Quê hương, hai tiếng thân thương ai trong chúng ta cũng đã một lần
gọi đến. Bình thường hai tiếng gọi thân thương ấy không gợi lên trong ta
một cảm xúc nào vì đang sống với nó. Giống như không khí, con người hít
thở nó để sống mà không cảm nhận sự hiện hữu của nó trong từng mạch
sống. Chỉ đến khi thiếu dưỡng khí chúng ta mới cảm thấy nó là cần thiết.
Cũng như thế, chỉ đến khi nào tôn miếu, xã tắc Việt Nam Cộng Hòa bị
người cộng sản tiêu hủy, ngôi từ đường thờ kính tổ tiên bị bỏ phế, mồ mả
cha mẹ, ông bà bị xúc phạm, khi ấy chúng ta mới cảm thấy thực sự mất
mát, hụt hẫng vì quê hương không còn nữa. Chắc không ít ai trong chúng
ta đã hơn một lần nhỏ lệ khóc cho quê hương điêu linh, tang tóc này. Vậy
thì, các bạn hỡi, từ nỗi đau thương mất nước này hãy cùng chúng tôi
lắng nghe tiếng nấc nghẹn ngào của những mảnh đời rách nát.
Theo
những biến đổi của thời cuộc, Hoa Kỳ và đồng minh rút quân ra khỏi chiến
trường miền Nam từ sau 1973, Việt Nam Cộng Hòa chao đảo theo từng đợt
tấn công ào ạt của cộng quân. Nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc nuôi dưỡng
âm mưu thôn tính miền Nam từ lâu, họ cho người nằm vùng trong những cơ
quan, bộ phận trọng yếu của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa để
quấy phá. Bị nội công ngoại kích, miền Nam sụp đổ mau chóng trước đợt
tiến công quyết liệt từ đầu tháng 4-1975 của quân đội miền Bắc.
Kể
từ sau ngày 30-4-1975 thủ đô Sài Gòn không còn nữa. Lăng mộ, tôn miếu,
sơn hà, xã tắc của Việt Nam Cộng Hòa bị chà đạp. Mồ mả, nghĩa trang của
những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, những người đứng ra bảo vệ tổ quốc và
đã hy sinh vì chủ nghĩa tự do ở miền Nam, bị đào bới, san bằng trong khi
xác của Hồ Chí Minh được long trọng ướp trong hòm kiếng đặt ở quảng
trường Ba Đình để được chiêm bái. Có người còn đến đó để khóc thương
trong khi những nơi tôn nghiêm, thờ phượng ở miền Nam thì bị biến thành
những khu "văn hóa" vui chơi tập thể. Ai khóc thương cho những chiến sĩ
vô danh này, ai đoái hoài những người bị thương tật vì chiến tranh như
chúng tôi chờ ngày tàn của cuộc sống? Bất công này biết bao giờ được gột
rửa? Xin mọi người hãy chia sẻ và cố gắng xoa dịu nỗi đau của dân tộc
nói chung và của chúng tôi nói riêng.
Chủ nghĩa cộng sản loang
nhanh như vết máu trên mảnh vải trắng tự do. Chủ thuyết vô sản tràn lấp
những giá trị xưa, rồi lấn chiếm mọi ngõ ngách tâm hồn, đe dọa mọi suy
tư của người dân trong thành phố bị đổi tên, ai phê bình hay chỉ trích
chế độ mới đều bị trừng trị. Các lãnh tụ cộng sản Các Mác, Lênin, Mao
Trạch Đông được ngợi ca, xác ướp Hồ Chí Minh được tôn thờ. Một phó sản
mới được nhào nặn ra, "thành phần 30 tháng 4" ngoan ngoãn vâng lời chủ
mới, hống hách với bà con, họ hàng và còn ác độc hơn cả quân "giải
phóng".
Chế độ cộng sản không cần đến tôn giáo đã đành, họ còn phỉ
báng thần linh, ngăn cấm nghi thức thờ cúng ông bà, vong hồn người quá
cố; tất cả đều là "mê tín dị đoan". Cảm xúc thiêng liêng và tình cảm
riêng tư của con người đối với người cộng sản không là gì cả. Không
những thế họ còn xúc phạm đến các tôn giáo, Chúa hay Phật, hoặc bất cứ
đấng thiêng liêng nào cũng đều bị đem ra "đầu tố", nếu không bị mắng
chửi bởi những người cuồng tín thì cũng bị bôi tro trát trấu. Những
người lãnh đạo tôn giáo nếu không phải là thành phần "quốc doanh" thì bị
liệt vào hàng "phản động", nếu không bị bắt giam thì cũng bị theo dõi,
kiểm tra ráo riết. Họ còn cho người len lỏi vào các giáo phái, chia rẽ
tín đồ, khai thác ngộ nhận, bẻ cong giáo lý, gài bẫy bắt giam giáo dân,
hạn chế nghi thức thờ phượng. Chế độ cộng sản còn hủy diệt tín ngưỡng cổ
truyền của dân tộc Việt Nam, các đình làng đều biến thành khu vui chơi,
giải trí.
Để đạt mục tiêu mong muốn, nghĩa là "xây dựng thành công
chủ nghĩa xã hội" trên khắp cả nước, tập đoàn lãnh đạo cộng sản không
ngần ngại chà đạp nhân phẩm con người nhưng khôn khéo che đậy bằng những
mỹ từ nhân đạo, nào là thông cảm nỗi khổ của nhân dân, nào là xóa đói
giảm nghèo, khiến dư luận quốc tế và cộng đồng người Việt hải ngoại tin
lầm. Khi đạt mục tiêu mong muốn, tất cả những thành phần dại dột tin
theo đều bị bỏ rơi như những giẻ rách, kể cả những gia đình "liệt sĩ,
cách mạng và mẹ chiến sĩ". Người đời có câu: "Mấy đời bánh đúc có xương,
mấy đời cộng sản biết thương đồng bào" thật là xác đáng.
Trong xã
hội mới này, đạo đức bị coi thường, khôn sống dại chết, con người tranh
nhau từng miếng ăn và nhìn người quen như… kẻ xa lạ. Liên đới xã hội mất
dần chỗ đứng, có tiền thì có tất cả, không tiền thì không có gì hết.
Quan hệ giữa người với người lần hồi mục rữa, kể cả những người sống ở
nấc thang thấp cùng nhất xã hội. Chính quyền nhìn dân như kẻ thù địch và
sẵn sàng dùng bạo lực trấn áp những ai tranh đấu đòi quyền sống danh
dự. Chủ nghĩa xã hội không phải là chế độ của người nghèo. Quê hương này
thật là bất hạnh, không có một tên êm đẹp nào đặt cho lá cờ sặc tanh
mùi máu và cũng không tìm một tên nhân từ nào gọi tên những người cộng
sản. Màu đỏ không phải là màu của tươi vui trong ngày lễ hội, nó là màu
của tang thương và đọa đày bao phủ quê hương. Chủ nghĩa cộng sản gắn
liền với sự độc ác.
* * *
Hạnh phúc không bao giờ có thật trong chế độ này, một chế
độ lấy sự ác độc làm phương châm và lường gạt làm kim chỉ nam hành
động. Như một kiếp luân hồi không được siêu thoát, các chế độ cộng sản
phải là độc ác.
Sau khi áp đặt bạo lực của kẻ chiến thắng trên
người bại trận,các ủy ban quân quản buộc công chức và sĩ quan Việt Nam
Cộng Hòa ra trình diện rồi đưa họ vào những nhà tù tập thể, dưới tên gọi
mỹ miều "trường học tập cải tạo". Tiếp theo sau là chính sách quản lý
"hộ khẩu" khắc nghiệt, nó là sợi dây thòng lọng thắt cổ nhân dân, chế độ
không ưa ai thì người đó phải chết. Để cướp trọn bộ số tiền nằm trong
túi dân chúng miền Nam, nhà cầm quyền cộng sản ra lệnh "đổi tiền", 500
đồng cũ ăn một đồng mới, như thế cứ mỗi 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa mới
bằng một đồng xã hội chủ nghĩa, thêm vào đó họ còn quy định mỗi hộ khẩu
chỉ được đổi 200 đồng mới mà thôi, số tiền còn dư do nhà nước xã hội chủ
nghĩa quản lý. Sau hai lần "đổi tiền" như thế, toàn bộ tài sản của dân
chúng miền Nam đã lọt vào tay nhà cầm quyền cộng sản. Đúng là quân cướp
ngày.
Xã hội cũng thay ngôi đổi chủ. Những người trước kia thuộc
thành phần ăn trên ngồi trước nay bị lọt sổ thành ăn dưới ngồi sau. Cán
bộ cộng sản có chức có quyền thì "vinh thân phì gia" trong khi đất nước
đã nghèo lại càng nghèo thêm. Nhà nước còn chiếm tất cả các cơ sở sản
xuất lớn, "đánh" tư sản mại bản, quản lý tất cả các mặt hàng "nhu yếu"
để làm chủ thật sự miền Nam. Bà con nghèo khó buôn bán trên lề đường đều
bị xếp vào hàng "bóc lột". Cán bộ hạ tầng và "thành phần 30" hàng ngày
săn lùng, bắt bớ, tịch thu hàng hóa của những thành phần "bóc lột",
người buôn gánh bán bưng, trên các hè phố để… bán lại cho những thành
phần "bóc lột" khác. Chính vì vậy mà không ít cán bộ nhà nước núp dưới
danh nghĩa "cách mạng" hà hiếp dân chúng, vơ vét của công cho vào… túi
riêng.
