Friday, March 27, 2015

Bốn Mươi Năm, Nỗi Niềm Ba Thế Hệ

Tác giả : Khôi An
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Ất Mùi 2015, đang phát hành khắp nơi.  Tác giả từng phải rời bố mẹ để vượt biển từ tuổi học trò, đến Mỹ năm 1984, hiện là một kỹ sư điện tử, cư dân San Jose.  Với nhiều bài viết giá trị, Khôi An đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013. và là một trong những tác giả đạt số lượng người đọc nhiều nhất trên Việt Báo online.
Nữ tài tử Tippi Hedren và lớp học Nail đầu tiên dành cho người Việt do bà tổ chức tại trại Hope Village, Sacramento 1975.
"Hai mươi năm,
bầy trẻ thơ nay đã lớn
và chàng trai nay đã già" (1)


Tháng Tư 1995, tôi lặng người khi nghe câu hát đó. Rồi bùi ngùi nhận ra mình là một trong bầy trẻ đã lớn. Lớn, nhưng chưa làm được gì nhiều, chỉ đau đáu trong lòng những ước mơ cho một quê hương xa vời vợi.

Thoáng một cái, đã 2015. Trong email với những người bạn thân từ thưở học trò, tôi sửa lời của nhạc sĩ Phan Văn Hưng để đùa chơi

"Bốn mươi năm,
bầy trẻ thơ nay đã xế
và chàng trai nay quá già"

Các anh chị, cô chú mà nghe "chàng trai nay quá già" chắc sẽ không vui.

Tôi cũng biết lẽ ra không nên diễu (dở) với sự thật... phũ phàng. Nhưng, thay vì thở dài hoặc chống trả thứ không thể chống trả, có lẽ cách hay nhất là làm theo câu thơ tiền chiến: Tôi nói lòng ra để tự cười.(2)

*
Khi Bố tôi tự nhận là "tuyến đầu" -  tiếng của Bố đặt cho những người đứng mũi, chịu sào cho cả ba thế hệ gồm có cha mẹ, chính mình, và con cái -  thì tôi chỉ có vừa đủ trí khôn để gom góp vài ký ức về ông bà.

Ký ức đó gồm có nét thanh lịch của các bà vấn khăn nhung, mặc áo dài lụa, cổ đeo chuỗi cẩm thạch xanh rờn nước lý trong ngày Tết. Có sự ấm áp của hình dáng bà ngoại tôi ra vào, vun vén, trông nom. Có hình ảnh trang nghiêm của các ông, áo the khăn xếp, cầm bó hương cháy nghi ngút đứng khấn thật lâu trước bàn thờ trong những ngày giỗ kỵ. Có những "nụ cười đen nhánh sau tay áo" (3), có các bà luôn luôn mặc áo dài khi ra khỏi nhà và gọi con là "các anh, các chị". Và có cả sự kính cẩn trong cách tôi gọi nhiều người, không bằng tên mà bằng chức vị ở miền Bắc trước khi họ di cư vào Nam: bà Thông, bà Hộ, ông Chánh...

Ngày đó, đối với tôi, tuổi già là những ông bà hay nhắc tới những địa danh, những kỷ niệm ở miền Bắc xa xôi. Họ có cách ăn nói và hỏi chuyện con cháu giống nhau, rất gần gũi, quen thuộc trong gia đình nhưng khác với những ông bà cụ người Nam ở chung quanh. Chỉ như thế. Những điều khác như sự đau yếu, qua đời chỉ lờ mờ đằng sau sự hiện diện vững chãi của Bố Mẹ tôi. Chúng tôi nhởn nhơ trong bóng mát bình yên khi những gay gắt của cuộc đời đã được thế hệ cha mẹ lọc đi.

Bà ngoại tôi mất năm 1974, đem theo niềm mơ ước gặp lại hai người con trai đi kháng chiến chống Pháp từ thập niên 40 và ở lại ngoài Bắc. Tuy vậy, nhiều người vẫn nói là bà có phước vì không phải chứng kiến cảnh lạc đàn tan nghé, con tù cháu tội, nheo nhóc đói khổ sau cuộc đổi đời năm 1975. Các ông bà khác thì một số kẹt lại Việt Nam, một số ôm nỗi nhớ thương miền Bắc còn chưa ráo theo con cháu đi tứ tán. Sau đó, vì chia cắt, tôi không được gặp lại các ông bà. Tôi chỉ nghe nói thời gian đầu ở nước ngoài họ coi nhà, trông cháu cho các con lao ra ngoài kiếm sống. Những gia đình may mắn có ông bà thì các cháu bé không phải lang thang ở những nhà giữ trẻ, nơi mà mọi thứ đều xa lạ.

Ông bà giữ ngọn đèn trong nhà bật sáng, dọn mâm cơm để các cháu ngồi cùng ăn khi cha mẹ đi học lớp tối hay làm thêm giờ về trễ. Họ ru cháu ngủ khi cha mẹ làm ca đêm. Họ là bếp sưởi ấm áp, là hình ảnh đậm đà của quê hương vừa lìa xa...

Khoảng mười lăm năm sau, khi cộng đồng người Việt tạm cứng cáp thì hầu hết các cụ đã yên lặng ra đi. Thời đó bận rộn, xa xôi quá nên tin về các ông bà chỉ được biết qua những lá thư hay những cuộc điện đàm hiếm hoi. Tôi đã không nghĩ nhiều đến các cụ, không thắc mắc họ đã sống tuổi tám mươi, chín mươi như thế nào ở những thành phố của Mỹ, Canada, Pháp, Úc và ra đi trong hoàn cảnh ra sao. Một phần vì tôi còn "trẻ người, non dạ", nhưng lý do chính là vì Bố Mẹ tôi vẫn còn khỏe nên chúng tôi được núp bóng, vô tư trước quy luật đến và đi của đời người.

*
Sau khung kính vuông trên trần là một khoảng trời xanh dịu, hoe chút nắng nhẹ nhàng.

Đó là một buổi sáng mùa Đông ở Bắc California, ba ngày sau khi tôi đến Mỹ. Hôm đó là ngày thứ Hai, mọi người đều đi học, đi làm. Ở nhà chỉ có hai chị em tôi mới từ trại tị nạn sang, vừa được Dì đón về nhà.

Căn nhà vắng vẻ dường như rộng hơn bình thường. Tôi đi ra phòng khách, ngồi trên ghế sofa, nhìn lên tấm skylight trên trần trời, ghi vào óc hình ảnh đang thấy, và thầm nói "Tôi đã đến! Bầu trời nước Mỹ là như thế này đây."

Mới đó, mà hơn ba mươi năm!

Dì là em gái của Mẹ tôi, nhưng trong gia đình gốc Bắc tôi gọi bằng "Cô" và chồng của Dì thì  gọi là "Chú". Bây giờ, tôi gọi là "Dì" (để nói rằng đó là người thân lắm, giống như trong câu tục ngữ "Xảy Cha còn Chú, mất Mẹ bú Dì".)

Trong gia đình, Dì qua Mỹ trước tiên, vào tháng Tư năm 1975. Dì kể, ra khỏi trại Pendleton gia đình Chú và Dì được một nhà thờ ở Hayward, Bắc California bảo trợ. Đó là một điều buồn vui lẫn lộn. Vui vì California là nơi khí hậu dịu dàng, không lạnh cóng như những vùng khác, nhưng lại buồn vì bạn bè trong quân đội của Chú phần lớn sang miền Đông Hoa Kỳ qua sự đỡ đầu của những người bạn cố vấn Mỹ ngày trước. Nhưng Dì nghĩ thân tị nạn trên đất nước xa lạ, biết đâu mà lựa chọn, cứ theo duyên phận, rồi "nước chảy tới đâu, bắc cầu tới đó".

Chú cất bộ quân phục có gắn bông mai vàng vào ký ức, ngày ngày mang bộ đồng phục của thợ lắp ráp trong hãng xe hơi. Ở thắt lưng chú đeo nguyên một bộ kềm vặn ốc lớn nhỏ đủ cỡ, sắp xếp theo đúng thứ tự đã thuộc lòng. Khi chiếc xe trên đường dây chuyền trờ tới, chú nhảy phóc lên, rút kềm, gồng tay vặn những con ốc ở những vị trí cũng nhớ nằm lòng. Xe đi khoảng bốn mét là hết khâu, chú phải nhảy xuống, chạy ngược lại đón chiếc xe mới tới. Cứ chạy nhảy liên tục như vậy. Một ngày tám tiếng.

Dì cũng thay áo luật sư bằng áo khoác trắng và lưới trùm tóc của hãng trái cây đóng hộp. Cũng ngày ngày đứng trước một bộ máy dây chuyền gồm những thùng sắt khổng lồ đi chầm chậm. Trái anh đào hay trái dâu từ trên đổ xuống ào ào, hai tay Dì phải lựa thật nhanh những trái xấu, bỏ ra ngoài. Lúc mới làm chưa nhanh tay, nhanh mắt, có đôi khi trái xấu xót lại, bà đốc công lượm ra đem dí vào mặt la xối xả. Dì không dám phân trần nửa lời, chỉ im lặng làm tiếp. Hai tay bốc lia, bốc lịa nên không thể gạt nước mắt chảy ròng ròng.

May mắn cho Chú, Dì và cả cộng đồng người Việt tị nạn ở Bắc California, kỹ nghệ điện tử được phôi thai từ những năm 1965, 1968 đến giữa thập niên bảy mươi bắt đầu cứng cáp. Các hãng bắt đầu cần rất nhiều chuyên viên điện tử và, nhờ ơn trời (như Dì nói), nghề này hợp với rất nhiều người Việt. Kiến thức khoa học: có đủ, vì hầu hết là sĩ quan, công chức ở Việt Nam; sự cẩn thận, chịu khó: có thừa; khả năng học hỏi và lòng cầu tiến: tràn trề. Bắt đầu là những người có sẵn bằng cấp từ Việt Nam lấy một vài lớp học về điên tử rất dễ so với khả năng của họ, rồi được tuyển vào các hãng làm chuyên viên kỹ thuật (technician). Từ đó họ chỉ đường cho gia đình và bạn bè.

Dì và Chú sau giờ đi làm đã ghi danh học lớp tối ở San Jose City College, lấy nhanh tấm bằng hai năm rồi đầu quân vào đội ngũ chuyên viên kỹ thuật đang tăng vọt. Từ các tiểu bang khác, sinh viên Việt Nam đi du học trước năm 1975 mới tốt nghiệp cũng đổ về San Jose tìm việc. Đã có nhiều cuộc gặp gỡ ngỡ ngàng khi những kỹ sư trẻ măng biết ra rằng những techinician tóc loáng thoáng sợi bạc, im lặng, chăm chỉ làm cùng phòng thí nghiệm chính là những nhân vật mà họ từng nghe tên tuổi lẫy lừng trong những trận đánh của Tết Mậu Thân 1968, của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Gia đình Chú Dì cũng như nhiều người Việt khác dần dà khá giả hơn. Nhiều gia đình chồng đi học có bằng làm technician, vợ chưa tốt nghiệp cũng hăng hái đi làm nhân viên khâu lắp ráp (assembler hay assembly line worker).

