Monday, September 30, 2024

Phim THUYỀN NHÂN: HÀNH TRÌNH 50 NĂM

Trong gần thập niên, hẳn cộng đồng người Việt định cư tại các quốc gia tự do hải ngoại và ngay cả trong nước, ít nhiều người đã có biết tới nữ xướng ngôn viên Thanh Tâm, cô cũng là người sáng lập và là giám đốc đài truyền thông Viêtlive.Tv tại Toronto - Canada, với những biên tập viên xinh đẹp có trình độ trí thức, xuất hiện hằng ngày trên màn hình với những tiết mục: Điểm tin, tường trình, phóng sự sinh hoạt những vấn đề xã hội đang là điểm nóng trên thế giới, bình luận, âm nhạc nghệ thuật, văn hóa, chính trị…rất thành công và được cộng đồng người Việt tín nhiệm ái mộ.

Ngoài công việc điều hành đài truyền hình với những đa đoan “đầu sóng ngọn gió”, Thanh Tâm là khuôn mặt công chúng không dễ gì được êm xuôi với “bách ngôn, bá tánh”, người yêu có lắm, thì cũng có kẻ ganh tỵ, hiềm thù chính trị luôn rình rập cơ hội để hãm hại, triệt hạ…! Thế nhưng, cô lại cưu mang thêm tài hoa với bộ môn điện ảnh vốn là nghệ thuật thứ bảy, mà từ bao thập niên qua đã có những đạo diễn người Việt với nền điện ảnh thời danh, tên tuổi chuyên ngành vẫn ít có được sự thành công…! Với phim A REALM OF RETURN (Bóng Quá Khứ) đã được trình chiếu tại các rạp khắp các quốc gia Á - Âu - Mỹ nơi có cộng đồng người Việt sinh sống…đã chứng tỏ sự nhiệt tình, năng động nổ lực và tài hoa của nữ đạo điễn Thanh Tâm và ekip làm phim có giá trị nghệ thuật, và hạng bậc trong giới điện ảnh tại hải ngoại từ sau năm 1975. Phim BOAT PEOPLE: A 50 YEAR JOURNEY (Thuyền Nhân: Hành Trình 50 Năm) là phim thứ nhì đang được chiếu tại các rạp tại Canada. Dĩ nhiên, người Việt chúng ta luôn mong mỏi sẽ được thưởng thức phim Việt và sẵn lòng đón nhận, khuyến khích, ủng hộ giới làm phim Việt Nam sẽ cống hiến bông hoa hương sắc cho khu vườn nghệ thuật, cho dù ở “địa hạt” này giới điện ảnh Việt Nam vẫn còn khá non kém so với những gốc đại thụ danh tiếng như Hollywood, Hongkong, Bollywood, Seoul, China…Nhưng cũng nhìn lại ngay tại Hollywood từ thế kỷ tới nay ngoài phim GONE WITH THE WIND (Cuốn Theo Chiều Gió) kinh điển trên màn bạc đại vĩ tuyến, hay với THE LITTLE HOUSE ON PRAIRIE (Căn Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên) chiếu nhiều tập trên truyền hình có giá trị đáng được trân trọng, mộ chuộng để đời…Hiện tại Hollywood chưa có một xuất phẩm nào sánh bì…? “Nói” như thế cũng có nghĩa là quả thật ngành điện ảnh Việt chúng ta cần phải được học hỏi, trau giồi học thuật, kỹ năng và riêng tài hoa vốn có phần thiên phú, chứ chưa chắc bởi học hành mà trổ hoa kỳ tài. Dẫu sao, trên con đường nghệ thuật điện ảnh thì nữ Đạo Diễn Thanh Tâm đã khởi hành bước đi với hai phim:  Bóng Quá Khứ và Thuyền Nhân: Hành Trình 50 Năm trên đường dài như nhịp cầu bắt nối cho ngành điện ảnh của người Việt tự do mai sau.

Tôi đã xem phim và xét “thấy” không cần phải làm “công việc” của nhà điểm phim rạch ròi, chi li từng chi tiết ưu khuyết điểm của phim ảnh. Hãy để những “chuyên gia” soi kính, bình phẩm và nêu lên những điều hữu ích thiện mỹ, và cầu toàn cần thiết cho những tác phẩm sóng sau giá trị hơn sóng trước. Riêng tôi chỉ đề cập tới những tác động của phim tới tâm tư, tình cảm và bản thân suy nghĩ và làm gì sau khi xem phim? Nội dung cuốn phim bắt đầu với hình ảnh cậu bé có vẻ thắc mắc và thái độ có chút bất bình khi cô giáo trong lớp học chỉ bảo lá cờ đỏ sao vàng là cờ quốc gia Việt Nam, dẫn tới câu chuyện vượt biển của Cha Mẹ cậu đang định cư ở Canada... Qua câu chuyện thật, người thật, quãng đời trải qua hiện thực của gia đình này, cho chúng ta thấy biết Chính Trị thật sự ảnh hưởng tới đời sống chúng ta, khước từ hay chấp nhận đều là hành vi chính trị và bị “nó” chi phối ở mọi mặt tầng xã hội, hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta. Tốt nhất là chúng ta phải có nhận thức và chọn lựa chứ không thể an nhiên mà thoát được. Vì mục đích của Chính Trị, là tạo nên sự hòa hài giữa những con người sống trong xã hội, những đoàn thể sống trong quốc gia, và những quốc gia trong cộng đồng nhân loại. Mục đích của Chính Trị là giải quyết ổn thỏa những tranh chấp, xung đột tinh thần và vật chất gây ra do sự mâu thuẫn quyền lợi giữa những cá nhân, giữa những tầng lớp, giữa những đoàn thể và những quốc gia, tạo được tình trạng ổn định, điều kiện cần thiết để xã hội phồn thịnh. Nhưng sự cai trị hà khắc trong Chính Trị của Cộng Sản Bắc Việt sau ngày “giải phóng miền Nam” là thứ loại tàn bạo “Hà chính mãnh ư hổ giả!” hà khắc bạo tàn đáng sợ hơn loài cọp dữ, đã khiến người dân phải liều mạng vượt biên, vượt biển tìm đường sống với mong tới được bến bờ tự do.

Điện ảnh là nghệ thuật diễn tả cảnh đời, tình cảm qua vai tuồng và tài năng diễn đạt của diễn viên qua hình ảnh trôi chảy trên những thướt phim nhựa từ cổ điển cho tới kỹ thuật số (digital) tân tiến nhiều TB byte memory. Nhưng trong phim Thuyền Nhân:Hành Trình 50 Năm chỉ có ít vai diễn vì đoạn cảnh quá khứ sau 30/4/1975 đã qua, cần phải đề cập tới, và cũng thật khó tìm được tại hải ngoại diễn viên nào có nhân dáng cục mịch, thô bỉ, đốt nát với học lực lớp 3 trường làng, có vẻ mặt đanh ác, gian trá và hốc mắt hiểm độc để đóng (casting) cho đúng vai gã công an nòi như loại thực dân mới, từ miền Bắc vào cai trị đám “dân nô lệ” miền Nam thua trận vốn dĩ có trình độ học thức, văn hóa và nhân phẩm trội vượt hơn bọn chúng ngàn lần… Đành thôi, vai diễn cảnh công an hà hiếp dân lành! Nhưng hầu hết những science trong phim không phải là vai diễn, mà là người thật, chuyện đời thật, là nạn nhân và cũng là nhân chứng sống trong cảnh ngộ, thảm trạng thuyền nhân vượt biển tìm tự do lúc bấy giờ.

Việt Nam tự ngàn xưa với phong tục tập quán và chịu ảnh hưởng văn hóa Khổng Mạnh, người phụ nữ Việt kín dáo, dịu dàng, chân mộc…từ gia đình tới xã hội và dễ thường nhút nhát hiền hòa…Thế nhưng cô thiếu nữ năm xưa trên thuyền vượt biển, bị hải tặc bắt, hiếp…may mắn thoát chết, nay tuổi đã cao và chắc hẳn bà có gia đình chồng con và đám cháu nội ngoại…Bà có lấy làm khó không, khi phải vượt lên khỏi bản tánh cố hữu hiền lành, e dè để mạnh dạn xuất hiện trước ống kính thu hình, mà rồi cũng không khỏi xúc động khóc nấc rưng rức từng cơn kể thuật lại tấm thân bị đám hải tặc Thailan cướp bóc, hãm hiếp tập thể trước mắt bao người…! Tôi xin trân trọng và tặng bà một bông hồng tinh thần nhân ái với nhân phẩm của bà, và đó là đích điểm của nhân đạo làm người. Câu chuyện của người phụ nữ may mắn sống sót này là một điển hình trong hằng triệu nạn nhân vắn số đã vùi thây trong lòng biển…Ôi,…đau thương xé tâm can, thấu trời xanh và mỉa may thay tên gọi biển Thái Bình Dương !

Nữ đạo diễn Thanh Tâm và ekip làm phim đã thật khéo léo tận dụng những đường kỷ hà trong bố cục hình ảnh diễn đạt tình cảnh thẩm thấu tâm hồn người xem Thuyền Nhân: Hành Trình 50 Năm. Xưa cụ Nguyễn Du nhìn ra xa xa đường nằm ngang mặt biển tiếp giáp với chân trời khiến cho cụ chạnh nỗi buồn mà than:
“Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”
(Nguyễn Du)

Nhà văn Trịnh Khải Hoàng, một thuyền nhân năm xưa, nói: “Mỗi thuyền nhân chúng ta vừa là nạn nhân và cũng là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử.”

Nhưng đạo diễn Thanh Tâm và ekip làm phim đã “giàn trải” đường kỷ hà trong bố cục hình ảnh như: Đường nằm ngang có tính cách diễn tả tâm cảnh trầm buồn lắng đọng như: đường chân trời, hoàng hôn trên mặt sông buổi chiều tà…Trong phim Thuyền Nhân:Hành Trình 50 Năm này, nữ đạo diễn Thanh Tâm đã khéo dụng đường nét mặt biển trầm buồn, tiếp giáp với chân trời màu xám âm u ảm đạm có từng cơn sóng dữ nhấp nhô và cánh hải âu cô đơn chao đảo, dật dờ chập chờn bay về đâu thân phận thuyền nhân trên chiếc thuyền gỗ mong manh chìm nổi trong cơn sóng ba đào…!

Những đường kỷ hà chiều thẳng đứng diễn tả cảnh tình uy nghi, hùng vĩ và uy quyền như thân cây cổ thụ thẳng đứng, trụ cột thách thức với phong sương và ngàn năm tuế nguyệt, hoặc tượng đài bậc linh thiêng như Mẹ Maria đứng trước vương cung thánh đường với ánh mắt sầu bi nhìn đàn chiên con đang còn tất bật với cuộc mưu sinh hối hả, tượng Đức Phật tọa thiền cao chót vót trên đỉnh núi phù vân sừng sững, hoặc tháp thờ thần nhân huyền thiêng ngàn nấc thang thẳng đứng trơ trọi ở đền chùa cô liêu ư…? Với nữ đạo diễn Thanh Tâm là bước chân của cô, và đoàn làm phim đã đi tới tận nơi đã xảy ra sự việc, là chứng tích của biết bao nạn nhân đã chết vùi thân xác trong tận cùng oan nghiệt bi thảm …! Nay tại những nơi này chỉ còn trơ lại chiều cao giới hạn của những bia mộ đơn sơ đã gãy đổ, và một vài tượng đài kỷ niệm được những nhà mạnh thường quân vận động nhân lực, tài lực ở nước Úc và Canada xây dựng. Đây mới đích thực là chiều cao tinh thần và là đường kỷ hà thẳng đứng xuyên suốt trái tim chân tình của cộng đồng người Việt không quên đồng bào đã mất trong thảm trạng vượt biển, vượt biên tìm tự do.

