Thursday, November 19, 2015

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta tiếp tục là nạn nhân của truyền thông Mỹ

Hà Giang/Người Việt

LTS
 - Để thực hiện cuốn phim “Terror in Little Saigon,” nhóm phóng viên A.C. Thompson đã mở cuộc điều tra kéo dài hai năm, mong tìm thủ phạm đã giết chết một loạt nhà báo gốc Việt, và làm sáng tỏ nghi vấn cho là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (Mặt Trận) là tổ chức đứng sau những cái chết này.
 

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa trong buổi phỏng vấn với nhóm phóng viên của Frontline 
khi họ thực hiện phim “Terror in Little Saigon.” (Hình: www.frontline.org)

Trong thời gian điều tra, nhóm làm phim tìm đọc và phân tích hàng ngàn trang tài liệu, gồm: “Silenced: The Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the United States,” do Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) xuất bản năm 1994, công văn của CIA, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, hồ sơ di trú Hoa Kỳ, và quan trọng nhất là hồ sơ cuộc điều tra kéo dài 15 năm của FBI. Đoàn làm phim cũng đi đến hàng chục thành phố ở Mỹ, bay qua Việt Nam và Thái Lan, thực hiện 140 cuộc phỏng vấn, trong đó có hàng chục cựu thám tử và nhân viên tình báo, thân nhân những ký giả bị giết, và nhiều người bị ám sát nhưng thoát chết, chưa bao giờ cho ai phỏng vấn.

Tại Đông Nam Á, nhóm làm phim phỏng vấn cựu lãnh đạo tình báo Thái Lan, Prasong Soonsiri, và Chavalit Yongchaiyudh, cựu Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hoàng Gia Thái Lan, kiêm Thủ Tướng Thái Lan, và gặp năm cựu thành viên thuộc nhóm du kích chống Cộng Sản Lào, và một thành viên từng tham gia chiến khu của Mặt Trận. Trong thành phần lãnh đạo của Mặt Trận, A.C. Thompson cho biết đã phỏng vấn ba người mà ông gọi sáng lập viên, trong đó có kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, người duy nhất xuất hiện trong phim.

Ngoài “Terror in Little Saigon,” kết quả cuộc điều tra còn được đúc kết trong một tài liệu dài 72 trang đi kèm, có tên “Terror in Little Saigon, an Old War comes to a New Country,” do phóng viên A.C. Thompson biên soạn, do trang mạng Frontline công bố hôm 3 tháng 11, trước khi phim được trình chiếu buổi tối cùng ngày.

Một đoạn trong tài liệu 72 trang này viết, (trích): “Ông Nguyễn Xuân Nghĩa xưa kia là thành viên của Mặt Trận, và giờ đây ông nói về thập niên đó trong tư thế bào chữa pha lẫn niềm ân hận...”

“...Trong loạt phỏng vấn với ProPublica và Frontline, ông Nghĩa đưa ra những nhận định thay đổi về Mặt Trận. Thoạt đầu, ông cả quyết rằng tổ chức này tuyệt đối không dính líu gì đến những vụ ám sát các nhà báo hay ai khác ở Mỹ.”

“Trong những lần trò chuyện sau, khi phải đối mặt với những bằng chứng về bạo lực của Mặt Trận, ông đổi giọng. Trong một cuộc phỏng vấn có thu hình, ông Nghĩa nói rằng ‘rất có thể’ là các thành viên Mặt Trận đứng đằng sau vụ ám sát ký giả (Nguyễn) Đạm Phong và có thể đã gây ra những tội ác khác.” 

“Trong Mặt Trận, ông Nghĩa thừa nhận, có một nhóm rất hung bạo, và khi người quay phim tắt máy, ông Nghĩa thú nhận đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam. Ông Nghĩa nói, ông đã thuyết phục được chiến hữu của mình đừng giết người đó.”

