Thursday, November 26, 2015

A10 NGUYỄN MỘNG LƯƠNG

Tin người sếp cũ của tôi, A10 Nguyễn Mộng Lương qua đời tại Ohio, không làm tôi ngạc nhiên lắm vì trước đó tôi biết sức khỏe ông đã có vấn đề. Nhưng tôi thực sự xúc động, thương tiếc một người anh, một người bạn vẫn luôn gần gũi với tôi từ năm 1970 đến ngày ông tạ thế.
 
Tôi có ý định sẽ viết đôi dòng cảm nghĩ về người quá cố, nhưng vì còn bận nhiều việc, chưa “đặt bút” mở đầu thì nhận được email của anh Trang chủ Nội San Số 3: - “Tv biết không nhiều về anh Lương trước năm 1975, chỉ liên lạc với anh qua những công tác về ấn loát phải nhờ đến Tv. Hy vọng anh giúp NS/161 về anh Lương thì quý lắm…” Có động lực thúc đẩy thêm tôi ngồi gõ bài tản mạn này. 
 
**
Trong chương mở đầu “Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm Bút” (*), tôi có ghi lại một vài ký ức về thời gian tôi làm việc với ông Nguyễn Mộng Lương. Tôi lược trích vài đoạn để nhập đề cho bài viết này.
 
Từ Ban Báo Chí/ Biên tập viên Nguyệt san Bộ Binh biệt phái về Nha HCNV/PTT,  đang làm việc tại Ban E, hơn nửa năm sau tôi được điều về A10 để chuẩn bị công việc ấn hành một tờ nhật báo của chính quyền - nhật báo Quật Cường. Trước ngày khởi sự công tác cho tờ báo này, chúng tôi có một buổi họp mặt trong một bữa cơm trưa tại nhà khách cơ quan, do Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình khoản đãi. Thực khách gồm một số nhân sự trong cơ quan và các ký giả nhóm “Nồi Niêu Soong Chảo” (**) gồm Anh Quân, Trịnh Viết Thành và Hoàng An.  
 
Trong bữa cơm, tướng Bình nói rõ mục đích “bữa cơm thân mật” và chỉ thị “nhờ cậy” chúng tôi đảm trách một tờ nhật báo. Tướng Bình cho biết, tờ báo được ấn hành dưới hình thức báo tư nhân, vốn do cổ đông đóng góp, có sự hỗ trợ tài chánh của Phủ Tổng Thống. Giám đốc Trị Sự là chủ nhân nhà thuốc tây Vườn Xoài (đường Trương Minh Giảng/ Lê Văn Sỹ), không là một giới chức dân chính hay quân đội.
 
Việc đặt tên cho tờ báo, có nhiều tên được đề nghị, Tướng Bình chọn Quật Cường, và chắc là vị tướng có đệ trình, thỉnh ý Tổng thống.
 
Tôi được cắt cử làm việc với ký giả Anh Quân tại một phòng, thuê trên tầng lầu thứ tư khách sạn Mỹ Lệ (đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng, Saigon). Trong hai tháng, hai người chúng tôi phải hoàn tất manchette tờ báo, trình bày hình thức và các tiết mục trên trang nhất. Chọn lọc và phân bố các tiết mục cho 23 trang trong (số ra mắt có 24 trang). Phần chính của manchette, quan trọng ở kiểu chữ và màu của tên tờ báo, phải mướn họa sĩ vẽ.
 
Tòa soạn, phòng ốc thiết trí làm việc cho ban biên tập, cũng trên đường Gia Long, gần ngã Sáu SG. Tôi cùng vài ba viên chức cơ quan được cử ra làm việc tại tòa soạn cùng với các ký giả Anh Quân, Trịnh Viết Thành, Hoàng An và phóng viên Đường Thiên Lý (bên nhật báo Chính Luận).
 