"Ở đây chồng Tách (technician), vợ Ly (assembly)
Cùng làm một buổi, còn gì sướng hơn"

Hạnh phúc của người tị nạn thời đó đơn giản là vậy. Đầu óc, công sức và sự khéo léo của họ đã chăm chút, hoàn thiện biết bao sản phẩm của các hãng điện tử. Thành công đem lại thành công, các hãng mọc lên ngày càng nhiều, và người Việt tị nạn đã góp công rất lớn vào sự phát triển của Thung Lũng Điện Tử, nơi ra đời của những sản phẩm thay đổi đời sống con người trên toàn thế giới.

Trong guồng máy của thung lũng này, Dì và Chú vừa xây dựng lại cuộc đời trên đất mới, vừa dành dụm gởi về giúp đỡ hàng chục anh chị em trong họ hàng hai bên.

Rồi đại gia đình dần dần đoàn tụ, lúc đầu là những người trẻ đi bằng đường vượt biển, sau đó là người lớn tuổi đi theo diện bảo lãnh. Là con gái út nhưng vì quen gánh vác họ hàng từ sau cuộc đổi đời, Dì đã trở thành người đầu đàn của họ ngoại tôi trên đất Mỹ.

Có một lần tôi mỉm cười và nghĩ rằng Dì không giống với hình ảnh quen thuộc của những người đàn bà Việt Nam trong văn chương: đơn giản, đảm đang, hy sinh, và chịu đựng.

Dì không chỉ vậy, mà hơn vậy.

Dì hy sinh, chịu khó, nhân từ, và can đảm. Dì đẹp và cao. Dì ăn mặc lịch lãm. Hồi tôi mới sang, thỉnh thoảng cuối tuần Dì chở đám cháu đi mua sắm ở những tiệm quần áo clearance. Mấy Dì cháu hí hửng tìm kiếm trong đống quần áo giảm giá tới bảy mươi, tám mươi phần trăm. Phần lớn là mua gởi về Việt Nam, nhưng Dì cũng giữ lại vài thứ để mặc. Những chiếc áo có nơ ở cổ, có kiểu dáng điệu đà, thanh nhã rất hợp với Dì. Và điều đặc biệt nữa là hai bàn tay của Dì. Trải qua bao năm tháng nhặt trái cây, làm việc nhà, vật lộn với những máy móc điện tử, bàn tay Dì vẫn thon đẹp với những ngón búp măng dài muốt.

Ba mươi chín năm qua nhà Dì là nơi nhóm họ. Hàng trăm lần giỗ Tết đến, rồi đi, rồi trở lại. Họp mặt ở nhà Dì đã trở thành một điều tưởng như không bao giờ thay đổi...

Gần đây, có một lần tôi ghé thăm Dì. Khi bước xuống xe, ánh nắng vàng trên con đường, hai dãy nhà màu nâu nhạt dọc hai bên, những bụi hoa và bãi cỏ, chúng quen thuộc đến mức làm tôi ngỡ ngàng! Cánh cổng sắt vẫn sơn màu xám, đưa vào căn nhà nơi Chú và Dì đón hai chị em tôi về sau chuyến bay từ trại tị nạn Galang tới San Francisco. Thời đó bãi cỏ tươi hơn và giàn hoa giấy đỏ mới chập chững leo trên cái giàn tạm nhỏ xíu. Nhưng, nhìn chung căn nhà vẫn rất giống như xưa.

Vậy mà rất nhiều điều đã vô cùng khác.

Kể từ năm nay, ngày 29 Tết Dì không còn gọi điện thoại cho từng đứa cháu, nói "Giao thừa đến nhà Cô cúng ông bà, nghe!" Căn nhà này sẽ không còn là nơi mà mấy chục người trong ba thế hệ bên ngoại gặp gỡ nhau. Vì Chú đã qua đời, còn Dì thì liệt nửa người sau cơn tai biến mạch máu não.

Lần đó tôi vào bệnh viện thăm lúc Dì mới hồi tỉnh. Khi ra về, tôi nắm tay Dì và nói to "Cháu đi về nha. Cô bye cháu đi." Dì bập bẹ "Bye" rồi vẫy vẫy tay. Và, tôi bùi ngùi thấy rằng bệnh tật đã làm Dì thay đổi, nhưng vẫn không cướp được hai bàn tay đẹp của Dì. Chúng vẫn đẹp, như xưa. Nhưng vẻ đẹp ấy như đang dùng sự tương phản để đánh thức tôi, nhắc tôi là đời người ngắn ngủi, là đã đến lúc tôi phải đối diện với lẽ tử sinh.

*
Ở trung tâm thành phố (downtown) San Jose có một cửa tiệm nằm trong một căn phố nhỏ. Từ xa lộ 280 ra hầu như lần nào tôi cũng phải ngừng lại ở đèn đỏ góc đường Mười Một trước khi quẹo trái vào Santa Clara, con đường chính của downtown. Ở chỗ ngừng xe, nhìn xéo qua tay phải là tấm bảng có những ba dòng chữ đỏ bằng tiếng Anh, Hoa, và Việt. Dòng tiếng Việt đề "Vịt Quay Tôn Thọ Tường" nên tôi đoán chủ tiệm là người Việt gốc Hoa. Vẻ hơi tồi tàn, xập xệ của tiệm với cái tên Tôn Thọ Tường gợi nhớ những hàng quán ở Sài Gòn, Chợ Lớn ngày xưa. Tiệm này đã ở đó trên dưới ba mươi năm.

Trong thời gian cộng đồng Việt ngày càng ăn nên làm ra. Khu thương mại Lion được mở ra trên đường Tully. Tiếp theo là khu Grand Century sang đẹp cùng khu Vietnam Town lộng lẫy trên đường Story. Nhiều tiệm Việt Nam đã dời về phía Đông San Jose, và khu downtown không còn là nơi tụ họp chính của các dịch vụ cho người Việt. Trong suốt thời gian đó, tiệm vịt quay vẫn nằm ở góc đường. Cũ kỹ, cô đơn, nhưng kiên trì, tiệm đứng đó như một "chứng nhân" cho thời mở đầu của cộng đồng Việt tại San Jose.

Cho nên, cuối năm 2013, khi ngừng xe ở đường Mười Một, tôi hơi sững sờ khi thấy tiệm treo bảng đóng cửa. Tôi thấy nhớ cửa tiệm như tiếc một thời đã qua.

Nhưng rồi tôi lại "tự cười" và tự nhắc rằng nền tảng của sức mạnh Mỹ quốc là sự hiệu quả. Chủ tiệm vịt quay có lẽ cũng đã đến tuổi về hưu, và một tiệm mới đang trên đà đi lên sẽ làm ăn hữu hiệu hơn ở góc đường này. Bây giờ là 2015. Trong thời đại khi iPhone 6 vừa ra đời đã có người mơ mộng tới iPhone 7, khi mỗi phút có ba triệu người lướt mạng thì lòng hoài cổ của tôi không thể chen chân ở ngay Thung Lũng Điện Tử, cái nôi của máy vi tính và điện thoại di động, đất nhà của Google, Yahoo, Facebook, và mấy ngàn hãng xưởng lớn nhỏ khác.

"Sóng sau dồn sóng trước", không nơi đâu mà câu thành ngữ đó đúng hơn là ở vùng này. Mọi thứ đều tuân theo quy luật sóng, kể cả con người.

*
Tôi quen cô Hòa trong một lần ghé văn phòng Bác Sĩ. Hôm đó chúng tôi phải chờ khá lâu. Cô mệt mỏi dựa lưng vào tường, nhắm mắt lại, hai tay chắp trên bụng. Những móng tay của Cô sơn màu hồng cánh sen có ánh tím trang nhã. Khi Cô mở mắt nhìn tôi mỉm cười, tôi bắt chuyện và khen màu sơn móng tay của Cô. Cô trở nên linh hoạt hẳn lên "Màu sơn này do người   đệ tử   làm nail ở Hollywood gởi tặng cho cô đó. Mua ở tiệm thường không có đâu nghe! Cô làm Nail mấy chục năm mà,   đệ tử   của Cô bây giờ ở khắp nơi..."

Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại nói chuyện điện thoại và tôi được nghe cô Hoà kể nhiều chuyện về buổi đầu tị nạn.

"Cô qua Mỹ với Ba Má chồng và đứa con, thằng Tâm, mới hơn một tuổi. Năm 1975, Cô mới lấy chồng được chưa đầy ba năm, ở chung với ông bà nội thằng Tâm. Bữa đó, đang ở nhà thì chồng Cô về, kêu gom góp đồ đạc vô vali rồi chở lên phi trường Tân Sơn Nhất. Ổng biểu cả nhà ngồi chờ để ổng đi đón thêm vài anh em rồi trở lại liền. Cô chờ mỏi chờ mòn, hơn hai ngày ổng không trở lại. Ngày thứ ba, phi trường bị pháo kích, người ở chung quanh nói chuyến bay bữa đó là chuyến cuối cùng. Cô thì "bên dắt Mẹ già, bên nách con thơ", muốn ra cũng không được, ở lại thì sợ bom đạn, nên đành lên máy bay mà nước mắt chứa chan. Em tưởng tượng được không, Cô mới hai mươi hai tuổi đầu, tiếng Anh tiếng U không biết. Từ trong trại tị nạn ở California, Cô nhờ người ta kiếm ổng ở tất cả bốn trại tị nạn trên nước Mỹ. Văn phòng trại đọc loa kêu tên ổng mỗi ngày mà ổng vẫn bặt tăm. Cô khóc sưng mắt nhưng rồi nghĩ mình phải cố gắng lên vì bây giờ mình là người đứng lo cho gia đình. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cũng không biết phải làm sao. Cô không biết đường lối gì hết, không quen biết ai nên ở trại tị nạn lâu nhất. Mà Cô cũng muốn ở lâu, trong đầu cứ nghĩ là một ngày kia chồng mình sẽ xuất hiện trong trại, với lại cứ sợ là đi định cư rồi thì ổng biết đường đâu mà kiếm."

Thấy tôi chăm chú nghe và hỏi thăm chuyện tị nạn, Cô Hoà hào hứng kể chuyện cũ.

"Từ trại ở đảo Guam, gia đình Cô qua Camp Pendleton ở San Diego, rồi lên trại Hope Village ở Sacramento.  Mùa hè năm 1975, trại này có tổ chức buổi lễ chào đón năm trăm gia đình Việt Nam đầu tiên đến định cư tại California.  Buổi lễ đặc biệt này bắt đầu bằng một lễ chào cờ. Đây là lần đầu tiên Cô thấy lại lá cờ vàng của mình trên đất Mỹ. Khi lá cờ được kéo lên, nhiều ông mặc đồ dân sự mà đứng nghiêm dơ tay chào theo kiểu nhà binh. Sau đó Cô mới biết họ đều là tướng, tá của Việt Nam Cộng Hoà, có cả ông tướng Nguyễn Cao Kỳ nữa. Nhìn họ chào cờ Cô khóc như mưa vì nhớ ông chồng sĩ quan. Nhưng đâu phải mình Cô. Cả ngàn người tị nạn, nhiều người có đầy đủ gia đình bên nhau, vậy mà ai cũng khóc!"

