Tuesday, January 26, 2016

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU


Ngày còn bé con cứ thắc mắc, tại sao trên đất nước này cái gì cũng mang dấu ấn sự tôn vinh người Mẹ. Dòng sông lớn nhất ở phía Bắc đất nước ta quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái. Con đường nào lớn gọi là “đường cái”. Thứ tiếng ta nói hàng ngày cũng gọi là tiếng “Mẹ đẻ”.
Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết là “đất Mẹ”. Trên dải đất nhỏ hẹp mang hình chữ S này đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu. Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường Mẫu giáo và do các cô bảo mẫu truyền dạy. Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình cũng gọi là “đũa cái”, “đũa cả”.

NHỚ LỜI MẸ DẶN
Mẹ không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu”.
Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Và con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó đã trở thành lẽ sống của con.
Hôm con phỏng vấn xin việc vào công ty của Nhật cùng với ba chục người khác. Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây ấn tượng và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời mẹ dặn.
Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi”. Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con!

NHỮNG LÁ THƯ CŨ
Con và chồng con có xích mích lớn vì con nghi anh ấy vẫn gặp gỡ với người bạn gái cũ. Con bực mình bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mang từ trong chiếc hòm cũ ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi cho bố con trước đây.
Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố định đem hết đám thư và ảnh của người yêu cũ ra đốt đi để chứng minh sự “một lòng một dạ với mẹ”. Mẹ đã ngăn lại và bảo: “Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỷ niệm.
Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỉ niệm gắn bó với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy”. Bố sững sờ và ôm chầm lấy mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, nhưng bố cả đời thuỷ chung với mẹ.
Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con tự tìm về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc!

HAI VÙNG SÁNG TỐI
Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền.
Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hoá ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con.
Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống sông Hồng. Một thời gian sau thấy có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “phúc đức tại mẫu, những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi”.
Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít, đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm. Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi!

BÀI HỌC LÀM GƯƠNG
Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con nhắc các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem vô tuyến. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con là cán bộ cũng không thông tỏ ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào?”.
Ngẫm kĩ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài.
Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng “muốn con chăm thì mẹ phải siêng, muốn con hiền thì mẹ phải thảo” mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở!
Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình.
Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức, nhưng không phải vô tình người ta mới chỉ phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và trong nhạc, trong thơ, nơi đâu cũng thấy vang lên những “Huyền Thoại Mẹ”, ” Tình mẹ”, ” Lòng mẹ”…

Đinh Thủy

NGUYỄN TẤN DŨNG LÀ CON NỢ CHÍNH, TẠI SAO LẠI RŨ ÁO TỪ QUAN ?

NGUYỄN TẤN DŨNG
           Ngày 30-10-1997 Hoa Kỳ quyết định cứu các nước Indonesia, Thái Lan, Ðại Hàn, Phi Luật Tân.. đang nguy ngập tài chánh, kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế có thể làm cho đất nước sụp đổ hoàn toàn.. theo lời yêu cầu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) . Cuộc khủng hoảng lần đó bắt đầu từ Nam Dương khi thình lình ra lệnh đóng cửa 16 Ngân hàng lớn trong nước vì đã thua lỗ hơn 40 tỷ USD. Tiếp theo là hai đại công ty đầu tư cổ phiếu lớn nhất của Nhật là Sanyo và Yamaichi Securities Co đã bị phá sản vì món nợ trên 10 tỷ tiền Mỹ.

          Thái Lan, Ðại Hàn và Phi Luật Tân đều vướng vào cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh lúc đó. Tất cả đã được Hoa Kỳ và quốc tế giúp hơn 100 tỷ đô la, vượt qua cơn khủng hoảng đồng thời ngăn chận trước thảm trạng kinh tế có thể kéo tới Nhật, Mã Lai Á và Trung Cộng. Ngoài ra sỡ dĩ Mỹ phải chen vai gánh vác công cuộc cứu trợ kinh tế các nước trên cũng như đã làm tại Mễ Tây Cơ năm 1995 (giúp hơn 50 tỷ USD) là vì các nước Tây Phương và Mỹ chính là chủ nợ lớn nhất của các nước Châu Á . Việc phát triển kinh tế hổ tương giữa hai bên đã không còn cách nào để tháo gỡ vì Châu Á là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Tây Phương. Ngược lại Bắc Mỹ (Hoa Kỳ) là nơi tiêu thụ hàng hóa của Châu Á, giúp họ phát triển kinh tế.

          Tóm lại, nếu Hoa Kỳ và thế giới không giúp các nước Châu Á thì số nợ khổng lồ mà họ đã cho vay, coi như mất sạch theo cuộc khủng hoảng tài chánh với số tiền vay nợ chỉ từ 1992-1997 đã lên tới 700 tỷ Mỹ kim (theo báo cáo của Montgomery Emerging Markets Func) . Số tiền cho vay trên nhiều nhất là của Nhật (50%), Liên Âu (30%) và Hoa Kỳ (20%).

          Cũng nhờ Nhật, Liên Âu và Hoa Kỳ cho vay những món tiền kếch xù mà các nước Châu Á như TC, Ðại Hàn, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai Á .. kể cả Ấn Ðộ, lần lượt trở thành ‘ rồng,cọp’ được báo chí Tây phương ca tụng hết lời vì mức tăng trưởng kinh tế Châu Á lên vùn vụt như gió.

          Thế nhưng số tiền vay nợ trên. phần lớn được các chính phủ sở tại dùng để thực hiện các công trình đầy tham vọng, xa thực tế gần như lãng phí như xây cất các tầng nhà chọc trời, sân golf, khu chung cư sang trong, mua các loại xe hơi đắt tiền, mở quá nhiều trung tâm du lịch.. Ngoài ra cứ bỏ tiền thêm vào để xây cất hay khuếch trương nhiều nhà máy không cần thiết, vì chỉ làm ra những sản phẩm quá dư thừa trên thị trường thế giới mà điển hình là xe hơi và các phụ tùng điện tử. Tình trạng trên khiến cho nhiều nước Nam Dương, Mã Lai Á, Phi Luật Tân.. kể cả Singapore đã không có đủ tiền để trả số nợ quá hạn đã vay, chiếm hơn 13% tổng sản lương của đất nước.

