Monday, February 29, 2016

40 năm sau khi Hoa Kỳ để mất Việt Nam Cộng Hòa

Hoa Kỳ, quốc gia nằm ở phía Đông Thái Bình Dương - chứ không phải Cộng Sản Trung Hoa - với tiềm lực quân sự chế ngự toàn thể đại dương này, vẫn thường được coi là cường quốc Thái Bình Dương bởi lẽ Hạm Ðội Thứ 7 trực thuộc Hạm Ðội Thái Bình Dương có tổng hành dinh đóng tại Yokosuka trên đảo Honsu của Nhật Bản và có cả thảy 3 hàng không mẫu hạm, hằng nghìn máy bay cùng hằng trăm chiến hạm cũng như tiềm thủy đĩnh đủ cỡ, đủ loại, đang là lực lượng hùng mạnh vô địch trải rộng khắp miền, từ Guam tới Okinawa và từ Singapore cho tới Sydney.
Nhưng vị thế đó rồi đây sẽ không còn nữa khi Cộng Sản Trung Hoa, gọi cho gọn là Trung Cộng, đang ngày càng bành trướng thế lực trên biển (và có thể là cả trên bộ nếu một mai Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Cộng chiếu theo bản “Thỏa Thuận Thành Ðô” đầy bí ẩn được ký kết giữa hai Ðảng Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam hồi năm 1990), đặc biệt là tại hai Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Nam Hoa (South China Sea), nơi lực lượng hải quân Trung Cộng đang đối đầu quyết liệt với lực lượng hải quân của hai quốc gia Ðông Nam Á nhỏ bé hơn họ nhiều, là Cộng Sản Việt Nam, nước gọi Biển Nam Hoa theo cách riêng của họ là Biển Ðông, và Phi Luật Tân, nước gọi vùng biển này là Biển Tây (West Philippine Sea), căn cứ vào vị trí địa lý của vùng biển đó đối với đảo quốc này.
*Thế yếu hiện nay của các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Mỹ, Ấn Ðộ và Nhật Bản
Trong mấy năm trở lại đây, cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản và Ấn Ðộ đều ráo riết ve vãn Cộng Sản Việt Nam, lộ liễu nhất là trong và sau cuộc khủng hoảng bang giao giữa hai nước cộng sản “anh em” kia, do việc Trung Cộng bất thình lình đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu bên trong hải phận (lãnh hải) Việt Nam trên Biển Nam Hoa để dò tìm dầu khí, với ý đồ không giấu diếm là muốn đặt Cộng Sản Việt Nam vào tình thế đã rồi là toàn bộ, hay ít ra cũng là hầu hết, Biển Nam Hoa đã thuộc chủ quyền của Trung Cộng, nếu như Cộng Sản Việt Nam và thế giới không có phản ứng gì.
Thật ra, những quốc gia tự do, dân chủ đó nỗ lực ve vãn - và có khi còn tỏ ra chiều chuộng thái quá - quốc gia Cộng Sản tại Ðông Nam Á này chẳng phải vì họ yêu thương gì lắm dân tộc Việt Nam hoặc cái Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang cai trị đất nước đáng thương đó mà chẳng qua là vì Cộng Sản Việt Nam, nước có cảng nước sâu Cam Ranh tốt hơn cả Rio de Janeiro của Brazil, đang giữ một vị thế chiến lược cực kỳ quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, tại phía Tây Thái Bình Dương, bởi vì Biển Nam Hoa ngoài khơi Việt Nam là thủy lộ huyết mạch từ Thái Bình Dương thông qua Ấn Ðộ Dương của các nước có kỹ nghệ phát triển và có nền kinh tế lớn trong vùng, như Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan, Ấn Ðộ và Hoa Kỳ. Nếu Biển Nam Hoa lọt vào tay một cường quốc hùng mạnh và tham tàn như Trung Cộng thì coi như không riêng gì Việt Nam và Phi Luật Tân mà tất cả các nước nêu trên, luôn cả Thái Lan, Mã Lai Á, Singapore, Indonesia, Brunei và Úc Ðại Lợi, cũng khốn đốn lây.
Bề ngoài, có vẻ như cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Nam Hoa vẫn đang diễn tiến chứ chưa ngã ngũ, nghĩa là cả Trung Cộng lẫn Cộng Sản Việt Nam và Phi Luật Tân, cùng với các quốc gia ở phía Nam vùng biển này, là Mã Lai Á, Indonesia và Brunei, không ai thật sự nắm quyền kiểm soát hết Biển Nam Hoa. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Cộng đang làm chủ vùng biển đó, cho dù Hoa Kỳ và thế giới, trong đó có Ấn Ðộ và Nhật Bản, có muốn hay không, chỉ vì một lẽ đơn giản là, trong thế giới ngày nay, khi Liên Hiệp Quốc chỉ là một tổ chức bù nhìn của các cường quốc, nguyên tắc mạnh được, yếu thua theo tiến trình đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên trong Thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin (Evolutionism/Darwinism) mới là yếu tố quyết định sự sống còn của một giống người hay của cả nhân loại - chứ không riêng gì loài động vật - đặc biệt là các nước nhược tiểu như Cộng Sản Việt Nam trước nanh vuốt của các quốc gia hùng mạnh và tham tàn như Trung Cộng. Vả lại, Cộng Sản Việt Nam, vì bị Trung Cộng kèm kẹp trong vòng ảnh hưởng của họ, chưa hề có được một cường quốc quân sự nào cam kết bảo vệ bằng một hiệp ước phòng thủ chung, như trường hợp Nhật Bản và Phi Luật Tân là hai quốc gia cũng đang đối đầu với Trung Cộng trong vấn đề chủ quyền biển đảo nhưng lại đang được Hoa Kỳ cam kết bảo vệ.
Qua bao cuộc thử thách trên thế giới từ cuối thế kỷ trước cho tới nay, đặc biệt là trong các biến cố tại Georgia, Iran, Syria và Ukraine (Crimea), Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất của thế giới, viện cớ tiền bạc và tài nguyên đang cạn kiệt dần, đã chẳng dại gì mà hy sinh quyền lợi của mình để giúp đỡ kẻ cô thế chống lại cường quyền, mong tiếp tục giữ vững biệt danh “tay sen- đầm quốc tế” do phe Cộng Sản gán ghép cho Washington từ thời Chiến Tranh Lạnh đến nay.
Vả lại, Trung Cộng từng tuyên bố công khai và thẳng thừng rằng họ sẽ hành động một mình (vì họ quá mạnh khiến cả siêu cường Hoa Kỳ cũng chùn bước) chứ không chấp hành bất cứ phán quyết nào, dù có lợi hay có hại cho họ, của các tòa án quốc tế trong vấn đề tranh chấp tại Biển Nam Hoa, trong đó có Tòa Án Luật Biển Quốc Tế (International Tribunal for the Law of the Sea) và Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration), đừng nói chi tới Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Ðông (Declaration on the Conduct of Parties, DOC/South China Sea Code of Conduct) từng được các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) và Cộng Sản Trung Hoa thỏa thuận.
Vì Hải Quân Trung Cộng hiện đang là lực lực mạnh nhất trên Biển Nam Hoa ngày nay, cho nên họ cứ tự tiện ra vào nơi đây như chỗ không người, muốn đưa giàn khoan dầu tới đâu thì cứ tới, muốn nới rộng đảo nào hay bãi đá nào tại Hoàng Sa và Trường Sa thì cứ làm, và muốn vẽ bản đồ lãnh thổ của họ bao trùm tới đâu trên Biển Nam Hoa thì cũng cứ tùy ý muốn của họ, như trường hợp cái bản đồ gồm 9 đoạn đứt khúc (nine - dotted line) của vùng biển này do họ công bố, mà Cộng Sản Việt Nam ưa gọi một cách nôm na là “Ðường Lưỡi Bò” sau khi Hà Nội đã thất bại trong việc ngăn chặn sức liếm láp cực kỳ khó chịu của cái lưỡi bò đó. (1)
Hoa Kỳ, và cả Ấn Ðộ cũng như Nhật Bản, các cường quốc khác của thế giới có quyền lợi hàng hải trên Biển Nam Hoa, rất bực tức và lo ngại, nhưng chẳng làm gì được Trung Cộng trong lúc này, và có thể là cả trong tương lai dài lâu nữa.
*Nguyên do khiến các cường quốc Hoa Kỳ, Ấn Ðộ và Nhật Bản đành bất lực nhìn Trung Cộng chiếm hết Biển Nam Hoa
Các lý do quân sự, chính trị và kinh tế đã đưa đẩy 2 cường quốc Hoa Kỳ và Nhật Bản ở Thái Bình Dương và cường quốc Ấn Ðộ ở Ấn Ðộ Dương bó tay nhìn Cộng Sản Trung Hoa nuốt trọn Biển Nam Hoa, chận đường các thương thuyền và tàu chiến Hoa Kỳ và Nhật Bản đi từ Thái Bình Dương qua Ấn Ðộ Dương và ngược lại, buộc Ấn Ðộ phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ chính sách “Hướng Ðông” (“Look East”) có từ hồi 1991 qua bốn đời Thủ Tướng: P.V. Narasimha Rao, Atal Bihari Vajpayee, Manmohan Singh, và Narendra Modi.
Không hiểu Cộng Sản Việt Nam nghĩ sao chứ Hoa Kỳ khá lo buồn khi nhìn đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo lớn nhất trong Quần Ðảo Hoàng Sa từng bị quân Trung Cộng đánh chiếm của Việt Nam Cộng Hòa hồi Tháng Giêng năm 1974, trở thành một căn cứ quân sự quy mô, với một phi trường có khả năng tiếp nhận các chiến đấu cơ phản lực và một quân cảng hoàn chỉnh, nơi trú đóng của 4,000 hải quân và thủy quân lục chiến Trung Cộng. Người Mỹ biết rằng đây chính là một “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm” của hải quân Trung Cộng một khi chiến tranh xảy ra tại Ðông Nam Á giữa Trung Cộng và các lực lượng muốn duy trì tự do hàng hải trên Biển Nam Hoa.
Ðến Tháng Giêng năm 2015, Hoa Kỳ lại lo lắng nhìn Bãi Ðá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở quần đảo Trường Sa, mà Trung Cộng từng chiếm cứ khỏi tay Cộng Sản Việt Nam hồi năm 1988, nay đã được Trung Cộng biến thành một căn cứ quân sự. Trước đó, hình ảnh từ vệ tinh do thám Mỹ chụp được cho thấy Trung Cộng đã ra sức hút cát đại dương và tô bồi thêm cho đảo Gạc Ma (Johnson South Reef), cũng từng bị Trung Cộng cướp khỏi tay Cộng Sản Việt Nam trước đây để biến thành đảo riêng của họ, rồi nối dài thêm phi đạo của một phi trường mà họ mới dựng lên nơi đây thành một sân bay quân sự có thể dùng cho các chiến đấu cơ phản lực. Nếu Hoa Kỳ không để cho Trung Cộng cưỡng chiếm Quần Ðảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974 trong thế kỷ trước thì Trung Cộng đã không có một đầu cầu thiết yếu để xua quân đánh chiếm luôn nhiều đảo và bãi đá khác trên quần đảo Trường Sa ở phía Nam của Hoàng Sa. Về lỗi lầm tày trời này thì cặp bài trùng Richard Nixon và Henry Kissinger, tổng thống và ngoại trưởng Mỹ hồi thập niên 1970, trước hơn ai hết, phải hứng chịu mọi trách nhiệm trước lịch sử. (2)
Nhật Bản cũng lo buồn không kém Hoa Kỳ khi thấy Trung Cộng bành trướng tiềm năng quân sự tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Hải Quân Nhật Bản từng chiếm đóng và trấn giữ suốt thời gian Nhật Bản hất cẳng Pháp để nắm quyền cai trị ba nước Việt-Miên-Lào trên bán đảo Ðông Dương thuộc Pháp. Với kinh nghiệm tại Biển Hoa Ðông (East China Sea) ở phía Ðông Trung Cộng và phía Tây Nhật Bản, nơi Trung Cộng từng thiết lập một Vùng Cấm Bay (No-Fly Zone/Air Defense Identification Zone), không cho phép phi cơ dân sự và quân sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn và các nước khác bay qua, Nhật Bản biết rằng, rồi đây, tàu thuyền và phi cơ của họ cũng sẽ không được phép đi ngang qua Biển Nam Hoa một khi Trung Cộng quyết tâm áp đặt một Vùng Cấm Bay tương tự giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi họ đang có các căn cứ quân sự, mà bản doanh có thể được đặt trên chiếc “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm,” tức là trên đảo Phú Lâm trong Quần Ðảo Hoàng Sa hoặc có thể là trên một số hòn đảo và bãi đá khác tại Quần Ðảo Trưởng Sa nữa. (3)
Phần mình, Ấn Ðộ đang ưu tư, lo lắng đứng nhìn thời thế thay đổi tại Biển Nam Hoa khi Trung Cộng dần dà chiếm đóng hết đảo này tới đảo khác trên hai Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có một sức mạnh nào cản nổi, bởi vì cả Cộng Sản Việt Nam và Phi Luật Tân đều không đủ sức mạnh - hoặc thiếu quyết tâm, như trong trường hợp rất đáng nghi ngờ của Cộng Sản Việt Nam - để kiềm chế hoặc ngăn chặn sức bành trướng quân sự của Trung Cộng trong vùng, trong khi Hoa Kỳ, cho tới nay, chỉ nói mà không làm, nên Trung Cộng chẳng hề nao núng.
Là một cường quốc lớn tại Á Châu, Ấn Ðộ cảm thấy cần thiết phải có tự do lưu thông hàng hải tại Biển Nam Hoa để tàu thuyền và phi cơ của họ có thể an toàn đi lại từ Ấn Ðộ Dương sang Thái Bình Dương và ngược lại thông qua eo biển Malacca, nằm giữa bán đảo Mã Lai Á và đảo Sumatra của Indonesia. Ngay cả việc dò tìm dầu khí của các công ty dầu Ấn Ðộ tại thềm lục địa của Việt Nam cũng sẽ không thể thực hiện được một khi Trung Cộng đã chiếm trọn Biển Nam Hoa và lên tiếng đòi chủ quyền trên tất cả các giếng dầu phong phú trong vùng biển này.
Nguồn tin thông tấn xã AFP hôm 27 Tháng Giêng năm 2015 cho hay Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ Tướng Ấn Ðộ Narendra Modi đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia trên thế giới bảo đảm “an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt tại Biển Ðông (tức Biển Nam Hoa)” qua một thông cáo chung nhân dịp nhà lãnh đạo Mỹ kết thúc chuyến viếng thăm Ấn Ðộ. Trước đó, vào ngày 25 Tháng Giêng, cùng lên tiếng trong một bản tuyên bố nhan đề “Tầm Nhìn Chiến Lược Chung cho Vùng Á-Châu-Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương” (“Joint Strategic Vision for the Asia-Pacific and Indian Ocean”), Tổng Thống Obama đã cùng với Thủ Tướng Modi xác định rằng hai quốc gia Mỹ và Ấn rất quan ngại về “những căng thẳng chung quanh các cuộc tranh chấp lãnh hải” tại Biển Nam Hoa. Ngày 28 Tháng Giêng năm 2015, các ngoại trưởng thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) nhóm họp tại Mã Lai Á đã cùng nhau bày tỏ sự lo ngại về chuyện Trung Cộng liên tục đòi chủ quyền tại nhiều khu vực trong Biển Nam Hoa, đặt các quốc Ðông Nam Á vào thế phải đối mặt với tham vọng bá quyền nước lớn của Trung Cộng trong khi không có nước nào trong vùng đủ sức đối đầu về quân sự với nước láng giềng phương Bắc khổng lồ đó. (4)
*Vì đâu nên nỗi?
Sự thể này có nhiều nguyên do, trong đó có các nguyên do sau:
1. Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, để mất quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Cộng
Việc Hoa Kỳ bỏ cuộc nửa chừng, để cho Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt (1975) và kèm theo đó là việc Hoa Kỳ, chỉ một năm trước đó, đã làm ngơ không can thiệp để cho Trung Cộng chiến mất quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa (trong trận Hải Chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân Trung Cộng và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 19 Tháng Giêng năm 1974), là sai lầm chiến lược lớn lao nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ trước, (5) mặc dù Hoa Kỳ vẫn được tiếng là kẻ đã chiến thắng cuộc Chiến Tranh Lạnh (1945-1991) trong tư cách là cường quốc lãnh đạo Thế Giới Tự Do và nghiễm nhiên trở thành siêu cường Số 1 của thế giới sau sự sụp đổ của Cộng Sản Ðông Âu và sự tan rã của Liên Xô, tức Liên Bang Xô Viết. Có điều, Trung Cộng cùng 2 chư hầu của họ tại Á Châu, là Việt Nam và Bắc Hàn, cũng như Cộng Sản Cuba thân Liên Xô ở Tây Bán Cầu, đã không sụp đổ theo đúng các đánh giá khôn ngoan nhất mà loài người có thể đưa ra trong thế kỷ trước.
