Wednesday, February 26, 2020

TRỊNH CÔNG SƠN: NGƯỜI BẠN HỌC, KẺ ĐỐI NGHỊCH, ĐỨA PHẢN BỘI....

Niên khóa 1959-60, tôi lên lớp Terminale (lớp Tú Tài 2) ở trường Jean-Jacques Rousseau, Sài Gòn. Lúc ấy, trường này không mang tên Chasseloup Laubat nữa, như một ông tác giả nào đó còn gọi lộn.

Lớp học là một phòng riêng biệt nằm ở góc đường Công Lý và Hồng Thập Tự, gần dinh Độc Lập. Trong lớp Terminale, ban Philosophie, có một số học sinh cũ từ dưới lên, có một số ở các trường ngoài vào, hoặc "học nhờ". Lớp Philo của tôi năm đó có sáu cô từ Marie Curie, hay trường các bà sơ Pháp Regina Pacis, Regina Mundi, vào "học nhờ", chiếm hẳn ba bàn học, mỗi bàn ngồi hai cô nàng, xếp liền nhau, trong sáu cô nàng đó bây giờ tôi còn nhớ ba, là Nguyễn Thiếu Nga (nhí nhảnh, dễ thương, sau đi Mỹ học, bây giờ không biết ra sao, nếu tình cờ đọc được bài này, làm ơn lên tiếng nhé, bà Nga!), Caroline (mà tên Việt tôi quên mất, vui tính, lúc nào gặp cũng cười, và bọn con trai cứ gọi đùa là Caroline chérie, theo tựa đề một quyển sách Pháp), và Nhung (tôi quên họ, hiền thục, ít nói, luôn mặc áo dài xanh hoặc trắng đi học).

Trịnh Công Sơn là học sinh từ ngoài vào Jean-Jacques Rousseau học Philo, tôi chẳng rõ từ đâu tới mà cũng chẳng bao giờ hỏi. Lần đầu, các học sinh chọn chỗ ngồi, đâu vào đó rồi, không ai được thay đổi nữa, vì các thầy cô muốn vậy để dễ nhận diện, như thế cho đến hết năm học. Sơn đeo kính cận, gọng đồi mồi lớn, mặt mày, râu ria, và dáng dấp gầy gầy giống tôi, nên các thầy cô, nhất là Monsieur Pezeu, thầy Sử-Địa (Histoire-Géographie), một giáo sư vào tuổi sồn sồn (nổi tiếng dê cụ, nghĩa là lúc giảng bài cứ hay đưa mắt dòm dòm về phía các cô cười cười), thường lẫn lộn Sơn với tôi. Nhiều lần Pezeu gọi lên khảo bài, tên thì gọi đúng của tôi, nhưng ông hất hàm, đưa mắt nhìn Sơn, hoặc ngược lại, gọi Sơn mà cứ đăm đăm ngó tôi, khiến hai đứa bối rối, nhìn nhau, tự hỏi không biết đứa nào sẽ phải "hy sanh", và có khi tôi, có khi Sơn, nếu hôm đó đứa nào thuộc bài, tự nguyện đứng lên bục trả lời thay cho đứa khác. Rủi là hai đứa đều kém Sử Địa một cách tệ hại giống nhau, nên điểm đứa nào cũng dưới trung bình. Tôi nhớ một lần, lên "hy sanh" cho tôi, bị hỏi một câu về Géo (Địa) khó quá, Sơn đứng như trời trồng, nhìn Pezeu cười trừ, vẻ rất ngây thơ vô tội, và bị ông thầy phết cho con 03 (trên 20), nhưng khổ một nỗi đó là điểm mang tên... tôi. Biết thế, nhưng chả đứa nào cải chính, vì hai đứa đều dốt và ghét Sử-Địa ngang nhau. Đó có lẽ là kỷ niệm duy nhất tôi có về Sơn.