          VN đã đi vào lối mòn của các nước trên trong khi sử dụng vốn đầu tư của ngoại quốc. Từ đầu Tết Mậu Tý (2008) tới nay, qua các cơ quan truyền thông quốc doanh và các tổ chức tài phiệt quốc tế đang làm ăn với đảng VC, tha hồ tung tin thả bong bóng về sự thành công kinh tế đứng nhất trong vùng của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) , qua cảnh Việt Kiều hải ngoại tấp nập về quê vui tết.. Nhưng tất cả hình ảnh rực rỡ trên thực tế chỉ là bức bình phong, được đảng dựng lên dùng để che lấp cơn ác mộng kinh tế tại VN đã xãy ra từ đầu năm 2008 tới nay, coi như không còn một phép nhiệm mầu nào cứu chữa, cho dù Mỹ và các cơ quan tài chánh quốc tế có bơm tiền tỷ vào VN như họ đã làm vào các năm 1995-1997, tại các nước Châu Á. Bởi vì tiền này rồi cũng sẽ lọt vào túi của đảng hết, qua hệ thống Mafia đỏ , hiện chằng chịt như mạng nhện, từ trong và ngoài đảng, không ai kể cả Nguyễn Tấn Dũng, từ năm 2006 tới nay vừa làm thủ tướng VC kiêm thêm chức Trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng (BCDTUPCTN) cũng phải đầu hàng và nhập bè với bọn tham quan hại dân bán nước.

          Bao năm qua, ngày từng ngày, giờ từng giờ tại VN, những tin tức về giá vàng, chứng khoáng, đô la, tiền Hồ, thực phẩm, địa ốc, xăng dầu và các vật liệu xây cất.. cứ theo đà lạm phát tăng vọt như pháo thăng thiên, khiến cho tuyệt đại dân nghèo thêm khốn đốn vì đồng lương lao đông thật ít ỏi so với vật giá leo thang. Dù đảng cố sức bào chữa cho chính sách kinh tế hiện hành nhưng hầu hết các cơ quan tài chánh, ngân hàng thế giới kể cả chuyên viên kinh tế Liên Hiệp Quốc (LHQ) , công khai nhiều lân cảnh báo VN về sự lạm phát, làm tăng vọt giá cả nhu yếu phẩm trong nước, đã vượt quá lằn ranh báo động đỏ lên tới nhiều chục phần trăm .

          Làm việc cực nhọc nhưng tiền lãnh không đủ sống, đã khiến cho nhiều công nhân khắp nước đình công đòi tăng lương để sống. Nguy hiểm nhất là giá cả địa ốc cũng tuột dốc thê thảm, kéo theo sự đổ vở cùng tận của thị trường chứng khoáng VN trên thế giới, làm cho môi trường kinh doanh đầu tư của ngoại quốc chao đảo và có hiện tượng muốn bỏ chạy vì sợ vướng vào vũng lầy ‘ kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ‘ đang hiện thực tại VN.

          Thay vì Ðảng phải nghe theo lời khuyên của các cơ quan tài chánh và ngân hàng thế giới, của các chuyên viên kinh tế trong và ngoài nước, của thảm cảnh hằng chục triệu người dân trong nước đang điêu đứng vì đói cơm thiếu áo trước sự lạm phát như gió hiện nay, để sửa đổi tức khắc chính sách kinh tế què quặt đang thi hành. Nhưng đảng không bao giờ làm vậy vì nếu thực tâm muốn cải tổ kinh tế theo thị trường, đảng phải dep hết khu vực kinh tế quốc doanh từ lâu như loài tầm gửi sống bám vào nên kinh tế tư bản thô sơ tại VN. Cũng nhờ nó mà các lảnh đạo đảng của chế độ, lớn nhỏ mới trở thành tư bản đỏ và số tiền hoa hồng, lợi nhuận của các đối tác thương nhân tài phiệt ngoại quốc, với điều kiện là phải tuân hành theo đường đi nước bước của họ.

          Rồi để tiếp tục lừa dối dư luận thế giối nhất là Việt kiều yêu nước, đảng lại tiếp tục sơn phết bộ mặt phồn hoa giả tạo tại Sài Gòn, Hà Nội và những thành phố lớn trong nước, qua nếp sống ‘ văn minh hóa đô thị ‘ . Mặt khác sử dụng một cách phí phạm công khố, để quảng cáo và truyền hình về sự thành công kỳ diệu của chế độ qua công cuộc đổi mới. Trong lúc đó đời sống của người dân càng lúc càng khó khăn vì đồng lương chết đói, thất nghiệp, nông dân mất mùa, người làm biển không thể ra khơi vì bảo tố, xăng dầu lên giá và nạn hải tặc, Tàu ô đang hoành hành ngay trên thềm lục địa và duyên hải.

          VN được vào WTO tưởng đâu đời sống của dân chúng sẽ được cải thiện nhờ vốn đầu tư nước ngoài ào ạt đổ vào, đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng tất cả chỉ là lớp sơn hào nhoáng bên ngoài vì quốc khố đã bị cạn kiệt ngay từ thời Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải còn làm thủ tướng, do phải bù đắp cho các công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ, cũng như lọt vào túi các tập đoàn tham nhũng đủ mọi phe phái của chế độ. Ðã vậy cán cân mậu dịch trong nước càng lúc càng tăng cao vì mức nhập khẩu cao gấp nhiều làn so với hàng hóa xuất cảng, khiến cho lạm phát phi mã kéo theo nguy cơ khủng hoảng kinh tế đã xảy ra từ Tết 2008 tới nay vì tiền Hồ sụt giá quá nhanh, coi như vô phương kềm chế.

          Trước nổi thất bại hiển nhiên mà ai cũng thấy qua tin tức hàng ngày của thế giới loan báo về tình hình tuột dốc của kinh tế VN. Thế nhưng Nguyễn tấn Dũng vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra và còn tuyên bố sẽ dập tắt ngay lạm phát qua các chỉ thị số 18 và 319 để chống lạm phát nhưng càng chống thì lạm phát càng phát triển thêm dữ dội tới 25%. so với tháng 6-2007, vượt mức kỷ lục, tính từ năm VN chính thức mở cửa đổi mới năm 1992.