Có thể lúc bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1973-1975, các chính trị gia Mỹ, nhất là Quốc Hội Mỹ (là kẻ nắm hầu bao trong mọi cuộc chiến), chỉ có mục đích thiển cận là nhằm tiết kiệm mỗi năm chừng nửa triệu Mỹ kim tiền viện trợ - Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam Cộng Hòa cũng chỉ cần có thế đặng giữ vững Miền Nam Việt Nam - để dành số tiền đó lo cho phúc lợi của dân chúng Mỹ trong nước. Ðâu có ai biết rằng, vì để mất Việt Nam Cộng Hòa trong thế kỷ trước, qua thế kỷ này Hoa Kỳ đã phải chi ra mỗi năm hàng chục tỉ Mỹ kim để chống đỡ những ngón đòn của Trung Cộng trên khắp các mặt trận toàn cầu, đặc biệt là tại Biển Nam Hoa, thủy lộ sinh tử của Mỹ và các nước đồng minh từ Thái Bình Dương qua Ấn Ðộ Dương.
Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, chiếc tiền đồn chống Cộng của Thế Giới Tự Do, đã trở thành sự sụp đổ của chiếc tiền đồn của Hoa Kỳ và các nước đồng minh Á Châu của Mỹ, như Nhật Bản, Ấn Ðộ, Nam Hàn và Phi Luật Tân, trước tham vọng bá quyền của Trung Cộng tại Á Châu. Một Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại, với hải, lục không quân tinh nhuệ và với một đội quân được các chuyên gia quân sự đánh giá là hùng mạnh vào hàng thứ 7 trên thế giới trước năm 1975 mà còn được bảo vệ bằng một hiệp ước an ninh chung với Hoa Kỳ, sẽ làm Trung Cộng nản lòng trong bất cứ tham vọng bá quyền nào của họ, ít nhất là tại Ðông Nam Á và Biển Nam Hoa, đừng nói gì tới chuyện thách thức vị thế bá chủ của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Cần phải nói thêm rằng, ngoại trừ Israel - với cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái giàu mạnh và rất có thế lực tại Hoa Kỳ - Việt Nam Cộng Hòa là đồng minh tốt nhất và đáng tin cậy nhất của Hoa Kỳ trong suốt dòng lịch sử nếu đem so với các đồng minh khác trên toàn thế giới, như Afghanistan và Iraq chẳng hạn, là những kẻ sẵn sàng xả súng bắn vào người bạn đồng minh Hoa Kỳ cho dù họ chưa hề bị bỏ bỏ rơi ngang xương như trường hợp của Miền Nam Việt Nam cách nay 4 thập niên.
Với những bộ óc khá ưu việt - cỡ bộ óc của các Giáo Sư Bửu Hội và Nguyễn Xuân Vinh thuộc thế hệ trước cũng như của nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, mẹ đẻ loại bom ép nhiệt thermobaric, và Tiến Sĩ Nguyễn Ðịnh, cha đẻ loại vũ khí bắn tia Free Electron Laser, của Hoa Kỳ thuộc thế hệ hiện nay - và với tiềm năng dầu khí dồi dào tại thềm lục địa Miền Nam Việt Nam, thế giới không thể loại bỏ khả năng Việt Nam Cộng Hòa trở thành một cường quốc nguyên tử (vì lẽ sinh tồn tự nhiên của một nước nhỏ bên cạnh một nước láng giềng to lớn và hung ác), cho dù cường quốc này có thể cũng sẽ phải ẩn thân trong vòng bí mật như Israel. Ðó thật sự là cơn ác mộng của Trung Cộng, kẻ chưa hề biết sợ mà từ bỏ chủ trương bá quyền Ðại Hán. Và dĩ nhiên, hồi thế kỷ trước, một khi Trung Cộng thấy Hoa Kỳ quyết tấm giữ vững Miền Nam Tự Do để bảo vệ sườn phía Tây của Thái Bình Dương thì họ không bao giờ dám đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa như họ đã làm hồi năm 1974, chỉ 1 năm trước ngày Sái Gòn sụp đổ vào tay Cộng Sản Bắc Việt. Còn chuyện đảo Gạc Ma và Bãi Ðá Chữ Thập - do Cộng Sản Việt Nam quản lý sau khi Việt Nam Cộng Hòa cáo chung - bị Trung Cộng đánh chiếm hồi năm 1988 thì chuyện đó sẽ không làm sao xảy ra được nếu Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
2. Hoa Kỳ giúp Trung Cộng phát triển kinh tế mong trục lợi từ một thị trường béo bở
Một lỗi lầm chiến lược trầm trọng vào bậc nhất khác của Hoa Kỳ trong thế kỷ trước di hại tới thế kỷ sau là Hoa Kỳ đã giúp Trung Cộng phát triển kinh tế những mong trục lợi từ một thị trường béo bở như thị trường đông cả tỉ người trên lục địa Trung Hoa, thay vì giúp Nga chấn hưng kinh tế sau khi Liên Xô tan rã.
Sự tồn tại dai dẳng và không thể nào đảo ngược lại được của chế độ độc tài Cộng Sản tại Trung Hoa - qua sự thất bại thảm thương và cay đắng của các phong trào đòi tự do, dân chủ tại Thiên An Môn (1989) và Hồng Kông (2014) - cho thấy Hoa Kỳ, với chính sách “Trợ Tàu, diệt Nga” thời Chiến Tranh Lạnh, đã tự ý tạo ra cho chính mình một kẻ thù mới hùng mạnh và nham hiểm bội phần so với kẻ thù cũ Liên Xô. Giờ đây, Trung Cộng đã trở thành đối thủ sinh tử của Hoa Kỳ, kẻ đang “tranh bá, đồ vương” với Hoa Kỳ trên khắp các mặt trận có quy mô thế giới.
Rõ ràng là nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Hoa Kỳ, thông qua việc chuyển nhượng khoa học, kỹ thuật không chút e dè của các công ty Mỹ lúc nào cũng tối mặt trước lợi nhuận thu vào bất kể quốc gia hưng vong, nền kinh tế Trung Cộng, chẳng bao lâu nữa sẽ (thật sự) vượt qua Hoa Kỳ để tiến lên vị thế hàng đầu thế giới vẫn do Hoa Kỳ nắm giữ từ sau Thế Chiến 2 đến nay. Có thể nói rằng, khi giúp Trung Cộng mở mang kinh tế (kéo theo kỹ thuật tân tiến), Hoa Kỳ đã vô tình giúp Trung Cộng khả năng mua sắm được hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cùng các tiềm thủy đĩnh nguyên tử và chế tạo được các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 cỡ Chengdu J-20 and Shenyang J-31, chẳng thua thua kém gì các siêu máy bay chiến đấu F-22 Raptors và F-35 Joint Strike Fighters Lightning II của Hoa Kỳ. (6)
Hồi Tháng Giêng năm 2015, trong một bài viết trên tạp chí The National Interest nhan đề “The Foreign Policy Essay: Why China Will Become a Global Military Power,” tức “Luận Về Chính Sách Ngoại Giao: Vì Sao Trung Cộng Sẽ Trở Thành Cường Quốc Quân Sự Của Thế Giới,” Oriana Skylar Mastro, giáo sư môn nghiên cứu an ninh tại trường Edmund A. Walsh School of Foreign Service thuộc Ðại Học Georgetown University, cho rằng sớm muộn gì rồi quốc tế cũng phải chấp nhận sự thể Trung Cộng là một cường quốc quân sự của thế giới.
Nguồn tin Tân Hoa Xã hồi cuối Tháng Mười Một năm 2014 từng cho hay “Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định thời đại Mỹ là siêu cường duy nhất thế giới sắp kết thúc, Bắc Kinh quyết tâm cạnh tranh sánh tầm ảnh hưởng với Washington tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.” Ðiều này cho thấy việc Trung Cộng lăm le thôn tính nhược tiểu Việt Nam chỉ nằm trong mục tiêu ban đầu của họ mà thôi, trong khi mục tiêu tối hậu của quân Ðại Hán là làm sao có thể thôn tính luôn cả siêu cường Hoa Kỳ.
Theo lời tiên đoán của đại văn hào Nga Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008), tác giả The Gulag Archipelago, tức quần đảo Gulag, từng sống lưu vong tại Mỹ năm 1974 nhưng sau đó chán ngán xã hội Mỹ chỉ biết chăm chú hưởng thụ vật chất mà xao lãng mặt tinh thần nên đã quay trở lại Nga năm 1994, Hoa Kỳ sẽ sụp đổ từ bên trong chứ không cần phải bị ai đánh từ bên ngoài, bởi vỉ đây là một siêu cường đầy những lỗ hổng, với cả hai đảng chính trị lớn chỉ biết lo cho quyền lợi của đảng mình (chẳng khác gì Cộng Sản, nhưng vẫn còn khá hơn), với “lục phủ, ngũ tạng” đều rệu rã, và với lòng hận thù chủng tộc sâu sắc tới độ nền pháp trị dữ dằn kiểu Mỹ vẫn không kiềm chế nổi.
Trung Cộng có thể sẽ không đối đầu với Hoa Kỳ qua một cuộc chiến tranh nguyên tử theo kiểu Bắc Hàn từng hăm dọa Mỹ, nhưng rõ ràng là họ đang dùng ngón đòn vật chất, mà tiền bạc là chính, để “mua đứt” các cơ sở kinh tế của Mỹ và gây ảnh hưởng lên các nhà lãnh đạo siêu cường này bằng cách tài trợ các chuyến đi du lịch đầy thú vui và lắm khoái lạc để sau này bắt bí, buộc “người tiêu thụ” các thú vui đó phải điều chỉnh chính sách quốc gia sao cho có lợi cho Trung Cộng. Từ cả chục năm nay, Trung Cộng đã thực hiện không biết bao nhiêu là cuộc tấn công trên mạng (cyber attacks) trong khuôn khổ cuộc chiến tranh điện toán (cyberwarfare) vào các cơ sở kinh tế, kỹ nghệ và quân sự của Mỹ nhằm đánh cắp khoa học, kỹ thuật cùng các thông tin thương mại, đồng thời sử dụng các chiêu thức tuy cổ điển nhưng hữu hiệu, trong đó có cả khổ nhục kế và mỹ nhân kế, với mục đích làm suy yếu giới lãnh đạo Mỹ lúc nào cũng ham vui và cần tiền để vận động bầu cử, song song với việc ráo riết cạnh tranh nhằm triệt hạ ảnh hường của Hoa Kỳ trên khắp thế giới, rõ rệt nhất là tại các nước Phi Châu và Nam Mỹ.
Cần biết rằng bản chất của người Mỹ là thực tiễn và ham thich tiền bạc nên họ rất dễ sa vào các bẫy sập của Trung Cộng. Cũng nên biết rằng, từ năm 1949, lúc cộng sản chiếm quyền tại Hoa Lục, cho đến nay, chính sách ngoại giao Ðại Hán của Cộng Sản Trung Hoa rất nhất quán và hầu như không hề thay đổi, dù là dưới thời Mao Trạch Ðông hay Ðặng Tiểu Bình hay Hồ Cẩm Ðào trước kia hoặc Tập Cận Bình ngày nay. Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian kể trên, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã thiếu tình liên tục và có khi còn mâu thuẫn nhau trầm trọng, dưới đời 12 vị tổng thống, là Harry Truman, Dwight Eisenhower, John Kennedy, Lyndon Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George W.H. Bush, Bill Clinton, George W. Bush, và Barck Obama.
3. Hoa Kỳ quá tự tin vào sức thu hút của chủ nghĩa tư bản và nền tự do, dân chủ
Một lỗi lầm lớn lao nữa của Hoa Kỳ là sự thể Chú Sam quá tự tin vào sức thu hút của chủ nghĩa tư bản và nền tự do, dân chủ của thế giới bên ngoài các xã hội độc tài, đảng trị tại Cộng Sản Trung Hoa, Cộng Sản Việt Nam, Cộng Sản Bắc Hàn và Cộng Sản Cuba. Khi giới thiệu chủ nghĩa tư bản vào Trung Cộng và Việt Nam, Hoa Kỳ cứ làm như là chủ nghĩa tư bản hay ho tới độ sẽ cảm hóa được dân chúng tại đây và làm say mê Bộ Chính Trị của các đảng Cộng Sản đang cai trị tại Bắc Kinh và Hà Nội tới mức họ sẽ bỏ phăng đi đường lối cộng sản mà chạy theo chế độ tự do, dân chủ do Hoa Kỳ bày vẽ. Sự thật thì cả hai đảng Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam đều tương kế, tựu kế, cứ việc ngửa tay lấy tiền của từ “bọn tư bản” để rồi nỗ lực nuôi nấng và củng cố đảng cộng sản của mình cho ngày càng thêm bền vững.
Một ví dụ sống động là tấm gương do cựu đại sứ Mỹ tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Michael W. Michalak (2007-2011) để lại. Ông Michalak rất hãnh diện về nhiệm kỳ của ông ở Việt Nam, bởi lẽ chính trong thời gian này mà số du học sinh Việt Nam sang Mỹ du học đạt tới một đỉnh cao mới, với số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ vào cuối nhiệm kỳ của ông tăng gấp đôi so với lúc ông vừa mới nhậm chức cách đó 4 năm. Cũng như bao chiến lược gia tài ba trên đất Mỹ, vị đại sứ cứ tin rằng hễ giáo dục được càng nhiều con em các lãnh tụ cộng sản Việt Nam bao nhiêu theo lối Mỹ thì triển vọng các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam từ bỏ chế độ độc tài, đảng trị hiện nay để chuyển sang chế độ tự do, dân chủ kiểu Mỹ càng tươi sáng hơn bấy nhiêu. Sự thật thì kết quả đã trái ngược hoàn toàn, bởi vì con cháu các lãnh tụ cộng sản được gởi đi du học tại Mỹ, khi nối ngôi cha ông của họ, đã không đưa đất nước đi theo chế độ tự do, dân chủ kiểu Mỹ - để chỉ có thể cai trị tối đa là 8 hay 10 năm giữa những lời phê phán và chỉ trích gay gắt trong một xã hội có tự do ngôn luận - mà họ đã ra sức trói buộc Việt Nam trong chế độ cộng sản độc tài để họ được quyền cai trị suốt đời mà không ai dám hé môi phản đối, cho dù đất nước đang có nguy cơ mất vào tay Trung Cộng nếu Việt Nam không chịu thay đổi thể chế chính trị. (7)
Tương tự như thế, đã có hằng nghìn trí thức và chuyên gia Trung Cộng, một số không nhỏ là con cháu các đảng viên gạo cội trong Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, từng du học Hoa Kỳ từ cuối thập niên 1970 tới nay, nhưng chưa hề có ai, khi leo lên tới vị trí lãnh đạo trong guồng máy cai trị của Bắc Kinh, nghĩ tới chuyện từ bỏ chế độ độc tài, độc đảng do phe cộng sản nắm giữ mà đi theo con đường đa nguyên, đa đảng để tạo cơ hội cho các đảng phái khác thay họ mà lên cầm quyền. (8)
*Thay lời kết
Trong những ngày tháng này, những người Quốc Gia của Việt Nam Cộng Hòa cũ còn ở trong nước hoặc đang ở hải ngoại sắp sửa tưởng niệm 40 năm ngày mất nước, tức tưởng niệm 40 năm biến cố Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, một biến cố mà mới đầu ai cũng tưởng như chỉ là nỗi bất hạnh riêng của 20 triệu đồng bào Miền Nam Việt Nam nhưng không ngờ lại là nỗi đau chung của cả một dân tộc gồm 90 triệu người đang phải sống dưới một chế độ chính trị bất công, bạo tàn và tồi tệ chưa từng thấy mà đành bất lực, không có cách nào dứt bỏ đi được, cứ y như là một thứ nghiệp báo phải mang vào thân mãi tới khi nào ông Trời ngó lại và cho thoát đi thì mới dứt được kiếp lầm than, hay nói như Nguyễn Du: “Ðã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa...”
Sau bao nhiêu tháng, năm sống cuộc đời lưu vong trên “đất khách” mà nay đã là quê hương mới của mình, người Việt tha hương có thể đã thấm thía với sự thật là hầu như cái ác đang thắng cái thiện trên khắp thế giới, chứ không riêng gì ở Việt Nam. Ðối với những ai còn vọng tưởng tới một tương lai xán lạn cho tổ quốc Việt Nam về sau, những người đó cần lưu ý ít nhất là 2 điều này:
1. Khác với trường hợp nước Nga của ông Vladimir Putin qua vụ Ukraine, đối tượng mà Hoa Kỳ và các quốc gia Liên Âu tha hồ cấm vận kinh tế và chính trị, thế giới không thể nào cấm vận hoặc trừng phạt kinh tế và chính trị để ngăn chặn tham vọng bành trướng Ðại Hán của Cộng Sản Trung Hoa, cho dù nước này có hung ác đối với các nước nhược tiểu (cỡ Tây Tạng, Tân Cương hoặc Việt Nam) đến cách mấy đi nữa và lại còn đang rình rập để chờ cơ hội thâu tóm cả Hoa Kỳ, bởi vì quyền lợi kinh tế, tức là quyền lợi vật chất, của các nước tự do, dân chủ trên thế giới - nhất là Mỹ - tại Cộng Sản Trung Hoa đã quá chằng chịt và quá lớn lao tới độ không thể dứt ra được nếu họ không muốn chính mình cũng bị “hụt ăn.” Hơn nữa, thật khó cho các nền kinh tế hạng nhì, hạng ba của thế giới lại đi cấm vận nền kinh tế hàng đầu thế giới, một vị thế mà, chẳng sớm thì muộn, Trung Cộng sẽ giành được, bởi vì các công ty tại Mỹ và Âu Châu, vì thiếu tiền, vẫn cứ tiếp tục “bán mình” cho các nhà đầu tư Trung Cộng mà không hề biết lo cho tương lai của “tổ quốc” mình khi các kỹ thuật tân tiến do họ nắm giữ lọt vào tay một đối thủ nham hiểm. (9) Mà chừng nào Ðảng Cộng Sản Trung Hoa còn thì các Ðảng Cộng Sản Việt Nam và Bắc Hàn vẫn tồn tại, và đó là chân lý bất di, bất dịch, cho dù sông có thể cạn, núi có thể mòn. Phải biết rằng, trong cuộc giằng co, nếu có, giữa Trung Cộng và Cộng Sản Việt Nam, thời gian luôn đứng về phía Trung Cộng chứ không phải về phía Cộng Sản Việt Nam, hay nói nôm na là “hễ ai dài hơi hơn thì người đó sống.” Mà rõ ràng là Trung Cộng lúc nào cũng dài hơi hơn. (10)