Ôi những đường kỷ hà hình cong, uốn lượn quanh co, thường khiến cho nội tâm của chúng ta cảm giác tình tứ thơ mộng, lãng mạn như đường cong ven bờ hồ, hay khúc quanh của bãi thùy dương ven biển chăng? Nhưng với ánh mắt tinh tế nghệ thuật của đạo diễn Thanh Tâm trong phim là khúc quanh bãi biển miền nam Thailan, thật chính tại nơi này mà người ký giả cũng là văn thi sĩ trước kia đã tới bãi biển nơi đây, anh đã nhìn thấy thân xác 12 cô gái Việt trẻ tuổi lõa lồ không mãnh vải che thân, cổ bị bọn hải tặc cột dây dính liền vào nhau trôi dạt vào bờ vào một ngày mưa buồn lạnh lẽo thê thê…! Họ là nạn nhân bị hải tặc Thailan cướp bóc, hãm hiếp man rợ, rồi cột dây thừng vào cổ, quăng xác xuống biển.

Ôi những chiếc thuyền gỗ mong manh
Vượt đại dương mong tìm gặp đất lành
Chiều xuống biển thật mênh mông…!
Những thương thuyền qua lại thấy như không
Qua cơn bão, thuyền trôi bềnh bồng…
Sấm chớp đêm đen, hải tặc Thái đâm thuyền…
Loài quỉ dữ cướp bóc, giết người, hãm hiếp…
Ôi tiếng gào khóc kêu la kinh khiếp…!
Chúng quẳng xác em xuống lòng biển lạnh
Dạt vào bờ vào buổi chiều mưa !
Linh hồn em linh thiêng báo tử.

Trong Dòng Sinh Mệnh Dân Tộc Người Phụ Nữ Việt Nam, như những thành phần làm nên toàn thể, trong cương vị làm con, làm người Tình, làm Vợ, làm Mẹ trong gia đình và cương vị làm Dân trong phạm vi Đất Nước, và vị thế của phụ nữ rất quan trọng để làm cho Dân Tộc được trường tồn và Tổ Quốc thêm vinh quang…Vậy mà những phụ nữ Việt Nam này trong thảm họa thuyền nhân vượt biển, bị lũ hải tặc Thailan man rợ cướp bóc, hãm hiếp xong, quăng xuống biển như vứt bỏ con vật chìm nổi trong lòng đại dương thâm u lạnh lẽo oan khiên… Ôi biển trùng dương bao la cũng là mồ chôn hằng triệu thân xác thuyền nhân Việt chìm sâu trong dòng nước thâm u xanh lơ kia…Biển vẫn vô tình!

Từ năm 1975 tới nay, trong giới điện ảnh Việt Nam tại hải ngoại chỉ có được số ít ỏi phim được trình chiếu, và không mấy thành công, lại thường có nội dung quanh quẩn những chuyện tình yêu , chưa đạt đỉnh nghệ thuật và phải “chết non”. Phim A Realm Of Return (Bóng Quá Khứ) của đạo diễn Thanh Tâm cũng vừa trình chiếu xong, và hiện còn đang được khán thính giả mộ điệu thẩm định giá trị. Nhưng với phim Boat People: A 50 Year Journey (Thuyền Nhân: Hành Trình 50 Năm) là một dấu ấn cần có trong cộng đồng người Việt định cư tại các quốc gia tự do hải ngoại. Đây không phải là loại phim chỉ để xem qua giải trí lúc nhàn rỗi. Phim có tính chất chứng tích lịch sử của giai đoạn dân chúng miền Nam bị Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm, họ phải lao mình ra biển tẩu thoát và thành thảm họa thuyền nhân suốt nhiều thập niên từ sau 1975. Thanh Tâm cũng theo dòng người tỵ nạn định cư tại nước Canada là trú xứ thích hợp để sinh sống, học tập đạt thành quả và vươn lên như những bông hoa tươi đẹp khoe hương sắc dưới ánh sáng trong lành và có ít nhiều mật ngọt để đóng góp cho đời với trái tim nhân ái. Thanh Tâm may mắn hơn những thuyền nhân đã bị chìm sâu trong lòng đại dương lạnh lẽo! Cô đã thể hiện “cái” tài hoa qua hai phim đã và đang trình chiếu tại nhiều rạp.

30 tháng 4 năm 2024 năm nay nữa đã là 49 năm kể từ ngày người Việt tỵ nạn Cộng Sản có mặt ở các quốc gia hải ngoại, Cộng Đồng Người Việt thành hình và Cuộc Chiến Quốc - Cộng vẫn còn đang tiếp diễn cho dù đã không còn tiếng súng nổ vang rền…Nhưng từ buổi đầu bở ngỡ còn đang lo sinh kế gia đình, báo chí Việt Ngữ đã xuất bản và bộ môn văn học, âm nhạc, nghệ thuật điện ảnh cũng đã khởi sắc và đang dần hoàn thiện. Đặc biệt phim Thuyền Nhân: Hành Trình 50 Năm này là một trang sử liệu hiện thực, là dấu ấn ghi lại một quá trình đau khổ, bi thảm của Người Việt Tự Do, và cho dù hay hoặc khiếm khuyết thì vẫn là nét “mực đen” vì tính chất là nỗi đau thương của dân chúng miền Nam trong nghiệt cảnh !  Nhưng đích thực là nét son đan tâm có giá trị được viết trong pho Lịch Sử Ngàn Người Viết và nền Văn Hóa Người Việt Tự Do, tự tri chứng nét bi hùng tráng Thuyền Nhân Việt Nam vượt đại dương với những con thuyền gỗ mong manh dễ vỡ,  không la bàn chuyên nghiệp và hoa tiêu hải hành chỉ có trình độ lái thuyền trên sông lạch, hoặc đánh bắt thủy sản ở ven bờ biển…Thế nhưng vì Tự Do hay là Chết. Chúng tôi liều thân lao ra biển và hiện có mặt khắp thế giới, cộng đồng Người Việt Tự Do chúng tôi lớn mạnh trong những quốc gia tự do, dân chủ. Đó là cái giá của Tự Do và Hoa Tự Do vô giá do máu lệ, thân xác đồng bào tôi trải thảm trên đường vượt biên, vượt biển mà nở thắm tình người.

Chúng tôi tri ơn những người dân bản xứ của các quốc gia nhân ái đã mở rộng vòng tay độ lượng cưu mang, cho chúng tôi cơ hội sinh sống an lành và tiến thân.

Tôi xin trân trọng giới thiệu phim BOAT PEOPLE:A 50 YEAR JOURNEY do nữ đạo diễn Thanh Tâm và Ekip làm phim thực hiện đang được trình chiếu.  

Trịnh Khải Hoàng
HOA TỰ DO mùa Xuân 2024.

Friday, September 27, 2024

Countdown Party 2025 Happy New Year - 50 năm sau Chiến Tranh Việt Nam - Diamond 2 - 12181 Brookhurst St Garden Grove California USA Vé ủng hộ $60 - VIP $100

Thưa quý vị,

Group KQ...@googlegroups.com tự nhiên bất khiển dụng từ tháng 5 năm 2022, tôi phải lập ngay group kqvi...@googlegroups.com để thay thế, rồi cách đây 3 ngày, group kqvi...@googlegroups.com lại bị bất khiển dụng, tôi liên lạc google xin giúp đỡ thì tất cả các groups bị mất đều lấy lại được hết. 
Xin báo tin mừng đến tất cả quý chiến hữu KQVN đang sinh hoạt trong group. 
Quý vị dùng bất cứ group email nào cũng ok ! 
Tiện đây xin mời quý vị vùng Little Saigon tham dự tiệc Countdown do chúng tôi tổ chức, dù mang tên trường CVA nhưng đa số anh em trong Ban Tổ chức đều trong gia đình KQ hoặc các quân binh chủng VNCH..vì học xong TH đa số thanh niên chúng ta phải đi lính !
Muốn đóng góp phần văn nghệ xin quý vị liên lạc với Ban Văn Nghệ: Trẩn Lê Tuấn hay Phạm Triệu (sô phone ghi trong Thư Mời).
Thân kính mời,
KQ Đặng Quỳnh K7/68KQ
PD225-PD219

Wednesday, September 25, 2024

Tô Lâm ở Mỹ: đừng hy vọng để rồi thất vọng!

 

Ông Tô Lâm, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam kiêm chủ tịch nước, phát biểu tại phiên thảo luận chung Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79. 

(Hình: Bùi Lâm Khánh/Thông Tấn Xã Việt Nam)

Chuyến công du Hoa Kỳ đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) kiêm chủ tịch nước, đang thu hút sự chú ý của đông đảo những người quan tâm tới thời cuộc. Đảng CSVN đã sắp xếp chuyến ông Tô Lâm “ra biển lớn” khá chu đáo, khơi dậy niềm lạc quan và hy vọng về một sự thay đổi lớn sắp xảy ra. Nhưng với những ai hiểu đảng CSVN và những thủ đoạn chính trị tinh vi, đây chỉ là một màn trình diễn công phu, che giấu ý đồ thật của họ, do đó hãy còn quá sớm để lạc quan hay hy vọng.

Chuyến đi đến New York tham dự kỳ họp thường niên thứ 79 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc là một nghi thức ngoại giao thông thường. Là người mới tiếp nhận chiếc ghế lãnh đạo cao nhất của Việt Nam chưa đầy hai tháng, ông Tô Lâm coi đây là cơ hội quan trọng để ra mắt cộng đồng quốc tế, nâng cao uy tín ở trong nước và thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo có năng lực trong dòng xoáy của chính trị cường quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1977 có một tổng bí thư đảng CSVN dự kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Đảng CSVN cũng nhân cơ hội này để trưng ra một bộ mặt thân thiện, làm bạn với tất cả các nước, đồng thời củng cố mối quan hệ với Mỹ đúng một năm sau ngày hai nước nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện.

Vì vậy, chỉ vài giờ trước khi ông Tô Lâm lên phi cơ sang Mỹ, nhà cầm quyền Việt Nam vội vã trả tự do “cưỡng bức” trước thời hạn cho các tù nhân lương tâm nổi tiếng là ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Hoàng Thị Minh Hồng và Tiến Sĩ Hoàng Ngọc Giao. Hà Nội coi đây là một cử chỉ thiện chí, hy vọng Hoa Kỳ sẽ đáp lại. Hà Nội cũng sắp xếp cho ông Tô Lâm thuyết trình và gặp gỡ với sinh viên đại học Columbia University ở New York sáng 23 Tháng Chín dù họ không thật sự thoải mái khi cuộc gặp được Giáo Sư Nguyễn Liên Hằng điều khiển. Bà Hằng là một nhà sử học gốc Việt bị bộ máy tuyên truyền của đảng chụp cho cái mũ “phản động” dù bà là thành viên ban lãnh đạo Đại Học Fulbright Việt Nam ở trong nước.

