải lo lắng lắm.”

Đại đức Thích Viên Pháp, “Tôi rất quan tâm đến tình hình đang nóng bỏng trên Facebook ở trong nước cũng như hải ngoại. Ngay cả linh mục Phan Văn Lợi, bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng vừa ra một thông cáo kêu gọi chúng ta tuyệt thực vào cuối tuần này, chúng ta tuyệt thực cho đến khi nào anh Trần Huỳnh Duy Thức được thả ra khỏi tù một cách tự do mới thôi. Anh Trần Huỳnh Duy Thức là một biểu tượng của người trẻ hôm nay, anh bắt chước gương Đức Phật hy sinh tất cả cho lý tưởng. Và một người trẻ khác là cô Nancy Nguyễn, dưới áp lực của Hoa Kỳ, Việt Cộng đã phải trả tự do cho cô tại Thái Lan, nên tôi nghĩ ban lãnh đạo cộng đồng và những vị dân cử phải tổ chức cuộc biểu tình để cứu anh Trần Huỳnh Duy Thức. Nhân lúc tham dự lễ tôn tượng Đức Trần Hưng Đạo, tôi cũng xin tất cả đồng bào trong và ngoài nước hãy noi gương Đức Thánh Trần bảo vệ bờ cõi Việt Nam, thì như vậy buổi lễ đặt tượng đài này mới có ý nghĩa thật sâu xa. A Di Đà Phật.”

Chị Nguyễn Thị Bích, một phụ nữ rất nhiệt tình trong các sinh hoạt chống cộng, “Dạ tôi rất tự hào. Ngay thủ phủ tỵ nạn mà chúng ta có tượng Đức Thánh Trần oai nghiêm như vậy là niềm hãnh diện chung của cộng đồng Việt Nam chúng ta tại Nam California.”

Hòa Thượng Thích Nguyên Trí (Phó Chủ Tịch Nội Vụ Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hoa Kỳ, “Thầy rất là vui mừng, cái thứ nhứt chứng tỏ cộng đồng mình càng ngày càng mạnh, tượng trước nhỏ mà bây giờ lớn hơn nhiều, từ nay bà con đi ngang chắc chắn sẽ hãnh diện vì biểu tượng của một vị anh hùng dân tộc, nhất là giai đoạn này là giai đoạn chúng ta cần thể hiện tinh thần chống quân Tàu xâm lược như Ngài đã từng cầm quân chống chúng. Thầy tán dương tinh thần anh em đã đoàn kết thực hiện được việc làm này.”

Tượng đã an vị trên bệ đúng 3 giờ chiều thứ Năm, 26 tháng 5, 2016 (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Các vị trong Hội Đồng Quản Trị gồm: Ông Phan Kỳ Nhơn (Chủ Tịch), ông Trần Vệ (Phụ trách điều hành), ông Trần Quan An (phụ trách liên lạc), ông Phan Tấn Ngưu (phụ trách hành chánh), ông Hứa Trung Lập (Thủ Quỹ), và ông Du Miên (Tổng Thư Ký), sau khi tượng đức Trần Hưng Đạo an vị trên bệ đúng vào lúc 3 giờ chiều, các vị trên cho Viễn Đông biết cảm nghĩ, “Tất cả anh em chúng tôi ngày hôm nay vô cùng sung sướng vì ước mơ đã hoàn thành, chúng tôi xin cảm tạ tất cả quý ân nhân đồng hương xa gần, các cơ quan truyền thông đã giúp chúng tôi thực hiện việc làm này, và chúng tôi cũng không quên cám ơn điêu khắc gia Phạm Thông đã thực hiện bức tượng Đức Thánh Trần thật tuyệt vời.”

Sau khi an vị, tượng được bao phủ lại chờ đến 10 giờ sáng ngày 12 tháng 6 năm 2016 sẽ làm lễ khánh thành.


Saturday, May 28, 2016

Bruce Springsteen và Barack Obama, hai cánh én tự do

Nhìn ánh mắt hân hoan, bàn tay dang rộng, nụ cười miềm nở của người dân Sài Gòn khi đón chào TT Mỹ Barack Obma chiều 24 tháng 5 vừa qua, trừ phi lãnh đạo CSVN đui mù câm điếc hết, họ phải biết chế độ độc tài toàn trị CS diễn ra suốt 41 năm trên đất nước Việt Nam đang vào đoạn kết. Ngày nào, tháng nào hay năm nào chế độ sụp có thể không ai trả lời chính xác nhưng chắc chắn bức màn tuyên truyền lừa dối sẽ bị xé nát, mọi tội ác của CSVN từ năm 1930 sẽ được phơi bày ra ánh sáng, nước mắt sẽ ngừng rơi và cây tình thương dân tộc sẽ hồi sinh trên quê hương khốn khổ. Người viết tiên đoán một cách quá lạc quan chăng? Không. Lịch sử nhân loại và lịch sử tranh đấu của nhân dân Việt Nam suốt 41 năm qua đã chứng minh điều đó một cách hùng hồn.
Đông Bá Linh đêm 19 tháng 7, 1988


Bruce Springsteen trình diễn tại Đông Bá Linh tối 19 tháng 7, 1988

Bruce Springsteen và E Street Band của ông được phép trình diễn một chương trình nhạc tại Đông Bá Linh. Số người tham dự theo ước lượng của chính phủ Đông Đức là 160 ngàn người có vé và một số gần tương đương tràn vào không vé. Thay vì dùng chương trình “Bruce Springsteen and E Street Band” như tại Mỹ hay nhiều nơi khác, chính phủ CS Đông Đức lợi dụng cơ hội để tuyên truyền nên đổi tên thành “Concert for Nicaragua” để ủng hộ chế độ CS Sandinista ở Nicaragua, Nam Mỹ. Bruce Springsteen rất giận khi nghe tin chương trình nhạc của ông bị dán chồng lên bằng một nhãn hiệu tuyên truyền CS nhưng không phản ứng. Vào giữa chương trình, Springsteen bất chấp những hạn chế mà lãnh đạo CS Đông Đức đưa ra trước, đã rút ra một mảnh giấy và đọc lớn bằng tiếng Đức “Tôi đến đây không phải vì chính quyền hay chống chính quyền. Tôi đến để chơi nhạc “rock and roll” tặng các bạn, với niềm hy vọng rằng một ngày mọi rào cản sẽ bị phá bỏ”. Chữ “rào cản” mà Bruce Springsteen muốn nói không gì khác hơn là Bức tường Bá Linh. Chương trình được phép truyền hình sau vài phút kiểm duyệt nên câu nói của Springsteen bị khám phá và cắt bỏ nhưng tiếng vổ tay của 300 ngàn khán giả, đa số là thanh niên, có mặt tại chỗ vang dội một góc trời. Có nguồn tin cho rằng chính quyền CS Đông Đức cho phép Bruce Springsteen trình diễn là để đo lường thái độ và lòng tin của người dân vào đảng CS và qua đó có những biện pháp trấn áp cũng như các chính sách tuyên truyền thích nghi. Chương trình nhạc của Bruce Springsteen là điểm báo cho lãnh đạo CS Đông Đức biết chế độ sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Sau những cuộc biểu tình của dân chúng, Egon Krenz lên thay thế Erich Honecker và hứa sẽ đem lại nhiều “đổi mới” từ trung ương đến địa phương nhưng những con cá gỗ “đổi mới” đã không còn lừa gạt được người dân Đông Đức. Chỉ hơn một năm sau, Bức tường Bá Linh sụp đổ.
Sài Gòn chiều 24 tháng 5, 2016


TT Barack Obama đến Sài Gòn chiều 24 tháng 5, 2016

Hàng trăm ngàn dân Sài Gòn đứng dọc hai bên đường từ phi trường Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố để chào đón TT Barack Obama bằng mắt sáng ngời, nụ cười rạng rỡ và bàn tay vẫy gọi ân cần. Tất cả đều phát xuất từ tấm lòng trong sáng, không hận thù, không sợ hãi. Eric Schultz, phụ tá báo chí Tòa Bạch Ốc xúc động nhận xét "hàng trăm nghìn người tập trung trên các tuyến phố chào đón TT Hoa Kỳ" và "tôi chưa từng chứng kiến điều này trong 5 năm làm việc tại Tòa Bạch Ốc". Đoạn phim do phóng viên Pete Souza đăng lên Instagram của ông cho thấy hàng hàng lớp lớp người dân chào đón TT Obama. Ben Rhodes, Phụ Tá Cố Vấn An ninh Quốc gia Mỹ ngạc nhiên và cho biết họ sẽ không bao giờ quên sự chào đón mà người dân Sài Gòn đã dành cho họ. Những hiện tượng đó rất hiếm thấy trong những buổi đón tiếp các lãnh đạo ngoại quốc. Người dân Sài Gòn hiếu khách? Không đúng hẳn. Người dân Sài Gòn hiếu tự do và họ chào mừng TT Hoa Kỳ nồng nhiệt bởi vì ông ta là đại diện của thế giới tự do.
“Bầu cử Quốc Hội” tại Đông Đức và Việt Nam Giống như tại Việt Nam, sau khi Bruce Springsteen đến, Đông Đức cũng có một cuộc “bầu cử quốc hội” tổ chức vào tháng 5, 1989. Các nhà phân tích chính trị châu Âu ngày đó cho rằng cuộc” bầu cử quốc hội” tại Đông Đức là một thất bại của đảng CS vì chỉ có 98.5% “cử tri” đi bầu. Trùng hợp một cách thích thú, tháng 5, 2016, Việt Nam cũng có một cuộc “bầu cử quốc hội” và kết quả gần giống như Đông Đức với chỉ có 98.7% “cử tri” đi bầu. Dưới chế độ CS toàn trị, một phần trăm “cử tri” không đi bầu là đã quá nhiều và là một thất bại của đảng. Mục đích của lãnh đạo CS khi tổ chức bầu cử quốc hội, Đông Đức hay CSVN, không phải để bầu nên một cơ quan lập pháp mới mà là một công việc thuần túy tuyên truyền. Chính sách tuyên truyền thay đổi theo chủ trương của đảng, bằng chứng tại Việt Nam, sau lần “bầu cử” 1946, đảng CSVN không thấy cần có quốc hội nên suốt 14 năm sau đó, họ chẳng màng nghĩ đến chuyện bầu bán làm gì. Nhưng chính 300 ngàn người dự chương trình nhạc của Bruce Springsteen và mấy trăm ngàn dân Sài Gòn sắp hàng chào đón TT Obama mới thật sự đã đi bầu. Sự có mặt của người dân là một hình thức bỏ phiếu công khai, cụ thể và rõ rệt nhất. Người dân hai nước đã bầu cho tự do dân chủ. Đông Đức bầu cho Bruce Springsteen và Việt Nam bầu cho Barack Obama. Hai đại biểu tự do đắc cử tại Đông Đức và Việt Nam đều là người Mỹ.
Ẩn ý của TT Obama
Trong thời gian thăm viếng Việt Nam tuy ngắn ngũi, TT Obama đã nhiều lần nhấn mạnh đến quan điểm “vận mệnh Việt Nam nằm trong tay người Việt”. Đây không phải là câu nói riêng của TT Obama và chỉ mới nghe được lần đầu. Nhiều người, quốc tế cũng như Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước quan tâm đến Việt Nam đã phát biểu tương tự. Không ai cứu được Việt Nam ngoài chính dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên có một điểm khác. TT Obama muốn nhấn mạnh rằng vai trò của Mỹ thông qua các chính sách hợp tác kinh tế và đối ngoại tại Á Châu là một cách góp phần tạo ra không gian và kéo dài thời gian để người Việt Nam có thêm cơ hội chọn lựa một cơ chế chính trị cho mình. Trong cương vị tổng thống, TT Obama không thể kêu gọi người dân Việt Nam xuống đường hay đứng lên lật đổ chế độ độc tài nhưng trong ẩn ý, ông mong muốn nhân dân Việt Nam, bằng mọi cách thích nghi, hãy mạnh dạn chọn lựa một tương lai chính trị cho đất nước Việt Nam. TT Obama cam kết “Và trong khi các bạn theo đuổi tương lai mà các bạn muốn, tôi muốn các bạn biết rằng nước Mỹ sẽ ở ngay bên cạnh các bạn, như một đối tác, và một người bạn.” Hơn bất cứ một quốc gia nào khác, vì lý do lương tâm (58 ngàn người Mỹ đã chết để bảo vệ tự do của miền Nam Việt Nam), chính trị ( góp phần tạo dựng cơ chế chính trị đối lập với Trung Cộng) và quân sự ( lấp kín nút chặn trên cả đường bộ lẫn đường biển ra Biển Đông và Nam Á Châu của Trung Cộng), chính phủ Mỹ muốn thấy Việt Nam thật sự là nước tự do dân chủ, phát triển, hợp tác chiến lược với Mỹ. TT Harry Truman đã không gởi chiến hạm lừng danh USS Missouri viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ năm 1946 nếu chính phủ Thổ không cam kết theo đuổi con đường dân chủ và chống lại Liên Xô. Thổ Nhĩ Kỳ dân chủ đã làm cán cân sức mạnh quân sự nghiêng hẳn về phía Tây Phương và quốc gia có lợi nhất cũng chính là Thổ Nhĩ Kỳ.