2. Căn cứ vào quyết tâm không chịu rời bỏ chủ nghĩa Cộng Sản của các nhà lãnh đạo tại Hà Nội để Việt Nam có thể tách rời khỏi ảnh hưởng của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc cùng những lời tuyên bố và hành động của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam trong và sau biến cố giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam hồi Tháng Năm năm 2014 khi họ chỉ coi đây là “chuyện nhỏ,” nên hiểu rằng Cộng Sản Việt Nam sẽ không bao giờ ngã về phía Mỹ, Nhật Bản và Ấn Ðộ để hy vọng có thể giữ gìn độc lập và toàn vẹn lãnh thổ như mọi người ngày đêm vẫn cứ tơ tưởng. (11) Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Ðộ cũng không cần phải cho tiền, tặng vũ khí cho Cộng Sản Việt Nam chống đánh Cộng Sản Trung Hoa làm chi cho uổng công và hao của.
Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam lúc nào cũng ỡm ờ và lập lờ trong vấn đề chống hay theo Trung Cộng - phần thì nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế để được o bế và cho không món này, món nọ, phần thì để xoa dịu đồng bào trong nước cho bớt đi sức đòi hỏi và chống đối - dù trong bối cảnh cảnh tổ quốc lâm nguy, làm cho các nhà lãnh đạo thế giới từ Barack Obama (cùng John Kerry) cho đến Shinzo Abe và Narendra Modi phải lăng xăng, lính quýnh, và làm cho toàn thể dân tộc Việt Nam bị trị cứ phải mừng hụt hoài. Thật là: “Người khôn ăn nói nửa chừng...” đúng y như câu ca dao thâm thúy của Việt Nam tự nghìn xưa từng nói vậy.
Ghi chú:
(1) Hoa Kỳ, và cả Nhật Bản cũng như Ấn Ðộ, đang ở trong một vị thế rất lúng túng khi muốn ngăn chặn Trung Cộng xâm chiếm toàn bộ Biển Nam Hoa, bởi vì nếu muốn làm như thế thì hai nước ở phía Tây và phía Ðông quay mặt vào vùng biển này, tức Cộng Sản Việt Nam và Phi Luật Tân, phải ở cùng chiến tuyến với họ. Trong khi đó, trên thục tế, Mỹ, Nhật và Ấn chỉ có được Phi Luật Tân, nước có một quân đội chẳng mạnh mẽ gì, là đồng minh quân sự trong khi Cộng Sản Việt Nam, từ trước tới nay, chưa hề là đồng minh của Mỹ, Nhật hay Ấn, ngoài điều may mắn duy nhất là Cộng Sản Việt Nam ngày nay đã thôi không còn coi Hoa Kỳ là “kẻ thù của nhân dân ta” nữa, mặc dù Hoa Kỳ từ trước tới nay vẫn vậy, chứ có khác gì đâu. Tình trạng này càng làm tăng thêm giá trị vô song của Việt Nam Cộng Hòa xưa cũ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh Á Châu-Thái Bình Dương của họ. Nhưng chính Hoa Kỳ, chứ chẳng ai khác, đã tự mình để mất đi “quân cờ” Việt Nam Cộng Hòa từ hồi 1975 đến nay rồi, giờ đây Hoa Kỳ lấy cái gì mà đánh đấm nữa trên ván bài “chuyển trục về Á Châu” (“Pivot/Rebalancing to Asia”) của mình?
(2) Không gì trớ trêu hơn là sự thể, chỉ sau hơn 2 thập niên khi Liên Bang Xô Viết và Cộng Sản Ðông Âu sụp đổ - kéo theo sự sụp đổ của “liên minh ma quỷ Nga-Hoa” và nước Nga dân chủ dưới quyền Tổng Thống Boris Yeltsin đang trên đường trở thành một “đồng minh” của Mỹ và các nước dân chủ, tự do khác, nước Nga ngày nay của Tổng Thống Vladimir Putin, với lề lối cai trị chẳng khác gì của một tổng bí thư đảng cộng sản, đang biến Hoa Kỳ trở lại thành kẻ thù của mình, đồng thời còn quyết tâm phục hồi cái “liên minh ma quỷ Nga-Hoa” trước đây - qua việc Nga chấp nhận bán khí đốt và vũ khí tối tấn - cỡ máy bay chiến đấu SU-35 và hỏa tiễn phòng không S-400 cho Trung Cộng mà không còn sợ sệt gì cho an ninh biên giới của mình nữa- để chống lại Hoa Kỳ và Âu Châu. Chiến lược “Trợ Tàu, diệt Nga” của Tổng Thống Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Kissinger nhằm đánh sụp cái “liên minh ma quỷ Nga- Hoa” nay đã trở thành công dã tràng xe cát.
(3) Hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới, Nhật Bản, chứ không phải Cộng Sản Việt Nam, rất có nguy cơ bị Trung Cộng đánh trước nay mai vì mối thù truyền kiếp giữa 2 cường quốc Á Châu này, nhất là vì cái nhục mà nước Trung Hoa vào thời trước khi cộng sản nắm quyền tại lục địa (1949) phải hứng chịu dưới bàn tay quân phiệt Nhật, từ vụ Quân Ðội Thiên Hoàng Nhật tấn công vào Lư Cầu Kiều cho tới vụ tàn sát hằng chục nghìn dân Trung Hoa ở Nam Kinh (The Nanking Massacre) - mà thế giới vẫn ưa gọi là Vụ Cưỡng Hiếp Nam Kinh (The Rape of Nanking)- trong 2 năm 1937 và 1938. Giới lãnh đạo Trung Cộng đã không giấu giếm ý đồ muốn rửa hận bằng một trận huyết chiến máu chảy thành sông, xương chất thành núi với Nhật Bản, chỉ ngặt một điều là Chú Sam hiện vẫn còn hùng mạnh và đang có hiệp ước an ninh chung với xứ Phù Tang nên Trung Cộng đành nghiến răng kèn kẹt mà nuốt giận. Nếu một mai Hoa Kỳ suy yếu và co cụm lại thì Nhật Bản sẽ biết tay Trung Cộng ngay. Ngày 22 Tháng Chạp năm 2014, thông tấn xã Kyodo của Nhật loan tin Trung Cộng đang ráo riết xây dựng một căn cứ quân sự lớn ngoài khơi tỉnh Chiết Giang gần quần đảo Diaoyu Dao (Ðiếu Ngư) - mà Nhật gọi là quần đảo Senkaku- nơi Trung Cộng và Nhật Bản vẫn tranh chấp chủ quyền dằng dai. Nguồn tin thông tấn xã AFP hôm 29 Tháng Giêng năm 2015 cho hay Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đã khởi đầu một loạt các cuộc tập tận trên bộ, trên không và trên biển nhằm “cải thiện khả năng chiến đấu” của các lực lượng võ trang của họ để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ (local wars).” Rõ ràng là Trung Cộng đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự quyết liệt với Nhật Bản trong vùng Biển Hoa Ðông, chưa cần tính tới các nước nhỏ trong vùng Biển Nam Hoa.
(4) Một bài báo của Michelle FlorCruz trên tờ International Business Times, ngày 29 Tháng Giêng năm 2015, cho biết Hoa Kỳ tuyên bố cần đến sự trợ giúp của các máy bay tuần thám Nhật trên Biển Nam Hoa nhằm theo dõi cuộc tranh chấp lãnh hải đang gây căng thẳng giữa Trung Cộng và các quốc gia Ðông Nam Á. Hoa Kỳ, Ấn Ðộ, Nhật Bản và các quốc gia Ðông Nam Á ngày nay càng lo lắng về chủ nghĩa bành trướng bá quyền của Trung Cộng tại Biển Nam Hoa chừng nào thì việc Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vào tay cộng sản hồi thập niên 1970 trong thế kỷ trước càng trở nên một lỗi lầm chiến lược tày trời của Quốc Hội Hoa Kỳ thời đó.
(5) Theo tài liệu “Hải Chiến Hoàng Sa” của Wikipedia tiếng Việt, hồi năm 1970, Ðô Ðốc Elmo Zumwalt, tham mưu trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, đã họp báo tuyên bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược triển khai các hải đảo tiền đồn của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ. Theo nhận định của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thì đây là sự kiện trao đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và là nguy cơ cho Việt Nam Cộng Hòa trong việc bảo vệ Hoàng Sa. Nếu vậy, việc Hoa Kỳ làm ngơ cho Trung Cộng chiếm Hoàng Sa là chủ trương đã có từ lâu (1970) của (Hải Quân) Hoa Kỳ - nhằm tránh những cuộc đụng độ không cần thiết giữa lực lượng Mỹ và lực lượng các quốc gia đang lăm le tranh đoạt những hòn đảo và bãi đá thuộc Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó, ngoài Việt Nam Cộng Hòa, còn có Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) và Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan) trong số các nước khác - chứ không phải là cuộc trao đổi quyền lợi giữa Nixon và Chu Ân Lai sau này, bởi vì chính sách “ngoại giao bóng bàn” giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng chỉ khởi sự từ hồi Tháng Tư năm 1971, và 1 năm sau đó, tức Tháng Hai năm 1972, mới diễn ra cuộc viếng thăm lịch sử (nhưng tai hại) của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon đến Bắc Kinh.
(6) Theo Thông Tấn Xã Australian Associated Press, Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ Quan NSA của Mỹ, đã tiết lộ với tạp chí Ðức Der Spiegel rằng Trung Cộng đã đánh cắp được bản vẽ máy bay F-35 Lightning II từ công ty Lockheed Martin, nhà thầu chế tạo phi cơ này, hồi năm 2007, rồi dùng các chi tiết lấy được đó để chế tạo ra các chiếc Chengdu J-20 và Shenyang J-31.
(7) Tại cuộc hội thảo về “Quan Hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa” (“Vietnam-United States: 20 more successful years”) do Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị Quốc Tế của Hoa Kỳ và Ðại Học Portland của Hoa Kỳ phối hợp tổ chức ở Hà Nội vào ngày 26 Tháng Giêng năm 2015, Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Cộng Sản Việt Nam, ông Ted Osius, có tuyên bố rằng “Hoa Kỳ mong muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia lớn mạnh, giàu có và độc lập.” Hai nhân vật khác cũng lạc quan không kém về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là Murray Hiabert và Phương Nguyễn thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị Quốc Tế, đồng tác giả bài báo nhan đề “An Assertive China Opens the Door to Closer US-Vietnam Naval Ties,” tức “Một Nước Trung Hoa Hùng Hổ Ðưa Ðến Mối Quan Hệ Hải Quân Mỹ-Việt,” cho rằng nhờ Trung Cộng quá hung dữ nên Cộng Sản Việt Nam phải hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Cũng nhờ lạc quan, hồi năm ngoái, Hoa Kỳ đã bãi bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho các nhà buôn vũ khí Mỹ bán ra các máy bay, chiến hạm và súng ống tân tiến cho kẻ thù cũ của mình tại Ðông Nam Á mà không chút e dè rằng đây có thể là một con dao 2 lưỡi nếu nghĩ tới các bí mật về vũ khí của Hoa Kỳ từng được sang tay cho Trung Cộng qua ngã 2 đồng minh thân thiết của Mỹ (thời Chiến Tranh Lạnh) nhưng cũng có quan hệ này nọ với Trung Cộng, là Pakistan và Ðài Loan (Trung Hoa Dân Quốc xưa).
(8) Trái với tính toán của các chiến lược gia lỗi lạc của Hoa Kỳ trong mưu đồ cung cấp một nền giáo dục siêu đẳng để thâu tóm tinh hoa quốc tế, một số không nhỏ các khoa học gia ưu hạng gốc Trung Hoa, từng được đào tạo chuyên môn hoàn hảo tại các học viện kỹ thuật lừng lẫy của Hoa Kỳ, đã chọn con đường về nước cũ để phục vụ nhằm sớm đưa đất nước họ tiến lên địa vị siêu cường trên thế giới, bởi vì, bên trong mỗi một người Trung Hoa, luôn tiềm ẩn giấc mộng Ðại Hán, coi Trung Hoa là trung tâm hội tụ những gì là tinh hoa của thế giới. Việc các khoa học gia Mỹ gốc Trung Quốc ưa đánh cắp các bí mật của Mỹ trong lãnh vực kinh tế (trường hợp ông Kexue Huang hồi năm 2011) và quân sự (trường hợp của kỹ sư Chi Mak hồi năm 2005) để trao cho Trung Cộng và sự thể một số tướng lãnh đồng minh Ðài Loan của Mỹ đánh cắp bí mật quân sự và vũ khí rồi giao cho Trung Cộng (trường hợp các Tướng La Hiền Triết hồi năm 2011 và Hứa Nãi Quyền hồi năm 2015) đã chứng minh rằng người Trung Hoa có tinh thần dân tộc (Ðại Hán) cao hơn bất cứ giống người nào khác trên thế giới.
(9) Từ đầu thế kỷ 21 tới nay, Hoa Kỳ luôn tránh né chuyện đụng độ với Trung Cộng vì quyền lợi kinh tế chằng chịt của các tập đoàn tư bản Mỹ (chuyên giật dây các nhà lãnh đạo ở Washington) cũng có mà vì tâm lý “dại gì lại đem chén kiểu đổi chén sành” cũng có. Hồi Tháng Tư năm 2001, lúc Tổng Thống George W. Bush mới lên cầm quyền, vị tổng thống thuộc loại “cao-bồi Texas” này cũng không dám dùng hải và không quân phong tỏa đảo Hải Nam (như người ta cứ tưởng thế) để lấy lại chiếc máy bay thám thính đã bị Trung Cộng cưỡng ép hạ cánh xuống đảo này vì bị coi là đã xâm phạm không phận Trung Cộng trong một chuyến bay do thám. Trung Cộng bắt được chiếc phi cơ đó, một chiếc EP-3E ARIES II, và đã lấy đi nhiều bí mật quân sự cũng như tháo gỡ một số máy móc kỹ thuật trên chiếc phi cơ trước khi đem trả “cái xác không hồn” này về cho Mỹ. Cũng thế, trong vụ Iran tịch thu chiếc máy bay drone của Hoa Kỳ, một chiếc RQ-170 Sentinel, lạc đường bay qua biên giới nước này, hồi Tháng Chạp năm 2011, thời Tổng Thống Barack Obama, Mỹ đâu có dám hành quân lấy lại chiếc máy bay này. Iran đã kéo chiếc máy bay đó về một nơi thanh vắng và mời các chuyên gia quân sự háo hức của Nga và Trung Cộng đến phanh thây, xẻ thịt chiếc máy bay để ăn cắp kỹ thuật, rồi mỗi nước từ đó chế tạo ra những chiếc drone giống hệt như chiếc máy bay đáng thương đó của Mỹ. Giới lãnh đạo đa mưu, túc trí Bắc Kinh, chứ không phải Mạc Tư Khoa, đã ngồi quan sát rất kỹ phản ứng của Hoa Kỳ qua 2 vụ này để có thể đi các nước cờ kế tiếp. Các quốc gia Trung Cộng, Nga và Iran - không chừng còn có cả Bắc Hàn nữa - những kẻ ưa thách thức Hoa Kỳ, đều bắt mạch thấy Hoa Kỳ bây giờ cũng vẫn chỉ là một “con cọp giấy,” coi bộ còn tệ hơn thời Chiến Tranh Lạnh ngày nào nữa, bởi vì ngày nay quyền lợi to lớn của các đại công ty Mỹ luôn trói tay các chính quyền liên tiếp ở Washington không cho đụng tới Trung Cộng, trong khi các khoản chiến phí khổng lồ lại làm cho Mỹ phải nghĩ đi, nghĩ lại, nếu không nói là ngán ngẩm, trước viễn tượng phải lâm chiến với các nước khác như Nga hoặc Iran hoặc Bắc Hàn.
(10) Ðiều mỉa mai là sự tồn tại của chế độ Cộng Sản tại Việt Nam chỉ dựa vào cái “không biết” và cái “biết” của chính người dân Việt Nam. Trước năm 1975, vì “không biết” chủ nghĩa Cộng Sản là tồi tệ, đa số dân chúng ở Việt Nam - kéo theo giới phản chiến tại Mỹ và các nước Âu Châu - đã đi theo hoặc hùa theo Cộng Sản để dẫn đến chiến thắng cuối cùng của họ tại Miền Nam Tự Do vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Sau năm 1975, chính vì “biết” rằng Cộng Sản Việt Nam sẽ tồn tại lâu dài nếu họ cứ bám riết theo đàn anh Trung Cộng, một số người Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại, bằng cách này hay cách khác, vẫn tiếp tục ủng hộ chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn đứng vững được nữa một khi nền kinh tế Trung Cộng sụp đổ - kéo theo xuống vực sâu giấc mộng tranh bá, đồ vương của Trung Cộng - theo như sự tính toán của một số kinh tế gia quốc tế hiện nay.
(11) Nếu Cộng Sản Việt Nam chịu từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản để đi theo con đường dân chủ đa nguyên, đa đảng thì Việt Nam sẽ không cần gì đến Trung Cộng. Nhưng nếu Cộng Sản Việt Nam vẫn cứ khư khư giữ lấy chế độ độc tài, đảng trị Cộng Sản (như họ đang làm hiện nay) thì đương nhiên là họ phải bám riết theo Trung Cộng để được che chở mà sống còn, thay vì chạy theo Mỹ để rồi cứ bị siêu cường này áp lực phải chuyển sang con đường tự do, dân chủ phóng khoáng mà họ cho là hay nhất (như họ đã từng làm đối với Miền Nam Việt Nam thời Ðệ Nhất Cộng Hòa dưới quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, để rồi Việt Nam Cộng Hòa suy yếu rồi mất luôn vào tay Cộng Sản).