Thình lình cô Hoà hỏi "Em biết cô tài tử Kiều Chinh không?"

Rồi không chờ tôi trả lời, Cô kể tiếp "Sau lễ chào cờ, ngoài mấy người Mỹ, cô Kiều Chinh được mời đọc diễn văn. Nhờ cổ nói thêm bằng tiếng Việt mà Cô hiểu là trại này có một bà tài tử lớn của Hollywood tên là Tippi Hedren làm trong ban quản trị. Trời, bà ta đẹp như thiên thần, tóc vàng óng, dáng người thon thả, sang trọng. Mọi người ai cũng thích bả, có nhiều chị cứ trầm trồ ngưỡng mộ hai bàn tay với móng dài, sơn màu san hô tuyệt đẹp của bả. Có lẽ nhờ bả mà nhiều nam, nữ tài tử từ Hollywood cũng tới thăm, giúp đỡ trại. Riêng cô Kiều Chinh, bạn thân của bà Tippi, thì sau khi đọc diễn văn còn tình nguyện ở lại trại cả tuần lễ để phụ giúp đồng bào. Hàng ngày cô Kiều Chinh cùng bà Tippi đi thăm mọi người. Hồi đó người mình chưa nói tiếng Anh giỏi, nhờ có cô Kiều Chinh mà đôi bên mới hiểu nhau. Theo cô Kiều Chinh nói, Bà Tippi để ý cách các cô, các chị làm tóc, chăm sóc con cái, và bả kết luận là đàn bà Việt rất khéo tay. Từ đó, bả nảy ra ý định dạy cho người Việt Nam làm nail vì bả tin rằng nghề này rất thích hợp mà lại kiếm khá. Vậy là bả đem bà Dusty, người làm nail cho bả, vào trại dạy những điều căn bản cho hai mươi người Việt. Sau đó, họ đi xe của trại tới trường để học những kỹ thuật mới nhất như làm móng tay giả bằng lụa. Cô có tới lớp coi họ  làm. Mèn ơi, nhìn đố ai biết là móng giả! Nhưng mà hồi đó Cô còn lo đi kiếm ông chồng nên không có tâm trí ghi tên học..."

Cô Hòa còn kể cho tôi nhiều chuyện về những đội ngũ "hạt giống" thợ nail Việt Nam xuất phát từ Hope Village đã được sự giúp đỡ của bà Tippi để đi thi lấy bằng ở Sacaramento. Hai mươi người đầu tiên đã chỉ đường cho bạn bè khác và Cô đã vào nghề khoảng giữa năm 1976. Nghề nail đã giúp Cô trang trải cho gia đình và còn đem lại cho Cô sự tự tin "Em biết không, giá làm móng tay thời 1976 là sáu chục đồng một bộ. Mà lúc đó lương tối thiểu là hai đồng rưỡi một giờ! Em nghĩ coi, không có nhiều người Việt vô nghề, làm cách nào mà giá xuống thành vừa phải để cho những người bình thường cũng có thể làm nail? Bởi vậy, thợ Việt đúng là giúp làm đẹp cho đời đó em à!" Cô vừa nói vừa cười.

Rồi Cô kể về thời gian Cô đi làm nail từ sáng tới tối, ông bố chồng đi phụ bếp, cậu con trai ở nhà với bà nội. Rồi chuyện nghe tin chồng Cô bị kẹt lại, đi tù trong trại tập trung ở Việt Nam "Nghe tin ổng bị tù mà vừa khóc vừa mừng. Ít gì ổng cũng còn sống, còn hy vọng có ngày gặp lai." Gia đình Cô đoàn tụ giữa thập niên 80 khi chồng Cô ra khỏi tù và vượt biển thành công.

Bây giờ thì cậu bé Tâm một tuổi ngày mới tới đã là một kỹ sư điện toán, thêm người em sinh tại Mỹ sau này hiện làm cô giáo dạy Anh Văn ở trường trung học. Cả hai đã có gia đình riêng. Bố mẹ chồng và cả ông chồng đã qua đời. Còn một mình, cô Hòa sống trong nhà riêng khang trang nhưng không được khỏe. Cô bảo là mấy chục năm ngồi khom lưng và dùng tay quá nhiều đã làm cho Cô bị đau lưng và đau khớp thường xuyên. Các khớp ngón tay của Cô sưng lên, nhưng Cô vẫn giữ thói quen sơn móng, chỉ khác là bây giờ Cô phải ra tiệm.

Cô Hòa làm tôi nhớ đến Chú, Dì tôi. Ở trong hãng kỹ thuật phức tạp hay ngành nail tưởng như đơn giản nhưng không kém phần vất vả, họ đều là những hạt giống đầu tiên trong hai nghề chính đã chống đỡ và nuôi lớn cộng đồng Việt Nam tại Mỹ.

Người thợ nail hai mươi hai tuổi ngày xưa giờ đã sáu mươi hai. Đôi tay cô không còn đủ sức tự chăm sóc, phải trông cậy vào thế hệ tiếp nối. Nhưng cô vẫn có vẻ mãn nguyện vì đôi tay đó đã kiếm sống cho cả ba thế hệ, đã làm đẹp cho đời, đã cống hiến hết khả năng.

*
Có lần sau khi đọc một bài viết về Hội Chứng Rối Loạn Sau Ác Biến (Post-traumatic Stress Disorder) của những quân nhân sau khi tham chiến, tôi tự nhủ là mình nên cám ơn trời. Những cực khổ tôi trải qua ở Việt Nam chắc vẫn còn rất nhẹ so với nhiều người khác, không phải là traumatic experience.  Ký ức ấy, sau chuyến vượt biển may mắn, có lẽ đã được xoa dịu bằng sự đùm bọc của bao người thân thiết. Nhờ vậy, tôi cảm thấy là tinh thần tôi khỏe mạnh, không có triệu chứng khác thường nào cả.

Mãi tới gần đây, tôi mới nhận thấy là có lẽ sự kiện trốn khỏi Việt Nam rồi sang định cư ở Hoa Kỳ đã làm ý niệm về thời gian của tôi hơi bị lệch lạc. Ba mươi năm sống ở Mỹ mà tôi cứ cảm thấy là rất ngắn. Nhiều kỷ niệm và hình ảnh cứ đứng nguyên như lúc tôi mới bắt đầu thu góp những ý niệm về cuộc đời, về người lớn ở chung quanh. Những nhà thơ, nhà văn. Những nhạc sĩ, ca sĩ. Những thầy, cô giáo. Những danh tướng một thời. Và những người thân. Trong đầu tôi, thời gian qua chưa bao lâu, những người ấy vẫn mạnh khỏe, vẫn là một phần của cuộc sống hàng ngày, là hình ảnh của xã hội chung quanh, như trong những thập niên bảy mươi, tám mươi.

Cho tới vài năm gần đây, tôi phải đối diện với sự ra đi và đau yếu của họ. Mỗi khi nghe tin, tôi cảm thấy bâng khuâng, trống trải. Như thể tấm khăn ấm áp, thân thiết bao năm che chở quanh vai tôi đang bị rút bớt, từng sợi, không ngừng. Rồi tôi nhận ra rằng ba mươi năm không ngắn như một giấc mơ. Đã tới lúc tôi nhìn lại và thấy đó là quãng thời gian dài, dài lắm.

*
Tôi đến Mỹ năm 1984. Khi mới đến chưa biết đường lối, lỡ dịp ghi tên khóa mùa Xuân ở trường đại học, nên phải học tiếng Anh gần chín tháng tại trường dạy người lớn (Adult Education Center). Thời đó, số người vượt biển đã giảm bớt so với những năm đỉnh 80, 81 nhưng vẫn còn rất nhiều. Hầu như tuần nào cũng có chuyến bay chở người từ các trại tị nạn Bataan và Galang đến định cư ở Mỹ. Cho nên, vào trường tôi gặp lại rất nhiều người quen ở đảo. Mới tới Mỹ gần một tháng mà ai cũng trắng trẻo và tươm tất hơn nhiều so với thời ở trại. Gặp nhau tít tít hỏi han, trao đổi tin tức về chỗ nào thuê nhà tốt, chỗ nào đang mướn người, cách xin trợ cấp xã hội, ngày giờ ghi danh ở trường đại học... Giờ ăn trưa giở hộp cơm, miếng bánh mì ra mời nhau, ăn xong ra vòi uống nước, chỉ có vài cậu thanh niên trẻ xài sang mới bỏ mười lăm xu vô mua lon nước ngọt trong máy của trường. Mừng rỡ, chia sẻ vậy nhưng người tị nạn mới sang thuộc đủ mọi lứa tuổi, mọi cảnh đời. Người phải đi làm nuôi gia đình, người thích kiếm tiền sớm, người chuyển đi vùng khác, người tiếp tục học lên... Vì thế, chẳng bao lâu là mỗi người mỗi ngả.

Mùa Thu năm đó, hai chị em tôi vào học ở trường College ở thành phố Fremont gần nhà. Ngôi trường nằm trên đồi, biệt lập, và thơ mộng dịu dàng. Lớp học nằm trong những tòa nhà trắng viền gỗ nâu đậm nhìn xuống những bãi cỏ thoai thoải và nhiều hàng cây cao vút. Thời đó người Việt tụ tập nhiều ở phía Đông thành phố, gần downtown San Jose. Vì thế, hai trường Evergreen College và San Jose City College ở vùng đó thu hút đông học sinh Việt nhất. Ngoài hai nơi này, những trường khác ở hạt Santa Clara cũng được nhiều người Việt chọn học. Hạt Santa Clara giàu có nhờ thu được nhiều thuế từ các hãng điện tử, do đó họ có thêm chương trình giúp đỡ sinh viên nghèo, và quỹ cho sinh viên vừa làm vừa học (Work Study) cũng rộng rãi. Ngôi trường tôi học thuộc quận Alameda, không được trù phú bằng Santa Clara nên chỉ có các phúc lợi của liên bang và tiểu bang. Đó là sau khi đã vào trường nghe các bạn học nói vậy chứ thật ra tôi không để ý. Đối với tôi ngày đó, được đi học đã là một hạnh phúc to lớn, được hưởng tiền trong khi xây đắp cho chính tương lai của mình thì là một điều kỳ diệu. Thời đó học sinh tị nạn gồm đủ mọi lứa tuổi và đặc biệt là có rất nhiều anh chị em cùng sang một lúc và cùng đi học với nhau. Năm đó, ngoài "cặp bài trùng" là chị em tôi còn có mấy nhóm ba, bốn anh chị em cùng học một lớp.