Tem kỷ niệm USS Missouri thăm Thổ Nhĩ Kỳ 1946

Trong Thông Cáo Chung của G7 ( Canada, Pháp, Đức, Anh, Ý, Nhật và Mỹ) tại Nhật vừa được công bố hôm 27 tháng 5, Hoa Kỳ và sáu cường quốc đồng minh khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các nguyên tắc hàng hải phù hợp với UNCLOS và xác định quyền của các quốc gia phải được dựa trên luật pháp quốc tế thay vì các hành động đơn phương. Thông Cáo Chung cũng bày tỏ sự quan tâm một cách cụ thể và chi tiết của G7 về tình trạng tại Biển Đông. Thông Cáo Chung còn quá mới nên chưa đọc được phản ứng của Trung Cộng nhưng theo báo chí quốc tế đó là một cái tát vào mặt Tập Cận Bình. Mặc dù lợi thế quân sự của Mỹ vẫn còn trên rất cao so với Trung Cộng, với quan hệ kinh tế vô cùng phức tạp và tinh tế trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, ngoài việc tạo không gian, điều kiện và kéo dài thời gian như đang làm qua TPP hay tại hội nghị G7 vừa bế mạc, chính phủ Mỹ, trước đây, hiện nay và trong tương lai gần, sẽ không thể can thiệp trực tiếp vào nội bộ chính trị Việt Nam hay đương đầu trực tiếp với Trung Cộng về quân sự. Chỉ có sức mạnh của người dân Việt Nam mới là yếu tố quyết định. Một Việt Nam dân chủ sẽ làm thay đổi hẳn khuôn mặt chính trị tại Á Châu và giống như Thổ Nhĩ Kỳ trước đây, sẽ rất có lợi cho Việt Nam.
Chuyển động xã hội làm thay đổi cơ chế chính trị Như người viết đã trình bày trong bài “Để thắng được Trung Cộng” chính sự chuyển động đi lên của nhận thức con người là lý do chính dẫn đến sự sụp đổ của chế độ CS. Sự chuyển hóa tri thức nhanh hay chậm tùy theo điều kiện mỗi nước nhưng là một tiến trình không thể bị ngăn chận bởi bất cứ một cơ chế độc tài nào. Giáo sư Archie Brown thuộc đại học Oxford, Anh quốc, trong tác phẩm Sự vươn lên và sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản (The Rise And Fall Of Communism) nêu ra 8 lý do khiến chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, trong đó lý do hàng đầu không phải là kinh tế hay quân sự mà là sự thay đổi nhận thức xã hội. Người Việt quan tâm đến vận mệnh đất nước có lý do chính đáng để nóng lòng nhưng nếu nhìn lại sẽ thấy các phong trào xã hội, phong trào dân chủ tại Việt Nam đã lớn lên, tuy chậm nhưng không ngừng lớn lên và mở rộng. Dây chùm gởi CSVN ăn bám quá lâu và quá sâu vào thân cây Việt Nam nên phải cần nhiều thời gian hơn những nước khác để gỡ chúng ra. Thật vậy, nếu chọn thời điểm Bác sĩ Nguyễn Đan Quế chính thức công bố "Lời Kêu Gọi của Cao Trào Nhân Bản" vào năm 1990 làm mốc thời gian, sau 26 năm Việt Nam đã có hàng trăm, hàng ngàn đoàn thể xã hội, từ dân oan, báo chí, phụ nữ, lao động được hình thành. Khu vườn dân chủ ngày đó chỉ có một bông hoa nở ra trong mưa bão. Hôm nay đã khác. Mưa bão chưa qua nhưng khu vườn đã có nhiều bụi hoa thơm nở ra từ hy vọng và niềm tin vào tương lai dân tộc. Khát vọng của con người dù Đông Đức hay Việt Nam giống như những mạch nước nhỏ chảy một cách khó khăn xuyên qua bao kẽ đá nhưng không hề ngưng chảy. Và các lãnh đạo phong trào dân chủ cũng thế, có người bước xuống nhưng đã có người khác bước lên, chuyến tàu lịch sử vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Lịch sử nhân loại cho thấy không một bạo lực nào có thể ngăn được sự chuyển động đi lên của nhận thức con người. Như người viết đã mở đầu, trừ phi lãnh đạo CSVN đui mù câm điếc hết, họ phải biết chế độ độc tài CSVN diễn ra trên đất nước Việt Nam sắp sửa cáo chung. Bruce Springsteen và Barack Obama là hai cánh én tự do nhưng mùa xuân không đến từ cánh én ghé qua một đôi ngày mà phải được mang về bằng bầy én Việt Nam. Mùa xuân rồi sẽ đến. Trần Trung Đạo 




Friday, May 27, 2016

Hình ảnh đời thường của nữ cố vấn gốc Việt cho Obama

Bà Elizabeth Phú được Tổng thống Barack Obama khen ngợi là một trong những nhân viên giỏi nhất và là niềm tự hào của gia đình.
 
Bà Elizabeth Phú, 40 tuổi, hiện là ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, giám đốc các vấn đề an ninh Đông Nam Á, châu Đại Dương và Đông Á. Bà đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ ông Obama định hình chính sách ở những khu vực này, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.
 
 
Bà Phú rời Việt Nam cùng gia đình đến Mỹ định cư khi mới gần 4 tuổi. Gia đình bà có hai chị em gái. Mẹ bà là y tá đã nghỉ hưu, còn bố bà vẫn làm việc trong công ty tài chính đầu tiên mà ông được nhận vào từ khi sang Mỹ.
 
 
Bà kết hôn với ông Andrew Ridenour vào năm 2011 và hiện có một con trai gần 4 tuổi. Bức ảnh trên được bà đăng lên tài khoản Facebook cá nhân với chú thích: "Lúc này đây tôi cảm thấy đặc biệt biết ơn người đàn ông này".
 
 
Elizabeth Phú cười hạnh phúc khi khoe đang mang thai con trai 4 năm trước.
 
 
Bà Phú tốt nghiệp chuyên ngành khoa học chính trị và có bằng thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế Thái Bình Dương. Bà cũng từng tu nghiệp trong vòng một năm tại học viện quân sự cấp cao Dwight D. Eisenhower. 
Trong ảnh, bà Phú và con trai.
 
 
Bà đã có 15 năm kinh nghiệm phục vụ tại Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhà Trắng qua hai chính quyền của cựu tổng thống George W. Bush và Tổng thống Obama. Nữ cố vấn này từng tham gia phát triển và đàm phán các thỏa thuận quốc tế quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. 
 
 
Trong một cuộc phỏng vấn với đài RFA hồi tháng 3, bà Phú cho hay bà rất may mắn khi được làm công việc ở Nhà Trắng liên quan tới những quốc gia mà bà quan tâm. Bà từng trở về Việt Nam vào năm ngoái để cùng các đồng nghiệp ở Hà Nội chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ. 
 
 
Bức ảnh chụp tại Nhà Trắng được em gái bà là Jenny Phú chia sẻ trên Facebook với dòng chú thích đầy tự hào về chị gái: "Tổng thống Obama nói với gia đình tôi rằng chị gái tôi Elizabeth Phú là một trong những nhân viên giỏi nhất của ông. Chúng tôi vô cùng tự hào". 
 
 
Trong bài phát biểu hôm nay trước gần 1.000 thanh niên Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Obama cũng nhắc đến bà Phú như một trong những cố vấn hàng đầu của ông ở Nhà Trắng. 
Ông kể lại hành trình đến nước Mỹ đầy gian nan của bà và ca ngợi tài năng của người phụ nữ gốc Việt này. "Chúng tôi dựa vào cô ấy trong mọi chính sách", ông Obama nói.