          Tất cả thảm trạng ngày nay đều do cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, tạo ra một nền kinh tế tư bản ‘ nô lệ’ chỉ làm giàu cho bọn tài phiệt nước ngoài và giới Mafia đỏ đang nắm quyền độc đảng toàn trị. Vì không ai có thể bảo ai khi tất cả đều có quyền hành trong tay, nên đã sinh ra cảnh ‘ trống đánh xuôi kèn thổi ngược ‘ giữa bộ chính trị và các cơ quan chính phủ. Tệ nhât là Dũng đã đứng hẳn về phía ‘ chủ nhân ông ‘ khi ký hai nghị định cấm công nhân biểu tình đình công, nếu bất tuân phải bồi thường thiệt hại cho chủ (?).

          Riêng về kinh tế VN ngày nay, có thể gọi là ‘ kinh tế thị trường hay không ? Câu trả lời chác chắn là không phải vì tới nay, nên kinh tế ‘ nội địa ‘ tại VN vẫn còn theo đường hướng ‘ kinh tế tập trung ‘ trá hình qua bình phong kinh tế tư bản. Ðối với xu hướng toàn cầu hóa khi VN được gia nhập tổ chức Mậu Dịch thế giới (WTO), VN chỉ là con nợ phải trả nợ với những điều kiện khe khắt bị áp đặt từ bên ngoài. Tóm lại nền kinh tế VN ngày nay vẫn là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường nhưng không có tự do vì bị quản lý của đảng CS theo định hướng XHCN bằng cách sử dụng kinh tế quốc doanh làm phương tiện, để xác định vai trò lảnh đạo của nhà nước.

          Về lĩnh vực kinh tế toàn cầu, VN đang bị bó chặt trong hàng rào nợ nần dài hạn, chỉ riêng tiền lời hàng năm phải trả đã lên tới hàng tỷ mỹ kim. Ðể trả các món nợ to lớn này, VC dùng lúa gạo và dầu thô sản xuất được, đem xuất cảng trừ nợ, tạo ra thảm cảnh ‘ nước xuất cảng đứng thứ nhì trên thế giới, mà dân trong nước không đủ gạo sống ‘.Tóm lại VN ngày nay dưới chế độ CS, đã biến thành thuộc địa của các nước đang bỏ vốn đầu tư , không khác gì một ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ, một trăm năm sống dưới dưới ách nô lệ của thưc dân Pháp đã chiếm gần hết tài nguyên của nước mình.

          Theo luật lệ thương mại thế giới, muốn được gọi là Kinh tế thị trường, trong đó mỗi một người dân đều có quyền tự do có được tài sản riêng của mình, đồng thời được quyền sử dụng vốn liếng và tài sản đó mà không bị ai ngăn cấm hay ràng buộc. Ðiều này chỉ là ảo vọng cho dù nhà nước CSVN vì nhu cầu phát triển kinh tế nên bắt buộc phải cởi mở hơn để dễ dàng hội nhập trong xu hướng kinh tế toàn cầu. Nhưng đảng CSVN từ trước nay là một siêu quyền lực được tổ chức như các băng nhóm Mafia đỏ, che chở lẫn nhau để cùng khống chế toàn dân Việt, tham nhũng công khố, gây cảnh phân chia giai cấp giàu nghèo trong xã hội càng lúc càng xa tít. Như vậy làm sao gọi nền kinh tế tại VN là kinh tế thị trường ?

          Ngày 10-12-2001, Nguyễn tấn Dũng, Vũ Khoan tới Mỹ ký với Zoellick ‘ thỏa ước thương mại song phương, nhờ vậy các nhà đầu tư Hoa Kỳ và ngoại quốc mới đổ vốn vào VN đầu tư, nâng cao bình quân đầu người VN tại thành thị là 470 USD/1 năm. Tháng 6-2005 Phan Văn Khải dẫn theo phái đoàn hơn 200 người tới Mỹ để nhờ giúp vào WTO. Dịp đó Khải và W.Bush đã ký một bản thộng cáo chung ‘ hai bên trao đổi ý kiến và góc nhìn về hòa bình và an ninh trong vùng Ðông Nam Á và sẽ hợp tác song phương hay đa phương với nhau để thực hiện mục tiêu trên.’

           Hiện nước Mỹ đang bước vào mùa bầu cử tổng thống và bán phần quốc hội vào tháng 11 sắp tới. Cộng Hòa hay Dân Chủ cũng đều nhờ vào một phần lá phiếu của Cộng Ðồng Người Việt Tị Nạn để đắc cử, chứ không phải là Việt Cộng cho dù đó là Nguyễn tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng..

          Những ngày cuối tháng 1-2016, coi như toàn đảng CSVN đang chúi đầu vào cái gọi là đại hội XII để giành giựt quyền hành, trong lúc đất nước đang đứng trước sự suy sập kinh tế toàn diện vì công quỹ cạn kiện, nợ nần cao như núi, trong thì giặc tham nhũng, ngoài nước thì giặc Tàu. Trước thảm cảnh diệt vong gần kề, Nguyễn Tấn Dũng là con nợ chính vì chính Y đã tạo ra, qua hai nhiệm kỳ thủ tướng, lại rũ áo từ quan, thì đó không phải là chuyện lạ hay sao ?!.
     
Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng 1-2016
Mường Giang

Saturday, January 23, 2016

ĐỜI SỐNG CỦA ĐỨC ĐẠT LẠI LẠT MA THỨ 14

Như một tu sĩ hành giả, ngay khi thức dậy tôi tỏ lòng quy kính Đức Phật, và tôi cố gắng để chuẩn cho tâm tư tôi vị tha hơn, từ bi hơn, trong ngày ấy để tôi có thể làm lợi ích cho chúng sanh.
 