Dân chúng quá sợ hãi đã trở thành ngu dốt và yếu hèn. Người
ta không biết phải sống làm sao với hệ thống luật pháp ma quái, nay thế
này mai thế khác, của nhà cầm quyền cộng sản. Bị ép vào đường cùng, dân
chúng chỉ biết im lặng làm theo. Nhà nước cộng sản hứa cho dân một cuộc
sống ấm no trong vùng kinh tế mới, nơi đây người ta chỉ thấy địa ngục
trần gian. Không một cây lương thực nào có thể mọc lên ở những vùng đất
khổ, biết bao gia đình tan nát và biết bao người âm thầm bỏ nắm xương
tàn nơi chốn rừng sâu nước độc. Người dân đói quá phải đào những cây
khoai mì mới trồng chưa kịp lớn, củ chỉ bằng ngón tay em bé, để ăn. Ăn
càng non thì càng đói nặng. Ai kiên nhẫn chờ đợi những củ khoai mì lớn
lên trong lòng đất thì ăn bất cứ vật gì có thể ăn được để cầm cơn đói,
từ cóc nhái, ễnh ương, "bù toọt", rắn mối, dế cơm, bò rầy, trứng kiến,
chuột rừng, rắn mối con còn đỏ hỏn đến măng non, củ dại, nấm rừng. Tại
nhiều nơi, dân kinh tế mới ăn nhằm nấm độc chết hết cả nhà.
Thiếu
ăn, da thịt người kinh tế mới biến sắc, áo quần rách nát, chân tay phù
thủng, bệnh sốt rét rừng, dịch tả, kiết lị cướp đi rất nhiều mạng sống,
số trẻ em sinh ra trên kinh tế mới không đủ bù lắp số người bị chết vì
đói và bệnh tật. Đi hay ở, đó những câu hỏi được lặp đi lặp lại trong
lòng mỗi người. Bỏ về thành phố thì không biết sẽ ở nơi đâu, nhà cửa,
vốn liếng đã lỡ dồn cả cho chuyến đi "lập nghiệp" trên vùng kinh tế mới
rồi. Ở lại thì thần chết sống kề bên hông, luôn luôn đòi mạng. Người dân
trên vùng kinh tế mới tự đặt câu hỏi rồi tự tìm câu trả lời. Thói
thường vẫn vậy, khi quá cùng khổ người ta thường "đứng núi này trông núi
kia". Do nhận thức yếu kém, họ chỉ mơ ước được đi… những vùng kinh tế
mới khác với hy vọng sẽ có một cuộc sống khá hơn nơi đang sống.
Những tin đồn mà dân chúng thành thị nghe được, do những người trốn từ các vùng kinh tế về thành phố kể lại, rất là hãi hùng.
Trên một vùng kinh tế xa xôi nọ ở tỉnh Sông Bé, có một gia đình gồm có
hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ. Đứa con gái đầu lòng mới 11 tuổi phải
theo cha mẹ vào rừng đào nương phát rẫy trồng khoai mì. Có lúc thiếu ăn
cả nhà hái rau cỏ rừng về ăn lót dạ, chính vì thế mà hai đứa em nhỏ (đứa
em gái 7 tuổi và đứa em trai 4 tuổi) chỉ lớn hơn con mèo. Người chồng
trước kia là cựu quân nhân biệt phái về dạy ở một trường tiểu học nên
không thích nghi kịp với nghề tay chân. Người vợ thay chồng làm việc
quần quật nhưng cũng không đủ ăn, một hôm bà mắc bệnh kiết lị rồi qua
đời vì thiếu thuốc men. Gia đình còn lại trở nên túng thiếu, nhiều bữa
không có đủ khoai cho bốn miệng ăn, người cha và đứa con gái lớn phải
nhường phần của họ cho hai đứa nhỏ, còn họ thì ăn… lá khoai mì luộc,
uống nước lá mì luộc nên bị say nôn. Đêm nằm có nhiều ảo giác ngất ngây,
cứ như bị ai đó nắm chân dốc ngược lên trời, oẹ mửa thốc tháo ra tới
mật xanh mật vàng, trông thật khủng khiếp.
Một đêm nọ vì quá đói,
hai cha con lén vào rẫy nhà hàng xóm bới trộm khoai mì. Đang lúc hì hục
đào trộm thì cả bị nhóm "dân quân tự quản" đi tuần bắt quả tang. Thế là
trong đêm tối, những ánh đuốc trong thôn thắp dọi lên theo tiếng gõ dồn
dập của thùng thiếc, dân chúng vây quanh cha con kẻ trộm. Người cha đứng
cúi gằm mặt im lặng bên cạnh đứa con gái mặt mày tái xanh, tay còn ôm
rỗ khoai mì. Một cán bộ xã, người miền Bắc, dáng vạm vỡ bước xộc đến, vẻ
mặt nghiêm nghị chỉ tay vào mặt người cha hống hách nói:
– Không "nao" động hả, ông thầy? Bắt quả tang đang ăn trộm rồi nhá.
Rồi quay sang đám dân quân, người cán bộ này ra lệnh:
– Đưa về huyện nhốt, cho chúng nó bỏ thói "nười"!
Đang khi ông thầy còn lúng túng thì người cán bộ hùng hổ tiến tới túm
lấy đôi vai gầy guộc của ông thầy, kéo xuống rồi lên gối một cái "huỵch"
vào ngực. Đứa con gái thấy cha bị đánh liền thét lên: "Cha!", rồi quăng
rổ khoai chạy tới nhưng bị hai người đàn ông khác nắm áo đẩy qua một
bên té xuống đất. Mặt ông thầy tái lại, mắt mở to, sụm đầu gối, hai tay
định ôm lấy ngực thì "bịch", một cú đấm móc từ dưới lên tống vào mặt ông
thầy làm ông chúi nhủi. Người đàn bà chủ rẫy thấy vậy thét lên: "Ngưng
tay, tôi không thưa kiện gì hết". Bao nhiêu căm ghét kẻ trộm nơi bà bay
biến đâu mất, bà nói: "Để hai cha con ông thầy mang rổ khoai về nhà".
Mặc dù khoai củ ở vùng kinh tế mới trong mùa khô này rất quí, bà còn
biếu cha con ông thầy 40 đồng tiền mới (bằng một phần năm số tiền nhà
nước quy định đổi cho mỗi gia đình). Hai cha con ông thầy cúi đầu tạ ơn
bà hàng xóm rồi lầm lũi đi về.
Nhưng người cha trở nên quẫn trí,
thay vì dùng số tiền đó để mua khoai cho con ăn, ông ra chợ mua hai kí
gạo và một con gà mang về nhà nấu một nồi cháo thật to cho con ăn. Đang
lúc nấu, đứa con gái thấy cha nó vừa khóc vừa bỏ một thứ bột gì đó vào
nồi bốc lên mùi nồng nặc khó ngửi nên nó bỏ chạy ra ngoài không chịu ăn.
Nó vừa chạy vừa khóc trong đêm tối, ba cha con ông thầy tiếp tục ngồi
ăn ngon lành. Sáng hôm sau người ta thấy xác ba cha con ông thầy nằm
chết bên cạnh nồi cháo. Chính quyền địa phương không cho dân chúng chôn
ba cái xác ấy ngay, họ được đắp chiếu để trước cửa 24 tiếng đồng hồ, bên
cạnh là bản án có ghi hàng chữ "Tự tử là có tội". Vì chiếc chiếu không
đủ che ba cái xác nên đôi chân cứng đờ và tái xanh của ông thầy lòi ra
trông rất rùng rợn. Sang ngày hôm sau bà con lối xóm mới được phép chôn
cất ba cha con ông thầy, đứa con gái 11 tuổi ấy theo đoàn người bỏ về
thành phố rồi mất tích luôn.
Các vùng kinh tế mới đúng là địa ngục
trần gian, con người bị cái đói và bệnh tật dằn vặt hàng ngày, dân chúng
trốn về thành phố rất nhiều. Chính quyền địa phương dựng lên nhiều chốt
ngăn chặn luồn người trốn về thành phố và tung chiến dịch tuyên truyền
hứa "cứu đói". Nhưng không ai nói láo bằng "vẹm", chẳng ai đến cứu đói
và dân cứ tiếp tục trốn về. Trong đêm tối, từng đoàn người lũ lượt gánh
đồ, vác bị trốn về thành phố. "Về đi thôi, nếu có chết thì chết ở thành
phố sướng hơn chết trên rừng", mọi người rỉ tai nhau.
Về được thành
phố, họ ngủ trên các vỉa hè, bến xe, sạp chợ, kể cả trong các nghĩa
địa. Họ lấy nền xi măng làm giường, bao ny lông làm chiếu, mùng màn thì
không cần vì da thịt họ quá cằn cỗi, ruồi muỗi có viếng thì cũng bỏ đi
thôi. Nhiều người còn cảm thấy vui thích được ngủ dưới trăng sao của
thành phố; họ nói trăng Sài Gòn đẹp hơn trăng vùng kinh tế mới: "trăng
gì mà trắng bệch như… mặt người chết đói, thấy mà ghê". Mọi người sung
sướng chia nhau cảm giác về lại quê xưa, dẫu cho thân thể có tồi tàn
rách nát trở về sống tại quê nhà vẫn thích thú hơn.
Họ làm bài thơ sau đây hiến tặng độc giả:
Về đi thôi
Nhà nước nhà nôi thôi đừng nói nữa!
Nói đi nói lại cũng chừng đó thôi.
Nơi đây khốn khổ muôn người thiếu ăn,
Chỉ mong có gạo có khoai qua ngày.
Cuốc ngày cuốc tối, cuốc cả trời mưa,
Bụng thì cứ đói, ruột thì cứ than.
Tay chân bủn rủn, toàn thân bàng hoàng,
Đêm về chỉ thấy bầy con khóc rần.
Ở thì không được chỉ nước về thôi,
Về thì du kích hung hăng hầm hừ.
Trốn chui trốn nhủi mới về tới nơi,
Chẳng may bị bắt, tiêu tan cuộc đời.
Về lại thành phố có phiền ai đâu,
Không nhà không cửa, chúng tôi ngủ đường.