Hai tháng sau, tôi được điều về cơ quan nhận Chủ Sự phòng Báo Chí, thay thế Trung tá Châu Quan Sĩ. Ông Sĩ thuyên chuyển đi đâu tôi không rõ. Nghe nói ông có bà con với bà Thiệu. Trước khi rời phòng Báo Chí, ông được truy tặng một Chương Mỹ Bội Tinh của Tổng Thống. Từ đó tôi là thuộc cấp của ông Nguyễn Mộng Lương tại A10 và cả tại tòa soạn.
 
Trở về lại cơ quan nhận coi phòng Báo Chí, tôi thật sự không bằng lòng, không vui, khi phải rời tòa soạn. Ông Trưởng Ban (A10) biết ý, kêu tôi ra hành lang, ông quàng vai tôi, nói lời khuyến dụ nhẹ nhàng: “chúng tôi biết các anh đã chọn nghề dạy học, nhưng nhu cầu cấp trên đang cần các anh. Các sếp cần các anh làm việc. Anh nào muốn đi dạy có thể lấy giờ dạy thêm”.
 
Sở dĩ ông Trưởng Ban đưa ra việc dạy học của chúng tôi, vì ngay những tuần lễ đầu biệt phái về cơ quan, chúng tôi có ba người là giáo chức, Nguyễn Việt Chước, Phạm Hữu Đàm và tôi, đã yêu cầu được trả về Bộ Giáo Dục. Cảm kích trước lời nói và cử chỉ của ông, tôi vui vẻ về phòng làm việc.
 
Một dạo có tin ông sẽ sang Bộ Nội Vụ làm Thứ trưởng và có người xầm xì nói, tôi sẽ là chánh văn phòng của ông. Đó chỉ là tin hành lang. Có những việc tưởng như thật nhưng... “nghe qua rồi bỏ”. Một lần, vào khoảng sau 11 giờ đêm, ông cho tùy phái đến nhà gõ cửa, gọi tôi vào gặp ông. Đến nơi ông hỏi tôi –Trước đây anh ở Lào mấy năm? Anh nói được tiếng Lào phải không? Nếu anh sang Lào công tác dài hạn có gì trở ngại không? Ông còn nói thêm: Anh mới cưới vợ, chắc xa nhà cũng nhớ? Nhưng mỗi năm được về phép một hai lần, mỗi lần hai tuần lễ. Tôi chợt hơi bối rối. Điều tôi nghĩ đến đầu tiên là phải bỏ ngang mấy lớp tôi đang dạy ở Pham Sào Nam. Nhưng tôi đáp mà không suy nghĩ: “chắc không có gì trở ngại. Tôi hỏi ý nhà tôi rồi sẽ trả lời”. Câu chuyện chỉ bằng ấy, nhưng phải vào cơ quan trình diện lúc nửa đêm. Tôi tưởng như sắp sửa thu xếp hành lý đến nơi, nhưng một tuần rồi hai tuần, một tháng rồi hai tháng trôi qua trong “im lặng dễ sợ”. Sau đó có tin anh Ngô Quang Pháp Ban E đã “trúng tuyển”. Tôi thật sự lấy làm vui vì được ở nhà và tiếp tục đến với các lớp học tôi đang phụ trách.
 
Chúng tôi đi dạy học là do “khẩu lệnh” cho phép của ông Trưởng Ban. Hơn một tháng, sau khi được gợi ý, tôi đến trường Trung học Phan Sào Nam, nơi tôi đã dạy học ở đó từ niên khóa 1966 - 1967, gặp ông Giám Học và được nhà trường chia cho thời khóa biểu dạy 10 giờ mỗi tháng. Tôi tiếp tục “nghiệp dư” này cho tới tháng 4-75. Nguyễn Việt Chước về dạy ở Trung học Lê Bảo Tịnh, Phạm hữu Đàm về dạy trường Anh ngữ Nguyễn Ngọc Linh.
 