Lúc mới sang, tôi nghe nói thời đó sinh viên gốc Việt trong trường đại học chia làm hai nhóm: nhóm di tản năm 1975, đã học trung học ở Mỹ và nhóm mới sang. Nghe thì có vẻ "chia rẽ" nhưng khi vào trường tôi thấy đó chỉ là điều tự nhiên. Những sinh viên lên từ các trường trung học thường rất giỏi tiếng Anh, thường ăn mặc rất thời thượng, theo phong cách của thần tượng âm nhạc thời 80 là Madona và Micheal Jackson. Những chiếc mũ đội lệch, những lớp áo thun và váy ren xòe kết hợp khéo léo, quần jean mặc xệ, chuỗi hột đeo cổ, thánh giá lủng lẳng trên tai, giày cao cổ sành điệu, găng tay đen hở ngón... Cách ăn mặc rất-Mỹ của họ là một điều khác biệt rất dễ thấy và thú vị đối với tôi. Trong lớp họ thoải mái đặt câu hỏi và có khi còn đùa giỡn với thầy. Giờ nghỉ họ đi với nhau, nói tiếng Anh ríu rít rồi cười vang. Họ vui nhộn, rộn ràng. Rất khác với đám sinh viên tị nạn như chị em tôi.

Đám sinh viên thứ hai này ăn mặc đơn giản, thường ngồi im trong lớp. Ngoài giờ học, họ nói chuyện với nhau khẽ khàng, bằng tiếng Việt. Sự khiêm tốn gần như rụt rè đó lẽ ra sẽ làm họ chìm lỉm, nhưng sự thật thì không phải vậy. Người học sinh nổi tiếng, suốt hai năm đứng nhất trên "bảng vàng" với số điểm trung bình cao nhất trường là một trong ba anh em mới sang, đi học chung với nhau. Trong lớp, các sinh viên tị nạn hay đạt điểm tuyệt đối trong các bài thi. Tại Math Lab (Phòng Kèm Toán), những sinh viên tị nạn gốc Việt trong chương trình Work Study thường nổi tiếng là giảng bài dễ hiểu và "giải Toán như làm ảo thuật". Trong số đó, một vài người đã có trình độ cao từ Việt Nam, nhưng hầu hết thành tích của họ đến từ sự chăm chỉ và lòng quyết tâm.

Thời đó, ngoài giờ học, có một nơi tôi đến thường xuyên là tiệm Vinatrade, chuyên gởi đồ về Việt Nam. Lúc ấy việc chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam bị cấm tuyệt đối và những thùng quà này là để người thân đem ra chợ trời bán lấy tiền sinh sống. Mỗi cuối tuần tiệm này đông lắm. Những khách hàng ăn mặc sơ sài, nhiều người da còn chưa nhả hết sắc đen của nắng đảo tị nạn, hăng hái mua vải, dép nhựa, dầu gió xanh, viết Bic... rồi đóng thùng. Mọi người vừa mua sắm vừa chỉ vẽ cho nhau những mặt hàng đang có giá ở Việt Nam. Ở nơi đây tôi đã gặp nhiều bạn học, nhưng tất cả đều là người mới sang Mỹ. Và tôi đã khám phá ra sự khác nhau căn bản nhưng rất khó thấy giữa những sinh viên di tản và sinh viên vượt biên. Không phải là bề ngoài hay cách ăn nói, mà là sự vô tư của những người đến đã lâu bên cạnh sự đau đáu của người mới tới.

Người sang năm 1975 thường có gia đình đầy đủ, họ chỉ cần lo cho tương lai, việc giúp đỡ người thân còn ở lại là chuyện của cha mẹ, của người lớn trong nhà. Ngược lại, đa số sinh viên vượt biên là những thanh niên đến Mỹ một mình. Trách nhiệm, nỗi nhớ thương và lòng biết ơn gia đình đã làm cho họ chỉ chuyên chú vào hai việc: học giỏi để tiến thân và giúp gia đình còn ở lại. Họ im lặng học, cắm cúi học. Sau giờ học thì cần cù làm, chắt chiu gom góp gởi về Việt Nam.

Dù sao thì tuổi trẻ cũng hội nhập nhanh chóng và rất dễ gần nhau. Sau khi tôi từ giã ngôi trường College êm đềm, lên học ở Berkeley rồi ra đi làm, tôi không còn cảm thấy sự khác biệt giữa những người đến Mỹ vào những thời điểm khác nhau nữa. Lý do chính là khi đi làm, tiền bạc không còn là mối ưu tư, và, hơn nữa, gia đình cũng dần dần đoàn tụ.

*
Đã bốn mươi năm.

Thế hệ thứ ba của chúng tôi bây giờ đang vun xới cho thế hệ thứ tư. Cách đây không lâu, tôi dắt các con đi thăm đại học Berkeley.

Tới lúc đó tôi mới được nghe hướng dẫn viên kể về lịch sử của nhiều tòa nhà, và mới thấy rõ rằng ngày xưa tôi chỉ quanh quẩn ở một góc nhỏ trong trường. Ngày đó, Berkeley của tôi, cô sinh viên mới từ đảo tị nạn qua được hai năm, chỉ là những tòa nhà dạy các lớp kỹ thuật, thư viện, computer lab, và phòng thí nghiệm. Nhưng tôi vẫn không cảm thấy mất mát gì. Những tòa nhà cũ vẫn còn đây cho tôi thăm, dù đã hơn hai mươi năm. Và còn mọc lên những tòa nhà mới tinh, hừng hực kỹ thuật tân kỳ... Tất cả đều chào đón tôi trở lại và mở rộng cho bước chân những thế hệ sau khám phá và học hỏi.
Tuổi trẻ bao giờ cũng đẹp. Ước mơ tương lai lúc nào cũng cao. Bởi vì chúng vươn lên từ trên vai của thế hệ cha ông.

Bốn mươi năm qua, hai thế hệ đầu tiên của người Việt tị nạn đã hoàn thành nhiệm vụ đặt những viên gạch làm nền cho gia đình và cộng đồng. Và tôi lại phải tự nhắc - bốn mươi năm là thời gian dài lắm. Như những cây lúa đã dâng hết gạo cho đời, thế hệ trước tôi đã tới lúc đi vào giai đoạn cuối của hành trình.

Chúng tôi đã trở thành "tuyến đầu". Ở trong vị trí này, tôi mới thấm thía hành trình của những người đầu tiên chèo chống con thuyền Việt Nam tị nạn. Họ đã bên dắt cha mẹ, bên nách con thơ đến quê hương mới. Họ đã khai đường mở lối cho hôm nay, cho ngày mai. Họ đã cống hiến tất cả tuổi trẻ và sức lực bằng đầu óc, chân tay.

Sự ra đi của họ, đối với tôi, là kết thúc của cả một thời đại. Thời đại của mấy mươi năm chiến tranh đằng đẵng, của hai lần lìa bỏ quê hương, hai lần làm lại từ đầu. Thời đại của những người đóng và gởi những thùng đồ cứu đói đầu tiên về Việt Nam, những người đã đắp đập be bờ giữ  gìn nguồn cội Việt Nam cho tương lai gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới.

"Bầy trẻ thơ" chúng tôi đã lớn trong sự cưu mang và hy sinh của họ. Tôi, và con cháu tôi, mang ơn họ.

Đời sống ở quê hương mới êm đềm và đầy đủ. Nhưng trong tôi vẫn thường xuyên dậy lên nỗi "ruột đau chín chiều"(4) khi nghĩ về quê cũ. Nhất là khi người thân yêu đã già. Nhìn họ và nghĩ đến lúc phải chia tay, tôi bâng khuâng như mất đi thêm một phần của quê hương

"Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi
có chút gì nghe rất thốn đau" (5)

Khôi An

(1) Nhạc: Hai Mươi Năm của nhạc sĩ Phan Văn Hưng
(2) Thơ: Cách Xa của thi sĩ Huy Cận
(3) Thơ: Nắng Mới của thi sĩ Lưu Trọng Lư
(4) Ca dao: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"
(5) Thơ: Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi của thi sĩ Du Tử Lê

Friday, March 20, 2015

CHUYỆN 2 NGƯỜI QUÉT RÁC


“Thay vì xả rác xuống đường hoặc nơi công cộng
thì nên xả bớt rác trong tâm hồn mình.”

                Vào sáng Chủ  Nhật, có thể là do ngày nghỉ rảnh rỗi, một người đàn ông trung niên lúi húi quét dọn trước cửa nhà. Ông cầm chiếc chổi và đồ hốt rác quét sạch vỉa hè rồi quét dọc theo lề đường, cẩn thận gom tất cả đám cát, bao ny-lông, mẩu thuốc lá, ly giấy, lá khô và đủ thứ rác rưởi của xã hội văn minh vào thùng, đậy nắp cận thận, đặt ngay ngắn xuống lòng đường, để ngày mai xe rác của thành phố lấy đi. Hình như ông là người duy nhất ở khu phố này cầm chổi quét lòng đường và vỉa hè. Thói thường đều cho rằng chuyện đường phố sạch dơ để thành phố lo. Hơi đâu “bao đồng” chuyện nhà nước? Thế nhưng cứ mỗi lần qua khu Japan Town, ông lại cảm phục người Nhật về tinh thần tự trọng và yêu mến thành phố của họ. Lúc nào ông cũng thấy những ông, bà Nhật lúi húi quét dọn vỉa hè và lòng đường. Chính vì thế mà cả khu Japan Town lúc nào cũng sạch trơn. Chỉ cần bước qua ranh giới của Japan Town là một hình ảnh thật tương phản. Sự sạch sẽ, khang trang chỉ cách nhau một sợi chỉ. Có lần ông dừng xe lại hỏi thăm thì được các ông bà Nhật nói:           “Chúng tôi quan niệm rằng đường phố thuộc về người dân, không hoàn toàn thuộc về chính phủ. Do đó giữ gìn đường phố sạch sẽ cũng là trách nhiệm của người dân. Đồng ý là chúng tôi có đóng thuế để thành phố lo chuyện vệ sinh nhưng giờ đây thành phố có quá nhiều việc phải lo hoặc lo không xuể. Chúng tôi không ngồi đó than trời trách đất. Nếu muốn sở rác phục vụ tốt hơn thì chúng tôi lại phải đóng thêm thuế. Thôi thì chúng tôi chia xẻ trách nhiệm với nhà nước mà cũng là để giữ gìn đường phố của chính mình. Chẳng mất mát gì cả. Tới một thành phố khang trang sạch sẽ người ta cảm phục cả đất nước lẫn con người ở đó. Chúng tôi yêu khu phố của chúng tôi và cũng muốn khách vãng lai yêu mến nó.”
                          alt
          Chính vì cảm phục người Nhật mà tuần nào ông cũng làm công việc này mà chẳng than phiền chi cả. Khi nhận thấy vỉa hè và lòng đường đã khá sạch, ông toan thu dọn để bước vào nhà thì một thanh niên từ xa bước tới, miệng phì phèo điếu thuốc. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc và đi đứng người ta có thể nhận ra đây là một chàng thanh niên ngang tàng. Khi tới chỗ ông đang đứng, người thanh niên rít hơi cuối cùng rồi coi như không có ai, thản nhiên quăng mẩu thuốc lá xuống đường. Nhìn mẩu thuốc là nằm tênh hênh trên mặt vỉa hè sạch trơn, dường như nó có vẻ “phá hoại” và trêu ngươi, cho nên người đàn ông tức giận, lớn tiếng gọi người thanh niên:
               - Này, yêu cầu quay lại nhặt tàn thuốc lá lên nghe!
            Người thanh niên đã đi cách xa ông khoảng năm, sáu bước, nghe gọi thế quay đầu lại nhìn với vẻ hết sức ngạc nhiên. Anh ta ngạc nhiên vì có thể cả trăm lần quăng mẩu thuốc lá như thế này mà chẳng ai phản ứng gì, nay có một “gã điên” làm chuyện không giống ai. Anh ta quay lại, sẵng giọng hỏi:
          -Ông nói gì?
          - Yêu cầu cậu nhặt mẩu thuốc lá lên!

