Wednesday, December 23, 2020

Sài Gòn, những mùa Giáng Sinh xưa - Từ Uyên/Người Việt

Giáng Sinh thời thanh bình

Không biết khởi đi từ năm nào nhưng chắc chắn là vào thời đệ I Cộng Hòa, mùa Giáng Sinh đến với người dân Sài Gòn đã trở nên tưng bừng như một lễ hội lớn.

Noel Sài Gòn 1966. (Hình: skyscrapercity.com)

Khi dọc vỉa hè con đường Lê Lợi (lúc ấy nhiều người còn gọi là Bonard) những Thiệp Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới Dương Lịch được bày bán tràn lan trên những mảnh ni lông rộng bằng cái chiếu, thì khách bộ hành ai nấy đều thấy len lén một niềm vui nó cứ lớn lên dần, cho dù là “người ngoại đạo.” Giáng Sinh lại đến rồi! Một mùa hội vui cho tuổi trẻ!

Người ta nghĩ đến những “Bal Famille” của nữ Trung Học Marie Curie, của Ðại Học Dược Khoa và của hàng chục nơi con em của những gia đình cao sang quyền quí tổ chức. Những lời hẹn hò quấn quít của tuổi trẻ. Tuổi trẻ khi ấy còn nặng tính e ấp của nề nếp sống “phong gấm rủ là” chưa có được tự do thoải mái như bây giờ. Nhưng dịp Noel thì các gia đình lại tương đối buông thả cho con em được hưởng những thú vui của tuổi trẻ nhân ngày lễ tôn giáo nhưng đã trở thành ngày hội vui của nhân loại. Con gái có thể được phép gia đình cho đi chơi đến khuya. Con trai được quyền bạo dạn mời các bạn gái cùng lớp, cùng trường mà ngày thường chỉ dám nhìn trộm, không dám bắt chuyện.

Vào thời gian ấy, những năm cuối thập niên 50 có thể được coi như thời thanh bình, chiến tranh chưa ló mặt. Chính quyền đệ I Cộng Hòa đã thực hiện được nhiều cải cách cho cuộc sống của người dân sau gần 10 chiến tranh Việt-Pháp. Giáo dục được phát triển, kinh tế kể như vững vàng, chính trị tương đối ổn định cho dù đâu đó có manh nha những chống đối về chuyện “Gia Ðình Trị.” Nhưng tuổi trẻ không cần biết tới mà chỉ muốn làm quen với cuộc sống buông thả đang du nhập về từ Tây phương qua các du học sinh từ Paris về. Trên cửa miệng của giới trẻ nhất là nam giới đã thấy xuất hiện những danh từ “Lolita,” một nhân vật nữ có cuộc sống tình cảm tự do thoải mái trong một cuốn tiểu thuyết bên trời Âu đã trở thành nếp sống mới của tuổi trẻ. Cùng với phong trào “Hiện Sinh” với Jean Paul Sartre, Albert Calmus… do các nhà văn nhà thơ trong tạp chí Sáng Tạo dẫn dắt phổ biến. Tạp chí Sáng Tạo khi ấy là một tờ báo được tuổi trẻ coi như hình thức của trí thức, hiểu biết.

Ðó có thể coi như những yếu tố khiến cho tuổi trẻ trong giới sinh viên học sinh đệ II cấp hình thành nên cái không khí Giáng Sinh của Sài Gòn vào thời đệ I cộng Hòa, thời thanh bình.

Giáng Sinh của những mùa ly loạn

Tháng 11 năm 1963, chế độ đệ I Cộng Hòa bị lật đổ, cuối năm đó Giáng Sinh đã đến trong niềm hy vọng vào một tương lai tự do cho đất nước và dân tộc. Tuổi trẻ như bừng phát niềm vui sau những tháng ngày cùng nhau xuống đường tranh đấu. Ðêm Giáng Sinh, 24 tháng 12 năm 1963, tuổi trẻ đã không hẹn mà cùng nhau “xuống đường” hân hoan đón mừng một Mùa Giáng Sinh trong thể chế mới, tin rằng đã tự do hơn, dân chủ hơn. Nhưng sau Giáng Sinh cũng là lúc bóng đen chiến tranh bắt đầu kéo đến bầu trời Tự Do của miền Nam với những trận chiến lớn mà cộng sản thừa cơ hội hỗn loạn chính trị của miền Nam đã gia tăng hoạt động. Những đợt động viên từng phần rồi bán phần và đến năm 1968 thì toàn phần Tổng Ðộng Viên. Tuổi trẻ nam giới không mấy người thoát khỏi việc phải vào quân ngũ. Tuổi trẻ nữ giới không mấy người tránh khỏi cảnh “anh tiền tuyến, em hậu phương” vào những mùa Giáng Sinh trải rộng khắp thôn quê thành thị. Ðể, từ đó một dòng nhạc giá trị được phát sinh thường được gọi là “nhạc Giáng Sinh” mô tả nỗi buồn chiến tranh, những chia ly đẫm lệ, những nhớ thương da diết về những mùa Noel cũ, chúng ta cùng đi “xem lễ” nửa đêm, cùng bên nhau quì xin trong giáo đường, hẹn hò một mùa Giáng Sinh hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Dòng nhạc Giáng Sinh cứ nở ra mãi với những tiết điệu, âm thanh, lời nhạc của hầu hết các nhạc sĩ và được các ca sĩ thời thượng Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Carol Kim, Thanh Lan… gửi đến da diết trong suốt những mùa Giáng Sinh hàng năm. Cho đến tận bây giờ, 37 năm sau, từ trong nước ra đến hải ngoại, nhạc Giáng Sinh của thời chinh chiến, phân ly vẫn là những dòng nhạc óng ả được mọi người yêu thích. Nó đã vượt thời gian.

 Giáng Sinh trong thời Xã Hội Chủ Nghĩa

30 tháng 4 năm 1975, một cuộc đổi đời tàn khốc cho dân Sài Gòn khi cộng sản áp đặt được chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa lên toàn cõi Việt Nam. Giáng Sinh năm 1975 như một đêm thảm sầu cho những người Sài Gòn còn ở lại. Tuổi trẻ không dám tụ tập vì sợ bị công an khu vực bắt vì tội hội họp bất hợp pháp, chỉ còn liều đạp xe dong dong khắp phố phường để khóc thầm nhớ da diết đến những Giáng Sinh xưa.

Gần 10 Giáng Sinh âm thầm trôi qua với người dân Sài Gòn thì bỗng năm 1985, cộng sản sợ hãi trước sự sụp đổ của hệ thống cộng sản từ các nước Ðông Âu đến cái nôi Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Xô nên đành phải hé bức màn tre, thập thò hướng ra thế giới. Giáng Sinh năm đó tuổi trẻ Sài Gòn như một cái lò xo bị nén lâu ngày đã bùng ra như một sức bật khủng khiếp. Phố phường Sài Gòn đêm Giáng Sinh năm ấy như những cơn lũ tuổi trẻ. Họ rong chơi khắp phố phường, quanh các khu vực có giáo đường nhất là khu Vương Cung Thánh Ðường và khu giáo đường Tân Ðịnh. Họ không đi “xem lễ” nửa đêm, cầu Chúa thấu cho lòng con là người ngoại đạo trót yêu phải người có đạo mà trong lòng họ cũng thầm cầu Chúa, Chúa ở nơi nào hãy nhìn đến đất nước VN sớm được trở lại cảnh thanh bình để dưới thế Việt Nam được bình yên mãi mãi.