Wednesday, February 24, 2016

Vấn đề vùng miền

Dù có muốn nói thế nào thì sự thật vẫn là sự thật: Có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa miền bắc và miền nam trong gần như mọi khía cạnh và ngành nghề. Không chỉ trong việc phân bố đảng viên, mà ngay cả trong kinh tế, cũng nghiêng hẳn về miền bắc, cho dù miền nam là nơi làm ra sản phẩm và có tài nguyên dồi dào và đóng góp tiền bạc cho ngân sách Nhà nước hơn hẳn miền bắc. Người nam không muốn nói ra vì sợ mang tiếng "chia rẽ vùng miền", nhưng tôi nghĩ tại sao không. Nói ra để tìm cách giải quyết, chứ không phải chia rẽ.
Thế là ông Ba Dũng đã chính thức rút khỏi cuộc "chạy đua". Kể ra thì ông rút ra trong danh dự. Cũng có thể ông biết cơ may được bầu chức TBT không cao. Tôi nói "cơ may" là vì trước đây nghe nói có người khẳng định rằng cái chức đó chỉ dành cho người miền Bắc và có trình độ lí luận (?!?) Câu này tưởng là ngẫu hứng, nhưng hình như cũng có chứng cứ. Tôi phát hiện vài con số thú vị dưới đây. Chẳng biết Bloomberg (1) làm sao có được mấy con số này, nhưng nó nói lên những khoảng cách giữa nam và bắc:

• 70% đảng viên đảng CSVN là ở ngoài bắc;
• 70% bộ trưởng hay tương đương là người miền bắc;
• 22/25 tổng hành dinh tập đoàn kinh tế ở ngoài bắc.

Nhìn hình này thì thấy đa phần đảng viên đúng là từ miền ngoài. Không thấy con số đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ miền bắc và nam. Nhìn qua mấy con số này thì chắc cũng không khó hiểu khi có người đòi chức TBT phải là người miền ngoài.

