Wednesday, June 3, 2015

Kẻ Ngoại Đạo Trên Thánh Địa Fatima (Tôn Thất Hùng)


Mùa Đông năm nay, sau khi đã hoàn tất xong những công tác xã hội, các hoạt động chia xẻ tình thương cho những người vô gia cư và tâm thần tại thành phố Toronto nhân mùa Giáng Sinh cũng như hơn hai mươi bản báo cáo cuối năm cho sở làm, tôi mới “được phép” xin nghỉ vacation.  Cầm cuốn sách giới thiệu các nơi đi du lịch trên thế giới, tôi lật qua, lật lại và cuối cùng nơi tôi muốn đến cũng lại là Châu Âu.  Những người bạn đạo Phật của tôi vẫn thường hay đùa, họ nói có lẽ kiếp trước của tôi là ở đâu đó bên Châu Âu, vì lần nào nghỉ phép, tôi cũng quay trở lại trời Tây.  Thật tình ngay cả chính tôi, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại mê Châu Âu như vậy.  Tuy nhiên, lý do đi lần này có một địa điểm mà tôi hằng mong ước từ lâu nhưng chưa có cơ hội được đặt chân đến, đó là thánh địa Fatima ở Bồ Đào Nha.

Bắt đầu ở giữa chặng đường:

Hành trình khu vực Nam Âu và Bắc Phi thì dài hơn hai tuần, tôi chỉ xin kể lại đoạn đường từ khi qua khỏi biên giới Tây Ban Nha để vào đến đất nước Bồ Đào Nha, nơi có thánh địa Fatima mà thôi.  Như quí vị đã biết, rất nhiều các đường biên giới ở Châu Âu hiện nay đã không còn rõ ràng, ranh giới từ quốc gia này qua quốc gia khác chỉ là một tấm bảng báo hiệu bên đường cho biết xe mình đang đi vào lãnh phận một quốc gia khác. Điều ấy tựa như ở Bắc Mỹ chúng ta đi từ thành phố này qua thành phố khác vậy.  Khi ấy anh chàng hướng dẫn đoàn người Tây Ban Nha đang say sưa kể các câu chuyện và phong tục của đất nước anh ta mà quên rằng xe đã đi vào quá sâu trong lãnh thổ xứ Bồ rồi.  Đến khi ông tài xế tằng hắng mấy tiếng và nói gì đó bằng thổ ngữ, anh ta mới giật mình và chuyển đề tài.  Cảm giác của tôi khi nhìn ra hai bên đường vào lúc trời sụp tối, thấy đây là một xứ sở thanh bình, quy củ, đất đai trù phú trong nhiệt độ ôn đới.  Ranh giới gần hai quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những cánh đồng olive bạt ngàn đến tận chân trời.  Khi ở Hy Lạp, tôi đã thấy các cây olive được trồng trên các triền núi và có phần hơi khô cằn của nắng hạn.  Còn ở đây, nhìn vào màu đất, tôi thấy rất đậm, dấu hiệu cho biết đất rất tốt và độ ẩm cao.  Các tán lá cây vô cùng xanh, cây trồng thẳng hàng.  Người Bồ Đào Nha cũng như dân chúng trong khu vực Nam Ấu dùng trái olive để làm xà phòng, dầu ăn, lotion... và đương nhiên trái olive ngâm nước muối, ngâm dấm luôn có mặt trong bữa ăn của người dân xứ họ mấy ngàn năm nay, một tặng phẩm thật tốt cho sức khỏe con người mà Thượng Đế đã ban cho dân chúng khu vực này.