Thơ Diễn Văn Obama / FB Hương Nguyễn Thị Lan

Xin chào! Xin chào Việt Nam!
Cảm ơn các bạn Việt Nam tuyệt vời
Nhân đây tôi muốn gửi lời
Cảm ơn các bạn đã mời chúng tôi
Cho dù tôi ở xa xôi
Đến đây nồng ấm như nôi nhà mình
Các bạn đón tiếp chân tình
Làm cho rung động thực tình tim tôi
Hôm qua tôi rất bồi hồi
Đi ăn bún chả được ngồi tự do
Ngoài kia dân chúng reo hò
Thấy nhiều xe máy quanh co khác thường
Tôi nghĩ mình muốn qua đường
Lần sau các bạn dẫn đường cho tôi!
Hawai là quê của tôi
Tôi sống ở đó đến hồi 13
Khi cuộc chiến tranh diễn ra
Chắc nhiều người Việt hỏi là tại đâu?
Hai con gái tôi biết đâu
Làm sao hiểu được nỗi sầu chiến tranh
Lịch sử Việt Nam vang danh
Tôi rất trân trọng lòng thành trong tôi
Trống đồng, lúa nước là nôi
Sông Hồng nước vẫn cứ trôi hiền hòa
Nhớ lại bản anh hùng ca
Của Lý Thường Kiệt như là thiên thư
"Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư..."
Bác Hồ cũng đã nói như
Tuyên ngôn nước Mỹ nhiều từ ngợi ca
Tôi có thể nói thẳng ra
Xưa kia người Mỹ đến là chiến tranh
Bây giờ có hòa bình xanh
Đến dạy các bạn tiếng anh chân tình
Ở thành phố Hồ Chí Minh
Đại học Fullbright được hình thành nên
Phi lợi nhuận đặt lên trên
Nghiên cứu toán học có tên hàng đầu
Như giáo sư Ngô Bảo Châu
Y tế giáo dục nhịp cầu mở ra
Chiến tranh nhắc nhở chúng ta
Là chân giá trị chỉ ra hòa bình
Không cho ai áp đặt mình
Nguyên lý độc lập tự mình tạo ra
Nhiệm kỳ tôi chẳng còn xa
Tôi sẽ cố gắng tạo đà dựng xây
Tình thân tôi đã đắp đầy
Mong cho Việt Mỹ từ đây vẹn mười
"Từ nay người biết yêu người
Từ nay người biết thương người"... Tri nhân.
Chúng ta phải lo cho dân
Chiến tranh đã để lại phần thương đau
Hai bên gắng sức cùng nhau
Giải quyết hậu quả giúp mau vẹn toàn
Ông John Kerry đã bàn
Cùng Võ Nguyên Giáp đã làm năm xưa
Bỏ qua thù hận dây dưa
Giúp cho Mỹ-Việt sớm trưa chung tình
Để dân hai nước chúng mình
Trở thành đối tác ân tình trước sau
Instagram, Facebook đua nhau
Sefile Tổng Thống cùng nhau vui cười
Không quên hơn ba triệu người
Họ đã vĩnh viễn xa rời chúng ta
Người Mỹ cũng phải xót xa
Mấy trăm ngàn lính xa nhà ở đây!
Hôm nay tôi nói điều này
Để ghi nhận những tháng ngày đau thương
Tôi xin nhắc lại lập trường
Nước Mỹ ủng hộ dân thường tự do
Nhân quyền cao nhất trời cho
Tự do lập hội tự do họp hành
Luật đã xác định rành rành
Ở trong hiến pháp ngọn ngành Việt Nam.
Chúng ta Mỹ hay Việt Nam
Dù lớn hay nhỏ cũng phàm như nhau
Chủ quyền độc lập trước sau
Nước lớn không được "mày cau" nạt mình
Tuy rằng nhiều cái phát sinh
Nhân quyền là điểm chúng mình khác nhau
Tôi bị phê bình trước sau
Tại sao không sớm mau mau hoàn thành?
Ai dám ăn hiếp các anh?
Biển đông luật pháp rành rành còn kia
Nước Mỹ chẳng phải ăn chia
Tự do hàng hải có chừa ai đâu?
Cho nên tôi vẫn điều tàu
Máy bay cũng được lệnh mau vi hành
Vũ khí sát thương chiến tranh
Cũng không còn cấm các anh được dùng
TPP chúng ta cùng
Giúp nhau kinh tế tạo vùng tự do
Vừa tạo cho dân ấm no
Vừa chống tham nhũng chẳng lo bị thù
Tám năm công việc lu bù
Lo cho nước Mỹ hết thù ngoài trong
Chúng tôi cũng chỉ ước mong
Chính trị nước Mỹ sáng trong vẹn toàn
Trước khi kết thúc diễn đàn
Tôi muốn các bạn hoàn toàn tự do
Tương lai của bạn ai lo?
Phải chính các bạn tự lo cho mình
Bao nhiêu sáng kiến phát sinh
Internet. Facebook tự mình đăng lên
Chia sẻ cái đúng, cái nên
Tự chọn lãnh đạo cấp trên của mình
Phải có học thức văn minh
Mới làm đại diện cho mình an thân
Phải vì nước phải vì dân
Do vậy báo chí phải cần tự do
Tôi xin đọc vần thơ nho
Mong rằng các bạn chứng cho tâm này
"Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi"
Nước Mỹ cam kết khắc ghi
Sẽ làm tất cả là vì Việt Nam.
“Cảm ơn các bạn!
Thank you very much. Thank you Vietnam”Xin chào! Xin chào Việt Nam!
Sưu tầm copy trên facebooks Hương Nguyễn Thị Lan