NHỮNG NGÀY TRONG ĐỜI TÔI bắt đầu vào khoảng ba đến ba giờ rưởi sáng. Khi thức dậy, tôi nghĩ về Đức Phật, và tôi trì tụng những lời tán thán được viết bởi đại hiền nhân Ấn Độ, Long Thọ. Tôi đọc lời cầu nguyện nằm xuống, hai tay chấp lại, nửa tôn kính, nửa như ngủ, …
Như một tu sĩ hành giả, ngay khi thức dậy tôi tỏ lòng quy kính Đức Phật, và tôi cố gắng để chuẩn cho tâm tư tôi vị tha hơn, từ bi hơn, trong ngày ấy để tôi có thể làm lợi ích cho chúng sanh. Rồi tôi tập thể dục - tôi đi trên máy đi bộ treadmill.
Khoảng năm giờ tôi ăn điểm tâm; sau đó tôi có thêm vài buổi thiền tập nữa, và tôi trì tụng cho đến tám hay chín giờ. Sau đó tôi thường đọc báo, nhưng đôi  khi tôi cũng đi vào phòng phỏng vấn cho những cuộc hội kiến. Nếu không có chuyện gì khác để làm, chính yếu tôi học tập kinh điển mà những vị thầy đã dạy cho tôi trong quá khứ, nhưng tôi cũng đọc một số sách vở mới đây.
Sau đó tôi thực tập thiền phân tích về lòng vị tha, mà tôi gọi là bodhicitta, hay "tâm giác ngộ", tâm bồ đề, trong thuật ngữ Phật Giáo. Tôi cũng thiền quán về tánh không. Tâm giác ngộ và tánh không là những để mục thiền quán quan trọng nhất trong sự thực tập hàng ngày của tôi, vì chúng sẽ hổ trợ tôi suốt cả ngày. Bất cứ khó khăn gì, những sự kiện buồn, hay tin tức xấu có thể hiện lên, những thiền quán này cho phép tôi ổn định tâm thức tôi một cách sâu sắc và hổ trợ nó từ bên trong.
Sau buổi ăn trưa, tôi trở lại phòng phỏng vấn cho những buổi hội kiến khác. Vào lúc này [tết Tây Tạng], hầu như mỗi tuần, tôi tiếp những người Tây Tạng vừa mới đến từ quê hương Tuyết Sơn.
Khoảng năm giờ là thời uống trà buổi chiều của tôi. Như một tu sĩ Phật Giáo, tôi không ăn tối. Nếu đói bụng, tôi nhẫm một miếng bánh ngọt, thỉnh cầu Đức Phật tha thứ. Sau đó tôi tận tụy cho những buổi cầu nguyện và thiền tập nữa…
Khoảng bảy hay tám giờ tôi đi ngủ - không phải không có sự thẩm tra lại những gì tôi đã làm suốt trong ngày trước. Nhiều đêm tôi đã ngủ bảy hay chín giờ đồng hồ. Đó là lúc tuyệt vời nhất! Hoàn toàn thư giản … (Cười).
 
 
Trong vòng tay của mẹ
 
Tôi Được Sinh Ra Vào Ngày Năm Tháng Năm
TÔI ĐƯỢC SINH RA VÀO ngày năm tháng Năm, năm Con Heo Gỗ của lịch Tây Tạng, hay sáu tháng Bảy năm 1935, của Dương Lịch. Tôi được đặt tên là Lhamo Thondup, có nghĩa là, "Thiên nữ, người hoàn thành mọi ước nguyện." người Tây Tạng đặt tên người, nơi chốn, và sự vật thường nghe rất tượng hình khi được phiên dịch. Tsangpo, thí dụ thế, tên của con sông lớn nhất ở Tây Tạng - sẽ trở thành dòng Brahmaputra dễ sợ ở Ấn Độ - có nghĩa là "Người Làm Cho Trong Sạch".
Tên của ngôi làng tôi là Takster, hay "Tiếng Rống của Cọp".  Khi tôi là một đứa bé, đó là một làng xã nhỏ nghèo, ở trên đồi nhìn xuống một thung lũng rộng. Đất đai không phải để cho những nông dân mà cho những  người du mục, do bởi thời tiết không thể dự đoán được trong vùng. Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi, cùng với khoảng hai mươi gia đình khác, kiếm được ít ỏi cho cuộc sống trên vùng đất này.
Takster tọa lạc ở vùng cực đông bắc của xứ sở, trong tỉnh Amdo. Ngôi nhà mà tôi sinh ra là đặc thù của vùng đó ở Tây Tạng - được xây dựng bằng đá và đất, với nóc bằng phẳng. Những máng xối làm bằng nhánh cây bách xù xoi thủng đến đường nước mưa, đó là vật liệu bất thường trong khối kiến trúc đó. Ngay phía trước căn nhà, giữa hai cánh là một sân  nhỏ, giữa sân, là một trụ cao để treo lá cờ với nhiều lời cầu nguyện được đính vào.
Thú vật được nhốt phía sau nhà, vốn có sáu phòng: nhà bếp, nơi mà hầu như chúng tôi dành nhiều thời gian nhất trong mùa đông, phòng cúng kiến với một bàn thờ  nhỏ, nơi mà tất cả chúng tôi tập họp vào buổi sáng để cúng dường; phòng ngủ của cha mẹ tôi; một phòng khách; một kho chứa những vật thực, và cuối cùng là chuồng cho thú vật.
Trẻ con không có phòng riêng cho chúng. Như một bé con, tôi ngủ với mẹ tôi, và sau đó trong nhà bếp, gần lò lửa. Chúng tôi không có ghế hay giường, nói một cách chính xác, nhưng có những tấm gỗ phẳng được dựng lên để ngủ trong phòng cha mẹ tôi và trong phòng khách. Chúng tôi cũng có vài thùng gỗ, được sơn màu sắc sáng chói.
 