Trịnh công Sơn, một trong những kẻ từng to mồm: "nối vòng tay lớn..."
đón giặc cộng vào chiếm phá miền Nam (VNCH)

Trong lớp Philo năm đó, có khoảng 40 tên. Ngoài Trịnh Công Sơn, tôi nhớ còn Nguyễn Văn Hòa, con của một giáo sư trung học (thầy Kính?) tắm biển chết ở Vũng Tàu. Hòa trẻ nhất, nhưng học giỏi nhất lớp, nhất là môn Triết, thường đến bắt chuyện, hỏi thăm tôi một cách rất tử tế. Có Vương Quang Sơn, con của Bác sĩ Vương Quang Trường, cháu của Luật sư Vương Quang Nhường, thủ lãnh Luật sư đoàn, gia đình vọng tộc nổi tiếng vào thời ấy; Sơn Vương này cũng đeo kính cận, hình như không biết nói tiếng Việt. Có Lê Hoàng Ân*, bạn khá thân, mà lúc đầu tôi tưởng lầm là tên của ông tân Tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam , Lê Công Ân. Có Dương Sơn Trường luôn ngồi chung với Nguyễn Trung Tâm, không biết cả hai bây giờ ở đâu*. Có Trương Cam Hiển, không biết có liên hệ gì với các cụ Trương Cam Vĩnh, Trương Cam Khải hiện ở Mỹ không. Có ba anh Tây con, mà tôi chỉ nhớ hai: Claude Desboeufs (Desboeufs có nghĩa "của những con bò", đúng ra phải đọc là Đề-Bơ, khi boeuf (bớp) ở số nhiều, nhưng chúng tôi muốn chọc anh ta gọi là thằng Đề Bớp, anh ta bực lắm, và Alain Bui (đọc là Bui, chứ không phải Bùi), Tây chính cống, đẹp trai, dễ thương, chơi thân. Những người bạn học này, tôi không biết tin tức gì từ ngày rời trường, năm 1960, tức đã đúng nửa thế kỷ rồi.

Có ba người tôi biết tin chính xác. Đó là:

1) Hoàng Văn Kim, rất đẹp trai, trắng trẻo, người Bắc. Năm 1963, tôi về Nha Trang dạy học, thì bất ngờ gặp Kim đang là SVSQ tại Trung tâm Huấn Luyện Không Quân. Về sau, lúc tôi ra Thủ Đức, về đơn vị ở Ban Mê Thuột, Kim trở thành phi công lái khu trục A37 và năm nào đó, Kim lái biểu diễn tại quân trường Thủ Đức nhân dịp Nguyễn Cao Kỳ chủ tọa một buổi lễ lớn. Theo báo chí, máy bay của Kim đâm xuống đất sâu mấy thước. Khi TCS viết bản nhạc "Cho một người nằm xuống" (Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây...), tôi cứ tưởng anh ta làm để tưởng niệm Kim, một bạn học cũ. Nhưng nghĩ lại Sơn không chơi thân với Kim hay bất cứ ai trong lớp bèn thắc mắc không biết đối tượng là ai, cho đến sau này, qua cô ca sĩ "mùa chay nào cũng có nước mắt" mách trên sân khấu mới rõ là ông cố chuẩn tướng Lưu Kim Cương, người đã chứa chấp cho Sơn trốn quân dịch và Sơn khóc để trả ơn.

2) Phan Quang Tuệ, con của Phó Thủ tướng Phan Quang Đán, hiện là thẩm phán Di trú tại San Francisco . Tuệ lúc còn ở trường chơi với tôi, tính tình dễ thương, thường nói chuyện qua lại, giọng của Tuệ hình như là Nghệ An, Hà Tĩnh lai Huế. Mấy năm trước, chị Kiều Mỹ Duyên cho tôi số điện thoại làm việc hay cell của Tuệ, tôi gọi mấy lần không được*.