Sau khoảng một tiếng đồng hồ từ khi băng qua khỏi biên giới, chạy qua những cánh đồng bạt ngàn olive, chúng tôi vào đến thành phố Coimbra.  Thành phố tỉnh lẻ đầu tiên gần biên giới nhất. Tôi nhìn hệ thống đường cao tốc rất hiện đại, nhìn dòng xe giao thông, nhìn hệ thống đường xá, tôi thấy những chiếc xe đơn giản, bình dị, không đắt tiền, không hào nhoáng, đa số do Châu Âu sản xuất.  Dường như xe cộ ở đây là phương tiện di chuyển của người dân hơn là se sua.  Xe thì khá nhiều nhưng bầu không khí lại vô cùng tinh khiết, không một tiếng bóp còi, từng chiếc, từng chiếc điềm tĩnh nối đuôi nhau đều đặn, nhịp nhàng trong làn sương mù trời chạng vạng...rồi như chợt sực tỉnh với một ý nghĩ ngộ nghĩnh, tôi đã cười một mình. Đây là lần đầu tiên thấy một cảnh kẹt xe mà đầu óc tôi lại như đang được ngồi thiền, vô cùng thanh thản và bình an... một phần nào đó tôi có thể đánh giá được ý thức cộng đồng của người dân trong một xã hội an lành ở xứ sở này.  Nếu như ở Los Angeles , New York City,  London,  Paris... chúng ta có thể thấy những chiếc xe bạc trăm ngàn đô xen lẫn những chiếc xe trị giá chỉ khoảng một ngàn đô – móp méo cùng lăn bánh trên đường.  Và qua những đối nghịch như vậy, chúng ta có thể biết được những khoảng cách giàu nghèo khá to, cho ta cảm giác lo lắng, bất an. Bởi vì nếu một lý do nào đó, chúng ta không chụp bắt được cơ hội sinh tồn trong xã hội to lớn ấy, thì số phận chúng ta cũng chỉ còn có thể lái những chiếc xe móp đầu, bể kiếng hoặc thậm chí đứng xin ăn hai bên đường.  Hoặc như khi tôi đến Moscow, thủ đô của một nước Nga đang hồi phục và gia nhập cộng đồng thế giới, mức thu nhập của người dân nói chung vẫn còn khá thấp so với các cường quốc khác, nhưng ngoài đường chỉ thấy toàn những xe hơi bạc trăm ngàn lăn bánh. Điều vô lý ấy khiến chúng ta cảm giác ở đấy có những con người trong một tầng lớp có nhiều quyền lực đang tách biệt khỏi những người dân lao động. Trở lại với Bồ Đào Nha, cảm giác của tôi là bình an...

Xe chúng tôi dừng lại ngủ qua đêm ở một khách sạn thuộc hệ thống của Mỹ.  Chúng tôi nhận phòng và vào tắm rửa, sau đó xuống phòng ăn bữa tối.  Cũng như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, nước Bồ Đào Nha là xứ sở trồng nho để làm rượu (bên cạnh cây olive).  Rượu ở đây rất ngon và rẻ.  Các nhà hàng ở đây hầu như không bán rượu từng ly mà bán cả chai.  Người dân Châu Ấu uống rượu kèm với bữa ăn thường xuyên và theo một cái lệ gần như bắt buộc.  Cũng vì rượu quá rẻ cho nên chẳng ai mua bán từng ly mà phải là cả chai.  Những người bạn đi cùng với tôi lại không biết uống rượu, cho nên khi lỡ kêu cả chai, tôi lại là người duy nhất phải uống cho hết, có khi tôi phải cầu cứu những ông Tây đi cùng đoàn uống phụ với tôi... 

Sáng hôm sau tôi dậy rất sớm, tắm rửa và thay một bộ đồ đàng hoàng, nghiêm chỉnh hơn vì chương trình ngày hôm nay là đi thăm những ngôi giáo đường cổ cũng như thánh địa Fatima, nơi mà ai cũng hồi hộp mong đợi.