Tôi Có Thể Nhìn Thấy Những Tâm Hồn Khiêm Hạ Nhất
GIA ĐÌNH TÔI SỐNG trong một vùng rất xa xôi hẻo lánh. Sining, thủ phủ của Amdo, là thị trấn gần nhất, nhưng cũng phải mất ba giờ đồng hồ đi bằng ngựa hay lừa để đến đấy. Làng chúng tôi rất nghèo, chỉ có thể nói lời cảm ơn người anh tôi, người được nhìn nhận là một vị lạt ma tái sanh từ đại tu viện Kumbum, đó là điều chúng tôi hơi hơn những người khác.
Tôi luôn luôn vui thích với sự nguyên sơ của tôi. Nếu tôi được sanh ra trong một gia đình giàu có hay danh giá, thật khó để tôi chia sẻ những sự quan tâm cho những người Tây Tạng giản dị. Những năm tháng thơ ấu của tôi ở Takster có một ảnh hưởng sâu sắc với tôi. Chúng cho phép tôi nhìn thấy vào trong những tâm hồn khiêm hạ nhất, để đồng cảm với họ, khi tôi cố gắng để làm cho những điều kiện sống của họ tốt đẹp hơn.  
Tôi có nhiều anh chị em; mẹ tôi sinh ra mười sáu đứa con trong thế giới này, nhưng chỉ có bảy đứa sống còn. Chính là người chị tôi đã giúp mẹ tôi khi tôi được sinh ra, vì lúc ấy chị đã mười chín tuổi. Chúng tôi rất gần gũi với nhau, và có rất nhiều niềm vui trong đời sống khó khăn ấy.
Cha mẹ chúng tôi là những nông dân nhỏ, nói một cách nghiêm túc, nhưng không phải là những bần nông, vì họ mướn một thửa đất đai cho chính họ. Lúa mạch và lúa mạch đen là những hạt chính ở Tây Tạng. Gia đình tôi gieo trồng chúng, cùng với khoai tây. Nhưng nhiều khi nổ lực cả năm bị tiêu tan bởi những trận mưa bảo hay khô hạn.
Chúng tôi cũng có một ít gia súc, là một nguồn lợi đáng tin cậy hơn. Tôi nhớ năm hay sáu con dzomo (thú lai giữa yak và bò), mà mẹ tôi thường vắt sửa. Ngay khi tôi đứng được trên bàn chân tôi, tôi liền đi với mẹ tôi đến chuồng thú. Trong áo tôi, tôi mang theo một cái chén, và bà sẽ đổ sửa vào, vẫn còn ấm, ngay trong ấy.
Chúng tôi cũng có một đàn thú nuôi khoảng tám mươi con, cả cừu và dê, và cha tôi luôn luôn có một hay hai con ngựa, đôi khi ba con ngựa, mà ông rất gắn bó. Trong vùng này, ông có tiếng là biết chăm sóc ngựa và thậm chí biết chửa trị chúng nếu gặp dịp.
Cuối cùng, gia đình tôi nuôi hai con tuyết ngưu (yak), là tặng phẩm của thiên nhiên cho loài người, vì chúng có thể sống còn ở một độ cao trên mười nghìn bộ. Chúng tôi cũng nuôi những con gà mái để lấy trứng, mà tôi chịu trách nhiệm để lùa chúng vào chuồng. Tôi thường tự thích thú bằng việc leo lên ổ gà, mà ở đấy tôi thích ngồi trên cao và túc túc như một con gà mái!
 
Cha Mẹ Tôi Không Bao Giờ Nghĩ Tôi Có Thể Là Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ Mười Bốn
 
 
CHÍNH MẸ TÔI đã nhắc tôi về những ký ức hai năm đầu trong đời tôi. Bà ngạc nhiên khi nghe tôi lập đi lập lại rất sớm: "Tôi đến từ vùng trung Tây Tạng, tôi phải trở lại đấy! Tôi sẽ đem cả nhà đi với tôi." Và trò chơi thích thú của tôi là khăn gói đồ đạc của tôi; sau đó tôi sẽ nói lời giả biệt với mọi người và giả vờ ra đi, ngồi dạng chân như cởi ngựa. Thân quyến tôi nghĩ đó là trò chơi của trẻ con, và không ai chú ý đến. Chỉ sau này chính mẹ tôi mới nghĩ rằng tôi có một trực giác về số phận nào đó sẳn dành cho tôi.
Thành thật mà nói, cha mẹ tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi có thể là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn. Vài tháng trước khi tôi ra đời, cha tôi đau khổ với cơn bệnh kỳ lạ làm ông mất ý thức nhiều lần và những cơn chóng mặt lập đi lập lại, cho đến cuối cùng ông phải nằm liệt giường để lại tất cả công việc nhà cho một bà bầu. Một cách kỳ lạ, vào buổi sáng tôi ra đời ông cảm thấy được chửa trị, ngồi dậy như không khỏe mạnh, và đọc lời cầu nguyện, giống như ông chưa từng bệnh tật. Khi ông biết là con trai ông vừa được sinh ra vào lúc bình minh ngày may mắn ấy, ông nói với mẹ tôi rằng đứa bé này chắc chắn không giống như những đứa khác, và nó nên trở thành một tu sĩ.
 
Tôi Nhận Ra Xâu Chuỗi Của Tôi
TÔI VẪN TỰ HỎI cho đến ngày hôm nay, làm thế nào đoàn tìm kiếm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn có thể khám phá ra ngôi làng bé nhỏ của tôi vốn rất xa với mọi nơi, lạc lõng trong những đồng cỏ mênh mông của Amdo.
Năm 1933, tiền thân của tôi, Thubten Gyatso, đã rời thế giới này vào tuổi năm mươi bảy. Thân thể của ngài được xông ướp theo phong tục, và những vị tu sĩ đã giật mình khám phá vào một buổi sáng rằng đầu của ngài, vốn được hướng về phía nam, đã quay về phía đông bắc. Chuyển động bất thường này đã được diễn dịch như một dấu hiệu chắc chắn chỉ đến một vùng của hóa thân tiếp theo của ngài.
Chẳng bao lâu sau đó, giấc mộng của vị quan nhiếp chính xác nhận dấu hiệu này. Trên mặt nước thiêng liêng của Lhamo Lhatso, ông đã thấy mẫu tự Ah, Ka, và Ma của Tây Tạng lấp lánh. Sau đó có sự hình thành hình ảnh một tu viện ba tầng, với một mái màu ngọc lam và vàng, và rồi một ngôi nhà nhỏ xuất hiện. Nó có những máng xối với cấu trúc kết nối bất thường. Không nghi ngờ gì đối với vị nhiếp chính rằng mẫu tự Ah biểu thị cho tỉnh Amdo, đối với việc tiền thân quá cố của tôi đã quay đầu ngài sau khi chết. Ka dường như được trình bày một cách hợp lý là viết tắt của tu viện Kumbum, với ba tầng của nó và mái ngọc lam. Họ vẫn phải xác định ngôi nhà nhỏ với những máng xối kỳ lạ.
Khi đoàn tìm kiếm thấy, trong thung lũng, những nhánh cây bách xù xoắn lại với nhau chạy dưới mái nhà một nông dân, thì rõ ràng với mọi người là Đức Đạt Lai Lạt Ma mới đang sống ở đây. Và sau khi khảo sát, họ nghiên cứu một đứa bé được sinh ra trong căn nhà này, những thành viên trong nhóm quyết định hiện diện tại cửa nhà chúng tôi và hỏi thăm để tạm trú qua đêm.
Vị lạt ma, người hướng dẫn phái đoàn giả dạng như người phục vụ và đi vào nhà bếp. Tôi chạy đến ông ta, ngồi trên vạt áo ông, và đòi xâu chuỗi mà ông đang đeo, thừa nhận đó là của tôi. Sự thân mật này làm mẹ tôi xấu hổ, nhưng vị lạt ma đề nghị tặng tôi xâu chuối ấy nếu tôi có thể nói tên ông. Tôi trả lời không do dự: "Ông là Sera Aga," bằng tiếng địa phương, có nghĩa: "Ông là lạt ma ở Sera." Tôi cũng gọi tên những vị đồng hành của ông và đùa vui với ông trong suốt buổi tối đó, cho đến khi đi ngủ. Buổi sáng hôm sau đoàn tìm kiếm trở lại Lhasa, không nói gì với cha mẹ tôi.
 