Liên tiếp trong nhiều năm sau, khí thế tuổi trẻ trong mùa Giáng Sinh đã làm cho nhà nước cộng sản VN phải qui phục đành nương theo đó mà “hủ hóa” những niềm vui thanh khiết của tuổi trẻ thành những cuộc vui sa đọa như lời của Chủ tịch nhà nước CSVN Trương Tấn Sang có ý đổ tội cho Nguyễn Tấn Dũng, đã viết trên báo Quân Ðội Nhân Dân nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân Ðội Nhân Dân rằng “tệ nạn xã hội có dịp bùng phát, lối sống ích kỷ, suy đồi, vô cảm, vô trách nhiệm hiện diện trong nhiều lãnh vực của cuộc sống…”

Noel Sài Gòn 2012. (Hình: 24h.com.vn)

Ba mươi bẩy năm xa xứ, những người Việt chối bỏ chế độ cộng sản, nay đang có mặt khắp nơi trên thế giới, cứ mỗi mùa Giáng Sinh về lại không khỏi chạnh nhớ đến những Giáng Sinh xưa trên mảnh đất Sài Gòn thân yêu mà nhẩm lại những bài nhạc Giáng Sinh xưa đã đi vào bất tử, nhưng có chút thay đổi lời hát rằng, “Con quì lậy Chúa trên trời, xin dân nước Việt được thời bình yên” thay vì lời nhạc xưa là “Con quì lậy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu.”

Mùa Noel Cuối Cùng - Nguyễn Bính Châu

Tác giả Nguyễn Bính Châu, sinh năm 1950, tốt nghiệp cử nhân luật khoa ban kinh tế năm 1974 tại Saigon, nghề nghiệp hiện nay: Luật sư Đoàn Luật Sư TP.HCM. đang theo học tu nghiệp về Luật Quốc Tế tại Đại Học Santa Clara.
Trong thư kèm bài viết cho Việt Báo, ông viết “Tôi rất muốn được tham dự loạt bài Viết Về Nước Mỹ của quý báo.”
Bài viết đầu tiên của ông Châu, “Ấn tượng nước Mỹ” đã được bình chọn vào số 28 tác giả được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai. Sau đây là một bài viết của ông: từ nước Mỹ mùa giáng sinh, nhớ chuyện buồn bên quê nhà.
*
Hàng cây bã đậu, bây giờ lá của nó đã trở lại xanh um. Nhưng mỗi khi nhìn đến nó, tim tôi như thắt lại, bỗng rát nỗi đau lòng. Tôi cứ mong muốn đó mãi mãi là mùa Noel cuối cùng đau khổ của gia đình họ. Đức Chúa Trời và Đức Phật thì đầy lòng từ bi, bác ái nhưng lại ngủ ở trên cao, ở tận trên trời. Vì vậy, chính mỗi con người chúng ta phải cần có một ước mơ, đó là xây dựng một cõi thiên đàng trên trần thế.

Cây Bã Đậu

Câu chuyện mà tôi sắp kể ra, nó gắn liền với mọi cây được trồng nhiều ở Saigon, miền Nam, đó là Cây Bã Đậu. Không biết ngoài Bắc có loại cây này không" Tôi cũng chưa có dịp đi hết nước Mỹ (tôi thử làm một con tính nhẩm, nước Mỹ có tất cả 50 tiểu bang, vậy nếu mỗi năm ta đi thăm một tiểu bang, thì tôi phải mất 50 năm nữa mới đi hết được các tiểu bang của Mỹ) và tôi cũng không có đủ từ ngữ để diễn tả, cũng như hỏi thăm rằng nước Mỹ có trồng loại cây này không"
Đó là loại cây tàn rộng, lá lớn giống như lá cây bồ đề, nhưng thân của nó rất to, có khi một người ôm không xuể, và đặc biệt thân cây lại xù xì, đầy những gai nhọn, trông như là được bọc bằng những vỏ trái sầu riêng vậy. Khi còn là sinh viên đại học Saigon, cứ mỗi mùa hè là chúng tôi tham dự khóa quân sự học đường tại Trung tâm huấn luyện tân binh Quang Trung (Hốc Môn-Gò Vấp) người ta thường trồng nó dọc theo hai bên đường vào trại. Tên của nó nghe cũng ngộ ngộ: Cây Bã Đậu.
Còn nhớ trong quân trường, những buổi trưa hè oi bức, chúng tôi thường rủ nhau ra nằm dưới gốc cây râm mát, ngước mắt nhìn lên bầu trời trong ngát có những đám mây trời, tha hồ mơ mộng viễn vông. Chúng tôi thường kháo với nhau rằng lá cây bã đậu độc lắm, nhưng chưa có ai dám thử nó độc thiệt hay không" Vì người ta đồn rằng nếu ai ăn nhằm lá đó, sẽ bị đi té re như bị tào tháo rượt, thật là cực kỳ nguy hiểm.
Và rồi, cũng chính từ cây này, tôi đã phải chứng kiến một thảm kịch đau lòng, không thể nào quên được.
Gần nhà tôi trước năm 1975 bên vùng Khánh Hội (Quận 4) có một công xưởng thuyền vụ của quan thuế (Hải quan) thường đóng những chiếc tàu lớn. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu đươc một cách rõ ràng làm thế nào mà người ta có thể chuyển chiếc tàu hết sức to lớn đó một cách tài tình từ trong xưởng ra đường cái. Nhưng khi hết giờ làm việc, bọn trẻ chúng tôi thường xin các chú gác gian (bảo vệ) rủ nhau vào chơi dùng những thanh gỗ già làm thanh gươm, đánh nhau chí chóe.
Trong xưởng, có nhiều cô chú công nhân rất thương chúng tôi. Tôi thích nhất là bác nhân viên nọ, bác có giọng người Huế nhẹ nhàng và thường hay cho chúng tôi những món quà nho nhỏ, như những trái ổi chín đỏ ối và thơm phức, hoặc những trái thị vàng trông rất ngon mật và hấp dẫn. Tôi rất thích ngửi mùi trái thị thơm tho và tôi cũng thích nhất là những buổi trưa trốn nhà ra mài hột thị, hy vọng được thấy nàng Tấm trắng tinh xinh đẹp, từ hột thị bước ra như trong chuyện cổ tích. Câu chuyện nàng Tấm thơ mộng bước ra từ trái thị theo đuổi tôi mãi, suốt quãng đời thời ấu.
Sau 1975, thì mỗi người mỗi ngã, tôi thì cù bớt cù bơ, làm đủ mọi thứ nghề, lo cơm áo gạo tiền mà chẳng đủ ăn. Còn bác ấy thì được giữ lại làm một vài năm, rồi cũng cho nghỉ hưu, về quê lập nghiệp, hai bên không liên lạc gì tin tức cả.
Bỗng một hôm bác ấy đến tìm tôi, đôi mắt còn sưng húp và đầy nước mắt. Bác đau khổ kể chuyện và nhờ tôi giúp bác. Nghe xong câu chuyện, tôi hết sức ái ngại và thật khổ tâm đối với hoàn cảnh của bác ấy.