Thursday, May 26, 2016

Bài phát biểu của Tổng thống Obama trước người dân Việt Nam

TỔNG THỐNG OBAMA: Xin chào! (Vỗ tay). Xin chào Việt Nam! (Vỗ tay). Xin cảm ơn. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Xin cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho tôi sự chào đón nồng nhiệt và lòng mến khách trong chuyến thăm này. Và cảm ơn tất cả các bạn đã có mặt ở đây ngày hôm nay. (Vỗ tay). Chúng ta thấy, tới đây hôm nay là người Việt từ khắp mọi miền của đất nước vĩ đại này, trong đó có rất nhiều bạn trẻ đại diện cho sự năng động, tài năng và niềm hy vọng của Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, trái tim tôi thực sự xúc động trước tấm lòng nhân hậu vốn nổi tiếng của người Việt Nam. Qua vô số những người đứng xếp hàng trên các con phố, tươi cười và vẫy tay chào, tôi cảm nhận được tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Tối qua, tôi đã đến thăm phố cổ Hà Nội và thưởng thức một vài món ăn đặc sắc của Việt Nam. Tôi đã ăn Bún Chả. (Vỗ tay). Uống một chút bia Hà Nội. Nhưng tôi phải thú thực là đường phố thật đông đúc, cả đời tôi chưa bao giờ thấy có nhiều xe máy đến vậy. (Cười). Vì vậy tôi chưa thử đi qua đường, nhưng có thể sau này khi có dịp tôi quay trở lại, các bạn có thể chỉ cho tôi cách qua đường. Tôi không phải là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây. Nhưng tôi là Tổng thống đầu tiên, cũng giống nhiều bạn ở đây, đã trưởng thành sau cuộc chiến giữa hai nước chúng ta. Khi những lực lượng cuối cùng của Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam, tôi mới tròn 13 tuổi. Do vậy lần đầu tiên tôi trực tiếp biết đến Việt Nam và tiếp xúc với người Việt Nam là khi tôi lớn lên ở Hawaii, với cộng đồng người Mỹ gốc Việt đầy tự hào ở đó. Đồng thời, nhiều bạn ở đất nước này còn trẻ hơn tôi. Cũng giống như hai cô con gái của tôi, rất nhiều bạn sinh ra và lớn lên cả đời chỉ biết một điều – đó là hòa bình và mối quan hệ đã được bình thường hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Do vậy, khi đến đây, tôi đã ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử đầy khó khăn của chúng ta, nhưng cũng hướng tới tương lai – sự thịnh vượng, an ninh và nhân phẩm mà chúng ta cùng nhau thúc đẩy. Tôi cũng đến đây với tinh thần trân trọng sâu sắc những di sản lâu đời của Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm, những người nông dân đã vun xới cho mảnh đất này – một lịch sử được hiển hiện qua trống đồng Đông Sơn. Ở khúc ngoặt của dòng sông Hồng là Hà Nội đã có trên một ngàn năm lịch sử. Thế giới đã biết đến và trân quý những tấm lụa và những bức tranh của Việt Nam, đồng thời Văn Miếu còn là một minh chứng cho tinh thần hiếu học của các bạn. Thế nhưng, trải qua nhiều thế kỷ, vận mệnh của các bạn lại thường xuyên bị định đoạt bởi những thế lực bên ngoài. Mảnh đất thân thương này không phải lúc nào cũng là của các bạn. Nhưng giống như cây tre, tin thần bất khuất của người Việt Nam đã được đúc kết trong áng thơ của Lý Thường Kiệt – “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận ở sách trời”. Ngày hôm nay, chúng ta cũng nhớ tới giai đoạn lịch sử dài hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vốn vẫn thường bị lãng quên. Cách đây hơn 200 năm, khi Thomas Jefferson, người cha lập quốc của chúng tôi, tìm kiếm giống lúa cho trang trại của mình, ông đã tìm đến Việt Nam, mà theo ông, giống lúa ấy “nổi tiếng là trắng, thơm ngon và năng suất cao nhất”. Chẳng bao lâu sau, những tàu buôn Hoa Kỳ đã cập cảng của các bạn để tìm kiếm cơ hội giao thương. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, người Mỹ đã đến đây để giúp các bạn trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Khi những chiếc máy bay Hoa Kỳ bị bắn rơi, người Việt Nam đã cứu những viên phi công gặp nạn. Và vào ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, người dân đã đổ ra khắp những phố phường Hà Nội và Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Ông đã nói: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Vào một thời điểm khác, việc tuyên bố những lý tưởng chung đó và cuộc đấu tranh tương tự đánh đuổi thực dân của cả hai dân tộc lẽ ra đã có thể giúp chúng ta sớm xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, sự đối đầu trong Chiến tranh Lạnh và nỗi lo sợ về chủ nghĩa cộng sản đã đẩy chúng ta tới xung đột. Cũng giống như biết bao cuộc xung đột khác trong lịch sử nhân loại, chúng ta một lần nữa đã rút ra một sự thật cay đắng – rằng chiến tranh, cho dù mục đích của mỗi bên có là gì đi chăng nữa, cũng chỉ đem lại những đớn đau và bi kịch. Ở tượng đài liệt sỹ của các bạn cách đây không xa, và trên bàn thờ của các gia đình ở khắp nơi trong cả nước, các bạn đang tưởng nhớ tới khoảng ba triệu người Việt Nam, cả những người lính và dân thường, ở cả hai phía, đã ngã xuống. Trên bức tường tưởng niệm ở Washington, chúng ta có thể chạm vào tên của 58.315 người Mỹ đã hy sinh tính mạng của họ trong cuộc chiến. Ở cả hai nước, những cựu binh và gia đình của những người đã ngã xuống vẫn đau đáu đi tìm những người bạn và những người thân đã mất. Đúng như ở Mỹ, chúng tôi đã được học, ngay cả khi chúng ta bất đồng về một cuộc chiến, chúng ta cũng phải luôn tôn vinh những người đã đứng trong quân ngũ và mở rộng vòng tay đón họ trở về với lòng kính trọng mà họ xứng đáng được hưởng, chúng ta có thể cùng bên nhau ngày hôm nay, cả người Việt lẫn người Mỹ và cùng thừa nhận những nỗi đau và hy sinh của cả hai phía. Gần đây hơn, trong hơn hai thập niên vừa qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn và hiện nay cả thế giới có thể chứng kiến những nỗ lực lớn lao của các bạn. Nhờ đổi mới kinh tế và các hiệp định thương mại, trong đó có hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, các bạn đã hội nhập kinh tế quốc tế, bán hàng hóa của mình khắp nơi trên thế giới. Đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều hơn. Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Chúng tôi đã thấy những tiến bộ của Việt Nam qua những tòa tháp cao chọc trời và những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, qua những trung tâm mua sắm và khu đô thị mới. Chúng tôi đã thấy những tiến bộ như vậy qua những vệ tinh mà Việt Nam đưa vào không gian và qua một thế hệ mới đang được kết nối trực tuyến, khởi nghiệp và điều hành những doanh nghiệp mới. Chúng tôi đã thấy những tiến bộ như vậy qua hàng chục triệu người Việt Nam kết nối trên Facebook và Instagram. Và các bạn không chỉ đăng những tấm ảnh selfies – mặc dù tôi được biết các bạn rất hay chụp như thế – (Cười) – cho đến giờ có rất nhiều bạn đã mời tôi cùng chụp selfies. Các bạn còn nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề mà các bạn quan tâm, như bảo vệ cây cổ thụ ở Hà Nội. Chính sự năng động như vậy đã đem lại những bước tiến thực sự trong cuộc sống của người dân. Ở đây, ở Việt Nam, các bạn đã giảm mạnh tỷ lệ nghèo đói cùng cực, nâng mức thu nhập của các hộ gia đình và giúp hàng triệu người vươn lên trở thành tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh. Đói nghèo, bệnh tật, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em đều giảm. Số người có nước sạch và điện, số trẻ em trai và trẻ em gái được đến trường, tỷ lệ biết đọc biết viết – tất cả đều tăng lên. Đó là sự tiến bộ vượt bậc. Đó là những thành tựu mà các bạn đã có thể đạt được trong một khoảng thời gian rất ngắn. Cùng với sự chuyển mình của Việt Nam là sự chuyển biến trong mối quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi đã rút ra một bài học từ lời răn dạy của Thiền sư Thích Nhật Hạnh, rằng “Bằng đối thoại chân thành, cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi”. Bằng cách đó, chính cuộc chiến vốn đã chia rẽ chúng ta lại trở thành nguồn cội để hàn gắn. Điều đó đã cho phép chúng ta tìm kiếm những người đã mất tích và cuối cùng đưa họ trở về quê hương. Điều đó đã cho phép chúng ta tháo gỡ bom mìn còn sót lại, vì chúng ta không thể để những đứa trẻ phải mất chân chỉ vì vui chơi ở ngoài trời. Ngay cả khi chúng tôi tiếp tục giúp đỡ những người Việt Nam khuyết tật, bao gồm cả trẻ em, chúng tôi cũng vẫn tiếp tục loại bỏ chất độc da cam – dioxin – để Việt Nam có thể giành lại những mảnh đất của mình. Chúng tôi tự hào về công việc mà chúng ta đã cùng làm ở Đà Nẵng, và mong muốn tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của các bạn ở Biên Hòa. Chúng ta cũng không nên quên rằng việc hàn gắn giữa hai nước đã có những đóng góp lớn lao của những cựu binh vốn đã từng đối mặt ở hai đầu chiến tuyến. Hãy nhớ tới Thượng Nghị sỹ John McCain, người đã từng là tù binh chiến tranh trong nhiều năm ở đây, đã gặp Tướng Giáp, người đã nói hai nước không nên cứ là kẻ thù, mà hãy làm bạn. Hãy nhớ tới tất cả những cựu binh, cả Việt Nam và Hoa Kỳ, đã giúp chúng ta hàn gắn và gây dựng những mối quan hệ mới. Ít ai có thể làm nhiều hơn thế trong lĩnh vực này qua nhiều năm so với cựu Trung úy Hải quân, nay là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry, người cũng có mặt ở đây ngày hôm nay. Thay mặt cho tất cả mọi người, xin trân trọng cảm ơn John vì những nỗ lực vượt bậc của mình. (Vỗ tay). Nhờ những cựu binh đã dẫn đường cho chúng ta, nhờ những chiến binh đã có lòng quả cảm vươn tới hòa bình mà hai dân tộc chúng ta giờ đây đã gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Thương mại song phương đã tăng mạnh. Sinh viên và học giả của cả hai bên cùng học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi đón nhiều sinh viên từ Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á. Và mỗi năm, các bạn cũng đón ngày càng nhiều khách du lịch từ Hoa Kỳ, bao gồm cả các bạn trẻ người Mỹ đeo ba lô, tới 36 phố phường ở Hà Nội, những cửa hàng ở phố cổ Hội An và cố đô Huế. Cả người Việt và người Mỹ đều có thể đồng cảm với những lời ca của nhạc sỹ Văn Cao – “Từ đây người biết quê người; từ đây, người biết thương người”. Với tư cách là Tổng thống, tôi đã phát huy những tiến bộ như vậy. Với mối quan hệ đối tác toàn diện mới, chính phủ của cả hai nước đang hợp tác chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Và cùng với chuyến thăm này, chúng ta đã đặt nền tảng vững chắc hơn cho mối quan hệ song phương trong nhiều thập niên tới. Xét từ góc độ nào đó, sợi dây dài kết nối hai nước vốn bắt đầu từ Thomas Jefferson cách đây hơn hai thế kỷ đến bây giờ đã kết trọn một vòng. Quá trình đó đã diễn ra qua bao nhiêu năm và đòi hỏi những nỗ lực to lớn. Nhưng giờ đây, chúng ta có thể nói điều mà trước kia khó có thể tưởng tượng nổi: ngày hôm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã là đối tác. Và tôi tin rằng kinh nghiệm của chúng ta sẽ là những bài học cho cả thế giới. Vào thời điểm mà nhiều cuộc xung đột dường như vô cùng nan giải, dường như không có hồi kết, chúng ta đã minh chứng rằng trái tim có thể thay đổi và rằng một tương lai khác sẽ đến nếu như chúng ta khước từ làm tù binh của quá khứ. Chúng ta đã cho thấy hòa bình có thể tốt đẹp hơn chiến tranh như thế nào. Chúng ta đã minh chứng rằng tiến bộ và nhân phẩm chỉ có thể được thúc đẩy tốt nhất qua hợp tác, chứ không phải xung đột. Đó là những gì mà Việt Nam và Hoa Kỳ có thể chứng minh với thế giới. Giờ đây, mối quan hệ đối tác mới của Hoa Kỳ với Việt Nam được bắt nguồn từ một vài chân lý cơ bản. Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, và không có bất kỳ quốc gia nào khác có thể áp đặt ý chí hay định đoạt vận mệnh của các bạn. (Vỗ tay). Bây giờ, Hoa Kỳ có mối quan tâm ở đây. Chúng tôi quan tâm tới sự thành công của Việt Nam. Nhưng mối quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu. Trong thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của mình, tôi muốn chia sẻ với các bạn một tầm nhìn mà tôi tin rằng có thể định hướng cho chúng ta trong nhiều thập niên tới đây. Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau hợp tác để tạo ra những cơ hội thực sự và sự thịnh vượng cho tất cả người dân của mình. Chúng ta biết những thành tố của thành công kinh tế trong thế kỷ 21. Trong nền kinh tế toàn cầu, đầu tư và thương mại sẽ đến bất kỳ nơi nào có pháp quyền, bởi vì không ai muốn phải hối lộ để được khởi nghiệp. Không ai muốn bán hàng hay đi học nếu họ không biết mình sẽ được đối xử ra sao. Trong các nền kinh tế tri thức, việc làm sẽ được tạo ra ở những nơi mà người dân có quyền tự do suy nghĩ, trao đổi ý tưởng và đổi mới sáng tạo. Và mối quan hệ đối tác kinh tế thực sự không phải là chuyện nước này đi khai thác tài nguyên của nước khác, mà là đầu tư vào nguồn lực quý báu nhất của mình – đó chính là con người, kỹ năng và tài năng của họ, cho dù họ sống ở thành phố lớn hay ở làng quê. Và đó chính là mối quan hệ đối tác mà Hoa Kỳ đem tới. Như tôi đã công bố ngày hôm qua, Peace Corps (Tổ chức Hòa bình) lần đầu tiên sẽ tới Việt Nam, tập trung giảng dạy tiếng Anh. Một thế hệ sau khi những thanh niên Mỹ đến đây để chiến đấu, một thế hệ người Mỹ mới sẽ tới đây để giảng dạy, xây dựng và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai dân tộc. (Vỗ tay). Một số công ty công nghệ hàng đầu và những cơ sở đào tạo của Hoa Kỳ đang hợp tác với các trường đại học của Việt Nam để tăng cường đào tạo trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, toán và y học. Ngay cả khi chúng tôi tiếp tục đón nhận thêm nhiều sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập, chúng tôi cũng tin rằng các bạn trẻ hoàn toàn xứng đáng được tiếp cận nền giáo dục đẳng cấp quốc tế ngay tại đây ở Việt Nam. Đó là một trong những lý do chúng tôi rất phấn khởi khi mùa thu này, trường đại học Fulbright Việt Nam sẽ đi vào hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh – đây sẽ là trường đại học phi lợi nhuận, độc lập đầu tiên của Việt Nam – đó sẽ là nơi có tự do học thuật hoàn toàn và học bổng cho những người có hoàn cảnh khó khăn. (Vỗ tay). Sinh viên, học giả và các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào chính sách công, quản trị và kinh doanh; vào khoa học máy tính và kỹ thuật, và các môn nghệ thuật tự do – mọi lĩnh vực từ thơ của Nguyễn Du, cho đến triết lý của Phan Chu Trinh và toán học của Ngô Bảo Châu.