Tôi Vượt Qua Những Kiểm Nghiệm Về Việc Nhớ Kiếp Sống Trước Của Tôi
 
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13
 
BA TUẦN SAU, một phái đoàn đầy đủ những lạt ma và chức sắc tôn giáo đến thăm viếng chúng tôi một lần nữa. Lần này họ mang theo vài vật dụng cá nhân của vị tiền thân tôi, để lẫn với những thứ khác không liên quan đến ngài. Việc này để cho thấy rằng những vị tái sanh non trẻ kia nhớ lại những vật dụng và những người từ kiếp sống trước hay có thể đọc tụng những bài kinh trước khi được  học.
Khi họ chỉ tôi hai cây gậy, tôi chạm vào một cây một cách do dự, nhìn nó trong một vài giây và sau đó lấy cây kia, vốn thuộc về Đức Đại Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba. Sau đó tôi nhẹ nhàng vỗ vào tay của vị lạt ma đang nhìn chăm chăm vào tôi, thừa nhận rằng cây gậy này của tôi và trách ông ta sao lấy cây gậy ấy của tôi.
Giống như thế, tôi nhận ra, trong vài xâu chuỗi đen và vàng, những thứ thuộc về vị tiền thân của tôi. Cuối cùng, họ ra hiệu cho tôi chọn một trong hai cái trống: một nhỏ và giản dị, thuộc về Đức Đạt Lai Lạt Ma 13 sử dụng để gọi thị giả; và cái kia lớn và trang trí với những viền vàng. Tôi đã chọn cái giản dị, mà tôi dùng để rung lên bắt đầu theo phong tục của những sự thực hành nghi lễ.
Những việc kiểm nghiệm này, mà tôi đã vượt qua thành công, đã làm cho những thành viên của đoàn tin rằng họ đã tìm ra được hóa thân tái sanh mà họ đang tìm kiếm. Đó cũng là một điềm lành là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã ở lại tu viện bên cạnh khi ngài từ Trung Hoa trở về. Ngài đã được chào đón ở đó bằng một nghi lễ, và cha tôi được chín tuổi vào lúc đó, đã hiện diện trong buổi lễ đó. Vị trưởng đoàn tìm kiếm nhớ rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã quên một đôi hia vàng ở tu viện, và điều đó được diễn dịch như một dấu hiệu rằng ngài sẽ trở lại. Ông cũng ngắm nhìn một cách nhanh chóng ngôi nhà nơi tôi được sanh ra và lưu ý rằng khung cảnh nơi ấy thật là xinh đẹp.

Ẩn Tâm Lộ, Sunday, January 10, 2016
Trích từ quyển My Spiritual Jouney của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, January 21, 2016

Những lời cuối cùng của Steve Jobs - người sáng tạo ra Iphone Apple - chấn động cả thế giới.



"Tôi đã đạt đến tột đỉnh của thành công. Trong con mắt người khác, cuộc đời tôi là một biểu tượng của thành công. Tuy vậy phía sau của công việc tôi có rất ít niềm vui. Tài sản của tôi cuối cùng cũng bình hoá với tôi. Trong lúc này trên giường bệnh viện, hồi tưởng về cuộc đời, những lời khen ngợi, tự cao, tự hào về tài sản nhưng tôi cảm thấy thật vô nghĩa trước tử thần, cái chết.

Trong bóng tối, khi nhìn ánh đèn màu xanh và tiếng ồn ào của máy dưỡng khí, tôi cảm thấy được những hơi thở của tử thần rất gần kề. Bây giờ tôi mới hiểu thấu, nếu một lần bạn đã có tiền đủ cho cuộc đời của bạn, bạn hãy đeo đuổi một mục đích khác không liên quan đến tiền bạc. Nên tìm một điều gì quan trọng hơn. Ví dụ như là lịch sử tình yêu nhân loại, nghệ thuật, ước mơ tuổi thơ… Đừng làm nô lệ cho vật chất, giàu sang, vì nó sẽ biến bạn thành một người yếu ớt như tôi.


Thượng Đế tạo dựng chúng ta để cảm thấy được tin yêu trong tim, chứ không phải những ảo tưởng về tiền tài, danh vọng như tôi đã làm trong suốt cuộc đời nhưng không thể đem theo tôi được. Tôi có thể mang theo được những kỷ  niệm của yêu thương. Đây mới chính là sự giàu sang sẽ có thể đồng hành với bạn, là sức mạnh, ánh sáng soi sáng cho bạn tiến tới. Tình yêu có thể đi hàng ngàn cây số và chính vì thế cuộc đời không có giới hạn. Đi, tiến đến nơi mà bạn muốn, Cố gắng lên để đạt được những mục đích. Tất cả là ở trong tim và trong lòng bàn tay của bạn.

Cái giường nào đắt giá nhất trên đời? Đó là giường bệnh viện, vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xe lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn. Mất tài sản mình có thể tìm lại được, có một cái khi đã mất thì không thể tìm lại được: sự sống.

Dù đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, cuối cùng, tất cả phải đối diện khi bức màn sự sống kéo xuống.Làm ơn hãy nâng niu và nhận thức được giá trị tình yêu gia đình, tình yêu bạn đời và tình yêu bạn hữu, gìn giữ sức khỏe cho bạn và chăm sóc đồng bào của bạn.

Tuesday, January 12, 2016

13 Câu Chuyện Ngắn Nhưng Chứa Đựng Những Bài Học Cuộc Sống To Lớn

Tất cả chúng ta đều cần những động lực và lời khuyên mỗi khi gặp khó khăn trở ngại. Dưới đây là 13 câu chuyện ngắn nhưng đầy ý nghĩa. Sau khi bạn đọc chúng, chắc chắn bạn sẽ rút ra những bài học cuộc sống cho bản thân và tự mình thoát khỏi tâm trạng chán nản và bế tắc ngay lập tức.
 
