Wednesday, April 17, 2013

Làng quê tôi sau ngày “Giải phóng”

30thang4
Trước ngày dinh Ðộc Lập ra lệnh bỏ Tây nguyên, những hoạt động quân sự của Cộng quân ở đồng bằng miền Trung còn rời rạc. Lực lượng chiến đấu của quân đội Miền Nam đang bảo vệ vững chắc các tiền đồn và nắm ưu thế trên các trận tuyến. Bỗng dưng lệnh di tản ban hành làm cho tinh thần quân sĩ tuột dốc một cách thảm hại và lòng dân hoang mang cùng tột.
Trời chập choạng tối, vầng trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên đỉnh trời  vừa đủ sáng cho mọi người nhìn rõ chiếc trực thăng khẩn cấp hạ cánh trong trại Hoa Lư đón Ðại tá Tỉnh trưởng bay ra căn cứ Chu Lai.
Lửa thiêu hủy những đống hồ sơ mật bắt đầu bùng cháy trong Bộ chỉ huy Tiểu khu. Tiếng la thét, tiếng gọi nhau của thân nhân gia đình binh sĩ làm náo động trong khu trại gia binh. Họ chen chúc trèo lên những chiếc GMC đã ứng trực từ lúc xế chiều.
Chiếc com-man-do-ca dẫn đầu đoàn xe hướng về Chu Lai, nơi đồn trú của Bộ tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh. Con đường chật ních người chạy loạn. Tiếng kêu gào khóc than, tiếng còi xe dẹp đường vang lên thành một âm thanh hỗn độn. Dân chúng chen lấn nhau đạp lên cả thân thể cụ già, trẻ em kiệt sức nằm sóng soài bên lề đường. Dòng người di tản không định hướng, không đích điểm. Họ cứ theo chân quân đội như bị cuốn hút bởi lượng sóng người trong cơn hốt hoảng. Xe kéo tung những đoạn concertina lôi bừa một em bé tựa như kéo theo chiếc mền rách. Ban đầu còn nghe tiếng kêu cứu, dần dà chỉ còn là tiếng khóc vô vọng. Về phía xa xa, đạn pháo của Cộng quân chận đường đã bắt đầu nổ vang.
Mây đen kéo kín bầu trời che khuất ánh trăng thượng tuần, đoàn người di tản như dòng sông cuồn cuộn chảy trong bóng đêm mịt mùng . Họ chen chúc, đan chân rít quanh những chiếc xe lăn bánh chậm chạp lên dốc đồi Chùa. Bỗng, tiếng nổ xé màn đêm của qủa  đạn B 40 VC bắn vào chiếc com-man-do-ca dẫn đầu. Lửa bùng lên, tiếp theo là đại liên, lựu đạn, súng AK bắn xối xả vào đoàn người hoảng loạn. Xác người ngã xuống trên đường, trên bờ nương ruộng lúa,.
Vượng bị hất tung khỏi xe, nằm bất tỉnh trên bờ cỏ vệ đường. Vượng  tỉnh dậy lúc trời vừa tờ mờ sáng. Khói vẫn còn bao phủ cả một vùng rộng lớn. Xác người, xe cộ, túi xách, ba lô, quần áo trận, giày dép ngổn ngang trên quốc lộ. Vượng đứng lên nhìn quanh quẩn. Bất chợt anh  nhận ra xác của Ðại úy Xương, trưởng phòng Tâm lý chiến Tiểu Khu. Sát chân đồi là xác Trung úy Nghiêm, người cùng quê với Vượng , anh kéo hai người ấy vào một nơi. Cách một đoạn xa là thi thể Trung tá Bằng chỉ huy trưởng trung tâm Yểm trợ Tiếp vận nằm bên gốc cây bạch đàn.

 Lê đôi chân rã rời về hướng quận Bình Sơn, Vượng lại bắt gặp xác hai người bạn thân, Thiếu Tá Lê Hòa Tham Mưu Phó CTCT và Thiếu úy Nguyễn Văn Thìn phụ tá phòng Chính Huấn.
Trước những cái chết đầy thương tâm của chiến hữu, lòng Vượng chai lạnh chẳng còn chút lo âu, sợ hãi. Anh sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống. Chết hay vào tù đều như nhau. Với bộ áo quần trận bê bết bùn và máu, Vượng thất thểu nhập vào đoàn người quay về mỗi lúc mỗi đông. Từ Bình Liên vào Sơn Hương, một đoạn đường tuy ngắn nhưng đầy hãi hùng. Những thây người nát nhầy như những con thú bị nhiều lần bánh xe lăn qua. Những đứa bé nằm chết bên thây mẹ, xác cụ già còn ôm trong lòng chiếc xách tay.