      Mặt chàng thanh niên đỏ gay:
          - Bộ đường phố này của ông hả?

      Người đàn ông trả lời ngay:
          - Không phải của tôi nhưng tôi tôi quét dọn sạch sẽ. Người tự trọng không bao giờ xả rác bừa bãi.  Cậu hiểu điều đó không? Tôi yêu cầu cậu nhặt lên!

     Tự ái bị tổn thương, người thanh niên không cần phân biệt đúng-sai, nói như gây sự:
          - Không nhặt thì sao?

            Sự lớn tiếng qua lại giữa hai bên làm người trong nhà chạy ra, người qua lại trên hè phố tò mò đứng lại. Cuối cùng tất cả đều thấy đây không phải chuyện đại sự cho nên xúm vào can gián. Cuối cùng người thanh niên hậm hực bỏ đi còn người đàn ông đứng phân bua một hồi rồi bực bội bước vào nhà.

***
            Ba ngày sau, tại một khu phố khác cách đó khoảng năm, sáu con đường người ta thấy một vị sư đang quét rác tại cổng một ngôi chùa. Hôm nay là Thứ Hai chùa vắng, Phật tử đi làm hết, sau hai ngày cuối tuần bận rộn với sinh hoạt và lễ lạc, rác đã thấy lai rai trên sân. Ngoài ra, còn lá trên cây rụng xuống cho nên thầy trụ trì ra công quét dọn, vừa vận động vừa làm sạch trong ngoài. Đối với người xuất gia, quét rác cũng là “công phu”. Sau khi cổng chùa đã sạch sẽ, sư toan đẩy thùng rác trở vào thì một chàng thanh niên tà tà bước tới. Đây chính là anh chàng đã gây sự với người đàn ông quét rác ba ngày trước. Khi đi tới cổng chùa, có thể do vô tình, do quán tính, cố tật, hoặc đãng trí, sau khi mở bao thuốc lá, chàng ta rút ra một điếu, châm lửa. Thấy bao thuốc đã hết, chàng ta quăng cả chiếc bao trống không dưới chân bức tường cạnh cổng chùa rồi thản nhiên bước đi. Thế nhưng khi bước đi khoảng năm, sáu thước, có thể do nhớ lại cuộc “đụng độ” với người đàn ông trước đây, chàng ta quay đầu lại xem sự thể như thế nào. Trái với phỏng đoán của mình, vị sư bình thản bước tới chân bức tường, cúi xuống nhặt bao thuốc lá lên, quay lại thùng rác, mở một bao rác nhỏ, bỏ bao thuốc lá trống vào bên trong, cột trở lại, bỏ vào thùng rác rồi lặng lẽ đẩy thùng rác vào bên trong sân chùa, không hề quay nhìn chàng thanh niên …đang ngạc nhiên đứng đó.
***
            Ngày hôm sau, chàng thanh niên tới thăm vị sư. Sau khi giới thiệu mình chính là người xả rác trước cổng chùa. Chàng ta kể lại chuyện “đụng độ” với người đàn ông rồi hỏi:          - Thưa thầy, tại sao cùng một chuyện mà thầy lại có lối cư xử nhẹ nhàng hơn người đàn ông kia?
     Sư hiền từ đáp:
          - Người đàn ông đó là một công dân tốt. Một công dân tốt do làm tròn bổn phận của mình cho nên thường thẳng thắn nói lên cái sai của người khác để cùng nhau sửa chữa trong tinh thần ôn hòa. Tuy nhiên cách hành xử giữa một người thường và một người xuất gia có khác nhau. Người xuất gia không nói về cái lỗi của kẻ khác mà kham nhẫn để kẻ phạm lỗi giác ngộ mà tu sửa. Hai lối hành xử đó không cái nào hơn cái nào, “vạn pháp đều bình đẳng”, chỉ tùy duyên ứng xử mà thôi. Một căn nhà, một ngôi chùa, một khu phố hoặc nơi làm việc cần phải sạch sẽ. Sự sạch sẽ làm trang nghiêm cuộc sống và thế giới. Ngay đầu óc chúng ta cũng cần sạch sẽ. Muốn sạch sẽ thì phải quét rác. Một chiếc máy điện tử muốn tốt cũng phải “đổ rác”. Đầu óc con người muốn thanh tịnh, sạch sẽ cũng phải “đổ rác”- đổ bớt rác rưởi của tâm hồn. Những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận, đố kỵ, tị hiềm, những tư tưởng loại trừ, kỳ thị, ghét bỏ đều là rác rưởi của tâm hồn. “Quét rác” và “đổ rác” là việc làm thường xuyên của người nào muốn tâm hồn thanh tịnh. Từ thanh tịnh mà có thanh thản. Vì thanh thản cho nên không động tâm. Vì tâm không động cho nên ít gây đổ vỡ.


            ***
            Ba ngày sau, chàng thanh niên tìm tới nhà người đàn ông, nói lời xin lỗi. Chàng học được một bài học nơi sư, Thay vì xả rác xuống đường hoặc nơi công cộng thì nên xả bớt rác trong tâm hồn mình.”

Monday, March 16, 2015

Người sống lâu bị nhục nhiều ?


image
Người sống lâu bị nhục nhiều. Ông cha tôi – các ông Việt ngày xưa – hay dùng thành ngữ “Ða thọ đa nhục.”
 
Note: Tất cả những hình trong bài này là hình minh họa
 
Tôi không cho là người già bị nhục. Tôi thấy người ta càng nhiều tuổi càng khổ. Khổ vì không còn hưởng thụ gì được sự đời mà phải chịu những bệnh tật do già yêú sinh ra: Người già không tự lo được cho thân mình, mắt mờ, tai điếc, trí nhớ mất, sống nhờ người khác. Người già vua chúa hay cùng đinh, tỷ phú hay anh nghèo rớt một xu dính túi không có, kẻ quyền uy chấn động thế giới một thời hiển hách hay anh phó thường dân cả đời cơm nhà, quà vợ, khi tuổi già đến đều có những nỗi khổ như nhau.

image
Người ta qua 60 tuổi được kể là già. Ở Việt Nam những năm 1940-1950 người 50 tuổi được gọi là cụ. Khổng Tử chỉ nói về Người đến tuổi 70: “Thất thập nhi tùy tâm sở dục.”  Tôi nghĩ ông muốn nói : “Người bẩy mươi tuổi muốn làm gì thì làm.” Nhưng người bẩy mươi tuổi còn làm gì được nữa. Người bẩy mươi cả Bốn Tứ Khoái đều không hưởng được, không làm được.

Năm nay – 2013 – tôi tám mươi tuổi. Một ngày đầu Xuân Kỳ Hoa Ðất Trích 2013, tôi viết bài này. 

Năm 2000, khi chia tay nhau lúc nửa đêm ở trước một Nhà Dành cho Người Già Thu Nhập Thấp – Housing for Old Seniors Low Income – ở San Jose, ông bạn già của tôi nói:
“Ðọc những bài viết của toa để nhớ, để thương Sài Gòn của chúng ta.”
Ông cầm tay tôi:
“Viết. Viết nữa. Viết đến năm toa tám mươi. Viết cho bọn moa đọc.”
Ðêm mùa đông San Jose lạnh giá bao quanh chúng tôi khi chúng tôi từ biệt nhau, chúng tôi bắt tay nhau lần cuối.


image
Năm 2000 tôi 68 tuổi. Ông bạn HO già hơn tôi năm, sáu tuổi, tôi không biết hôm nay ông còn ở cõi đời này hay không. Thời gian và không gian làm chúng tôi không biết nhau sống chết ra sao. Tám mươi tuổi tôi vẫn viết. Tôi không còn viết phóng tác truyện dài. Tôi viết những bài như bài này.

Thời gian Sống, Yêu và Viết của tôi không còn bao lâu nữa, nên với nỗi Buồn vì phải xa mãi những người tôi yêu thương, hôm nay tôi viết những dòng chữ này.

o O o

Tôi bị ám ảnh bởi cái Chết, tôi ghét Chết, tôi sợ Chết, tôi không muốn Chết. Không phải bây giờ trong tuổi già, tuổi gần đất, xa trời, tôi mới sợ Chết, tôi sợ Chết từ những năm tôi năm, sáu tuổi, khi tôi bắt đầu biết suy nghĩ.

image
Nhà tôi ở cuối thị xã Hà Ðông, nhà có lầu, tiếng Bắc là nhà gác, nhà hai tầng. Trên gác nhìn ra tôi thấy cánh đồng với những nấm mồ rải rác trong những ô ruộng, ở gác sau nhìn ra tôi thấy Nhà Thương Hà Ðông và bãi tha ma ở cuối Nhà Thương. Những đêm mưa tôi thấy những chấm lửa lập lòe trong bãi tha ma. Về sau tôi biết đó là những ánh đèn của những người đi soi bắt ếch. Những năm xưa ấy tôi tưởng đó là những đốm lửa ma trơi.

Năm tôi năm, sáu tuổi, mẹ tôi 27, 28 tuổi. Tôi sợ mẹ tôi chết, người ta đem mẹ tôi ra chôn ở ngoài đồng. Mẹ tôi phải nằm một mình giữa cánh đồng vắng, lạnh, cô đơn, nơi mẹ tôi nằm ngập nước, đêm đông, mưa phùn, gió bấc, mẹ tôi khổ biết chừng nào.  Ðó là nguyên nhân thứ nhất làm tôi ghét Chết, tôi sợ Chết.

Mời bạn đọc một chuyện Sống, Yêu và Chết tôi thấy trên Internet.

image
Trong phiên xử ở Tòa Án Phoenix, Arizona, bị cáo là Ông George Sanders, 86 tuổi, bị xử vì tội giết vợ. Tất cả mọi người có mặt tại toà, từ công tố viên đến chánh án, kể cả con cháu của kẻ bị cáo, đều thấy bị cáo phạm tội giết người, nhưng tất cả đều cho rằng đây là trường hợp pháp luật nên thông cảm, thương hại, tha thứ hơn là trừng phạt kẻ có tội.
 
Anh cháu của bị cáo George Sanderss nói trước tòa:
“Ông tôi sống để thương yêu bà tôi. Suối đời ông tôi làm mọi việc để bà tôi có hạnh phúc. Mối tình của ông bà tôi là mối tình lớn. Tôi tin ông tôi bị bắt buộc phải làm việc ấy vì yêu thương bà tôi, bà tôi chịu đau quá nhiều rồi, ông tôi không thể để bà tôi chịu đau nhiều hơn nữa.”