1. Bài học về sự chia sẻ

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, tôi du lịch đến Kenya và tôi đã gặp một người tị nạn đến từ Zimbabwe. Anh ta nói rằng anh ta chưa ăn gì trong hơn 3 ngày nay  và trông anh ta cực kỳ gầy và ốm yếu. Sau đó người bạn của tôi đưa cho anh ta mẩu bánh mì sandwich đang ăn dở của mình. Điều đầu tiên mà người đàn ông ấy nói chính là: “Chúng ta có thể chia sẻ nó.”

 
2. Bài học về lòng tốt

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, một học sinh nam đang ngồi trên chiếc xe lăn nhìn thấy tôi đang vật lộn để chống nạng với cái chân bị gãy và cậu ấy đã mang ba lô và sách giúp tôi. Cậu ấy giúp tôi băng qua khuôn viên trường để đến lớp học và trước khi rồi khỏi cậu ấy đã nói: “Tôi hy vọng bạn sẽ sớm khỏi.”

 
3. Bài học về niềm vui

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, khi tôi chứng kiến một bệnh nhân ung thư vú đang cười phá lên với trò hề của cô con gái 2 tuổi của mình, tôi bỗng nhận ra rằng mình cần phải ngừng than phiền về cuộc sống và bắt đầu ca ngợi nó.
 
4. Bài học từ sự ngây thơ của trẻ nhỏ

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, bằng giọng nói dễ thương nhất, cô con gái 8 tuổi đã yêu cầu tôi hãy tái chế đồ bỏ đi. Tôi cười thầm và hỏi: “Tại sao?” Con bé trả lời: “Vì mẹ có thể giúp con cứu lấy hành tinh này.” Tôi cười thầm lần nữa và hỏi: “Tại sao con lại muốn cứu lấy hành tinh này?” “Bởi vì đó là nơi con cất giữ mọi đồ đạc của mình.” Con bé đã trả lời như thế.

 
5. Bài học về tình thương

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, tôi đã hôn lên trán bố khi ông qua đời trên giường bệnh của một bệnh viện nhỏ. Khoảng 5 giây sau khi ông qua đời, tôi chợt nhận ra đây là lần đầu tiên tôi hôn bố kể từ khi tôi còn là một cậu bé.

 
6. Bài học về sự ngoảnh lại nhìn

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, khi bố, ba người anh trai và hai chị gái tôi đứng xung quanh giường bệnh của mẹ, mẹ tôi đã nói những lời trăng trối sau cùng trước khi trút hơi thở cuối. Mẹ nói: “Lúc này mẹ cảm thấy rất hạnh phúc. Cả nhà chúng ta nên ở cùng nhau như thế này nhiều hơn.”

 
7. Bài học về “Một cánh cửa khép lại là để cho cánh cửa khác mở ra”

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
7 giờ sáng nay, tôi thức dậy và cảm thấy trong người không khỏe nhưng tôi cần tiền, thế nên tôi đã đi làm. Vào lúc 3 giờ chiều, tôi bị sa thải. Trên đường về nhà, tôi bị thủng lốp xe. Tôi mở cốp xe để lấy bánh xe khác thay thế nhưng nó cũng bị thủng nốt. Một người đàn ông lái chiếc BMW giúp tôi kéo xe, cho tôi đi nhờ, chúng tôi trò chuyện và sau đó ông ta cho tôi một công việc. Tôi sẽ bắt đầu công việc ấy vào ngày mai.

 
8. Bài học về tình yêu xoa dịu nỗi đau

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, sau khi nhìn thấy chú chó của tôi bị một chiếc xe hơi cán qua, tôi ngồi bệt xuống lề đường ôm chặt lấy nó và khóc. Và trước lúc chết, nó đã liếm những giọt nước mắt trên khuôn mặt tôi.

 
9. Bài học về lòng tốt và sự biết ơn

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, sau một ca trực 72 giờ tại trạm cứu hỏa, một người phụ nữ từ cửa hàng tạp hóa chạy đến và ôm chầm lấy tôi. Khi tôi trở nên căng thẳng, người phụ nữ mới phát hiện tôi không nhận ra cô là ai. Cô rời đi với những giọt nước mắt của niềm vui cùng một nụ cười chân thành nhất và nói: “Vào ngày 9/11/2001, anh đã đưa tôi ra khỏi tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới.”
 
10. Bài học về sự nhìn lại

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, tôi đã phỏng vấn bà tôi cho một phần của bài nghiên cứu của lớp Tâm lý học. Khi tôi yêu cầu bà định nghĩa thành công theo cách của mình, bà đã nói: “Thành công là khi con nhìn lại cuộc đời mình và những hồi ức khiến con có thể mỉm cười.”

 
11. Bài học về sức mạnh của sự khác biệt

 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, tôi hỏi cố vấn của mình – một doanh nhân rất thành công trong độ tuổi 70 – 3 bí quyết hàng đầu để thành công là gì. Ông mỉm cười và nói: “Đọc thứ mà không ai đọc, suy nghĩ thứ mà không ai nghĩ và làm thứ mà không ai làm.”
 

12. Bài học từ lời khuyên của bố
 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, bố đã bảo tôi: “Chỉ cần đi và thử nó! Con không cần phải là một chuyên gia để xây dựng một sản phẩm thành công. Những người không chuyên đã sáng tạo ra Google và Apple. Những chuyên gia đã làm ra con tàu Titanic.
 

13. Bài học về vấp ngã và đứng dậy
 
ảnh câu chuyện cuộc sống,bài học cuộc sống
Hôm nay, lúc tôi trượt chân trên sàn gạch ướt, một thiếu niên đang ngồi trên xe lăn đã kịp giữ lấy tôi trước khi đầu tôi đập xuống đất. Cậu ấy nói: “Bạn tin hay không cũng được, nhưng gần như tôi cũng bị chấn thương lưng theo cách này 3 năm về trước.”


Những câu chuyện thật ngắn
Quà sinh nhật
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. 

Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?" Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến... (ST)

Sầu Riêng
- Mẹ, sầu riêng rộ. Mẹ mua cho Nội một trái đi Mẹ. Nội nói cả chục năm rồi Nội chưa ăn múi nào hết.
- Bên đây sầu riêng mắc như vàng, của đâu mà cho Nội mày ăn cho đủ. Tao hầu Ba mày mệt rồi, thêm Nội mày nữa có nước đem chôn tao sớm.
Thằng Tí như bị hụt hẫng trước câu trả lời của Mẹ nó. ... Mùa sầu riêng năm sau, Nội nó mất. Hôm giỗ đầu, Mẹ nó mua một trái sầu riêng thật to để trên bàn thờ.
Mẹ nó nói với mọi người:
- Má chồng tôi hảo sầu riêng lắm. Mắc cách mấy tôi cũng ráng mua để cúng Má tôi.
Mọi người khen Mẹ nó là dâu thảo. Chỉ có thằng Tí biết.
Nó lặng lẽ đến cạnh bàn thờ thì thầm: - Xin Nội tha lỗi cho Mẹ con
 BÔNG ĐIÊN ĐIỂN          
Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển . Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn. 
Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh. 
Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa. 
Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.     
Nguyễn San

EM TÔI
Bám đất Sài Gòn sau 3 năm ra trường, tôi vẫn không xin được việc. Đôi cua dạy kèm, khi chẳng đủ trang trãi lại phải nhờ nguồn “trợ cấp”ở quê. Vừa rồi, đau ruột thừa, nằm viện. Mẹ vượt ngàn cây số vào thăm. Ngày về, dúi vào tay tôi chỉ vàng, bảo: “Của cái Lan, nó dặn con dùng để hồi sức, viện phí và tiền gởi vào cho con trước đây cũng một tay nó cả. Tội nghiệp! Dạy thêm tít mù, còn nuôi thêm cả lợn”. 
…Nhớ ngày Lan trượt đại học, thư về tôi mắng chẳng tiếc lời… 
Cầm món quà của em, tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong. 

Ngày xưa 
Huỳnh Văn Dân 
Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng. 
Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: "Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa."Ca dao thương mẹ.
   
Trung Dung
Ba bị tai nạn mất khi mẹ chưa bước vào tuổi bốn mươi. Mẹ ở vậy nuôi con.
Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc.
Con ngoan, học giỏi... Mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.
Hồi đó, con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười.
Lớn lên, nghe câu hát "... Mẹ đi lấy chồng con ở với ai..." Con lại khóc vì thương mẹ. 

Tính Cách 

Mẹ tôi buôn bán, chai lỳ trước cái cân cơm áo nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà đều hồn nhiên "ăn theo" một cách ngon lành. Có lần, cha tôi giỡn:

- Coi chừng trôi ti vi....

- Còn sách ông chưa viết ra đã hóa đá - Mẹ tôi trả miếng - Thế cũng mang danh nhà này, nhà nọ.

Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi chạy vụt ra đường chận đường con bé bán trứng vịt lộn.

- Mày biến đâu tài thế. Hì! có chui xuống đất rồi cũng gặp tao - Bà vừa nói vừa giằng mủng trứng, đếm lấy trừ nợ.

- Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm!

- Nhà này cũng đang ốm đây - Mẹ tôi cười bù - Khỏi bẻm mép.

Con bé chưng hửng, lã chã nước mắt nhìn cải mủng không, rồi bưng lên, xiêu vẹo bước đi....

Cha tôi cám cảnh, quay mặt, rút mùi soa chấm mắt.

Lâu sau, ti vi phát vở kịch "Cô bé nghèo bán trứng bị xiết nợ". Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười. 

(tác giả Nguyễn Thị Hoài Thanh)


Ngày xưa ta bé.
Ngày đó, cùng chung xóm nhỏ, em hay rủ chơi "bịt mắt bắt dê".

Sợ bị ăn gian, em tự tay gấp khăn thật kỹ. 

Vậy mà, chưa hết một vòng sân, anh đã bắt được em. Em giãy nãy bắt đền, anh phải chịu thua.

Lớn, phiêu bạt kiếm sống, nhìn lũ trẻ chơi trò năm cũ, anh nhớ xóm nhỏ, nhớ em .... da diết ngậm ngùi.

Ngày xưa, chưa giáp một vòng sân.....

Bây giờ, có ai bịt mắt đâu, sao anh tìm em, tìm hoài không thấy !

 Vết sẹo 
Ngày bé, anh và em hay chơi trò cút bắt. Lần nọ té ngã, máu đầu gối chảy nhiều. 

Anh xuýt xoa theo từng giọt nước mắt của em, luôn miệng hứa che chở suốt đời, không bao giờ để đau nữa.

Lớn, anh du học, không thấy về. 

Ngày mẹ anh mất, anh dẫn một cô da trắng, tóc vàng về chịu tang. 

Em đứng nép sau bậu cửa, nhìn sang.

Bất chợt vết sẹo ở chân nhức buốt....

 Đánh đổi
Chị yêu anh, vẻ lãng mạn, coi thường vật chất. Chị xa anh cũng lẽ đó. 

Nhân chứng cuộc tình là chiếc xe đạp, chở đầy kỷ niệm một thời yêu nhau.

Mười năm xa cách, anh lao vào mưu sinh, công thành, gia sản ít ai bằng. 

Tình cờ chị gặp anh, chiếc xe đạp ngày xưa trang trọng trong phòng khách biệt thự, chị hỏi :

- Anh còn giữ nó ?

Anh nghẹn ngào : 

- Anh làm ra những thứ này mong đổi được những gì đã có trên chiếc xe đạp này ngày xưa.


Quà tặng của Thượng Đế
Cô đã hơn một lần thủ thỉ với mẹ : 

- Anh ấy là món quà quý giá nhất mà Thượng đế đã ban tặng cho con. 

Lần nào nghe xong mẹ cũng mỉm cười. 

Cô đã yêu, yêu bằng tất cả những gì mà cô có được. 

Cô hồn nhiên và hạnh phúc bên anh mặc kệ bao thăng trầm của cuộc sống. 

Với cô, anh là phần đời quan trọng nhất.

Rồi ngày kia. Thượng đế lại đến, nhưng trớ trêu, lấy nhằm món quà của cô đem tặng kẻ khác. 

Ðêm nào cô cũng ôm gối mỏi mòn tự hỏi vì sao..... 

Mẹ nằm bên khẽ nén tiếng thở dài./.