Gương mặt phờ phạc, đôi mắt thất thần, Vượng lầm lũi bước đi . Anh nghĩ đến người chị có còn ở thị xã hay đã bỏ xác đâu đó trên đoạn đường kinh hoàng nầy. Vượng nghĩ đến thân phận mình, gần nửa cuộc đời bây giờ trắng tay.                                                                                                                  
 Vừa đi vừa suy nghĩ miên man, chợt tiếng quát : “đứng lại!” Vượng giật mình nhìn lên. Hai nòng súng AK chĩa thẳng vào anh. Một tên đội nón tai bèo, tên kia nón cối. Cả hai đều mặc áo quần bà ba. Thoạt nhìn Vượng biết ngay là bọn du kích.
 Một tên lớn tiếng hỏi :
-          Súng đâu ?
-          Mất, Vượng mệt mỏi trả lời
-          Ðưa tay lên !
Tên đội nón tai bèo ra lệnh rồi bước tới lục soát quanh người Vượng, hắn hỏi :
-   Tên gì ?
-    Vượng
Tên nón cối quát :
-    Trả lời cho đầy đủ tên họ.
-    Hoàng Ðình Vượng.
-    Cấp bậc ?
-          Ðại úy.
-          Quê quán ?
-          Lộc Sơn.
Hai đứa nhìn nhau, một tên bảo :
-          Cởi giày !
Vượng ngần ngừ, tên kia đưa báng súng lên hăm dọa :
-          Cởi giày ra nghe không, muốn ăn báng súng sao ?
-          Vượng ngồi xuống cởi đôi giày sô để trước mặt. Tên nón tai bèo tiếp :
-          Cởi luôn cả tất nữa.
Vượng vừa bỏ đôi vớ vào giày, tên nón cối vội chụp lấy, cột chung hai chiếc giày lại với nhau rồi mang lên vai. Sau khi trói tay Vượng bằng sợi dây dù, chúng chĩa súng vào lưng đẩy anh đi về hướng huyện lộ.
Hai tiếng đồng hồ đi trên con đường đầy đá dăm, đôi bàn chân trắng mịn của Vượng  phồng lên, vỡ ra tươm máu. Những mảnh đá dăm trải đường nhọn hoét thay nhau cứa vào gan bàn chân đau buốt thấu xương. Thêm vào đó cơn khát nước đến cùng cực, khiến Vượng muốn bỏ chạy để nhận những viên đạn bắn đuổi theo may ra giải thoát được nỗi đau khổ nầy. Chợt, chúng đẩy Vượng vào căn nhà bên đường. Một cụ già xách ấm nước rót mời hai tên du kích và cả Vượng . Bát nước chè tươi thơm lừng mùi vị  thôn quê khiến Vượng  nhớ đến những tháng năm thơ ấu bên vườn cây ăn trái và hàng chè xanh sau nhà. Thấy hai bàn chân đầy máu, bà cụ đem cho Vượng  hai mảnh vải mùng cũ. Bà nhìn anh với ánh mắt đầy lo ngại.
Vượng tiếp tục lên đường, đôi chân nhờ mảnh vải mùng quấn rịt vết thương nên đỡ phần cọ xát với đá sạn.
Chúng dẫn Vượng  băng qua con suối cạn bên dưới cây cầu bị giựt sập, dấu hiệu đầu tiên của  vùng  đất  hoàn  toàn  mất  an
ninh.                                                                                                                  

 Quê Vượng đây rồi, Lộc Sơn!  Vườn nhà xơ xác, cánh đồng phì nhiêu ngày xưa giờ đây bị bỏ hoang quá nửa. Mười mấy năm cách xa, giờ thấy lại nơi chôn nhau cắt rún của mình, lòng Vượng bồi hồi thương cảm.
Ðứng đón giữa đường là một người đàn ông dong dỏng cao mặc áo quần bộ đội, túi dết đeo vai và chiếc radio treo lủng lẳng bên dưới nách. Một vết sẹo vắt ngang gò má trái chạy dài xuống quai hàm khiến khuôn mặt của hắn bị lép một bên trông dữ dằn như một tay đại ca sống  nghề  đâm  thuê  chém  mướn.