Và chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn trẻ và doanh nhân khởi nghiệp, bởi chúng tôi tin rằng khi các bạn có thể tiếp cận các kỹ năng, công nghệ và vốn mà mình cần thì không có gì có thể cản đường các bạn – và điều đó bao gồm cả những phụ nữ tài năng của Việt Nam. (Vỗ tay). Chúng tôi cho rằng bình đẳng giới là một nguyên tắc quan trọng. Từ thời Bà Trưng Bà Triệu đến nay, những người phụ nữ mạnh mẽ và tự tin luôn luôn có thể giúp Việt Nam tiến về phía trước. Bằng chứng rất rõ ràng – tôi nói điều này ở bất cứ nơi nào tôi đến trên khắp thế giới – gia đình, cộng đồng, và các quốc gia đều thịnh vượng hơn khi trẻ em gái và phụ nữ có cơ hội ngang bằng để thành công ở trường học và ở nơi làm việc và trong chính phủ. Điều đó đúng ở mọi nơi và điều đó đúng ở Việt Nam. (Vỗ tay).
Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để giải phóng tối đa tiềm năng của nền kinh tế của các bạn thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay tại Việt Nam, TPP sẽ giúp các bạn bán được nhiều sản phẩm hơn ra thế giới và hiệp định này sẽ thu hút đầu tư mới. TPP sẽ đòi hỏi cải cách để bảo vệ công nhân và pháp quyền và quyền sở hữu trí tuệ. Và Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khi Việt Nam nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết của mình. Tôi muốn các bạn biết rằng, với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP bởi các bạn còn có thể mua nhiều hơn các sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ.
Hơn nữa, tôi ủng hộ TPP bởi những lợi ích chiến lược quan trọng của hiệp định này. Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào bất kỳ một đối tác thương mại duy nhất nào và hưởng lợi từ quan hệ rộng rãi hơn với nhiều đối tác, bao gồm Hoa Kỳ. (Vỗ tay). Và TPP sẽ củng cố hợp tác khu vực. TPP sẽ giúp Việt Nam giải quyết bất đình đẳng kinh tế, và sẽ thúc đẩy nhân quyền, với mức lương cao hơn và điều kiện lao động an toàn hơn. Lần đầu tiên ở Việt Nam, quyền lập công đoàn độc lập và luật cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. Và hiệp định có các biện pháp bảo vệ môi trường mạnh mẽ nhất và những tiêu chuẩn chống tham nhũng cao nhất so với bất kỳ hiệp định thương mại nào trong lịch sử. Đó là tương lai mà TPP mang lại cho tất cả chúng ta, bởi tất cả chúng ta – Hoa Kỳ, Việt Nam và các quốc gia tham gia – sẽ phải tuân thủ các quy định mà chúng ta đã cùng nhau tạo nên. Đó là tương lai dành cho tất cả chúng ta. Vì thế chúng ta phải đạt được hiệp định này – vì sự thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta.
Tiếp theo, tôi muốn nói đến lĩnh vực thứ hai mà chúng ta có thể cùng hợp tác với nhau, đó là đảm bảo an ninh chung của chúng ta. Với chuyến thăm này, chúng ta đồng thuận về việc đẩy mạnh hợp tác an ninh và tăng cường lòng tin giữa quân đội hai nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các khóa đào tạo và trang thiết bị cho Cảnh sát biển Việt Nam nhằm tăng cường năng lực hàng hải của Việt Nam. Chúng tôi sẽ đồng hành để cung cấp hỗ trợ nhân đạo khi xảy ra thảm họa. Với tuyên bố tôi đã đưa ra ngày hôm qua về việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, Việt Nam sẽ có được sự tiếp cận lớn hơn với trang thiết bị quân sự các bạn cần để đảm bảo an ninh của mình. Và Hoa Kỳ đang thực hiện cam kết của mình nhằm bình thường hóa quan hệ hoàn toàn với Việt Nam. (Vỗ tay).
Nói một cách rộng hơn, thế kỷ 20 đã cho tất cả chúng ta– cả Hoa Kỳ và Việt Nam – thấy rằng trật tự thế giới làm nền tảng cho an ninh chung của chúng ta được hình thành dựa trên những quy tắc và chuẩn mực nhất định. Các quốc gia đều có chủ quyền, bất luận quốc gia đó lớn hay nhỏ, chủ quyền của họ phải được tôn trọng, và lãnh thổ của họ không nên bị xâm phạm. Các quốc gia lớn không nên bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn. Các tranh chấp nên được giải quyết một cách hòa bình. (Vỗ tay). Và các thiết chế khu vực, ví dụ như ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, nên tiếp tục được củng cố mạnh mẽ. Đó là điều tôi tin tưởng. Đó là điều Hoa Kỳ tin tưởng. Đó là quan hệ đối tác mà Hoa Kỳ mang đến khu vực này. Tôi mong muốn thúc đẩy tinh thần tôn trọng và hòa giải vào cuối năm nay khi tôi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Lào.
Về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), Hoa Kỳ không là một quốc gia tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp hiện nay. Tuy nhiên chúng tôi sát cánh cùng các đối tác để bảo vệ những nguyên tắc cốt lõi, như quyền tự do hàng hải và hàng không, và thương mại hợp pháp không bị cản trở, và cách giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình, thông qua các công cụ pháp lý, theo luật pháp quốc tế. Trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay và đưa tàu thuyền hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia thực hiện việc làm tương tự như vậy. (Vỗ tay).
Ngay cả khi chúng ta hợp tác chặt chẽ hơn trong những lĩnh vực mà tôi vừa nói đến, quan hệ đối tác của chúng ta còn bao gồm thành tố thứ ba – giải quyết những lĩnh vực mà chính phủ của chúng ta còn khác biệt, bao gồm nhân quyền. Không quốc gia nào là hoàn hảo cả. Hai thế kỷ đã trôi qua, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cố gắng để thực hiện những lý tưởng có từ thời lập quốc của chúng tôi. Chúng tôi vẫn đang giải quyết những bất cập của mình – quá nhiều tiền đổ vào chính trị, bất bình đẳng kinh tế gia tăng, phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự, phụ nữ vẫn không được trả lương ngang bằng với nam giới trong cùng một công việc. Chúng tôi vẫn còn nhiều vấn đề. Và chúng tôi không phải không bị chỉ trích, tôi thú thực với bạn như vậy. Tôi vẫn nghe những lời chỉ trích hàng ngày. Nhưng chính sự giám sát đó, những cuộc tranh luận công khai, chỉ ra những điểm không hoàn hảo của chúng tôi, và cho phép tất cả mọi người có tiếng nói đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn.
Tôi đã nói điều này từ trước– Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt mô hình chính phủ của chúng tôi lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nói đây, tôi tin rằng không phải các giá trị Mỹ, tôi nghĩ đó là giá trị phổ quát được minh định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Những quyền đó được minh định trong Hiến pháp Việt Nam, khẳng định rằng “người dân có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, và có quyền tiếp cận thông tin, quyền tụ họp và quyền lập hội, và quyền biểu tình”. Điều đó được nêu trong hiến pháp Việt Nam. (Vỗ tay). Vì thế, thực sự vấn đề ở đây là tất cả chúng ta, từng quốc gia, cố gắng áp dụng nhất quán những nguyên tắc này, đảm bảo rằng chúng ta – những người đang làm việc trong chính phủ - thành thật với những lý tưởng đó.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ. Việt Nam cam kết đảm bảo pháp luật của mình sẽ thống nhất với hiến pháp mới và với chuẩn mực quốc tế. Theo quy định của một số luật mới được ban hành gần đây, chính phủ sẽ công khai nhiều hơn về ngân sách và công chúng sẽ có quyền tiếp cận nhiều thông tin hơn. Và, như tôi đã nói, Việt Nam cam kết thực hiện cải cách kinh tế và lao động theo TPP. Vì thế, tất cả đều là những bước đi tích cực. Cuối cùng, tương lai của Việt Nam sẽ được quyết định bởi chính người dân Việt Nam. Mỗi quốc gia có con đường riêng của mình, và hai quốc gia chúng ta có những truyền thống khác biệt, hệ thống chính trị khác biệt và văn hóa khác biệt. Nhưng là một người bạn của Việt Nam, cho phép tôi chia sẻ quan điểm của tôi – tại sao tôi tin tưởng các quốc gia sẽ thành công hơn khi những quyền phổ quát được đảm bảo.
Khi có quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận, và khi người dân có thể chia sẻ ý tưởng và tiếp cận internet và mạng xã hội mà không bị cấm đoán, điều đó sẽ tạo đà cho đổi mới sáng tạo mà các nền kinh tế cần để có thể vươn lên. Đó là nơi nảy ra những ý tưởng mới. Đó chính là cách thức khởi đầu của Facebook. Đó chính là cách thức mà nhiều trong số những công ty vĩ đại nhất của chúng tôi đã khởi nghiệp – nhờ ai đó có ý tưởng mới. Ý tưởng khác biệt. Và họ có thể chia sẻ ý tưởng đó. Khi có tự do báo chí – khi nhà báo và blogger có thể vạch trần những bất công và lạm dụng – điều đó sẽ buộc các quan chức phải có trách nhiệm và sẽ xây dựng niềm tin của người dân để hệ thống có thể hoạt động. Khi các ứng viên có thể chạy đua vào các vị trí và tranh cử tự do, và cử tri có thể lựa chọn những người lãnh đạo của mình trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng thì điều đó sẽ làm cho các quốc gia ổn định hơn, bởi vì người dân biết rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và rằng những thay đổi một cách hòa bình là điều có thể. Và điều đó sẽ đưa những con người mới vào hệ thống.
Khi có quyền tự do tôn giáo, thì điều đó không chỉ cho phép người dân được bày tỏ đầy đủ tình yêu và đam mê vốn là giá trị cốt lõi của tất cả mọi tôn giáo lớn, mà còn cho phép các nhóm đức tin phục vụ cộng đồng của họ thông qua trường học và bệnh viện, và chăm sóc người nghèo và người dễ bị tổn thương. Và khi có quyền tự do hội họp – khi người dân được tự do tổ chức xã hội dân sự - thì các quốc gia sẽ giải quyết tốt hơn các thách thức mà chính phủ đôi khi không thể tự mình giải quyết. Do vậy, tôi cho rằng việc thúc đẩy các quyền này không phải là mối đe dọa đối với sự ổn định, mà thực ra là củng cố sự ổn định và là nền tảng cho sự tiến bộ.
Suy cho cùng, việc khát khao có được những quyền này đã thôi thúc người dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đánh đuổi chủ nghĩa thực dân. Tôi tin rằng việc thúc đẩy các quyền này là sự hiện thân đầy đủ nhất của độc lập mà nhiều quốc gia đề cao, bao gồm cả nơi này, ở một quốc gia đã tuyên bố “của dân, do dân và vì dân”.
Cách thực hiện của Việt Nam sẽ khác với của Hoa Kỳ. Và cách thức của mỗi chúng ta cũng sẽ khác với các quốc gia khác trên thế giới. Nhưng có những nguyên tắc căn bản mà tôi cho rằng tất cả chúng ta đều cần phải cố gắng thực hiện và cải thiện. Tôi đã nói điều này với tư cách là người sắp hết nhiệm kỳ, do vậy tôi có lợi thế trong gần tám năm để giờ đây có thể suy ngẫm xem hệ thống của chúng tôi hoạt động như thế nào và tương tác với các quốc gia thế giới ra sao khi mà họ đang không ngừng cải thiện hệ thống của mình.
Cuối cùng, tôi cho rằng, mối quan hệ đối tác của chúng ta có thể ứng phó với những thách thức toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết được. Nếu chúng ta tiếp tục đảm bảo sức khỏe cho người dân của mình và vẻ đẹp của hành tinh này thì chúng ta phải phát triển bền vững. Những kỳ quan tự nhiên như Vịnh Hạ Long và Hang Sơn Đoòng cần phải được gìn giữ cho con cháu chúng ta. Nước biển dâng đe dọa các bờ biển và giao thông đường thủy vốn là huyết mạch trong cuộc sống của nhiều người Việt Nam. Với tư cách là các đối tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chúng ta cần thực hiện đầy đủ cam kết mà chúng ta đã tuyên bố ở Paris, chúng ta cần giúp những người nông dân và những ngôi làng và người dân mưu sinh bằng nghề cá có thể thích ứng và đem lại nhiều năng lượng sạch hơn đến những khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của thế giới mà chúng ta cần để đảm bảo lương thực cho những thế hệ sau này.
Và chúng ta có thể cứu sống người dân ở ngoài biên giới của mình. Bằng cách giúp các quốc gia khác nâng cao hệ thống y tế của họ, chúng ta có thể phòng ngừa không để bệnh tật bùng phát trở thành dịch bệnh đe dọa tất cả chúng ta. Khi Việt Nam làm sâu sắc cam kết của mình với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ tự hào giúp đào tạo các quân nhân gìn giữ hòa bình của các bạn. Và điều quan trọng ở đây là – hai nước chúng ta, từng chiến đấu chống lại nhau, giờ lại sát cánh cùng nhau và cùng giúp nhau đạt được hòa bình. Vì thế, bên cạnh quan hệ song phương của mình, mối quan hệ đối tác còn cho phép chúng ta góp phần hình thành môi trường quốc tế theo hướng tích cực.
Bây giờ, thực hiện được đầy đủ tầm nhìn mà tôi mô tả ngày hôm nay không phải là điều xảy ra một sớm một chiều, và không phải đương nhiên sẽ xảy ra. Có thể sẽ có những thăng trầm trên con đường đó. Sẽ có những lúc xảy ra hiểu nhầm. Con đường đó đòi hỏi nỗ lực bền bỉ và đối thoại chân thành trong những lĩnh vực mà cả hai bên sẽ tiếp tục thay đổi. Tuy nhiên, khi xem xét cả chặng đường lịch sử và những trở ngại mà chúng ta đã vượt qua, tôi đang đứng trước các bạn ở đây ngày hôm nay, rất lạc quan về tương lai chung của chúng ta. (Vỗ tay). Và niềm tin của tôi, lúc nào cũng vậy, luôn luôn bắt nguồn từ tình hữu nghị và khát vọng chung của cả hai dân tộc.
Tôi nghĩ đến tất cả những người Mỹ và người Việt Nam đã vượt qua biển cả mênh mông – trong đó có một số người lần đầu tiên được đoàn tụ với gia đình sau nhiều thập niên – và những người như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết trong ca khúc của mình, đã nối vòng tay lớn để mở tấm lòng của mình ra để thấu suốt trái tim mình và nhìn thấu tình người trong mỗi chúng ta. (Vỗ tay).
Tôi nghĩ đến tất cả người Mỹ gốc Việt thuộc mọi tầng lớp đã thành danh – từ bác sỹ, nhà báo, thẩm phán, công chức. Một trong số họ, được sinh ra ở đây, đã viết cho tôi một lá thư và nói rằng “Ơn Chúa, tôi đã có thể thực hiện được giấc mơ Mỹ…Tôi rất tự hào là người Mỹ nhưng tôi cũng rất tự hào là người Việt Nam”. (Vỗ tay). Và ngày hôm nay, ông ấy ở đây, trở lại mảnh đất sinh thành, bởi vì, như ông ấy đã nói, “niềm đam mê cá nhân” của ông là “cải thiện cuộc sống cho từng người dân Việt Nam”.
Tôi nghĩ tới một thế hệ người Việt Nam mới – với rất nhiều người trong số các bạn, rất nhiều bạn trẻ có mặt ở đây – những người luôn sẵn sàng ghi lại dấu ấn của mình trên thế giới. Và tôi muốn nói với tất cả những người trẻ đang lắng nghe tôi nói rằng: tài năng của bạn, con đường của bạn, những giấc mơ của bạn–trong tất cả những thứ đó, Việt Nam đã có có tất cả những thành tố cần thiết để phát triển. Vận mệnh của bạn là trong tay của bạn. Đây là thời điểm của bạn. Và khi bạn theo đuổi tương lai mà bạn muốn, tôi muốn bạn biết rằng Hoa Kỳ sẽ ở đó bên bạn như là đối tác của bạn và là bạn của bạn. (Vỗ tay).
Và trong nhiều năm tới kể từ bây giờ, khi ngày càng có nhiều người Việt Nam và Mỹ đang học tập với nhau; đổi mới sáng tạo và kinh doanh với nhau; cùng chung tay vì an ninh của chúng ta, thúc đẩy nhân quyền và cùng nhau bảo vệ hành tinh của mình ... tôi hy vọng bạn hãy nhớ lại thời điểm này và ấp ủ hy vọng từ tầm nhìn mà tôi đã đề ra ngày hôm nay. Hay, nếu tôi có thể nói một cách khác – mượn lời của Truyện Kiều mà các bạn đều biết "Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”. (Vỗ tay).
Cám ơn các bạn. Rất cám ơn các bạn. Cám ơn Việt Nam. Cám ơn. (Vỗ tay).