Ông Sanders bị bắt Tháng Bẩy năm 2012 sau khi ông nói với cảnh sát bà Virginia, vợ ông, 81 tuổi, xin ông làm bà chết. Vì ông Sanders nhận tội nên toà án không dùng đến bồi thẩm đoàn, nhưng ông vẫn có thể bị kết án đến 12 năm tù.

Bà Virginia bị bệnh nan y năm 1969, bà liệt bại, bà phải ngồi xe lăn. Năm 1970, ông bà sang sống ở Arizona vì khí hậu ở đây ấm nóng. Ông Sanders là Cựu Chiến Binh Thế Chiến II. Ông là người nuôi và săn sóc bà vợ. Ông nấu ăn cho bà, làm mọi việc trong nhà. Mỗi sáng ông giúp bà trang điểm, mỗi tháng ông đưa bà tới Nhà Thẩm Mỹ để bà làm tóc, làm móng tay.

image
Năm tháng qua, sức khoẻ của ông Sanders suy mòn. Ông phải đặt máy trợ tim, ông không còn săn sóc chu đáo được bà. Rồi bà Virginia bị ung thư phá ra ở chân, bà phải vào một Nursing home để người ta lo cho bà sống qua những ngày tàn cuối đời.

Ông Sanders nói với những viên chức điều tra:
“Ðây là giọt nước làm tràn ly nước. Virginia nhất quyết không chịu vào Nursing home. Vợ tôi tự cắt những ngón chân bị ung thối.”
Ông nói: - “Vợ tôi xin tôi cho bà ấy chết. Tôi nói tôi không thể.”
Vợ tôi nói: “Anh làm được mà. Em biết anh làm được.”
Sanders cầm khẩu súng lục, ông lấy khăn bông quấn ngoài khẩu súng, nhưng ông không sao bóp cò súng được.
Ông kể:  - “Vợ tôi nói: “Bắn đi anh. Cho em đươc chết.”
Tôi nói lời cuối với vợ tôi:
“Em sẽ không cảm thấy đau.”
Và:

image
“Anh yêu em. Vĩnh biệt em”
Tôi nổ súng.”

Trước toà, người con trai của ông Sandsers nói: - “Tôi muốn quí toà biết rằng tôi yêu thương mẹ tôi, tôi cũng yêu thương bố tôi như thế.”

Steve Sandes, anh con, nghẹn ngào kể: - “Bố tôi yêu thương mẹ tôi trong 62 năm. Những đau đớn thể xác và việc chịu đau vô ích đã làm bố mẹ tôi đi đến quyết định ấy... Tôi không kết tội bố tôi. Với tôi, bố tôi là người tôi cảm phục nhất.”

Ông già George Sanders chỉ nói trong khoảng một phút, giọng ông run run:

image
“Tôi gặp Viginia năm nàng 15 tuổi, tôi yêu nàng từ năm nàng 15 tuổi. Tôi yêu nàng khi nàng 81 tuổi. Có nàng làm vợ là một ân phúc Thiên Chuá ban cho tôi. Tôi sung sướng được chăm sóc nàng. Tôi làm theo ý muốn của nàng. Tôi xin lỗi các vị vì vợ chồng tôi mà các vị phải bận lòng.”

Ông Công tố đề nghị ông Chánh án không phạt tù giam George Sanders, ông nói toà nên xử án treo.

Ông Chánh án John Disworth nói ông đặt nặng tình nhân đạo trong vụ án này. Ông nói: - “Bị cáo phạm tội giết người, nhưng được toà giảm nhẹ mức án.”

Ông tuyên phạt ông già George Sanders 2 năm tù treo. Tù treo không bị cảnh sát kiểm soát.

o O o

Chuyện ông bà Sanders làm tôi suy nghĩ lan man. Tôi nhớ chuyện Cái Bát Gỗ tôi đọc những năm tôi 10 tuổi. Anh con thấy ông bố già run tay, khi ăn hay đánh rơi bát cơm, bát vỡ. Anh làm cái bát bằng gỗ cho ông già ăn cơm. Ông có làm rơi bát, bát gỗ không bị vỡ.

Một hôm anh thấy thằng con nhỏ của anh hí hoáy đục đẽo một cục gỗ, anh hỏi nó đục gỗ làm gì, con anh nói: - “Con làm cái bát gỗ, để khi bố già, con cho bố ăn cơm.”



image
Chuyện – dường như – ở trong sách Quốc Văn Ðộc Bản – đã 70 năm tôi không quên nó – nó đây là chuyện cái Bát Gỗ – nhưng chẳng có dịp nào tôi nhớ nó. Hôm nay tôi nhớ nó.

Từ sau năm 1975 ở Hoa Kỳ, Nhà Xuất Bản Xuân Thu in lại tất cả những sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư. Nhưng sách Quốc Văn Ðộc Bản – sách có nhiều bài thật hay – thì không thấy in lại. Tôi không biết tại sao Quốc Văn Ðộc Bản không được in lại ở Hoa Kỳ. Tôi đã đọc lại tất cả những sách Giáo Khoa Thư được in lại ở Hoa Kỳ, tôi muốn đọc lại những bài trong Quốc Văn Ðộc Bản.

Tôi nhớ lâu rồi, từ những năm 1950 khi tôi chưa gặp Tình Yêu Vợ Chồng, tôi đọc trên trang sách nào đó lời một ông Tầu viết: - 
“Vợ chồng như hai con chim tình cờ cùng đậu trên một cành cây. Ðến lúc phải bay đi, mỗi con bay đi một phiá.”

Năm xưa còn trẻ, tôi muốn phản đối lời diễn tả trên. Ông Tầu muốn nói vợ chồng là chuyện ngẫu nhiên, chẳng có tình nghĩa gì giữa vợ và chồng. Hôm nay tôi mới dịp viết ra lời phản đối.

image
Ông bác sĩ điều trị cho vợ chồng tôi mỗi tuần một ngày vào chẩn bệnh cho những ông bà già trong một Housing for Old Seniors – Housing này có nhiều ông bà già Mỹ trắng – ông nói: - “Có những cặp vợ chồng về già không nhìn được mặt nhau.”
Lời kể của ông làm tôi buồn. Vợ chồng sống với nhau đến già, ở chung một nhà già – mỗi người một phòng – sắp ra nghĩa địa, sắp vào hũ sành mà thù hận nhau đến không nhìn mặt nhau?? Thù hận gì dữ dội đến thế? Những người ấy thật khổ.

Bát đại khổ não ghi "8 Nỗi Khổ Lớn" của con người:

Sinh, Lão, Bệnh, Tử: 4 Khổ ai cũng phải chịu.
Muốn có mà không có: Khổ 5
Có mà không giữ được: Khổ 6.
Yêu nhau mà không được cùng sống: Khổ 7.
Ghét nhau mà phải sống gần nhau: Khổ 8.


Có người chỉ phải chịu có 7 Khổ.  Ðó là những người không yêu ai cả.

Nhiều người Việt phải chịu cả 8 Khổ; đó những người thù ghét bọn Việt Cộng mà cứ phải sống với bọn Việt Cộng.

o O o


Mùa thu mây trắng xây thành.

Tình Em mây ấy có xanh da trời.
Hoa lòng Em có về tươi?
Môi Em có thắm nửa đời vì Anh?

Tôi làm bài thơ trên Tháng Bẩy năm 1954 ở Vũng Tầu, ngày chúng tôi yêu nhau. Cuộc Tình của chúng tôi đã dài trong 60 năm. Cuộc Tình Vợ Chồng, trong cuộc đời Tám Khổ này, nàng và tôi chỉ phải chịu có Bẩy Khổ.

Năm 1979 nằm phơi rốn trong Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, nhớ Nàng, tôi làm bài thơ:
   
Yêu nhau ngày tháng qua nhanh,
Hai mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau.
Từ xanh đến bạc mái đầu
Tình ta nước biển một mầu như xưa.
Yêu bao giờ, đến bao giờ?
Thời gian nào rộng cho vừa Tình ta.
Hoa lòng Em vẫn tươi hoa,
Môi Em thắm đến Em già chưa phai.
Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai.
Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe Em
Mặt trời có lặn về đêm,
Sớm mai Em dậy bên thềm lại soi.
Cuộc đời có khóc, có cười,
Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay.
Thu về trời lại xanh mây.
Ðầy trời ta thấy những ngày ta yêu.
Càng yêu, yêu lại càng nhiều.
Nhớ Em, Anh nhắn một điều: “Yêu Em.”

Năm 2013 tôi đổi hai tiếng trong bài thơ:

“Yêu nhau ngày tháng qua nhanh,

Sáu mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau.”

o O o

12 giờ buổi trưa tháng Sáu, 2012, Nàng bước hụt, ngã nhào qua bốn bực thềm cửa, nàng ngất đi. Ngồi bên nàng trong nắng trưa mùa hạ Virginia, chờ Ambulance đến, nước mắt tôi ưá ra.

Trong ICU – Ai Si Yu – Intensive Care Unit – tỉnh lại, nàng nói: - “Xin Thiên Chúa tha tội cho em.”

Tôi nói: - “Em có tội gì. Mà Em có tội gì, thì Thiên Chúa cũng tha cho Em rồi.”

Nàng chỉ bị dập xương nên không bị mổ, không bị ghép xương, không phải bó bột. Về nhà nằm, uống Vitamin D, chờ vết xương nứt lành lại.

image
Tình trạng bi đát. Nhiều người nói người trẻ khi bị nứt xương mới mong vết xương nứt liền lại, người già 70 thì vô phương. Nếu vết xương nứt không lành, nàng sẽ phải nằm mãi trên giường.

Tôi hầu nàng ngày đêm. Gần như suốt ngày đêm, tôi xin Ðức Mẹ Maria cho nàng đi lại được. Tôi chỉ xin Ðức Mẹ cho nàng đi được từ giuờng ngủ vào nhà bếp, vào toilet, ra ngồi bàn ăn cơm, nàng tự tắm được.

Bộ Xã Hội cấp cho nàng đủ thứ nàng cần dùng: Xe đẩy, gậy chống, ghế để ngồi tắm.. Chuyên viên y tế – therapist – đến nhà mỗi tuần ba lần, giúp nàng ngồi lên, tập đi.
Một tháng sau nàng đi được.
o O o
 
Ba năm nay Nàng có tới ba, bốn lần đau nặng, hai ba lần nàng tự nhiên ngã. Một lần nàng hôn mê. Ðêm khuya trong bệnh viện, nằm trên cái canapé nghe tiếng nàng thở khò khè, tôi nghĩ: - “Tiếng thở này tắt là...”

Tôi cầu xin: - “Xin Đức Mẹ cho vợ chồng con được sống với nhau 5 năm nữa.”
Tôi không muốn tôi chết trước nàng, tôi không muốn nàng chết trước tôi.
Nàng chết trước tôi không biết tôi sống ra sao. Tám mươi tuổi, tôi sống với nàng 60 năm, tôi sống dựa vào nàng. Tôi sống bằng Tình Yêu của nàng.