Tên du kích trao đổi điều gì đó, hắn quắc mắt nhìn Vượng rồi ra lệnh đưa anh về cơ quan. Cơ quan lâm thời xã là ngôi đình làng đổ nát. Chúng nhốt Vượng trong  góc ngôi đình, cây rừng chắn ngang chằng chịt như chuồng nhốt hổ.                                                                                                      
Ba ngày sau,  lần lượt chúng dẫn về hai Nghĩa Quân, một lính Ðịa Phương Quân và ông thầy pháp sư. Tất cả đều là người địa phương. Ông pháp sư tên là  Lâm Hoa có bộ râu năm chòm trông  rất tiên phong đạo cốt. Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa ông Hoa là cán bộ Diệt Trừ Sốt Rét.

Ngày ngày đám tù binh làm công việc gánh đất lấp hố bom . Vào một đêm trăng, chúng mở cửa gọi tên Lâm Hoa. Ông pháp sư mừng rỡ, hi vọng được tha về. Ông niềm nỡ bắt tay từng  người  chúc  ở  lại  về  sau.                                                                                                                                           
Chúng dẫn ông đến cái hố bom đang lấp nửa chừng, bảo ông đào đất lên tìm cây súng bỏ quên. Khi hố vừa đủ sâu cho một người nằm, chúng dùng báng súng đánh vào đầu ông rồi bồi thêm vài viên đạn. Xác pháp sư được lấp lại sơ sài. Sáng ngày hôm sau, toán tù binh tiếp tục đổ đất lấp đầy hố. Xác ông Pháp sư nằm sâu giữa lòng ruộng, hồn ông đâu có biết cộng sản ghép  tội cán bộ Diệt Trừ Sốt Rét là gián điệp CIA !
 Sau ngày Dương văn Minh buộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng , dân tị nạn ở các khu định cư ùn ùn về lại quê cũ. Quê cũ còn đó, nhưng ruộng vườn thì mất sạch. Cán bộ địa phương và dân bám trụ chiếm đoạt hết thảy những đám ruộng nhất điền, những  khu  vườn  thuận  nước.
Dân làng chạy tránh bom đạn bị kết tội theo “ngụy”mất hết quyền lợi. “Bàn tiệc chiến thắng” tại địa phương cũng được chia thành ba cấp. Chiếu trên là cán bộ đảng viên, chiếu giữa là dân bám trụ, chiếu dưới cùng là đám dân hồi cư chỉ còn gặm xương !
            
Ngày lễ Lao Ðộng 1 tháng 5, chính quyền xã Lộc Sơn đưa Vượng  ra trước cuộc mít - tinh. Tên công an xã đọc đơn đồng bào tố cáo Vượng là thủ phạm giết đồng chí huyện ủy Thanh Kiếm trong ngày 26 tháng 7 năm 1970. Người đứng đơn là Bùi thị Ðịnh. Thị Ðịnh là cháu của cố huyện ủy Thanh Kiếm đã bỏ quê theo chồng là Trung sĩ Biệt Ðộng Quân từ năm 1964. Chồng tử trận. Người mẹ là dân bám trụ dụ con gái bồng cháu chạy  về  vùng  “giải phóng”  trước  tháng  Ba năm  75.                                  
Trong buổi mít - ting Bùi thị Ðịnh phát biểu:
“Chính tôi trông thấy tên Ðại úy Vượng bắn hai phát súng lục vào đầu cậu tôi, rồi sai người dập xác trên đồi Trâm.”
Tên công an tiếp  :
“Theo lời nhân chứng, như vậy ta có thể kết luận tên Hoàng đình Vượng thuộc loại ác ôn. Ai đồng ý giơ tay ?”
“Tôi không đồng ý,” giọng khàn khàn của một người đàn ông cụt chân, chống nạng bước ra:
“Kính thưa bà con, tôi tên là Dương Thái Lan, thương binh bộ đội xin phép trình bày trước cuộc họp. Căn cứ vào 12 điểm của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời, tôi mạo muội xác nhận điều nầy. Ðồng chí Huyện ủy Hoàng Thanh Kiếm đã hi sinh trong trận đụng độ giữa đơn vị ta và trung đội Nghĩa Quân địch phục kích. Tôi là người trong toán quân bảo vệ đồng chí ấy. Do ổ trung liên của địch bắn rát quá, chúng tôi không vào kéo được xác. Ðồng chí Kiếm chết ngay trên trận địa do đạn trúng vào ngực. Không biết lúc đó tên đại úy Vượng làm gì, ở đâu.