Ngày ngày sớm tối lang thang ngoài đời,
Đói thì đứng chợ ăn xin của người…
"Về đi thôi", tôi nghe thấy tiếng lòng thôi thúc. Mỗi đêm nhìn bà
con lối xóm bỏ về, tôi cũng nôn nao. Được những người quen cho biết tin
cha tôi lâm bệnh, tôi càng xót xa. Trước kia ông đi lập nghiệp ở khu
kinh tế mới Tây Ninh, cạnh Núi Bà Đen cùng với mẹ và các em tôi. Mẹ tôi
chẳng may mắc bệnh sốt rét rừng đã qua đời cách đây sáu tháng, cha tôi
cùng các em đã trở về thành phố cách đây bốn tháng. Hiện cha tôi sống
bằng nghề xin ăn, mỗi bữa ông đứng chực ở mấy cửa hàng ăn uống quốc
doanh, chờ khi thực khách ăn xong, còn sót lại những thức ăn trên tô
dĩa, ông vội vàng trút hết vào lon guigoz đem về nhà hâm lại cho các em
tôi ăn. Xưa kia ông có lần dạy kèm Pháp văn cho trẻ nhỏ nên hiếm khi ông
dám ngước nhìn thực khách hoặc chìa lon xin tiền vì sợ người quen nhận
diện, ông chỉ nói lí nhí trong miệng. Tôi cứ lo âu hình dung cha tôi với
mái tóc bạc trắng đứng bơ vơ bên đường, lỡ gặp cán bộ vạm vỡ nào đó túm
áo mà xô đẩy thì sao. Miên man nghĩ đến cha, rồi nhớ lại câu chuyện ba
cha con ông thầy, tôi càng nôn nóng trở về hơn. Càng suy nghĩ, tôi càng
thấy nóng mặt, máu dồn lên óc. Cuối cùng thì gia đình tôi cũng chuẩn bị
khăn gói lên đường. Thế là chúng tôi bỏ nhà bỏ cửa, bỏ cả mảnh đất đang
làm dở dang trên vùng kinh tế mới, theo chân những người đi trước trốn
về thành phố.
Sau gần một tuần lễ luồn lách, trốn tránh các nút chặn
trên các con đường rừng, chúng tôi về tới thành phố cũ với tên gọi mới.
Sài Gòn vẫn còn đó nhưng đời sống đã khác xưa. Khu nhà tôi còn đây,
nhưng căn nhà cũ không còn. Những người dân đi xây dựng vùng kinh tế như
gia đình chúng tôi về lại phố cũ đều đau lòng nhìn các gia đình cán bộ
tập kết miền Bắc đến xây nhà trên những nền nhà cũ của chúng tôi, họ ăn
sung mặc sướng, đời sống sung túc, no đủ trong những căn nhà đẹp đẽ. Tôi
mới chợt hiểu "cách mạng" không có nghĩa là xóa bỏ cái cũ để nâng cao
mức sống người dân, mà là "loại bỏ" những người chủ cũ, những người thất
trận và người dân nghèo như chúng tôi, ra khỏi thành phố, lùa họ vào
những vùng đất chết để cho thiên nhiên, bệnh tật và đói khổ tiêu diệt.
Còn tại thành phố, họ nâng cao mức sống cho những công bộc, dành những
khu phố đẹp cho cán bộ cao cấp và gia đình họ ở. Trong những khu lao
động, người nghèo khổ bị xua đuổi để lấy đất xây thêm những khu nhà mới,
gọn đẹp hơn cho những cư dân mới, những người đến từ miền Bắc xa xôi,
những gia đình "có công với cách mạng" (nằm vùng cũ) hay thành phần
người giàu có mới.
Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa như vậy chỉ là
sự thay ngôi đổi chỗ giữa những thành phần giàu có mới và giàu có cũ.
Những người nghèo khổ như chúng tôi không có chỗ đứng trong xã hội này,
nếu có chăng thì ở chốn rừng sâu, nước độc. Nhiều người không biết cứ
ngỡ rằng chế độ mới đã làm nhiều cố gắng cải thiện đời sống "nhân dân",
nhưng nhân dân ở đây là "nhân dân cán bộ", thành phần ăn trên ngồi
trước. Những hào nhoáng bên ngoài có mục đích phô trương, khoe mẽ với
các quốc gia khác, với Liên Hiệp Quốc rằng nhà cầm quyền cộng sản đang
"thay da đổi thịt", lo lắng cho lớp người cùng khổ của xã hội miền Nam
xưa kia, nhưng thật ra là gạt chúng tôi ra ngoài rìa xã hội, để phải
sống lay lắt trên các vỉa hè, nghĩa địa và hành nghề ăn xin. Chúng tôi
mới chính là người vô sản, nhưng vì là thành phần vô sản miền Nam nên
chỉ hưởng đày đọa và hà hiếp. Chúng tôi không còn gì cả ngoài những
thân hình ốm yếu, tật nguyền cùng với đàn con rách rưới, sống không có
ngày mai và chết không ai thừa nhận. Chúng tôi không buồn vì bệnh tật ốm
đau không được chữa trị, đói không được cho ăn, nhưng buồn vì quê hương
thiếu vắng tình người. Những người "vô sản" ngày hôm qua đang đày đọa
những người "vô sản" hôm nay.
Không riêng gì dân chúng miền Nam, cả
những người vô sản miền Bắc cũng là nạn nhân của nhà cầm quyền cộng
sản. Họ được hứa hẹn đủ điều để rồi chỉ toàn bánh vẽ, nhà cầm quyền cộng
sản luôn luôn hứa hẹn thực hiện cho cái "sẽ là", và cái "sẽ là" không
bao giờ tới. Con cái họ tiếp tục vào Nam làm bia đỡ đạn, lúc chết xác
thân không biết chôn vùi ở đâu, hòa bình trở lại họ trở về kiếp sống
nông dân, bị bạc đãi và khốn khổ như chúng tôi. Trẻ em cũng bị lợi dụng,
các khẩu hiệu ra vẻ yêu thương chăm sóc trẻ em chỉ là bánh vẽ, các em
bé miền Bắc cũng như miền Nam ở thôn quê đều suy dinh dưỡng, bụng ỏng da
chì trong khi con cái những cán bộ có chức có quyền ăn sung mặc sướng
và được đi học. Những đứa trẻ con ông cháu cha này tiếp tục sẽ đè đầu đè
cổ con cháu chúng tôi. Cuối cùng sau bao nhiêu năm sống dưới sự ách cai
trị của cộng sản, dân chúng miền Bắc rủ nhau từng đoàn vào Nam… ăn xin
như những người trốn từ vùng kinh tế mới về vậy.
* * *
Từ vùng kinh tế mới trở về, tôi thấy gì kể đó.
Vào
thời điểm mà ly cà phê đen trộn bắp giá 150 đồng (năm 1981) thì trên các
vỉa hè, góc phố bán đầy rẫy những quán hàng bán phở ruột bò 50 đồng một
bát. Cứ mỗi buổi sáng, tại chợ Cầu Ông Lãnh những người lao động nghèo
sống bằng đủ thứ nghề vặt vãnh, từ những anh em thương phế binh mua bán
nhang đèn rong dạo, những quả phụ mua bán áo quần cũ ở những chợ trời,
đến những em cô nhi, những người ăn xin và những người làm nghề khuân
vác, đạp xe ba bánh, xích lô cùng những phu phụ hồ, v.v… thường xúm
quanh những hàng quán phở ấy. Họ xì xụp ăn húp ngon lành những bát phở
ruột bò, có người ăn hai ba bát mà vẫn còn thèm. Cơ khổ mới rõ điềm
trời, nhiều người vừa mới ăn xong thì ngay lát sau bụng đã kêu đói lại
rồi.
Anh em phế binh chúng tôi chú ý đến các em cô nhi, vì trong
lúc mà chúng tôi ăn bát phở giá 50 đồng, có vài lát ruột bò xắt mỏng như
giấy, thì các em cô nhi hoặc nhịn đói, hoặc kêu ăn những bát phở giá 30
đồng chỉ có nước lèo mùi ruột bò và bánh phở. Ăn xong, anh em phế binh
ngồi trên ghế cóc phì phèo điếu "Hoa Mai" hay "Đà Lạt", thứ thuốc lá đen
phế phẩm loại 3, bên ly cà phê đen trộn bắp, định hướng chia nhau khu
vực bán nhang. Các em nhỏ cũng ngồi bệt dưới đất chia khu đi… lượm bọc
ny lông, ve chai ở các thùng rác chợ và giấy vệ sinh ở những nhà cầu
công cộng trên những "ao cá Bác Hồ".
Thời ấy người ta có phong trào
lấy tên vị lãnh tụ "vĩ đại" đặt tên cho các công trình công cộng, những
ao cá cũng vậy. Vì lúc ấy cái gì cũng có thể bán được cả, từ những bao
ny lông tái sinh đen thủi đen thui đến những loại giấy vệ sinh tái sinh
đi tái sinh lại đều có thể cân ký lô bán cho vựa ve chai nên các cán bộ
có nhiệm vụ quản lý ao cá cũng tranh thủ làm… kinh tế. Vì thấy nguồn
giấy "chùi" đáng kể ở các nhà cầu công cộng nên các em thường ngồi chầu
chực đợi người ta vừa "vệ sinh" liền tranh nhau vào nhặt. Giấy vệ sinh
vừa "dùng" xong liền đem ra sông giặt sạch, phơi khô, cân ký bán lấy
tiền ăn cơm trưa. Nhưng nguồn giấy đó cũng là "tài sản của nhà nước",
cán bộ giữ ao dọa nạt ngăn cấm các em không được vào nhặt. Một hôm cán
bộ giữ ao túm được một em gái đang vào trộm "tài sản nhà nước xã hội chủ
nghĩa" quăng xuống ao, trút sạch bao giấy của em vào giỏ đựng của nhà
cầu công cộng "của" ông ta. Lúc bò lên bờ, chân nó bị mẻ chai cắt đứt
nhiều chỗ, máu chảy đầm đìa. Người đi "vệ sinh" thường quăng mẻ chai
xuống chỗ đi cầu dưới ao vì sợ cá tra tranh nhau ăn cứt, quậy nước dơ
bắn lên người, do đó dưới ao toàn là mẻ chai.