Năm 1976 gặp lại nhau, Lê Trọng Nguyễn nói: - “Tao không biết mày có đi được không. Tao cứ tưởng mày làm USIS là mày đi được. Hôm tao gặp thằng S. ở trong khu nhà mày, tao hỏi nó mày có đi được không? Nó nói mày không đi được. Tao kêu lên: “Làm sao nó sống? Nó sống bằng gì? ” S. nó nói: - “Nó sống bằng Tình Yêu của vợ nó.”

Người bạn cùng tuổi tôi – 80 – lấy vợ cùng năm với tôi – năm 1954 – vợ chồng anh cũng sống với nhau 60 năm, một sáng từ Cali anh gọi phone cho tôi báo tin vợ anh qua đời, tôi hỏi: - “Ðau lắm không?”

image
Ðau thì tôi biết bạn tôi đau, nhưng tôi muốn biết anh đau đến ngần nào. Hỏi dễ, trả lời khó. Bạn tôi nói: - “Ðứt ruột, nát gan.”

Lần cuối tôi gặp ông Lê Văn Ba, ông hơn tôi 10 tuổi, ông nói với tôi: - “Tôi nói với bà nhà tôi: Bà nên đi trước tôi là hơn, tôi đi trước bà, bà sẽ khổ lắm.”

Năm sau ông đi trước bà. Ðứng bên quan tài ông, tôi nhớ lời ông nói.

Ông bạn HO có bà vợ bại liệt, ông phải đưa bà vào Nursing Home. Ðể bà ở lại ông một mình lái xe về. Dọc đường ông run tay lái, mắt ông mờ. Ông đậu xe bên đường, xuống đi bộ vài vòng lấy lại tinh thần. Khi trở lại tìm xe, ông quên không nhớ ông đậu xe ở đâu. Ông mở cellphone gọi ông bạn đến giúp.
 
o O o
 
Người đi ch nói “Good bye.”
“See You next week, next time” là cùng.
Ðôi ta ng
c n, tiên đng,
Ðôi ta T
 Thc v chng Giáng Hương.
Ngàn đ
i vn nh, còn thương:
Em yêu, đã đ
ến cui đường: “Good bye.
See You next Life./.

                     Hoàng Hải Thủy

Friday, March 13, 2015

Tù nhân từ Cổng trời trở về cướp máy bay vượt biên

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-03-12

Đoàn người đấu tranh chống độc tài cộng sản đi tìm tự do.
Hình ảnh do ông Dương Văn Lợi cung cấp
Rạng sáng ngày 30 tháng Chín năm 1981, chiếc trực thăng UH1 từ thời Việt Nam Cộng Hòa mà quân đội Bắc Việt tiếp thu, cất cánh khỏi phi trường Bạch Mai, đặt Hà Nội trong tình trạng báo động khẩn cấp.
Đó là chuyến vượt thoát của 10 người gồm 3 phi công miền Bắc, 5 thành viên trong gia đình miền Nam của ông Dương Văn Lợi, tù nhân trở về từ hai trại tù khét tiếng Nam Hà và Cổng Trời ở miền Bắc.
Chuyến vượt thoát gian nan với những tình tiết bất ngờ được ông Dương Văn Lợi ghi lại trong tập sách Hà Nội Báo Động Đỏ, quyển một đã xuất bản và quyển hai chưa viết xong:
Qua Pháp đầu năm 1986, sau một năm tôi bắt đầu viết. Đầu tiên tôi viết bằng tiếng Pháp, gọi là Helicoptere De La Liberte, Hành Trình Trực Thăng Đi Tìm Tự Do, hoàn tất năm 1990.
Năm 1992, khi ông Colby, xưa là giám đốc CIA mà lúc đó ông về hưu rồi, mời tôi qua bên đó ba tháng, tôi mới bắt đầu viết cuốn Hà Nội Báo Động Đỏ tại bên Washington DC.
Tại sao Hà Nội Báo Đỏ, ông Dương Văn Lợi giải thích:
Lúc mà tôi đi là ở Hà Nội báo động ba ngày, nội bất xuất ngoại bất nhập. Tôi qua bên Tàu thì được bên đó cho biết đó là cuộc báo động lớn nhất của cộng sản Hà Nội.
Tôi đi khóa 12 Thủ Đức và tôi giải ngũ năm 1964. Từ 1964 cho đến 1975 tôi là kỷ sư công chánh, làm về xây cất. Nếu đi là lúc 1975 tôi đi một cách dễ dàng vì tôi làm cho Mỹ mà.
Những năm tù tội
Không lâu sau ngày 30 tháng Tư 1975, thấy không thể sống trong chế độ vời những chính sách trấn áp và kiểm tra hà khắc, ông Dương Văn Lợi bắt đầu tìm cách trốn đi, khởi đầu những năm dài tù tội sau đó:
Tháng Bảy 1975, 30 người đi vào rừng, phần đông là cựu quân nhân mà không đi trình diện. Anh em tổ chức chứ không phải một mình tôi, định vô rừng nếu gặp những thành phần không đầu hàng thì mình hợp tác, nếu không thì mình vượt biên qua bên Lào, bên Miên.
Ba chục người chia làm 3 nhóm đi lên vùng Tam Biên. Đến tháng Tám nhóm của ông Dương Văn Lợi bị bắt tại vùng bên giới Tam Biên, giải thẳng về Ban Mê Thuột sau đó tống về khám Chí Hòa. Hai nhóm kia cũng không may mắn hơn, họ mất liên lạc với nhau từ đó.
Giam tại Cổng Trời từ 77 đến 78. Năm 78, 79, sự thật nếu không có bọn Tàu đánh qua thì chưa biết chúng tôi sống chết ra sao bởi ai cũng biết Cổng Trời là muôn năm cho tới chết
Tháng Mười 1975, ông Dương Văn Lợi được tạm tha nhưng vẫn bị theo dõi sát. Tháng Mười Một cùng năm ông bị bắt trở lại:
Tôi thuộc diện bị tập trung cải tạo, bị đưa lên Long Khánh tháng Hai năm 1977, bị ghép tội phản động. Sau họ xét nhà thì họ bắt những tài liệu tôi làm cho Mỹ về vấn đề xây cất. Họ ghép tôi là CIA cái đó mới là nặng. Tháng Tư năm 1977 họ đưa chúng tôi ra Bắc, đầu tiên giam ở Nam Hà . Ra đó coi như mình tiêu rồi, coi như chết rồi, do đó anh em bắt đầu chống đối không chịu đi lao động. Tới Noel 1977, khoảng 12 giờ khuya họ kêu anh em cùm lại để đi lên Cổng Trời.
Giam tại Cổng Trời từ 77 đến 78 . Năm 78, 79, sự thật nếu không có bọn Tàu đánh qua thì chưa biết chúng tôi sống chết ra sao bởi ai cũng biết Cổng Trời là muôn năm cho tới chết.
Vì cuộc chiến biên giới đó mà nhiều tù nhân Cổng Trời, trong đó có ông Dương Văn Lợi, được chuyển về Thanh Hóa:
Về đó họ đưa lên cùm liền, nặng thì cùm trước như cha Lễ hay đại tá Trịnh Tiếu. Tôi với Đặng Văn Tiếp thì lên cùng lượt, sau đó nhà đá bớt người thì họ đưa lên. Cùm trong nhà đá là kinh khủng.
Cho đến năm 1981 trên đó mà bị kỷ luật thì gia đình không được tiếp tế, năm đó chết cũng nhiều. Nhưng bắt đầu từ đó thì họ biết ăn hối lộ rồi, gia đình tôi chạy 10 lượng vàng để tôi được thả tháng Tư năm 1981. Nó chịu ăn hối lộ mình mới chạy được.
Về Sài Gòn, ông Dương Văn Lợi chỉ theo lệnh trình diện tại Bộ Nội Vụ nhưng không ra trình diện ở phường. Mục đích của ông lúc đó là tìm kiếm đường đi bằng mọi giá.
Kế hoạch cướp máy bay
May sau này nhờ bà con móc nối, lại thêm sự hỗ trợ của người em là sĩ quan công an của chế độ mới, ông Dương Văn Lợi làm quen với một số phi công bộ đội chuyên lái trực thăng đang chở ngày ra tòa vì tội buôn lậu. Mọi người thảo kế hoạch cướp máy bay trốn đi:
Khi mà máy bay đậu tại phi trường Bạch Mai thì nó gỡ hết bình điện, gỡ hết không bàn, lúc đó thì phải đi tìm mua. Mãi tới 5 tháng sau thì mới tìm được cái bình điện đã 10 năm
Phi công trực thăng mà đi buôn lậu bên Kampuchia, nguyên cả phi hành đoàn đó bị bắt, ba người bị hết. Nên nhớ phi công là con ông cháu cha không chứ đâu phải nhỏ, đã bị treo giò bị kỹ luật vẫn còn ở Tân Sơn Nhất, tụi nó cũng dự định trốn.
Khi thấy kế hoạch trốn đi từ Tân Sơn Nhất không thành, mọi người chuyển hướng ra phía Bắc:
Cuối cùng anh phi công chánh người Nghệ An và có em tôi là sĩ quan công an Việt Cộng bây giờ đang ở bên Nhật Bổn, cho biết phi trường Bạch Mai chấm được thì mới bắt đầu đi tìm mua không bàn với bình điện. Khi mà máy bay đậu tại phi trường Bạch Mai thì nó gỡ hết bình điện, gỡ hết không bàn, lúc đó thì phải đi tìm mua. Mãi tới 5 tháng sau thì mới tìm được cái bình điện đã 10 năm mà khi ra Hà Nội sạc vẫn mạnh như thường.
Chiếc trực thăng đó là của anh phi công tại Hà Nội đại khái lái giỏi nhất. Anh phi công đó ngày 30 tháng Chín phải ra hội đồng kỹ luật, anh nói cuối tháng Chín mà không đi thì coi như bỏ hết. Chiếc trực thăng UH 1 đó của Bộ Chính Trị đi mà.
Máy bay thì có người lo, tôi chỉ lo vấn đề mua bình , mua không bàn, Ra ngoài đó thì em tôi có trách nhiệm đi sạc bình lại.
Đến giờ G của ngày 30 tháng Chín, dự dịnh cất cánh vào lúc 4 giờ sáng không thành với những pha gây cấn đến thót tin. Theo sắp đặt, phi công chính và phi công phụ vào phi trường Bạch Mai bằng cửa chính. Phía ông Dương Văn Lợi mang theo hai con trai, người em ruột và một người cháu:
Trực thăng mang số 576 đã hạ cánh trên lãnh thổ Trung Quốc  
Trực thăng mang số 576 đã hạ cánh trên lãnh thổ Trung Quốc vì cạn xăng.
Đã cam kết là không cho đàn bà đi nhưng khuya đó anh phi công đem cô hôn thê của anh ta, cô đó lại cho một người bạn nữa đi theo. Thấy hai cô gái tôi chưng hững rồi, nhưng máy bay của người ta tôi đâu có từ chối được, mà để lại thì cũng nguy hiểm, thành ra có 10 người.
Phi trường Bạch Mai chỉ có 3 chiếc trực thăng thôi, tôi định cất cánh là đúng 4 giờ sáng. Hai người vô cửa chính là anh phi công chính và phi công phụ vì còn công tác ở đó tới hết tháng chín mới ra hội đồng kỷ luật. Nhóm của tụi tôi thì đợi tại cầu Long Biên, tôi, 2 cô gái, 2 đứa nhỏ với một thằng cháu.
Đã cam kết là không cho đàn bà đi nhưng khuya đó anh phi công đem cô hôn thê của anh ta, cô đó lại cho một người bạn nữa đi theo. Thấy hai cô gái tôi chưng hững rồi, nhưng máy bay của người ta tôi đâu có từ chối được, mà để lại thì cũng nguy hiểm, thành ra có 10 người
Một anh đem bình điện thì phải đi giao thông hào, nhưng khi vô đó ban đêm mà chiếc máy bay UH 1 của mình nó nhỏ hơn chiếc MI 8 của Nga, ban đêm tối thui anh đi lố đi. Hai người vô trước đợi hoài không thấy bình điện, đợi đến 5 giờ là buổi sáng trại gia bình họ tập thể dục mà vẫn chưa thấy bình vô. Tới khi anh này trở ra, cắt hàng rào kẽm gai đưa cái bình điện vô rồi thì mừng quá.
Đó là thời gian mà phi trường Bạch Mai được lệnh canh gác cẩn mật do trước đó hai tuần đã xảy ra vụ một thiếu úy an ninh quân đội Bắc Việt tình nghi cướp trực thăng nhưng không may bị chận bắt trở lại:
Cho nên sau đó mỗi chiếc trực thăng đều có một anh lính gác đạn lên nòng. Không ngờ cái anh lính gác đó lại là em chú bác gì với anh phi công chính, ảnh mới nói tao vô sửa soạn máy bay để sáng đưa các thủ trưởng đi công tác sớm. Sẵn có cây sắt khoảng 3 gang thì làm sao mà nó đội nón sắt mà đập ngay cần cổ cho nó ngất xỉu được? Thì người anh mới mời nó hút thuốc, bật hộp quẹt đưa ra thì ảnh cứ kéo kéo cho người này cúi đầu xuống thì anh phi công phụ đập anh lính gác một cây cho xỉu rồi đưa bình điện lên ráp.
Không may vừa ráp xong thì người lính gác tỉnh dậy và bỏ chạy nhưng lại không kêu được tiếng nào. Thế là hai người phi công cố rượt theo và đánh cho anh ta ngất đi một lần nữa:
Xong rồi lên trực thăng mà trời đang tối, mở công tắc một cái thì cái đèn trên bảng điều khiển nó sáng như một cái thành phố, cho nên anh cơ phi giựt đứt sợi dây liền, tối thui luôn, rồi bắt đầu cho máy chạy. Không ngờ cánh quạt ở trên cột sợi dây cáp mà không ai để ý. Anh cơ phi nhảy lên cởi giây cáp xong rồi xuống bật lại cho máy nổ, từ đó xuống cầu Long Biên đón tụi tôi liền, đón 6 người.
Ông Dương Văn Lợi khi đến Paris  

