Wednesday, August 22, 2012

Tiếng Việt mới (Truyện vui mà buồn)

 
Đồng-hồ không người lái có cửa sổ của tôi chỉ ba giờ rưỡi chiều. Trong máy bay, ngồi nhìn ra cửa sổ bên ngoài, tôi lặng nhìn đất nước thân yêu, và tôi chợt thở dài. Thấy vậy, người hành-khách ngồi bên cạnh quay sang hỏi:
- Trông anh có vẻ căng lắm? Ngồi trong nội-thất chiếc phi-cơ mà trông ông hình như bức-xúc làm sao?
- Vâng thưa ông, tôi về Việt-Nam lần này là lần thứ nhất, sau bốn mươi năm xa nhà nên có phần hồi-hộp, tôi đáp.
- À, ra thế, tâm-trạng ông hiển-thị trên nét mặt rõ lắm. Ông rời xứ lâu như vậy, tôi đoán lúc trước ông phải là du-sinh đi chuyên tu ở đâu đó; người Việt mình vốn trọng-thị vấn đề học-vị lắm mà.
- Vâng, ông đoán không sai, lúc trước, tôi có được đi du-học bên Pháp, nhưng thú thật với ông, riêng tôi không coi-trọng bằng cấp cho lắm, nhất là thời-buổi này- tôi nói tiếp.
- Tôi thống nhất ông, chủ-yếu là phải biết triển-khai tính năng-nổ, rồi tranh-thủ vào đó, khẳng định tài-nghệ mình thì mới thành công một cách tiên-tiến được.
- Ông muốn nói là ông đồng ý với tôi, điều quan trọng là mình phải khai-triển tính siêng năng tháo vát, cố gắng sao cho tài-nghệ mình được công nhận để có thể thành công mỹ-mãn? tôi hỏi lại cho chắc.
- Đúng vậy. À này, ông cũng nên cập-nhật lại ngôn-ngữ văn-hoá hiện-đại của mình đi thì hơn. Chúc ông thư-giãnđi tham-quan tốt những cảnh-quan nước nhà.
- Cám ơn ông!
Một lúc sau, gần đến cửa khẩu Tân Sơn Nhất, người lái cho biết Trung tâm quản lý đường bay đã cho phép phi-cơ đáp xuống đường băng. Chúng tôi đã đến Sài-Gòn.
Vào đến trạm kiểm tra, người cán-bộ hỏi tôi:
- Hộ-chiếu đâu?
- Dạ thưa, hộ-chiếu là gì ạ? tôi ngớ ngẩn hỏi lại.
- Giấy tờ du-lịch do cơ-quan chủ quản cấp chứ là gì nữa? Xin ông nghiêm-túc một chút – người cán-bộ sẵng giọng.
Tôi chìa sổ thông-hành ra.
- Ông sống bên Mỹ à? Bang nào? người cán-bộ hỏi tiếp.
- Dạ thưa, tiểu bang New Jersey .
- Đem vào bao nhiêu kiều-hối?
- Dạ thưa, kiều-hối là gì ạ? tội lại ú ớ.
- Ông không biết từ này à? Ông đừng có linh tinh nữa, khẩn trương lên đi, người cán-bộ bắt đầu sốt ruột.
Hoảng quá, chắc ông ta nói tôi vớ-vẩn và dục tôi phải nhanh lên. Nghĩ đến chữ “hối-xuất”, tôi đoán mò.
- Dạ, ngoại-tệ tôi có 1000 mỹ-kim.
- Thôi được rồi, ông đi đi. Có vấn nạn gì thì cứ đến Phòng công-tác người nước ngoài mà hỏi.
- Cám ơn Ngài! 
***
Lấy hành-lý xong, qua trạm hải-quan, không có gì để khai quan-thuế, tôi bước ra ngoài. Tôi thở phào, nhẹ nhõm. Mới đến có vài giờ mà đã ấn-tượng như vậy. Dáo dác nhìn quanh, tôi vẫy một cái tắc-xi để về khách sạn. Thấy cái mặt “nai vàng ngơ ngác” của tôi, bác tài-xế chào hỏi:
- Hoan nghênh ông, chắc ông là Việt-Kiều về thăm nhà? Lần này về, ông có dự-kiến làm gì không, em chỉ giúp cho?
- Ờ, xem nào, ăn ngon thì ông đề-nghị đi đâu?