Phố núi và trường đại học từ thời Trung Cổ

Thành phố Coimbra có khu phố cổ trên núi và trường đại học University of Coimbra xây từ năm 1290 rất lớn, cổ xưa nhất thế giới từ thế kỷ XIII mà hiện nay vẫn còn hoạt động, nằm cheo leo trên đỉnh núi.  Mỗi lần bước vào một khuôn viên trường đại học nào đó, tâm hồn tôi hay lân lân nhớ lại những kỷ niệm thời sinh viên.  Phố núi ở đây quá cao và dốc, người hướng dẫn đoàn luôn căn dặn những ai bị cao huyết áp, bệnh tim nên cẩn thận, nếu thấy mệt thì phải ở lại ngay, không nên đi lên tiếp. Vừa đi vừa điều khiển nhịp thở, cuối cùng chúng tôi cũng lên được đỉnh núi cao, vào được bên trong trường đại học đang hoạt động đã 723 năm vừa qua.  Tôi nhìn vào những bia đá, những bảng tên trường và thấy chữ viết Bồ Đào Nha thật gần gũi với chữ quốc ngữ của Việt Nam.  Nói đúng hơn là mặt chữ của chúng ta đang sử dụng ngày hôm nay có nguồn gốc từ chữ viết Bồ Đào Nha, cũng với những dấu thanh như sắc, huyền, hỏi, ngã và mũ ô.  Nhìn các sinh viên đến trường ở đây em nào cũng hiền lành, ăn mặc giản dị chứ không thời trang như những thành phố lớn khác trên thế giới mà tôi đã đến.  Sau khi tham quan phố núi và trường đại học thời Trung Cổ, chúng tôi trở về xe và trực chỉ hướng về thánh địa Fatima.

Xe chạy xuống núi rồi lại leo lên một quả núi khác, trời đang nắng bỗng bị tối sầm vì sương mù dày đặc trên núi cao.  Hôm nay là ngày thường, lại mùa đông nên không có đoàn giáo dân nào hành hương về thánh địa, xe của chúng tôi dễ dàng tìm một chỗ đậu tốt, chúng tôi xuống xe, đi bộ vào khu vực nhà thờ - Sanctuary of Fatima.  Những quán ăn hai bên đường có nhân viên đứng mời du khách vô cùng lịch sự.  Họ chào bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, đưa thực đơn có hình ảnh cho du khách xem, tuyệt đối không có cảnh chèo kéo, thúc ép du khách, giá cả thì phải chăng, không mắc hơn giá bán ở những nơi chúng tôi phải dừng lại ăn dọc đường.  Tôi nhìn thẳng vào mặt của những nhân viên này, thấy từ trong ánh mắt của họ luôn toát ra vẻ thánh thiện, dường như chính từng người trong họ đang cố gắng không làm ô uế nơi tôn nghiêm tôn giáo.  Chúng tôi chọn một nhà hàng bị khuất nhất, nằm ở cuối con hẻm, chỉ vì muốn làm một tí xíu gì đó công bằng với chủ quán và nhân viên ở đây.  Cầm thực đơn trên tay, tôi chọn món cơm gạo đỏ đút lò trông rất lạ.  Gạo đỏ được cho vào một cái thố bằng đất, bên dưới là thịt heo xé tơi ra.  Họ cho cả cái thố ấy vào lò nướng như nướng bánh mì, bên trên mặt cơm còn có vài lát xúc xích.  Không biết họ nướng trong bao lâu, nhưng khi cơm chín bên trong thì lớp cơm bên trên cũng vàng và dòn rụm.   Họ để lên vài lát cam tươi và đem ra.  Mới nhìn tưởng không ngon lành gì, nhưng khi ăn vào mới cảm nhận vị thịt được thấm vào từng hạt cơm rất béo, lại có thêm mùi thơm của lát cam, vỏ cam cộng cái dòn rụm của lớp cơm cháy trên mặt.  Cứ vừa ăn vừa chiêm nghiệm, vừa quan sát bằng cả vị giác, thính giác, thị giác, khứu giác, và tôi đã ăn vèo hết cả thố cơm to.  Chắc cũng một phần sáng nay tôi đã đi bộ leo núi quá nhiều nên cái bao tử tôi đã đón nhận thố cơm ấy thật tận tình, không dư chút nào...