VÌ SAO TỔNG THỐNG BARACK OBAMA ĐƯỢC NGƯỠNG MỘ VÀ CHÀO ĐÓN NỒNG NHIỆT TẠI VIỆT NAM?

Chiều nay Tổng thống Obama đã lên phi cơ rời Việt Nam sau 3 ngày đến thăm Hà Nội và thành phố Sài Gòn. Những ngày xôn xao và tràn ngập tin tức về ông rồi cũng lắng lại, nhưng hình ảnh của ông vẫn đọng mãi trong lòng người Việt. Bây giờ, chúng ta suy nghĩ xem, tại sao Tổng thống Mỹ lại được ngưỡng mộ và chào đón nồng nhiệt như thế tại Việt Nam?

Từ ngàn đời nay, nước Việt luôn bị Trung Hoa âm mưu thôn tính. Các chế độ phong kiến Trung Hoa đã nhiều lần thực hiện dã tâm này, nhưng với tinh thần bất khuất và yêu nước vô bờ, dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển. Điều đó như cái gai đâm mãi trong mắt những người cầm quyền xứ Trung. Đến khi Đảng Cộng Sản chiếm Hoa lục, khát vọng thôn tính Việt Nam càng mạnh mẽ hơn vì hoàn cảnh của lịch sử khiến giới lãnh đạo của hai nước có nhiều mối quan hệ gọi là anh em, bằng hữu. Nhà cầm quyền Trung Cộng tìm đủ mọi cách, thực hiện mọi âm mưu để thống trị nước ta. Sau 1975, dã tâm này càng lộ rõ khi trước đó chúng chiếm Hòang Sa và Trường Sa trong tay chính phủ hợp pháp Việt Nam Cộng Hòa. Chúng nuôi đội quân Pôn Pốt quấy phá biên giới Tây Nam, đem quân tấn công biên giới phía Bắc. Chúng tìm mọi cách để không cho kinh tế ta phát triển, dùng nhiều thủ đoạn để dân ta càng ngày càng yếu ớt, sức khỏe bạc nhược. Tôn Tử đã từng quan niệm:”Đánh mà thua là hạ sách, đánh mà thắng là trung sách, không đánh mà thắng mới là thượng sách”. Giới lãnh đạo Hoa lục đang sử dụng cách không đánh mà thắng bằng những trò nội gián, nuôi nấng, bao bọc một lớp người Việt hại đất nước mình. Những tham vọng và âm mưu đó khiến cho dân ta không có cảm tình với đường lối và chiến lược của giới cầm quyền Hoa lục và những kẻ có dã tâm làm tay sai cho giặc.
Đứng trước những âm mưu đồi bại của họ và nguy cơ sẽ trở thành một tỉnh của Trung quốc, chỉ còn con đường thoát Trung mới cứu được tình thế nguy nan này. Trong thời đại ngày nay, muốn thoát Trung chỉ còn cách làm bạn với Mỹ, cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, quốc gia có đủ tầm và lực để có thể khống chế tham vọng điên cuồng của đế chế Trung Hoa. Do vậy, người dân Việt Nam rất hân hoan và vui mừng chào đón những lãnh đạo của Mỹ đến thăm Việt Nam, trước đó có Bill Clinton, G.W. Bush và giờ đây là Barack Obama. Ông Obama sang Việt Nam trong lúc lòng dân Việt đang sôi sục căm thù chính quyền Trung Quốc vì những thủ đoạn và hành động phi nhân như đâm tàu giết ngư dân Việt, vi phạm lãnh hải, không phận Việt Nam, tuyên bố biển Đông là khu vực của họ thông qua đường lưỡi bò chín đoạn, đưa tàu thăm dò dầu vào hải phận Việt, tìm mọi cách đưa những thực phẩm chứa đầy chất độc giết người vào tiêu thụ tại thị trường nước ta, câm phạm không phận Việt Nam, bao vây biển không cho ngư dân Việt đánh bắt, biển nhiễm độc, cá chết trắng bờ, ngư dân thất nghiệp, thiếu ăn....Trước tình thế đó, giới lãnh đạo nước ta bất lực và luống cuống trong cách xử lí, khiến cho lòng dân thêm bực dọc. Sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ như mang đến cho dân Việt một niềm hi vọng và với ước mơ đó người Việt nồng nhiệt đón phái đoàn Mỹ trong nỗi hân hoan, dân ta nghĩ Mỹ sẽ là cứu tinh, giúp ta thoát khỏi đám bòng bong rối ren này, thoát khỏi sự đe doạ đốn mạt của bè lũ Trung hoa.