Tai Họa Bất Ngờ

Nguyên bác có cậu con trai thuở nhỏ không may mắn, vộc chơi chiếc bình thủy. Chiếc bình thủy nổ và làm anh ấy hỏng hết một mắt. Là con trai trưởng nhưng anh ấy hiền lành và chịu thương chịu khó.
Lũ trẻ ngày nay thường hay trêu chọc những người khuyết tật một cách ác ý ngu ngơ. Không hề biết được rằng những lời nói cười nhạo một cách vô tình của chúng, chẳng khác nào như kim đâm muối xát vào trái tim người khác. Anh ấy đã bị cười ngạo nhiều lần, nhiều nơi, nhưng rồi vẫn có một cô gái con nhà nghèo thương anh ấy. Một mái tranh hai quả tim vàng, họ sống bên nhau, nhọc nhằn nhưng hạnh phúc, có với nhau được hai đứa con thơ dại.
Những tưởng cuộc đời mái ấm êm xuôi, nhưng rồi bác ấy quyết định trở lại Saigon sinh sống. Anh ấy cùng vợ con về mua bán phụ giúp bác, để kiếm tiền ăn học cho đàn em còn nhỏ dại.
Anh ấy có xe thuốc lá dạo, dưới tàn cây bã đậu này. Hàng ngày anh và vợ bữa cháo bữa rau, vợ chồng hủ hỉ sống nhờ xe thuốc lá, vừa kiếm thêm sinh kế gia đình, vừa nhín chút ít tiền để nuôi bố mẹ và đàn em nhỏ dại còn đang tuổi đi học.
Nhưng bỗng một hôm, tai nạn thảm khốc đã đổ xuống gia đình anh ấy một cách thật bất ngờ. Một tên thanh niên tuổi mới choai choai nhậu say xỉn đâu đó, một tay vừa chạy xe gắn máy Honda, một tay cầm chồng băng video mới mướn, phóng xe chạy bạt mạng, đã đâm sầm vào xe thuốc lá của anh đang bán. Xe thuốc lá đổ đè lên người anh, và làm ngã quầy chiên bánh tiêu bánh bò, cùng chỗ bán lẻ xăng dầu lòng lề đường kế đó. Lửa từ chảo dầu bốc lên, gặp xăng lan tràn qua, đã bốc cháy lên dữ dội, làm nám đen cả tàn cây bã đậu ngút trên cao, thiêu rụi cả chiếc xe Honda tang vật. Mọi người bất ngờ hoảng hốt, ai cũng đều ùa tóe chạy ra xa. Riêng anh bị chiếc xe thuốc lá đè cứng không sao gượng dậy được.
Anh bị phỏng toàn thân, và sau mấy ngày đêm nằm rên xiết oằn oại đau đớn trong bệnh viện, anh đã chết tức tưởi để lại cho cha già một số tiền nợ thuốc men chữa trị không nhỏ, bỏ lại một người vợ trẻ và hai đứa con dại. Nghe nói gia đình tên thanh niên này giầu có, lại quen biết với ông lớn bên quân đội hay công an, hay viện kiểm sát (dự thẩm) nào đó. Cho nên, đáng lẽ theo quy định pháp luật hiện hành, thì kẻ gây án chết người phải bị giam chờ xử lý, nhưng rồi hắn được trả tự do về nhà phơi phơi. Gia đình lại có tiền, nên mua đền cho chủ xe (xe này hắn mướn) chiếc xe khác. Nhưng không chịu bồi thường gì cho người xấu số và gia đình nạn nhân đau khổ.
Thi Hành Án, Nỗi Đau Còn Đó
Gần một năm sau, bác ấy trở lại, vui mừng cho tôi biết đã ra hai phiên tòa, sơ thẩm và phúc thẩm, án phúc thẩm là án có hiệu lực buộc phải thi hành, bên kia không còn kháng án được nữa. Án phúc thẩm đã tuyên, buộc bên gây thiệt hại và bên bán xăng dầu lòng lề đường, phải liên đới bồi thường cho gia đình anh, tiền ma chay tông táng và thuốc men lần chu cấp cho hai con nhỏ, tổng cộng là gần tám triệu đồng, khoảng 600 USD, nhưng bác nói là không biết cách để xin thi hành án.
Tôi cầm tờ bản án trong tay mà ái ngại giùm bác. Trong bản án có ghi lời bào chữa của luật sư bên gây án và cả lời của vị đại diện viện kiểm sát, cho là người xấu số, nạn nhân có phần lỗi trong việc này, vì đã mua bán trái phép lấn chiếm lòng lề đường (một cái tội mà dân nghèo thành phố phải lãnh đủ). Theo giọng văn và tình hình thi hành án, cái ngữ này thì chắc không thi hành án nổi. Nhìn bác ra về với niềm hy vọng, tôi cảm thấy chua xót và đau lòng quá. Nhưng rồi, một hy vọng cũng loé lên trong tôi, như bác. Biết đâu người ta vì lòng nhân đạo, sẽ giúp đỡ và bồi thường thỏa đáng cho bác.
Ông đội trưởng đội thi hành án quận, nắm tay tôi ái ngại: Ông luật sư thông cảm, chúng tôi cũng muốn giúp gia đình ông ấy lắm, thấy nghèo quá mà tội nghiệp. Nhưng gia đình tay này nó ghê gớm lắm. Cô chú bác gì làm thiếu tá, thiếu tiếc gì bên công an hay quân đội, rồi lại quen lớn bên viện kiểm sát nữa (không biết quận hay thành phố). Nó lại chưa tới tuổi thanh niên (dưới 18 tuổi), nên cha mẹ nó phải thi hành án cho nó. Cha mẹ nó không chịu thi hành án thì chịu, không giải quyết nổi, không làm gì được, khó thế. Tháng này nó "ngoan cố" gởi thư mời, gọi mãi mà nó cũng không chịu ra. Nó lại lang thang chẳng đi làm gì cả, thành ra không thi hành án được. Để từ từ rồi tôi sẽ động viên "nói khéo nó đóng tiền thi hành án. Gia đình đừng "ép quá". Nếu không thì tôi sẽ trả lại đơn đây. Vì theo luật, thì nếu nó không có khả năng thi hành án, thì tụi này sẽ ra quyết định "tạm đình chỉ thi hành án" và "trả lại đơn xin thi hành án cho đương sự".
Có một vị luật sư nữ lớn tuổi (phụ nữ thường hay nhạy cảm trước đau khổ của người khác) đã nói với tôi về nỗi khổ đau của bà trong việc giúp thân chủ thi hành án: "Có nhiều bản án rất oan ức cho người dân thì được thi hành liền một cách nhanh chóng. Nhưng ngược lại, có những bản án đúng đắn, thì trày trật mài, cũng không thi hành được. Cho nên, có nhiều khi tiếp xúc với người dân, thấy họ khổ quá mình cũng đau xót, bứt rứt lắm. Thành ra em thấy không, lâu lâu đọc báo thấy báo đăng, có người uất ức quá mà tự vận khi bị thi hành án. Đừng tưởng làm luật sư có nhiều thân chủ mà sướng đâu nha em. Nếu mình có cái tâm, thì cũng gặp nhiều chuyện rất đau lòng, có đêm mất ngủ, không ngủ được".

Đây là câu chuyện đã xưa, từ 3, 4 năm về trước. Người dân kêu rêu dữ quá và chính phủ cũng đã nhìn thấy, cho nên hy vọng rằng tình hình thi hành án rồi sẽ sáng sủa ra như câu tục ngữ: "Sau cơn mưa, trời lại sáng" (miễn là không phải mưa chiều). Và đặc biệt với hai điều kiện như sau: "bản án phải được xét xử công minh, đứng đắn, chính xác và việc thi hành án phải nghiêm chỉnh, mau chóng, đúng pháp luật". Như vậy, cần phải cải cách tư pháp thế nào để tránh được oan sai trong bản án, và thẩm phán xử sai, phải bị truy tố trước pháp luật. Hy vọng phải như thế, thì mới ngăn chặn được sự lạm quyền, bảo vệ quyền dân chủ cho nhân dân và bảo vệ sự trong sáng cho ngành tư pháp.

