Không hề thắc mắc.
Trong mấy ngày qua có
chương trình truyền hình trên thủ đô DC với quý ông Bùi Dương Liêm phỏng vấn anh
Nguyễn Thanh Tú. Đề tài liên quan đến cuốn phim phóng sự Mỹ thực hiện tựa đề "Khủng
bố tại Little Saigon". Ngay khi phim phổ biến, tôi liền lên tiếng
phê bình và sau đó có tin anh Thanh Tú muốn mở cuộc điều tra về việc thân phụ
anh bị giết 34 năm về trước. Phần mở đầu phỏng vấn có đề cập đến cá nhân chúng
tôi. Anh Thanh Tú nói rằng "ông Vũ văn Lộc có hỏi nhiều lần ai đứng đằng
sau Thanh Tú. Tiếp theo anh Tú tự trả lời là cộng đồng đứng đằng sau anh.
Chúng tôi xin nói lại cho đúng: Tôi không hề đặt câu hỏi ai
đứng đằng sau anh Tú. Tôi không biết anh Tú. Không liên hệ , không đối thoại, không
liên lạc, không nói chuyện, không thắc mắc, không đặt câu hỏi trực tiếp hay
gián tiếp với anh Tú. Tuyệt đối tôi không hề quan tâm và đặt câu hỏi về việc ai
đứng sau lưng anh Nguyễn Thanh Tú. Chuyện này không nằm trong việc lên tiếng của
chúng tôi chỉ trực tiếp với cuốn phim.
Xin được phép gửi lời phân trần đến quý vị thân hữu xa gần.
Nhắc lại
câu chuyện như sau.
Khi cuốn phim của phóng viên Mỹ phổ biến, tôi xem qua và hết
sức bất bình về tính cách sai lạc, thiếu chuyên nghiệp, ác ý và bôi xấu toàn thể
cộng đồng Việt Nam. Tôi là người biết rõ về một vụ trong 5 vụ được cuốn phim đề
cập qua phóng sự Little Saigon. Đó là cái chết của Dương trọng Lâm tại San
Francisco. Cháu Lâm là con trai của trung tá Dương văn Lạng bạn của chúng tôi
cùng trong quân ngũ và cũng là người đồng hương tại San Jose. Khi Lâm bị hạ sát,
gia đình đem chôn tại Nghĩa Trang Việt Nam Los Gatos. Đây là Nghĩa Trang Việt
Nam đầu tiên của người Việt tại Hoa Kỳ do chính cơ quan của tôi thành lập. Ngay
sau đó có người phản đối và yêu cầu cải táng ngôi mộ của cháu Lâm đi nơi khác.
Tôi không chấp nhận. Mộ của Lâm đã được để lại cho đến sau nầy gia đình tự động
đem đi nơi khác. Trong nhiều năm, tôi có dịp chia xẻ với anh Dương văn Lạng về
sự đau thương khi cha con anh có những lý tưởng khác biệt. Cháu Lâm là sinh
viên du học nhưng rất nhiệt thành với chính quyền cộng sản Hà Nội nhất là sau
khi cộng quân chiếm được miền Nam. Lâm cư ngụ tại San Francisco và phát hành bản
tin hàng tháng tuyên truyền cho cộng sản. Dương Trọng Lâm không phải là nhà báo
và bản tin của Lâm không phải là một tờ báo. Ông Dương văn Lạng là sĩ quan
QLVNCH tỵ nạn cộng sản hiện đã qua đời.
Sau khi xem phim, vì rất bất bình với nội dung cuốn phim gây
ảnh hưởng vô cùng xấu xa về cộng đồng Việt Nam dưới mắt khán giả Hoa Kỳ. Đặc biệt
là chúng tôi lại biết rõ về trường hợp cái chết của cháu Dương Trọng Lâm ở vào thời
đó tôi chưa từng thấy tin tức về Kháng Chiến xuất hiện. Ngay sau khi xem phim
tôi viết báo và cũng lên TV phê bình cuốn phim. Tôi cho rằng cuốn phim đầu voi
đuôi chuột, rất hại cho cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ. Tôi lên tiếng với tư cách là
một công dân Mỹ gốc Việt. Tôi không lên tiếng cho Kháng Chiến hay Việt Tân. Tôi
nhận thấy phim xử dụng tài liệu cắt xén đầy gian ý. Quý vị được mời phỏng vấn đều
bị tay phóng viên Hoa Kỳ lừa dối, gài bẫy. Hỏi nhiều lần nhưng không nói theo ý
của đạo diễn nên dùng rất ít. Cả ban tổ chức đại hội cựu chiến sĩ thiết giáp
VNCH cũng bị lừa vì dùng hình ảnh của anh em nói là để làm phim về sinh hoạt cộng
đồng. Sự thực là mục đích khác. Nội dung cuốn phim vẫn còn trên Internet với chứng
cớ cụ thể. Quí vị cứ vào xem lại để biết rõ. Tuy nhiên, khi lên án cuốn phim,
chúng tôi chỉ đề cập đến vụ án Dương Trọng Lâm là chuyện miền Bắc CA nơi chúng
tôi sinh sống. Với những tình tiết chúng tôi biết rõ. Tôi tuyệt đối không hề
nói gì đến các vụ án nơi khác. Đặc biệt không để cập đến cái chết của ông Đạm
Phong là thân phụ anh Tú. Những chuyện này chúng tôi không biết và hoàn toàn
không nói đến. Chuyện anh Tú xuất hiện sau này. Chúng tôi tuyệt đối không thắc
mắc, không đặt câu hỏi là ai đứng sau lưng anh. Chúng tôi nghĩ rằng anh này đã
không xem kỹ các tài liệu nên nhớ sai. Phần trình bày của tôi trên TV và trên
báo chí hiện vẫn còn nguyên vẹn. Quý vị có thể tra cứu bất cứ lúc nào.