- Muốn ăn ngon thì em xin đề-xuất nhà hàng này, em đảm-bảo chất-lượng, thực đơn cao-cấp, giá rẻ, ông có thể ăn uống vô-tư, chứ đừng có mà đi tìm những nơi hoành-tráng khác, có khả năng đắt khủng lắm, bình quân 100 Đô-La một người đó, nhất là nếu ông là người nước ngoài.
- Ui chao, có thể trung bình 100 Đô? Quả nhiên đắt khủng khiếp thật!
- Nhưng ngược lại, ông vào mấy tiệm chui thì cũng có khả-năng bị chũm lắm đấy.
- Đúng rồi, những nơi lén lút, không ai kiểm-soát, bị gạt là cái chắc.
- Thi thoảng, ông có muốn đi tươi mát để hộ lý cho khoẻ không? bác tài hỏi tới.
- Tươi mát? Hộ lý? ông muốn nói gì? Tôi hỏi lại
- Thì chuyện quan-hệ đàn ông – đàn bà đó mà? Về Việt-Nam, ai mà không biết cái đó? bác tài cười mỉm chi.
- Thôi, cám ơn ông, chắc không cần đâu. À về đến khách sạn tôi có xa không? tôi ngượng-nghịu đánh trống lảng.
- Từ đây vào thành phố không có đường cao tốc, nhưng đi giờ này không sợ ùn-tắc đâu, nếu không gặp tai tệ nạn trong một sự cố giao-thông gì, sẽ nhanh lắm.
- Không có xa-lộ, nhưng giờ này, nếu không gặp tại nạn xe cộ hay cản trở lưu-thông gì thì chả sợ kẹt đường, sẽ nhanh thôi. Tôi lẩm bẩm trong đầu như để học khoá cấp-tốc tiếng Việt mới.
Bác tài-xế nói xong, phóng vun vút và chẳng bao lâu tôi về đến khách sạn.Đăng ký xong, tôi lên phòng nằm xem chiếu bóng hộp chỉ được năm phút là lăn quay ra ngủ một mạch đến sáng.
Mấy hôm sau, một người bạn sinh-sống tại đây liên-hệ với tôi và đề-nghị:
- Tụi tao có quy-hoạch một buổi tiểu-trà để chiêu-đãi mày thứ bẩy này nhé.
- Cám ơn tụi mày đã định làm một buổi tiệc nhỏ để thết-đãi tao. Về đây chơi, có thổ-công như tụi mày thì nhất rồi.
Tối hôm đó, tôi đến nơi hẹn. Nhà hàng này cũng nhỏ, nhưng rất sạch-sẽ, tươm-tất, có cả một ban nhạc sống nữa. Không biết mấy thằng bạn quỷ có mưu mô gì nhưng chúng đã bố-trí một cuộc gặp, cho tôi ngồi cạnh M., một cô gái xinh trẻ, rồi lấy máy ảnh kỹ-thuật số ra chụp tôi với em.
Nói chuyện, ăn uống một lúc, tôi làm ly cà-phê cái nồi ngồi trên cái cốc, còn đang miên man suy-nghĩ thì M. lay tôi, gọi:
- Anh ơi (cô ấy chỉ bằng tuổi con tôi mà dám gọi tôi bằng “anh”), anh đang tư duy gì vậy? Bên kia, mấy người nghệ-nhân đang chơi nhạc kìa, mình ra hát đôi đi, hay là anh thích múa đôi ?
Mấy thằng bạn cũng đốc vào nên tôi cũng đành ra sàn nhẩy với M.
- Anh ơi, bên Mỹ, anh làm nghề gì, thu-nhập tầm được bao nhiêu? M. bắt đầu hỏi chuyện.
Trời ơi, tiền lương tôi khoảng bao nhiêu, cô ấy hỏi làm gì? Tôi trả-lời qua loa cho xong, nhưng M. tiến-công tiếp:
- Anh ơi, em phát-hiện là em cảm thấy rất hứng-thú với anh. Anh là đối-tượng của em rồi, em hồ-hởi quá. Hay là anh quản-lý đời em đi anh?
- Tôi quản-lý đời cô hay cô quản-lý đời tôi đây? Nhưng thí-dụ như tôi chịu thì mình như thế nào? Tôi hỏi đùa.
- Trước hết, mình phải tuyên-bố.
- Tuyên bố gì?
- Tuyền bố là lễ hứa-hôn đó anh. Sau đó, anh mua cho em một căn hộ; và lần hồi, mình sẽ đả-thông nhau, rồi mình sẽ…
- Trời ơi, tôi làm gì có tiền mua nhà cho cô?