Không muốn ngồi quá lâu trong quán ăn, chúng tôi kêu tính tiền những món đã ăn cùng những thức ăn vặt trên bàn.  Tại tất cả các nhà hàng tại Bồ Đào Nha, những thức ăn dặm trên bàn như bánh mì, mứt, paté, bơ đều được tính tiền riêng, ăn cái gì, trả cái nấy, dư một ổ bánh mì con cóc - trừ tiền!  Có thể ở nhiều nơi khác thì không có lệ như vậy.  Tại Pháp, Ý, Hy Lạp, Anh Quốc, Mỹ, Canada...chủ nhà hàng đều mời thực khách dùng khai vị, xem như những thức này gộp chung vào trong dịch vụ của nhà hàng, kiểu như nước lọc và nước trà vậy.  Chúng tôi hơi ngạc nhiên vì điều này tại Bồ Đào Nha, nhưng đành nhập gia tùy tục.  Trả tiền xong, chúng tôi băng qua đường đi vào quảng trường rộng lớn trước mặt của ngôi giáo đường

 Kẻ ngoại đạo tìm đọc Thánh Kinh

Vì không phải xuất thân từ gia đình đạo Thiên Chúa, tôi đã được không được dạy nhiều về những sự kiện xảy ra liên quan đến Ky Tô Giáo.  Tuy nhiên khi lớn lên, đến trường, nhất là qua báo chí, thời sự ở bên này vẫn hay nhắc đến sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Fatima trong thế kỷ XX.   Những sự biến chuyển lớn kết thúc chiến tranh lạnh cùng sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản ở Châu Ấu, ở nước Nga và cả lần Đức Giáo Hoàng John Paul II bị ám sát hụt vào năm 1981, tất cả đều có liên quan và trùng lặp với thông điệp Đức Mẹ Maria hiện ra và truyền lại cho ba trẻ mục đồng chăn cừu tại nơi mà tôi đang đứng – Thánh Địa Fatima.

Vào ngày 13 tháng năm 1917, có ba em bé chăn cừu ở khu vực có tên gọi địa phương là Cova da Iria, gần ngôi làng Fatima mà gia đình ba em bé đang sinh sống.  Một “bà áo trắng” hiện ra trong ánh hào quang rực rỡ, nói chuyện với các em, rồi biến đi, và sự kiện này lặp đi lặp lại đúng ngày 13 mỗi tháng cho đến tháng 10 năm đó, tất cả là 6 lần. Ba em bé đó là Lucia Santos và hai người anh em họ là Jacinta và Francis Marto. Ba em bé đã tin “bà áo trắng” ấy là Đức Mẹ cùng những thông điệp các em nghe được.  Tuy nhiên những người lớn trong gia đình và trong làng đã không tin, họ cho là ba em này nói gở, đã la mắng cấm các em không được nói như thế nữa, nhưng cả ba đều quả quyết họ không hề nói dối.  Vào tháng tám năm đó, câu chuyện đến tai chính quyền địa phương, cả ba em bé bị bắt giam và được tách ra, bị nhân viên tòa đô chánh lấy khẩu cung. Chính quyền tòa đô chánh cho rằng tin đồn đã lan xa với một ý đồ chính trị nào đó.  Thậm chí họ còn hăm dọa sẽ quăng các em vào nước sôi, nhưng cả ba em bé đều quả quyết họ không nói dối.  Theo như báo chí còn lưu lại trong kho lưu trữ của chính quyền Bồ Đào Nha, em Lucia Santos cho biết, Đức Mẹ nói với em sẽ có phép lạ xảy ra vào đúng ngày 13 tháng mười trong năm đó, cũng là lần cuối của thời điểm Đức Mẹ hiện ra để mọi người sẽ tin.  Tin này lan ra, hơn 70 ngàn người đã đổ về khu vực này, cùng sự xuất hiện lấy tin một cách khách quan của nhiều báo chí chính phủ, ai cũng như đang chờ sự xuất hiện của Đức Mẹ từ trên những cành cây.  Bỗng nhiên một cơn mưa rào đổ xuống rồi đám mây bỗng tách ra, mặt trời hiện ra to lớn quay vòng liên tục như một bánh xe, tất cả mọi người cùng nhìn lên mà không ai cảm thấy bị đau nhức mắt.