Sau cùng, tôi xin xác định thêm lần nữa, vì không biết rõ về
các vụ án mạng ở nơi khác hơn 30 năm trước nên không có ý kiến. Tuy nhiên sự ác
ý, xuyên tạc, ý đồ xấu xa để thực hiện một cuốn phim hoàn toàn đầu voi đuôi chuột
của tay phóng viên hết sức vô lương tâm đã làm hại cho tất cả cộng động Việt
Nam là một sự thật hiển nhiên. Tay phóng viên này không hề có ý định đi tìm
công lý cho bất cứ ai. Anh ta chỉ muốn đi tìm danh vọng truyền thông cho chính
anh và không ngần ngại gài bẫy mấy người trong cuộc được phỏng vấn đề có tìm ra
các sơ hở ngõ hầu chứng minh một cộng đồng Việt Nam tỵ nạn khát máu chỉ toàn
hành động khủng bố. Với tư cách cá nhân tôi lên án cuốn phim này, cuốn phim làm
xấu cộng đồng Việt Nam bằng những tin tức 34 năm xưa ghép vào những hình ảnh
ngày nay qua danh tính Little SaiGon mới được khai sinh vài năm gần đây. Ý kiến
của tôi đưa ra đã có được rất nhiều độc giả đồng cảm. Tuyệt đối tôi không hề thắc
mắc và đặt câu hỏi về việc ai đứng sau lưng anh Nguyễn Thành Tú. Chuyện này
không nằm trong chủ để lên tiếng của chúng tôi.
Xin được phép gửi lời phân trần đến quý vị thân hữu xa gần.
Đôi lời
nhận định.
Dù không đồng ý với nội dung nhưng tôi phải thành thực khen
ngợi chương trình ông Liêm phỏng vấn anh Tú rất hấp dẫn. Nhiều thân hữu của
chúng tôi xem qua đôi khi cũng đồng ý và chuyển tiếp rộng rãi cho bạn bè. Anh
Thanh Tú xuất hiện và bày tỏ lòng can đảm, vì chữ hiếu tìm công lý cho cha.
Dung mạo lịch sự, lời nói rõ ràng quả quyết, lý lẽ vững vàng thể hiện quyết tâm
của người con được cộng đồng ủng hộ ra tay hành đông với thái độ gần như biết
chắc sẽ tiễu trừ con bạch tuộc tham nhũng với những cái vòi vươn ra khắp mọi
nơi. Anh lên án Việt Tân, và các nhân vật Trịnh Hội, Trúc Hồ.... về các chiến dịch
lừa bịp cộng đồng từ lãnh vực xã hội, đấu tranh cho đến việc quyên góp cho
thương phế binh trong nhiều năm qua. Cụ thể lên án Trúc Hồ lợi dụng khai thác
các bài ca của Nguyên Khang bán băng làm giàu và không trả bản quyền xứng đáng
cho tác giả. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng đây không phải là công việc làm ăn
buôn bán. Đây là con đường tranh đấu vì lý tưởng với sự yểm trợ của hải ngoại
dành cho các nhân vật trong nước. Trong công tác đấu tranh cách mạng, sẽ không
bao giờ có được những tin tức về tài chánh thương mại thường tình. Không một
nhà phản kháng nào trong nước khai nhận tiền tài trợ của hải ngoại để tranh đấu.
Cùng đi
một đường.
Hiện nay trong nước công an cộng sản và báo chí của chính
quyền Hà Nội đồng loạt lên án mỗi hoạt động chống đối đều do Việt Tân. Một số
dư luận bên ngoài cũng đã có chung luận điệu.