Chết Không Nhắm Mắt"

Tôi đến nhà bác ấy trong con hẻm sâu ngoằn ngoèo khu lao động nghèo đường Tôn Đản, Khánh Hội, giữa lúc tiếng chuông giáo đường ngân vang bài thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh.
Bác đi vắng, chỉ có vợ anh ấy bồng con ra chào và mời tôi vào nhà. Căn nhà quạnh hiu trống vắng, không một máng cỏ, không có Chúa Hài Đồng, không hề có thiên thần cũng không có một ngôi sao. Chỉ có cây thánh giá trên bàn thờ và bức tượng Chúa Cứu Thế đau khổ, giang hai tay trên thánh giá, mãi mãi chịu đựng.
Thấy người lạ, hai đứa bé nép vào nhau không nói. Cặp mắt trẻ thơ long lanh mở to, bên làn da khô đét, mốc meo ốm đói "Giờ này, ba đang ở đâu" Trên nước Chúa Thiên Đàng hay vẫn còn luyến tiếc thương nhớ vợ con nơi trần thế đầy đau khổ" Giáng Sinh đến rồi, bé có quà Noel chưa" Có chiếc áo mới nào để mừng tuổi năm mới" Nếu ba còn sống, chắc là bé sẽ được hưởng những giây phút gia đình sum họp, và vui mừng lắm đấy""
"Khó quá, gia đình chúng em năn nỉ mãi, nhưng họ không chịu thi hành án anh ạ. Chúng em không biết phải tính sao. Ba em hy vọng vào số tiền có được, nên mượn đỡ bà con lo ma chay cho anh ấy, và trả tiền thuốc men. Nên bây giờ nhà em lại mang thêm món nợ, không biết lấy gì trả. Rồi còn tiền học hành quần áo cho mấy đứa nhỏ. Nghĩ lại anh chết đau khổ mà yên thân, gia đình em, những người còn sống vừa đau lòng mà lại không biết cách sao để có tiền trả nợ cho bà con. Người ta cũng nghèo khó như mình, thấy hoàn cảnh thương mà người ta cho mượn đó."
Tôi muốn ứa nước mắt, gượng nói chuyện mấy câu, và cáo từ ra về. Tiếng chuông giáo đường vẫn ngân vang mừng Chúa Cứu Thế ra đời. Lạy Chúa, hy vọng đó là Mùa Noel Cuối Cùng Đau Khổ đến với họ."
Bẵng đi một thời gian, cô con gái bác ấy lại đến tìm tôi với vành khăn tang trắng. Cô ấy cho hay bác đã mất vì bệnh ung thư trong bệnh viện Ung bướu. Bác cũng bị những cơn đau hành hạ, đau đớn cả tháng. Trước lúc mất, bác ấy cho trăn trối lại cho tôi cố giúp giùm gia đình bác, để thi hành án, có tiền trả nợ và lo cho sắp nhỏ đi học. Hình ảnh cô con gái của bác bỗng nhòe đi trước mắt tôi, và trái tim tôi đau nhói. Bác ơi, sự việc đau lòng quá, nhưng con không thể nào giúp được cho bác! Không biết là trước khi bác chết, liệu bác có yên lòng nhắm mắt được không hả bác, hả bác"
Hàng cây bã đậu giờ lá đã xanh um, nhưng mỗi khi nhìn thấy nó, trái tim tôi như lại bỏng rát nỗi đau lòng.

Nước Mỹ, Mùa Lá Rụng

Ông bà mình có câu: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" quả là đúng lắm. Thế nhưng tôi đã ở Mỹ được gần 6 tháng, mà cũng chẳng thấy khôn hơn được tý nào. Đúng là như lời của một vị cha đạo, đã dạy môn toán hình học cho tôi, thuở còn trung học: "càng học càng thấy mơ hồ". Tôi có cảm nhận được rằng tôi vẫn còn quá nhiều ngu dốt, ngây ngô, giữa đất nước văn minh và giầu có này.
Nước Mỹ cuối thu là vào mùa lá rụng. Lá cứ mỗi ngày một rơi rụng, nhiều không biết mức nào mà kể, trên thảm cỏ xanh ngát hay trên những lối đi còn đậm hạt sương đêm.
Nhưng ở đây tuyệt nhiên ta không hề thấy có tiếng chổi của người phu quét đường, như trong bài ca Đại Bác Ru Đêm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước 1975. vì rằng người ta quét lá bằng những ống thổi, nối liền với một máy được đeo sau lưng, thổi dạt những lá vàng khô, gom về một phía. Rồi sẽ có một công nhân vệ sinh khác, dùng những cây chĩa ba, để gom rác vào một miếng vải bố to để sẵn. Xong ông leo lên đạp các lá cây khô, rồi gom chúng lại thành một bao to, chất cho lên xe và chở đi hủy ở nơi khác. Nếu ta không nghe những tiếng gầm rú điếc tai của ống thổi rác đó, thì ta để có cảm giác họ (những công nhân vệ sinh đường phố) đã giống như người sử dụng cái vòi than đầy phép lạ, để nhẹ nhàng đưa những chiếc lá rụng đi về một phía, trả lại sự yên tĩnh và trong lành sạch đẹp cho phố phường xứ Mỹ.