“Đó là một chương đen tối trong cuộc đời tôi,” ông Nghĩa nói.” (hết trích)

Thường thì tập tài liệu đi kèm cuốn phim được dùng để giải thích thêm những gì các nhân vật phát biểu trong phim, để làm rõ hơn câu chuyện, vì thời lượng của phim rất giới hạn. Nhưng trong trường hợp này, phần tường thuật về những gì kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói và phần phát biểu của ông trong phim “Terror in Little Saigon” rất tương phản. Trong phim, ông Nghĩa gọi việc “nói người trong Mặt Trận ám sát các nhà báo là 'phi lý' (nonsense) và khi mọi người cứ nói về những chuyện đại loại như vậy, nó tạo một ấn tượng rất xấu cho cộng đồng của chúng tôi,” trong khi đó, theo tường thuật (trong tài liệu 72 trang) nêu trên của A.C. Thompson, thì “ông Nghĩa thú nhận đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam.”

Để làm sáng tỏ mâu thuẫn này, người viết đã có cuộc phỏng vấn với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, đã từng là vụ trưởng Vụ Tuyên Vận của Mặt Trận. Dưới đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn.
***
Hà Giang (NV): Xin ông cho biết những gì được viết trong tài liệu “Terror in Little Saigon, an Old War comes to a New Country” về những cuộc phỏng vấn ông, trên trang mạng Frontline, công bố hôm 3 tháng 11, có trung thực không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Một nhảm nhí của truyền thông Mỹ (US Media bull***) xuyên tạc và không trung thực!

NV: Ông có thể giải thích rõ, xuyên tạc và không trung thực như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Họ phỏng vấn tôi tất cả bốn tiếng đồng hồ qua ba lần. Kết quả là họ chỉ lấy được một phút trong phim với lời dẫn giải trước đó trên bản quảng cáo cố tình tạo hiểu lầm. Trước khi có cuốn phim, họ phổ biến một bài quảng cáo dài 12 ngàn chữ trong 72 trang cùng một số hình ảnh có chọn lọc với ác ý, trong đó đoạn văn viết về việc tôi trả lời phỏng vấn là hoàn toàn bịa đặt, vừa thiếu đạo đức vừa thiếu chuyên nghiệp.

NV: Xin hỏi lại cho rõ, ông có nói với nhóm làm phim A.C. Thompson, khi họ ngừng quay phim, rằng “ông đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam.” như họ tường thuật trong tài liệu “Terror in Little Saigon, an Old War comes to a New Country” không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi không hề nói câu đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam, cả trong khi quay phim lẫn lúc không quay phim. 

NV: Tại sao lại có sự kiện như vậy và tại sao họ phải gặp ông đến những ba lần để phỏng vấn?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sở dĩ tôi nói họ thiếu đạo đức và thiếu chuyên nghiệp là khi gặp tôi lần đầu, A.C. Thompson nói là muốn làm một cuốn phim về cộng đồng Việt Nam sau 40 năm và PBS sẽ phát hình vào Tháng Chín, 2015. Sau dăm phút nói chuyện, tôi nhận ra là A.C. Thompson không hề muốn hỏi gì về sinh hoạt cộng đồng mình, mà muốn hỏi tôi về nghi vấn Mặt Trận giết những nhà báo. Tôi quạt ngược và nêu nhiều nghi vấn, vì sao họ không điều tra tìm hiểu những chuyện khác, như ai trong Chính quyền JFKennedy quyết định về số phận của Tổng Thống Diệm? Ai thật sự giết Kennedy hay Mục Sư Martin Luther King? Còn vụ thảm sát Mậu Thân 1968 thì sao?

Kết quả lần đó, có lẽ không đạt “mục đích yêu cầu,” nói theo người Hà Nội!

NV: Rồi sao nữa, thưa ông?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì vậy, lần thứ hai, vào Tháng Chín, A.C. lại muốn xin gặp tôi và lần này nói là thực sự muốn hỏi về việc Mặt Trận. Tôi đồng ý và nghĩ mình không có gì phải giấu. Tôi nói nhiều về cơ cấu của tổ chức khi tôi còn ở trong Mặt Trận, về việc ông Phạm Văn Liễu lo cơ cấu hải ngoại, và ông Hoàng Cơ Minh lo chiến khu. Tôi đã mất cả giờ để giải thích vai trò của Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại là Phạm Văn Liễu, với đơn vị K9 trong Mặt Trận, mà A.C. Thompson không hề dùng tới, không hề nhắc đến tên của ông Liễu. Tôi cũng nói nhiều về ông Hoàng Cơ Minh, mà A.C. Thompson cũng không hề dùng đến, vì những điều tôi nói không hợp với mục đích cuốn phim của ông ta.

