Monday, February 22, 2016

Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu

Thờ: Chùa (Miếu) người Hoa.
Bà Thiên Hậu.
Thời gian: Ngày 15 tháng giêng và 15 tháng 10.
Chính hội: Ngày 23 tháng 3.
Địa điểm: Miếu Thiên Hậu, 710 Nguyễn Trãi, Quận 5.
Đặc điểm: vật nhiều (heo quay).
Tiền “Phước Sương” dùng vào việc công ích xã hội.

 Chùa Bà Thiên Hậu còn được gọi là chùa Bà (Chợ Lớn) của người Hoa tọa lạc tại số 710 Nguyễn Trãi, Quận 5, TP.HCM. Bà con người Hoa còn gọi là “Phò Miếu”, tên chữ Hán là Thiên Hậu Miếu. Chùa do nhóm người Hoa Quảng Đông xây dựng vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ XVIII, lúc đầu chỉ là một ngôi miếu và đã trải qua 4 lần trùng tu (theo thứ tự thời gian: 1800, 1842, 1890 và 1916) mới có được quy mô bề thế như hiện tại. Chùa Bà Thiên Hậu là một trong các ngôi chùa lớn và đẹp nhất của hơn 30 ngôi chùa Hoa ở TP.HCM. Chùa thờ Nữ thần Thiên Hậu. Dựa theo truyền thuyết được ghi trên tấm bia đá đặt ở chùa, bà sinh vào thời Tống, niên hiệu Kiến Long thứ nhất (960), là con thứ 6 của gia đình họ Lâm ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi mới lọt lòng mẹ, bà đã tỏa ánh hào quang và hương thơm. Lớn lên bà thường cưỡi thảm bay lượn trên biển và du ngoạn nhiều nơi. Đến niên hiệu Ung Hy năm thứ 4 (987), bà từ giã cỏi trần, mới 27 tuổi và trở thành hiển linh. Đời Nguyên bà được phong là Thiên Phi, đến đời Thanh vua Khang Hy gia phong làm Thiên Hậu. Và danh hiệu Thiên Hậu tồn tại mãi cho đến nay.
Từ truyền thuyết dân gian đã chuyển hóa thành tính ngưỡng và được những thế hệ sau hương khói phụng thờ ở nhiều nơi. So những điều ghi ở bia đá nói trên với một số truyền thuyết về bà ở các chùa khác thì có ít nhiều khác biệt, nhưng tựu trung đều ca ngợi, suy tôn bà là một người phụ nữ đức hạnh, có lòng hiếu thảo, xả thân cứu đời, được các triều đại phong kiến Trung Quốc phong tặng. Đề cao bà Thiên Hậu, ngưỡng mộ và phụng thờ bà như một vị hiển thánh, bà con người Hoa muốn thông qua tấm gương của Bà mà giáo dục cộng đồng của mình hãy học tập lòng hiếu thuận, đức nhân hậu của bà, sống có đạo nghĩa.