Tôi nghĩ cái dư âm còn lại sau kết quả bầu bán trong đại hội vừa qua có vẻ là vấn đề mất cân đối vùng miền trong phân bố nhân sự chóp bu. Đọc bài trên BBC dưới đây (2) mới biết là trước đó đã có người trong nội bộ nêu vấn đề. Một bài luận trên Người Việt (3) cũng tỏ ra quan ngại cho tình trạng này, và nhà bình luận nói, sự mất cân đối đó chỉ làm lợi cho Tàu.
Giáo dục và khoa học
Thật ra, không chỉ trong chính trị, mà trong khoa học và giáo dục cũng xảy ra tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng giữa ba miền. Tôi thử đếm con số giáo sư được phong năm 2014 và 2015 thì thấy đa số ứng viên được phong là người từ miền Bắc. Chẳng hạn như năm 2015, có 52 người được phong hàm giáo sư; trong số này, 41 (hay 79%) là người từ các trường viện miền Bắc. Năm 2014, con số này là 73%. Phân bố cụ thể số giáo sư được phong như sau:

Năm 2015:
• Bắc: 41 người
• Trung: 3
• Nam: 8

Năm 2014:
• Bắc: 43 người
• Trung: 6
• Nam: 10

Trong khoa học cũng vậy. Tôi đếm thử số đề tài được Quĩ Nafosted tài trợ trong năm 2009 thì thấy trong số 321 đề tài được phê chuẩn, các trung tâm phía Bắc chiếm 285 đề tài (89%), còn các trường viện từ phía Nam chỉ có 21 đề tài (6%), và miền Trung còn thấp hơn nữa (15 đề tài) (4). Ở đây, tôi không nói người Bắc hay người Nam; tôi muốn nói nơi mà các trung tâm (trường, viện) đặt trụ sở.
Tôi nghĩ những sự kiện trên có liên quan nhau, và nó bắt đầu từ người đề ra “luật chơi”. Người miền Bắc nắm quyền chính trị thống soái, và thiết lập “luật chơi” theo cái nhìn và tầm nhìn của họ. Người trong Nam lo làm ăn kiếm tiền, không ham tham gia vào những trò phong hàm sư sãi; không có danh xưng sư sãi thì không xin được tài trợ; không có danh xưng sư sãi thì không được mở ngành đào tạo; không có trò và không xin được tài trợ thì khó có cơ may được phong sư sãi. Nói chung, nó là cái vòng tròn khép kín, mà kẻ đề ra luật chơi lúc nào cũng thắng.
Thành ra, không phải ngẫu nhiên mà có người nói rằng những gì xảy ra gần đây là ván bài của người miền Bắc (5). Còn kí giả người Nhật thì e rằng tình trạng mất cân đối trong nhân sự chóp bu "có thể gây khó khăn cho các chính trị gia cải tổ miền Nam và làm chậm lại phát triển kinh tế của đất nước" (2). Tôi thì nghĩ, nói theo tiếng Anh, là Northern Affairs.

Hám danh và ham học
Tại sao có sự mất cân đối giữa các vùng miền trong phân bố về các chức danh khoa bảng và tài trợ trong khoa họ? Có vài ý kiến cho rằng vì người Bắc ham học, nên ngoài đó có nhiều giáo sư là điều dễ hiểu. Đó là một ý kiến thú vị. Nhưng tôi nghĩ cần phải phân biệt giữa hám danh và ham học. Ở đây, tôi muốn đưa ra một giả thuyết khác để giải thích hiện tượng mất cân đối, hay nói thẳng là không công bằng.

Hám danh dĩ nhiên có nghĩa là muốn có danh vọng bằng mọi giá và trong mọi tình huống. Họ là những người đi đâu cũng kè kè theo những danh xưng trước tên. Chẳng những thế, họ còn bắt buộc người khác phải xưng hô với họ bằng những danh xưng. Họ là những người bằng mọi cách và mọi giá để có phẩm hàm, kể cả mua. Ngày xưa Nguyễn Công Trứ từng nói “Làm trai đứng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”, và cái câu đó gần như là kim chỉ nam cho người Việt, đặc biệt là người ngoài Bắc.
Ham học rất khác với hám danh, và điểm khác biệt cốt yếu là thực học. Người ham học mong muốn thu thập kiến thức cho thật nhiều, và dùng những kiến thức đó để đem lại phúc lợi cho xã hội và cộng đồng. Khác với kẻ hám danh quan tâm đến những danh xưng phù phiếm, người ham học quan tâm đến thực học và phụng sự xã hội. Những anh chàng "Hai Lúa" là một ví dụ của thực học, vì các anh ấy ham học đây đó và "chuyển giao" kiến thức thành sản phẩm, các anh ấy chẳng cần danh xưng sư sĩ gì cả.
Tôi nghĩ cái cơ chế và xã hội ngoài Bắc làm cho người ta hám danh. Trong cái môi trường chật hẹp đó, trong cái xã hội gọi là "xã hội chủ nghĩa" đó, nơi mà thành tích được cân đo đong đếm, nơi mà nhu yếu phẩm cá nhân (ăn, uống, mặc) được định lượng từng kg và từng cm. Thậm chí khi chết, cái hòm cũng được định lượng theo chức vụ và chức danh. Những chỉ tiêu đó được định lượng hoá theo danh xưng của một cá nhân. Bệnh thành tích nảy sinh từ đây. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy người miền ngoài rất hám danh. Không thể trách họ, vì đó là một cách thức để tồn tại, hay ít ra là để "ngoi lên" mặt đất xã hội để "có danh gì với núi sông".
Ngược lại, trong Nam, môi trường sinh sống thoải mái hơn, kinh tế phát triển hơn so với ngoài Bắc. Trong cái môi trường mở đó, người ta nghĩ nhiền đến việc làm sao cho xã hội và kinh tế phát triển hơn nữa, hơn là nghĩ đến danh xưng. Một anh kĩ sư có danh xưng đó, nhưng về mặt thu nhập thì chắc gì đã bằng một người làm kinh doanh nhỏ. Nhưng để phát triển tốt hơn, họ cần phải học, và đó chính là lí do tại sao ngay sau 1954, chính quyền ông Diệm cho mở hàng loạt trường cao đẳng và đại học trên khắp miền Nam. Chẳng những thế, các đại học và cao đẳng còn liên kết và tìm sự hỗ trợ từ các cường quốc khoa học như Mĩ và Pháp. Họ quan tâm đến thực học hơn là danh lợi.
Dù là người Bắc, hay người Trung, hay người Nam thì cái học lúc nào cũng là ưu tiên hàng đầu. Đó là một chân lí. Đơn giản là vì chúng ta xuất phát từ một văn hoá và một nguồn tổ tiên. Người Bắc và Trung có lí do để học vì trong môi trường kinh tế khắc nghiệt, học là con đường duy nhất để tiến thân. Người Nam cũng dành ưu tiên cho học, nếu họ có cơ hội. Hãy nhìn những người tị nạn ở Mĩ (đại đa số là từ miền Nam), họ ưu tiên cho cái gì trước, nếu không là đầu tư vào giáo dục. Và, họ rất quan tâm đến thực học. Con em họ chọn học các ngành nghề như y khoa, kĩ thuật, công nghệ, luật, thương mại, những ngành nghề thực dụng mà các nước tiên tiến rất quan tâm (chứ ít ai chọn những ngành mang tính lí thuyết). Do đó, tôi nghĩ cho rằng người Bắc ham học hơn các dân vùng khác thì tôi e rằng không phù hợp với thực tế.

Thế thì tại sao ở trong nước, người miền Nam lại vắng bóng trong các phẩm hàm khoa bảng? Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở sự khác biệt giữa tính hám danh và ham học. Anh hám danh thì cứ chạy theo mấy phẩm hàm sư sĩ. Anh thực học thì chẳng bận tâm chuyện sư sĩ mà nghĩ đến chuyện sáng chế ra cái gì có ích cho đời và ... làm ra tiền. Tôi quen rất nhiều bác sĩ trong Nam, khi nói đến chuyện sư sĩ, họ chỉ cười; họ nói họ bận tâm đến bệnh nhân hơn là sư sĩ. Nhưng trong cái xã hội mà kẻ dám danh đề ra luật chơi thì anh thực học đương nhiên là kẻ bị loại.
Một câu trả lời đơn giản khác là di sản của lịch sử để lại. Chúng ta nên nhớ và cần phải nhớ rằng sau 1975, chính quyền mới áp dụng một chính sách kì thị người miền Nam, đặc biệt là qua phân chia lí lịch thành 17 nhóm. Con em của các quan chức VNCH dù học giỏi cỡ nào cũng không được vào đại học, vì lí lịch thuộc nhóm thấp nhất. Trong khi đó, những con em của cách mạng dù kém cỡ nào cũng được ưu tiên vào đại học. Còn các chuyên gia và trí thức thời VNCH hoặc là bị đày đoạ trong các trại cải tạo (một số thì bị đày cho đến chết), hoặc vượt biên ra nước ngoài. Hệ quả là một thế hệ học thuật mới (từ con em cách mạng) kém cỏi hơn ngoài Bắc, và tệ hơn nữa, họ bị tẩy não phải lệ thuộc vào miền Bắc.
Người ngoài đó đặt ra luật chơi, thì dĩ nhiên họ phải là người chiếm ưu thế. Rất nhiều những qui định, thành văn hay bất thành văn, được thiết kế để có lợi cho người ngoài đó. Ví dụ như qui định đảng tịch, như lí lịch gia đình, như "nhân thân", v.v. Mấy năm trước, có người còn nói thẳng với tôi rằng chủ tịch hiệp hội chuyên môn phải là người Bắc, người Nam chỉ làm phó thôi! Và, đó là một qui định bất thành văn. Một ví dụ thực tế khác là qui định về chủ trì đề tài Nafosted là phải có bằng tiến sĩ, là do người ngoài đó đặt ra. Nhiều bác sĩ trong Nam có khả năng và lòng tự trọng, họ không muốn chịu nhục (và hối lộ) để học tiến sĩ, và thế là họ bị loại ra khỏi sân chơi. Thật ra, với qui định đó của Nafosted thì khối bác sĩ Mĩ và Úc cũng không xin được tài trợ! Đó là chưa nói đến những chiêu trò thấp (nhưng rất hiệu quả) để giảm tối đa những du học sinh từ miền Nam và miền Trung. Có thể nói rằng sự mất cân đối trong khoa bảng *ngày nay* giữa các vùng miền là có tính hệ thống và có tổ chức -- một dạng systematic & organized discrimination, chứ chẳng dính dáng gì đến truyền thống ham học cả. Một cộng đồng dân tộc kì thị là một cộng đồng yếu.

Chúng ta biết rằng không chỉ trong học thuật và khoa học, hầu như tất cả các lĩnh vực khác đều có sự mất cân bằng. Từ chính trị, quân sự, đến kinh tế, có thể nói là người miền Nam đều bị thiệt thòi. Từ hải quan, dầu khí, hàng hải, đến hàng không, tất cả đều chịu sự thống trị của người miền ngoài. Và, họ làm ăn lỗ lã kinh niên. Rất khó lí giải tại sao miền Nam đóng góp phần lớn cho ngân sách nước nhà, mà 22/25 tập đoàn kinh tế đặt ngoài miền Bắc. Rất khó hiểu tại sao cái uỷ ban sông Mê Kông lại nằm ở ... Hà Nội. Sự vô lí nhiều khi nó nằm ngoài sự tưởng tượng của một người bình thường.  
Viết ra những sự thật trên đây rất dễ bị gán ghép cho cái nhãn “kì thị vùng miền”. Nhưng tôi đã nói là tôi không có cái tính đó, và thực tế đã chứng minh. Tôi nghĩ có những vấn đề chúng ta không nên giấu giếm, mà nên nói ra để tìm cách giải quyết cho ổn thoả. Vấn đề mất cân đối nam bắc là rất nghiêm trọng, vì nếu không giải quyết ổn thoả thì sẽ rất khó có hoà hợp dân tộc thật sự. Có thể nói là cái suy nghĩ kẻ bị trị và kẻ thống trị vẫn còn âm ỉ trong cộng đồng. Chúng ta là những người có học, chúng ta có nhiệm vụ phải nói ra sự thật, chứ không nên giấu giếm. Nói ra không phải để chỉ trích hằn học cho hả dạ, mà để tìm một phương cách để đem lại công bằng cho mọi người. Một giải pháp gần nhất là phải loại bỏ những qui định mang tính kì thị có tính tổ chức.
====





Tuesday, February 23, 2016

NHẬT BẢN – MỘT XÃ HỘI ĐẢO NGƯỢC VỚI VIỆT NAM?


Cộng với những hiểu biết vốn có từ trước năm ngày du lịch bụi ngắn ngủi, đủ để tôi cảm thấy xã hội Nhật, người Nhật là cả một hình ảnh đảo ngược của xã hội Việt, người Việt.
Nhật Bản là một thế giới khác biệt với thế giới.

Nhật Bản là một thế giới khác lạ.

Xuất phát từ Hà Nội, sau một chuyến bay đêm hơn bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi bắt đầu một ngày mới trên chiếc xe từ sân bay Narita về Tokyo. Không khí dịu mát như một ngày cuối thu đầu đông ở đồng bằng sông Hồng, song cái lạnh ở đây lại có khí vị vùng biển bắc, cái cảm giác mà tôi cảm nhận khi đến Leningrad vào năm 1988.
Nhìn chung quanh, thấy khung cảnh thoáng rộng sạch sẽ, cây cối đạm bạc. Ghé lại một trạm bên đường để xe mua xăng, bắt gặp không khí của nước Nhật bình thường, người nào người nấy chăm chú vào công việc.
Có cái lạ là, khi đến Tokyo, tôi cũng lại gặp một khung cảnh vắng lặng như vậy. Không những trên đường người đi bộ thưa thớt mà cả ô tô đi lại cũng ít. Trong khi đó, lại biết rằng Tokyo có đến 20 triệu dân và hàng ngày có đến 40 triệu người lai vãng. Nơi tôi tới chỉ là ngoại ô chăng? Thành phố chính ở đâu? Như đã đoán được thắc mắc của tôi, người hướng dẫn du lịch sớm giải thích, đây chỉ là phần trên mặt đất, còn trong lòng đất có đến bốn thành phố nữa. Ở đó cũng có giao thông, xe điện ngầm, những phố buôn bán; ở đó mặc dù rất đông, nhưng rất trật tự.