Sở dĩ chúng tôi được phép và yên tâm đi dạy học, vì giờ làm việc của chúng tôi không cố định trong 8 giờ hành chánh. Thường thì sau giờ tan sở, tôi ở lại làm việc thêm vài ba giờ mới về nhà. Có những ngày tan sở, tôi được lệnh ”ở lại có việc”. Có khi ra quán Bà Cả Đọi, trên đại lộ Nguyễn Huệ ăn cơm, rồi trở vào làm việc đến mười hai giờ đêm, một giờ sáng. Những lần có “biến”, tôi được chỉ thị ở lại suốt đêm (như lần bắt DB Nguyễn Tấn Đời, lần bắt ông Nguyễn Văn Ngân, Phụ tá Tổâng Thống hay lần bắt Huỳnh Văn Trọng v.v). Năm 1973, sau hiệp định Paris, phái đoàn Quốc Hội Mỹ đến Sài Gòn thẩm định tình hình để... cúp 300 triệu Mỹ kim viện trợ, tôi phải thường trực 24 giờ nhiều đêm. Những giờ “over time” này không được trả lương phụ trội.
 
**
Quật Cường là tờ báo của chính quyền, nhưng không có Tổng Biên Tập quyền hành ghê gớm như báo Nhân Dân của Hà Nội. Cũng có một “Giám đốc chính trị” ở cách xa tòa soạn, quyền hành trên chủ bút, cử một “phụ tá chính trị” ngồi ở tòa báo làm việc với Chủ nhiệm/ chủ bút. Cùng là anh em với nhau nên rất thoải mái. Tôi nói “Giám đốc chính trị”, nhưng thật ra không hề có danh xưng này và chỉ vài ba người trong tòa soạn biết có “nhân vật” này thôi, người đó là Nguyễn Mộng Lương. Khi có một vấn đề thời sự nóng bỏng nào đó, chính quyền cần lên tiếng, thỉnh thoảng ông kêu tôi viết bài xã luận cho tờ báo. Chẳng hạn khi chính phủ VNCH tố cáo Hoàng thân Sihanouk cho Hà Nội sử dụng lãnh thổ Cambode chuyển quân và vũ khí vào miền Nam VN, Sihanouk chối và còn tố ngược VNCH xâm phạm chủ quyền Cambode, Tổng Thống Charlles de Gaulle và thủ tướng Pháp Pompidou lên tiếng bênh vực Cambode, tôi được yêu cầu viết một bài xã luận cho đề tài này. Môt lần khác, TT Nguyễn Văn Thiệu trên đường từ Hoa Kỳ về ghé châu Âu, muốn yết kiến thủ tướng Đức nhưng ông Willy Brandt không tiếp, tôi lại được ông chỉ định viết bài xã luận “có thái độ” với thủ tướng Đức Willy Brandt.
 
Tôi có “truyền thống” ít gọi ai hơn mình vài ba tuổi bằng anh, mà gọi ông, vì trong những năm tôi đang học trung học, tôi phải gọi những người đồng sự với bố tôi làm việc tại tòa Lãnh Sự ở Paksé, hơn tôi ba bốn tuổi là ông, nên tôi cũng gọi Trưởng Ban A10 theo “thói quen”, còn các anh Nguyễn Việt Chước, Phạm văn Tốt, Lê Thiên Sơn… thì gọi anh Lương.
 
Trong 5 năm làm việc dưới quyền Nguyễn Mộng Lương, mọi công việc giữa “sếp” và tôi đều trôi chảy. Tôi không bị khiển trách lần nào, tôi không thấy ông tỏ ra khó chịu với tôi trong suốt 5 năm ở A10. Tôi cũng không có điều gì “lấn cấn” với “sếp”. Không biết các anh trong ban A10 nhìn và nghĩ thế nào về ông, nhưng theo tôi ông là người nhân hậu, không bao giờ tỏ ra xa cách nhân viên, thường để tâm đến mỗi người. Có lần, một nhân viên trong sở cưới vợ, thay vì trao thiếp cưới đến từng người thì anh này gắn một tấm thiếp cưới ngoài cửa phòng Báo Chí và một tấm thiếp ngoài phòng ông Trưởng ban. Mấy ngày sau ông đưa tôi một số tiền và bảo tôi kêu anh em ai gửi tiền mừng, gom lại mang tới nhà chú rể trao tặng.
Nếu ông Lương không bảo, chắc tôi làm ngơ. Ông có hãng nước mắm ở Phan Thiết, mỗi năm đến Tết, ông cho tài xế chở vào sở biếu mỗi người một chai “hảo hạng” làm món quà nồng mặn đầu năm.
 