Nên để ý, cuộc gặp của ông Tô Lâm tại đại học Columbia University tái diễn một sự kiện tương tự khi ông Nguyễn Tấn Dũng, phó thủ tướng Việt Nam, đọc diễn văn tại đại học Johns Hopkins University ở Washington, DC, ngày 10 Tháng Mười Hai, 2001. Cho tới nay trong giới lãnh đạo Việt Nam chỉ có ông Dũng và ông Tô Lâm phá lệ, “dám” gặp gỡ, đối thoại với sinh viên Mỹ, đúng như chúng tôi phán đoán trong một bài trước, ông Tô Lâm sẽ đi vào con đường “kỹ trị” của ông Dũng, xa rời sự cai trị giáo điều của ông Nguyễn Phú Trọng.

Cũng như ông Dũng 23 năm về trước, cuộc gặp của ông Tô Lâm được dàn dựng cẩn thận, sinh viên phải nhìn vào màn hình điện thoại mới đọc được câu hỏi được mớm trước; còn ông Tô Lâm thường lúng túng, dán mắt vào cuốn sổ tay và né tránh những vấn đề thiết thân như hòa giải với người Việt hải ngoại, với chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Dù ông Tô Lâm không có được một cuộc thăm viếng chính thức cấp nhà nước tới Tòa Bạch Ốc hoặc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước Mỹ, phía Việt Nam cũng đã cố gắng dàn xếp để ông gặp ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, bên lề hội nghị Liên Hiệp Quốc cho dù để gặp ông Biden, ông Tô Lâm phải rút ngắn chương trình viếng thăm Cuba, đồng minh thân thiết nhất của Việt Nam ở Tây Bán Cầu.

Tổng Thống Joe Biden đang trong thời kỳ mà người Mỹ gọi là “lame duck” (vịt què), ông sẽ rời chính trường trong bốn tháng nữa, cho nên theo Giáo Sư Alexander Vuving từ Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ), cuộc gặp ông Biden là “không quá cần thiết.” “Sẽ cần thiết hơn nếu ông Tô Lâm gặp được những người có thể sẽ là một phần của chính quyền Harris giả định trong tương lai,” ông Vuving nói với BBC Tiếng Việt.

Ấy thế nhưng qua một vài sự kiện nho nhỏ vừa kể, và qua những bài diễn văn “có cánh” của ông Tô Lâm từ khi lên nắm quyền, đã có nhiều người hy vọng ông Tô Lâm sẽ đem lại sự thay đổi cho chính trường Việt Nam, thậm chí có người đánh giá ông ta “thân Mỹ,” sẽ đưa Việt Nam vào một “kỷ nguyên mới!” Niềm hy vọng đó không chỉ cháy bỏng trong tâm trí hàng triệu người dân đang khao khát tự do ở trong nước mà còn thôi thúc một số bậc trí thức trong cộng đồng người Việt hải ngoại đang mơ về một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng!

Có điều, nếu quan sát những phát ngôn và hành động của ông Tô Lâm cùng bộ sậu của ông thì dễ dàng nhận ra niềm hy vọng ấy chỉ là ảo vọng. Chúng tôi đã nhiều lần phân tích về bản chất không thể thay đổi của đảng CSVN và nhu cầu cải cách thể chế chính trị Việt Nam, xin phép không nhắc lại nữa mà chỉ tập trung vào chuyến công du Hoa Kỳ hiện nay của ông Tô Lâm để chứng minh đảng CSVN vẫn kiên trì đi theo chủ nghĩa Cộng Sản, duy trì nhà nước cai trị kiểu Lênin, cùng chia sẻ vận mệnh tương lai với Trung Quốc và ngăn chặn mọi biểu hiện tự do hoá, dân chủ hoá xã hội. Những cam kết, hứa hẹn này nọ mà ông Tô Lâm đưa ra tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc và trong các cuộc gặp gỡ chẳng qua chỉ là những thủ thuật chính trị, những bức màn khói che đậy ý đồ thật sự của họ mà thôi.

Trước chuyến đi, ông Tô Lâm đã phóng thích ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Hoàng Minh Hồng nhưng trước đó chưa lâu, chế độ của ông đã bắt giam và kết án nặng nhiều gương mặt đấu tranh khác như các ông Nguyễn Vũ Bình, Phan Vân Bách, Trần Đình Triển, Trương Huy San (Huy Đức)… Xem ra “quỹ tù nhân lương tâm” mà Việt Nam dùng để trao đổi với Tây phương vẫn không bị thâm thủng; chưa kể họ còn giữ những tù nhân có giá trị trao đổi lớn như Huy Đức, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng…

Tính đến ngày 24 Tháng Chín, Việt Nam cầm giữ 187 tù nhân lương tâm, 417 người có nguy cơ bị đàn áp, theo dữ kiện của The Project 88. Nếu thực sự có thiện chí, nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho toàn bộ những người này và chấm dứt việc truy bức những tiếng nói phản biện ôn hòa, bất bạo động. Một chính thể bắt giam công dân để làm vật trao đổi với ngoại bang đổi lấy những sự nhượng bộ về kinh tế thương mại là một chế độ lưu manh, không có năng lực phục thiện.

Trong chuyến đi Hoa Kỳ, ông Tô Lâm đọc những bài diễn văn soạn sẵn đầy những hình ảnh và từ ngữ lung linh về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” về “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,” nhưng đằng sau đó là gì? Dù hết sức bận rộn trong thời gian ở New York, ông Tô Lâm và tùy tùng đã cố thu xếp gặp gỡ lãnh đạo đảng Cộng Sản Mỹ, các tổ chức cánh tả từng kích động phong trào phản chiến chống sự tham dự của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây.

Ông Tô Lâm đã trao huân chương hữu nghị cho một số đại diện phong trào này. Đặt trong bối cảnh quan hệ cùng chia sẻ vận mệnh với một số ít các đảng Cộng Sản Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba, cuộc gặp gỡ lãnh đạo đảng Cộng Sản Mỹ hoàn toàn nhất quán với chính sách, trước sau không thay đổi của đảng CSVN. Cộng đồng quốc tế vẫn chưa quên lập trường của Hà Nội ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine và cuộc đón tiếp trọng thị nhà độc tài Vladimir Putin, tổng thống Nga, mới đây.

Có nguồn tin trong nước tiết lộ, trong chuyến “Mỹ châu du” lần này, đích đến của ông Tô Lâm là Havana chứ không phải New York. Chuyến đi đến New York chỉ là hoạt động ngoại giao có tính thủ tục, trọng tâm chú ý của ông Tô Lâm cùng đoàn tùy tùng là viếng thăm chính thức cấp nhà nước tới Cuba, thể hiện thông điệp Việt Nam tiếp tục củng cố tình hữu nghị xã hội chủ nghĩa với một trong vài nước có cùng chính thể cuối cùng còn sót lại. Có người phán đoán, chuyến thăm Cuba của ông Tô Lâm nhằm xoa dịu sự phản kháng của thành phần bảo thủ, trung kiên trong nội bộ đảng CSVN ở Hà Nội song chúng tôi thiên về nhận định đây là chính sách nhất quán của ông Tô Lâm, đổi mới mà không đổi màu, dù cải cách thế nào vẫn không từ bỏ chính thể Cộng Sản.

Còn quá sớm để hy vọng ông Tô Lâm là nhà cải cách. Ông Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt thì mọi người đã biết; tên tuổi ông Linh gắn liền với mật nghị Thành Đô 1990, ông Kiệt ký Nghị Định 31/CP năm 1997 về quản chế hành chính, cho phép bắt giam không cần xét xử, kết tội không cần tòa án, đặt cơ sở pháp lý cho thời kỳ đàn áp khốc liệt những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Ông Tô Lâm chắc chắn sẽ đi vào con đường của ông Linh, ông Kiệt, của đảng CSVN nhưng đó không phải là con đường cải cách chính thể mà người dân đang hướng đến. [qd]

Monday, September 23, 2024

Tân Định Xóm Tôi…

Tôi sinh ra ở Tân Định, lớn lên ở Tân Định và đi vượt biên từ Tân Định nên hễ ai viết về Tân Định là tôi chúi mũi đọc. Tôi không biết Bích Vân là ai nhưng cô có giọng văn ý nhị, tinh nghịch vừa giễu cợt vừa hoài niệm. Bích Vân đem cho tôi biết bao kỷ niệm, trả về cho ngôi phố có nhà thờ Thiên Phước từng chi tiết phố xá. Duy có hai chi tiết nhỏ chưa thật chính xác: Chú Hòa bán xi-rô đối diện trường Thiên Phước ngâm xi-rô với dứa chứ không phải chanh muối và Tân Định cũng bị Việt Cộng tấn công vào Tết Mậu Thân. Nhà tôi ở số 422 Hai Bà Trưng là hiệu Đại Ngọc trong hình, ở ngã ba Trần Quang Khải, Hai Bà Trưng, Yên Đỗ. Đêm mùng hai Tết, đặc công nằm vùng xuất phát từ hiệu phở Bình ở số 7 Yên Đỗ tấn công binh-đinh Mỹ kế bảo sanh viện Lương Kim Vi. Nhà tôi ngay đối diện, chứng kiến lính Mỹ trên sân thượng bắn trả xuống lòng đường, đạn ghim vào cửa sắt reo xèo xèo. Đến sáng 4 xác Việt Cộng nằm tênh hênh trên đất, trực thăng bốc lính Mỹ đi và ông Ngô Toại chủ hiệu phở Bình bị Cảnh sát Dã chiến VNCH còng tay. Chi tiết khác: rạp Mô-Đẹc sau này đổi tên là rạp Kinh Đô, còn rạp Kinh Thành chuyên trình diễn cải lương. Rạp sang nhất vẫn là rạp Văn Hoa, thứ nhì là Casino Đa-Kao bên cạnh thạch chè Hiển Khánh và Hải Ký Mì Gia ở ngã ba Mạc Đĩnh Chi-Đinh Tiên Hoàng. Tiệm uốn tóc nổi tiếng là tiệm Tân Hồng Kông gần hiệu Giày Gia không xa kem Mai Lan và hiệu nhiếp ảnh Chí Mỹ cũng đối diện rạp Kinh Thành.

Giọng văn của Bích Vân ấm áp, êm đềm, trả về cho Tân Định những thanh bình của trước lúc nước mất nhà tan. Cám ơn Bích Vân.

[Trần Vũ]

Tôi đi để lại đường xưa

Cùng bao kỷ niệm nắng mưa bên đời …

Chả hiểu tại sao, nhưng hễ cứ nghe ai nhắc hoặc nói đến hai chữ Tân Định là tôi lại thấy lòng nao nao, xúc động một cách kỳ lạ. Không kềm được. Chỉ mới nghe đến hai chữ Tân Định không thôi là đã thấy cả một quãng đời thơ ấu thần tiên như hiện ra trước mắt với biết bao kỷ niệm vui buồn thân yêu, cả một thời mới lớn vô tư đầy mơ với mộng, và cũng cả … một thời «đổi đời» khốn đốn chật vật lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc …

Đã ở Sài Gòn, ai mà chả biết hoặc chưa từng đi ngang qua nhà thờ Tân Định? Qua Hai Bà Trưng, con đường chính nối liền Phú Nhuận và… cứ thế đi thẳng tắp lên Trung Tâm Sàigòn. Đi thẳng ra chỗ tượng Đức Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, giang sơn của Hải Quân, thì có lẽ chính xác hơn, nhưng đường phố Catinat và Bonard cũng đã nằm lẩn quẩn gần đâu đấy, chỉ cách có vài bước. Cái đất Tân Định của tôi có nhiều … thứ nổi tiếng lắm nhé. Rất rất nhiều thứ. Những nhân vật trứ danh của vùng quận nhất Tân Định nói chung, và khu Nhà Thờ của tôi nói riêng, thì… ối thôi hằng hà vô số, nhớ sao cho hết, và kể sao cho xuể? Một thí dụ nôm na thôi, tầm thường thôi, nhưng chắc chắn sẽ còn rất nhiều người vào lứa tuổi sồn sồn như tôi khó mà quên cho được … Chú Hòa (còn được gọi một cách thân mật là Chí Hòa) có cái xe đẩy bán sirop đá bào ở đầu cái hẻm đối diện với nhà thờ Tân Định. Những buổi trưa nắng gắt mà được sà vào giằm giằm khuấy khuấy một ly “đá nhận” thoang thoảng chút mùi chanh muối rồi chấm chấm mút mút từng muỗng đá bào có xịt xịt tí sirop mầu xanh mầu đỏ, thì cứ gọi là… coi ông mặt trời như… nơ-pa, đã khát và mát ruột gì đâu !!!