Chiều hôm ấy các em
có vẻ buồn buồn, chúng nó lo âu vì không biết làm sao để có tiền ăn cơm.
Nếu đi xin thì dễ bị công an bắt và đưa đi "nuôi" ở mấy "trường cải
tạo" giáo dục thiếu nhi, huấn luyện cho chúng biết "lao động là vinh
quang". Người ta thường bảo "cái khó nó bó cái khôn" nhưng đối với các
em trai thì không vậy, "cái khó nó ló cái khôn". Chúng bàn nhau chung
sức để dành tiền rồi góp lại mua sắm những bình điện ắc quy loại 6 vôn.
Chúng lượm những cái căm xe đạp rồi mài cho thật nhọn, gắn vào những
khúc tre, từng cặp một chúng chờ đêm tối xuống cùng nhau mở những nắp
cống thoát nước dọc các vệ đường quanh chợ Bến Thành, Cầu Ông Lãnh, An
Đông, Hòa Bình và Bình Tây chui xuống rọi đèn đâm chĩa cá.
Có một
thời dân chúng thành phố đổ tội cho những em này ăn cắp những nắp cống
bằng gang đem bán. Thật sự thì cũng có chuyện đó, nhưng không phải mấy
em này ăn cắp mà là người khác. Vì nắp cống quá nặng các em không khiêng
nổi nên chỉ đủ sức nạy lên rồi đẩy qua một bên. Những "bạn hiền" đạp
xích lô sáng sớm đi ngang thấy tiện "bợ nhẹ" đi luôn mà không cần biết
hậu quả xảy ra cho người đi sau vô ý lọt xuống. Sau khi xảy ra nhiều tai
nạn sụp lỗ cống, công an và dân quân canh gác ngày đêm những miệng ống
cống, các em buộc phải mở những nắp cống ở xa để tránh dòm ngó, có khi
phải khui những miệng cống từ các đường Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ
(Phan Thanh Giảng cũ), Hùng Vương, An Bình, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn
Trãi… Mỗi lần chui xuống, các em cẩn thận đậy nắp miệng cống lại để
tránh gây tai nạn. Vào lúc giữa khuya hay tờ mờ sáng, khi muốn lên các
em cũng mở he hé miệng cống nhìn dáo dác chung quanh rồi mới vội vàng
nhảy lên.
Đường cống dài, luồn lách quanh co và tối om, nhưng nhờ
những cái bóng đèn nhỏ gắn ở trên đầu, ở trước trán, chúng lùng sục, săn
tìm được cá. Nguồn cá khá nhiều nên các em nhỏ không những có ăn mà còn
dư đem ra chợ bán nên chúng có vẻ rủng rỉnh tiền bạc. Kể từ đó, vào mỗi
buổi sáng chúng cũng gọi những bát phở loại 50 đồng ăn đàng hoàng, cũng
"bắt chước" những nhà "trí thức" phế binh (chúng gọi chúng tôi như vậy,
vì hay hóng nghe những chuyện anh em phế binh kể về cuộc đời lính
tráng) ngồi uống cà phê và hút thuốc lá cho đỡ lạnh. Nhờ đồng tiền kiếm
được, chị và em gái của chúng cũng sắm thêm vài manh áo mới mua ở các
chợ trời bán quần áo cũ, mặt mũi trông sạch sẽ hơn.
Thằng Nô (12
tuổi) và Phát (14 tuổi) thì không thấy mua sắm gì, các bạn gọi chúng nó
là "trùm sô". Cả hai quê ở Long An, là con của tử sĩ Nguyễn Văn Thuận,
cùng mẹ đi vùng kinh tế mới ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười, nhưng đời sống
quá cực nhọc và không đủ ăn, bà dẫn hai con về Sài Gòn sống lang thang.
Một hôm hay tin mẹ mất, bà gởi hai đứa nhỏ cho một gia đình phế binh rồi
về quê luôn, bà sống bằng nghề đi mót lúa và ở tạm nhà người bà con. Nô
và Phát thường khoe với chúng tôi rằng cha chúng đi lính mặc áo "hoa
rừng" (nhảy dù) chết vào mùa mưa năm 1972. Mẹ chúng đã khóc như mưa lúc
nhận xác cha nên mỗi khi thành phố vào mùa mưa, chúng cảm thấy buồn
buồn. Gần đến ngày giỗ cha rồi chúng cố "làm ăn" cho có nhiều tiền để về
Long An thăm mẹ. Trong khi các bạn đồng lứa bắt đủ cá xong trở lên mặt
đường ngủ đêm thì chúng tiếp tục lặn lội dưới các ống cống để tìm thêm
cá. Có những buổi sáng chúng tôi thấy hai anh em rét run vì ngâm người
dưới nước quá lâu.
Vào một đêm nọ, chúng tôi sắp đi ngủ thì thấy
hai anh em thằng Phát lặng lẽ mở nắp cống chui xuống. Khoảng vài ba giờ
sau thì sấm chớp ầm ầm, chúng tôi choàng thức dậy tìm chỗ trú mưa. Một
trận mưa như vũ bão đổ ào xuống thành phố và kéo dài đến sáng sớm. Các
ống cống rút nước không kịp làm nước mưa tràn lên các đường phố, ngập
gần đến gối những bạn hàng dọn chợ đêm. "Bình thường hai anh em thằng
Phát ở lâu hơn bạn bè cùng lứa dưới cống để đâm thêm cá, nhưng giờ này
trời đã gần sáng mà sao lạ chúng vẫn chưa lên?", tôi lo âu tự hỏi. Thôi
rồi, tôi hốt hoảng chợt hiểu ra mọi sự. Anh em chúng tôi báo động với
nhau, kẻ đi tìm người đi hỏi những đám nhỏ còn ngủ gà ngủ gật cạnh những
đống rác "giữ chỗ" trước cho buổi sáng hôm sau, nhưng không ai thấy hai
anh em thằng Phát đâu cả. Chúng tôi buồn bã bàn tán với nhau, hình dung
cảnh tượng nguồn nước mưa tuôn ồng ọc vào các cống rãnh, hai đứa nhỏ
mải mê bắt cá không biết bên ngoài trời mưa lớn, đến khi thấy nước dâng
lên quá nhanh thì đã quá muộn, dòng nước đã bít các lối chui lên và cuốn
trôi hai xác thân nhỏ bé. Ôi, cuộc đời thật quá mong manh.
Cho đến
một hôm, 33 ngày sau, một em bé trai khác đang lội bì bõm dưới các ống
cống gần chợ Cầu Ông Lãnh tìm cá, bất ngờ đụng phải cái gì giống như
"trái dừa", nó nhặt lên soi nhìn trước ánh đèn thì liền hét lên bỏ chạy,
nó chui đại lên miệng cống ngay gần chợ trước sự kinh ngạc của những
bạn hàng, mặt mày tái xanh. Nó vừa lượm một cái đầu lâu. Cả chợ hay tin
đó liền kêu đội dân quân gác chợ và ban quản lý cho người mở nắp cống
rọi đèn tìm kiếm xác hai đứa nhỏ, nhưng chỉ nhặt được một khúc đùi đã
thối rữa và một nửa thân người còn lại. Người ta biết là thân xác còn
lại của hai đứa trẻ bất hạnh và bọn trẻ nhận ra cái quần đùi màu đỏ của
thằng Phát, bên trong còn ít tiền gài kim băng cẩn thận. Tiền đó thằng
Phát để dành về quê giúp mẹ làm đám giỗ cha.
Kể từ đó bọn trẻ ở các
chợ Cầu Ông Lãnh, Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Bình Tây và các chợ nhỏ
khác không dám chui xuống những đường cống thoát nước của thành phố để
kiếm cá nữa, chúng sợ ma. Từ đó biết bao nhiêu chuyện đồn đại về những
xác người bị giết và bí mật quăng xuống cống để phi tang. Không còn em
nào dám mạo hiểm xuống các cống nước để kiếm cá dù có đói. Thế là bọn
trẻ tiếp tục chia nhau đi lượm bọc ny lông, giấy vệ sinh và xin ăn trên
hè phố. Không có ánh sáng ở cuối đường hầm cho những cô nhi.
* * *
Trong cuộc sống đầy gian khổ, tạm trú ở đầu đường xó chợ hay trên vỉa
hè, những anh em phế binh còn độc thân hiếm khi có ý nghĩ tìm người bạn
đường. Phế binh Phan Tiến Dũng, thủy quân lục chiến cụt một chân, cũng
vậy. Mặc dù còn trẻ, hiền hậu và đẹp trai nhưng từ sáng đến tối anh vẫn
lầm lũi đi đi về về một mình với những bao nhang đèn. Có lẽ vì chọn nơi
tạm trú ồn ào bên cạnh chợ An Đông, Tiến Dũng ít khi rảnh rỗi nhìn lên
trời cao để biết rằng có một vì sao chiếu mạng. Thật buồn cười, có nhiều
người ước ao sống trong hạnh phúc nhưng không bao giờ bắt gặp, nhiều
người khác không ao ước gì thì luôn gặp may.