“Tôi biết”. Một phụ nữ trong đám đông đứng lên xác nhận :
“Tên Vượng lúc bấy giờ còn mang lon Trung úy làm viêc trong quận. Hôm ấy tôi đi lấy tin tức đã chứng kiến thi hài của đồng chí Kiếm bỏ nằm ở trước ngõ quận. Chính tôi và chị Ðịnh đây đã bấm tay nhau khi thấy tên Vượng cố vuốt mắt cho đồng chí ấy nhưng mắt không chịu nhắm lại.
Một phụ nữ khác đưa tay lên phản đối :
“Theo trình bày của chị Lụa là thiếu tinh thần cảnh giác cách mạng. Tên Vượng vuốt mắt cho đồng chí Thanh Kiếm chỉ là đòn Tâm lý chiến của địch. Tôi tán thành quyết định của đồng chí công an xã. Ðã là sĩ quan ngụy là đương nhiên có tội ác với nhân dân, với cách mạng. Bọn chúng nó toàn là những tên ác ôn, cần phải xử lý.”                                                                                                       
Người vừa phát biểu là Phan thị Thuận, chồng bị tử thương do đạn pháo binh của quân đội Cộng hòa bắn yểm trợ trong trận đánh Ba Gia. Mụ nầy nổi tiếng căm thù “Mỹ Ngụy” từ đầu đến chân!
 “Chúng tôi yêu cầu chị Nguyên cho ý kiến”.Một người trong đám đông đề nghị.              
Trương thị Nguyện là vợ góa của Huyện ủy Hoàng Thanh Kiếm. Chị đứng lên mắt còn đẫm lệ, giọng run run:
“ Tôi có hay biết gì đâu, hai ngày sau mới nghe bà con ở thị xã nhắn tin là anh Kiếm đã bị tử thương, mộ chôn tại đồi Trâm. Người ta nói thằng Vượng cho tiền mua hòm và chôn anh ấy tử tế.” Nói đến đây, chị ôm mặt khóc òa.
Buổi họp bị ngưng ngang, tên công an cho lệnh giải tán. Ngày hôm sau, chúng áp giải Vượng đến trại tập trung F7A. Vượng chẳng biết lý do nào lại đưa anh ra trước quần chúng để lấy ý kiến trước khi xử lý. Ông thầy Lâm Hoa và bao nhiêu người khác bị giết một cách oan ức, chúng có hỏi ý kiến ai đâu ?                                                                                                
Vượng “mù” nhưng đồng bào rất “sáng”: Tên Bí Thư xã muốn lập công cho Bùi Thị Ðịnh đứng ra tố cáo tên đại uý Vượng thuộc loại ác ôn để chứng tỏ y thị có tinh thần cách mạng cao độ hầu hắn được phép làm cha hợp pháp cái thai của y thị đang mang dòng máu của y.

    Những thương nhân nào trước đây có đóng thuế hoặc ủng hộ cho “giải phóng” thì nay về quê được phép xin hợp đồng với chính quyền mở các tổ hợp.
Ông Trần Ba, một thương gia lớn có nhà buôn ở dưới phố xin phép địa phương mở tổ hợp sản xuất xì dầu lấy hiệu Ông Phật Ngồi. Chất lượng xì dầu được đánh giá rất cao. Tổ hợp làm ăn ngày thêm uy tín. Sản phẩm cung ứng dồi dào cho các cơ quan thương nghiệp trong toàn tỉnh, sau lan rộng đến các vùng lân cận. Hãng xì dầu còn mở thêm  vài  chi  nhánh  khác.                                                     
Bỗng một hôm, công an tỉnh về địa phương bắt ông Trần Ba, trưởng tổ hợp. Họ ghép tội ông là cư sĩ phật giáo hoạt động cho phái Việt Nam Quốc Tự, dùng nhãn hiệu Ông Phật để tuyên truyền đạo giáo làm kinh tài cho Viện Hóa Ðạo thuộc Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, có biểu hiện liên lạc với các thượng tọa, đại đức phản quốc chạy ra nước ngoài. Toàn bộ tài sản của Tổ hợp xì dầu bị tịch thu, giao cho Hợp tác xã Thương nghiệp quản lý. Ông Trần Ba vào tù không bản án. Nhãn hiệu Ông Phật Ngồi được đổi tên Xì Dầu Giải Phóng.                                                                                                                                                          
 Một mặt, thiếu nguời có kinh nghiệm pha chế, mặt khác nguyên liệu bị thất thoát do cán bộ điều hành ăn cắp nên chất lượng xì dầu mỗi ngày mỗi sút giảm. Ðúng một năm sau hãng xì dầu thua lỗ, nguồn vốn cạn kiệt, mấy ông cán bộ hợp tác đành “giải phóng” cái hiệu xi dầu nổi tiếng trước kia. Dân chúng xít xoa, tiếc rẻ xì dầu hiệu Ông Phật Ngồi. Người nông dân thuộc các vùng đất nà, đất thổ phải gánh chịu một thiệt thòi lớn lao là mất đi nguồn tiêu thụ đậu phụng và đậu nành.