Lại nhớ hồi tôi còn đầu tắt mặt tối với cái quán café cóc (sau 75 ấy mà, buôn bán nhì nhằng chỉ mong kiếm đủ tiền đi chợ hằng ngày thôi, có mấy ai mà chẳng phải thế, như tôi, nhỉ?) cũng ở ngay đầu hẻm, đã biết bao lần chú Hòa thương hại “giải vây” cho tôi vay tạm từng cục nước đá BGI để tôi phục vụ bán café “sữa đá” hay “đen đá” cho những người vừa tan lễ nhà thờ ùa vào hàng loạt… khiến tôi lính quýnh tíu tít pha pha chế chế luôn tay không kịp thở và cái thứ hàng gì tôi bày bán cũng hết sạch nhẵn, chỉ trong nhấp nháy, sau những giờ tan lễ ngày Chủ Nhật.

Cái quán café cóc của tôi thật ra thì… chả có mấy người còn nhớ đến, nhưng nức tiếng lắm lắm cả Sài Gòn lẫn Chợ Lớn là (quán đàng hoàng) Café Thu Hương nằm gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ Hiền Vương (Mayer cũ). Ngày xưa, lúc đang còn trong thời kỳ nhắng nhố … sắp sửa thành người lớn, bọn ghiền ngồi café chúng tôi cứ phân vân không biết phải chọn café Văn Hoa Dakao hay Thu Hương Tân Định để được nghe những bài nhạc ngoại quốc “mới ra lò”, thịnh hành nhất, romantique nhất… Văn Hoa thì nhạc hay, âm thanh hay và có mấy cô caissières yé yé xinh xẻo nhưng café lại chỉ tàm tạm thôi, nên chúng tôi đóng đô Thu Hương thường hơn, vả lại những hôm lười đi xa, tôi chỉ việc băng qua đường là đã tới, gần xịt.

Gần xịt hơn nữa là cái quán bánh xèo Đinh Công Tráng, rộn rịp từ xế xế chiều cho đến tối khuya, lúc nào cũng tấp nập người và xe. Nghe nói sau gần 40 năm rồi mà đến bây giờ vẫn còn tấp nập xe và người, cả ngày lẫn đêm nữa cơ đấy!

Đi quá thêm vài ba bước nữa là tới cái ngõ hẻm của nghệ sĩ Tùng Lâm, danh tiếng thì… cả nước biết. Tôi thường đi băng tắt ngang cái hẻm này mỗi ngày để ra chợ, cái hẻm đâm thẳng vào hông chợ, đầu hẻm có xe nước mía (pha lẫn với dâu Đàlạt) của chị Tám, trời thần ơi là ngon, nhất là được uống vào những buổi tối cúp điện. Có lẽ chưa có loại nước uống nào trên thế giới, theo tôi nghĩ, mà vừa rẻ, vừa đã khát, vừa ngon lại vừa bổ như nước mía, nếu đừng để ý đến cái đám nhặng xanh bay vần vũ trên những xác mía đã được ép lấy nước rồi, cũng như những đẵn mía chưa ép…

Cứ gì phải ra tận ngoài Hà Nội để mò đến Chả Cá Lã Vọng mới thưởng thức cho được cái món chả cá thì là chấm mắm tôm? Chả cá Sơn Hải ở ngay ngã ba Lý Trần Quán và Đinh Công Tráng (còn gọi là Calmette) mà không ngon ư? Cứ gọi là lịm cả người đi ấy chứ! Và trong cái ngõ hẻm sát kế bên còn có một nhân vật, lúc còn sinh thời, đã từng làm mưa làm gió trong giới điện ảnh hồi đó: tài tử Đoàn Châu Mậu, bố của Tuyền, cô bạn học cùng lớp với tôi ở Marie Curie  và cùng học violon với ông xã nhà tôi ở trường Quốc Gia âm nhạc. Một cô bạn tính tình hiền hậu, lành như cục đất, ai nói gì cũng chỉ ngỏn ngoẻn cười… Cô bạn này của tôi đã có dạo, trước 75 một chút, cùng với Đức Huy là một đôi khá nổi tiếng trong làng ca nhạc Sài Gòn .
Cha Tr. của giáo xứ Tân Định những năm 70 cũng là một nhân vật được nhắc đến khá nhiều, nhất là trong giới trẻ. Một thần tượng, một hiện tượng… lạ thì đúng hơn, đáp ứng được cái “máu hippie” của bọn choai choai chúng tôi thuở bấy giờ. Những buổi lễ của Cha, dành riêng cho giới trẻ, lúc nào cũng đông nghẹt!

Bọn con gái chúng tôi mê nhất là bộ râu quai nón của Cha, giọng nói từ tốn “lịm cả hồn” và những bài giảng rất là giản dị và cởi mở, những bài thánh ca soạn theo thể loại mới, nghe mà cứ “ngơ ngẩn cả người”… vì hay! Tôi biết, đã có khối con chiên ghẻ bỗng dưng trở thành ngoan đạo, chăm chỉ sốt sắng đi lễ nhà thờ không bỏ sót Chủ Nhật nào, cũng chỉ vì…Cha. Và trong số những con chiên ghẻ đó có tôi.

Sát bên nhà thờ Tân Định là trường Thiên Phước. Ngôi trường đạo này là của các Sơ, chỉ nhận toàn con gái và có một đặc điểm rất dễ thương là bắt các nữ sinh phải mặc đồng phục váy mầu hồng thay vì mặc váy mầu xanh nước biển đậm và blouse trắng như các trường đạo khác (Couvent des Oiseaux, Régina Pacis và Régina Mundi… chẳng hạn). Cứ đến giờ tan học là cả khu Tân Định nhộn nhịp hẳn lên với một đàn bướm mầu hồng khổng lồ ríu rít túa ra xúm đông xúm đỏ các gánh hàng rong túc trực sẵn trước cổng trường, trông vui mắt đáo để. Quà vặt của vùng Tân Định là có tiếng đấy. Có tiếng là ngon! Mà cũng có tiếng là đắt!

Chả thế mà người ta vẫn thường kháo với nhau là “Chợ Tân Định chỉ dành riêng cho những dân nhà giầu, bán toàn hàng “tuyển” nên mắc như quỷ (?). Mà cũng đúng thôi, tiền nào của nấy!”

Chẳng ngoa tí nào sất, thật, dân vùng Tân Định, phần lớn là “có máu mặt” cả mà! Những ngôi nhà lịch sự xinh xắn trong các con hẻm tương đối rộng rãi nếu so với những con hẻm của các vùng khác, và những cửa tiệm khang trang buôn bán sầm uất ngoài mặt đường đã nói lên rằng thì là… Quận Nhất không phải khi khổng khi không mà được gọi là Quận Nhất, nghĩa là nhất trong các quận của Sài Gòn! Và những lý do để dẫn chứng thì kể đến… mai, mốt cũng chưa hết.

Trước tiên phải kể đến lý do… yên ổn: năm 68 trong trận Mậu Thân, cái đất Tân Định chả suy suyển một mảy may nào, ở đâu nhốn nháo chứ quanh vùng tôi ở vẫn cứ êm ru bà rù. Và kiểm lại trong ký ức, tôi rất ít khi nghe nói tới các băng đảng anh chị xuất thân hay những hành vi phạm pháp xuất phát từ cái xứ Tân Định. Chỉ cần nhiêu đó thôi, thế đã đủ là lý do chính đáng hàng đầu chưa nhỉ, để chán vạn dân Sài Gòn… ôm ấp giấc mơ có được “hộ khẩu” trong vùng này? Thế thì văn hóa nữa nhé?

Yểm Yểm thư quán trên đường Trần văn Thạch chắc nhiều người trong giới chữ nghĩa vẫn chưa quên.

Còn nữa, đối diện với chợ Tân Định, ngay đầu cái xóm sát với nhà thuốc bắc Kim Khuê (có trưng một ông hổ to thật to, và thật, đứng chình ình trong tiệm) là chỗ cho mướn sách với một kho truyện phong phú… không thể tả được! Trên thì giời dưới thì sách, thôi thì không thiếu một thể loại hay tác giả danh tiếng nào. Những Văn Bình Z.28, “Lửa cháy Thành Phiên Ngung”, “Thủy Hử” hay Kim Dung hay Duyên Anh hay Ian Fleming v.v. đã góp cái vốn kiến thức cho biết bao già trẻ lớn bé không chỉ vùng Tân Định.

Còn giới văn nghệ sĩ tụ tập trong vùng này thì đông vô số kể. Nào là nữ ca sĩ Bạch Quyên và Tuyết Mai của những năm “hồi đó lâu lắm rồi”, nào là nữ diễn viên kịch Mỹ Chi, nào là nữ sĩ Nguyệt Hồ nổi tiếng như cồn nhờ tài bói bài Tây…

Nói chi đâu xa, cũng vào đầu những năm 60, ngay trong cái ngõ trước cửa Nhà Thờ của tôi, ông hàng xóm soạn giả Hoàng Khâm là… số dzách trong làng cải lương. Mỗi tối khuya mà thấy ông bách bộ đi tới rồi lại đi lui, phía bên kia đường nhà thờ, để vắt tim nặn óc viết kịch bản dựng tuồng cho các gánh hát (hạng nhất thôi đấy nhé) là thiên hạ xung quanh nhìn bằng con mắt ngưỡng mộ ghê lắm.
Hiệu uốn tóc Mô-Đéc (dấu sắc) sát bên nách hiệu thuốc tây của nhà tôi cũng được các tài tử giai nhân của cả Sài Gòn tận tình chiếu cố. Cô em Lìn Dí làm chủ tiệm này còn bà chị Lìn Chế có thêm một tiệm nữa, cũng tên Mô-Đéc, nhưng nằm trên đường phố Lê Lợi. Hai tiệm này lúc nào cũng đông nghẹt, nhất là vào những mùa Noel hay Tết, dễ thường khách đến “làm đầu” phải chờ đến cả tiếng đồng hồ mới được phục vụ. Chú Cóong, chú Cai có những bàn tay bằng vàng, được các bà các cô “tán tiu” nhiều nhất. Cứ vào đây là khắc biết hết tuốt tuồn tuột những chuyện “trong nhà ngoài phố” của… cả làng trên xóm dưới, bảo đảm!

Chỉ cách nhau chưa đầy 3 phút đi bộ, mà cái vùng tôi ở có đến hai rạp ciné. Bên hông chợ là rạp Mô-Đẹc (dấu nặng) và mặt trước của chợ là rạp Kinh Thành. Hai rạp này thay phiên nhau chiếu những phim Ấn Độ và cao bồi hay ra phết, thỉnh thoảng để thay đổi không khí lại mời các gánh Cải Lương hay Hồ Quảng về trình diễn, làm nghẽn cứng cả xe cộ lưu thông vào những giờ sắp mở màn hay vãn tuồng.