3) Trần Quý Phong, con nhà giàu, chủ khách sạn Catinat và Đêm Màu Hồng, sau này trở thành dân biểu VNCH. Từ lâu tôi nghe tin ai nói, và đinh ninh, rằng Phong đã chết trong ngục tù cải tạo. Nhưng cách đây mấy tháng thôi, tôi đọc trên báo một bài tường thuật lễ kỷ niệm nào đó ở vùng DC hay Virginia , có nhắc rõ ràng tên "cựu dân biểu Trần Quý Phong" tham dự. Tôi dụi mắt, đọc lại cho kỹ. Té ra anh ta còn sống, mừng lắm! Không lẽ trước đây có hai ông dân biểu Trần Quý Phong? Dĩ nhiên, tôi không biết gì thêm nữa qua bài báo tình cờ được đọc ấy. Lúc còn học, Phong đôi khi quên làm bài philo ở nhà. Trước giờ nộp bài, Phong rủ tôi ra "gánh" kem trên lề đường Hồng Thập Tự, trước cổng trường, đãi tôi một ly, rồi mượn bài philo của tôi, chép lại tại chỗ. Tôi dễ dãi, vì còn kẹt ly kem, nhưng cũng thòng một câu: "Nhớ đừng chép nguyên văn nghe không toa." Cũng may thầy Lê Văn Hai, giáo sư Philo, có lẽ không đọc bài, nói chi sửa bài, mà cứ nhắm mắt cho điểm, không ghi một lời phê dù nhỏ nào, đứa nào cũng vừa đủ trung bình (trừ bài của Nguyễn Văn Hòa luôn luôn trên 16), cho nên bài của tôi và của Phong gần như sao y bản chánh, mà tôi (khổ chủ, tác giả) được 10, Phong (chép viên) lại được 12*.

Thầy Hai là agrégé (không phải thạc sĩ) Triết, tốt nghiệp École Normale (trường Sư phạm Pháp), như Sartre, người gầy thấp. Ông giảng (hay đúng hơn, đọc) bài bằng tiếng Pháp, dĩ nhiên, miệng chúm lại, như bị hô, những tử âm gió (consonnes sifflantes, s, z, ch, v.v...) bay ra vù vù (giống như TNS McCain nói tiếng Anh, quý bạn để ý nghe lại). Khi đọc, ông bỏ kiếng trắng, nhưng thỉnh thoảng nghe đứa nào nói chuyện to quá, ông nổi nóng, vội chụp kiếng đeo lên, nhìn chòng chọc thủ phạm, mắng chửi một hồi, rồi cúi xuống đọc tiếp. Không bao giờ thầy cười hay nói chuyện với học trò. Xong lớp, ông biến đâu mất. Còn thầy dạy Physique-Chimie (Lý Hóa) là một ông già béo phệ, Monsieur Breton, quanh năm suốt tháng chỉ đóng một bộ complet xanh nhạt, dính đầy bụi phấn, hình như không bao giờ giặt. Dạy Lý-Hóa mà mới bước vào lớp ông đã thao thao bất tuyệt ngay, nói không người lái, như đọc thuộc lòng, hồn ai nấy giữ, chả đứa nào "nắm" (tiếng VC) được cái gì. Ông hiền lắm, nên học sinh phá, có đứa khi thực tập thí nghiệm hóa học, vô tình hay cố ý pha trộn hóa chất bậy bạ, ống thủy tinh nổ, làm giật mình, lúc ấy ông mới lớn tiếng thôi, và gọi ông Tây Tổng giám thị rất hắc ám, người Corse, có nickname là Bù Lệt, vào chửi giùm và cho hình phạt. Còn bà dạy Khoa Học (Sciences Nat), Madame Cervetti, đẹp, hiền, năm nào cũng mang bầu bự. Mỗi lần thực tập mổ nghiên cứu chuột, ếch, v.v... mấy anh nam sinh trời đánh, cứ xách chuột nhát các cô "học nhờ" khiến các cô hoảng hồn, la ơi ới. Dạy Sử Việt Nam thì có thầy Nguyễn Văn Ban, mỗi tuần vào lớp mở sách ra đọc rào rào đủ một giờ, rồi "dọt". Thầy dạy Việt văn là ông Tôn Thất Dương Kỵ, mà sau này tôi mới biết là cán bộ Việt Cộng, bị tướng Nguyễn Chánh Thi trục xuất qua bên kia Bến Hải cùng với hai người khác. Khi học Việt ngữ, mỗi tuần một lần, tất cả các lớp, đều tụ lại học chung trong một phòng lớn, nghe thầy Kỵ đọc một bài văn tiếng Việt rồi bản dịch ra tiếng Pháp của chính ông, và ngược lại. Chả đứa nào phải làm gì, nhưng không trốn học được, vì ông Bù Lệt lù lù đứng đó.