Có ở trên nước Mỹ vào mùa này, cũng như các nước ở Âu Châu, ta mới cảm nhận được thiên nhiên ở Mỹ như là một hòa họa sĩ đại tài, tô điểm nước Mỹ bằng muôn màu muôn vẻ, trên khắp mọi nẻo đường. Có những con đường cây cối đã trụi hết lá, chỉ còn những cành khẳng khiu co ro trước cái rét chớm đông. Thoạt nhìn một cây khô trụi lá, thì lòng ta khó cảm thấy được một chút nào rung động, nhưng đứng trước một rừng cây trụi lá đầu đông, ta mới cảm nhận được những nét chấm pha tài tình của thiên nhiên nơi đây, như là một họa sĩ đa tài, vẽ tranh thủy mạc. Có những con đường thì lại đầy lá vàng khô. Những chiếc lá vàng rực, nở đầy trên cành, vươn lên thật rực rỡ trong nắng, trông xa như những cành mai vàng bên quê nhà nở rực. Có những con đường đầy lá đỏ, nhuộm tím cả một góc trời và lá rơi rụng đầy trên thảm cỏ xanh mướt.
Không biết ở Mỹ, người trồng cây có tính toán quy hoạch gì không. Nhưng trên đường phố Mỹ hôm nay vào cuối thu, ta sẽ thấy được cây lá nơi đây khoe đủ sắc màu rực rỡ: Từ màu vàng cam, sang tím tím, rồi xanh xanh, rồi đỏ thẫm màu huyết dụ, khiến khung cảnh vào đông của Cali mà lại rất thơ mộng, hữu tình. Những ngọn núi xám xám hôm nào, chỉ sau một vài cơn mưa nhỏ, đã bừng đầy sắc xuân, khoác lên mình một màu áo mới, xanh tươi màu cỏ non, ẩn hiện thấp thoáng là những căn nhà nho nhỏ xinh xắn, có lò sưởi ấm tấm lòng mùa đông.
Tôi cũng rất thích những buổi sáng, trời mờ sương rét mướt choàng chiếc áo ấm ngồi co ro đói rét bên ly cà phê sữa mà nghe nhạc Việt Nam, ngắm xe cộ Việt Mỹ và những sắc dân khác, chạy ngược xuôi trên đường phố xá khu San Jose. Đâu đó, thì thoáng lại những câu hỏi của các bạn trẻ ở đây, thường hay hỏi với nhau "Chừng nào về Việt Nam nữa" người ở Việt Nam thì thèm được đi Mỹ, người ở Mỹ thì lại thích mơ được về Việt Nam chơi. Cuộc đời quả là lẩn quẩn và cũng lắm nức cười. Người Anh thường có câu tục ngự: "Có bên kia đời lúc nào cũng vẫn xanh". Chắc là cũng có lý lắm đây.
Nhưng có một điều không thể chối cãi được, đó là không khí nơi đây thật trong lành, không có những xe "mất lịch sự" nhả cả một bầu trời khói xe đen nghịt vào mắt mũi và phổi của người khác một cách hết sức "vô tư". Cuộc sống nơi đây thật bình yên, an lành và no ấm, thú vật được nâng niu, trẻ em được có những cơ hội ăn học đến thành tài, nhân tài được trọng dụng xứng đáng, người già và tàn tật được chăm sóc y tế chu đáo, hưởng trợ cấp an ninh xã hội, cấp nhà ở đầy đủ.
Nhưng đừng tưởng, ai ở Mỹ cũng giàu có, cũng có xe hơi và cũng có nhà cửa. Ở Mỹ vẫn có những nhà tế bần, dành cho những người vô gia cư (homeless) đến ăn uống và cư trú ngụ tại đây (chẳng hạn ngôi nhà của một tổ chức từ thiện Palo Alto-khu Berkeley-Bay Area-San Francisco) (Homeless find haven in Palo Alto-San Jose Mercury News-Thurday, Dec 12,2002). Vì rằng nếu không có những nhà từ thiện này, thì tất cả những ông già vô gia cư sẽ trở thành những "Em Bé Bán Diêm" hết. Một câu chuyện đầy xúc động của nhà văn viết truyện cho thiếu nhi nổi tiếng, tác giả của câu chuyện Con Vịt Xấu Xí.
(Câu chuyện kể lại một em bé bán diêm, không nhà và đói khát trong một đêm đông lạnh giá. Em đã nhịn đói nhiều ngày và lên cơn sốt nặng. Trong cơn mê sảng, em mải mê quẹt những diêm quẹt mà em có trong tay. Mỗi một diêm quẹt bừng lên trong đêm là em được thấy từng khuôn mặt thân yêu trong gia đình em. Sáng hôm sau, người ta tìm thấy em đã nằm chết cống bên cạnh chiếc hộp quẹt trống không, vì em đã quẹt đến diêm quẹt cuối cùng, chết cống vì rét và đói khát).
*
Chỉ còn vài ngày nữa là tôi sẽ trở lại quê nhà, trong những giây phút ngắn ngủi còn lại, tôi mong được hưởng cái cảm nhận một Noel xa quê nhà trên đất Mỹ như thế nào.
Mặc dầu năm nay kinh tế vẫn còn hai dấu hiệu khó khăn và hồi phục, nhưng có thể nói nước Mỹ đang bước vào mùa mua sắm. Những quần áo thời trang, và đủ loại đồ chơi, những món quà Noel đầy màu sắc rực rỡ, được bày biện khắp những gian hàng thật sang trọng và hấp dẫn. Đó đây vang lên những khúc ca Noel quen thuộc với những bài thánh ca bất hủ, hòa chung một bầu không khí thật êm đềm, để làm đắm say ngây ngất lòng người.
Nó đã vô tình làm tôi lại nhớ đến quê nhà, đất nước tôi giờ đây vẫn còn qua nhiều khó khăn gian khổ, sự cách biệt giàu nghèo ngày càng gay gắt, nhân tình thế thái vànấc thang giá trị đạo đức xã hội đã quá đảo lộn rồi, đến nỗi một ông bạn của tôi (tính tình vốn hơi ba trợn) đã dám hiên ngang phạm thượng, sửa lại lời giáo huấn của cụ Nguyễn Trãi:
Thấy người đói rách thì thương
Thấy người giàu đẹp lại càng thương hơn