Đấy là những dẫn chứng (mê ly chưa?), liên quan đến “cái đầu”, mà tôi chỉ đại khái sơ qua thôi.

Còn “cái bụng” ư? Hai con đường Hiền Vương và Pasteur với một dẫy các hàng phở, món quốc hồn quốc túy vang danh khắp năm châu bốn biển, chả là cái nôi của nền văn hóa ẩm thực của nước Việt Nam đó sao? Dân sành sỏi chỉ ăn phở thịt bò ở Pasteur hay phở gà trên đường Hiền Vương. Và Phở Pasteur đã trở thành bảng hiệu của vô số tiệm Phở, điển hình là ở Boston bên Mỹ, của Mr. Lê D.

Tiệm bán giò chả Bạch Ngọc và Phú Hương, cũng trên đường Hiền Vương thì… lọ là phải ngon, nổi tiếng quá xá trời là ngon không đâu bằng. Bánh giầy, bánh giò, chả cốm, chả quế, giò lụa, giò bò không chê vào đâu được! Ăn giò chả của hai tiệm này với bánh mì nóng hôi hổi của lò Poitou gần đấy thì ngon phải biết, quên cả chết!

Ăn rồi lại muốn xơi thêm

No căng nứt bụng, cứ chêm, vẫn thèm…

Tôi còn nhớ, mãi, trong chuyến viếng thăm Little Saigon, cái cảm giác ngạc nhiên đến sững sờ khi bước chân vào lò giò chả Thái Bình trên đường Brookhurst. Cầm khoanh chả bò trên tay, cái mùi rau thì là ngào ngạt xộc vào mũi, xông thẳng lên óc. Chao ôi là quen thuộc! Là thân yêu! Trong một lóe chớp, dường như tôi thấy cả một quê hương Việt Nam, cả một bầu trời Tân Định ùa đến trước mặt. Tôi lặng cả người. Từ khi bị xa xứ, gần 20 năm rồi, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được ngửi lại cái mùi chả bò quyến rũ này. Quyến rũ kỳ diệu cái khứu giác. Tôi cắn ngập răng, nghiến ngấu, mê mẩn. Quyến rũ thần tình cái vị giác. Không ngờ cái mùi, cái vị của một món ăn lại có sức khơi dậy kỷ niệm mãnh liệt dường ấy. Tả làm sao cho xiết những xúc động của tôi lúc đó, lúc mang cái tinh túy đặc biệt của xứ sở tôi vào lòng? Cám ơn lò giò chả Thái Bình đã cho tôi tìm lại hương vị độc đáo không bao giờ quên được này. Cám ơn cả Van’s bakery với những ô mai, những bánh mứt đủ các loại gợi cho tôi nhớ biết mấy cái tuổi nhỡ nhỡ nhàng nhàng, lúc nào trong túi cũng sẵn, trong miệng cũng ngậm, ghiền ô mai như trẻ con nhai kẹo chewing-gum. Tôi mua nhiều lắm, mỗi thứ ô mai “Bắc Việt” mấy lạng, đem về Đức, để khi nhấm nháp thì nhớ ngược trở lại những ngày phiêu lưu, ôi tuyệt vời, bên Cali.

Nhưng thôi, đấy là một “thế giới nhớ” khác vẫn rất rất đậm nét (còn mới toanh), bây giờ tôi đang nhớ Tân Định, nhớ cái khu Tân Định của tôi cơ mà.

Đường Đinh Tiên Hoàng

Tôi đang kể đến đâu nhỉ? Gì nữa nhỉ? À, cái quán điểm tâm cơm tấm bì, gần bên trường dạy lái xe hơi của ông nghị sĩ Huyền, cũng vẫn trên đường Hiền Vương, không thể không góp phần vào “nghệ thuật ăn uống” của vùng Tân Định. Cô Mỹ Trinh, cô láng giềng của quán này bây giờ lại góp phần vào nền kịch nghệ hải ngoại bên Mỹ nữa đấy.

Và nhắc đến tiệm hòm Tobia thì không ai là không biết. Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà thôi, tôi đã thấy bảng hiệu Tobia ở miền Nam Cali nữa cơ. Hình như bây giờ nằm trên đường Newland street của thành phố Westminster, trước đó thì trên đường Edinger? Không biết tiệm bán hòm này có liên hệ gì với vợ chồng Bùi và Cathy Tobia Tân Định, những người vẫn hay ngồi cùng… chiếu với vợ chồng tôi vào những ngày cuối tuần, hồi còn ở bên nhà?
Những “tai to mặt lớn” cũng không thiếu, khét tiếng nhất phải kể đến ngài “Th. đen” với chiếc xe Camaro độc nhất vô nhị, luých (luxe) vô cùng, nhất xứ, vào những năm đầu 70. Đối diện với tư dinh (bên trong cũng luých không kém, sau 75 trở thành trường Mẫu giáo) của ông vua điện lạnh này là tiệm Trinh shoes. Một biệt danh lẫy lừng trong giới ăn mặc thời trang của Sàigòn: Hảo Trinh shoes, giới trẻ “xịn” thời đó ai mà chẳng biết?

Sở dĩ nói vòng vo, nhắc nhở tùm lum là tại vì… nhớ quá đấy mà. Chả là đêm qua nằm mơ, tôi thấy tôi đang đi chợ hoa, những ngày giáp Tết, ở bên nhà, ở Tân Định, ở trước cái cửa hàng Pharmacie nhà tôi. Tự dưng thấy quặn ruột nhớ nhà, nhớ Tân Định, nhớ cái không khí tấp nập không có chỗ len chân trên những ngả đường xung quanh nhà thờ vào những đêm Noel, nhớ cái tíu tít rộn rịp mua sắm của những ngày sắp Tết, nhớ lung tung, nhớ đủ thứ, nhớ ơi là nhớ, nhớ quay nhớ quắt, nhớ như điên như dại, nhớ chín ruột chín gan, nhớ quá lắm… Tân Định của tôi ơi !!!

Trong chuyến Mỹ du vừa mới đây, mấy tháng trước, tôi như tìm thấy lại được một phần nào cái hồn của quê hương tôi trên xứ người. Đứng giữa khu Phước Lộc Thọ, bên tai nghe ríu rít đủ các thứ giọng của cả 3  miền Trung Nam Bắc, trước mặt và xung quanh chỉ toàn những khuôn mặt của người cùng xứ sở, tôi thấy nỗi buồn tha hương vơi đi rất rất nhiều. Và dường như tôi hít thở được mùi vị của quê hương tôi đâu đây, trên những tấm bảng hiệu đề chữ Việt, qua những món ăn thức uống thuần túy của dân tộc tôi, và có đôi lúc tôi đã thoáng bắt gặp cái khu Tân Định ngày xưa của tôi, ẩn hiện, bàng bạc, ngay trong khu thương xá này, cách nửa vòng trái đất chứ không phải ở trong lòng nước Việt Nam.

… Ai về Tân Định xóm tôi

Cho tôi nhắn nhủ đôi lời nhớ thương

Xa rồi những sáng mù sương

Hoàng hôn nhạt nắng giáo đường thánh ca

Tôi quỳ hồn bỗng mưa sa…

BV

- Trần Vũ 

Sunday, September 15, 2024

BẠCH ỐC CHÀO ĐÓN “WELCOME CORPS” Nam Lộc

 Giáo sư Nguyễn Xuân Can tham dự buổi tiếp tân

Vào ngày 10 tháng 9, 2024 vừa qua, bộ ngoại giao Hoa Kỳ (BNG/HK), cùng cơ quan Welcome Corps (WC) đã tổ chức một buổi tiếp tân ngay tại Tòa Bạch Ốc ở Washington D.C để chào đón và vinh danh những đóng góp của các hội đoàn cùng những cá nhân và nhóm bảo trợ đã tham gia, đóng góp cũng như vận động cho chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” (Private Sponsorship) của chính phủ Hoa Kỳ được thành hình và thành công tốt đẹp.

Là những người đầu tiên cổ vũ và tiếp tay BNG/HK trong tiến trình này kể từ trước khi The Welcome Corps được thành lập cách đây 3 năm về trước. Giáo sư Nguyễn Xuân Can (đại học George Mason) và chúng tôi đã được mời tham dự buổi tiếp tân nói trên. Rất tiếc là vì gia đình có tang cho nên tôi đã không tham dự được, tuy nhiên giáo sư Can, với vai trò là thành viên của Phong Trào Việt Hưng (PTVH), đồng thời còn là một trong các sáng lập viên của tổ chức "Con Đường Hy Vọng" (https://conduonghyvong.com/) (CĐHV), đã đại diện để có mặt trong buổi tiếp tân quan trọng này. Ông cũng là người Mỹ gốc Việt duy nhất được mời tham dự.
 
Quan khách tham dự buổi tiếp tân của 
Welcome Corps tại tòa Bạch Ốc

Hiện diện trong buổi họp mặt cũng như để tiếp đón quan khách, người ta nhận thấy có bà Julieta Noyes, phụ tá ngoại trưởng Mỹ, đặc trách về di dân và tỵ nạn, ông Curtis Ried, chánh văn phòng cố vấn an ninh phủ tổng thống, cùng các viên chức lãnh đạo cơ quan Welcome Corps.

 Giáo sư Can cùng bà Noyes và ông Curtis Ried

Đại diện bộ BNG/HK và WC đã tường trình và cập nhật tin tức của chương trình bảo lãnh tư nhân, đặc biệt là kể từ khi phát động Giai Đoạn #2 (Phase #2), có tên là “Naming”, cho phép người bảo trợ được quyền chọn lựa hay chỉ định đích danh một gia đình tị nạn nào hội đủ điều kiện, thì đã có trên 15 ngàn đơn xin bảo trợ được nộp vào cho the WC. Các viên chức của cơ quan này đồng thời cũng đưa ra những kế hoạch tương lai để cho việc định cư người tỵ nạn ngày càng được hoàn hảo và nhanh chóng hơn, mang lại sự thành công, hầu giúp đỡ cũng như cung cấp cơ hội cho những người tị nạn đang chờ đợi được đi định cư ở các quốc gia tạm dung. Tất cả tin tức cùng diễn biến tích cực nói trên đã  chứng tỏ các lời đồn thất thiệt như “WC là một chương trình bấp bênh, không hy vọng", hoặc "chương trình WC chỉ còn kéo dài vài tháng nữa mà thôi" v..v.., đã hoàn toàn không đúng với sự thật, và làm cho người tị nạn bị hoang mang, lo lắng. Các viên chức của tổ chức WC đã lên tiếng bác bỏ.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng PTVH và tổ chức CĐHV là hai trong số các nhóm tình nguyện đã vận động cho chương trình bảo lãnh tư nhân từ nhiều năm qua. Họ đã rút tỉa kinh nghiệm từ sự thành công mà chính phủ Canada đã và đang áp dụng.