Mặt khác, trên con đường vượt sóng gió biển khơi, đi về hướng Nam tìm đất lập nghiệp đầy gian truân, họ luôn cầu nguyện bà giúp đỡ, phù hộ. Và sau khi đã định cư, ổn định đời sống, sum họp đông vui, làm ăn phát đạt trên đất Việt Nam, quê hương thứ 2 của họ, họ cùng nhau lập đền thờ để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Bà.
Trải qua nhiều năm tháng, chùa Bà Thiên Hậu đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh không chỉ của người Hoa Quảng Đông, mà cả người Triều Châu, Phúc Kiến, người Hẹ. Nhiều người Việt cũng thường đến cúng bái ở chùa, tham gia các hội lễ, ngày Tết hằng năm với lòng thành kính. Điều đó nói lên sự gần gũi về mặt tính ngưỡng, đồng thời cũng phản ánh tinh thần đoàn kết cộng đồng Hoa và Việt được hình thành trong quá trình khai phá vùng đất mới.
Xây dựng tương đối sớm so với nhiều chùa Hoa khác trong thành phố, trải qua nhiều lần trùng tu chùa bà Thiên Hậu vẫn giữ được phong cách của một chùa Hoa, từ cách bố trí mặt bằng, đường nét kiến trúc (cửa vòm, mái ngói, nóc chùa) cho đến các tổ hợp điện thờ , hành lang, sân thiên tĩnh… cùng nghệ thuật trang trí bên trong.
Chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng theo hình chữ Quốc hay còn gọib là hình “cái ấn” – một kiểu kiến trúc đặc biệt mang tính Trung Hoa – trên một diện tích khá rộng.
Ở tiền điện, bên trong hai cánh cửa có hai bia đá đặt sát tường, ghi lại truyền thuyết về bà bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Bên phải có bệ thờ tượng Phúc Đức chánh thần (tức Ông Bổn) bên trái thờ môn quan Vương Tả (thần giữ cửa). Trên cửa, một bức tranh cao gần sát nóc miêu tả bà đang bay lướt trên sóng nước giữa trùng khơi.
Ở nơi trung điện không có trang thờ mà chỉ đặt một bộ lư “Phát lan” (mang niên hiệu Quang Tự năm thứ 12) trên một bàn đá. Một bên bộ lư là chiếc kiệu lớn sơn son thiếp vàng, và một bên là chiếc thuyền rồng Thuận Phong (biểu tượng của sự may mắn , an lành trên biển) cũng sơn son thiếp vàng, có chạm hình nhân. Xưa kia kiệu và thuyền được khiêng đi trong đám rước, nay tục này đã bỏ.
Sân thiên tĩnh (giếng trời) đã được các nhà kiến trúc tính toán bố trí khá chặt chẽ, hài hòa, vừa có đủ diện tích thoáng, rộng để thông gió vừa đón nhận được ánh sáng tự nhiên đầy đủ, tạo cho bên trong chính diện một không khí trang nghiêm, thanh nhã của một kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng.

Chùa được xây dựng để thờ bà Thiên Hậu, nên tượng bà được đặt ở nơi trang nghiêm nhất của chính điện. Bên trong trang thờ, 3 tượng bà đặt theo thứ tự từ lớn đến nhỏ thành một hàng thẳng, hai bên có 4 quân hầu. Phía bên trên điện thờ có khắc dòng chữ Hán (Thiên Hậu Cung). Trước điện là một dãy bàn đá nơi để kễ vật dâng cúng. Bên phải chính điện là trang thờ bà Kim Huê, bên trái thờ bà Long Mẫu Nương Nương. Đặc biệt trong tủ kính còn lưu giữ một “tướng lệnh” do Ariès ký năm 1860 (chữ viết bị mờ trên giấy ố vàng) cấm binh sĩ Pháp và Y Pha Nho không dược phá phách chùa. Chùa còn thờ một số nhân vật khác như Quan Đế, Địa Tạng và Thần Tài ở gian phụ nằm hai bên chính điện.
Ngoài những vật liệu xây dựng mang từ vùng Nam Trung Quôc sang, ở Chùa Bà Thiên Hậu còn có nhiều tượng gốm nung với nghệ thuật thể hiện sắc sảo rút từ những đề tài lịch sử trong các tiểu thuyết cổ Trung Quốc như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc… Các nhóm tượng đất nung này được bố trí một cách hài hòa với các hình tượng thuộc đề tài cổ điển khác như “tứ linh” (long, lân, quy, phụng) “lưỡng long tranh châu”, “bái tổ vinh quy”… Các mẫu vật trang trí bằng gốm màu này được bố trí dọc trên các đường diềm mái ngói, trên nóc chùa rêu phong tạo nên vẻ đạp đa dạng pha màu huyền thoại, làm tăng thêm tính chất mỹ thuật cũng như nội dung tính ngưởng của công trình.
Bên trong chùa, có thể nói là một sự phối hợp của nhiều bộ môn điêu khắc, trang trí hội họa khá đa dạng và phong phú phục vụ cho mục đích tôn giáo tín ngưỡng của người Hoa. Bên cạnh những tượng tròn được tạc bằng những nét tả thực chân phương, các phù điêu chiếm một vị trí quan trọng trong việc trang trí, từ các bao lơn, hòanh phi, câu đối cho đến bậu cửa, vòm mái, những bức chạm lộng và chạm nổi về đề tài chim muông, hoa trái xen lãnh với những đề tài huyền thoại, vừa tạo nên không khí cổ kính trang nghiêm, vừa hiện thực, thể hiện hoài bão, ước vọng một cuộc sống thái bình, thịnh vượng nơi mãnh đất mà những người Hoa di cư đã chọn làm quê hương thứ hai của họ.