Những tờ báo thời ấy như O Século, Ordem, O Dia đều ghi lại rất chi tiết các sự kiện này.  Tờ O Dia, nhật báo tại Lisboa đã viết: “mặt trời chói sáng và to hơn bình thường như chực rơi xuống quả đất, đỏ rực, quay vòng như một bánh xe, đám mây được rẻ ra, rồi ánh sáng rực rỡ chiếu xuống lại chuyển qua màu xanh, đẹp như chúng ta nhìn ánh nắng xuyên qua các khung cửa sổ màu của một ngôi giáo đường.  Mọi người quỳ xuống, chắp tay hướng lên trời, họ khóc và cầu nguyện xuyên suốt nhiều tiếng đồng hồ trong thời gian hiện tượng xảy ra.”  Bác sĩ chuyên khoa mắt Domingos Pinto Coelho viết cho tờ Ordem như sau: “Mặt trời, bỗng dưng có nhiều tia sáng chói lòa tỏa ra, rồi chuyển qua màu vàng, màu tím, dường như quay vòng rất nhanh như muốn tiến đến gần quả đất, nhiệt độ tăng cao và rất nóng”.  Tờ O Século có bài của phóng viên Avelino de Almeida, một tờ báo lớn có lập trường thân chính phủ đã viết: “Trước những cặp mắt mở to kinh ngạc của đám đông, những con chiên đầu trần, nhìn chăm chăm lên bầu trời, mặt trời thì chuyển động rất khác thường, ra ngoài những định luật của thiên văn học.  Đám đông thì cho rằng mặt trời đang nhảy nhót lên xuống”

Cũng theo các tài liệu cũ của giáo hội và của chính phủ, không phải ai cũng thấy hiện tượng này giống nhau.  Có người chỉ thấy ánh sáng, không thấy được mặt trời, có người ở xa hàng cây số vẫn trông thấy, trong khi đó có người ở ngay tại vị trí thì không thấy gì cả.  Riêng ba em bé thì cho biết các em cùng đồng loạt trông thấy Đức Mẹ, Đức Chúa Jesus, và Thánh Joseph cùng xuất hiện trên mây nhìn xuống đám đông.  Ngoài ba em bé này ra thì không ai được thấy giống như các em mô tả.


Một vài tranh luận phủ định:

Vì sự kiện này xảy ra tại một ngôi làng hẻo lánh trên núi của Bồ Đào Nha, nhưng đã làm rúng động cả thế giới, cho nên các nhà khoa học đã lên tiếng bình luận trên quan điểm khoa học.  Theo giáo sư đại học Auguste Meessen, khi người ta nhìn chăm chú vào mặt trời quá lâu sẽ gây ra những ảo thị, hoa mắt, sẽ thấy mặt trời quay vòng và nhảy nhót trên trời cao.  Vị giáo sư này còn tin rằng khi niềm tin tôn giáo lên cao, người ta sẽ cùng đồng loạt nhìn thấy một sự nhiệm màu được tạo ra từ ảo giác.  Nhiều nguồn phản bác lại vị giáo sư ấy vì khi ấy, không một ai nghĩ sẽ có hiện tượng lạ xảy ra với hình ảnh mặt trời. Họ đang trông chờ và ngỡ Đức Mẹ sẽ hiện ra ở trên các cành cây, cho nên không thể bị nhập tâm hoặc vì ngửa mặt nhìn mặt trời trước đó đủ lâu để có thể xảy ra ảo giác, hoa mắt được.