Trong chợ An Đông, có
một phụ nữ người Việt gốc Hoa thích nghe chuyện lính. Cô tên Vòng A
Muội, nhưng không hiểu tại sao ở chợ người ta thường gọi là "A Chế", còn
anh em chúng tôi thì gọi là "A Phụng". A Muội, A Chế hay A Phụng là một
thiếu nữ còn trẻ, duyên dáng và thật thà, cô thường hay giúp Tiến Dũng
sửa soạn nhang đèn, thích nghe kể chuyện lính tráng, đánh giặc, bị bắt
làm tù binh, v.v… Có lẽ A Chế có cha đi lính đánh giặc và chết trận nên
mến Tiến Dũng chăng? Mặc kệ, đó là chuyện đã qua, còn bây giờ A Chế đang
hiện diện trong tập thể "gia đình" anh em phế binh chợ An Đông. Nhiều
lúc tôi thấy A Chế nhìn Tiến Dũng với ánh mắt đăm chiêu, không nói gì.
Anh em chúng tôi thường đùa giỡn, mối mai, khuyến khích Tiến Dũng rủ A
Chế đi ăn chè. Cô không những không từ chối mà còn giành trả tiền ăn mì,
ăn cháo ban đêm rồi bao Tiến Dũng đi coi cải lương và xem xi nê. Tình
cảm của hai người từ đó ngày thêm gắn bó, anh em chúng tôi rất mừng.
Tuy vậy cuộc sống trên hè phố chợt thoáng rồi tan. Mới hôm qua còn gặp
nhau đó ngày mai thì chia tay vĩnh viễn. Có những cuộc gặp gỡ chỉ được
một lần rồi không bao giờ xảy ra nữa. Hiểu được những điều ấy, những
người sống lang thang trên vỉa hè như chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng
chấp nhận mất mát, rủi ro và bất hạnh. Nhưng chính trong cuộc sống vội
vã này nảy sinh biết bao tình cảm chân thật, rụt rè khiến cho anh em xúc
động và càng muốn vun đắp cho nhau. Huống chi Tiến Dũng là một người
bạn tốt, nghèo nhưng sống có tình có nghĩa, anh thường hay giúp đỡ anh
em mỗi khi hoạn nạn nên rất được lòng người.
Anh em để ý thấy Tiến
Dũng chăm chỉ đi bán nhanh, lại biết dành dụm tiền bạc. Những buổi trưa,
Tiến Dũng chịu khó lê cái chân giả (anh cụt chân trái, xương còn mọc
nên hay bị đau, đi lại khó khăn) ra ga xe lửa Sài Gòn. Ơ? đấy, bên góc
đường Hàm Nghi – Phạm Ngũ Lão có những người đàn bà gánh cơm bán dạo,
những dĩa cơm ấy rẻ vì có độn bobo (lúa mì thô dành cho súc vật), thức
ăn là những con cá lòng tong kho mặn hay những con tép, giá 500 đồng một
dĩa, trong khi ở cửa hàng quốc doanh một dĩa cơm bình dân giá rẻ nhất
cũng phải từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng. Tiến Dũng đã ăn những bữa cơm
như thế, anh muốn để dành tiền mua tặng A Chế một cái quần tây màu cà
phê sữa, kiểu điếu thuốc xì gà, bởi vì qua những mẫu chuyện trao đổi,
Tiến Dũng khám phá ước mơ thầm kín của người bạn gái.
Có lần A Chế
kể cho Tiến Dũng nghe: "Nhà em ở xóm Gò Vấp gần khu quân sự, những ngày
cuối cùng của tháng 4 quân cộng sản pháo kích lung tung, đạn lạc vào nhà
dân. Hôm đó, em cùng hai em nhỏ đang ngồi ăn cơm với mẹ thì nghe một
tiếng ầm khủng khiếp. Cả xóm kinh hoàng, lao nhao la lên: "Pháo kích,
pháo kích, chạy đi bà con ơi!". Em vội thu xếp đồ đạc cùng mẹ dẫn hai em
chạy ra ngoài đường theo những người hàng xóm. Chạy ngang nhà con nhỏ
bạn định rủ nó cùng chạy giặc như em, nhưng… ôi thật khủng khiếp. Nhà
của nó tan hoang, đồ đạc gãy nát, máu thịt văng tứ tung. Đạn pháo kích
rớt trúng nhà nó, giết chết cả nhà. Con Hoa nằm ngửa, thân hình phủ đầy
bụi đen xì, tóc tai rũ rượi phủ trên gương mặt trắng bệch, trên ngực nó
máu me đầm đìa, cơ thịt cánh tay phải của nó còn giựt giựt nhưng bàn tay
bay đâu mất rồi. Em nhìn nhỏ bạn nằm im không cục cựa, lòng se thắt lại
nhưng cái quần tây màu cà phê sữa của nó vẫn còn "mô đen" quá. Em nghĩ
nhỏ Hoa khi chết mà còn mặc cái quần tây như thế chắc cũng được thỏa
lòng".
Thạch Chia, phế binh Biệt Động Quân cụt chân phải, mặt đen
như cột nhà cháy, nghe Tiến Dũng thuật lại liền nhe hàm răng ngựa cười
khà khà:
– Còn chú rể nữa chi, hổng lẽ ngày lễ tuyên bố lại bận xà rong khoe cái giò bằng cây sao?
Bà Hồng già, ho lao gần chết, phê bình A Chế:
– Đi lượm bọc ny lông mà bày đặt mặc áo bà ba – rồi bà lại hứa hẹn. Ê,
đám cưới tụi bay tao đi nguyên con "dịt" cổ lùn Sa Đéc đó nghe!
Thạch Chia trề cặp môi dầy thâm xì:
– Ờ, con "dịt" của bà bằng mủ nhựa hả, ở Chợ Lớn bán thiếu gì. Nếu bà đi con "dịt" thì tui đi con heo Lái Thiêu!
Anh em cười hể hả. Thạch Chia bình thường ít nói, tính tình cộc cằn,
nóng nảy, hôm nay hỗng hiểu sao như con nhồng lột lưỡi. Niềm vui nhẹ
nhàng lan tỏa trong anh em như áng mây bay làm dịu ánh nắng gay gắt ban
trưa, nó như làn sinh khí thoáng lên bộ mặt xám ngoẹt của người hấp hối
trước đi từ trần. Đang lúc những người khốn khổ đang quay quần đóng góp
mỗi người một câu cho vui câu chuyện, cho đám cưới "tưởng tượng" ấy, chị
Liên (quả phụ) bỗng nhiên lạc "tông", không hiểu sao lại tru tréo lên:
– Ôi giời ơi, nếu cộng sản đừng đánh vào miền Nam thì con tôi vẫn còn có cha.
Anh em chúng tôi biết là chị đang nghĩ tới đứa con trai duy nhất 8 tuổi
của chị, thằng Đức, đang theo lũ trẻ cùng trang lứa moi móc, lặn lội
trong những ống cống ngầm để tìm cá. Bà Hồng nhìn chị:
– Tháng này
cũng bớt mưa rồi, không sao đâu mà! – rồi bỗng dưng bà ấy thở dài nhìn
các anh em phế binh nói tiếp. Giá mà tôi được sống lại giờ phút lịch sử
ấy nhỉ. Tôi sẽ đến cùng anh em chiến sĩ, được chạm tay vào cò súng một
lần thôi rồi lỡ có chết cũng cam lòng. Cứ đánh một trận cho tan tành té
bẹ đi, ai xui thì chết, ai may thì sống, biết đâu sẽ hưởng được tự do.
Thạch Chia cười:
– Bà già cầm nổi cây M16 không? Nếu nổi thì tui cõng bà nha, nhưng nhớ lỡ quýnh quá đừng có "xả" ướt lưng tui đó nha bà.
Bà Hồng già giả bộ không nghe trầm tư kể tiếp:
– Một hôm tui đang đi ăn xin, gặp trúng ngay nhà cán bộ, cha này người
miền Nam tập kết ra Bắc hồi còn nhỏ, năm 1954. Tui lỡ bộ tính nói vài
câu rồi rút êm, nhưng "ổng" nhìn tui có vẻ thông cảm. Cha này có vẻ "trí
thức" chứ không phải bặm trợn dốt đặc cán mai như mấy thằng "cách mạng
ăn theo" (còn gọi là bọn "30", hay "30-4"). Ổng kể: "Khi ấy tôi còn ở
Tòa Thánh Cao Đài, chiếm được Tây Ninh và thấy cảnh sinh hoạt của dân
chúng tại dưới chế độ mới, tôi hiểu là giải phóng rồi đồng bào miền Nam
sẽ khổ như đồng bào miền Bắc nên chúng tôi đâu có muốn giải phóng thành
phố Sài Gòn làm chi. Không hiểu sao lính miền Nam lại bỏ chạy, đầu hàng.
Chỉ cần giữ vững tinh thần, cầm cự hơn tháng nữa thôi thì tụi nó sẽ
kiệt quệ thôi, xe tăng hết nhiên liệu, đạn dược không được tiếp tế, tinh
thần xuống thấp và nhất là đói". Rồi ổng kêu "bả" (vợ ổng người miền
Bắc, còn trẻ) vô lấy cho tui một ký gạo, dặn tôi nhớ né tránh mấy chỗ
gác dân quân. Ổng nói: "Tụi nó còn hăng lắm, tập làm cách mạng, muốn lập
công với đảng, chúng không ưa mấy người ăn xin bêu xấu chế độ đâu". Còn
bả thì ân cần hỏi thăm tui bịnh lâu chưa, trời mưa có lạnh không, bả
cho tui bộ quần áo rồi tâm sự: "Khi miền Nam giải phóng xong, tôi bỏ
miền Bắc theo ông ấy vào trong này. Vì sau bao năm chịu đựng với nhà
nước này, tôi hiểu ra một điều là đừng chờ đợi pháp luật hoàn tất, bởi
vì pháp luật của nhà nước lập ra không phải vì nhân dân (mặc dù họ mượn
danh nghĩa nhân dân, mà vì quyền lợi của nhà nước). Khi pháp luật chưa
hoàn tất thì những người dân (ở trong Nam) hãy còn "kẽ hở" để mà sống,
khi đã hoàn tất (như ngoài Bắc) thì chỉ có chết đói mà thôi". Bả còn nói
thêm: "Miền Nam vẫn còn sung sướng hơn miền Bắc đấy chị ạ, cố mà sống
và đừng nghe chính sách gì cả nhé bởi vì sẽ cứ thế mãi thôi. Họ lừa hết
lớp người này xong lại tiếp tục lừa lớp người kế tiếp, ai cũng sợ hãi
nên đành im lặng để mà sống". Nghe xong tui nhìn bả ngỡ ngàng, tuyệt
vọng. Một cặp vợ chồng được chế độ này ưu đãi đủ thứ mà còn nói như vậy
thì kể gì đời sống của tui. Bả tiễn tui ra về: "Thôi, chị đi đi nhé, nói
chuyện nhiều không ích lợi gì". Tui bật ra cơn ho rũ rượi, bả nhìn tui
thương hại, bả biết là tui sắp "đi" rồi nên dặn nhỏ: "Xin đừng gọi chúng
tôi là cách mạng".