Riêng lò ngói được thành lập với danh nghĩa hợp tác xã Gạch ngói Chiến Thắng thuộc Phòng Công nghiệp huyện.  Người góp vốn nhiều nhất và có tay nghề cao là Bùi văn Tuân. Tuy là tài xế “lính ngụy”, nhưng Tuân có thế dựa vào ông cha tập kết đang là giám đốc trường Ðảng. Tuân có kinh nghiệm về kỷ thuật đốt lò, lại có khả năng điều hành kiêm giao tế nên được đề cử giữ chức đội trưởng. Hắn ký được khá nhiều hợp đồng trao đổi sản phẩm gạch ngói lấy về củi đốt lò, dầu chạy máy và một số hàng nhu yếu phẩm nhượng lại cho công nhân.
Ðời sống của công nhân gạch ngói mỗi ngày mỗi khấm khá. Vì vậy Bùi văn Tuân được nhiều người quý mến và biết ơn. Trong các buổi tiệc cưới, đám giỗ hắn thường được mọi người tiếp đón ân cần niềm nở có phần vượt trội hơn cả đảng viên, cán bộ chính quyền địa phương.
Hợp tác xã gạch ngói Chiến Thắng làm ăn suông sẻ được ba năm. Bỗng đâu có nguồn tin rỉ tai trong đám công nhân rằng ông Ðội trưởng là tên phản động. Rồi đơn tố cáo được tung ra Bùi Văn Tuân là lính Chiến tranh Tâm lý thường lái xe đi rao loa tuyên truyền ngoài đường phố. Hắn còn chở toán Dân sự vụ đến các khu định cư chiếu phim chống cách mạng. Với  lý  do nêu  trên, Bùi  Văn Tuân  bị  cách chức Ðội  trưởng
Tuân chán nản bỏ làng đi kinh tế mới vùng Ðạ Oai. Tại đây, hắn ăn nên làm ra nhờ cái nghề đốt lò ngói chuyên nghiệp. Còn cái nghề cũ “rao loa” chẳng ảnh hưởng gì đến ngọn lửa trong lò nung ngói !
Hơn một năm sau, Hợp Tác Xã Gạch Ngói Chiến Thắng trở thành “chiến bại” bởi thiếu người quản lý giỏi và tay nghề cao. Củi đốt lò là khâu chính yếu mà chẳng có lâm trừơng nào đứng ra ký hợp đồng trao đổi sản phẩm. Người trách nhiệm khâu đốt lò toàn là tay mơ,độ lửa chưa tới nên khi ngói ra lò bị vỡ gần một nửa .
Hồi xã Lộc Sơn chưa mất an ninh, Phan Thị Thuận là tay nội tuyến lỳ đòn nhất.  Ban đêm thị mở cổng rào vi đón cán bộ Cộng sản vào hoạt động bên trong ấp chiến lược, nuôi cán bộ hồi kết dưới hầm bí mật, thu mua thuốc tây cung ứng cho mật khu.
“Giải phóng” tới, mụ có quyền võ ngực ta đây là người có công to chẳng coi ai ra gì. Năm 1979, chính sách của nhà nước quy định mỗi gia đình chỉ được một sào vườn. Mụ Thuận giữ đám đất hương hỏa của dòng họ chồng rộng đến hai sào tây. Thu hoạch hai mùa mía của hai năm vừa qua là mụ đủ xây lại ngôi nhà thờ mái ngói tường gạch khang trang hơn cả căn nhà cũ bị bom đánh sập.  Bây giờ lệnh trên buộc phải cắt đám đất mất hai phần ba diện tích, mụ căm lắm.