Tác giả tham dự buổi họp về dự án “Bảo Trợ Tư Nhân” cùng BNG/HK, WC và ORR vào năm 2022, trước khi ngoại trưởng HK loan báo chương trình WC  

Tính cho đến ngày hôm nay thì PTVH và CĐHV đã hỗ trợ và hiệp sức với rất nhiều cá nhân cũng như các hội đoàn trong cộng đồng người Việt của chúng ta thành lập được 43 “Group of 5” tức “Nhóm 5 Người” để bảo lãnh cho 43 gia đình tị nạn ở Thái Lan, gồm các cựu thuyền nhân, các cựu tù nhân chính trị, các nhà tranh đấu cho nhân quyền, cho tự do tôn giáo hoặc môi trường v..v.., gồm cả những người Việt gốc thiểu số, người Tây Nguyên hay đồng bào Thượng, H'mong và Khmer Krom. PTVH cũng là tổ chức người Việt duy nhất đã tham gia và bảo trợ người tị nạn khác chủng tộc ngay trong Giai Đoạn #1.  

 

GS Can, ông bà Nguyễn Võ Long (PTVH) và tác giả trong một cuộc vận động cho người tị nạn tại BNG/HK

Tuy nhiên con số người đứng ra bảo trợ trong cộng người Việt hiện nay còn quá ít ỏi. Một lần nữa, chúng tôi tha thiết kêu gọi lòng nhân ái của quý vị đồng hương, xin tiếp tay với chúng tôi cũng như the WC để mở rộng vòng tay đón nhận đồng bào tị nạn của chúng ta, đang sống vất vưởng ở Thái Lan được có cơ hội đặt chân đến bến bờ tự do, bằng cách tham gia trực tiếp vào việc nộp đơn bảo lãnh ngay từ bây giờ.

Chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn quý vị mọi thủ tục kể cả sự hỗ trợ về tài chính để bảo trợ người tị nạn nếu cần. Xin liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email: namlocnguyen@yahoo.com hoặc vào Website "Con Đường Hy Vọng" 

(https://conduonghyvong.com/).

Trân trọng kính chào,
Nam Lộc

Friday, September 13, 2024

Sumaco! Đoàn Xuân Thu

Bánh mì cá sumaco
Nằm ở Bắc Phi (North Africa), giáp với Đại Tây Dương (Atlantic Ocean) và Địa Trung Hải (Mediterranean Sea), tiếng Anh: The Kingdom of Morocco. Tiếng Pháp: Maroc. Tiếng Việt là Ma Rốc.

Ma Rốc từng là một thuộc địa của Pháp suốt 44 năm dài, từ năm 1912 đến năm 1956. Nhưng Lục tỉnh Nam Kỳ chìm trong vòng nô lệ tới hơn cả trăm năm.
Cùng thân phận nhược tiểu, thuộc địa của thực dân Pháp, cùng thời gian; nên Lục tỉnh Nam Kỳ cũng không xa lạ gì với Ma Rốc.
Bằng cớ: nói không ai hiểu là nói tiếng Ma Rốc. Ma Rốc nói lái là ‘móc ra’. Cữ nhậu nầy tới phiên mình trả. Nhậu chực hoài ai chơi với mình?

Người Việt, trong đó có tui, nhớ tới Ma Rốc vì Ma Rốc sản xuất hộp cá mòi Sumaco tui ăn hồi còn chút éc.
Cá mòi, tiếng Anh ‘sardine’, loài cá dầu nhỏ thuộc họ cá trích. Tên Sardine được đặt theo một hòn đảo Sardina trong Địa Trung Hải (Mediterranean Sea), vùng biển có rất nhiều cá sardine, cá mòi.

Là nước xuất cảng cá mòi đóng hộp nhiều nhứt thế giới, 600,000 tấn/năm, hơn 62% sản lượng đủ loại cá, Ma Rốc đánh bắt được.
Cá mòi Sumaco được sản xuất tại tỉnh Agadir, ven Địa Trung Hải. Agadir cách thủ đô Rabat của Morocco khoảng 466 km về phía tây nam.
Trong một hộp cá mòi (sardine in tomato sauce) của Ma Rốc, có cá mòi (Sardines) loại cá nhỏ, thịt trắng và sốt cà chua (tomato sauce) làm từ cà chua tươi, bóc vỏ, bỏ hạt, nghiền nhỏ được nấu chung với tỏi, dầu ô liu, húng quế, ngò và gia vị Maroc như tiêu và ớt paprika.

Vào thế kỷ 19, Pháp xua quân chiếm nhiều nước trên thế giới làm thuộc địa để bóc lột tài nguyên, trong đó có Việt Nam và Ma Rốc. Pháp đã xây dựng các công ty sản xuất cá mòi tại Ma Rốc. Rồi cá mòi của Maroc được vận chuyển đi phát cho lính Pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, ăn hoài cũng ngán, lính Lê Dương Legionnaire (Légion étrangère) đem bán cho dân địa phương. Thế là, người Việt mua Sumaco một món xa xỉ mà ai cũng muốn được ăn thử một lần.
(Rồi sau tháng Tư, 1975, thuyền nhân Việt Nam tị nạn CS vượt biển đến được Đảo Galang, trong quần đảo Batam, Indonesia. Hay Pulau Bidong ở Kuala Terengganu, Malaysia.
Trong khẩu phần lương thực được Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc phát mỗi ngày: có cả cá mòi đóng hộp. Ăn hoài tất ngán, bà con mình đem hộp cá mòi đi đổi lấy cá tươi của ngư phủ địa phương.)

Lâu lâu, bữa nào siêng siêng, tui đẩy ‘trolley’ cho em yêu đi Coles supermarket Footscray. Tui hay thấy mấy bà Úc đen, ú nu như con hà mã, mua Tuna trong dầu Olive hộp 185g giá $2.20. Còn em yêu mua về một hộp cá mòi Sumaco của Morocco nặng 125 gr giá $1.75 với hai ổ bánh mì. Tui nịnh em: “Đi chợ giỏi ghê; biết lựa mua cá mòi của Ma Rốc vừa ngon, vừa rẻ!”
Bấy lâu nay, tui nghe mấy nhà tâm lý dạy tui là đàn bà, con gái, nhứt là người Việt mình, khoái nịnh lắm. Nghe nịnh là mấy em sướng tỉ tê, nhắm mắt để mật rót vào tai đến nỗi không thấy đường đi. Chính vì vậy trong kho ngữ vựng tiếng Việt mới có chữ ‘nịnh đầm’. Tụi Tây có chữ ‘galant’.

Nhưng anh giáo dạy trường Việt ngữ thứ bảy chê tui ngu. Ảnh giảng: nịnh là khen dóc; đầm là phụ nữ. Nịnh đầm, tiếng động từ, khen, ca ngợi, tâng bốc phụ nữ một cách quá mức, không chân thành để lấy lòng em đem về xào khóm nhậu chơi. Nịnh đầm là nói dóc, không chân thật mà là chân giả (dối).
Còn ga lăng (galant), mượn từ tiếng Pháp, có nghĩa là lịch duyệt, là vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa. Anh nào biết ga lăng tất sẽ đào hoa. Lúc đó được mấy em mê tít thò lò thì mặc tình mà đào mỏ, làm Casanova cho ấm cái tấm thân ‘ròm’.

Giacomo Casanova người Ý, sinh ra tại Venice đào hoa, tưng bừng gái gú bu như ruồi nhưng em nào cũng tin như bắp nướng là ảnh yêu chỉ một mình em. Còn mấy con ngựa bà khác ảnh chỉ qua đường ghé lại mà thôi.

Tui hỏi email của Casanova để xin làm đệ tử. Anh giáo bĩu môi nói: Chừa chỗ cho người ta dốt với. Trình độ lèng èng cỡ anh thì sức mấy? Dẻo miệng cỡ tui thì may ra. Nhưng ổng chết mấy mươi đời vương rồi. (1725-1798).

Em yêu của tui dĩ nhiên rất khoái nịnh. Ngày nào không nghe nịnh là em ăn cơm nuốt không trôi. Em nói và biểu tui không được cãi: “Sumaco của mấy thằng hải tặc Thái Lan mắc gấp đôi của người ta. Cho em, em đem đi vụt thùng rác.

Vậy là em mua một hộp cá mòi Sumaco của Ma Rốc về làm điểm tâm. Lửa vừa, em yêu đổ dầu ăn, tỏi vào chảo. Thêm hành tây, chút muối xào trong vài phút cho thơm. Thêm cá mòi với nước sốt cà chua, đường, nửa muỗng cà phê tiêu và 3 muỗng canh nước. Đun sôi và để nhỏ lửa trong 2 phút rồi tắt bếp. Em phết bơ bánh mì, trút cá mòi vào với ngò rí và một nhúm tiêu đen.
Món cá mòi bánh mì của em yêu ngon hết xẩy. Bữa điểm tâm, sáng, nhưng về hưu rồi, đâu có đi cày, cuốc gì, bịnh gì mà cữ? Tui uống beer, ăn cá mòi, hành tây ngâm giấm. Ngà ngà say, tui chui vô phòng để ngáy pho pho mơ về quê cũ.

Nước Úc với nền văn hoá đồ hộp dành cho dân “low income”, dân thu nhập thấp, dân nghèo như tui. Trái lại, quê mình hồi xưa, dân có tiền mới được ăn đồ hộp nhập cảng từ bên Tây.
Tui thời thơ ấu, ba tui làm Bưu Điện, hôm nào phải trực về trễ ba hay mua đồ ăn về cho vợ, cho con. Bữa ba mua bánh gan, bánh da lợn của em Thuý bán trên lề đường Trưng Trắc Mỹ Tho. Bữa ba mua một hộp cá mòi Sumaco với mấy ổ bánh mì về cho con. Má vẫn chờ ba về để ba má ăn cơm chung.

Hộp cá mòi Sumaco của Ma Rốc đối với người xa xứ, già như tui, gợi lại những hồi ức sâu đậm về thời thơ ấu. Tui nhớ cá mòi Sumaco rắc tiêu ăn với củ hành xắt lát mỏng ngâm giấm và bánh mì mới nướng.
Thương thằng em, chia cho mầy một miếng. Để ba mất, anh em mình đều khóc. CS vào thôi đã hết những ngày vui. 

