Tuesday, August 6, 2013

Đó là những nơi mà để tồn tại và phát triển, con người phải có những nỗ lực phi thường... 
 

Cao nguyên Đồng Văn của Hà Giang vốn nổi tiếng là vùng đất khắc nghiệt vì nơi đây chỉ có những ngọn núi khô cằn, lởm chởm đá tai mèo, hết sức khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây phải đưa từng vốc đất lèn vào các hốc đá để có thể trồng được cây lương thực trên các sườn núi.
 
Dãy núi Hoàng Liên Sơn rộng 30 km, chạy dài 180 km giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, kéo dài đến tận phía tây tỉnh Yên Bái là nơi có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.142m - được coi là nóc nhà của Đông Dương. Có rất ít điểm dân cư trên dãy núi này do địa hình hiểm trở và mùa đông rất lạnh giá.
 
Mẫu Sơn là vùng núi cao trung bình 800 - 1.000m nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn thuộc địa phận 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình, nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt-Trung.Được coi là nơi lạnh nhất Việt Nam, về mùa đông nhiệt độ tại nhiều điểm ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm, thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi.
 
Các dải cát hẹp trải dài dọc theo bờ biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận là nơi có diện tích đất đai sa mạc hóa lớn nhất của Việt Nam. Tại các vùng này, việc canh tác là điều không thể thực hiện. “Sa mạc” nổi tiếng nhất là ở Mũi Né, Bình Thuận, nơi có những cồn cát trải dài miên man, thay đổi hình dạng thường xuyên do gió biển.
 
Gió Lào hay gió Tây Nam khô nóng là kiểu thời tiết khắc nghiệt đặc trưng của mùa hè tại một số tỉnh miền Trung Việt Nam. Đây là hiện tượng gió hình thành từ vịnh Thái Lan, sau khi vượt dãy núi Trường Sơn và tràn xuống các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ thì trở nên khô, nóng. Dạng thời tiết này khiến độ ẩm xuống rất thấp, trong khi nhiệt độ tăng cao, khiến cây cỏ héo khô, ao hồ cạn kiệt, con người và gia súc bị ngột ngạt, rất dễ sinh hoả hoạn. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn.
 
Là “tuyến lửa” khốc liệt nhất trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ngày nay tỉnh Quảng Trị là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, chiếm 83,3% diện tích tự nhiên. Từ năm 1975 đến nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 nạn nhân do bom mìn sót nổ, trong đó hơn 2.600 người chết và 31% nạn nhân là trẻ em. Sẽ phải mất nhiều thập niên để có thế trả lại sự bình yên cho mảnh đất miền Trung ruột thịt này.
 
Rừng U Minh (được chia thành hai vùng U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau và U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang bởi con sông Trẹm) nổi tiếng nừ nhiều thế kỷ qua như một vùng rừng thiêng nước độc đầy thú dừ và bệnh tật dành cho con người. Cuộc sống trong rừng U Minh đã được miêu tả rất hấp dẫn trong tác phẩm "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi. Ngày nay, U Minh Thượng và U Minh Hạ là hai khu Vườn quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt.
 
Dãy núi Trường Sơn là dãy núi dài nhất Việt Nam, dài khoảng 1.100 km, kéo dài từ thượng nguồn sông Cả trên đất Lào giáp Nghệ An tới tận cực nam Trung Bộ. Trong chiến tranh Việt Nam, đây là khu vực chịu sự tàn phá vô cùng khốc liệt từ đạn bom và vũ khí hóa học trong chiến tranh.
Ngày nay, phần lớn diện tích dãy núi Trường Sơn vẫn còn hoang vu hẻo lánh, ít dân cư sinh sống.
 
Quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Việt Nam đang kiểm soát 7 đảo và 14 bãi cạn, là nơi không có đất trồng trọt và rất ít nước ngọt và thường hứng chịu bão lớn. Bên cạnh sự tiếp tế từ đất liền, quân và dân trên quần đảo đã có nhiều biện pháp tăng gia sản xuất như đánh bắt cá, nuôi gia súc, trồng rau thủy canh… áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ như dùng pin mặt trời, móc lọc nước biển… để bảo đảm điều kiện sinh sống 
 
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được các triều đại phong kiến Việt Nam xác lập chủ quyền từ nhiều thế kỷ trước. Cũng như quần đảo Trường Sa, điều kiện sinh sống của con người tại Hoàng Sa là vô cùng khắc nghiệt. Hiện tại, Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép các điểm đảo ở Hoàng Sa, nhưng khu vực này vẫn là điểm đánh bắt cá truyền thống của các ngư dân Việt Nam.

No comments:

Post a Comment