Ngày đầu xa lạ
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến tham quan là phía ngoài hoàng cung Nhật. Cũng như mọi người dân nội địa, chúng tôi không được vào tham cung điện chính của hoàng gia, chỉ được đứng và quan sát từ xa và nghe người giới thiệu kể chuyện lại về một cuộc sống rất khổ hạnh của những người sống trong cung điện đó.
Người Nhật quen chấp nhận tình trạng cách ly này bởi họ hiểu những người sống trong hoàng cung phải nhận vai hình mẫu của nước Nhật, có nghĩa phải chịu rất nhiều áp lực. Có những người con gái trong đó cảm thấy thật nhẹ nhõm nếu lấy được người chồng dân thường, ra khỏi hoàng cung, để được sống như mọi người bình thường.
Buổi chiều chúng tôi đến thăm ngôi nhà của Tòa thị chính, ở đây có tháp truyền hình cũ, từ đó có thể nhìn ra cả Tokyo.
Có điều mất vui là ngay trong buổi chiều đầu tiên này, đoàn du lịch chúng tôi đã có một người bỏ trốn. Khi cả đoàn lên tháp rồi lần lượt xuống dần thì anh ta lẩn mất. Sau mới biết, từ Hà Nội anh ta đã chuẩn bị để làm việc này. Cái ba lô còn lại trên xe ô tô của anh nhẹ tênh. Theo sự giải thích của người hướng dẫn, có lẽ đây là một người Việt được bố trí sang Nhật để trộm cắp thuê. Dân Việt có hộ chiếu bên đó, khi phát hiện ăn cắp thì sẽ bị trục xuất khỏi nước Nhật. Nên họ phải thuê những người trong nước sang làm chân rết. Người này có bị tống về thì cũng không mất đầu mối.
Trong lúc vẩn vơ chờ làm các thủ tục, khoảng hơn một tiếng đồng hồ, tôi nhìn quanh khu Tòa thị chính, thấy một không khí vắng vẻ. Nhớ nhất là hình ảnh một cô gái dắt hai con chó đi đường. Cô chăm sóc chúng hết sức cẩn thận. Khi chúng đói lấy thức ăn và theo dõi chúng ăn, bình thản chờ đợi như bà mẹ đang đi chơi với những đứa con thân yêu của mình.
 
Tâm thế mới của phụ nữ Nhật
Để giải tỏa nỗi chán chường của bọn tôi, người hướng dẫn giới thiệu một tình thế của người dân Nhật mà trước kia chúng tôi không thể tưởng tượng nổi.
Anh cho biết , hiện nay ở nước Nhật có đến 62% người sống độc thân. Nếu nhìn trên đường, chúng ta luôn thấy những người đàn ông chăm chú nhìn về phía trước. Họ buồn, như là một thứ nhân vật phụ của cuộc đời. Còn chính phụ nữ mới là những người đầy sức sống và thách thức.
Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật –từ nhỏ, đã được nghe câu nói ghi nhận sự tận tụy của người phụ nữ Nhật với gia đình.
Sau chiến tranh, khi nước Nhật bắt tay khôi phục kinh tế, người đàn ông tập trung vào công việc của mình và ít khi về nhà trước 7h tối. Mọi việc liên quan tới gia đình và con cái đặt cả lên vai vào người đàn bà. Họ tự nguyện làm như thế cả đời.
Hôm nay đây tôi còn chứng kiến cảnh một đôi ông bà già trên đường; khi tới chỗ nghỉ, người phụ nữ rút chiếc khăn mù xoa trong túi ra mời chồng mình ngồi.
Nay mẫu phụ nữ loại đó chỉ còn thưa thớt.
Bề ngoài người phụ nữ Nhật không tự biểu hiện lộ liễu như người Việt. Màu sắc phần lớn trang phục là màu trắng, màu xám và màu đen. Như đang tự giấu mình đi. Không ai tô son, trát phấn… Nhưng cuộc sống bên trong thì, theo anh hướng dẫn viên, thực sự nồng nhiệt. Khoảng mươi, mười lăm năm gần đây, phụ nữ Nhật nổi loạn, nhiều người không lấy chồng vì không thích phụ thuộc vào gia đình chồng và rất tự lập trong đời sống riêng tư.
Ở Nhật, đời sống tình dục được coi bình thường như cơm ăn nước uống và phụ nữ có phố đèn đỏ của mình. Ở đó, đối tác của họ là những thanh niên mới lớn và lấy việc thỏa mãn nhu cầu phụ nữ làm nghề phụ. Người ta có cách giữ bí mật cho cả hai bên.
Trong túi đàn bà, từ em thanh nữ mới lớn đến đám sồn sồn tuổi trung niên luôn có ca-pốt. Và họ chủ động tìm tới những đối tượng để có thể thỏa mãn những khát khao bất chợt nhưng chính đáng.
Trong các món quà trao nhau nhân ngày lễ tết, chính phụ nữ là màu nóng, còn nam giới được tượng trưng bởi màu lạnh.

9 – 6
Niềm vui với những công việc bình thường
Buổi sáng chủ nhật, bọn tôi đến khi vui chơi Disney Land nổi tiếng. Ấn tượng lớn nhất, vẫn là những người phụ nữ làm công việc như hướng dẫn người đi tham quan và bảo vệ trật tự chung quanh đó. Những công việc có vẻ tẻ nhạt như thế được người Nhật làm với tất cả niềm vui và sự háo hức khiến người Việt chúng ta gần như không thể hiểu nổi. Đứng bên cạnh những đoàn xe lửa làm theo lối cổ, các nhân viênphục vụ không những ân cần giúp đỡ cho người lên xe, mà còn tình cảm vẫy chào khách lên đường, rồi lại hào hứng đón khách xuống khi hết vòng quay.
Người hướng dẫn du lịch giải thích thêm với chúng tôi, người Nhật rất nghiêm túc trong việc công. Tất cả công chức đi làm đều mặc Âu phục. Với họ, làm công chức không phải chỉ để kiếm tiền mà để phục vụ xã hội, việc làm hợp đạo nghĩa làm người.
Một ấn tượng khác, là trẻ con trên nước Nhật rất ngoan và quen tự lập. Trên đường mỗi trẻ có túi thức ăn riêng, tự lấy thức ăn khi muốn. Thông thường các em đi theo người lớn rất đàng hoàng. Một ngày ở công viên không nghe tiếng khóc nào của bọn trẻ.
Người Nhật có tinh thần tự trọng cao độ. Trong hoàn cảnh nghèo khó, ít khi chấp nhận sự giúp đỡ của người khác mà làm được cái gì thì hưởng cái đó. Điều đó được rèn từ nhỏ. Ở trường nuôi dạy trẻ, từ lúc biết bò, đứa trẻ đã phải tự bò đến bàn thức ăn để lấy thức ăn. Ở lớp lớn hơn, đứa trẻ tự gấp lấy quần áo và lo giữ vệ sinh.

Từ chuyện giao thông tới chuyện pháp luật
Đã hơn chục lần đi theo các đoàn du lịch nước ngoài, tôi thấy trên xe thường người Việt Nam chỉ hay pha trò đùa bỡn, trêu chọc nhau, bàn chuyện ăn uống, nói tục. Đa số người mình đi du lịch để làm dáng, để tiêu tiền, không mấy ai tính chuyện đi để hiểu biết về xứ sở mà mình đặt chân tới. Những người hướng dẫn du lịch Trung quốc chẳng hạn, rất hiểu cái sự tầm thường đó. Trên xe, thể theo yêu cầu của người mình, họ nói những chuyện trong thâm cung bí sử, nhưng toàn thứ vụn vặt gây tò mò. Nói chung trình độ những người hướng dẫn cho các đoàn VN ở các nước gần ta rất thấp. Người có chí chắc đi học tiếng Anh tiếng Đức chứ chả ai chịu học tiếng Việt làm việc với các đoàn Việt.
May mắn lần này chúng tôi gặp người hướng dẫn khác hẳn. Anh cũng là người Việt. Sang Nhật học, sau đó nhập quốc tịch Nhật và đưa cả vợ con sang đó. Trong những lúc rỗi trên xe, anh Đức (tôi không biết họ, chỉ nhớ tên) giới thiệu với chúng tôi rất nhiều về đặc sắc của nước Nhật, và điều đó rất cần thiết với những người từ Việt Nam tới.

Ví dụ có lần anh nói về chuyện giao thông trên đường.
Chúng ta biết rằng người Nhật đi lại rất từ tốn và người ta nhường đường nhau khi có việc cần tranh chấp. Trong câu chuyện của mình, anh Đức có lưu ý thêm một điều. Luật pháp được soạn thảo rất tỉ mỉ và nói cho cùng là rất nhân bản. Một mặt nhà nước bố trí cảnh sát theo dõi tốc độ của xe trên đường, nhưng mặt khác, họ cho phép các nhà sản xuất cung cấp cho lái xe các thiết bị cần thiết có khả năng cho biết chỗ nào cảnh sát giao thông đứng bắn tốc độ, để tự động điều chỉnh lại. Tức là người làm luật muốn bảo vệ quyền được đi nhanh hơn của xe cộ trong hoàn cảnh cho phép.

Sự áp đặt luật pháp của những người cầm quyền ở đây cũng là rất mềm dẻo.
Khi có người lái xe phạm lỗi, cảnh sát, từ lúc yêu cầu giữ lại đến lúc lên xe để đặt vấn đề phạt, đều có thái độ lịch sự tôn trọng đối tác, tìm cách thân thiện bàn bạc, chứ không phải một chiều hạch sách rồi muốn bắt người ta thế nào cũng được. Khi không thống nhất được với nhau, họ để dành quyền phán xét cho tòa án,– cố nhiên đó không phải loại tòa án bao giờ cũng nhăm nhăm bênh cảnh sát như người nước mình. Danh tính của những người bị phạt không bao giờ bị làm lộ.
Tôi cho đó mới là sự tôn trọng, sự khuyến khích người dân sống và làm theo luật pháp một cách hữu hiệu.

Pháp luật — một bên nặng về răn đe
Có lần đọc cuốn Đông Á – Đông Nam Á – Những vấn đề lịch sử và hiện tại (nx b Thế giới, 2004), thấy ông Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói tới những điểm tương đồng trong tổ chức nhà nước của Việt Nam và Nhật Bản có nhấn mạnh cả hai bên đều chú trọng pháp luật (sách trên tr. 62).
Hôm nay nhớ đến đoạn này bỗng thấy phì cười. Vì sự thật trong khi ở nước người, chính quyền hết sức tôn trọng và đặt mình vào trong pháp luật thì ở mình, pháp luật được soạn ra để áp dụng với dân, chứ nhân viên công quyền đều hiểu ngầm rằng mình là người đứng ngoài. Mà người dân cũng vậy, thấy pháp luật là chuyện phiền phức, song mặc nhiên chấp nhận, lại còn tìm thấy niềm vui trong việc làm ngược pháp luật. Trừng phạt răn đe nặng nề đến độ dã man được xem như một sự cần thiết.
Để hiểu tính mềm dẻo mà chặt chẽ của pháp luật ở Nhật Bản, hãy trở lại câu chuyện về nhu cầu phụ nữ, phố đèn đỏ, mua dâm và bán dâm. Một mặt theo phong tục tập quán cổ, luật nước Nhật cấm tất cả sự tiếp xúc nam nữ ở dạng trần trụi. Thế nhưng đồng thời họ vẫn thấy con người Nhật Bản đã thay đổi, nên các nghị sĩ khi làm luật đã nghĩ ra cách để bảo vệ sự tiếp xúc này, không để dân bị ràng buộc vào luật một cách máy móc. Ví dụ như họ sẽ phạt nếu một trong hai bên không có vật lạ trong người khi tiếp xúc. Mà vật lạ này hiểu theo nghĩa rất rộng, nếu phụ nữ có một vòng đeo tay hoặc người đàn ông có một cái răng giả thì tức là đã không phạm luật. Thế thì còn phạt được ai nữa? Những điều này, theo tôi rất nhân đạo. Còn thuần túy truy bức như ở ta là bất cận nhân tình và sẽ sinh ra gian dối.

Các cửa hàng đồ cũ và thói quen cộng tác trong mọi việc
Nhân khi vào cửa hàng đồ cũ, anh Đức giới thiệu cho chúng tôi biết ở Nhật, loại hàng này có cả một hệ thống phân phối. Những năm 70 – 80 người dân bình thường có thói quen thải loại đồ cũ ra theo hình thức rác và người Việt Nam sang nhặt mang những đồ cũ đó đem về trong nước. Nay họ có ý thức thu gom và phân phối lại. Nhân đây, anh Đức kể về việc tổ chức làm ăn ở xứ này. Là khi có một công việc hợp lí thì nó cũng được phổ biến khắp nước Nhật. Những người cùng ý tưởng tự tổ chức thành những công ty, không có người nào đứng ngoài công ty đó mà có thể cạnh tranh với họ được. Người Việt mình dành được miếng mồi thì ăn lẻ, không ai cộng tác được với nhau, mà chỉ dìm dập nhau, phá nhau. Ở Nhật, nếu một người có sáng kiến chung thì sẽ đưa ra để phục vụ lợi ích chung.