Ðúng ngày ấn định đoàn quy hoạch đến đo đất, Phan thị Thuận tay cầm con dao phay, quần xăn quá đầu gối đứng chận ngang ngõ vào vườn. Với khuôn mặt “đằng đằng sát khí” mụ tuyên bố với mấy tên cán bộ hợp tác :
“Thằng nào bước chân lên đám đất nầy, tao bằm xác cho heo ăn .”
Ðoàn cán bộ “lạnh cẳng” quay về báo cáo cấp trên. Một tuần lễ sau, mụ Thuận nhận được giấy mời của ủy ban huyện. Lợi dụng khoảng thời gian mụ đến huyện, cán bộ xã tức tốc đến đám đất chặt mía, cắm cọc chia lô. Biết trò “xỏ lá” của chính quyền, mụ bất ngờ quay về, chạy vào nhà lấy cái giáo đâm heo rừng ví bọn cán bộ chạy tán loạn. Tên Bí thư xã ra lệnh toán du kích tháp tùng bắt mu trói lại.                                                                                                                                                  
 Trước thái độ hùng hổ và liều mạng của mụ, chẳng có tay nào dám liều chết xáp vào. Thừa thắng, y thị xông tới chỉ mặt tên Bí thư xã mắng :
“Thằng Sáu Cần kia, mầy là thằng ăn cháo đái bát. Mầy còn sống đến ngày nay là nhờ cái “ huy chương nầy đây”.  Mụ vừa nói vừa tuột quần xuống để tênh hênh cái của…  rồi  vỗ lia lịa  vào đó tiếp :
“Tao đã dùng nó để cứu mầy đó, biết chưa ? Mầy sống dưới hầm bao lâu là tao nuôi ngập mày, ngập mặt mầy bấy lâu, kể cả cái thằng huyện ủy Ba Hưng cũng thế, tao vừa cho ăn vừa cho ngủ. Tao bị tra khảo chết lên chết xuống cũng không khai lũ chúng mầy. Nếu biết mày trở mặt như ngày nay thì tao đã để cho ngụy nó vằm xác, còn đâu đến bây giờ bọn bay ăn trên đầu trên cổ của đồng bào.”
Thấy không có kết quả gì mà ở lại càng bị mụ đào bới cái quá khứ nhơ nhớp của mình  nên Chủ tịch kiêm Bí thư xã ra lệnh cho toán quân rút lui.
***
Cái hố bom có xác ông thầy Lâm Hoa nằm giữa ruộng, mỗi ngày mỗi cao lên như một nấm mộ. Người làm thửa ruộng nầy là lão thương binh Dương Thái Lan lấy làm lạ, mùa nào cũng tốn công ban nấm đất ấy ra cho bằng mặt. Một đêm nằm mộng, lão thương binh thấy một cụ già có bộ râu năm chòm đến bảo:                                                                                                                         
“Phần đất của ta nhà ngươi đừng đụng tới. Hàng năm đến ngày Rằm tháng Tư sắm hương đèn, hoa quả đến đó dâng lễ , ta sẽ cho lộc”.
Bẵng đi một thời gian, đến mùa mưa phùn, cứ vào giữa khuya, lâu lâu có một luồng sáng xanh phụt lên từ đám ruộng ấy rồi bay là là trên cánh đồng. Dân làng bảo hồn  người  hóa  ma  trơi.               
 Mùa tháng ba vừa gặt xong, hai cha con Dương Thái Lan làm đất chuẩn bị cho mùa tới. Bỗng thằng bé ngã bất tỉnh trên phần đất cao giữa ruộng. Lão ta hấp tấp đến đỡ con ngồi dậy. Bất ngờ nó chỉ vào mặt cha quát :
“Ta là Thầy Thuận Tử Lâm Hoa đây. Ta đã báo cho nhà ngươi rồi, cớ sao vẫn còn đào bới phần nhà đất ta nằm. Hãy đắp cao nấm đất giữa ruộng nầy lên.”