Chiếc trực thăng UH 1 bốc lên cao, trực chỉ hướng Hồng Kông như đã tính toán, nhưng:
Bay hai tua trở lại thì vẫn thấy thành phố Hà Nội. Phi công mới nói chết rồi không thấy không bàn đi không được. Hên là người cơ phi sực nhớ có hộp quệt, mới quẹt lên rồi để ngay cái không bàn, bắt đầu mới đi tiếp.
Đến Bắc Kinh
Run rủi thế nào chiếc UH 1 lại đáp xuống một nơi ở Quảng Tây của Trung Quốc thay vì Hồng Kông. Thời gian đó, điểm trùng hợp là nhóm của ông Dương Văn Lợi và chiếc UH 1 đến Trung Quốc chỉ sau vụ ông Hoàng Văn Hoan, một đảng viên cộng sản cao cấp Việt Nam, bỏ trốn qua Trung Quốc không lâu. Đây cũng là thời kỳ mà mối quan hệ Việt Trung không còn mặn nồng, vì thế Bắc Kinh muốn lợi dụng sự kiện chiếc UH 1 và 10 người trốn từ Việt Nam sang để tuyên truyền chống Hà Nội. Đó cũng là lý do những người mới đến được đưa về Bắc Kinh và được tiếp đãi trọng thể như khách quí.
Bay hai tua trở lại thì vẫn thấy thành phố Hà Nội. Phi công mới nói chết rồi không thấy không bàn đi không được. Hên là người cơ phi sực nhớ có hộp quệt, mới quẹt lên rồi để ngay cái không bàn, bắt đầu mới đi tiếp
Họ cho một đại dội gác cái máy bay, đưa tụi này về tỉnh, nói là tụi này chống tập đoàn Lê Duẩn. Một tuần lễ sau Bắc Kinh cho một chiếc máy bay đặc biệt rước tụi tôi về Bắc Kinh luôn. Họ tưởng tụi tôi đi như vậy thì sẽ tị nạn tại Bắc Kinh. Tôi còn nhớ họ cho ông thứ trưởng Ngoại Vụ và thứ trưởng Bộ Công An lên chấp nhận cho tụi tôi đến Trung Quốc.
Sau một thời gian, khi nghe những người trong nhóm trình bày ý muốn gặp đại diện của Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh để xin đi tị nạn tại một quốc gia khác, sự tiếp đón nồng hậu của Trung Quốc giảm hẳn:
Nghĩa là đổi 180 độ, hận thù. Tôi ở Bắc Kinh trên 6 tháng, lúc Liên Hiệp Quốc liên lạc với bên Mỹ thì bên Mỹ viết cho tôi thơ trả lời. Tôi gởi một đơn nữa thì bên đó cho người qua, nói với tụi tôi là 10 người các anh đến Mỹ thì không sao hết nhưng chúng nó có cho các anh đi đâu. Chúng nó là Tàu đó. Không ngờ là Mỹ cho đi mà Trung Quốc không cho.
Cuối cùng Hoa Kỳ nhận cho gia đình ông Dương Văn Lợi đi, nói rõ không vì lý do chính trị mà vì ông từng làm việc cho Mỹ ở Sai Gòn trước kia:
Nhưng cũng không ngờ là mấy anh em phi công không chịu, nói cho đi thì cho đi hết còn không cho đi thì không cho đi hết. Cho nên Mỹ từ chối khi đang làm giấy tờ cho tôi đi.
Hai năm rưỡi sau, từ Bắc Kinh gia đình ông Dương Văn Lợi được đưa về Liễu Châu với khuyến cáo nếu không muốn ở lại Trung Quốc thì phải vào sống trong trại tị nạn:
Mà trại tị nạn ở bên Tàu trời ơi nói không nỗi. Bắt đầu mấy anh phi công cũng nản rồi, biết là đi không được rồi...
Tại Liễu Châu, làm quen với một số người Việt từ Hà Nội hoặc Hải Phòng trốn qua Hồng Kông rồi bị bắt trả về Trung Quốc, ông Dương Văn Lợi gom góp tiền bạc để dành nhờ họ mua một chiếc thuyền cũ. Quyết định của ông là phải đi khỏi Hoa Lục và lần này bằng đường biển:
Tìm vượt đường biển từ đó lên tới Quảng Châu chỗ có biển tới 3.000 cây số lận. Nó cũng ham đi chứ nếu nó không ham đi mà lấy hết tiền thì tôi cũng kẹt bên Tàu luôn rồi.
5 người thuộc nhóm tổ chức (bị tử hình váng mặt)  

 
5 người thuộc nhóm tổ chức (bị tử hình vắng mặt)



Lo xong mọi việc, gia đình ông Dương Văn Lợi cùng khoảng 10 anh em người Việt đã giúp ông mua lại chiếc tàu chuẩn bị đi Quảng Châu:
Năm 83 là tôi đi, 300 cây số tới Quảng Châu, xuống bãi biển ở Quảng Châu.
Trốn khỏi Trung Quốc
Đó là chuyến vượt biển đầy trắc trở, tàu thì cũ nên hết hư cái này đến hỏng cái khác. Trên đường đi, ông Lợi kể là ông thấy cả 40 thuyền lớn nhỏ đi ngang mà không chiếc nào dừng lại cho đến khi được tàu Liên Xô vớt trong một cơn bão:
Tàu Liên Xô vớt thì tôi nói tôi người Đài Loan, đi đánh cá bị bão. Lên đó thì phải nói bằng tiếng Anh không thôi. Tàu Liên Xô cho hai người thợ máy xuống sửa, nếu sửa không được thì họ kéo mình vô bờ nhưng tôi biết vô là mình bị bể vì họ sẽ đưa qua tòa đại sứ gần nhất.
Thế là ông Dương Văn Lợi cố thuyết phục bên tàu Liên Xô cho chiếc thuyền nhò của ông tiếp tục cuộc hải hành. Cuối cùng, tàu cập vào một đảo nhỏ của Philippines là Dalupiri.
Liên Hiệp Quốc kêu tụi tôi là Group 14 Dalupiri, có nghĩa là 14 người lên đảo Dalupiri.
Từ đảo Dalupiri, mọi người được bốc về Manila, tiếp đến chuyển thẳng vào trại tị nạn Palawan.
Tại Palawan, ông Dương Văn Lợi xin đi định cư ở Canada. Nhưng do do thủ tục khám sức khỏe để nhập cư Canada quá nhiêu khê và quá lâu, sẵn phái đoàn Pháp chấp nhận cho đi dễ dàng và nhanh hơn, ông Dương Văn Lợi quyết định đi Pháp. Đó là năm 1985.  Mười người vượt biển trên chiếc tàu của ông còn ở lại Palawan và chỉ đến Pháp nhiều năm sau đó.
Sau chuyến vượt thoát thành công bằng trực thăng từ phi trường Bạch Mai năm 1981, Hà Nội mở phiên xử khiếm diện, tuyên án tử hình 5 người trong nhóm gồm ông Dương Văn Lợi, em ông là sĩ quan công an Dương Văn Báu, phi công chính, phi công phụ và cơ phi.
Gia đình tôi qua Pháp, em tôi là Dương Văn Báu đi sau tôi vài năm. Nó trốn từ Bắc Kinh, ra biển gặp tàu Nhật vớt và tị nạn ở Nhật Bản cách đây cũng khá lâu rồi.
Còn hai vợ chồng Lục là phi công chánh thì ở lại Bắc Kinh và bây giờ làm ăn giàu có lắm. Anh phi công phụ tên Sơn cũng ở tại Bắc Kinh. Còn một anh cơ phi cũng trốn từ Bắc Kinh qua tị nạn ở Canada , anh Đoàn, là người Thượng mà vô dân Canada rồi. Cách đây 5 năm tôi được tin là anh về thăm gia đình, vừa xuống máy bay thì bị bắt giam tại Hà Nội, từ án tử hình xuống còn án chung thân khổ sai.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, Hà Nội Báo Động Đỏ và cựu tù cộng sản Dương Văn Lợi, tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc xin hẹn quí vị tuần tới