Huệ và Đồng, hai người lính cũ, cùng nói:
–
Té ra là người dân miền Bắc đâu có sướng gì. Họ cũng chỉ là nạn nhân
của vụ lừa thế kỷ như miền Nam mà thôi. Trong khi chúng ta lấy ngày 30-4
(1975) là ngày quốc tang thì miền Bắc có ngày 10-10 (1954) làm ngày giỗ
quê hương của họ.
Thạch Chia, vốn là con sâu rượu đế (anh còn có biệt danh "đại ca tiếu ngạo" vì hay cười cợt đời khi có rượu vô), thêm vào:
– Dzậy là đúng như bà Bình hay nói ở hiệp định Paris: "Bình mới rượu
cũ", chẳng có cải cách gì ráo trọi. Ôi, nói ba cái chuyện đó chi nghe
bắt mệt. Ê, Lê A, mày tính đi đám cưới tụi nó cái gì đây?
Lê A, phế binh Dù bị cụt cả hai chân phải gắn chân gỗ bước đi trên cặp nạng lều nghều như con cua, đáp:
– Tui chỉ cần đi một vòng chợ Hòa Bình, Nguyễn Tri Phương là đem về một
bọc ny lông đầy đầu gà, cánh vịt, phao câu, "pê đan" giò dĩa, lòng mề
đủ thứ cho anh "nhậm chẩu" mệt nghỉ.
Lê A triết lý thêm:
– Cái
khổ của chúng ta là biết những cái mà chúng ta không giải quyết được.
Khi mà mọi sự đã trở thành vô nghĩa, khi mà chúng ta bị hất ra bên lề
đời sống và đã trở thành những bóng ma vật vờ trên những đường phố thì
chúng ta hãy sống như những bóng ma, sống như kẻ vắng mặt trong cuộc
sống hào nhoáng này, cứ để ngày tháng qua đi rồi cái gì phải tới sẽ tới.
Thôi đừng mất thì giờ tìm ánh mặt trời vào giữa đêm khuya, không bao
giờ có đâu. Đừng có được voi đòi tiên nữa, anh em hãy nhớ lại lúc ở kinh
tế mới chúng ta mơ ước gì, chúng ta có khác gì con vật nay đang hưởng
ân huệ của cuộc sống đây nè: được uống nước phông ten, được ăn đầu gà
cánh vịt, được ăn "pê đan" giò dĩa, được "nhậm chẩu" còn gì sướng hơn.
Hãy vui với những gì đang có.
Chị Liên thở dài u uất, tiếp tục lạc "tông":
– Lạy Chúa của con ơi, ngài có nghe không? Người kiên trinh chung thủy
sao lại bị bỏ rơi, kẻ man trá phản bội lại cứ được đền bù. Lũ Giuđa thời
đại đang đè đầu cổ nhân dân đây này, lạy Chúa của con ơi.
Chị Liên
nghĩ về chồng chị. Lần về phép sau cùng, anh biết cuộc chiến sẽ còn
khốc liệt hơn nữa nhưng vẫn quyết chí ra đi bảo vệ đất nước. Giờ đây
chung quanh chị bao nhiêu kẻ chạy theo cuộc sống mới, có ai cần gì đến
lý tưởng. Kìa nhiều người còn chỉ lối, dẫn đường cho chế độ cộng sản
khống chế cuộc sống nhân dân miền Nam, họ được đền bù bằng sự no đủ, ăn
sung mặc sướng trong khi con chị, "giời ạ, giờ này đang chui đầu dưới
ống cống". Chị nhìn bầu trời một hồi rồi mặc cả:
– Lạy giời, xin đừng mưa nữa, nhưng không mưa thì làm sao có cá. Thôi xin mưa nho nhỏ thôi, cho con tôi có được miếng ăn.
Trong lúc những anh em phế binh khốn khổ như Tưởng lù đù, Tài râu, Hùng
cụt tay, Long què giò, Bin khờ… cứ chết dần chết mòn vì bệnh hoạn, bị
bắt vào "nhà nuôi", thì trên đường phố xuất hiện nhiều gia đình miền Bắc
đi ăn xin ở các hàng quán. Họ vào cả cơ quan nhà nước xin tiền tàu, vé
xe để về lại quê. Họ không sợ gì cả. Họ đi từng làng, từng xã vào Nam.
Họ có lý do để đi vì mất mùa, lũ lụt… Họ là những ngươi đã một thời tuân
hành nghiêm chỉnh những chủ trương chính sách nọ kia của nhà nước cộng
sản. Bây giờ nhà nước không còn quan tâm đến họ nữa, tất cả chạy theo
chỉ tiêu "tưởng tượng", các báo chí, đài cứ lải nhải nói nọ nói kia,
ngợi ca những con số, phóng đại những kế hoạch 5 năm, 10 năm, thậm chỉ
lập kế hoạch cho nhiều thế hệ đến năm 2020. Nhân dân khốn khổ miền Bắc
bị bỏ rơi cho nên bây giờ họ đi xin công khai đấy, nhà nước có giỏi thì
cứ bắt đi, họ không đi lẻ tẻ, họ đi từng đoàn, ai mà đụng đến họ thì họ
kéo cả bầy tới bao vây làm áp lực. Những cán bộ miền Nam sợ những đám
bần này vì hễ gây khó khăn gì thì họ làm đơn khiếu tố, khiếu nại lên các
cấp lãnh đạo gốc miền Bắc tại Sài Gòn. Họ dùng luật pháp nhà nước miền
Bắc đặt ra để đòi hỏi, yêu sách ngược trở lại nhà nước miền Nam.
Thạch Chia tức lắm, trong khi anh là người "gương mẫu" tình nguyện đi
xây dựng vùng kinh tế mới, thất bại trở về không nhà không cửa, vợ anh
bị sốt rét rừng nằm rên ư ử như con chó, con anh 8 tuổi không biết chữ
phải đi lượm rác (đi xin sợ bị bắt vào trường "giáo dục thiếu nhi bụi
đời"). Anh đã nhìn thấy người ta giựt đứa con nhỏ ra khỏi tay người mẹ
đang ngồi xin ăn rồi đưa đi cải tạo lao động, đứa bé 4 tuổi được đưa vào
"nhà nuôi", một thời gian sau thì chết vì phổi có nước. Khi cải tạo về,
người mẹ đến nhận con mới hay hung tin, từ đó bà trở thành người điên,
ăn nói ngớ ngẩn, vô duyên. Biết thưa kiện ai trong xã hội này? Chưa phải
hết, Thạch Chia còn buồn phiền cảnh đời thay đổi trắng đen. Có những
anh em tàn phế như mình, trong cơn túng quẫn đến van xin anh giúp đỡ,
hứa hẹn lung tung, khi được giúp rồi thì ôm tiền trốn luôn. Thật là
phiền vì Thạch Chia dẫn những anh em đó đến giới thiệu với "anh Cả", một
cựu sĩ quan cụt một chân, để đến chùa lãnh nhang về bán. Bán hết nhang
những anh em này lo trả nợ nần riêng rồi đi luôn, ăn luôn cả vốn của mấy
ông thầy, rồi ăn luôn cái chân cụt của người giúp đỡ mình. Thạch Chia
xấu hổ với người "anh Cả", gầm lên: "Ta là một kẻ cương trường, một lần
thất hứa còn gì thanh danh. Thôi lần này ra đi quyết không trở lại". Thế
là Thạch Chia bỏ đất Sài Gòn, dẫn đứa con trai 8 tuổi vào Chợ Lớn… ăn
xin.
Bà quản lý Chợ Lớn Mới (chợ An Đông) là một phụ nữ mập ú, thân
hình tròn như cái lu, trên khuôn mặt bánh bèo lủng lẳng một cặp má heo,
nung núc những thịt và mỡ. Bà ngồi chễm chệ giữa chợ, giương cặp mắt cú
vọ quan sát khắp nơi qua cặp kiếng trắng gọng vàng. Cặp mắt kiếng không
làm tăng thêm vẻ "trí thức" sỏi đời mà chỉ tạo cho bà nét nghiêm khắc,
soi mói lỗi lầm của người khác. Một ngày kia nhìn thấy hai cha con Thạch
Chia đang ăn xin ở dãy hàng thịt, bà dẫn hai dân quân cầm AK47 tiến
đến, bắt quả tang thằng nhỏ đang chìa nón xin tiền một khách hàng. Thế
là… "chách" một cái, bà vả vào mặt thằng nhỏ thật mạnh làm nó khóc rống
lên. Nghe tiếng con khóc, Thạch Chia đang khất thực bên dãy kia vội vàng
chống nạng lò cò (anh không mang chân giả khi đi xin) nhảy đến cạnh bà
quản lý chợ, rồi bất thần khom người xuống… "huỵch" một cái, anh thúc
cùi chỏ vào mặt bà quản lý làm bà ngã bệt xuống vũng nước hôi hám ở hàng
thịt, áo quần bê bết sình đen, cặp mắt kiếng cũng văng sang một bên.