Nhà khoa học Steuart Campbell của báo Journal of Meteorology, năm 1989 thì cho rằng một vầng mây bụi đã chắn ngang tầm nhìn lên mặt trời của đám đông, vầng mây này có nhiều bụi và gây ra những tầng áp suất khác nhau, nhiệt độ khác nhau giữa hai không gian trên và dưới.  Các yếu tố gồm khúc xạ ánh sáng, bụi, áp suất và nhiệt độ khác nhau, đã tạo ra những màu sắc không thực nếu nhìn bằng mắt người từ mặt đất.  Tuy nhiên tác giả bài báo lại không giải thích tại sao lại có sự trùng lập khi sự kiện lại xảy ra đúng vào ngày 13 tháng mười năm 1917 qua lời tiên đoán trước của một em bé 10 tuổi.


Ba thông điệp của Đức Mẹ là gì?

Vì là kẻ ngoại đạo Thiên Chúa, tôi cũng không phải người học chuyên ngành về các tôn giáo học, cho nên xin phép không đi sâu vào phân tích hay diễn giải về ba thông điệp của Đức Mẹ.  Dựa theo nhiều tài liệu phổ thông của Giáo Hội,  thì thông điệp thứ nhất nói về địa ngục và Chiến Tranh Thế Giới thứ I, thông điệp thứ hai nói về chiến tranh thế giới thứ II cùng sự xuất hiện và sự tan rã của chủ nghĩa Cộng Sản tại Nga.  Thông điệp thứ ba đã được nữ tu Lucia Santos viết tay, dán kín gởi về Tòa Thánh Vatican ở Rome, bà có yêu cầu nên công bố thông điệp quan trọng sau khi bà qua đời hoặc nếu bà còn sống thì trễ lắm là năm 1960 phải công bố. 

Năm 1960, Tòa Thánh Vatican ra một thông báo chính thức “Thông điệp quan trọng nhất này phải được giữ lại và niêm phong vĩnh viễn”.  Dưới nhiều sức ép từ bên ngoài lẫn bên trong giáo hội, mãi đến năm 2000, Tòa Thánh Vatican mới chính thức công bố thông điệp cuối cùng, được cho là có liên quan đến âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng John Paul II.  Nhiều người giải thích lý do Tòa Thánh không muốn công bố thông điệp cuối vì sự an nguy của người đứng đầu Giáo Hội.  Đã có rất nhiều tranh luận về thời điểm công bố, nội dung, cũng như hình thức công bố thông điệp. Theo báo chí và dư luận của cộng đồng Thiên Chúa Giáo La Mã, nhiều người vẫn không tin thông điệp thứ ba này đã được công bố đầy đủ hoặc chính xác.  Rất nhiều sách, báo, giấy mực đã viết và bàn luận về thông điệp thứ ba này trước và sau khi được công bố, thậm chí cho đến ngày hôm nay, trong giới thần học cũng có nhiều vị tin rằng bức thư tay của nữ tu viết về thông điệp thứ ba này của Đức Mẹ bằng tiếng Bồ Đào Nha vẫn chưa được mở ra.  Tuy nhiên, theo tòa thánh, nữ tu Lucia Santos đã xác nhận tài liệu giải mật là hoàn toàn chính xác, không còn giữ bí mật điều gì nữa.