Wednesday, September 11, 2024

Truyền Thông Gốc Việt “Câm Họng” Sau Khi Xem Tranh Luận Giữa Kamala Harris và TT Trump…

Gần đến ngày bầu cử, người dân Mỹ và cử tri chưa bao giờ cảm thấy nôn nao, xôn xao, và hào hứng để được đi bầu như năm nay. Như ai cũng biết, đến giờ phút này chỉ có hai liên danh Trump-Vance và Kamala Harris and Tim Walz, đại diện cho hai đảng Cộng Hoa và Dân Chủ chạy đua vào Tòa Bạch Ốc. Thật ra, để so sánh thì không có gì phải bàn cãi, nếu không muốn nói nếu đem Kamala Harris đi so sánh với TT Donald J. Trump, thì không khác gì  nhục cử tri và toàn dân Hoa Kỳ. Một con chồn cái đi so đo với mãnh hổ rừng xanh, không đáng tí nào. Nhưng... chúng ta có thể phân tích một vài yếu tố để thấy sự hy vọng mỏng manh đối với liên danh Kamala Harris và Tim Walz khi nghĩ đến bước đến cửa Tòa Bạch Ốc còn khó hơn lên thăm Hằng Nga trên cung trăng. Thật ra đảng Dân Chủ lần này không còn ai để có thể giữ “ngai vàng” như năm 2020, họ trổ hết chiêu covid-19 và gian lận đếm phiếu để cướp ngôi một cách bất chánh. Có thể nói, đảng Dân Chủ “không có chó bắt mèo làm bậy”. Đó là lý do tại sao đảng Dân Chủ yêu cầu để cho Joe Biden và TT Trump tranh luận sớm hơn dự liệu đến 3 tháng. Biết sẽ thua như tiên liệu, để cho họ hạ bệ Sleepy Joe có thời gian thay ngựa giữa dòng, nhưng Kalama Harris không phải là chiến mã, mà chỉ là con chồn Cái lan chạ khắp phố phường, sì hương nuôi thân... Đó là tại sao ngày người dân Hoa Kỳ và cử tri thân thiện và về gần với TT Trump hơn, họ luôn chờ đợi và kỳ vọng TT Trump trở lại làm cho nước Mỹ Vĩ đại trở lại. Bây giờ chúng ta nói về đảng Cộng Hòa. Dĩ nhiên trong đảng có mấy trăm thành viên, thì ít nhiều gì cũng có những tên phản phúc, nằm vùng, ang-ten, và sẵn sàng bán đứng lương tri để lấy lương tháng hậu hỉnh hơn. Chúng ta có thể điểm mặt một vài nhân vật nổi trong đảng cộng hòa một thời. Trước hết chúng ta nói gia đình cựu tổng thống Bush cha lẫn con. Giòng họ Bush từ cha đến con, vì quyền lợi riêng muốn kiểm soát giá dầu hỏa xuyên miền Trung nước Mỹ, nhưng TT Trump đã cổ động xây dựng ống dẫn dầu KeyStone từ Canada xuống mãi đến tiểu bang New Mexico, tạo nên hàng triệu việc làm mới trong ngành này, và nhất là sản xuất thặng dư dầu hỏa và khí đốt, xuất cảng mạnh mẽ ra nước ngoài, giúp cho giá xăng dầu nội địa xuống thấp nhất kỷ lục, điển hình năm 2019 tại tiểu bang Ohio giá dầu $.85 cent cho một gallon, tại California dưới $3/gallon. Chính vì mất miếng mồi ngon từ ngành dầu hỏa, gia đình Bush cùng với cựu phó TT Dick Cheny và một số thượng nghị sĩ như Mitt Romney, John McCain, Paul Ryan. Những tên này là đầu não của đảng Cộng Hòa một thời, họ đã cương quyết phản đảng, phản dân, thẳng thừng chống Trump và ủng hộ cho các ứng cử viên đảng Dân Chủ như Hillary Clinton, Joe Biden và ngày nay là Kamala Harris. Đúng là một lũ tồi tệ, vô liêm sĩ, vì quyền lợi riêng cho từng cá nhân mà phó mặc cho toàn dân Hoa Kỳ. Những tên đầu não đảng Cộng Hoa vừa nêu tên trên toa rập với đảng Dân Chủ để triệt hạ TT Trump qua các thủ đoạn như: 
Dùng giới truyền thông dòng chính ra sức dèm pha, lăng mạ, chụp mũ để bôi nhọ danh dự TT Trump
Dùng  phải tiểu bang, hệ thống Tòa Án đặt điều để kết tội TT Trump một cách vô lý.
Dùng hệ thống mật vụ FBI tấn công vào dinh thư Mar A largo xét nhà một cách tàn bạo, vô pháp.
Họ ra hàng chục, hàng trăm chiêu trò cũng không làm nao núng, và không thể bắt tội TT Trump, cuối cùng họ ra chiêu tàn nhẫn nhất đó là ám sát. Nhưng cũng không thành.
Robert Kennedy Jr. thấy sự thay đổi của đảng Dân Chủ thái quá, cực đoan, tàn bạo và nguy hiểm cho Hoa Kỳ, bởi thế ông bỏ cuộc đua trực tiếp ủng hộ TT Trump. Có một lần, chính TT Trump tuyên bố “nếu đắc cử Tổng thống năm 2024, tôi sẽ trao toàn quyền điều tra cái chết của TT John F Kennedy và Robert Kennedy với vai trò Chủ tịch Ủy Ban Điều Tra cái chết của TT John Kennedy. Đây có thể cũng là mấu chốt làm cho những tên cực đoan của đảng Dân Chủ và Rino Cộng Hòa lo lắng cho số phận tương lai của họ. Chưa một tổng thống Mỹ nào trong lịch sử nhận lãnh chức vụ Tổng thống mà gặp nhiều khó khăn, truân chuyên gập ghềnh như TT Trump. Ông bị thế lực ngầm “deep State”, đảng Dân chủ, và những kẻ phản trắc đảng Cộng Hòa luôn rình rập, và sẵn sàng hạ bệ, kể cả thủ tiêu để lấy mạng ông. Nhưng... TT Donald J. Trump là chân mệnh thiên tử, Trump là Thiên ý, là Dân Ý. Ông đang nhận lãnh trách nhiệm thiên xứ đem lại hòa bình cho thế giới, đem lại thịnh vượng cho nhân loại, và dĩ nhiên ông luôn nghĩ đến và luôn đặt quyền lợi cho người dân Hoa Kỳ ưu tiên trên hết như qua câu nói “American First”. Bởi thế, chỉ cần một người rất bình thường cũng hiểu đâu là giá trị của một vị tổng thống Hoa Kỳ, và ai đáng để cho cử tri tặng lá phiếu trong mùa bầu cử này... Người đó không ai khác hơn là TT Donald J. Trump ! Không cần tranh cãi gì nữa... | Chris Phan |... thực hiện

**** ***** topic: CHRIS TALK SHOW audio/video: phan nguyên luân produced by vietstar media group

Monday, September 2, 2024

‘Thua là đúng rồi’ – câu chuyện một tiến sĩ gốc Việt nỗ lực thay đổi cái nhìn ‘thiên lệch’ về Việt Nam Cộng Hoà

Cuộc chiến Việt Nam đã đi qua gần 50 năm, nhưng những tác động của nó vẫn từng ngày ảnh hưởng lên cuộc sống của bao người Việt Nam, kể cả những thế hệ sinh sau đẻ muộn, trưởng thành ở một đất nước xa xôi bên nửa kia địa cầu của dải đất hình chữ S.

Câu chuyện của một đứa trẻ Việt lớn lên ở Mỹ, từ nhỏ đã bị chế nhạo ở trường rằng “Miền Nam của mày thua là đúng rồi”, nay trở một học giả, tiến sĩ chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, có thể sẽ đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ về những gì đã và đang diễn ra sau cái ngày được gọi là “thống nhất đất nước”.

“Thua là đúng rồi”

“Mình xin giới thiệu là tên là Alex Thái Đình Võ. Mình hiện là giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ ở Đại học Texas Tech, chuyên nghiên cứu về Á Châu, đặc biệt là về vấn đề Việt Nam”, vị giáo sư trẻ tuổi với nước da đậm màu Á châu bắt đầu câu chuyện với VOA về cái duyên đến với cái nghề “ít tiền mà nhiều ưu phiền” này của mình.

“Thái sang Hoa Kỳ năm 8 tuổi. Khi mình còn nhỏ, lúc người Mỹ bắt đầu dạy trong nhà trường về cuộc chiến Việt Nam hay lịch sử Việt Nam, mình nhớ là khoảng lớp 7, lớp 8, khi giáo viên bắt đầu cho học sinh xem những bộ phim gọi là bộ phim documentary (phim tài liệu) về cuộc chiến Việt Nam, thì sau khi xem bộ phim đó và học sơ về cuộc chiến, có một cậu học sinh đặt ra câu hỏi cho mình là ‘Gia đình của bạn thuộc phe nào trong cuộc chiến?’. Ở lứa tuổi đó thì thú thật khi sang Hoa Kỳ, bố mẹ cũng không nói gì nhiều cho mình về cuộc chiến, cũng không dạy mình phải hận thù hay biết bên này, bên kia… Nhưng khi cậu đó đặt câu hỏi đó thì mình mới nhớ ở nhà thường hay nói gia đình mình là thuộc miền Nam Việt Nam. Mình mới nói ‘The South’ (miền Nam), thì cậu đó mới chỉ tay vào mặt mình mà cười kiểu chế nhạo và nói ‘À, vậy thì gia đình mày thua là đúng rồi!’. Đối với một đứa học với lớp 7, lớp 8, mà khi một người khác nói với mình là gia đình mày thua là đúng rồi thì nó đánh một dấu hỏi trong đầu mình là ‘Thua là một chuyện, nhưng mà thua là đúng rồi có nghĩa là như thế nào?’”.

Về nhà, Alex Thái hỏi và xin phép bố cho đọc tất cả những cuốn sách có trong nhà viết về Việt Nam. Cậu bé chẳng bao giờ ngờ rằng câu chuyện ở lớp ngày hôm đó đã khởi đầu cho một hành trình lớn, đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp nghiên cứu về cuộc chiến Việt Nam và lịch sử Việt Nam của mình sau này.

“Đến khi mình bắt đầu học ở trường Đại học University of California Berkeley là một trường rất nổi tiếng, nhưng trong thời chiến cũng nổi tiếng là trường phản chiến, mình mới lấy một lớp gọi là ‘Peace and Conflict’ (tạm dịch ‘Hòa bình và Xung đột’) với một vị giáo sư khi xưa là một người lính trong binh chủng của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam”, Alex Thái hồi tưởng.

Cậu sinh viên Alex Thái lúc đó nhận thấy những điều vị giáo sư người Mỹ chủ trương phản chiến này giảng dạy “tương đối một chiều”. Vị giáo sư cho rằng nước Mỹ đã đưa ra quyết định không đúng. Lẽ ra Mỹ phải giúp cho phe thắng cuộc (tức miền Bắc), còn phe mà Mỹ giúp là Việt Nam Cộng Hòa là một phe nhu nhược, không có lập trường, không có chủ trương, và thường bị gọi là “con rối của Hoa Kỳ”.

“Khi đó, một cô trợ giảng cho ông, gọi là graduate student, sau buổi học đó, cô mới nghiêng qua người bạn của cô nói, mà cô lại ngồi trước mặt mình, cô nói một câu là ‘À, bây giờ tôi hiểu vì sao gia đình tôi thua là đúng rồi’. Khi đó, nó tạo cho mình một cảm giác là người giáo sư này có một ảnh hưởng rất lớn, kể cả đối với những người qua bên này để tị nạn, qua Hoa Kỳ định cư”.

“Đến mùa Mid-term (giữa kỳ), giáo sư ra đề cho mình viết. Mình mới quyết định không viết bài theo đề giáo sư đưa ra, mà mình viết bài yêu cầu giáo sư vào nửa mùa sau nên dạy cho có sự công bằng hơn, đưa vào thêm những tư liệu có nhiều khía cạnh hơn… Thế rồi mình nhận lại điểm giáo sư cho là điểm F trừ (F-). Ngoài điểm F trừ, giáo sư còn cho viết thêm một trang giấy và nói rằng ‘Tôi cho anh điểm này vì anh không viết theo yêu cầu của tôi, mà anh lại có những quan điểm như vầy đối với tôi là tại vì anh chưa thoát ra được sự cay đắng của việc gia đình anh thua cuộc trong cuộc chiến vừa rồi’”.

Từ câu chuyện ở lớp và nhận xét của vị giáo sư đại học, Alex Thái bắt đầu có ý định thay đổi lựa chọn nghề nghiệp.

GS-TS Alex Thái Đình Võ là một trong những khách mời của "Hội thảo về Di sản chiến tranh và hoà bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia" tại Viện Hoà Bình ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
GS-TS Alex Thái Đình Võ là một trong những khách mời của "Hội thảo về Di sản chiến tranh và hoà bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia" tại Viện Hoà Bình ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ.