Trong chiến tranh, người dân miền Bắc Việt Nam được giáo dục ngay từ bé thơ đế quốc Mỹ là nguyên nhân của chiến tranh, gây bất ổn trật tự thế giới, là sen đầm quốc tế, Mỹ là kẻ ác, là kẻ xấu xa nhất trần gian, là kẻ bóc lột giai cấp công nhân. Thế giới tư bản đang giẫy chết để thế giới tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Khi bom nổ trên những vùng miền đất Bắc, chính quyền tuyên truyền tăng thêm lòng căm thù giặc Mỹ trong nhân dân, dạy cho dân thấy rằng kinh tế nghèo đói, không phát triển được là do giặc Mỹ. Khi cậu bé Trần Đăng Khoa làm bài thơ có câu: “Ngu xuẩn nhất nhì/ Là Tổng Thống Mỹ” thì các giới lãnh đạo vỗ tay khen ngợi, ca ngợi là thần đồng, dân chúng hưởng ứng rầm rộ….Thế nhưng, khi vào được miền Nam, thống nhất đất nước, người dân miền Bắc ngỡ ngàng trước cuộc sống của miền Nam, tay sai của đế quốc Mỹ. Và họ cảm thấy mình thấy rõ hơn sự thật, ý thức bị đẩy vào một cuộc chiến tranh không cần thiết, bị hi sinh vô lí cho một lí tưởng ảo vọng. Trong mỗi căn nhà ở miền Bắc đều có bàn thờ thờ người hi sinh trong chiến tranh. Trong trí nhớ của những người dân miền Bắc không ai quên được những trái bom rơi ở phố Khâm Thiên, ở những ngày mùa đông 1972. Nhưng sau chiến tranh họ đã nhận biết ai mới cần làm bạn, ai mới thật sự là kẻ thù để xây dựng một cuộc sống mới. Là nạn nhân của nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu sau 1975, dân Việt đã hết sức chịu đựng nên chỉ muốn có một lối thoát.

Năm 1954, sau hiệp định Geneve, một triệu dân miền Bắc đã di cư vào Nam, cuộc di cư vĩ đại đó vẫn là một cuộc di cư êm ả vì được tàu há mồm chở vào Nam. Những người di cư đó đã có cuộc sống ổn định ở miền đất mới. Sau 1975, lại có những cuộc ra đi. Lần này bỏ tổ quốc mà đi.
Ở xứ chim không di cư người phải di cư/ Lưu vong chính trên mình tổ quốc. (Chế Lan Viên)
Một thời kỳ khắc nghiệt bởi những sai lầm của lịch sử với những hậu quả khó tẩy sạch.
Đi ra biển cả mênh mông với cái chết rình rập từng giây phút. Bão tố, phong ba, hải tặc, thiếu nước uống, đói cơm ăn…biết bao nỗi đe dọa mạng sống, nhưng họ vẫn ào ạt đi vào chỗ chết để tìm đường sống, dù biết rất rõ ra đi là đánh đu với cái chết, sinh tử chỉ là khoảnh khắc mỏng manh. Và hàng trăm ngàn người đã bỏ thây ngoài biển cả. Hàng vạn người bị bắt đi mãi mãi bặt vô âm tín. Thế rồi, những người được bến bờ đã đưa về những hình ảnh của cuộc sống mới, đầy đủ và tự do. Nước Mỹ trở thành đích đến của những người Việt đang thiếu ăn, thiếu mặc của thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, là nỗi khao khát và ước mơ của nhiều người Việt.
Thời mở cửa, được tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, người dân Việt càng thấy sự lạc hậu, chậm tiến của đất nước và họ hi vọng một sự đổi thay. Sự thay đổi đó không thể thiếu sự giúp đỡ của nước Mỹ. Và rồi người Việt nào cũng có một giấc mơ Mỹ, dù đang sống trên đât nước Việt Nam. Nhân dân Việt biết rằng người láng giềng to lớn sát nách nước mình không bao giờ có thể giúp mình khá lên được, đó chính là kẻ thù lúc nào cũng muốn thôn tính đất nước này, nên họ hi vọng vào nước Mỹ, sẽ là vị cứu tinh. Cho nên khi một Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, niềm hi vọng đó càng thiết tha hơn, niềm khao khát đó biến thành niềm vui tràn ra phố phường để đón chào lãnh tụ của nước Mỹ. Ông Obama đến Việt Nam đúng lúc niềm khát khao một cuộc sống ấm no, không lo âu, không sợ hãi, đang mong chờ một nền dân chủ, người dân được tự quyết định cuộc sống của mình, không bị kẻ thù xâm chiếm đất nước, được ngàn đời gọi tên tổ quốc mình, con cháu còn được nói tiếng nói của tổ tiên đang cháy bỏng trong lòng mỗi người dân Việt, do vậy họ đón ông cuồng nhiệt và hân hoan. Nhân dân hi vọng Mỹ sẽ dập tắt được âm mưu chiếm biển Đông của giới cầm quyền Hoa lục, sẽ giúp Việt Nam có một cuộc sống thịnh vượng và phát triển. Nhân dân tin sẽ có một luồng sinh khí chính trị mới cho đất nước mình

Sau năm 1975, ở Việt Nam bị khủng hoảng lãnh tụ. Khi ông Hồ Chí Minh mất đi, không còn có người nào khiến cho dân tin, nhất là đối với nhân dân miền Bắc. Dân cố tìm để được tôn thờ thần tượng lãnh tụ, nhưng hiếm thấy, do vậy khi ông Võ Nguyên Giáp qua đời, một số bộ phận nhân dân cố tạo cho ông ánh hào quang để tiếc thương. Cũng như khi ông Nguyễn Bá Thanh chết vì bệnh, người dân cũng có một số người phong thánh cho ông. Thế nhưng người dân vẫn thấy thiếu một lãnh tụ đủ tài, đức, tạo được lòng tin tuyệt đối với nhân dân, manh đến một thể chế mới phù hợp với trào lưu tiến bộ của nhân loại. Cho đến hôm nay vẫn chưa thấy xuất hiện ở sân khấu chính trị Việt Nam. Ông Obama đến, tuy ông là Tổng thống nước Mỹ, nhưng ông lại mang nhiều đặc điểm mà người dân đang mong ước ở vị lãnh tụ của mình. Ông có nhiều ưu điểm: thông minh, giản dị, gần gũi, giàu tính nhân văn, liêm chính, có nếp sống đạo đức, đề cao dân chú, nhân quyền. Và như thế họ đón ông như hình ảnh lãnh tụ mơ ước của họ. Họ vẫy tay chào ông, họ kêu tên ông, họ dầm mưa, đội nắng để mong được nhìn thấy ông, như nhìn thấy hình ảnh ước mơ của mình. Đồng thời qua việc ngưỡng mộ và nồng nhiệt đó, nhân dân Việt còn cho thấy họ đang mong ước một sự đổi thay, mong ước xóa đi cái già cỗi không còn hợp thời đẻ đón lấy ngọn gió mới giúp dân tộc này đi lên và trường tồn. Sự vồn vã đón tiếp ông Obama cũng là thể hiện một sự chọn lựa thái độ chính trị của nhân dân.

Cuối cùng, chính con người của Obama là một sức hấp dẫn không cưỡng được. Nụ cười luôn rộng mở, phát biểu thông tuệ và đầy chất nhân văn. Ông cũng là chính trị gia giản dị, gần gũi và rất dí dỏm. Ông biết kết nối mọi người, giúp cho họ có sức mạnh để tự tiến tới để đạt được mục đích. Xuất thân từ một hoàn cảnh khó khăn, vươn lên để trở thành một vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ cũng đâu phải là điều dễ dàng. Người ta khâm phục ông bởi ông luôn luôn làm chủ được tình thế, nhanh nhạy, khôn ngoan luôn tìm được cách hoá giải khó khăn một cách thông minh, hài hước. Ông dễ dàng thu phục nhân tâm, trước đám đông ông có sức lôi cuốn mãnh liệt. Ông còn là nhà hùng biện tài năng, ngôn từ phong phú và diẽn đạt lưu loát thu phục nhân tâm
Ông biết nắm và khai thác được những tâm tư của những người trẻ tuổi, mà Việt Nam là một nước có ba phần tư dân số sinh sau 1975, họ chính là lực lượng kính nể ông, thần tượng ông, mong đợi được chia sẻ cùng ông.

Với tất cả điều trên đã cho thấy nhân dân Việt Nam cả hai miền Nam Bắc ngưỡng mộ và vui tươi, nồng nhiệt đón chào Tổng thống của nước Mỹ cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Không ai kêu gọi, cũng không ai hô hào, nhưng mọi người đồ xô tràn ra phố để đón và tiễn ông. Xét cho cùng, đó cũng biểu hiện một thái độ của nhân dân trước phong ba của lịch sử.
Saigon.25.5.2016


DODUYNGOC
0913711081
doduyngoc.jimdo.com

Wednesday, May 25, 2016

Elizabeth Phú – Nữ cố vấn tổng thống

 Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld (trái) nghị họp với Phó Thủ tướng Tony Tan của Singapore (thứ hai từ trái,) tại Ngũ Giác Đài vào ngày 21 tháng 4, 2004, về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu với trọng tâm là chống chủ nghĩa khủng bố, có sự tham dự của cô  Elizabeth Phú(X) – nguồn wikimedia.org

Hầu như không được giới truyền thông Việt ngữ biết đến nhiều cho đến khi tờ LA Times giới thiệu về người phụ nữ gốc Việt Elizabeth Phú, 39 tuổi vừa tháp tùng phái đoàn Tổng Thống Barack Obama sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Châu Á-Thái Bình Dương vừa qua, người ta mới biết rằng cô là Giám Đốc Đông Nam Á và Châu Đại Dương Sự Vụ (Southeast Asia and Oceania Affairs) kiêm thành viên Ban Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ  tại Bạch Ốc.  Quả không có nhiều thông tin về Elizabeth Phú, tuy nhiên chuyên mục cũng đã tra tầm và tổng lược được những nét chính về nữ cố vấn tổng thống trẻ tuổi và tài năng với nhiều kinh nghiệm đối ngoại này để giới thiệu đến các bạn trên số báo hôm nay.