Thằng con trai mười lăm tuổi của lão thương binh nằm liệt suốt mấy ngày không ăn uống. Lão cạy miệng cho uống đủ loại thuốc mà vẫn như không. Có người khuyên lão nên đi coi thầy, lão không tin, nhưng vì nóng lòng trước bệnh tình của thằng con nên nhờ láng giềng giúp hộ. Lão chợt nhớ đến giấc mộng trước đây ông lão đã hiện ra căn dặn ngày Rằm tháng Tư... Ðúng ngày này, lão âm thầm sắm nhang đèn, hoa quả mang ra mộ, nhìn trước nhìn sau có kẻ nào theo dõi không rồi thắp hương khấn vái. Khi về đến nhà lão thấy thằng con đang ngồi ăn bát cháo nguội. Lão vui mừng tột độ nhưng “bộ não duy vật” của lão vẫn còn bán tín bán nghi.
Mùa lúa năm ấy dân làng thấy cái mả khổng lồ bỗng nhiên mọc giữa ruộng của lão thương binh. Dần dần tiếng đồn của dân trong làng loan truyền có mả hoang xuất hiện giữa ruộng lúa. Mới đầu, một vài người chơi số đề lén đến mả cầu xin con số hên. Không biết hồn thầy Lâm Hoa linh thiêng hay gặp may mà dân trong làng trúng đề liên tiếp. Người trúng số nhớ ơn người chủ đất mang tiền đến nhà biếu. Ban đầu lão thương binh ngại ngùng nhưng mỗi ngày số tiền thâu vô khấm khá nên lão ta công khai cho phép mọi người đến đó cầu xin cúng kiến. Ngày mồng một, ngày rằm  người kéo đến cúng mả Thầy đông như hội. Lão đặt một thùng “phước sương” trên mộ để khách thập phương tùy hỷ cho tiền bù lại số lúa bị giẫm hư. Bỗng một hôm trên mộ xuất hiện cái am thờ sơn màu đỏ của ai đó lén dựng lên vào lúc đêm khuya.
Tình hình dân chúng tin vào thần linh mỗi ngày mỗi mạnh làm lấn át tinh thần duy vật, khiến chính quyền lo ngại nên ra lệnh cho lão thương binh dẹp bỏ cái am và rào kín mộ ấy lại. Lão không tuân hành, chính quyền dùng biện pháp lấy lại khoảnh ruộng. Túng thế lão khiêng cái am về nhà.
Bỗng một hôm, thầy Thuận Tử Lâm Hoa nhập vào con trai lão thương binh. Ngài nhận xác đồng làm đệ tử. Từ đó nhà lão Dương Thái Lan tấp nập người đến cầu số đề, xin thuốc chữa bệnh và cả những người có dự định vượt biên, thầm kín van vái Ngài cho biết “chuyến ra đi” sắp tới có gặp trắc trở gì không ? Phần lớn những điều cầu xin đều linh ứng. Có những căn bệnh không có thuốc trị, thầy cho vài loại lá sắc uống là lành ngay... Một đồn mười, mười đồn trăm lan ra cả tỉnh. Thế là chính quyền tỉnh ra lệnh cho huyện, huyện chỉ thị xuống xã phải dẹp bỏ cái tụ điểm “mê tín dị đoan” tại nhà cựu bí thư chi bộ Dương Thái Lan.
Tên công an và một nhóm du kích xã đến nhà lão thương binh đọc lệnh của ủy ban huyện, yêu cầu chủ nhà triệt hạ am thờ. Lão thương binh chống cự, tên công an xen tay áo tuyên bố :
“Các người sợ cái xác thối của thằng Lâm Hoa đấy à ? Tao là người giết nó đấy, và tao xác nhận là đã vùi thây nó dưới hố bom để đền tội làm gián điệp cho đế quốc. Nay tao đích thân dẹp bỏ bàn thờ thử xem nó làm gì tao.”
Chú bé xác đồng đi thăm ruộng về, cái cuốc còn vác trên vai vừa bước chân vào nhà thấy tên công an đang dang hai tay giật cái am thờ xuống. Chú bé trợn trừng đôi mắt đỏ ngầu hét lên: “ Ta là thầy Thuận Tử Lâm Hoa đây” trong nháy mắt, xác đồng đưa cao lưỡi cuốc bữa vào đầu tên công an xã. Am thờ chưa kịp hạ xuống tên công an đã ngã quỵ. Máu tuôn xối xả, hắn chết tại chỗ. Một tràng cười của cụ già phát ra từ miệng chú bé mười lăm tuổi khiến cho mọi người chứng kiến rởn tóc gáy, xanh máu mặt.   
                  
Xác đồng ngã xuống bất tỉnh

Tác Giả: Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

No comments:

Post a Comment