Chúng tôi e rằng các suy luận này không chính xác. Có chăng
là nhiều hình thức tranh đấu đều đi cùng một con đường. Các tổ chức hay cá nhân
đều cùng hướng về con đường xây dựng dân chủ nhân quyền cho quê hương. Họ không
cùng một đảng và có khi không hề liên hệ. Những bài thơ, những bài ca, những cuộc
xuống đường, những lời kêu gọi có khi cô đơn, có khi họp đoàn, khi nhân danh
dân oan đòi đất, khi chống tham nhũng bất công, khi đòi quyền làm người và rất
nhiều phen chống họa diệt vong đến từ phương Bắc. Đặc biệt là tất cả các phương
tiện truyền thông hải ngoại, mọi tấm lòng của người bên ngoài hướng về bên
trong đều là những ngọn lửa tin yêu giữ mãi cho đốm lửa hy vọng của người bên
trong bừng sáng, ngay cả trong ngục tù tăm tối. Chúng ta không thể lấy dạ tiểu
nhân mà đo những tấm lòng quân tử. Vấn đề này không thể đem một vài tài liệu lẩm
cẩm của đời thường mà mà phê phán chuyện phi thường. Trong hoàn cảnh đau thương
của đất nước Việt Nam ngày nay, dù không thuộc về một đảng nhưng đã có rất nhiều
người hướng về quê nhà mà đi chung một con đường. Con đường không bình yên, họ
tìm đường gai góc mà đi. chịu dựng búa rìu bất công của dư luận. Tôi hết sức
thông cảm và hết lòng tin yêu ủng hộ.
Những
người đi tìm công lý cho dân tộc.
Tôi thấy rằng anh
chàng trẻ tuổi Thanh Tú làm bừng sáng chữ hiếu với đề tài đi tìm công lý cho
cha dù là hơn 30 năm muộn màng. Chúng tôi thực sự không có ý phê bình hay tranh
cãi. Nhưng từ ý niệm này, xin phép mượn đề tài riêng của gia đình anh để dùng
cho những con người vĩ đại hơn là mối thù nhà. Đây là nợ nước. Đã hơn 40 năm
qua, chúng ta có dịp chứng kiến biết bao người trong nhiều hoàn cảnh đã ra đi
làm việc lớn. Khởi đi từ Trần Văn Bá Âu Châu, Võ Đại Tôn Úc Châu rồi đến Hoàng
Cơ Minh Mỹ Châu. Họ tìm đường về quê hương. Ngày xưa có vị nữ lưu Khúc Mình Thơ,
nàng Tô Thị không hóa đá đứng một chỗ chờ chồng. Bà đã mở đầu chiến dịch đòi tự
do cho chồng con trong tù lao cải. Ngày nay là nhà phụ nữ cao niên Hạnh Nhơn, đứng
làm đầu tầu bao phen gây quỹ hàng triệu đồng cho thương phế bình tại Việt Nam.
Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa còn sống như Nam Lộc và đã chết như Việt
Dzũng. Những người trẻ tuổi xuất sắc xây dựng cả một guồng mày đấu tranh chính
trị tại Hoa Kỳ như nhạc sĩ Trúc Hồ và nhà đấu tranh cho di dân ty nạn khắp Đông
Nam Á như luật sư Trịnh Hội. Cũng phải kể cả những người quyên góp tiền về xây mộ
tử sĩ VNCH tại nghĩa trang Biên Hòa. Những người như ông thiếu tá thiết giáp cô
đơn đi khắp biên giới tảo mộ tù lao cải.Tôi cũng thấy cần phải kể thêm cả các
con em của người di dân tỵ nạn Việt Nam nhập ngũ chiến đấu tại Trung Đông và
ngày nay đã có ba vị tướng lãnh Hoa Kỳ gốc Việt. Tướng Nhảy dù, tướng Vệ binh
quốc gia và tướng Thủy Quân Lục chiến. Theo sự suy diễn lạc quan và xây dựng,
các bạn cùng chúng tôi có thể tiếp tục liệt kê biết bao nhiêu chiến sĩ anh hùng
trong cuộc đời thường ở mọi lãnh vực của cộng đồng Việt hải ngoại. Không phân
biệt trước sau, già trẻ và trong mọi hoàn cảnh, 40 năm qua trong nước đã nhìn
vào thành quả công tác của những người này mà có được niềm tin giữ ngọn lửa đấu
tranh cho dân tộc đến ngày hôm nay. Bởi vì đây chính là tinh hoa của cộng đồng
hải ngoại. Họ là những người mãi mãi đi tìm công lý cho dân tộc. Trong niềm tin
sắt đá vào tương lai, suốt 40 năm qua chúng tôi đã dùng văn tự và tình yêu ca
ngợi quý vị. Không một ai vì tiền bạc và danh vọng mà đi làm chuyện lý tưởng.
Con đường đi tìm công lý cho dân tộc là con đường đoạn trường. Khi chúng ta hát
và phổ biến những bài ca như bài "Dậy mà đi" "Dân biết dân muốn gì ?" sẽ không có
tiền bạc nào mà trả được cho xứng đáng. Ngàn năm trước có người con trai trên
đường theo cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Mình bắt giải về Trung Quốc. Đến
biên giới cha đã khuyên con trở về để đi tìm công lý cho dân tộc. Người đó là
anh hùng Nguyễn Trãi 10 năm theo phò Lê Lợi đánh đuổi quân Minh dựng nền độc lập
cho quê hương. Ngày nay có người con vì chữ hiếu muộn màng quyết đi tìm công lý
cho cha. Nên chăng hãy lên đường đi tìm công lý cho dân tộc, anh sẽ thấy được
công lý cho phụ thân.
Giao Chỉ,
Vũ văn Lộc. San Jose.