Để chế nhạo thói đời thừa gió bẻ măng, trọng đồùng tiền, khinh nhân nghĩa nghèo khó.
Và riêng đối với tôi, những mảnh đời bất hạnh của người dân nghèo khó, vẫn làm trái tim tôi nặng trĩu nỗi đau lòng. Mong rằng những đau khổ, bất hạnh sẽ mãi mãi biến mất trên trái đất này.

Sáng danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thể cho người thiện tâm.

NGUYỄN BÍNH CHÂU

Monday, December 21, 2020

KHÁCH SẠN 22 (CHUYỆN Ở SAN JOSE ) - Khôi An

Tác giả: Khôi An
Lisa choàng dậy, ngóc đầu nhìn. Xe bus vừa đi qua Palo Alto Highschool, nghĩa là chỉ còn vài phút nữa thì tới trạm. Nó gạt cái chăn mỏng sang một bên, chống tay ngồi dậy. Bên cạnh, Ba vẫn đang ngủ, đầu dựa vào cửa kính, miệng hơi há ra. Trong giấc ngủ mà trông ổng cũng như đang lo lắng chuyện gì, đôi lông mày nhíu lại. Lisa lặng lẽ xếp cái chăn rồi nhét vào túi xách dưới chân.
Đèn trong xe bật sáng, tiếng nói quen thuộc từ chiếc loa tự động phát lên “Xe bus đang vào trạm Palo Alto Transit Center, trạm cuối của tuyến đường 22. Xin mọi người chuẩn bị xuống xe.” Trong khoảnh khắc, trong xe ồn ào hẳn lên với tiếng ngáp, tiếng ho, tiếng lôi kéo hành lý, tiếng càu nhàu. Ba nó dụi mắt lia lịa, gài lại áo ấm rồi khoác mấy túi đồ đạc lên vai. Xe ghé trạm rồi từ từ ngừng lại. Người ta đổ xô ra cửa, Lisa và Ba cũng hòa vào dòng người, xuống xe.
Lisa đút hai tay vào túi áo. Tháng Mười rồi, đứng ngoài trời đêm mà không dấu kỹ thì chỉ một lát là hai bàn tay nó lạnh như nước đá. Từ xa, hai con mắt khổng lồ, vàng rực của chuyến xe đi hướng Đông đã hiện ra sau lớp sương mỏng. Lisa thở phào, nó sắp được chui vào trong xe ấm áp…
Chuyến xe về Eastridge Mall cũng gần đầy người. Như thường lệ, hai cha con Lisa nhanh chân giành được băng ghế cuối. Nó ngồi sát cửa sổ, nhìn ra ngoài. Con đường El Camino Real ở khúc này là đẹp nhất vì đi ngang qua thành phố Palo Alto, nơi nó nghe nói rằng chỉ có những người giàu kinh khủng mới có nhà ở đó. Xe đang đi dọc theo khoảng đất rộng hút mắt với những cây thông thật cao, dọc hàng rào có treo những tấm hình rực rỡ về trường đại học Stanford. Cái trường này nó biết vì mùa hè rồi trong những ngày trời nắng ấm hai cha con nó có lang thang đi bộ từ bến xe bus vô đó. Nó mê cái bãi cỏ mênh mông, xanh rờn ở phía trước tòa nhà mái đỏ ngay giữa trường, nhìn xéo qua ngọn tháp cao có cái nóc tròn trông giống như cây viết khổng lồ. Nằm ở đó nhìn lên thì trời xanh biếc, cây xanh nõn nà, nhìn chung quanh thì ai cũng tươi tốt, mạnh khỏe, tự tin. Nó nghĩ cảnh đó chắc giống như ở thiên đàng. Nó mê bãi cỏ đó đến nỗi có lần buột miệng hỏi “Ba ơi, nữa lớn con xin vô học trường này, được không Ba?” Ba nhìn nó, miệng há ra mà không nói được tiếng nào, một lát sau ổng mới thốt nên lời “Ờ…ờ…được chứ con… Con ráng hết sức thì… chắc được…” Nghe nói vậy nhưng nó không tin tưởng lắm vì điệu bộ của Ba nó giống y hệt như lần nó hỏi “Ba ơi chừng nào Mẹ về?” Chỉ khác là hồi đó nó mới sáu tuổi và chưa hiểu “chết” nghĩa là không bao giờ về nữa.
Áp trán vào khung kính lạnh buốt và nhớ lại, nó nghĩ là muốn vô trường Stanford thì nó phải có cây đũa thần. Mà cũng chưa chắc, vì nếu cây đũa chỉ cho một điều ước thì nó sẽ ước cha con nó có một nơi để ở. Nó rất sợ thời gian ngủ lang thang trên mấy băng ghế lạnh ngắt trong những công viên tối thui. Có những đêm trời mưa lâm râm, hai cha con nó nằm ngược đầu đuôi trên băng ghế, đắp chung tấm nylon. Tiếng mưa rơi lộp độp trên nylon làm nó không ngủ được, thêm nữa nó cứ sợ ngủ quên mà trời mưa lớn thì ướt hết sách vở ở trong cái backpack gối dưới đầu. Sau mấy đêm như vậy, giờ hễ thấy trời âm u chuyển mưa là hai lòng bàn chân nó tự nhiên lạnh ngắt.
Cũng may mà hai cha con nó khám phá ra Khách Sạn 22.
Đó là cái tên mà những người không nhà đặt cho tuyến xe bus số 22.
Buổi chiều hôm đó, Lisa cứ nấn ná trên bãi cỏ xanh của trường Stanford nên tới hơn 8 giờ tối mới lên xe bus 22. Hai cha con định đi về khu phía Đông San Jose kiếm chỗ ngủ để ngày mai Ba còn đi xin việc làm ở mấy cái chợ Á châu gần đó. Lên xe, nó ngờ ngợ vì thấy xe đông hơn hẳn những chuyến bình thường, và ai cũng mang nhiều đồ đạc. Một bà ngồi ở băng ghế trước còn có cả một cái xe đẩy chất túi xách, chăn mền. Hơn hai tiếng sau, xe ghé trạm cuối ở Eastridge Mall, nó thấy phần đông khách trên xe lại xếp hàng chờ chuyến xe đi ngược lại. Lúc đó, hai cha con nó mới hỏi thăm và biết là có ba chiếc xe bus chạy vòng vòng trên tuyến đường này cho tới sáng. Từ ngày đó, hai cha con nó gia nhập Khách Sạn 22.
Đây là tuyến xe duy nhất chạy suốt ngày đêm của quận hạt Santa Clara, cũng là tuyến đông khách nhất và chạy con đường dài nhất. Bắt đầu từ Eastridge Mall ở phía Đông thành phố San Jose xe chạy qua đường Tully, quẹo trái đường King, dọc theo đường Santa Clara qua downtown San Jose, nối qua đường Alameda, lên El Camino Real, chạy qua ba thành phố Santa Clara, Sunnyvale, Mountain View trước khi vào thành phố Palo Alto rồi ghé vô trạm chót.
Bây giờ thì Lisa rành lắm rồi. Nó biết rõ đi một chuyến xe thì phải trả hai đô la. Nhưng hầu hết những người trên Khách Sạn 22 đều dùng vé tháng, mỗi tháng bảy chục đô la. Valley Transportation Authority của quận hạt Santa Clara, mà mọi người gọi tắt là VTA, thỉnh thoảng còn cho những người không nhà hoặc những người sắp mất chỗ ở một tấm vé dùng được trong ba tháng. Mấy tấm vé miễn phí đó cũng hiếm hoi như một chỗ ngủ trong những nhà tạm trú (homeless shelter). Dù sao, chỉ tốn bảy mươi đô la mà có phương tiện đi lại và chỗ ngủ trong cả một tháng dài, đối với cha con nó lúc này, là một sự may mắn và vô cùng quan trọng.
* * *
Dù đã lang thang không nhà gần năm tháng, Lisa vẫn không nghĩ hai cha con nó là người homeless. Nó thấy chữ “homeless” nghe buồn bã quá, và chỉ hợp với những người chấp nhận là từ nay về sau họ sẽ không có nhà ở nữa. Cha con nó là những người “between homes”, nghĩa là đang kiếm chỗ ở.
Hồi xưa, lúc còn Mẹ, gia đình nó cũng có “home” trong một khu chung cư rất dễ thương, ở gần cái công viên thật rộng. Cuối tuần Ba tập cho nó chạy xe đạp còn Mẹ thì trải khăn trên thảm cỏ xanh rờn và nướng thịt bay mùi thơm phức. Tới giờ thỉnh thoảng nó vẫn còn nằm mơ thấy Mẹ cười thật tươi dưới tàn lá xanh lấp loáng ánh nắng công viên, và khi tỉnh dậy nó gần như chắc chắn là trong mơ nó đã ngửi thấy mùi thịt nướng.