elizabeth phu
Trong bối cảnh thế giới đang đối diện vấn đề người tị nạn với những chính sách và dư luận khác nhau, tờ LA Times chạy tít, “Cô đã đến như một người tị nạn và bây giờ làm việc tại Bạch Ốc” (She arrived as a refugee and now she works at the White House) khi viết về Elizabeth Phú, cô bé thuyền nhân người Việt hơn ba tuổi ngày đến Mỹ tị nạn 36 năm trước và hiện đang nắm giữ một trọng trách lớn lao tại Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài, cũng như nằm trong số những người đóng vai trò quyết định cho các vấn đề đối ngoại thế giới mà cô chuyên trách.  Nhưng như cái tựa và mục đích bài báo, LA Times dường như chỉ mô tả hành trình vượt biển củaElizabeth cùng gia đình như những người tị nạn, và rồi vào làm việc tại Bạch Ốc khi trưởng thành, như là một minh chứng để ủng hộ chính sách nhận người tị nạn mà TT Obama cam kết, hơn là kể về chi tiết con đường cô trở thành một cố vấn an ninh quốc gia ra sao. Chính vì vậy, bài báo cho độc giả một cảm giác như rằng Elizabeth làm việc tại Bạch Ốc mới chỉ vài ba năm. Sự thực là, Elizabeth Phú đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc qua hai đời Tổng Thống George W. Bush và Barack Obama cùng các Bộ Trưởng Quốc Phòng đương thời hay tiền nhiệm trong các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Quả là một sự  bất ngờ về chặng đường đáng ngưỡng mộ của cô gái chưa đầy 40 tuổi mà tài năng và tương lai còn rất nhiều hứa  hẹn này, khi chuyên mục tra tầm lại hồ sơ của cô.   
Có người cha là một nhân viên từng làm việc cho quân đội Mỹ trước 75, gia đình Elizabeth là một trong những làn sóng thuyền nhân Việt Nam đầu tiên, những người xuống tàu ra khơi vào những năm 1977-1978, sau đợt người Việt tị nạn 1975. Trong chuyến vượt biên bất thành đầu tiên, gia đình Elizabeth bị bắt và bị đưa vào trại “cải tạo” vài tháng trời. Nhờ ông bà của cô lo lót nên cả gia đình được thả và lại kiếm đường vượt biên. Chiếc ghe vượt biên hai máy nhỏ bé, nhét đến 253 người bắt đầu hành trình tìm tự do đã bị chết máy khi ra đến hải phận. Trôi dật dờ ba ngày giữa biển cả, tàu vượt biên gặp tàu hải tặc kéo đến, không cướp mà đòi vàng bạc để kéo vào Malaysia nhưng sau đó bỏ rơi. Tàu vượt biên của Elizabeth lại gặp tàu hải tặc lần thứ hai, lại bị trấn lột và bị đập bể các thùng chứa nước uống. Tàu trôi dạt trên biển thêm bốn ngày trước khi được tàu của Malaysia kéo vào một trại tị nạn gần Pulau Bidong, nơi gia đình cô đã được nhận tị nạn trước khi đến Mỹ.        

Được nhận vào Mỹ, gia đình Elizabeth định cư tại Bắc California và mẹ cô trở thành một y tá, nuôi dạy hai con gái và cha cô làm việc cho một hãng tài chính cho đến nay. Năm 1997, Elizabeth tốt nghiệp ưu hạng bằng Cử Nhân Chính trị học tại Đại Học Berkeley chuyên ngành Đối Ngoại, sau đó theo học Cao Học tại ĐH UC San Diego về Quốc Tế Vụ chuyên sâu về Châu Á-Thái Bình Dương. Cô sinh viên gốc Việt đã tỏ rõ sự đam mê về Việt Nam và Châu Á của mình rất sớm, khi trả lời trên tờ báo trường Berkeley vào năm 1995 rằng, “Bấy lâu nay tôi chỉ biết về Việt Nam qua chiến tranh, nhưng thật là tuyệt vời khi có thể được học sâu hơn về văn hóa và lịch sử của mình qua môn học này. Cũng ngạc nhiên là Berkeley mà chưa  giảng dạy  môn sử Việt cho đến năm nay”. Đó lần đầu tiên ĐH Berkeley đưa giáo trình Lịch Sử Đông Dương Hiện Đại, dạy về lịch sử Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á vào năm 1995, sau khi TT Bill Clinton bỏ lịnh cấm vận Việt Nam lúc bấy giờ. Rồi trả lời trên tờ báo của ĐH San Diego sau khi đã vào làm tại Bạch Ốc, Elizabeth cho biết lý do cô chọn đại học này để học cao học vì đây là một trong những trường ít ỏi có ngành học về Đông Nam Á rất mạnh, đòi hỏi sinh viên biết một, hai ngoại ngữ liên quan đến ngành học để có thể làm việc hiệu quả hơn với các quốc gia này, nếu không nói là cần thiết cho những chuyên việc đặc trách khu vực.
Dù vậy, sau khi ra trường, Elizabeth lại khởi đầu công việc với Bộ Quốc Phòng vào năm 2002 như một trợ lý về các chính sách liên quan đến các vấn đề giữa khối NATO với Ukraine và Nga, đòi hỏi những sự phối hợp và thương thuyết bao quát giữa các cơ quan và  các chính phủ thay vì khu vực Đông Nam Á. Khoảng một năm sau, tháng 4 năm 2003, cô sinh viên trẻ chỉ có dăm năm kinh nghiệm đã được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ của Bộ Quốc Phòng, dưới quyền của Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld thuộc nội các Tổng thống George W. Bush lúc bấy giờ, đúng vào chuyên môn khu vực những quốc gia Đông Nam Á mà cô đã học và nghiên cứu. Trong ba năm rưỡi làm việc trên cương vị này tại Bộ Quốc Phòng, Elizabeth tham gia việc hoạch định các chính sách và thương thuyết về các vấn đề liên quan đến chiến lược quân sự với các nước đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á – Thái Bình Dương như Singapore, Philippines, Úc châu… Cô cũng tham gia nhóm đặc nhiệm của Bộ Quốc Phòng trong các chương trình cứu trợ và khắc phục hậu quả của cơn sóng thần tsunami đánh vào Đông Nam Á hồi năm 2004.       
Chuyển sang làm việc một năm trời trong ban chính sách và chiến lược về hạn chế vũ khí của Bộ Quốc Phòng, đến năm 2007, Elizabeth được bổ nhiệm vào ban cố vấn an ninh quốc gia trong cương vị Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ và rời Bộ Quốc Phòng, về làm việc tại Bạch Ốc. Ở cương vị này, Elizabeth phác thảo những chính sách về quan hệ đối ngoại với các quốc gia Đông Nam Á cùng khối ASEAN. Cô điều hợp  việc đưa ra các chính sách và phản ứng của Hoa Kỳ về các mặt ngoại giao, quân sự, kinh tế… trước các phong trào cách mạng tại Miến Điện hồi 2007 hay cơn bão Nargis làm thiệt mạng hàng trăm ngàn người Miến Điện hồi năm 2008. Phối hợp với Bộ Ngân Khố, Elizabeth giám sát toàn bộ các biện pháp chế tài và lịnh cấm vận kinh tế với chế độ quân phiệt Miến Điện vì đã đàn áp các phong trào dân chủ Miến Điện. Trong vai trò cố vấn và tham gia những quyết định quan trọng đến Miến Điện, có thể nói rằng Elizabeth là một trong những cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã ít nhiều góp phần giúp Miến Điện đạt đến con đường dân chủ như vừa qua.  
Năm 2009, sau khi TT Obama nhậm chức, Elizabeth được tu nghiệp tại Học Viện Dwight D. Eisenhower về tiềm lực và chiến lược an ninh quốc gia gần một năm trời. Đây là học viện quân sự  mà tiền thân là Đại Học Kỹ Nghệ về Vũ Trang ICAF thuộc Đại Học Quốc Phòng Hoa Kỳ, nơi huấn luyện những sĩ quan cao cấp trong quân đội hay các viên chức chính phủ cao cấp được chọn lọc, những người có triển vọng trở thành những cấp chỉ huy quân đội hay những lãnh đạo chính phủ cấp cao trong tương lai. Không ít những người  được huấn luyện tại đây đã trở thành những vị tướng, đô đốc, đại sứ hay nhân viên cấp cao của Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao.  Hàng năm có khoảng hơn 300 người được chọn vào khóa huấn luyện tại học viện này và được cấp bằng Cao Học về Chiến Lược Tiềm Lực Quốc Gia (National Resource Strategy) sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện. Thông thường đây là nhóm những sĩ quan hay viên chức chính phủ xuất sắc và có thâm niên trên 20 năm, trong khi Elizabeth chỉ là một thiếu nữ trẻ và bắt đầu làm việc với Bộ Quốc Phòng từ 2002, tức chỉ bảy năm kinh nghiệm nhưng đã được chọn huấn luyện cho nguồn nhân sự lãnh đạo tương lai, chứng tỏ tài năng của cô trong các trọng trách đã nắm giữ và hứa hẹn một con đường thăng tiến trong tương lai.
Tốt nghiệp khóa huấn luyện, năm 2010 Elizabeth quay về làm việc tại văn phòng Bộ Trưởng Quốc Phòng trong chức vụ Giám Đốc về Những mối đe dọa toàn cầu (Global Threats) , quản trị một nhóm sĩ quan và nhân viên dân sự chuyên trách về các chính sách và biện pháp chế tài với các thể chế độc tài, chống lại việc rửa tiền các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và cướp biển. Cô cũng hoạch định các thoả thuận về hợp tác và phân bổ ngân sách giữa Bộ Quốc Phòng cùng Bộ Tư Pháp, Bộ Nội An, FBI, DEA… trong việc chống lại các tổ chức tội phạm kể trên. Và từ giữa năm 2013, Elizabeth lại được bổ nhiệm vào Hội Đồng An Ninh Quốc Gia với chức vụ Giám Đốc  Đông Nam Á và Châu Đại Dương Sự Vụ tại Bạch Ốc cho đến nay. Đây là ban tham mưu cao cấp tại Bạch Ốc làm nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống trong các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Chuyên trách về khu vực Đông Nam Á, Elizabeth đánh giá về các tác động kinh tế, chính trị và diễn biến an ninh của những quốc gia này đến chính sách Hoa Kỳ. Cô cũng tham gia việc chuẩn bị và dàn xếp các thoả thuận về chính trị, quốc phòng và kinh tế cho các cuộc họp giữa TT Obama với hàng chục nguyên thủ quốc gia trong khu vực, bao gồm cả những cuộc gặp gỡ giữa T.T Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từng đến Mỹ.  Không chỉ vậy, Elizabeth còn tham gia soạn thảo các đường lối cố vấn  tổng thống cho vấn đề ngân sách khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, như đã từng đứng đầu việc soạn thảo chương trình Hoa Kỳ viện trợ đô la thiết bị và huấn luyện cho các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia với ngân sách khoảng 150 triệu.
Từ khi chính sách Hoa Kỳ chuyển trục về Châu Á, cùng với những bất ổn biển Đông do Trung Cộng gây nên trong thời gian qua, chắc chắn cương vị đứng đầu sự vụ về khu vực này không phải là một công việc dễ dàng để có thể cố vấn cho tổng thống những chính sách đối ngoại thích hợp của Hoa Kỳ đến các quốc gia trong khu vực, mà đòi hỏi một bản lãnh và tài năng của người đương nhiệm, tức Elizabeth Phú – người được những giới lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ tín nhiệm giao cho trọng trách này. Ứng xử  và những nước cờ của Hoa Kỳ tại Biển Đông hay Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng ắt không thể thiếu sự dự phần của Elizabeth Phú trong thời gian sắp đến. Chúng ta chúc cô sẽ tròn trọng trách ở mức cao nhất với không chỉ Hoa Kỳ, mà với cả đất nước Việt Nam nơi cô đã sinh ra.
DYT