Sở dĩ tôi kể tên một vài thầy cũ, nay chắc đã chết cả rồi, và bạn cũ, chẳng phải để khoe mẽ gì ráo, nhưng chẳng qua tôi có cái tật nói có sách mách có chứng. Lý do thứ hai, tôi muốn những người bạn cũ đã mất liên lạc nếu đọc bài này biết tôi còn sống nhăn đây, cũng chẳng để làm gì, chỉ muốn cùng nhau ôn kỷ niệm, khi bóng đời đã xế. Thế thôi.

Trở lại Trịnh Công Sơn. Anh ta rất đơn độc, suốt niên học không nói chuyện với ai, trừ tôi ngồi cạnh, nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng thôi, để hỏi bài vở. Ít nói, không thân thiện, nhưng không làm phiền ai bao giờ. Trái lại, tôi thấy vẻ ngoài Sơn dễ thương. Xong các giờ học, không thấy anh ta đâu nữa. Riết rồi chẳng ai còn nhớ sự hiện diện trong lớp của Sơn. Tôi nghĩ bây giờ những người học lớp Philo năm đó, không chắc có ai còn nhớ đến Sơn, trừ sau khi đọc bài này của tôi. Lúc ấy, tiếng tăm của Sơn chưa nổi. Sơn sinh hoạt tại Jean-Jacques Rousseau như một bóng mờ. Khi đọc báo nghe biết anh soạn nhạc từ thời đi học, tôi rất ngạc nhiên, vì ít ra suốt thời gian còn ngồi cạnh nhau, tôi không hề thấy anh trong lớp viết lén nhạc hoặc ca âm ỉ trong miệng, trái lại học hành chăm chỉ, đôi khi tay chống cằm lơ đãng nhìn ra phía đường Công Lý, dập dìu xe cộ.

Niên học của tôi cũng là năm đầu tiên chính phủ Pháp áp dụng thủ tục mới thi Bac II: thi hai lần, không có vấn đáp. Tháng 4 thi đợt đầu, hai tháng sau, đợt hai, tại khuôn viên trường Marie Curie. Điểm số của hai đợt được cộng lại để lấy trung bình cho đậu hay rớt. Cũng như với Bac I, bài thi từ Paris gửi đến qua Tòa đại sứ Pháp Sài Gòn. Tôi được đậu, nhờ bài Triết (số điểm ấn định cho môn này là 40 thay vì 20 cho các môn khác) mà tôi đầu tư vào tối đa, vì tôi biết mình kém về các môn khác, chủ trương "được ăn cả ngả về không", như hiện giờ thỉnh thoảng đánh phé tố láng (all in) với bạn bè, em út. Năm đó, Trịnh Công Sơn, tôi dò đọc, không thấy tên trên bảng vàng. Và anh biến mất khỏi trường, khỏi trí nhớ tôi.