Ngày đầu tiên nó vô lớp Một, Mẹ nó còn dắt nó đi học, còn đứng lấp ló ngó chừng, khi thấy nó không khóc Mẹ mới đi làm. Ngày Giáng Sinh năm đó nó còn vẽ tấm hình có nó, Ba, và Mẹ đánh son đỏ chót thiệt là đẹp. Vậy mà chỉ vài tháng sau Mẹ vô nhà thương. Bữa cô Cindy, em của Ba, hớt hải chạy vô xin cho nó về thăm Mẹ, cô giáo nắm tay nó và nói “Poor baby” (tội nghiệp cưng). Đó là lần đầu tiên nó thấy Ba khóc, nước mắt chảy ròng ròng. Và đó cũng là lần chót Mẹ mở mắt ra nhìn nó.
Sau đó cha con nó dọn về ở chung với cô Cindy và dượng Ben. Những chuyện xảy ra trong vài năm sau khi Mẹ mất, Lisa chỉ nhớ lác đác, tựa như đầu óc nó lạc trong một giấc ngủ dài sau khi Mẹ ra đi. Nhưng những chuyện gì đã nhớ thì nó nhớ rõ, thí dụ như là nó mới vô lớp Bốn thì Ba bị đau lưng. Dượng Ben nói tại Ba làm cực, khiêng nặng mà không đeo thắt lưng bảo vệ. Ba bịnh chưa hết thì dượng Ben mất việc làm. Ngày dượng tìm được việc làm ở xa, hai cô dượng và mấy đứa con phải dọn đi. Cô Cindy ôm hôn nó và nói “Con ráng ngoan nha”. Giọng cổ nghẹn ở mũi, nó nghĩ cổ nói vậy để khỏi khóc chứ ở chung mấy năm trời, cổ biết lúc nào nó chẳng ngoan.
Từ đó, hai cha con dọn vào một căn phòng nhỏ xíu. Ba vẫn đau lưng rề rề. Ba thuờng phải nghỉ làm, nằm một mình trong căn phòng đóng cửa tối mờ. Một ngày kia đi học về nó thấy trước nhà dán một phong thư. Đem vô đưa Ba coi, Ba không nói tiếng nào. Mãi đến khi ăn xong bữa tối Ba mới lấy thùng dọn đồ đạc vô và nói mình không có trả tiền nhà tháng rồi, chủ nhà gởi thư bắt dọn đi.
Bữa đầu hai cha con tới Commercial Street Inn ở San Jose. Sau khi đứng chờ ở một hàng dài, tới phiên hai cha con nó, cô thư ký lắc đầu:
- Ở đây là nơi tạm trú của các bà mẹ có con nhỏ.
Ba nó nài nỉ:
- Con tôi cũng nhỏ nhưng mẹ nó chết rồi. Cô làm ơn!
Cô ta vẫn lắc đầu:
- Mỗi phòng có bốn, năm đàn bà, con nít ở chung, làm sao tôi cho ông vô? Mà không có ông, ai chịu trách nhiệm cho con bé?
Thấy cha con nó ngần ngừ, ngơ ngác, không biết đi đâu, cô thư ký thương tình cho nằm đỡ dưới đất ngay trong phòng chờ đêm hôm đó. Hôm sau hai cha con lại dắt nhau đi.
Ba dắt nó vô thư viện coi nhờ Internet và xin tài liệu để đi tìm những shelter (nhà tạm trú) khác. Được bà coi thư viện tốt bụng in ra cho một danh sách các shelter trong quận hạt Santa Clara con Lisa mừng quá. Nhìn thấy tới mười chỗ trong danh sách, nó chắc là cha con nó sẽ tìm được một nơi ở tạm vài tuần. Nhưng coi vậy mà không phải vậy…
Tuần lễ đó, hai cha con nó chỉ được ngủ trong shelter có hai ngày vì ở đâu cũng đầy người, nếu tới sau sáu giờ thì chắc chắn không còn giường trống. Có những shelter chỉ dành riêng cho những người bị bệnh tâm thần, và chỉ có một shelter dành cho gia đình chịu cấp phòng cho cha độc thân và con nhỏ. Có lần nó hỏi tại sao quận hạt Santa Clara có tới hai chỗ cho những người mẹ có con nhỏ mà không có chỗ nào dành cho cha với con nhỏ, cô thư ký suy nghĩ một chút rồi nói:
- Bởi vì hầu hết những người có con nhỏ đến nhờ giúp đỡ đều là đàn bà. Em thông minh lắm, nhưng rất tiếc tôi không giúp được em. Người ta đặt ra những chương trình để phục vụ số đông. Cha con em là trường hợp đặc biệt.
Nó thấy buồn nhưng chỉ nắm tay Ba và trả lời: Vâng, cha của con là người rất đặc biệt.
Chỉ có một câu vậy thôi mà cả hai người lớn, cha nó và cô thư ký, đều chớp mắt như muốn khóc.
Trong mấy tháng cha con nó ngày nào cũng vô thư viện tìm thêm tài liệu về những shelter rồi đi xin khắp nơi. Nhờ đọc nhiều nên nó biết được là cứ mỗi đêm ở trong quận hạt Santa Clara có tới hơn năm ngàn người không nhà cần chỗ ngủ. Mỗi shelter thường chỉ có mấy chục phòng, và có những nơi chỉ mở cửa vào mùa Đông. Hèn gì mà cha con nó thường phải ghi tên chờ tới phiên, có khi cả mấy tuần mới được.
Thời đó, cứ sau bữa ăn trưa là hai cha con lo tìm chỗ ngủ. Đi mấy chuyến xe bus mới tới nơi, người ta hết chỗ, đứng ngẩn ngơ vài phút rồi lại ráng đoán xem chỗ nào còn chỗ, leo lên xe đi tiếp. Rồi đêm xuống, vẫn còn ngoài đường, hai cha con thất thểu dắt nhau kiếm tòa nhà nào có chút mái che và sáng sủa cho đỡ nguy hiểm, rồi ráng quấn chăn cho ấm và ráng ngủ. Có nhiều đêm nó biết Ba sợ cho nó, bắt nó nằm vô sát vách rồi lấy chăn trùm kín mít. Vậy mà khi nó giật mình thức giấc vẫn thấy Ba mở mắt nằm thao thức.
* * *
Từ khi có Khách Sạn 22 làm nơi trú mỗi đêm, Lisa thấy đời sống của nó khá hơn nhiều.
Lúc đầu nó hơi khó ngủ vì xe cứ chạy rung rung rồi lại thắng ken két. Mỗi lần tới trạm loa phóng thanh còn phát tiếng nhắc nhở làm nó giật mình hoài. Những khi không ngủ được nó ngồi ngắm các hành khách. Lúc đầu khuya còn có những người đi làm ca đêm hoặc đi chơi về trễ. Những người này có vẻ vội vã, họ thường chăm chú bấm lia lịa trên điện thoại di động trong suốt chuyến xe. Qua hai giờ đêm, xe chỉ còn toàn là những người đi xe mà không có chỗ đến như cha con nó. Họ ngồi gật gù trong giấc ngủ chập chờn hoặc nằm co ro trên các băng ghế. Rồi nó cũng từ từ nằm xuống, gối đầu lên chiếc backpack, và thiếp đi.
Sau vài tuần nó đã quen. Nó có thể ngủ say nhưng luôn thức dậy khi xe tới bến chót, rồi lại ngủ tiếp trên chuyến xe ngược lại.
Điều làm Ba nó mừng nhất là trên xe bus an toàn. Về phần nó, nó thích nhất vì Khách Sạn 22 giúp mọi chuyện trở nên đều đặn. Mỗi sáng nó đi xe tới trường học, chiều về đón xe bus tới thư viện ở đường Alum Rock học bài. Tới giờ thư viện đóng cửa thì nó đi bộ qua tiệm Goodwill ngay gần đó. Tiệm này là nơi bán đồ cho người nghèo, những ngày Ba không đi xin việc thì ổng làm không có lương ở đây.
Những người lái xe chuyến 22 đều biết rõ là nhiều người không nhà dùng chiếc xe làm nơi ngủ nhưng họ không làm khó dễ. Chỉ cần những “hành khách đi không bao giờ tới” này tuân theo luật lệ, không ăn uống, hút thuốc, xả rác, hay làm ồn ào trên xe. Ông Tom, một trong những người lái xe, có lần nói:
- Đối với tôi, những người không nhà cũng như mọi hành khách khác. Nếu họ có vé thì họ được đi xe. Thường thường họ đều là người tốt, chỉ đang gặp khó khăn.