Như bao đứa trẻ người Việt lớn lên ở Mỹ, Alex Thái cũng gánh trên vai ước mơ và hy vọng của một gia đình tị nạn. Để từ bỏ giấc mơ trở thành luật sư (vốn là một trong những nghề nghiệp danh giá mà nhiều người Việt hướng cho con cái như bác sĩ, kỹ sư…), Alex Thái đã phải nghĩ đến một bức tranh lớn hơn, đó là ngành nghề nào sẽ giúp anh mang lại những tác động tích cực, hiệu quả cho xã hội hơn, theo lời khuyên của một chuyên gia tư vấn tâm lý người Mỹ. Và Alex Thái đã chọn nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, một ngành anh “đam mê” hơn là một công việc mang lại sự thoải mái tài chính, để có thể có tiếng nói cho mình và “nói lên những khía cạnh đa chiều” của cuộc chiến, của lịch sử Việt Nam để cả người Việt lẫn người Mỹ, hay bất cứ ai quan tâm tới Việt Nam, họ sẽ biết đến Việt Nam trong chiều kích đa chiều ấy.

“Mình chạy trốn khỏi Việt Nam cũng là mục đích để thấy được sự đa chiều, để có tự do, để thấy được cái đúng cái sai, thì tại sao bây giờ mình sống ở một đất nước tự do thì mình không đi làm việc đó”, Alex Thái lý giải thêm cho quyết định lựa chọn ngành nghề của mình.

Quyết tâm thành nhà nghiên cứu thực thụ

Chọn học, ra trường, trở thành tiến sĩ không khó đối với Alex Thái cho bằng những trở lực mà anh gặp phải trên con đường thực hiện những dự án nghiên cứu, từ cả phía Việt Nam lẫn ở Mỹ.

“Khi mình bắt đầu viết hay nói lên những tiếng nói mà xưa nay người ta không muốn mình nói thì sẽ gặp nhiều cản trở. Từ khía cạnh người Mỹ trong ngành khoa cử-giáo dục, nhiều người đã nắm hệ thống nghiên cứu bao nhiêu năm rồi thì họ không muốn những tiếng nói của mình được nói lên. Cơ hội dành cho những người giống như mình lại ít hơn. Họ không xem trọng mình. Họ thường hay nói là ‘Anh là con em của VNCH nên anh sẽ nói như vậy thôi’, hay là họ xem thường những nghiên cứu của mình. Nhưng chính vì vậy nên mình phải cố gắng vươn lên. Mình làm nghiên cứu thì mình phải làm nghiên cứu tốt hơn để khi nghiên cứu của mình ra, mình có buổi phát biểu hay hội thảo thì mình phải đưa ra chứng cớ rõ ràng, mình chứng tỏ với người ta là ‘Tôi không phải chỉ là con em của một người VNCH không, mà tôi là một nhà nghiên cứu đứng đắn, làm việc đúng và đang nói lên những tiếng nói mà xưa nay các vị đã không viết, không nói về, không cho được lên sách, không đưa đến giảng đường”.

Cản trở từ Việt Nam và tại Việt Nam trong những lần Alex Thái trở về để thực hiện các dự án nghiên cứu thì không thể kể hết, nhất là sau khi nhà nghiên cứu trẻ bắt đầu có những công bố hay phát biểu về công trình của mình trên báo chí, truyền thông.

“Mình gặp những đe dọa, nghe nói là từ phía nhà cầm quyền Việt Nam, nói là Thái không nên làm những cái nghiên cứu như vậy. Nhưng mình cứ tiếp tục làm công việc của mìn. Vì sao? Vì mình nghĩ công việc mình làm là đúng và mình cũng không lựa chọn phe này phe nọ về mặt chính trị. Mình là một người làm sử, mình chỉ có thể nói ra những gì mình tìm hiểu được và mình biết được. Còn sự cản trở thì nó luôn luôn đến với mình…”

Sách “Toward A Framework For Vietnamese American Studies” (“Hướng tới xây dựng ngành học Người Mỹ gốc Việt – Lịch sử cộng đồng và ký ức”) do Tiến sĩ – Giáo sư Linda Ho Peché, Tiến sĩ – Giáo sư Alex-Thai Dinh Vo và Tiến sĩ – Giáo sư Tường Vũ chủ biên.
Sách “Toward A Framework For Vietnamese American Studies” (“Hướng tới xây dựng ngành học Người Mỹ gốc Việt – Lịch sử cộng đồng và ký ức”) do Tiến sĩ – Giáo sư Linda Ho Peché, Tiến sĩ – Giáo sư Alex-Thai Dinh Vo và Tiến sĩ – Giáo sư Tường Vũ chủ biên.

Thế là, những dự án nghiên cứu về các chủ đề “nhạy cảm” đối với Việt Nam như: Cuộc cải cách ruộng đất, với những phân tích tỉ mỉ cho thấy vai trò của Hồ Chí Minh, của các cố vấn Trung Quốc trong cuộc cải cách đẫm máu và nước mắt với khoảng nửa triệu người dân mất mạng; vụ án nhân văn giai phẩm, tù cải tạo, vấn đề lý lịch… cứ thế lần lượt ra đời sau rất nhiều lần Alex Thái lặn lội về Việt Nam và “ăn dầm nằm dề” tại các trung tâm, thư viện…

Những công trình nghiên cứu của Giáo sư Alex Thai Vo đã được tập hợp lại cùng với một nhóm học giả gốc Việt và xuất bản dưới dạng một bộ sách về lịch sử Việt Nam, nhằm bổ sung góc nhìn khác, “đa chiều” hơn về nền Cộng hoà vốn đã tồn tại ở Việt Nam từ trước khi chủ nghĩa cộng sản du nhập. Bộ sách được giới học thuật Mỹ đánh giá cao này hiện đang được giới thiệu ở các bang của Hoa Kỳ với mục tiêu đưa chúng trở thành sách giáo khoa được giảng dạy trong các trường học hay được giới thiệu trong các thư viện trên đất Mỹ.

Cuộc chiến đau lòng giữa anh em

Sau những ngày tháng đắm chìm trong nghiên cứu, tìm tòi về một chính thể Cộng hoà từng tồn tại và đang bị lãng quên, bị nhìn "thiên lệch, khi được hỏi liệu đâu là những điểm mấu chốt mà vị giáo sư trẻ tuổi muốn lưu ý trong cuộc chiến và lịch sử Việt Nam, Alex Thái nói:

“Khi nói tới lịch sử, người ta hay nói lịch sử được viết bởi những người thắng cuộc. Từ những trang sử sinh viên học trong nhà trường từ lớp 1 cho đến đại học, hầu như không nhắc tới giai đoạn của cuộc nội chiến giữa chính quyền miền Bắc và chính quyền miền Nam, tức Việt Nam Cộng Hòa, mà chỉ gói gọn trong những câu nói ‘nguỵ quyền’, ‘nguỵ quyền theo Mỹ’ và tất cả đều là cuộc chiến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chứ không phải là cuộc nội chiến giữa những anh em với nhau, mà mỗi bên đều mất và tổng cộng là gần 2 triệu người, trong khi người Mỹ chỉ mất có 58.000 người thôi”.

Theo học giả trẻ này, trên thực tế, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của người Mỹ, nhưng “vai chính” trong cuộc chiến vẫn thuộc về những người Việt Nam, hay nói khác hơn, đó là cuộc chiến giữa những người anh em.

“Nếu chúng ta không ghi nhận sự thật đó, sự tồn tại của nhau thì khó mà chúng ta có thể làm cho đất nước mạnh hơn, làm cho con người tin tưởng hơn, mang lại cái mà nhà nước Cộng sản hay kêu gọi là ‘hoà hợp, hoà giải’ giữa người Việt với nhau. Anh kêu gọi hoà hợp, hoà giải mà anh không công nhận sự tồn tại của tôi, lịch sử của tôi thì làm sao hoà hợp, hoà giải được?”

“Hay như vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, nếu một bên cứ tối ngày nói bên kia là ngụy quân ngụy quyền thì làm sao anh có thẩm quyền để nói Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Việt Nam? Vì trước kia, Hoàng Sa và Trường Sa trước năm 1975 thuộc về Việt Nam Cộng Hòa 03:33 trên danh nghĩa quốc tế. Bây giờ anh cứ gọi họ là chính thể bù nhìn, không có thật, thì làm sao anh bây giờ đứng trên cương vị gì để nói đó là thuộc về Việt Nam?”, GS. Alex Thái đặt câu hỏi.

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu trẻ, việc nghiên cứu tới nơi tới chốn về nền cộng hoà tại Việt Nam, vốn đã du nhập vào từ những năm 1920, khi các nhà hoạt động chính trị thời đó như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… mang “chủ nghĩa cộng hoà”, “tinh thần cộng hoà” từ châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc về.

“Thể chế Việt Nam Cộng Hòa được thành lập vào năm 1954 cho đến năm 1975 đứng vững trên cái nền tư tưởng gọi là Chủ nghĩa Cộng hòa đó. Chủ nghĩa Cộng hòa là mang đến gì? Nó đòi hỏi cái tự do của con người, tự do cá nhân, xuất phát từ cuộc cách mạng của Pháp đòi hỏi quyền công dân của con người cũng như quyền trước pháp luật. Tất cả những yếu tố đó nó khác với chủ nhịp cộng sản. Thành ra, cuộc chiến 1954-1975 nó xuất phát từ những sự khác biệt đó. Và cũng chính từ những khác biệt đó mà sự kiện xảy ra năm 1975, nó đưa đẩy nhiều người phải đành bỏ nước ra đi, vì họ không sống được dưới cái thể chế mới đó, cái thể chế mà mất đi hết tất cả các quyền tự do đó, tự do báo chí, tự do ngôn luận… Tất cả những cái đó khi người ta bị mất đi thì họ đành phải bỏ nước ra đi”.

TS. Alex Thái Đình Võ (phải) và Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel.
TS. Alex Thái Đình Võ (phải) và Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel.

Khi nằm xuống, tất cả là con người

Công việc nghiên cứu đã mang đến cho vị giáo sư trẻ nhiều cơ hội công việc và trải nghiệm khác ngoài giảng đường. Alex Thái cho biết anh từng cộng tác chính phủ Mỹ trong công việc tìm hài cốt của quân nhân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

“Khi đó mình đang đi làm thì trường Đại học Texas Tech có một cái vị trí cần một nhà nghiên cứu để nghiên cứu tìm hài cốt quân nhân của người cộng sản. Để tôn trọng cha mẹ, là những người đã trải qua dưới thể chế cộng sản và trải qua tù đày, mình gọi cho bố và hỏi ‘Ba ơi, con bây giờ nhận công việc này để làm nghiên cứu tìm hài cốt của những người mà khi xưa gọi là địch, là kẻ thù của những người giống như ba đó. Thì ba nghĩ như thế nào? Vì con thấy đây là một công việc mà theo con, là một công việc nhân đạo mà mình cần phải làm’. Thì thay vì người cha mình giống như mình suy nghĩ là sẽ cản trở và sẽ nói không, thì bố mình không một giây suy nghĩ và nói là ‘Con nên đi làm. Công việc này phải làm, vì dù sao cuộc chiến đã qua rồi, mình biết mình là ai. Nhưng tất cả khi ngã xuống cũng là người Việt Nam và cũng là con người. Thành ra, công việc mà mình cần phải làm là công việc mang tính nhân đạo và phải làm để mang lại sự an ủi cho tất cả. Tất cả chúng ta đều là người Việt Nam”.