Tôi không biết ông lãnh bao nhiêu quỹ caisse noir, nhưng mỗi tháng ông trao tôi 5000$ và 3000$ riêng cho tùy phái đổ xăng chuyển công văn. Khi phòng tôi có 11 người, ông hỏi tôi anh có cần thêm không? Tôi nói đây là “món ăn chơi”, bao nhiêu cũng được. Nếu có thêm 500$ tôi trao đều cho mỗi người trong phòng 500. Từ đó mỗi tháng ông trao tôi mỗi tháng 5.500$ trao chẵn cho 11 người. Thỉnh thoảng tôi làm một “bữa tiệc” cuối tuần với anh em tại nhà tôi.
 
Ông Lương thời đó thường hay mở tiệc chè chén với nhân viên. Khi nào cũng rượu ngon, thức ăn ngon thoải mái. Có nhiều lần, buổi chiều tan sở ông bảo tôi ở lại. Khoảng 7 giờ tối có thêm Tr/tá Phong, anh Gếch (ban U), Lê Thiên Sơn, Nguyễn Đức Trang, Mai Hoàng Công kéo sang quán Anh Đào, Khánh Hội ăn tối, khi nào cũng có một két rượu đỏ Bordeaux.
 
Làm việc tận tụy, chè chén cởi mở với nhân viên, bạn bè, nhưng ông vẫn ăn chay mỗi tháng bốn ngày, ba mươi mồng một, mười tư, rằm. Tôi hỏi “ăn chay có khấn gì không”. Ông nói đại khái, “ăn để tự nhắc nhở và cho nhẹ bớt suy nghĩ thường ngày làm công tác …”
Tôi không biết ông đảm nhiệm những công tác “đặc vụ” gì, nhưng qua những phiếu trình tôi viết, ông trình lên và qua bút phê của “Đại Bàng” trả về tôi lưu trữ thì có những mission impossible ông ấy phải đảm trách. Cũng là một Trưởng Ban như các Trưởng ban khác, nhưng Trưởng Ban A10 có tài xế, có một Trung úy Cảnh sát thường phục, một Trung sĩ Biệt Động quân là body guard, xe Jeep và xe Honda moto hộ tống khi đi công tác vào ban đêm.  Có những lần mười một, mười hai giờ đêm, ông phone về cơ quan bảo tôi gọi về nhà ông cho bà vợ ông biết, “Ông đi công tác, đêm nay về trễ”.
 
Một hôm, tôi trực đêm ở sở về, một cảnh sát đồng phục, gác đèn đỏ chận tôi lại bắt xuất trình giấy đăng bộ xe. Hôm đó tôi đi chiếc Suzuki 80cc (phân khối), thường ngày tôi đi làm bằng xe khác nên không có thẻ chủ quyền mang theo. Tôi xuất trình Thẻ Hành sự, giấy phép đi trong giờ giờ giới nghiêm và khu vực cấm, nhưng viên cảnh sát nhất định bắt tôi về bót (ở đường Trần Hưng Đạo). Về đến bót Cảnh sát, tôi mượn điện thoại gọi về nhà ông Trưởng ban. Vài chục phút sau ông tới gặp một đại úy Cảnh sát, “lãnh tôi về”. Ông gọi viên Cảnh sát giao thông lại và nói: “Tại sao người của chúng tôi có đầy đủ giấy tờ như vậy mà anh bắt về đây?” Rồi ông bảo viên Cảnh Sát: “ngày mai anh đến Bộ Tư lệnh trình diện Trung tá Tạo”. Không biết đó là “lệnh” hay chỉ là “dọa chơi”.
 