Cũng như ở nhiều chùa Hoa khác, hằng ngày vẫn có người đi lễ chùa Bà, nhưng tập trung đông nhất ở đây là các ngày sóc (mồng một) và ngày vọng (ngày rằm), đặc biệt là ngày rằm tháng giêng, rằm tháng 10 và buổi cúng tất niên chiều 29 tháng chạp.
Lễ vía bà Thiên Hậu (23 tháng 3) được xem là lễ hội lớn nhất hằng năm của chùa Bà, trong đó số nữ bao giờ đi lễ cũng đông hơn nam giới nhiều lần. Lễ hội không chỉ thu hút người Việt và người Hoa ở trong quận và thành phố, mà còn có đong đảo người ở các tỉnh khác về dự.
Trước đây, lễ vía bà thường kéo dài cả tuần, việc cúng tiến, lễ vật mang đến cũng rất linh đình (riêng heo quay có năm đến 200 con). Có cả lễ rước tượng à đặt trong kiệu sơn son thếp vàng cùng thuyền Thuận Phong và các nghi trượng ghi tên các vị thần có thờ ở chùa. Ngày nay, đám rước trên đường phố đã được giảm đi, chỉ còn tổ chức ở khuôn viên nhà chùa.

Để chuẩn bị cho ngày lễ vía Bà, từ những ngày trước đó, ban quản trị nhà chùa đã tổ chức trang hoàng, sửa sang lại bên trong nội thất và chang đèn kết hoa ở bên ngoài. Ngay từ chiều ngày 22 tháng 3, ban quý tế tổ chức lễ cúng và với thành phần tham dự gồm có ban quản trị, những thiện tín có nhiều đóng góp công sức, tiền của cho nhà chùa, các quan khách địa phương và nhiều thiện nam tín nữ khác. Lễ vật dâng cúng gồm có heo quay, ga, ngỗng (nói chung là thức cúng mặn) cùng các loại hoa quả, bánh trái. Xưa lễ vía Bà thường phải cúng đủ “tam sanh” –heo, gà, dê làm thịt, mổ ruột và để sống. Nay thì tục lệ như vậy dâng cúng đã giảm lược hơn.
Sau lời khấn khai mạc của vị chánh tế, người phụ nữ đọc bản văn viết sẵn bằng tiếng Quảng Đông ca tụng công đức của Bà, nay nhân ngày vía bà, mọi người xin tỏ lòng biết ơn chân thành và mong sao Bà phù hộ cho mọi người, mọi nhà sống yên vui, làm ăn phát đạt, đoàn kết tương thân tương ái với nhau…Sau bài văn tế, các thành viên trong ban quản trị tổ chức bốc thăm để lựa chọn người “cầm ấn” (một chiếc ấn bằng đồng khắc cổ tự) lên trước ngai thờ Bà, đóng lên tấm giấy đỏ mang dòng chữ Khai ấn đại kết và Hợp cảnh bình an viết bằng mực xạ, để dán lên hai bên các điện thời trong chùa.
Sau nghi lễ ba tuần rượu và ba tuần trà ở nơi chính điện thì ở phía trước, nơi sân thiên tĩnh bắt đầu đốt vàng mã và đốt pháo. Khi tràng pháo dài chấm dứt, mọi người làm lễ chào Bà lần cuối, một người trong ban quản trị đi thâu nhang tận tay của từng người dự lễ, để đem đi cắm rải rác chung quanh chùa.
Bước sang ngày 23 – ngày chánh vía Bà từ 4h sáng, trong chùa, trên các điện thời, đèn nến thắp sáng choang, nhang trầm hương ngào ngạt. Sau một hồi chuông dóng lên, cửa chùa từ từ mở rộng để đón các đoàn khách đến cúng Bà. Lễ vật dâng cúng thì tuỳ hoàn cảnh và lòng hảo tâm của từng người, riêng món nhang đèn, giấy vàng bạc, giấy tiền là những lễ vật không thể thiếu, vì người Hoa quan niệm đây là quà biết dâng lên các vị thần. Ngoài phần lễ bái ở nơi chính điện thờ Bà Thiên Hậu, khách còn tuỳ theo nhu cầu và ước vọng riêng của từng người, từ việc gia đạo, đến tình duyên, con cái, từ việc cầu sức khoẻ đến chuyện buôn bán làm ăn… mà mang lễ vật tiếp tục đến cúng bái ở các điện thờ nhân vật khác.
Sau khi cúng lễ xong, thân chủ thường để lại cho nhà chùa một phần còn một phần thì mang về nhà, gọi là để “hưởng lộc thánh”. Trong khi cúng lễ, khách có thể mua ngay tại chỗ những “vòng nhang cầu an” có đường kính trung bình từ 50 đến 60cm, có loại đường kính đến 1 mét. Nhà chùa ghi tên người đó trên một miếng giấy đỏ đính kèm vòng nhang rồi treo lên trần đốt. Mỗi “vòng nhang cầu an” như thế cứ cháy suốt đêm trong vòng một tháng trời. Đây là một nét đặc trưng ở chùa Hoa, đặc biệt ở chùa Bà Thiên Hậu và chùa Ông (Nghĩa An hội quán).