Những nơi Đức Mẹ hiện ra được các giáo hội chính thức công nhận:
  • Qua tìm hiểu, tôi biết có 11 địa điểm Đức Mẹ hiện ra được Tòa Thánh Vatican thuộc Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã công nhận sau khi đã điều tra kỹ càng, có khi kéo dài nhiều thế kỷ.  Các địa điểm ấy là Guadalupe (Mễ Tây Cơ), Saint-Étienne-le-Laus (Pháp), Paris (Pháp), La Salette (Pháp), Lourdes (Pháp), Pontmain (Pháp), Fátima (Bồ Đào Nha), County Mayo (Ái Nhĩ Lan), Beauraing (Bỉ), Banneux (Bỉ), Akita (Nhật Bản).  Điều đáng chú ý là ở Saint-Étienne-le-Laus (Pháp) là nơi đầu tiên được tòa thánh công nhận trong thế kỷ XXI sau 343 năm tìm hiểu, kể từ khi được nhà thờ địa phương báo cáo về.  Ngoài ra còn có 4 nơi chưa được xác nhận chính thức bởi Tòa Thánh Vatican, nhưng được các giáo hội địa phương công nhận như tại San Francisco de Cuapa (Nicaragua), Kibeho (Rwanda), Quito (Ecuador), Green Bay (tiểu bang Wisconsin – Hoa Kỳ)
  • Giáo Hội Chính Thống Giáo Ai Cập (Coptic Orthodox Church of Alexandria): đây là giáo hội xuất phát từ Ai Cập, có chi nhánh và nhiều nhà thờ ở nhiều nơi trên thế giới, thành lập năm 451 sau Công Nguyên.  Giáo hội cũng đã xác nhận chính thức 2 địa điểm có Đức Mẹ hiện ra tại Cairo (Ai Cập) và Assiut (Ai Cập). 
  • Giáo Hội Anh Giáo (Anglican Communinion): có 3 địa điểm Đức Mẹ hiện ra được công nhận bởi giáo hội là Lourdes (Pháp), Norfolk (Anh Quốc) và Yankalilla (Úc).  Riêng tại địa điểm Lourdes (Pháp), Giáo Hội Anh Giáo cùng xác nhận những sự kiện Đức Mẹ hiện ra trùng với Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã.  Tại đây cũng có một nhà thờ Anh Giáo được xây lên gần địa điểm của nhà thờ Thiên Chúa Giáo.
Theo nhiều nguồn tài liệu thì mỗi năm có rất nhiều những sự kiện mà người ta tin là Đức Mẹ hiện ra được các nhà thờ báo cáo về giáo hội, nhưng không phải nơi nào cũng được chính thức xác nhận bởi các giáo hội tôn giáo.  Các giáo dân và cộng đồng Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam tin rằng Đức Mẹ đã hiện ra tại thánh địa La Vang thuộc tỉnh Quảng Trị vào năm 1798, khi các giáo dân bị nhà Tây Sơn (thời vua Cảnh Thịnh) cấm hành đạo, phải chạy trốn vào rừng.  Họ đã thấy Đức Mẹ hiện ra trong trang phục truyền thống Việt Nam, trên tay bồng chúa hài đồng, có hai thiên thần hai bên.  Theo các truyền tụng dân gian, các giáo dân đã nghĩ đấy là Đức Mẹ, họ đã được an ủi và được hướng dẫn dùng lá vằng, một loại cây lá mọc nhiều trong vùng để chữa bệnh.  Năm 1961, các Giám Mục của Việt Nam Cộng Hòa đã chọn nhà thờ La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu Quốc Gia.  Năm 1962, Đức Giáo Hoàng John XVIII đã phong cho nhà thờ là Tiểu Vương Cung Thánh Đường La Vang (Minor Basilica of Our Lady of La Vang).  Vào năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra ở đây, Đức Giáo Hoàng John Paul II từ Rome, đã chính thức phát biểu về tầm quan trọng của La Vang với cộng đồng Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam và ngài đã nói nhà thờ ở đây cần được tu bổ, sửa sang.  Ngài cũng nói thêm là tòa thánh Vatican không có hồ sơ hay báo cáo gì về sự việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm 1798 cả.