Hai dân quân ngơ ngác, người đi chợ đứng nhìn. Vừa lồm cồm ngồi dậy vừa
quơ tay tìm cặp mắt kiếng, bà hầm hầm chỉ tay vào mặt Thạch Chia hét
lên:
– Bớ người ta! Quân ăn cướp! Trời ơi quân ăn cướp đánh người!
Ngụy quân, bà con ơi. Ngụy quân làm loạn. Ăn cướp, ăn cướp, bắt nó lại,
bớ người ta!
Thạch Chia quơ nạng trước mặt bà hăm dọa:
– Đ… mẹ, ăn hiếp con nít hả mậy! Đồ heo nái…
Chưa nói kịp hết câu thì… "bộp" một cái, báng súng của một dân quân
thúc vào miệng của anh, máu tuôn xối xả. Hàm răng đang còn ê ẩm, chưa
kịp phản ứng gì thì "bịch" một cái nữa, lưng anh bị dân quân kia nện cho
một cây gậy. Sau đó là những tiếng "thình thịch" vang lên, hai dân quân
đấm đá loạn xạ vào người anh như đánh trống cúng đình trong ngày giỗ
hội. Thạch Chia chỉ biết khom người ngồi xuống, hai tay che mặt, che
đầu. Dân chúng hai bên bất mãn đứng nhìn, một ông già la lên:
– Tụi bây muốn giết người hả? Bộ không thấy nó què giò hay sao mà đánh đập dã man như vậy?
Thạch Chia nằm lăn lộn giữa vũng sình hôi hám, người ngợm đen sì, hai
tay ôm đầu tránh né đòn thù. Đánh đá một hồi, bà quản lý giả bộ đứng ra
can và phân trần với bà con:
– Thằng này là ngụy quân, nó định giết
tôi. Coi nè (bà chỉ vào má bên trái vừa bị Thạch Chia thúc cho một cùi
chỏ còn tím bầm), nó tính ám sát tôi đó thấy không.
Bà con trong
chợ nhìn bà quản lý một cách khinh bỉ, nhiều chị phụ nữ còn che miệng
cười khúc khích. Một dân quân túm áo lôi cổ anh dậy, dân quân kia trói
quặt hai tay anh ra phía sau. Thạch Chia gào lên giữa hai hàm răng loan
đầy máu đỏ:
– Các người biết sống thì cũng để cho người khác sống
với chớ. Tui cũng là con người, tôi cũng muốn sống như mọi người chớ có
giựt đồ ai đâu?
Bà quản lý sửa lại cái kính, giả bộ hỏi:
– Nó nói vậy là sao?
Một dân quân nét mặt hầm hầm hô lên:
– Đưa nó về trụ sở, để nó ở đây mất "quan điểm" với nhân dân.
Thằng con anh may mắn trốn thoát chạy về báo động, ai cũng khuyên nó
ngồi yên nghe ngóng. Về tới trụ sở, Thạch Chia chửi bới một hồi thì bị
một dân quân khác tát vào mặt mấy cái rồi đá một cú giò lái vào bụng,
anh ngã quỵ xuống nằm im bất động. Chiều hôm đó, người ta lôi anh ra
xích vào một cây cột giữa trời trong nghĩa địa Triều Châu, nay là Khu Du
Lịch Đầm Sen. Cũng may là cây cột bị mục. Trời mát dần, Thạch Chia hồi
tỉnh lại, anh đứng một chân chịu đựng từ buổi chiều đến tối. Vào lúc
giữa khuya, bọn dân quân ngủ gà ngủ gật, anh lấy tay lay cho cây cột mục
ngả xuống rồi từ từ rút tay bị xiềng ra khỏi thân cột. Anh vác sợi dây
xích nặng 12 kí lô lên vai, nhảy lo cò ra ngoài lộ đón xe xích lô về gặp
lại anh em. Vợ anh sụt sùi khóc và xoa muối ở các chỗ đau bị bầm tím
trên thân mình anh. Chưa hả giận, Thạch Chia nói với vợ:
– Mài cho
tui cái rựa, tui không sợ thằng nào hết, phải ăn thua đủ với tụi nó
thôi. Ai cũng một lần chết, tui phải chết anh hùng, không chịu nhục được
nữa. Tui có trời độ mà đừng lo.
Mọi người khuyên can mãi Thạch
Chia mới nguôi. Rồi những khó khăn thường nhật trong cảnh sống bần cùng
cứ bẻ gãy dần ý chí "đứng thẳng người" của anh em phế binh. Làm sao đứng
thẳng được khi chỉ còn một chân, một tay chống nạng tay kia phải chìa
ra xin tiền bố thí. Làm sao đứng thẳng khi đàn con nheo nhóc kêu khóc vì
thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu học. Thạch Chia nhìn thẳng vào cuộc đời
trước mắt, chịu đựng và nhịn nhục. Ai sống thì cứ sống, ai chết thì cứ
chết. Thạch Chia bất lực và tuyệt vọng.
Bà Hồng già chết rồi. Bà
chết khi đang đi xin ở chợ Nguyễn Tri Phương. Bà được một bạn hàng cho
một trứng hột vịt lộn, khi đang ăn thì máu từ miệng ộc ra, bà mắc nghẹn
ngộp thở chết. Những anh em khác khôn ngoan hơn tìm đường ăn xin ở những
vùng xa. Vào những dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán, họ xin ăn ở Thánh
Thất Cao Đài Tây Ninh. Công an và cán bộ có trách nhiệm thu gom không
bắt họ ngay mà chờ cho họ xin năm ba ngày, khoảng mùng 6 hay 7 gì đó rồi
mới ào tới bắt và tiền xin được bị tịch thu sung vào "công quỹ" riêng.
Anh em nào có kinh nghiệm, chỉ xin ăn một hai ngày rồi chuồn đi thì
thoát nạn, hoặc là ra mấy tiệm vàng ở chợ Long Hoa mua vài ba phân vàng
cất vào túi, lỡ khi bị bắt trong các chiến dịch thu gom thì dúi cho nhân
viên thi hành số vàng đó để họ ngó lơ rồi trà trộn vào nhà dân tẩu
thoát. Nhưng cũng phải cẩn thận vì nhiều khi "tiền mất tật mang", cán bộ
thu gom ác ôn vừa lấy tiền vừa bắt giam người.
Những loại tin như
vậy càng làm anh em mệt mỏi và nản lòng vì khi ấy chưa có các hội đoàn
nhân đạo và ân nhân tại hải ngoại biết đến hoàn cảnh của anh em phế binh
trong nước để mà giúp đỡ. Cuộc sống của người nghèo khổ rất là khắc
nghiệt, mọi người cảm thấy như nghẹt thở trong nước Việt Nam xã hội chủ
nghĩa này. Những khẩu hiệu, bích chương, biểu ngữ loại "đánh cho Mỹ cút,
đánh Ngụy nhào", không còn gây chú ý cho bất cứ ai trong thành phố.
Riêng anh em phế binh, cô nhi, quả phụ chúng tôi thì thấm thía câu "đình
đám người, mẹ con ta" vào những ngày lễ mừng "quốc khánh" như ngày 2-9
này. Trong lòng chúng tôi tuy không dám nói ra vì sợ trả thù, khủng bố,
tù đày nhưng lúc nào cũng ngầm ngầm "nỗi hờn vong quốc" và những cảm xúc
giận hờn không biết phải trút vào đâu.
* * *
Trở lại cuộc
tình giữa Tiến Dũng và A Chế. Thấm thoát đã ba năm hai người hiểu nhau
khá lâu và cảm thấy cần phải có nhau trong đời. Anh em cũng mừng vì cuộc
đời phế binh vẫn còn có người thương mến và cũng nhân dịp gặp lại nhau,
thăm hỏi, vui chơi và ăn uống cho bõ những ngày cực khổ lang thang đó
đây. Vả lại, những dịp lễ "quan trọng" của người cộng sản như thế này,
kinh nghiệm cho anh em biết là không nên đi đứng ngoài đường lêu têu dễ
bị chiến dịch "làm sạch đẹp thành phố" thu gom lắm. Thế là anh em quyết
định chọn một chỗ gần chợ An Đông, nơi "cư ngụ" của Tiến Dũng và A Chế
làm lễ cưới.
Hôm ấy mỗi người một chút tùy theo khả năng mà đóng
góp. Chú rể và cô dâu "chịu" năm kí gạo ngon và một kí cá biển, mắm
muối, bột ngọt, v.v… Anh em khoảng chừng mười mấy người, toàn là phế
binh què cụt, vài bà quả phụ cũng đến chung vui, mỗi người góp thêm vài
bó rau sống và những nhúm mì vụn mà các em cô nhi đi xin được. Lê A giữ
lời hứa "danh dự" đi bán nhang một vòng đường Nguyễn Tri Phương, vừa mua
vừa đổi nhang mang về một bọc gần ba kí đầu gà, cánh vịt, lòng mề, ruột
heo và những cái chân vịt quay. Thành và Bé Ba thì đi một vòng chợ ca
bài "Qua Cơn Mê" nên cũng đem về đóng góp vài trăm gờ ram chả cá. Chị
Mạc vì chồng mới chết nên anh em cảm thông không để chị đóng góp, nhưng
chị cũng xà vào phụ với cô dâu và mấy bà quả phụ khác nấu nướng.