Chuyện về Trịnh Công Sơn và bài viết của tôi có thể kết thúc tại đây. Nhưng thời gian phục vụ tại trường Đại Học CTCT Đà Lạt, một đêm nào, tôi đi lang thang, tắp vào một quán cà phê, Tùng hay Domino (?), bất ngờ gặp lại Trịnh Công Sơn đang trình diễn nhạc ở đấy. Sơn không nhớ tôi, phải nhắc trường JJR, Monsieur Pezeu và chuyện"hy sanh" trả bài Histoire-Géo cho nhau, Sơn mới "à" ra, cười thành tiếng -điều rất hiếm hoi. Sơn còn nhái giọng nói của Pezeu khi gọi tên hai đứa: Ngu-y-en-Kim-Ky và Chin-Kông-Xon. Tôi cũng cười. Vì không khí ồn ào và Sơn bận tíu tít, tôi từ giã ra về, sau đó lòng thấy dửng dưng không buồn, không vui, bởi vì cả hai không thân nhau. Rồi ngày 30/4/1975, trong lúc đất nước hấp hối, và quân trường CTCT vừa mới tan hàng, tôi và tất cả quân dân Miền Nam nghe trên radio tiếng hát của Sơn, trong bài "Nối vòng tay lớn". Hát rồi nói, nói rồi hát tiếp, lặp đi lặp lại, giọng mỗi lúc một to hơn: "Hôm nay ngày vinh quang của dân tộc, ngày này chúng ta đã mong đợi từ lâu, mời các bạn văn nghệ sĩ hãy về đây cùng ca với chúng tôi Nối Vòng Tay Lớn, vòng tay của anh em, của tình thương, của bẻ gẫy xích xiềng, của chống Mỹ, của diệt Ngụy." Tôi ngỡ ngàng, đau xót, tức giận, buột miệng chửi thề: "Salaud, thằng khốn nạn!" Trên đường Lê Văn Duyệt về nhà, thấy những chiếc xe tăng đầu tiên chở lúc nhúc những "sâu bọ" và những "đàn bò vào thành phố" (câu của TCS), tôi nghẹn ngào, nước mắt chảy quanh. Đọc trên báo, thấy có người "quốc gia phe ta" lên tiếng bênh vực hành động này của Sơn (ví dụ, Sơn bị bắt buộc), nhưng lập luận của họ quá ấu trĩ, không thuyết phục nổi ai. Những tài liệu tôi đọc được chứng minh rằng anh ta là VC nằm vùng thứ thiệt từ lâu. Nhưng đây không phải là chủ đích bài này.

Rồi năm 1989, tôi đang ở Paris . Cô cháu gái tôi từ Việt Nam trở về. Cháu khoe với tôi, có ông nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi cùng chuyến Air France , mang theo nhiều bức tranh, "bị cảnh sát phi trường Orly chận hỏi, ông ta cãi lại, bằng tiếng Pháp, cũng lưu loát lắm." Tôi nói, "ông đó học cùng lớp với cậu ở trường Jean-Jacques Rousseau Sài Gòn trước kia." Cháu reo lên, "hèn gì ổng nói giỏi tiếng Pháp." Quả vậy, năm đó, Trịnh Công Sơn đến Paris để triển lãm tranh, hay trình diễn ca nhạc gì đó, dưới sự bảo trợ của tòa đại sứ VC. Dĩ nhiên, còn lâu tôi mới đi tìm gặp anh ta, xem tranh, hay nghe hát. Trịnh Công Sơn, một người bạn học cũ, đã chết trong tôi như một kẻ đối nghịch, một đứa phản bội, ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, kể từ ngày 30 tháng 4, 1975, trước khi chết thật, vào năm 2001.

Những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn ca tụng nhạc của anh hay, lời óng chuốt như thơ, gọi anh là “phù thủy của ngôn ngữ”. Tôi không nghĩ vậy. Tôi không rành về nhạc, nhưng có thể nói mà không sợ sai rằng nhạc Trịnh Công Sơn trung bình, đơn điệu (monotone), tẻ nhạt quá, bài nào cũng một âm giai, nghèo nàn, buồn rầu, nghe là biết của anh liền, so với những ca khúc của Phạm Duy, phong phú, biến đổi (varié), mỗi bài mỗi khác, hay của Đặng Thế Phong, đặc biệt Văn Cao nghe sang cả, cổ điển, cung điệu trầm bổng, thay đổi ngay trong cùng một bài, như "Thiên Thai" hoặc "Bến Xuân".