Nhà thờ - Sanctuary of Fatima, Bồ Đào Nha

Như đã nói, vì không phải mùa hành hương, và vẫn còn mùa đông nên quảng trường phía trước nhà thờ khá vắng lặng.  Đối với người sống ở xứ tuyết như tôi, nhiệt độ mùa Đông ở đây là 15 độ C chẳng là gì cả, tôi chỉ cần một cái jacket mùa thu là ổn thỏa.  Tôi nghe nói khi mùa hành hương đến, có khi lên đến hàng chục ngàn người đến dự thánh lễ.  So với những nhà thờ ở Châu Ấu được xây cách đây nhiều thế kỷ thì nhà thờ này quá mới khi hoàn thành xây cất năm 1953. Nhà thờ cũng không được nguy nga, rộng lớn cho lắm.  Chúng tôi đi vòng quanh hai bên cung hành lang xây theo kiến trúc Phục Hưng bằng đá cẩm thạch rất đẹp, nhà nguyện thì nhỏ, có đủ ghế cho khoảng hai trăm người có thể ngồi cầu nguyện.  Phía trước nhà thờ có một băng vải dài, viết một cụm từ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, là câu mà Đức Mẹ đã nói với các em, phần tiếng Anh viết: “Do not be afraid (đừng sợ hãi)”.  Tôi đã ngồi bên cạnh những chữ này để chụp hình lưu niệm và vô cùng đắc ý với ý nghĩa.  Với tôi, khi chúng ta không sợ hãi một vấn đề cũng là lúc chúng ta đã đi được nửa đoạn đường của gian khó.

Từ bên trong nhà thờ nhìn ra, mé tay phải của quảng trường cũng có một nhà nguyện khác, và nhà nguyện này mở rộng, không có cửa, chỉ có bàn Thờ Thiên chúa và Đức Mẹ  cùng mái che và ghế ngồi.  Tôi phải hỏi thăm vài người mới biết được ngay chính địa điểm ấy là nơi Đức Mẹ đã hiện ra năm 1917. Đối diện xéo xéo với nhà nguyện này là mộ của hai em bé đã được chứng kiến Đức Mẹ hiện ra cùng với nữ tu Lucia Santos. Hai em bé Jacinta và Francis Marto đã qua đời sớm vì bị bệnh cúm và sưng phổi.  Riêng nữ tu Lucia Santos qua đời năm 2005, thọ 97 tuổi.  Xuyên suốt cuộc đời của bà, bà rất hiếm khi xuất hiện ra bên ngoài hay tiếp xúc với ai, chỉ một vài người thân cận mới gặp được bà.  Kể từ năm 2000, sau khi tòa thánh công bố giải mật thông điệp thứ ba của Đức Mẹ, người ta đã không còn thấy Bà xuất hiện nữa, mãi cho đến khi tin bà qua đời được thông báo vào năm 2005.  Đối với chính quyền Bồ Đào Nha, họ nói bà có đăng ký bầu cử như một công dân, nhưng ở địa hạt nào, địa chỉ ở đâu thì chính quyền đã giữ bí mật.  Khi bà qua đời năm 2005, chính quyền Bồ Đào Nha đã thông báo cho người dân toàn quốc gia mặc niệm và để tang cho bà.

Rời Fatima:

Chỉ có hơn nửa ngày thăm viếng Thánh Địa Fatima với tôi là không đủ. Cũng như lần tôi đến thăm Thánh Địa La Vang, tôi cảm nhận được sự tôn nghiêm và năng lượng rất mạnh của vùng đất thánh.  Trước khi lên xe, tôi cũng còn kịp chạy ra mua vài món quà tại các quầy hàng lưu niệm. Những người bán hàng ở Bồ Đào Nha, cho dù là bán trong tiệm hay bán hàng rong cũng đều hiền lành như nhau, họ không nói thách, không lôi kéo du khách. Món hàng ở những nơi này luôn bằng giá so với khi được nó bày bán ở chợ khu vực dành cho người địa phương. Chính vì điều này mà tôi thương, quý trọng người Bồ Đào Nha hơn nữa.  Hẹn nhé, tôi sẽ quay lại một ngày gần đây.
                                                                             Tôn thất Hùng

No comments:

Post a Comment