10 – 6
Chung quanh núi Phú Sĩ
Tối hôm qua, ngủ đêm tại khách sạn thuộc khu Hà Khẩu Hồ (tôi đọc theo âm Hán Việt) thuộc khu vực núi Phú Sỹ, chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào gia đình người Nhật. Ăn một bữa cơm theo kiểu gia đình người Nhật vẫn ăn. Xong, được bố trí đến khu vực tắm. Nam chung một bên, nữ một bên, nhưng đã xuống tắm phải bỏ hết quần áo. Đêm, được bố trí ngủ lại căn phòng như của người Nhật. Việc xâm nhập sâu vào phong tục ăn ở như thế trong những lần đi các chuyến khác, bọn tôi không có dịp thực hiện.
Sáng dậy, đi quanh hồ, tôi chợt nhận ra rằng nhà cửa ở đây cũng nhô ra thụt vào mà không có lớp lang trật tự như mạn Giang Nam bên Trung Quốc. Vườn hoa ở các gia đình hay các công sở không nổi bật lên vẻ rực rỡ mà trông hơi có vẻ khổ hạnh và chỉ gợi chú ý bởi lùm cây hoặc một tảng đá nào đấy. Tất cả khu vườn quy tụ chung quanh vào vật trung tâm đó. Ngoài ra cây cỏ trong vườn thì kém, cỏ mọc rườm rà, thiếu một sự xử lý công phu. Các công viên chỉ lo tạo ra sự kì bí mà tảng đá có vai trò vật chủ và mối liên hệ giữa đá và cây là nhân tố chính gợi nên một vẻ đẹp.
Ngồi xe lên núi. Các tài liệu du lịch đều nói rằng Phú Sĩ là biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Trước khi lên đến trạm 5 ở độ cao 2000m, chúng tôi phải vượt qua hàng chục cây số rừng. Nhưng khi đến nơi, ngôi miếu trên trạm 5 đó khá đơn sơ. Nói chung, chùa chiền của Nhật không hào nhoáng, lộng lẫy như đền chùa của Trung Quốc. Thu hút du khách nhất là việc đứng ở đấy chiêm ngưỡng cả ngọn núi trong tuyết phủ.
Đối với người Nhật, núi Phú Sỹ là biểu tượng cao nhất của sự thiêng liêng. Người ta theo dõi để không ai có thể lấy đi hòn đất nào chung quanh núi. Đã có những khách nước ngoài đến, định lấy những hòn đất đi và đều bị phát hiện.
Chung quanh núi là khu vực huyền bí, người ta nói có những người Nhật đã đến đây để sống những ngày cuối đời, tức là tự tử ngay trong khu rừng trùng điệp mà mãi về sau người ta mới phát hiện ra. Số người này đang tăng hàng năm.

Ấn tượng sau nửa ngày ròng ngồi ô tô
Từ giã Phú Sỹ, bọn tôi tới Owakudani, nơi có vết tích của miệng núi lửa phun trào cách cây 3000 năm. Sau đó, là chặng đường dài tới Nakoné và Nagoda.
Trước lúc qua Nhật, một người quen cũ đã nói rằng, do du lịch bụi, chắc là bọn tôi không có điều kiện để sử dụng những phương tiện hiện đại nhất như tàu cao tốc và phải di chuyển từ địa điểm nọ đến địa điểm kia bằng ô tô. Ông nói điều đó với sự ái ngại vì ở Nhật số người di chuyển bằng ô tô rất ít. Nhưng đối với tôi, cảm tưởng là được ngồi ô tô đi trên những con đường nhựa nhẵn bóng và hiện đại của nước Nhật cũng đã sung sướng lắm. Nữa là, sau một buổi chiều như thế, lại có may mắn gần như được nhìn gần vào một nước Nhật và hiểu thêm điều người ta hay nói “Xứ này nghèo về tài nguyên và chỉ có một thiên nhiên khắc khổ, nhưng đã chinh phục được thiên nhiên khắc khổ đó để trở thành một xứ giàu có.”
Nhìn một hai ngôi nhà lắt lẻo giữa một triền núi xa, tôi hỏi Đức họ sống ra sao thì được trả lời:
– Một gia đình Nhật định cư ở đâu thì chính phủ Nhật có trách nhiệm làm đường tới đó, bảo đảm hàng hóa lưu thông tới đó để họ có thể sống bình đẳng với mọi người.
Có một chuyện mà ở nhà tôi đã biết nhưng chưa thấy hết ý nghĩa của nó, đó là việc người Nhật không khai thác tất cả những rừng cây và vùng mỏ cũng khá giàu có của mình. Tất cả những đồ gỗ ở đây đều nhập từ nguồn lâm sản nước ngoài, cũng như các khoáng sản cần thiết cho công nghiệp của họ. Đối chiếu với cách nghĩ Việt Nam, kể ra đây cũng là một sự lạ. Và lạ hơn hết là người Việt chúng ta còn cho chuyện tàn phá tài sản thiên nhiên là chuyện thường, không bán hết đi thì lấy gì mà ăn.

Nông thôn đô thị chung một mặt bằng
Lúc này trước mắt du khách không còn là một nước Nhật của các cao ốc và các khu đô thị thoáng đãng. Vùng đất nằm rải rác giữa núi non và bãi biển không có gì là hấp dẫn và mĩ lệ như các vùng biển của Việt Nam mình. Nhưng ở bất cứ nơi nào có điều kiện thì người nông dân Nhật vẫn cần cù sản xuất. Cảm giác còn lại trong tôi là một nước Nhật giống như một mặt bằng, giữa nông thôn và thành thị gần như không có sự chênh lệch. Nay, là thời, theo Đức kể, người nông dân Nhật làm ruộng bằng cách đi thuê các xí nghiệp nông nghiệp làm cho họ. Và đã có các hãng lớn chuyên làm nông nghiệp phụ trách giúp họ từ việc chọn giống, cày bừa đến bón phân và thu hoạch. Người nông dân chỉ việc ở nhà dùng tiền của mình đầu tư chứng khoán.
Người Nhật đặc biệt lo bảo vệ nguồn lương thực của mình, tạo cho xứ sở một thứ thức ăn không những ngon lành mà còn bảo đảm chuẩn khoa học không gạo nước nào có thể có được. Đã có những thời gian mà chính phủ Nhật do áp lực quốc tế phải nhập một số gạo của các nước khác, khi mang về phân phối cho dân thì không đâu người ta lấy, đến cả cho không cũng không ai nhận. Cuối cùng, số gạo đã mua buộc phải đem đi dùng làm hàng viện trợ cho các nước khác.

Đặt người Việt bên cạnh người Nhật
Cũng nhân thời gian rỗi trên đường xa, Đức kể với tôi về chuyện những người Việt Nam ở Nhật. Đức cho biết thật ra sau 4-1975, số người Việt sang Nhật không phải là ít, nhưng số có thể trụ lại được ở Nhật thì không nhiều và phần lớn là họ phải bỏ qua bên Úc hoặc bên Mĩ làm ăn. Việc du nhập vào cộng đồng Nhật, đòi hỏi sự nỗ lực đặc biệt mà người Việt không quen, chưa kể tiếng Nhật với nhiều người là khó học.
Chưa quen là như thế nào? Dù là mới tiếp xúc với người Nhật và văn hóa Nhật một cách đơn sơ, tôi vẫn có cảm tưởng người Nhật với người Việt Nam như hai đối cực, người nọ là thế giới đảo ngược của người kia.
Người Nhật có tinh thần gắn bó với xã hội, cấu kết với cộng đồng còn người Việt khôn lỏi, chạy vặt.
Người Việt thích phô trương còn người Nhật giấu mình sau vẻ ngoài bình lặng.
Người Việt ồn ào, lắm chuyện coi nơi công cộng là chỗ tự do buông thả còn người Nhật sợ nhất làm phiền người khác cũng như là bị làm phiền.
Bữa qua Miến Điện, tôi nhận ra một điều là không hiểu sao người bên đó có vẻ ít nói, trên đường không có cảnh vừa đi vừa cầm điện thoại tán chuyện. Có thể người Miến Điện không có tiền mua các loại máy mới? Nhưng Nhật là một nước giàu có. Sao dân họ vẫn không có thói nói lắm nói nhiều và xả ra cả khối lượng rác âm thanh ngập ngụa trên mọi ngả đường? Chợt nghĩ chính sự nói lắm nói nhiều nói một cách ba vạ đã giết chết sự suy nghĩ của người mình. Nó làm cho chúng ta thành một xã hội câm nín trước các vấn đề rất lớn đang phải đối mặt.

Xuất khẩu lưu manh
Hôm nay có đến hơn một giờ đồng hồ liền, Đức toàn kể chuyện người Việt sau 4-1975 tràn sang Nhật làm những việc gian dối như cờ bạc trộm cắp ra sao, cảnh sát Nhật đã từng bước đấu trí với người Việt để vô hiệu hóa các đồng bào lưu manh của chúng ta thế nào.
Chuyện đấu trí ấy tôi định ghi mà không sao theo dõi kịp nên đành bỏ. Chỉ nhớ nhất một chi tiết. Có nhiều người Việt sau khi kiếm bẫm bằng con đường bất chính trở ,liền lấy cái vốn thu được từ nước ngoài về làm vốn kinh doanh và trở thành đại gia.
Từ việc này nẩy ra hai ý nghĩ bổ sung:

1/ Ở các xã hội lành mạnh, đám nhà giàu là những người con ưu tú của dân tộc, họ như đầu tầu kéo cả cộng đồng đi theo. Ở một xã hội dở dang rồi biến chất như ở ta, một thời gian dài không công nhận tài sản cá nhân, thì ngược lại, đám nhà giàu phần lớn là đám lưu manh, khoác áo quan chức làm việc lưu manh. Họ phất lên trong chiến tranh bằng cách buôn lậu những hàng quốc cấm xuyên quốc gia. Với những đồng tiền kiếm được bằng các thủ đoạn xấu xa, khi trở về nước làm kinh tế, họ có góp phần thúc đẩy sự làm ăn và vì thế cả người dân lẫn chính quyền hoan nghênh họ. Nhưng lùi xa mà nhìn, thì thấy đóng góp của những người này không thấm là bao so với sự phá hoại những nguyên tắc đạo đức, tức những tác hại lâu dài, mà họ mang lại.

2/ Ngoài số đại gia trên, hiện còn không ít người Việt, đang sống vất va vất vưởng theo kiểu ăn cắp vặt, buôn lậu, làm thuê làm mướn ở xứ người.
Nhớ hồi chống Mỹ trong đầu mọi người dân luôn được nung nấu cái ý nghĩ Ta chiến đấu thế này không phải chỉ vì ta. Ta đang chiến đấu cho cả thế giới. Ta đang trở thành lương tâm nhân loại… .
Kỳ cục thế mà ai cũng tưởng thật và ai cũng thích.
Được những tư tưởng kiểu đó quấn chặt vào đầu, nhiều người Việt sau 4-75 ra nước ngoài, tự cho phép mình làm tất cả những việc xấu xa nhất, bất chấp luật pháp nước sở tại và những nguyên tắc đạo đức thông thường. Một cuộc xuất khẩu thói lưu manh đã kéo dài chưa biết bao giờ chấm dứt.

11 – 6
Thăm các di tích lịch sử
Tham quan chùa Thanh Thủy. Ấn tượng nhất không phải là ngôi chùa, mà là cách dựng công trình tôn giáo này. Cách nó bám vào chân hòn núi đá. Cũng lại là một biểu tượng của tinh thần bám trụ của con người vào một thiên nhiên khắc nghiệt.
Buổi chiều tới ngôi Chùa Vàng. Đọc chữ Hán, thấy chính ra chùa này phải gọi là Kim Các tự mới đúng. Tôi thích cả không gian chung quanh chùa và cả cái cách người ta tạo ra ấn tượng đối với người tới tham quan.
Có một điều tôi thấy tin, là những chi tiết người ta trình bày về ngôi chùa, cái giá trị cổ kính của nó. Các di tích ở Việt Nam thường có những bảng giới thiệu rất luộm thuộm, nhiều lúc có cảm tưởng do những người không hiểu biết viết ra.

(Còn nhớ là lần vào Văn miếu năm 2010, khi đọc tiểu sử Khổng Tử, thấy viết là Đức Thánh Khổng “có đến bốn tác phẩm gọi là Tứ Thư”. Điều này sai vì bốn tác phẩm đó có tên là Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử. Sao lại nói cuốn Mạnh Tử do Khổng Tử viết được?)
Một niềm tin khác, khi đến thăm các công trình kiến trúc cổ, là cảm thấy chắc chắn nó giống như là ban đầu nó đã được hình thành. Trong một cuốn sách về văn hóa Nhật, tôi đọc thấy người ta nêu lên một nguyên tắc khi trùng tu các công trình lịch sử. Là bất cứ thời nào, muốn làm lại các công trình cũ thì cũng phải làm đúng như cái ban đầu, kể từ hình dáng, các chi tiết trình bày cho đến chất liệu kiến trúc.
Một cách tự nhiên, tôi có cảm tưởng, chúng ta có thể tin được nền sử học Nhật Bản, một niềm tin không thể có đối với nền sử học Việt Nam hiện nay.
Trong số các đoàn nội địa tới tham quan tại các công trình kiến trúc lịch sử, ở đâu tôi cũng gặp những đoàn học sinh do các giáo viên già dẫn đường và giới thiệu. Sau được nghe lại, thấy nói là trong chương trình học phổ thông, tất cả các học sinh có quyền được đi tham quan các di tích có ghi trong sử sách. Chi phí các chuyến đi ấy do nhà nước đài thọ và chỉ những người kinh nghiệm lâu năm trong nghề mới được giao việc hướng dẫn các em.
Tình hình này khiến người ngoại quốc hiểu thêm một điều là tại sao không bao giờ các di tích, các thắng cảnh ở Nhật lại có tình trạng tràn ngập khách tham quan như bên Trung Quốc. Hình như những người lớn tuổi của nước Nhật đã tham quan di tích này từ lúc nhỏ rồi, nếu có tham quan chỉ đi lại thôi. Còn ở Trung Quốc, các di tích thường bị lấp đầy bởi người nông dân của các tỉnh xa xôi mà họ muốn đến với các thắng cảnh. Giống như cánh du lịch bụi Việt Nam chúng ta, lấy đi làm cái mốt, đi chỉ để chứng tỏ rằng mình chẳng kém gì người.
Trở lại với quá khứ của Nhật Bản, tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Một mặt thì cái ảnh hưởng ấy quá rõ và người Nhật không giấu điều này. Ai đó đã nói: “Người Nhật tìm ở Trung Hoa đức trầm tĩnh, vẻ hào hiệp và tính muôn màu muôn vẻ mà họ không thể có”. Mặt khác, suốt trong quá trình lịch sử, người ta cũng bắt gặp nỗ lực của người Nhật hướng theo cái tinh thần “trên cơ sở hoàn thiện mình, dám là mình, vui với mình và không ghen tức với người nước ngoài”. Đó lại là điều không thấy ở người Việt, văn hóa Việt.