Thoát khỏi nỗi lo lắng về chỗ ngủ đeo đuổi suốt ngày, Lisa học giỏi hơn trước. Có lẽ nhờ ngày nào cũng học trong thư viện nên năm nay nó đạt nhiều điểm cao nhất. Từ khi khai trường vô lớp Năm, nó thường xuyên được điểm A. Lần đi họp phụ huynh về, Ba nó ôm nó thật chặt rồi nói “Ba thiệt không dám tưởng tượng là con giỏi vậy!”
Bạn bè nó không ai biết là nó không có nhà, có lẽ vì hai cha con nó luôn giữ sạch sẽ, gọn gàng. Ngày nào sau giờ học nó cũng tới một trung tâm sinh hoạt cộng đồng có hồ bơi và phòng tắm cho người đi bơi. Nó hòa vô đám người đó tắm rửa rồi giặt quần áo, vắt khô bỏ vô bịch, sau đó trải một tấm nylon phơi lén ở cái bãi đậu xe đằng sau Goodwill.
Từ hồi tháng Chín, mỗi sáng khi xuống xe ở trạm gần trường, nó đều gặp một cặp vợ chồng với một đứa con trai nhỏ đón xe ở đó. Đứa bé chắc đang học lớp Một, giống như nó thời còn Mẹ. Lần đầu tiên nó nhìn họ từ trên xe bus, bà mẹ đang cúi xuống gài lại áo lạnh cho thằng bé. Không hiểu sao nó thấy cái cử chỉ đó, cái dáng điệu đó, giống in như mẹ nó ngày xưa. Lần đó, sau khi xuống xe, nó chậm bước nhìn họ cho rõ. Từ đó, lần nào gặp họ nó cũng phải nhìn, vừa nhìn vừa thầm mong cái buồn buồn xốn xang trong bụng đừng hiện ra trong con mắt. Có lẽ vì nó nhìn họ hoài, họ cũng nhớ mặt nó. Gần đây, ngày nào hai bên cũng nói “Hello” chào nhau. Thỉnh thoảng có ngày không gặp họ, nó cảm thấy chút gì như là mong nhớ…
Một đêm cuối tháng Mười, trên Khách Sạn 22 xuất hiện vài khuôn mặt lạ. Họ tự giới thiệu là phóng viên của báo San Jose Mercury News, nghe nói về nơi này và muốn tìm hiểu thêm. Lisa không muốn nhắc đến chuyện không có nhà nên kéo chăn che mặt, làm bộ ngủ. Ba chỉ miễn cưỡng trả lời vài câu hỏi và không đưa tên tuổi gì hết.
* * *
Lá phong trên hàng cây dọc con đường Alameda đã đổi màu, cửa kính của các nhà hàng đã xuất hiện hình vẽ gà tây bên cạnh những trái bí rợ. Màu cam, màu đỏ của mùa lễ làm Lisa thấy buồn buồn. Cái vui vẻ, ấm áp của người ta làm nó chợt nhớ rằng lâu lắm rồi nó không được nhìn thấy một nồi súp đang bốc khói trên cái lò cháy đỏ trong một căn bếp, nơi mà các gia đình quây quần ăn bữa tối…
…Thứ Bảy, buổi sáng trời nắng ấm. Hai cha con nó xuống xe ở đường Santa Clara rồi đi bộ tới công viên Cesar Chavez. Có một nhóm người đang phát những thức ăn nóng tại đó. Nghe nói có súp đậu, gà nướng, khoai tán, và cả bánh nhân bí đỏ nữa. Những món ăn tuyệt vời, chỉ nghĩ thôi mà đã phát thèm! Nó nắm tay Ba nối đuôi xếp hàng, và háo hức chờ đợi. Chỉ còn năm, bẩy người nữa là tới phiên nó.
Bỗng tim nó thót lại!
Nó vừa nhìn thấy bà mẹ của thằng bé mà nó gặp hàng ngày đang tươi cười đứng trong đám múc đồ ăn cho đoàn người không nhà. Nó lôi Ba tách khỏi hàng, quay ngoắt đi, vội vàng như chạy trốn. Ba nó vừa rảo bước theo vừa hỏi “Sao vậy? Cái gì vậy? Lisa?” Nó không nói gì, chỉ cắm đầu đi. Qua một khúc quẹo, khi biết chắc là bà ta không thể thấy hai cha con nó, Lisa mới đứng lại. Rồi tự nhiên nó thấy giận. Giận vì mình không có nhà, giận vì mình sợ người ta biết, giận vì mình đã làm Ba mất một bữa ăn ngon. Nó bật khóc nức nở…
* * *
- Lisa, con ăn đi!
Tiếng Ba nó nhắc nhở làm nó trở về hiện tại. Nó đang ngồi trong một nhà hàng sang trọng ngay trung tâm thành phố San Jose, đối diện với ông Sam, bà Nancy, và thằng bé Danny (bây giờ nó đã biết tên của họ.) Ánh mắt của bà Nancy thật là vui và ấm áp. Nhưng nó vẫn thấy ngại ngùng, thắc mắc không hiểu tại sao họ cất công mời Ba và nó đi ăn. Không lẽ bà Nancy đã thấy nó bỏ chạy từ đoàn người xếp hàng xin thức ăn hôm nọ, và muốn đền bù cho hai cha con một bữa?
Sáng hôm qua, thứ Sáu, Ba và nó cũng mỉm cười chào gia đình thằng bé như mọi ngày. Bỗng ông Sam tiến tới bắt tay Ba rồi nói:
- Chào ông. Tôi là Sam, đây là vợ tôi, Nancy, và cháu trai Daniel. Chúng ta biết nhau khá lâu rồi, hôm nay tôi muốn được hỏi tên ông và cháu gái.
- Chào ông bà. Tôi là John, con gái tôi là Lisa.
Sau vài câu trao đổi, họ mời cha con nó đi ăn vào ngày mai. Ba nó cũng rất ngạc nhiên, ấp úng từ chối. Nhưng họ thuyết phục mãi, và bây giờ cha con nó đang ngồi đây.
Dù sao những món ăn trên bàn cũng quá hấp dẫn, và vẻ cởi mở, ân cần của hai ông bà cũng không có dấu hiệu gì đáng lo. Lisa bắt đầu cắn vào miếng thịt gà vàng rộm và mỉm cười với thằng bé Danny.
Khi Lisa vét xong muỗng kem tráng miệng cuối cùng, bà Nancy ngồi thẳng lên. Bà nhìn Lisa, rồi nhìn Ba, rồi nói:
- Cách đây hai tuần tôi thấy hình ông và cháu Lisa trên báo San Jose Mercury News.
Lisa nghe máu chạy một cái rần lên mặt. Nó không biết mặt nó đang đỏ bừng hay tái mét. Bên cạnh nó, Ba cũng có vẻ sững sờ. Hai cha con mở to mắt nhìn những người phía bên kia bàn.
Bà Nancy phát một cử chỉ như muốn nắm lấy tay nó. Bà tiếp tục nói, thật dịu dàng:
- Tôi có đưa bài báo đó cho nhà tôi coi. Ổng là giám đốc chương trình của một cơ quan thiện nguyện tên là Dịch Vụ Về Chỗ Ở Vùng Vịnh, và tôi là giáo sư ở trường Đại Học San Jose. Chúng tôi muốn giúp ông và cháu rời khỏi chiếc xe bus 22. Từ đó tới nay, chúng tôi đã gọi cho những người quen biết và tìm được một nơi có thể giúp ông và cháu. Thứ Hai, mời ông tới văn phòng….
* * *
Bây giờ hai cha con Lisa đã được cấp một căn phòng tại một nơi tạm trú cho các gia đình đang gặp khó khăn. Trong thời gian ở đây, Ba nó được đi học những lớp dạy nghề, và người ta hứa sẽ giúp Ba đi kiếm việc.
Mỗi khi nghĩ lại, Lisa thấy có nhiều việc liên hệ với nhau một cách diệu kỳ. Không biết có phải Mẹ đã đưa đẩy cho nó quen được những người tốt bụng để họ giúp đỡ cha con nó hay không.
Bây giờ ước mơ của nó là khi lớn lên sẽ làm giám đốc chương trình giúp đỡ nhà cửa cho người nghèo, giống như ân nhân của nó. Khi đó, nó cũng có thể làm điều kỳ diệu cho những đứa bé không nhà khác, những đứa bé mà nó biết là có rất nhiều ở khắp nơi. Nó tin là nó sẽ làm được, chỉ cần ráng học thật giỏi và quyết tâm.
Và Lisa còn học được một điều mới nữa trong thời gian nương náu trên Khách Sạn 22.
Rằng, có những người thật sự có chiếc đũa thần, nhưng khi mới gặp mình không thấy được.
Bởi vì, chiếc đũa đó, họ cất ở trong tim.
Khôi An