Người vui nhất có lẽ là Thạch Chia, không biết bằng cách nào anh đã mang
đến một can mười lít rượu đế, gọi là để "mừng đôi trẻ" nên duyên chồng
vợ. Chú rể Tiến Dũng mặc cái áo sơ mi trắng dài tay, cái quần xanh nước
biển càng khiến anh ra vẻ học trò. Cô dâu A Phụng thì mặc cái quần tây
màu nâu kiểu điếu thuốc xì gà và chiếc áo bà ba cùng màu, theo cách nói
của Thạch Chia, ra vẻ "tân cổ giao duyên" nhưng mà "kệ bà nó". Thạch
Chia mở đầu buổi lễ:
– Hôm nay chúng ta đều có mặt đầy đủ, chỉ thiếu bà già Hồng, thôi kệ bả, mình cúng bả một ly khai màn là được rồi.
Vừa nói anh vừa đổ một chút rượu xuống đất, rồi anh đưa lên môi uống
một cái ực chỗ còn lại. Anh thì thầm: "Kính lão đắc thọ". Anh gắp cái mề
gà, đôi cẳng vịt quay bỏ vào cái dĩa mời bà Hồng già "về" ăn. Tiếp đó
anh em nâng ly chúc cô dâu A Chế và chú rể Tiến Dũng được nhiều may mắn
trong cuộc sống, sớm thoát ly cuộc đời nghèo khó, có đàn con đông v.v…
Thức ăn gồm ba món để trong nồi, ai ăn nấy múc, tô dĩa của khách để
dưới nền gạch. Đầu tiên mỗi người làm một tô cơm với cá kho cho chắc
bụng, sau đó là cuộc nhậu gồm một món canh hầm bà lằng đủ thứ nấu với
xương heo, phổi, huyết, bao tử cùng những thứ rau cải, giá, hẹ, mì vụn…
và những con cá nục chiên sốt cà chua. Món đầu gà, cánh vịt của Lê A
được chiếu cố kỹ lưỡng vì mùi vị thơm thơm của nó gợi cho anh em cảm
giác về những món ăn mà trước kia anh em đã từng được thưởng thức.
Câu chuyện trở nên rôm rả hơn khi có thêm mấy người anh em từ Thủ Đức
cùng đến chung vui. Họ đem theo mười mấy ổ bánh mì, vài bịch huyết luộc
và một kí lô ruột bò. Vài người làm nghề bốc vác quanh chợ cũng nhào vô
nhập cuộc, đóng góp mười lít bia hơi cùng hai kí phá lấu vụn. Mãi vui,
trời đã về chiều, chợ đã dẹp xong, anh em mỗi người góp vui một bài ca
nào đó. Thạch Chia lúc này mặt mày đỏ như con tôm luộc, gõ đũa vào dĩa
nước chấm, ca bài "Xuân này con không về". Lê A ngâm nga bài "Mẹ ơi, hoa
cúc hoa mai nở rồi". Huệ khen cô dâu: "Đẹp ghê nơi đó à nha". Nãy giờ
chú rể không uống rượu, bấy giờ "hội đồng" bắt phạt hai người phải hát
bản nhạc Tàu "Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài". Đồng hứng quá hát bài "Này
công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…". Riết rồi mỗi người chêm vào
một câu, mạnh ai nấy nói. Tự nhiên giữa lúc mọi người đang chan hòa niềm
vui, chị Liên lại lạc "tông":
– Giời ạ, nước mất nhà tan, gia đình ly tán thế này mà còn vui nỗi gì!
– Trời đất, đám cưới mà thế này thì xui quá – Thạch Chia sắp sửa rầy
chị thì ở góc đường xuất hiện hai dân quân, tay đeo băng đỏ và cầm gậy
đi tuần.
Anh em im bặt vì nhận ra họ là những người có trách nhiệm
giữ an ninh ở khu chợ này. Họ bước đến gần, người to lớn vạm vỡ hất mặt
hỏi:
– Này, mấy người làm cái gì ở đây mà ồn ào thế hả? Âm mưu gì
đó? Định tụ tập gây rối trị an, làm xáo trộn đời sống của nhân dân hả?
Vừa hỏi xong, người to lớn thò đầu vào bàn nhậu quan sát. Tiến Dũng còn tỉnh táo, vội phân trần:
– Dạ, tụi em đâu có làm gì đâu, đồng chí.
– Câm mồm! – người to lớn nạt nộ. Ai đồng chí với lũ Mỹ Ngụy chúng mày.
Tiến Dũng vội nói:
– Dà, anh Hai tha lỗi, bữa nay đám giỗ ông bà, tụi em lỡ vui quá.
– Im ngay, không thì tao cho một cái tát vào mặt bây giờ. Ăn với nhậu –
người to lớn lừ con mắt nghiêm nghị. Ngày xưa tụi tao ở trong rừng, ăn
củ năng ấy mà còn đánh giặc, có đâu ăn nhậu lười biếng như chúng mày,
không đóng góp gì cho nhân dân, cho cách mạng cả.
– Còn mày? –
người trẻ tuổi dựa hơi "cách mạng" hất hàm hỏi Lê A, lúc đó đang mặc
chiếc áo lính màu hoa rừng còn tươm tất. Ngày xưa giết được bao nhiêu
Việt Cộng rồi, cấp bậc gì, sĩ quan hả?
Thạch Chia mặt đỏ gay, ngước mắt nhìn người dân quân trẻ, trả lời thay:
– Nó ở kinh tế mới về, bị sốt rét rừng, đi bán nhang thấy… mẹ luôn. Vì
ít bữa nữa cũng tới lễ quốc khánh 2-9 rồi, nó ghé đây ăn mừng mà. Sĩ
quan gì cha nội.
Người to con bước sấn tới, hất đổ ly rượu trước mặt Thạch Chia:
– Ai hỏi mày mà thay lay.
Quá mức chịu đựng rồi, giọt nước đã làm tràn ly. Thạch Chia bật đứng
dậy và… trời ơi anh có võ Tàu. Hai ngón tay của Thạch Chia chĩa tới như
hai cái dùi đâm vào mắt người to con theo thế "song long sang châu" (con
rồng cướp trái châu). Nhưng người to con cũng không phải tay vừa, hắn
ngửa mặt ra phía sau né đòn rồi nghiêng người quét ngang chân phải vào
cái chân còn lại của Thạch Chia (anh quên mang chân giả vào). Thạch Chia
mất thăng bằng té ngồi xuống đất, người to con xông tới, hai người vật
nhau lăn lộn dưới đất. Người to con đè đầu Thạch Chia xuống, thét bảo
người trẻ tuổi phụ trói Thạch Chia đưa về trụ sở. Lê A nãy giờ cố gắng
nhịn nhục, liền lao tới đập cái tô canh vào đầu người trẻ tuổi. Chú rể
không uống rượu, bấn loạn tâm thần, cũng bước tới túm tóc người to con
lôi dậy, quất cái chân giả vào mặt một cái "bộp", máu rỉ ra nhền nhệt.
Say máu vì thấy người to con tay còn nắm tóc Thạch Chia, Tiến Dũng co
tay quất thêm một cái nữa vào đầu khiến người to con chúi nhủi về phía
trước. Huệ và Đồng nhào tới, chị Liên thét bảo con tìm cục gạch. Những
tiếng thoi, đập vang lên liên hồi. Hai dân quân quên cả đau lật đật ngồi
dậy, bỏ chạy.
Chưa đầy mười phút sau, anh em phế binh cùng bạn bè
chưa kịp chạy trốn thì một toán dân quân khoảng hơn chục người cầm gậy
gộc và súng AK chạy tới bao vây các ngõ chợ. Trời vừa sẩm tối, mạnh ai
nấy chạy. Toán dân quân hễ cứ thấy ai mặc áo lính, què cụt, bước chân
dậm dệch là nhào tới đánh đập. Thạch Chia bị nện báng súng tới tấp vào
mình, Huệ và Đồng bị hai dân quân khi nãy nhận diện nên bị đánh hội
đồng, Huệ mềm người gục xuống, máu từ miệng ồng ộc chảy ra… Chủ rể nhờ
khuôn mặt hiền hậu, đẹp trai, mặc áo sơ mi trắng, quần xanh dương, dáng
học trò nên dân quân sơ ý không nhìn thấy cái chân giả, thoát nạn. Anh
cùng cô dâu trốn ra khỏi chợ, ngồi co ro ở một góc đường. Những người dự
tiệc bị bắt dẫn đi. Thạch Chia cũng bị lôi theo, hai tay bị trói tay
quặt ra đằng sau, nhảy cà nhắc theo toán dân quân. Chú rể thấy người anh
của mình bị hành hạ, định bước ra can thiệp, cô dâu A Chế nắm chặt tay
Tiến Dũng, nhìn anh với vẻ van nài tha thiết:
– Không làm được gì nữa đâu, anh!
Thấy cô dâu chú rể đứng bên kia góc đường lẫn lộn với đám người hiếu
kỳ, Thạch Chia mặc dầu bị lôi đi xềnh xệch vẫn tìm cách quay đầu lại nói
với đám đông:
– Đừng làm gì vô ích anh em ơi. Chúc cô dâu chú rể hạnh phúc.
Tiến Dũng im lặng nhìn những bạn đồng cảnh ngộ bị giải về trụ sở dân
quân, lòng đau như cắt. Anh bất lực. Cuộc đời kham khổ của những anh em
phế binh trở về những tháng ngày đen tối.
Đoàn người bị trói tay đi
theo toán dân quân đằng đằng sát khí, tay cầm gậy gộc, súng ống, miệng
thì chửi bới tục tằn, họ hùng hùng hổ hổ như thể sắp lôi ra pháp trường
hành quyết những kẻ thù không đội trời chung.
Chúng tôi có làm gì
để trở thành kẻ thù của ai đâu, chúng tôi chỉ muốn được vui chơi như mọi
người khác trong một tiệc cưới mà cũng không yên. Lê A chịu không nổi
cảnh kham khổ trong trại cải tạo đã chết một năm sau đó, để lại hai đứa
con gái hiện đang hành nghề bia ôm trên các vỉa hè.
Viết lại theo lời thuật của Nhị Nguyên
(còn tiếp)