NV: Ông đã nói những điều gì về ông Hoàng Cơ Minh mà họ không dùng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về con người ông Minh và điều ông nhấn mạnh “hết chiến tranh và quân đội rồi, không được nghĩ theo kiểu chiến tranh và vũ trang, mà phải nghĩ đến đấu tranh.” Tôi còn chia sẻ đoạn đối thoại khi gặp ông Minh lần đầu trong đời, và yêu cầu họ, nếu trích dẫn thì hãy trích đoạn này: “Tôi hỏi ông Minh vào năm 1984: Ông có tin rằng việc ông làm sẽ thành công không và năm năm nữa thì ông ở đâu, làm gì? Ông Minh trả lời: ‘Tôi không nghĩ là tôi sẽ thấy Việt Nam thoát khỏi chế độ Cộng Sản trong cuộc đời của tôi. Nhưng thà tôi chết như một tên thảo khấu trong rừng còn hơn sống kiếp người mất nước, tị nạn tha hương ở quê người. Và đây là câu đáp đã gây ‘nghiệp’ cho tôi: Thế thì không cần nói có 10,000 người trong chiến khu, mà chỉ có ba người, tôi cũng đi theo ông tới cùng.’” 

NV: Trong lần phỏng vấn thứ ba, ông thảo luận gì với họ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói thêm cho rõ. Lần gặp thứ hai, ngày 11 Tháng Chín, họ đề nghị phỏng vấn tôi “incognito” hay “anonymous” - che mặt và đổi giọng nói - tôi cũng đồng ý và nói y như trước về ông Minh, ông Liễu, về Hoa Kỳ, trước mặt cả ba người! Sau đó một ngày, A.C. Thompson nói là cấp trên cho là không đạt yêu cầu (!) nên hoãn chuyến bay để ở lại phỏng vấn tôi lần ba, với đầy đủ hình ảnh, vào 13 Tháng Chín. Tôi cũng đồng ý và vẫn trả lời rõ ràng. Họ không xài được hai lần sau, chỉ phổ biến hình ảnh và lời nói của tôi trong lần phỏng vấn đầu tiên, khi thu hình trong nhà tôi ngay sau Tết Ất Mùi, vào cuối Tháng Giêng. Họ không hài lòng vì tôi không làm nhân chứng gian nên nhục mạ tôi!

NV: Khi nói câu “Đó là một chương đen tối trong cuộc đời tôi,” ý ông muốn nói gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu tôi nói “đó là một chương đen tối trong cuộc đời tôi,” là nói về chuyện mất nước, đời sống tị nạn, tâm tư của mình trong thời gian đó, không đi làm việc mà gia nhập Mặt Trận và về những nỗ lực đấu tranh chống Tàu, chống Pháp của tổ tiên mà thất bại. Nhưng A.C. Thompson bẻ quặt đi, viết cái kiểu cho người đọc hiểu ngầm là tôi xấu hổ về thời gian hoạt động trong Mặt Trận.

NV: Ông rút tỉa được kinh nghiệm gì sau khi làm việc với nhóm làm phim “Terror in Little Saigon?”

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau khi nhìn kết quả của bài viết 72 trang và về cuộn phim, tôi kết luận A.C. Thompson không phải là một nhà báo có đạo đức, và có mục đích xấu với cả cộng đồng mình khi làm cuốn phim. Cuộc chiến Việt Nam ngày xưa đã là nạn nhân của truyền thông Mỹ, bây giờ cả cộng đồng người Việt vẫn còn là nạn nhân của truyền thông Mỹ.

NV: Xin cảm ơn ông

No comments:

Post a Comment