Những ngày chộn rộn cuối tháng Tư 75, tôi ít thấy ông vào cơ quan, chỉ có người phụ tá Mai Hoàng Công thường vào đúng giờ hành chánh. Sau ngày 30 - 4 chúng tôi gặp lại nhau ở trại tập trung Long Thành và trại trung chuyển Thủ Đức trước khi phân bố ra Bắc. Tại Thủ đức,  các ông Trương Kim Cang, Nguyễn Mộng Lương, Nguyễn Đức Trang và Dược sĩ La Thành Nghệ được ở lại miền Nam, mà theo lời đám cán bộ từ Hà Nội đến trại Lam Sơn, Thanh Hóa nói với tôi là do “nhu cầu khai thác của cách mạng”.
 
Khi đi tù về tôi có đến nhà thăm ông Lương một lần, nhà ở góc Phát Diệm và Trần Hưng Đạo. Khi đi H.O theo ông cho biết, có một người Nhật đến thương lượng nếu chạy được giấy tờ, họ sẽ trả 500 cây vàng lấy ngôi nhà, nhưng gia đình ông đành “bỏ của chạy lấy người”. Tôi có hỏi và ông nói “có nghĩ đến việc đi/ ở, lúc đó không biết manh mối nào, vì tương lai của các con, coi như đóng tiền cho con đi du học, nên dứt khoát ra đi mà không tiếc..”
 
Những năm ở Mỹ, ông Lương đến San Jose nhiều lần. Lần nào chúng tôi cũng găp nhau. Có lần chúng tôi họp nhau ăn tối tại nhà anh Nguyễn Trọng Hiền, có lần tại đám cưới con gái ông bà tại nhà hàng Red Lobster, San Jose, có lần với nhóm số 3 do anh Xoàn và anh Chương điều động để đãi bạn từ xa tới. Theo tôi nhận thấy ông Lương được hầu hết anh em quen biết quý mến.
 
Trong hơn 20 năm ở Mỹ, chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Có một điều tôi cảm thấy mình thiếu sót là ít khi tôi gọi cho ông mà phần nhiều ông gọi tôi thăm hỏi, trao đổi, chuyện trò, kể chuyện xưa, chuyện nay... Tôi thường ít gọi cho ai, lý do là vì tôi có quá nhiều thân hữu, độc giả, anh em trong nhóm hàng ngày làm việc với nhau, tôi không có thì giờ để gọi, trừ khi cần thiết lắm. Vả lại tôi sử dụng email thường xuyên, tiện gọn hơn. Khi hay tin ông phải nhập viện, xin được số phone anh Bạch Diện Thư Sinh cho, tôi gọi khi ông đã xuất viện. Tôi mừng khi nghe giọng ông vẫn trong trẻo. Như nhiều lần trước, ông vẫn mong muốn và hẹn gặp lại tôi, gặp lại anh em ở California.
 
Tôi có gửi ông một thư của Tạp chí Nguồn, không thấy hồi âm, tôi suy nghĩ và …hơi lo thì mấy tuần lễ sau tôi được tin ông vào phòng cấp cứu, rồi ra đi...
Thế là chúng ta lại mất thêm một người đồng sự, đồng liêu, từng chung nhau một thời kỳ lịch sử thăng trầm, vinh nhục của vận nước và của kiếp nhân sinh.
Vĩnh biệt A10 Nguyễn Mộng Lương.
 
Song Nhị
San Jose 15-7-2015
 
-------------------------------
(*) Tuyện Tập Văn 50 Năm Cầm Bút
(430 trang) sẽ phát hành trong quý 4/2015
 
(**) Nhóm “Nồi Niêu Soong Chảo”chủ trương đối lập,
một thời làm nổi đình nổi đám trên nhật báo Hòa Bình
của LM Trần Du, tại Sài Gòn.
Năm 1972 được móc nối về cộng tác với Quật Cường

No comments:

Post a Comment