Người đi lễ sau khi cúng bái thường được nhận của nhà chùa 3 tấm giấy (khổ 12 x 25cm) trên có in dòng chữ Hán và đóng triện son: “Thánh Mẫu toạ trấn, hợp gia bình an, bảo hộ an khang”. Theo cách gọi của người Hoa, đây là “rước vía Bà” đưa về nơi bàn thờ ở gia đình.
Đến chiều 24 tháng 3, lễ vía Bà kết thúc. Vào lúc đó, những đội lân cùng xuất hiện, trình diễn nơi sân chùa, rồi toả về một số ngả phố như để báo hiệu với mọi người một lễ hôi vía Bà diễn ra thuận lợi, tốt lành và hy vọng sẽ gặp nhau lại trong lễ hội năm sau.
Trước ngày giải phóng, lễ vía Bà Thiên Hậu, ngoài việc cúng bái linh đình, kéo dài cả tuần lễ, còn có các tục mê tín như xin xăm, bói toán, coi ngày, bay tiền thần… nay những tục lệ ấy đã giảm đi khá nhiều.
Chùa Bà Thiên Hậu là một ngôi chủa lớn của thành phố, là một di tích văn hoá có giá trị cao về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Nếu như sự hình thành của các chùa Hoa nói chung, trong đó có chùa Bà Thiên Hậu, gắn liền với lịch sử định cư của khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn, thì trên bình diện tôn giáo, tín ngưỡng, việc thờ cúng, sinh hoạt lễ hội hàng năm ở đây là một biểu hiện rõ nét quá trình hội nhập của người Hoa vào cộng đồng tổ quốc Việt Nam từ vô thức đến ý thức. Đã từ khá sớm, chùa Hoa ở thành phố không chỉ là riêng của người Hoa mà không ít chùa có sự đóng góp xây dựng của bà con người Việt, và bà con người Việt cũng chân thành chia sẻ những tín ngưỡng của bà con người Hoa. Không ít thợ thủ công, nghệ nhân người Việt đã đóng góp vào nghệ thuật xây dựng, trang trí làm tăng thêm vẻ đẹp của các chùa Hoa.
Bên cạnh những nhu cầu về tinh thần và đời sống tâm linh được phản ảnh rõ nét trong lễ hội, ý thức hoà nhập cộng đồng và đoàn kết giữa bà con người Hoa và bà con người Việt còn được thể hiện rõ hơn ở những mặt hoạt động xã hội, từ thiện mà nhà chùa ở đây đang đóng góp vai trò trung tâm. Như ta biết, số tiền “phục sương” của chùa Bà Thiên Hậu hàng năm rất lớn, do bá tánh tự nguyên đóng góp. Phần lớn số tiền này đã được sử dụng các việc công ích như: xây dựng trường học, bảo trợ học sinh nghèo học giỏi hay những em thiếu điều kiện đến trường, đỡ đầu cung cấp thuốc men, phương tiện cho một số bệnh viện, bênh xá, cung cấp thêm tiền ăn cho các cụ già ở trại dưỡng lão, cho bệnh nhân các trại phong…

No comments:

Post a Comment