- Em nghe nói bên Mỹ, ai cũng sở-hữu một căn hộ mà, anh bán nó đi rồi sang đây mua hộ cho em. Sang bên này, anh bảo-quản tốt cho em, em sẽ ủng-hộ anh triệt để. Anh xử-lý cho em đi, nhe?
(Quan-hệ, ủng-hộ kiểu này thì hệ-quả chắc phải bị cao huyết áp, tai-biến mạch máu não sớm !!!)
Cứ thế cô tích-cực tiến-công tôi hầu gia tăng sức ép đến mức tầm cỡ:
- Anh ơi, anh đừng có chảnh với em mà, em giản đơn lắm.
Chảnh? Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe chữ này, hỏi ra, mới biết là “làm bộ”, “làm eo”.
Cuối cùng, M. đột-xuất ra chiêu độc:
- Anh ơi, bú mồm (!!!) em đi.
Xốc quá, choáng quá, tôi bất-tỉnh tại chỗ.
Vài hôm sau, tôi muốn ra Huế chơi. Hỏi dưới văn-phòng khách-sạn xem trạm xe-lửa ở đâu, người tiếp-viên cho tôi biết:
- Cục đường sắt gần đây thôi. Ông đi bộ cho mát, hôm nay đài thuỷ-văn cho biết trời đẹp lắm.
Ngoài nhà ga, tôi mua một vé đi Huế.
- Một vé tầu-lửa đi Huế? Ghế mềm hay ghế cứng?
- Cứng thì bao nhiêu? Mềm bao nhiêu? tôi hỏi lại.
Rốt cuộc, giá không xê-xích bao nhiêu nên tôi mua ghế mềm, ngồi cho sướng … bàn toạ.
Đến nơi, tôi đi thăm vài danh lam, thắng cảnh xong, ngồi nghỉ chân một lúc rồi tôi phải hỏi một ông khách qua đường.
- Xin lỗi ông, tôi đang đau bụng quá, gần đây có chỗ nào cho tôi đi không ạ?
Ông khách chỉ sang bên nọ và trả-lời:
- Cuối đường có cái nhà ỉa kia, ông lại đó đi. Nhưng còn tuỳ ông đi nặng hay đi nhẹ nữa, vì đi nặng thì dịch-vụ đắt tiền hơn.
- Trời!!!
………
Đến đây, tôi chợt thức tỉnh. Hoá ra chỉ là một giấc mơ, nhưng sao hãi-hùng quá. Lâu lắm rồi, tôi không được về thăm nhà, bây giờ có về, không lẽ tôi phải có thông-dịch viên đi theo sao?
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…
Tiếng nước tôi, tiếng nói đồng-bào tôi mà sao nghe lạ tai quá? Bây giờ, khi xem phim với phụ-đề tiếng Việt, tôi lại còn khó hiểu hơn là không có phụ-đề nữa; đọc những bài thâu lượm trên Internet thì nhiều khi cứ phải đoán mò, và khó chịu làm sao khi đọc chữ “y” cứ bị thay thế bằng “i”.
Nhưng điều tôi không thể hiểu nổi là tại sao có những tờ báo Việt-Nam bên Mỹ này cũng hùa theo cái “phong-trào” ấy, như để “khoe” là mình “văn minh hiện đại” (?)
Vẫn biết sinh-ngữ nào chả biến-đổi cho thích-hợp với thời-đại nhưng sao thay đổi “khủng” quá? Không biết cụ Nguyễn Du hay cụ Trần Trọng Kim, nếu còn sống sẽ nghĩ gì về tiếng Việt mới này? Hay có lẽ chúng tôi quá “cổ hủ”? Dầu sao đi nữa, chúng tôi sẽ không cầm bút để viết lịch-sử Việt-Nam nên chúng tôi chắc chắn là sai lầm.
Nhưng thôi, đất nước tôi không còn là đất nước tôi, tôi cũng không còn thẩm-quyền gì để phê-bình, tôi chỉ có quyền buồn (ít ra, cái tư-do này, không có chính-quyền nào có thể cấm-đoán được).
Tôi buồn, nhưng thôi, như đã chia-xẻ trong bài “Thế-hệ bánh mì kẹp”, chỉ vài mươi năm nữa, vấn-đề này sẽ không còn là vấn-đề nữa, một khi chúng tôi sẽ lũ-lượt rủ nhau đi hết. Lúc đó, chúng tôi sẽ lại được nói lại “tiếng Việt cũ” với bố mẹ, ông bà chúng tôi.
Ôi, tiếng nước tôi.
Yên Hà
tháng năm, 2012

No comments:

Post a Comment