Người Nhật làm du lịch
Những người tổ chức du lịch đã cố gắng cho chúng tôi biết được nước Nhật ở nhiều cung bậc khác nhau. Ví dụ về giao thông họ có bố trí cho chúng tôi ngoài chuyện thường xuyên ngồi trên ô tô, có lúc đi tàu thủy, có lúc đi tàu cao tốc.
Về ăn uống, ngoài những lối ăn nhanh theo kiểu buffet thì họ thường xuyên cũng cho chúng tôi vào những quán ăn tổ chức theo kiểu truyền thống. Ở đó, bọn tôi ngồi bệt xuống đất, chân đặt lên cái hố được khoét rộng chung cho cả bàn, trên bàn đặt nồi lẩu. Cái thú vị nhất đối với bọn tôi nói ra kể cũng phàm tục song cũng xin kể ra kể đây. Thú vị vì, nhìn vào cái nồi lẩu, thịt không bao giờ thiếu. Khi ăn hết, nếu cần chúng tôi có thể gọi thêm mà không phải trả thêm tiền.
Lúc đầu bọn tôi cũng lo lắng có những món ăn của Nhật không hợp khẩu vị, sau thì thấy cũng thích nghi dễ dàng.

Trong các chương trình như là thêm vào buổi chiều hôm nay, có việc chúng tôi đến thăm cửa hàng kimono. Ở đó, khách du lịch vừa có dịp tham quan cả cơ sở người ta đang dệt vải để làm ra kimono, và cũng có một buổi biểu diễn thời trang, trong đó những người Nhật trình bày cách sử dụng trang phục này.
Điều “rất Nhật” ở đây lại chính là cái bề ngoài “không chuyên nghiệp”, nó ngay lập tức gợi nên một thoáng thất vọng ở những người Việt thạo đời. Ra vào đi lại trên sân khấu lúc này không phải là những cô gái chuyên môn trình diễn thời trang, mà chỉ những người phụ nữ bình thường, tưởng như họ đang đi ngoài phố, vừa được mời vào.

Phụ nữ Nhật nói chung không đẹp, rất ít khi chúng tôi phải sững sờ cả người như khi sang Trung quốc, bắt gặp các cô gái còn chất quý phái hôm qua. Những cô gái Nhật biểu diễn thời trang ở xưởng làm và bán kimono cũng không thể gọi là đẹp. Họ trình diện trước du khách như những người thông minh, nghiêm túc, tự trọng, có sự cởi mở với người bên ngoài, mà vẫn giữ cho riêng mình đời sống nội tâm. Những bộ trang phục họ mang ra trình diễn hôm đó không phải là những hàng đắt tiền mà đám dân du lịch Việt Nam – những người đang thèm tiêu tiền — háo hức. Nhưng họ đâu có tính chuyện câu khách. Họ chỉ muốn giới thiệu một nét văn hóa Nhật.

Những dư âm của cuộc động đất
Tiếp tục câu chuyện về người Nhật trong sự so sánh với người Việt Nam. Sự kiện động đất xảy ra cách đây mấy năm vẫn còn trong kí ức người Nhật như chuyện mới xảy ra năm ngoái tháng trước hôm qua. Nhưng, chính lúc đó thì phẩm chất dân tộc của họ được bộc lộ.
Đức nói rằng ở đây đã lâu, song chính anh cũng rất ngạc nhiên vì cách phản ứng của người Nhật với động đất.
Ví dụ như, khi Tokyo mất điện, người ta đi bộ về nhà có khi đến hàng vài chục cây số, cái cửa hàng bên đường tung hàng ra để phục vụ người đi lại, mặc dù họ không có tiền. Khách sạn cho người đi đường vào ở nhà và không tính tiền.
Sau đó, tinh thần và nghị lực của người Nhật cũng bộc lộ ở việc sự nhất trí của xã hội trong việc khắc phục hậu quả tai họa. Sau động đất, nhà nước cắt điện một số vùng thì các vùng khác cũng tự động cắt theo giúp nhà nước có được lượng điện dự trữ. Khi đi làm việc, có lệnh chính phủ, công chức không dùng caravat để tránh giặt giũ nhiều, thì người thường cũng tuân theo .
Cả nước bao giờ cũng làm quá hơn so với mức chính phủ yêu cầu. Chỉ có câu khẩu hiệu nêu ra và viết trong các taxi: Nhật Bản hãy cố gắng. Mấy chữ ngắn ngủi thế thôi, mà người Nhật đã hiểu rất nhiều.
Trở lại với ý nghĩ mới hình thành trong tôi mấy ngày nay, hình như với người Việt Nam thì người Nhật ở dạng đảo ngược. Người mình sống trong sự cạnh tranh, phải lấy dối trá làm đầu khi quan hệ với nhau. Trong quan hệ với nhà nước và cộng đồng, càng trục lợi kiếm chác cho cá nhân càng tốt. Ở Nhật, giữa cá nhân và cộng đồng có niềm tin chắc chắn. Luôn luôn người ta tin rằng, những nỗ lực cá nhân của người ta sẽ được xã hội hiểu, những người tự trọng không thể làm khác.

12 – 6
Chuyện quanh những ngôi chùa
Mấy hôm trước, chúng tôi đã đi qua những thành phố nổi tiếng của xứ sở này như Kyoto, nhưng dù thế cũng chỉ là lướt qua. Hôm nay cũng vậy, mang tiếng là được đến kinh đô cổ kính của nước Nhật là Nara, nhưng chúng tôi cũng chi được đi qua phố xá một quãng, sau đó được dẫn đến thăm ngôi chùa cổ đọc theo chữ Hán là Đông Đại Tự.
Trên đường phố Nara, bắt gặp những ngôi nhà cổ, loại nhà một tầng mà chắc chắn đã có từ rất lâu đời. Trong việc xử lí những di sản này, chỗ khác của người Nhật vẫn rất rõ. Họ có sự bố trí thế nào để những ngôi nhà cổ rộng rãi hòa hợp tự nhiên với những cao ốc hàng chục tầng bên cạnh,– việc này gợi cảm giác những người sống trong ngôi nhà cổ là những cư dân lâu đời ở đất này, có thể là họ còn giàu có nữa kia, thì mới được ở trong những ngôi nhà đó.
Còn ở Việt Nam bên cạnh những cao ốc thường khi cũng có những ngôi nhà rách nát, làm hỏng hết cảnh quan chung. Những cuộc đền bù bất minh, hoặc tâm lý thấy ai giàu có là ghen lồng ghen lộn, ì ra ăn vạ…đã là nguyên nhân làm cho cái cũ cái mới không thể chung sống hòa hợp.

Hai bên đường tới Nara, du khách cũng bắt gặp rất nhiều ngôi chùa. Đây là một địa điểm được mệnh danh kinh đô của Phật giáo, đã từng là địa điểm tổ chức Đại hội Phật giáo thế giới.
Nhưng một chuyện buồn lại bắt đầu len vào, khó mà quên được. Đức hướng dẫn viên chỉ hai bên đường và nói rằng ở đây có rất nhiều cửa hàng bán đồ dùng dành cho các nhà sư. Anh kể tiếp, nhiều nhà sư Việt Nam đa đến Nara này, và điều mà người Nhật bản xứ đã sửng sốt là những nhà sư đó đã mua những trang phục đắt tiền nhất toàn loại những nhà sư các nước khác không dám mua.

Đức có người bạn đã đi theo đoàn Phật giáo ấy, chứng kiến cảnh mua bán của các vị sư. Với thói quen của người Sài Gòn, người bạn ấy có hai phản ứng. Một là lập tức tính sẽ tổ chức những của hàng tương tự ở Việt Nam để bán cho giới tu hành hám chuyện làm dáng. Hai là nhiều lúc nghĩ không muốn thành Phật tử nữa bời vì không hiểu vì sao sư mô Việt Nam lại trần tục đến như vậy.
Một chút so sánh và cảm giác về một nước Nhật quá xa xôi
Khi đi trên đất Nhật tôi hay nhớ lại những lần đến các xứ khác.
Du lịch Trung Quốc, đối với tôi như là một chuyến trở về nguồn. Ở đó tôi nhớ không chỉ là những lâu đài tráng lệ hay những viên lâm cổ kính sang trọng – không khí như trong phim Hồng lâu mộng — mà tôi còn thấy ở đây có những mặt trái, tức cả đời sống cùng cực của người lao động bình thường.
Ở Bắc Kinh, tôi đã vào những ngõ nhỏ mà ở đó người ta , từng cụm dân trong hồ đồng, phải dùng hố xí tập thể, và con đường quanh co là những mái nhà lợp tôn, lợp ngói cổ cái thấp cái cao như những hẻm nhỏ Hà Nội. Tôi cũng thấy người ta buôn gian, bán lận, nói thách, làm hàng giả theo lối làm tiền chém du khách không tiếc tay.
Bởi Việt Nam luôn là Trung quốc bị hạ thấp hẳn xuống thu nhỏ hẳn lại cái tốt bớt dần cái xấu tăng thêm, nên tôi càng hiểu những tệ hại của xứ mình không biết bao giờ mới khắc phục được.
Ngay cả với nước Nga nửa Âu nửa Á, tôi cũng thấy điều gì đó tầm thường dung tục. Hồi còn Liên xô, đó là những đống đất xây dựng ngổn ngang ngay ngoài cửa cách hàng rào sân bay không xa; những phiên chợ nông trường lèo tèo; đám đầu trọc nghênh ngang ngoài đường. Và bây giờ ở nước Nga của Putin, cái tôi còn nhớ khi đọc các bản tin, là những làng xóm vắng vẻ, người đàn ông say rượu, những người đàn bà chỉ lo trau chuốt để bán mình cho các nhà tư sản mới nổi.
Tóm lại thì ở đâu cũng có cái gì đó gần gũi với mình.
Ngược lại, đến với nước Nhật, từ lâu tôi cũng biết là đồng văn đồng chủng, da vàng mũi tẹt, nhưng ấn tượng còn lại thì lại là một cái gì khác hẳn so với những ấn tượng đi Nga đi Trung Quốc.
Tôi thấy xã hội Nhật là một cái gì quá đồng đều và quá hoàn chỉnh, do đó là quá xa xôi, người mình không biết bao giờ mới có thể có một xã hội hợp lý như của họ.
Tình thế đó của nước Nhật toát ra không phải từ không khí sinh hoạt của đường phố mà nó thấm vào trong cách sống cách nghĩ của từng con người, cũng như lối sống rời rã, cái năng động hỗn loạn, và tâm lý bèo dạt mây trôi đã thấm vào trong cách tổ chức xã hội của người Việt.
Nhớ lại khoảng thời gian mấy năm 75-76. Quá say sưa vì chiến thắng, người mình có cảm tưởng rằng đã đánh Mỹ được thì làm gì cũng được. Tôi nhớ không phải ở người dân thường mà ở những cấp lãnh đạo cao nhất hồi ấy đã có ngưỡng vọng có ngày Việt Nam sẽ đuổi kịp Nhật. Công thức mà tôi còn nhớ như in là lời truyền miệng như thế này: “Thôi, nói 20 năm thì hơi lạc quan quá, độ 30 năm nữa thì chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật”.
Nhắc lại ảo tưởng đó để hiểu rằng, chiến tranh để đẩy chúng ta chui vào sừng trâu, và ra khỏi chiến tranh chúng ta đã xa lạ với thế giới như thế nào. Ta chẳng hiểu gì về người, mà cũng chẳng hiểu gì về chính mình.
Từ đó, trong cái thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, ta vẫn nhắm mắt mở, bước đi loạng choạng xiêu vẹo.
Trong sự vội vã điên cuồng lo làm ăn sinh sống, xã hội Việt sau chiến tranh đã trở thành một xã hội mất hết tự tin. Không ai bảo ai, không dám thú nhận, song trong thâm tâm, nhiều người chỉ còn tin rằng sẽ chẳng bao giờ chúng ta theo kịp thiên hạ. Cách sống thời thượng nhất lúc này là có cái gì bòn mót mang bán lấy tiền. Ăn cắp của nhà nước cũng được, lột da nhau cũng được, miễn có tiền. Rồi đi nước ngoài mua sắm những thứ xịn nhất, mới nhất, hiện đại nhất. Rồi lấy đó làm niềm tự hào rằng người mình cũng đang có sự tiến bộ vượt bậc theo kịp các nước trên thế giới.

Mấy năm gần đây, nhờ sự trợ giúp của phía đối tác nước ngoài, các trường đại học ở ta thường mở ra các cuộc hội thảo văn học so sánh, trong đó nhiều báo cáo của giảng viên Việt trình bày như là có một bước tiến song song giữa văn học Nhật Bản hiện đại và văn học VN thế kỷ XX, rồi bước tương đồng giữa văn học Nhật đương đại và văn học Việt Nam hôm nay. Trên một số phương diện khác của đời sống cũng vậy. Một cái gì giống như ảo tưởng đang chi phối cái nhìn người Việt khi chúng ta làm cái việc đối sánh giữa mình với người, và các đồng nghiệp Nhật vì lịch sự cũng không tiện bác bỏ. Thường những lúc nghe vậy, trong tôi có cái cảm giác xót xa như khi thấy người ta xoa đầu mình coi mình là một lũ trẻ con. Trong những ngày du lịch bụi ngắn ngủi này, cái cảm giác xót xa ấy lại trỗi dậy để mà càng cảm thấy nó một cách thấm thía hơn.

Việt Anh

Nguồn Văn Hóa Nghệ An