Còn lời ca? Những chữ như rong rêu, sỏi đá, ghế đá, đá xưa, đá ngây ngô, hòn cuội, công viên, sâu bọ, kiếp người, hư vô, tiền kiếp, cát bụi, hóa kiếp, trần gian, hiện tại, xa lạ, một ngày như mọi ngày v. v... đều là những nhóm chữ lấy từ những bài học Triết dựa trên tác phẩm của Sartre, như La Nausée (Buồn nôn), và Camus, như L'Étranger (Kẻ xa lạ), chẳng hạn, mà Trịnh Công Sơn đã dịch ra và được thấy nhan nhản trong Sáng Tạo của lớp nhà văn, nhà thơ hiện sinh mới. Chả có gì mới mẻ đối với văn học sử Pháp và chúng tôi, thuộc lớp Philo tại Jean-Jacques Rousseau đầu thập niên 60.

Tại Qui Nhơn năm nào, sau một cuộc hành quân trở về, tôi cùng với anh hạ sĩ tài xế vào một tiệm kem, chuyên chơi nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi đến quán ấy không phải để nghe Trịnh Công Sơn, mà để ngắm cô chủ tiệm có mái tóc thoảng mùi hương bưởi, nước da trắng bóc và đôi mắt tình không chịu nổi. Lúc ấy, trong băng cassette, Khánh Ly đang hát bài "Ru mãi ngàn năm". Đến câu "bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm..." anh tài xế nói nhỏ với tôi: "Ông thầy có nghe không? Bàn tay em nào chả năm ngón, ông nhạc sĩ này thiệt kỳ, còn nếu bàn tay em nào có sáu ngón thì làm sao đây, phải chặt một ngón đi chăng?" Anh ta không biết rằng, bàn tay năm, sáu ngón ấy, hay ngón tay nói chung, Trịnh Công Sơn lấy từ một bài thơ của một ông thi sĩ trường phái Siêu thực Pháp nào đó mà thơ thuộc loại "hũ nút" còn hơn của Thanh Tâm Tuyền, hoặc Bùi Giáng. Nguyên Sa cũng có một bài thơ nói về các ngón tay của “em”, ngón này dùng để... ngón kia dùng để..., bắt chước hình như một bài của Prévert. Hay nhóm chữ dài tay em mấy trong câu dài tay em mấy thuở mắt xanh xao là một cấu trúc văn phạm quen thuộc trong thơ Pháp (tĩnh từ hay trạng từ đứng trước danh từ). Những mưa hồng, nắng thủy tinhv.v... là hình ảnh, ẩn dụ rất thường gặp trong văn chương Pháp.

Bởi vì bài của tôi không có chủ đích phê bình nhạc và lời của Trịnh Công Sơn, nên xin phép tạm dừng ở đây. Muốn viết một bài phê bình hẳn hoi, phải nêu ra nhiều dẫn chứng, ví dụ –điều rất dễ nếu có thì giờ và tôi nghĩ sẽ, hay đã, có người khác làm.

Nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc phản chiến nặng, cộng thêm những bức ảnh của Nick Út, một tên Việt gian khác, chẳng hạn, đã góp phần vào sự sụp đổ của đất nước Miền Nam thân yêu của chúng ta bằng cách tiếp tay cho Cộng sản Việt Nam trong mưu đồ xâm lược (kêu gọi phản chiến một chiều) của chúng, tác động ít nhiều trên tinh thần đấu tranh của toàn quân toàn dân ta trước thực trạng bi thảm của chiến tranh (một cuộc chiến tranh do chính lũ Cộng Phỉ gây nên), và nhất là trên cái đầu tăm tối, ngu xuẩn của những chính trị gia và ký giả quốc tế vô luân. Chúng ta mất nước, ra đi tỵ nạn, gia đình tan nát, cá nhân bị bắt bớ, tù đày, thân nhân bị hãm hiếp, hoặc vùi thây trong lòng đại dương, và xa hơn những đồng bào ruột thịt tại quê nhà đang rên siết dưới gông cùm Cộng sản, tất cả cũng bởi vì những món độc dược văn hoá nguy hiểm ấy.

Vả lại, nhạc và lời của Trịnh Công Sơn đâu đặc sắc gì cho lắm, mà những kẻ đầu nhỏ như đầu chim sẻ phải khen ngợi, mê man, ca ngợi rối rít, ầm ĩ. Tuy nhiên, tôi tôn trọng ý thích của mọi người, miễn là họ đừng viết những bài để cầm ống đu đủ thổi Trịnh Công Sơn và sự nghiệp âm nhạc của anh ta lên tận mây xanh, các chủ băng video đừng bắt đồng hương và những người quyết tâm chống Cộng tới chiều, như tiện nhân đây, và những thế hệ con em lớn lên sau chiến tranh, chưa biết Cộng sản là gì, phải nghe những ca khúc Trịnh Công Sơn trong khi họ lợi dụng danh nghĩa chiến sĩ, thương phế binh, tử sĩ VNCH để bán hàng. Những việc làm vô ý thức đó rất mâu thuẫn, có tính cách phản bội, và đâm sau lưng chiến sĩ đấy. Không ai cấm các người mê “nhạc Trịnh”, chúng ta đang ở trong một nước tự do, dân chủ mà! Chỉ xin các người làm ơn hát, nghe hát nó trong xe, trong phòng ngủ, phóng tắm, như khi các người làm những việc cá nhân kín đáo. Đừng bắt thiên hạ mê theo các người, khổ lắm!

Các người cũng đừng ngụy biện rằng nghệ sĩ, nghệ thuật là phi chính trị, và Trịnh Công Sơn là nghệ sĩ nên không cần biết lập trường của anh ta là gì. Sai, chủ trương "nghệ thuật vị nghệ thuật" chỉ là một ảo tưởng. Có giỏi cứ đem vấn đề này ra tranh luận với Việt Cộng, nhất là Tố Hữu, là bọn chuyên bắt nghệ thuật (kể cả thơ con cóc chết của Bác khi còn chui rúc trong hang Pắc Bó) phục vụ cho mọi ý đồ chính trị đen tối. Tranh luận đi, chúng sẽ cười cho thối mũi.

Còn những người tỵ nạn lưu đày chân chính? Chúng ta hãy luôn tỉnh táo, đừng thấy ai khen, mình cũng vỗ tay khen theo, nức nở. Việc ấy, xưa rồi.

kim thanh/nguyễn kim quý
Copy from Fb Te Nguyen

* Tác giả Kim Thanh (OR) đã liên lạc được với ba người bạn cũ, Lê Hoàng Ân (TX), Phan Quang Tuệ (CA) và Trần Quý Phong (GA), nhờ những đệ tam nhân có lòng, sau khi bài này được post lên các diễn đàn cách đây vài năm. Mới đây liên lạc qua email với Dương Sơn Trường ( Hawaii )
** Sau khi thì rớt tú tài 2 năm 1960, TCS vào học trường Sư phạm Trung cấp 2 năm ở Gềnh Ráng, Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, từ 1962-64. Khi tốt nghiệp, đã dạy các lớp tiểu học một thời gian ngắn ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Mùa hè 1967, do lệnh Tổng Động Viên ban hành, TCS đã về Sg mưu sinh, và bắt đầu tình trạng trốn lính từ dạo ấy!

FB James Nguyễn 

No comments:

Post a Comment